[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


17 tháng 3 2022

Bài 4: Về GIA PHẢ VÀ ĐỊNH HƯỚNG SOẠN PHẢ HỌ NHÀ

Trong phần TRƯỚC KHI NHẬP PHẢ, ở Bài 1 đã chép lại một số hiểu biết chung và về thành tố HỌ, Bài 2 tiếp về VIỆC HỌ, Bài 3 đã tìm hiểu về GIA PHẢ. Sau đây là Bài 4: Tìm hiểu về GIA PHẢ và ĐỊNH HƯỚNG SOẠN PHẢ CHI HAI HỌ LƯƠNG GỐC CHIẾN THẮNG.

Về GIA PHẢ HỌ NHÀ:

1. Từ khi lập nghiệp đến trước 1945, tại Cao Mật (nay là Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng), tuy không có người đỗ đạt cao, làm đến chức lớn nhưng hậu duệ của Cụ Tổ nhiều người “có chữ”, sản điền khá, có phẩm hàm 品銜 Bá hộ 伯戶; nhiều người làm Cai tổng 該總, Lý trưởng 里長, Đốc công 督出, chỉ huy Hương binh; nhiều người dạy học ở xã, tổng… có tiếng trong vùng. Do vậy chắc chắn có và Gia phả được chép kỹ nhưng đã bị thất lạc.

Những năm 1977 mấy vị cao niên trong họ họp nhau, theo trí nhớ đã soạn Gia phả. Cuốn đó cũng đã thất lạc, chỉ còn bản lược sao, thật đáng tiếc!

2. Cho đến nay người soạn Phả này đã được tiếp xúc với những cuốn còn lại, là:

Gia phả Lương tộc ngành Hai (Lương Đức Thân phiên âm, lược dịch năm 1994 từ bản chữ Hán của Lương Đức Bình, Lương Đức Chiểu soạn 19/3 Đinh Tị tức 06/5/1977);

 Gia phả Lương tộc ngành Ba (bản phiên âm do Lương Hoàn An cung cấp);

Gia phả Lương Đức Lào Cai gốc Chiến Thắng (Lương Đức Mến soạn từ 1997, chỉnh sửa năm 2012);

 Danh sách con cháu họ Lương Chiến Thắng (Trưởng họ đời thứ 8 Lương Đức Nghiễn cung cấp từ năm 2000);

Danh sách con cháu họ Lương ngành Hai (Lương Đức Hoạt, Lương Đức Thành…khởi lập từ 2015).

3. Nhưng rõ ràng các bản trên còn sơ sài, chưa phải Gia phả, nhiều khoảng trống chưa được bồi lấp, lại không cập nhật.

Nay họ ta số cao niên vắng dần, đời thứ 6 còn mấy bà dâu, đời thứ 7 chỉ còn vài người mà người tâm huyết, hiểu biết lại càng ít nữa. Do vậy nắm, thuật lại tộc sử rất khó khăn, ngày một mơ hồ, biến dạng!

Nếu không thu lượm, chắc lọc những tư liệu còn lại ở đâu đó để biên tập, chép lại thì đời sau không biết gốc gác Tổ tiên ở đâu, từ đâu đến, vì sao đến và từ bao giờ ?.

Tôi nhận thức rằng: Trách nhiệm lập, duy trì, bổ sung, cập nhật Gia phả từng Chi, cả Đại tôn là của tất cả những người đương đại, tất nhiên phải có tổ chức, có người “chấp bút”. Do vậy, chẳng ai buộc, giao nhiệm vụ, tự tôi, tôi gánh trách nhiệm này. Momg được mọi người thông cảm, ủng hộ!

Việc SOẠN GIA PHẢ CHI HAI:

1. Tư liệu ít, tản mát, người biết thưa vắng… là những khó khăn lớn nhưng nếu cầu toàn quá, vài năm nữa chẳng còn ai để bàn, thống nhất và đương nhiên Gia phả họ đã đứt quãng lại càng thêm dứt hẳn.

 Cần nhất là có Tâm ,  có Chí ,  có Trí , tập trung Thời gian 時間, thu thập Tư liệu 思料, bỏ ra một chút Tiền của 財正, Sức lực 力行... sẽ hoàn thành được di nguyện của tiền nhân, tâm nguyện bản thân, để lại cho hậu thế và chắc chẳng ai nỡ trách cứ, nếu có sơ xuất.

2. Dựa vào những bản Gia phả đã tiếp xúc, sưu tập các sự tích, truyền ngôn do nhiều người kể lại, tham khảo tư liệu lịch sử, dư địa chí, phụ thêm kiến giải của mình mà tôi soạn ra Gia phả chi Hai họ Lương Chiến Thắng.

Để tiện đối chiếu, tôi vừa soạn theo Hệ thống Ngang (với những người trực hệ), có kết hợp với Hệ thống Dọc (những người không trực hệ) và soạn trên máy Vi tính cho dễ bổ sung, sửa chữa, chỉnh sửa với cả chi phái hay từng gia đình. Để tiện thẩm cứu khi có điều kiện, tôi tự học thêm để những chỗ cần thiết chèn cả chữ Hán hay Nôm và thống nhất cây Phả hệ theo thứ tự: Tộc-Chi-Ngành-Nhánh còn từ Đời thứ 5 trở xuống đi thẳng vào gia đình. Nhiều hộ không cùng chi, ngành nhưng cư trú gần nhau xa quê mà có liên hệ với nhau được xếp vào “phái”.

Đồng thời lấy đời thứ 7 làm trung tâm khảo cứu ngược lên đến Thượng Tổ và trở xuống tới đời thứ 8, 9, 10. Việc chọn đời 7 làm mốc tính bởi đây là thế hệ cao bậc nhất đương đại đồng thời là thế hệ sinh ra, lớn lên từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, chứng kiến việc chuyển chế độ từ thuộc địa nửa phong kiến sang dân chủ cộng hòa; là thế hệ chuyển giao dứt hẳn cựu học theo chế độ khoa bảng 科舉 (bằng chữ Hán)[1] sang tân học (bằng chữ quốc ngữ)[2].

3. Soạn Gia phả cũng như làm sử phải trung thực. Những tư liệu truyền ngôn, tôi cố gắng hỏi nhiều người, dựa vào kiến thức Lịch sử, phong tục tập quán, hiểu biết của mình mà chọn, sắp xếp cho logic, khoa học. Trên tinh thần “gạn đục, khơi trong”,  tôi ghi cả việc hay và điều chưa tốt của Gia tộc nhưng không “tô hồng” và cũng chẳng “bới lông tìm vết”, không tự tiện thêm bớt. Đồng thời với lòng kính trọng, biết ơn Tổ tiên, tôi chú trọng chép lại những công tích, việc làm hay của tiền nhân để đời sau học tập, phát huy. Riêng những thói xấu, vết nhơ việc nào thật lớn tôi mới chép lại để làm bài học răn đe cho hậu thế còn chỉ đề cập lướt qua.

 Trong quá trình biên soạn tôi cố gắng không thiên vị chi nọ, cành kia, không mang quan điểm “trọng nam khinh nữ” gây ấn tượng không tốt cho con cháu và khó khăn cho việc tìm hiểu tư liệu sau này nhưng do điều kiện tiếp xúc nên chỉ nắm được tư liệu về nhánh, phái nhà mình do vậy đôi khi cũng thiếu “cân bằng” giữa các gia đình, các cành, nhánh.

4. Ngoài việc ghi ngày họ tên, ngày mất, mộ phần, đóng góp của tiền nhân trong Chi Hai, tôi cũng cố gắng chép cả họ tên các cháu đến Đời thứ 8, 9 và còn ghi lại một số nét về phong tục, tập quán; về điều kiện tự nhiên, sự phát triển kinh tế và lịch sử, chính trị các địa phương liên quan. Do vậy nó như là một “Tiểu từ điển về dòng họ”, tất nhiên còn thiếu và không tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn.

Những chữ Hán, chữ Nôm đi kèm chỉ giúp cho việc tiện tra cứu chứ không ảnh hưởng gì đến việc đọc hiểu của những ai không biết loại chứ này. Đồng thời trong kỷ nguyên @, ngoài việc chép tay các bản khảo sát, cần tận dụng công nghệ để soạn, lưu trên máy máy tính  (H: 電子計算機, A: Computer, P: Ordinateur) và trao đổi phổ biến trên Internet.

5. Trong dịp giỗ Tổ chi 19/2 năm Ất Mùi (07/4/2015) đã thông qua quan viên họ và nhận được nhiều khích lệ, thông tin bổ sung, sửa đổi. Sau đó còn nhận được nhiều thông tin nữa qua các nguồn. Trên cơ sở đó đã hoàn chỉnh dần thành cuốn này.

Nhưng do một số “phái” không cung cấp tư liệu hoặc tư liệu thiếu, không theo tiêu chí chung nên chắc chắn vẫn còn thiếu sót ở một số “bếp”, “phái”, “nhà”. Do vậy chắc chắn sẽ có nội dung, chi tiết chưa chuẩn xác, sai lệch,... nên xin được lượng thứ, góp ý để bổ sung, sửa đổi sau.

6. Những nội dung trên và thông tin tôi nắm được về họ Lương Hải Phòng, họ Lương Chiến Thắng tôi đã tóm lược gửi và được BLL Họ Lương Việt Nam đưa vào cuốn HỌ LƯƠNG VIỆT NAM do GsTs Lương Phương Hậu chủ biên và Nhà Xuất bản Thời đại xuất bản năm 2014 (có biếu họ nhà 1 cuốn).

Đồng thời tôi đưa lên Internet để quan viên họ và ai quan tâm cùng nghiên cứu, trao đổi.

Phần NGOẠI PHẢ đến bài này tạm dừng bởi các nội dung khác đã từng đưa lên trang Blog HỌ LƯƠNG ĐỨC Ở LÀO CAI từ năm 2015!

-        Lương Đức Mến, soạn Xuân 2015, chỉnh sửa bổ sung Xuân 2022-



[1] Học chữ Hán sau đó trải ba kì thi được coi như ba cửa ải lớn để bước tới các bậc thang quan chức đầy danh vọng của các nho sĩ. Đó là thi Hương (Hương thí 乡试, tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu mà người đỗ đầu gọi là Giải nguyên 解元), thi Hội (Hội thí 会试, tổ chức vào các năm Sửu, Mùi, Thìn, Tuất mà người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên 會元 ) và thi Đình (Đình thí 殿試 mà người đỗ đầu gọi là Đình Nguyên 殿元) với khoa thi mở đầu là năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông (李仁宗, 1066 –1128) và khoa kết thúc vào năm Kỉ Mùi (1919) đời Khải Định (啓定帝, 1885 –  1925). Người đỗ được yết bảng và đỗ cấp nào mới được bổ làm quan theo nhu cầu công việc.

[2] Thay thế con đường tiến thân cũ bằng Khoa cử  Nho học 儒教,  ngay từ 1905 Toàn quyền Paul Beau (1827-1926) cho thành lập Hội đồng Cải cách Học vụ (Conseil de Perfectionnement de l'enseignement indigène)  rồi Nha Giám đốc Học chính (Direction de l'Enseignement) áp dụng 3 cấp học: Ấu học, Tiểu học và Trung học với tiếng Việt và tiếng Pháp. Đến năm 1907 lập Viện Đại học Đông Dương ở Hà Nội với ba phân khoa: văn chương, luật khoa và khoa học học bằng tiếng Pháp. Chế độ giáo dục này duy trì đến năm 1945.

Từ 1945, chính phủ VNDCCH dựa trên Chương trình Giáo dục cũ với những sửa đổi để thích hợp với tình thế trong giai đoạn mới. Đó là nền giáo dục 3 cấp học phổ thông và dạy nghề, Trung học, Đại học; là nền giáo dục có tính định hướng chính trị và được xem là một thành phần phục vụ quan điểm của nhà nước.  Cho đến nay, GDVN đã qua nhiều cuộc cải cách: 1950, 1956, 1979, 1986, 2001, và đang “chuẩn bị” !.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!