[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 3 2022

Tâm linh trong việc THỜ CÚNG NGƯỜI THÂN MỚI MẤT

Theo nghi lễ cổ truyền thì mỗi khi trong gia đình có người mất phải tiến hành khá nhiều thủ tục. Sau đây chỉ tìm hiểu và tóm lược các công việc, các lễ cúng từ khi An táng đến khi Cải táng và xin nhắc lại rằng: chỉ tìm hiểu và luận về vấn đề TÂM LINH chứ không tìm hiểu và lan truyền cho vấn đề MÊ TÍN DỊ ĐOAN!.

Cổ nhân (đặc biệt là trong thuyết Luân hồi) quan niệm: Sống trên trần thế ai cũng từng mắc lỗi lầm, tạo nghiệp chướng. Do vậy muốn được siêu thoát, chuyển kiếp thì sau khi chết, vong người mất phải đi qua mười “Điện” 殿và mỗi điện do 10 ông vua cai quản, gọi là “Thập Điện Minh Vương” (H: 十殿簷王 , A: The ten Kings of Hell, P: Les dix rois de l'Enfer) ở Địa phủ (H: 地府, A: The Hell, P: L'Enfer) được xếp theo thứ tự từ Nhất điện đến Thập điện. Mỗi điện có một ông Vua có trách nhiệm phán xét, trừng phạt các loại tội lỗi khác nhau của người đó khi tại thế.

  Theo tín ngưỡng Phật giáo Á Đông, trong đó có Việt Nam và ảnh hưởng của Đạo Lão 道教thì mười ông Vua cái quản 10 Điện ở địa phủ gồm:

1.Tần Quảng Vương (秦廣王, điều khiển sức khỏe, sinh tử và quản lý việc u minh, cát hung);

2. Sở Giang Vương (楚江王, trông coi địa ngục Hoạt Đại, gồm 16 tiểu địa ngục với các hình phạt khác nhau nhằm trừng trị những người khi tại thế từng gian dâm, sát sinh);

3. Tống Đế Vương (宋帝王, quản Hắc Thằng Đại Địa, , cũng gồm có 16 tiểu ngục với các hình phạt nhằm trừng trị những người khi tại thế  hay ngỗ ngược, hỗn láo với bề trên, xúi bẩy kiện tụng, gây sự bất hòa,...);

4. Ngũ Quan Vương (五官王, quản địa ngục Hợp Đại, có 16 tiểu ngục với các hình phạt dành cho người, chuyên trị những người khi tại thế chuyên trốn nộp tô, thuế cho nhà nước, mua gian bán lận...);

5. Diêm La Vương (閻羅王, vốn ngự ở điện thứ nhất nhưng vì thương người chết oan hay trả hồn về sống lại kêu oan, nên bị giáng xuống Ngũ điện để quản ngục Khiếu Hoán, chuyên trị kẻ từng gây tai ương trên trần thế);

6. Biện Thành Vương (卞城王, quản Khiếu Hoán và thành Uổng Tử, cùng 16 tiểu địa ngục với hình phạt dành cho kẻ lúc sống oán trời trách đất, cứ khóc lóc, trộm cắp, đầu cơ tích trữ...);

 7. Thái Sơn Vương (, quản địa ngục Nhiệt Não, với 16 tiểu ngục dành cho kẻ khi sống trên trần gian đào mồ, trộm mả, lấy hài cốt để làm thuốc, rời bỏ người thân thích...);

8. Đô Thị Vương (泰山王, quản đại địa ngục Đại Nhiệt Não, có 16 tiểu ngục với hình phạt tương tự ngục Nhiệt Não nhưng mức độ nặng hơn, dành trừng phạt kẻ sống trên trần gian bất hiếu khiến cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải buồn phiền, bực tức...);

9. Bình Đẳng Vương ( 平等王, quản Thiết Võng A Tỳ và thành Phong Đô, và 16 tiểu ngục, là nơi dành cho kẻ giết người, đốt nhà, bị chém nơi pháp trường...);

10. Chuyển Luân Vương ( 轉輪王, là Điện cuối cùng, từ đó giải đến nơi quỷ hồn để làm rõ thiện ác, quyết định đẳng cấp, rồi cho lên đầu thai ở các dạng khác nhau). Trước đó, đều được giao cho Mạnh Bà đến Thù Vong Đài cho ăn “cháo lú” để quên hết những chuyện của kiếp trước

Vong người mất muốn đi qua một Điện phải mất 1 Tuần nên Mười điện tương ứng với mười Tuần. Trong đó:

-Bảy bảy bốn chín ngày đầu (Chung thất) tương ứng với 7 điện đầu tiên (từ Tần Quảng Vương đến Thái Sơn Vương); 

-Tuần thứ 8 chính là lễ cúng 100 ngày (Tốt khốc) tương ứng với điện thứ 8 (Đô Thị Vương);

-Tuần thứ 9 tức là cúng giỗ đầu (Tiểu tường) tương ứng với điện thứ 9 (Bình Đẳng Vương) và

-Tuần thứ 10 chính là giỗ năm thứ hai (Đại tường) tương ứng với điện thứ 10 (Chuyển Luân Vương).

Đó chính là lý do của việc cúng người mới mất trong vòng tang.

Thông thường người thân sau khi mất được con cháu rước vong về gia đình tiến hành các lễ:

-Lễ ba ngày (三虞lễ tế ngu);

-Lễ cúng cơm (朝夕面,trong vòng 100 ngày);

-Cúng tuần (旬祭thực hiện vào các ngày thứ 7, 14, 21, 28, 35, 42 sau mất);

-Lễ chung thất (終七ngày thứ 49 sau mất);

-Lễ tốt khốc (卒哭100 ngày sau mất nghĩa là thôi khóc);

-Tiểu tường (小祥giỗ đầu);

-Đại tường (大祥giỗ hết);

-Trừ phục (除服bỏ tang);

-Cải táng (改葬, bốc mộ);

-Kị nhật (忌日giỗ từ năm thứ 3 trở đi). 

Ý nghĩa và nội dung các lễ này đã và sẽ đề cập trong dịp khác.

Chú ý:

-Trên ban thờ của người mới mất không được thắp hương vòng vì nếu thắp hương vòng, hồn người chết sẽ quẩn quanh, không thể siêu thoát (!?).

Thực ra, xưa quy định trong những ngày để tang cha mẹ, người con trưởng không được phép đi xa, thường gọi là “cư tang” (居喪, ở nhà chịu tang) nếu thắp hương vòng, có thể ra khỏi nhà suốt ngày nên chỉ thắp hương nén. Trước khi đi ngủ, thay hương nén bằng hương sào (que hương lớn và dài hơn, có thể cháy trong  4, 5 giờ, đủ qua đêm).

-Cổ nhân cho rằng, người mới chết, chưa sạch sẽ nên chưa thể đưa lên bản thờ chung mà đợi sau ngày Tốt khốc có nơi sau giỗ Đại tường hay sau khi Cải táng.

Việc này là do đợi thời gian, cùng với sự mất đi của hình hài, những lời thị phi của thiên hạ về người mất đã phai nhạt thì họ mới được gia nhập thế giới thiêng liêng, xứng với các bậc tiên hiền, trở thành đối tượng được lớp cháu con ngưỡng vọng, tôn vinh, sống trong tâm linh các thế hệ sau. 

- Xưa trên ban thờ có Bài vị (H: 簰位, A: The tablet of the deceased, P: La tablette du défunt) của người mới mất, nay đã có di ảnh thay thế nên bỏ. Với lại còn ai biết viết bài vị nữa đâu mà có viết thì ai đọc? Chính vì vậy mà lâu dần con cháu chẳng nhớ ngày tháng năm sinh, mất của người được thờ phụng!

-Trong các Lễ, công việc trên thì trừ ngày làm lễ An táng và ngày làm lễ Trừ phục, Cải táng cần chọn ngày lành còn Lễ Chung thất, Tốt khốc, Tiều tường, Ðại tường, Kị nhật cứ theo đúng ngày mà làm.

Khi đó con cháu ở xa nhớ ngày về làm lễ, thân nhân ở chỗ khác sắm sửa lễ đúng ngày tới dự.

- Nếu gặp năm nhuận, phải cử hành nghi thức tính theo ngày còn việc giỗ thì thực hiện vào tháng chính.

-Trường hợp mà ngày thứ 49, 100 vào trong khoảng “mùng” tháng Giêng âm lịch thì có thể làm lễ trước 23 tháng Chạp năm cũ!

Lưu ý tang tế theo ngày định sẵn nên thân bằng, cố hữu ai lưu luyến đến thăm viếng, không đợi mời như lễ mừng, lễ cưới và không chuỵện “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (有請有來無請不到,mời thì đến, không thì thôi) được. Ngoài ra, con thứ, con gái, cháu phải đến từ ngày hôm trước để “góp giỗ” trong buổi Tiên thường 先嘗.

Ngày nay, đa phần con cháu ở xa và mắc nhiều công việc, học hành nên khó thể tuân thủ mọi thứ như xưa được! Đặc biệt “thầy bà” thì “nặng về kiếm tiền” nên khá nhiều chuyện “cười ra nước mắt”!

-Lương Đức Mến, soạn 2015, bổ sung chỉnh sửa 2022-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!