[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 5 2009

VI.1. Đệ Lục Tổ: LƯƠNG ĐỨC THÂN

Đây là phần chép về thân phụ Quản trị viên trang này.

VI.1.1- Thân thế, ngày Kỵ, Mộ phần:
第六代祖梁德親 Sinh năm Khải định Thứ 8 (Quí Hợi-1923).
Thủa nhỏ theo ông bác là Cụ Hội Khuê Lương Đức Khuông 梁德匡 học chữ Nho. Chịu khó học và học khá hơn so với em trai. Năm hơn 10 tuổi, đi ở cho nhà Bạch Thái[1] ngoài Hải Phòng và đây là dịp giúp người có điều kiện đọc nhiều Truyện cổ Trung Quốc, Truyện Kiều...Đất thổ cư bố đã gán nợ nên mấy mẹ con chỉ còn khoảng 300m2 phía trước nhà thờ họ, qua một cái ao[2].
Khi CM Tháng Tám thành công, phần vì nhiệt thành, phần chữ đẹp, được xã cử làm Giáo viên bình dân học vụ, trong Ban bầu cử QH khoá I.
Trong kháng chiến là UVUBKC xã. Khi tản cư sang Tiên Lãng, được ông Phạm Văn Quang[3] giới thiệu đi dự một lớp huấn luyện 15 ngày sau đó đưa về quê hoạt động.Với cương vị Trưởng ban kinh tài có nhiệm vụ thu thuế gửi ra vùng tự do nộp cho cấp trên không thiếu một xu[4]. Cưới vợ: khoảng 1948[5]. Sau đó do tình hình căng thẳng gia đình lại sang Tứ Kỳ, Thái Bình. Gần cuối cuộc kháng chiến gia đình mới về.
Sau Hoà Bình là Trưởng ban Địa chính xã, dạy Bình dân học vụ, tham gia văn nghệ[6]. Chủ yếu diễn Chèo[7]. Tuy công tác tích cực, có uy tín nhưng vì bực với cháu họ[8] mà không làm lí lịch lần nữa. Cho đến khi mất, mặc dù qua nhiều cương vị công tác, rất có tín nhiệm, vẫn là người ngoài Đảng[9].
Tháng 2/1964 đi khai hoang ở Lào Cai trong một thung lũng được ghi tên là La Cà Bốn thuộc thôn Cốc Sâm xã Phong Niên. Gia đình gồm mẹ, 2 vợ chồng và 4 con (Mến, Thuộc, Thường, Thức). Trong ban lãnh đạo HTX An Phong thì Ông Ơn (người An Thọ) làm Chủ nhiệm, Ông Nhỡ là phó, người là Kế toán. Hàng tháng ra Huyện làm sổ sách (18 Km đường rừng)[10]. Người còn đứng ra mở lớp dạy vỡ lòng cho các cháu ở thôn. Năm 1967 An Phong sát nhập với Vĩnh Hồ (dân Vĩnh Bảo lên từ 1963) thành HTX An Hồ, làm Kế toán. Sau đó làm Trưởng ban Thống kê xã. Đây là thời gian một mình với cái xe cút kít tự đóng người đã bạt góc đồi dựng nhà (cửa nhà cũ)[11]. Hôm cất nhà (1974) có con gà mái nhẩy lên đậu vào và làm gẫy chiếc rui cái[12]. Khi hợp nhất toàn xã làm Phó chủ nhiệm kế hoạch.
Từ 1978 biên giới căng thẳng, nhưng gia đình vẫn ở lại. Mãi khi địch tới Phong Hải (23/02/1979) cả nhà mới bồng bế nhau xuống Km 45 (nhà LĐThiếp) rồi Phố Ràng (Bảo Yên), đi tiếp Hà Nội[13] và về quê. Khi giặc rút (08/03/1979) lại ngược. Nhà cháy, tay trắng phải làm lại từ đầu. Sau CT 79 nghỉ, không tham gia công tác nữa.
Người tính thẳng, hơi nóng, nhưng vui tính, đan lát giỏi. Cụ rất chú ý rèn con cái[14]. Thuận tay trái (nhưng viết thì viết tay phải, chữ đẹp). Sau này Thường, Lí, Luận cũng thuận tay trái. Không hiểu người học ai nhưng Nhị, Hồ, Sáo, Đàn sử dụng tốt, nhất là Nhị và thuộc nhiều làn điệu Chèo. Khi lên Lào Cai vẫn đem theo một bộ. Đặc biệt cụ có giọng đọc to, vang. Nhưng, như mọi người trong làng 2 phụ âm “l” và “n” đều phát âm là “n”[15].
Người có nhiều ý tưởng hay về việc khơi lại tập tục tốt đẹp xưa đã bị lãng quên, duy trì nền nếp, phát huy truyền thồng quê hương, dòng họ. Nhưng nhiều khi khó thực hiện, do nhiều lí do mà chủ yếu là vấn đề “kinh phí”. Có vấn đề xét thấy nên làm, con cái đã giúp cụ thành công, người rất phấn khởi[16]. Trong đó phải kể đến ý tưởng tổ chức ngày Giỗ vọng cụ Tổ khai sáng dòng họ Lương Cao Mật vào Rằm tháng Giêng và việc soạn lại Gia phả của dòng họ. Việc Giỗ vọng đã thực hiện lần đầu vào 1990 tại An Phong có 9 gia đình Lương tộc tham dự. Việc soạn Gia phả mới xong phần lược dịch cuốn Gia phả ngành Ba người chép lại trong dịp về quê 1994[17].
Người sức yếu, ở xuôi ốm luôn, lên Lào Cai có khá hơn. Năm 1980 có trận ốm (Viêm cầu thận) tưởng đã mất, nhưng rồi qua được. Trong năm 1996, người hay đau yếu. Nhưng cuối năm lại khoẻ, giục vợ và em vợ về quê giỗ Nhạc phụ[18] Tối 20/1/1997 người đột ngột mệt nặng. Khi con cái tới nhà (21 giờ) người còn nhận ra nhưng không nói được. Hàng xóm, con cháu có mặt đủ cả. Cấp cứu hồi lâu, đến nửa đêm người có vẻ tỉnh ra, bà con ra về. Gần 2 giờ sáng bắt đầu vào hấp hối, Mến và Thuộc cấp cứu tích cực nhưng không có hiệu quả. Ngưòi tắt thở lúc 2 giờ 5 phút sáng ngày Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí)[19].
Mặc dù vắng vợ và em vợ nhưng gia đình và ban lễ tang vẫn quyết định đưa tang vào ngày 22/01[20] và đám tang của người được con cái tổ chức tương đối chu đáo. Các cơ quan, bạn bè dù xa thế vẫn đủ mặt, theo lệ làng phải tổ chức ăn uống[21]. Mộ đặt tại khu Gốc gạo cạnh lối vào xóm do ông thày Kiên đặt hướng (Bắc). Khi vợ và em vợ lên đến nơi thì chuẩn bị cúng 3 ngày. Nhưng khi xem băng ghi hình bà bảo:không có gì phàn nàn cả. Tuy không bày vẽ nhưng con cái tiến hành đủ các bước trong khâm liệm, đưa tang và sau đó là: Triêu tịch diện 朝夕面, Tam ngu 三虞, Cúng Tuần 旬祭, 49 ngày 盅七, 100 ngày 卒哭, Đốt mã 焚香, Tiên thường 先嘗, Tiểu tường 小祥, Đại tường 大祥, Trừ phục 談祭,Cải táng 改葬,Kỵ nhật 忌日.
Vào dịp giỗ đầu Huân chương kháng chiến hạng Ba[22] Số 1286/1167 do Chủ tịch nước kí ngày 20/2/1997 tặng cho người về đến nhà.
Ngày 20 tháng 12 năm 2001, tức là ngày mồng 6 tháng mười một 初六日 十一月大, hay ngày Đinh Tỵ, tháng Canh Tý 6 năm Tân Tỵ 辛巳年, 庚大月, 己午日 tiến hành cải táng 改葬: 11 giờ 30 khởi móng xây mộ mới, 18 giờ bật ván thiên, 19 giờ tắm rửa xong: xương sạch, vàng đẹp; 20 giờ hạ Tiểu xuống mộ mới[23].
Đồng thời đưa cả hài cốt Đệ Ngũ Tổ Tỉ Đặng Thị Chỉ từ trong thôn ra qui tập[24]. Phần Lương tộc chi mộ này có kích thước 4, 5 x 3 m được xây tường bao, đầu các ngôi mộ quay hướng Đông (hướng Mão). Mộ Đệ Ngũ Tổ Tỉ xây mái nhọn trên có gắn Rồng chầu mặt nguyệt, tấm dựng gắn ảnh (chụp 1982). Mộ đệ Lục Đại Tổ mái uốn vòm, tấm dựng gắn ảnh, hai bên có đôi câu đối của LĐM :
Công cao mở đất lưu hậu thế,
Đức cả rèn con rạng tổ tông.
Chính giữa tường phía sau có bàn thờ với bức hoành phí gồm cả chữ Nho 克昌厥後 (Khắc Xương Quyết Hậu) và dịch nghĩa: (Thịnh vượng cho đời sau).
Tất cả hoàn thành vào dịp Kị nhật của Hiển Tổ Tỉ Đặng Thị Chỉ, ngày 08/11 初八日 十一月大 hay 辛巳年, 庚大月, 丁巳日.
VI.1.2- Quê và họ hàng bên vợ:
VI.1.2.1- Quê vợ:
Thôn Cốc Tràng 谷場 xã Chiến Thắng, thường gọi là làng Cốc 廊谷, cách làng Hương chừng 1,5 Km qua làng Hạ và một cánh đồng. Đây là thôn có từ xa xưa và nằm phía Đông Nam của xã. Cư dân ở đây gồm 17 họ nhưng đa phần là họ Phạm. So mặt bằng chung thì làng Cốc khá giả hơn và có cả người đi Lương lẫn người theo Đạo. Giữa 2 làng thì các họ Đào, Phạm, Lương nhiều nhà thông gia với nhau. Đây là làng cuối xã, có cả Chùa và Nhà Thờ và những năm 2000 là nơi có phong trào khuyến học khá.
VI.1.2.2- Họ Phạm:
Họ Phạm[25] là một họ phổ biến ở Việt Nam. Đây cũng là một trong các họ của Trung Quốc. Theo “Nguyên Hà Tính Toản” và “Lộ Sử”, Lưu Luy thuộc dòng Đế Nghiêu 帝堯 thời Ngũ đế 五帝. Lưu Luy lập ra tiểu quốc Đường 唐 (nay là vùng Sơn Tây, TQ) và người ta thường gọi là Đường Đỗ Thị. Vào triều đại nhà Chu 周朝, Chu Thành Vương 成王 chiếm nước Đường, cho em là Thúc Ngu làm vua. Một người cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành ở Tây An tỉnh Thiểm Tây và được phong tước Đỗ Bá 杜伯. Do vậy, con cháu nhận tên Đỗ 杜 làm tên họ. Khi Đỗ Thành lại bị Chu Tuyên Vương chiếm, con của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc chạy sang nước Tấn 晉, được phong chức Sĩ Sư nên đổi thành họ Sĩ 士. Đến đời chắt của ông này là Sĩ Hội được ban cho đất Phạm, gọi là Phạm Ấp để cai trị, nên đã đổi họ Sĩ ra họ Phạm. Dòng họ Phạm 范 phát triển mạnh tại tỉnh Sơn Tây (TQ).
Thuyết khác nói: Khi Vũ Vương 武王 giết vua Trụ cướp được ngôi nhà Thương (商,1766–1122 tCn), có một ông quan nhà Thương không chịu thần phục nhà Chu (周,Zhou, 1122–256 tCn). Ông này nói : “Bất thực Chu cốc” (不食周穀,không thèm ăn gạo nhà Chu), rồi ông cùng gia nhân kéo nhau lên một nơi núi cao rừng sâu, lấy gỗ rừng làm nhà cửa và phát hoang trồng trọt để lấy lương thực nuôi sống gia đình. Bên cạnh chỗ phát hoang trồng trọt của gia đình ông lúc bấy giờ có một con sông gọi là Sông Dĩ cạn khô. Sau khi phát hoang trồng trọt và khơi nguồn nước từ núi cao để trồng trọt và sinh hoạt thì Sông Dĩ có đầy nước. Nhìn dòng sông đầy nước, ông nói: “Dĩ Hữu Thuỷ” (已有水,Sông Dĩ đã có nước), rồi lấy 3 chấm thuỷ 氵đặt cạnh chữ Dĩ 已 trên có bộ thảo 艹, gọi là chữ Phạm 范 để đặt tên cho dòng họ của mình tách ra sinh sống tại đây. Từ đó Trung Quốc có một tộc người lấy tên họ Phạm. Bởi vậy ở Từ đường nếu viết 已有水 thì cũng có nghĩa như: 范族祠堂 “Phạm Tộc Từ Đường”.
Họ này chiếm khoảng 5% dân số Việt Nam. Tại Hoa Kỳ họ này đứng thứ 1455 về mức độ phổ biến (khoảng 0,008% dân số). Ở Pháp họ này đứng thứ 951 (khoảng 5.509 người). Những người Việt Nam họ Phạm nổi tiếng: Phạm Tu, võ tướng nhà Tiền Lý giúp Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân ; Phạm Cự Lạng, danh tướng thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê; Phạm Thị Trân, bà tổ nghề hát chèo Việt Nam; Phạm Ngũ Lão, danh tướng dưới quyền Trần Hưng Đạo; Phạm Công Trứ, tể tướng thời Hậu Lê; Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam; Phạm Hùng, Thủ tướng Việt Nam; Phạm Văn Cương, tức Nguyễn Cơ Thạch, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; Phạm Tuân, nhà du hành vũ trụ Việt Nam… Những người Trung Quốc họ Phạm nổi tiếng: Phạm Lãi, mưu thần của Việt Vương Câu Tiễn, giúp Câu Tiễn khôi phục nước Việt, diệt nước Ngô của Phù Sai; Phạm Thư, mưu sĩ thời Chiến Quốc của nước Tần, tác giả của kế sách Viễn giao cận công giúp Tần thêm hùng mạnh; Phạm Tăng, mưu sĩ của Hạng Vũ thời Hán Sở tranh hùng; Phạm Trọng Yêm, nhà cải cách thời nhà Tống; Phạm Chí Nghị, cầu thủ bóng đá Trung Quốc; Phạm Băng Băng, nữ diễn viên Trung Quốc…
Thuỷ tổ họ Phạm Việt Nam là Phạm Tu 范須 sinh tại xóm bãi vải tiến vua nằm bên sông Tô Lịch thuộc thôn Văn Trì, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm trấn Sơn Nam, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (476), cha ông là Phạm Thiều, mẹ là Lý Thị Trạch. Khi lớn lên, Phạm Tu có gương mặt phương phi, khôi ngô tuấn tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách binh pháp. Ông có vóc dáng rất khoẻ và trở thành đô vật nổi tiếng trong vùng, thường được gọi là Phạm Đô Tu. Lịch sử và Gia phả ghi nhận ông là vị tướng tài giỏi, có nhiều công lao:
Phò vua Lý đuổi Tiêu Tư
Bấy giờ Việt Nam nằm dưới quyền đô hộ của nhà Lương thời Nam Bắc triều (南北朝,420-579 Trung Quốc). Viên thứ sử cai trị là Tiêu Tư nổi tiếng tàn ác.
Cuối năm Tân Dậu (tháng 1 năm 542), Giám quân châu Cửu Đức là Lý Bí 李畚 dấy binh khởi nghĩa, chống lại quân đô hộ nhà Lương (梁朝, 502 - 549). Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí được nhân dân và hào kiệt khắp nơi ủng hộ, kéo về giúp sức như hào trưởng Triệu Túc, tướng Lý Phục Man và Tinh Thiều, nguyên là quan cai trị của nhà Lương, bỏ quan chức về với quân khởi nghĩa.
Năm ấy Phạm Tu đã 66 tuổi, song còn khỏe mạnh. Ông tập hợp binh mã, gia nhập quân khởi nghĩa và trở thành một võ tướng chủ chốt của quân khởi nghĩa. Ông cùng với Triệu Túc và Tinh Thiều, trở thành ba vị lãnh đạo chính trong bộ tham mưu của cuộc nổi dậy của Lý Bí. Quân khởi nghĩa đánh đâu thắng đấy. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Quân Lý Bí chiếm đóng thành Long Biên.
Đánh đuổi Lâm Ấp
Năm 543, nhà Lương 梁氏 lại tập trung quân kéo sang đánh. Lý Bí chủ động đem quân tấn công địch, tiêu diệt phần lớn quân Lương. Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp (林邑,192-605) nhân lúc quân khởi nghĩa đang phải đương đầu với phương Bắc, đem quân đánh phá vùng Cửu Đức (九德,Hà Tĩnh ngày nay). Lý Bí cử Phạm Tu mang quân đi đánh. Phạm Tu nhận lệnh cầm quân xuống đánh tan quân Lâm Ấp, ổn định biên giới phía Nam.
Quan võ đầu triều
Năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, xưng Nam Việt Đế, tức là Lý Nam Đế 李南帝 đặt tên nước là Vạn Xuân (万春,544-602), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu các quan văn, Phạm Tu đứng đầu các quan võ của triều đình. Năm ấy Phạm Tu 69 tuổi.
Bỏ mình vì nước
Tháng 6 năm 545, nhà Lương cử một đạo quân khác sang đánh Vạn Xuân, do hai tướng thiện chiến là Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy, theo đường biển tiến sang. Lý Nam Đế chống cự ở Chu Diên (vùng duyên hải Thái Bình, Nam Định) không nổi, lui về củng cố thành trì ở cửa sông Tô Lịch (nay là đoạn phố Chợ Gạo, Hà Nội). Quân Lương đuổi tới tấn công. Phạm Tu quyết giữ cửa sông Tô Lịch nhưng vì tuổi cao sức yếu, quân giặc lại đông, nên ông tử trận ngày 20 tháng 7 Ất Mùi, thọ 70 tuổi. Lý Nam Đế rút quân vào Gia Ninh đóng đồn ở hồ Điển Triệt, luyện tập binh mã để sau khôi phục lại.
Xét công trạng của Phạm Tu, Lý Nam Đế truy phong Phạm Tu là Long Biên hầu, đặt thuỵ là Đô Hồ, phong làm Bản cảnh thành hoàng, sắc cho bản hương là Thang Mộc ấp, sưu sai tạp dịch đều được miễn trừ, ban 100 nén bạc lập miếu phụng sự lưu truyền mãi mãi tại làng Thanh Liệt quê ông.
Hiện nay ở xã Thanh Liệt có hai nơi thờ danh tướng Phạm Tu, đó là Miếu Vực và Đình Ngoài. Miếu Vực nằm ở xóm Vực, miếu thờ Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng thánh phụ Phạm Thiều và thánh mẫu Lý Thị Trạch.
Hậu thế
Chính sử không ghi chép, nhưng theo tộc phả họ Phạm, Phạm Tu có con là Phạm Tĩnh theo giúp Hậu Lý Nam Đế và khuyên vua Lý dời đô từ Ô Diên về Phong châu. Ông trở thành tướng quốc của Hậu Lý Nam Đế. Con Phạm Tĩnh là Phạm Hiển, sau khi Lý Phật Tử và Phạm Tĩnh bị quân Tuỳ (隋, 581-618) bắt về bắc đã chiêu binh chống Tùy trong 3 năm (603-605) và bị thất bại.
Phạm Tu được suy tôn là Thượng Thủy tổ Phạm tộc Việt Nam và ngày 20 tháng 7 năm Đinh Hợi (2007) đã tổ chức giỗ Tổ toàn quốc tại Thái Bình.
Viễn Tổ Phạm tộc Cốc Tràng là Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255-1320) người làng Phù Ủng 扶擁, Đường Hào 唐豪, Hải Dương[26], một tướng tài và là con rể (chồng Anh Nguyên Quận chúa) của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Phạm Ngũ Lão lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285 và 1288), bốn lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành. Ông mất ngày 1 tháng 11 năm 1320, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 3 ngày. Ông được nhân dân dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ và cũng được phối thờ tại đền thờ Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương.
Tổ khai sáng Phạm tộc Cốc Tràng là cụ Phạm Đình Khanh[27] 范廷牼. Cụ là hậu duệ đời thứ 16, 17 của Phạm Ngũ Lão và là người con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴. Cụ từ Đường Hào sang lập nghiệp ở Cốc Tràng, Cao Mật năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ nhất (Canh Thân, 1740). Đời sau suy tôn là Cụ Tổ họ Phạm ở đây 范皋密肇祖[28].
Trong phong trào chung, 12/3/2003 (10/2/Quý Mùi) đã khởi móng xây Nhà thờ Họ[29]. Nền là do đất của các bà vợ ông Kiểm, Kiển cung tiến. Tiền do con cháu xa gần đóng góp theo xuất đinh, các cháu ngoại thì tuỳ tâm, chủ yếu tiền của vợ chồng PV Lãm. 27/Chạp Quý Mùi (01/2004) hoàn thành. Từ đường 3 gian xây, lợp ngói, cọt, xà đổ bê tông, đắp xi măng giả gỗ, có sân rộng, cạnh đường, phía trước có ao nên thế đẹp. Ngày 09 tháng Giêng Giáp Thân (19/2/2004) nhân giỗ Tổ kết hợp khánh thành từ đường[30].
Trưởng Chi Phạm gia tộc Đời thứ 13 là hậu duệ Cụ Tu (anh trai cụ Siêu). Nhưng thực ra vai trò đôí ngoại thường do do P.Như Hướng (Hấng) có bố là Thiêm[31], ông là Thỗn, cụ là Thiều, em gái là Đậng đảm trách. Vì là dòng trưởng (thế) nên tộc họ yêu cầu lấy vợ làm ruộng để ở nhà lo phần “hương khói”. Vợ là Nhỡ (người làng Hầu). Đi bộ đội CMCN. Thương binh phục viên về làm ở Nhà máy Khoá Việt-Tiệp. Năm 1998 nghỉ hưu tại quê. Có 3 con trai (Thưởng-Thủy, Thụy-Châu, Lũy).
VI.1.2.3- Cha mẹ vợ :
Nhạc phụ Phạm Văn Nhạc (范文樂, 1888-1936) chiếu từ Đệ Nhất đại Tổ xuống là đời thứ 10: 1. Đình Khanh - 2. Đình Uân - 3. Đức Khôi - 4. Đức Hoành - 5. Đức Nghiệp - 6. Đức Toàn - 7. Huy Siêu (thứ hai trong 4 Nam) - 8. Huy Triệu (con cả trong 4 Nam) - 9. Huy Thiều (Nam duy nhất trong 3 người con) - 10. Văn Nhạc (là út trong 3 trai, 2 gái)[32]. Như thế thuộc dòng trưởng ngành 2. Gia đình vào diện khá giả, kị 14/Chạp.
Cụ bà Đào Thị Thẩn (1885-1947), người làng Hạ, Kị 18/Chạp. Mộ cụ ông đặt tại nghĩa trang làng Cốc, còn mộ cụ bà lại đặt ở bên Hạ[33]. Cả 2 mộ đã được xây lại, khắc bia vào năm 2006 (Bính Tuất).
Ông bà sinh 2 trai (Kiểm, Kiển) và 3 gái (Uyển, Ương, Tương).
Tương truyền nhà ở vào thế đất “nghịch” nên phải rước ông Bạch Hổ và Hắc Hổ[34] về thờ phụng.
VI.1.2.4- Anh, em vợ:
1. Phạm Văn Kiểm (范文檢, 1908-1991). Kị ngày 16/6, từng tự hoạ chân dung mình, đan lát giỏi. Hồi KC từng nuôi nhiều cán bộ trong nhà.Vì khá giả, được học hành nên có ý không trọng một số lãnh đạo thôn kém chữ, do đó hồi CCRĐ bị qui là Địa chủ, còn bị nhốt trên UB. Sau được minh oan nhưng ức, bất mãn, khoá hết sách vở lại và không tham gia công tác xã hội nữa[35]. Ông lấy 2 vợ:
* Bà cả Đặng Thị Bè nổi tiếng căn cơ, sinh 2 gái là P.T. Bộn[36], P.T. Mọn[37] . Vì không sinh trai nên bà tìm cách lấy vợ hai cho chồng. Nhưng bà đầu hơi đần không chịu ngủ với chồng nên lại tìm bà khác.
* Bà hai: Đặng Thị Huân, người làng Hầu, đã có chồng con[38], nhưng chồng mất. Chục năm đầu vẫn ở lại làng Hầu, sau chuyển về ở cả Cốc. Sinh P.V. Mót (Phạm Công Bình) và P.T. Bòn[39].
* Trưởng nam: Phạm Công Bình[40] sinh ngày 5/01/1959. Tốt nghiệp Khoa Kinh tế tổ chức vận tải Ô tô, trường Đại học Giao Thông Vận Tải năm 1983. Vào nhận công tác tại Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, đến 1989 chuyển sang Xí nghiệp Đại lý vận tải ô tô, năm sau về Phòng Xây dựng giao thông TP Đà Lạt, đến 1994 chuyển ra Bến xe Nội thành sau đó lên Sở Giao thông Vận tải (1996 – 2000) rồi lại về Trường lái xe đến 2004 chuyển về là Phó Giám đốc Trường Kỹ thuật Đà Lạt. Gia đình ở Khu 4 thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vợ là ; được 1 gái () và 1 trai ().
2. Phạm Văn Kiển (范文繭, 1916-1997). Kị ngày 22/6[41]. Ông nổi tiếng học giỏi và hay chữ nhất vùng.
Vợ là Trần Thị Chút.
Ông bà sinh 4 gái (Khiên, Nhiên, Nhiễn, Nhiện-trong đó P.T. Khiên[42] nổi tiếng hát hay nhưng lại vất vả về đường chồng con) sau sinh tiếp 4 trai (Triển, Lãm, Lạm, Hởi). Không có ai xây dựng gia đình và lập nghiệp tại làng (Triển[43], Lãm ở Hải Phòng, Lạm, Hởi ở Lâm Đồng).
3. Phạm Thị Ương (范氏央, 1927-198?) Lấy ông Vũ Văn Miêu[44] ở Văn Khê, cách làng Cốc 1, 5 Km qua một cánh đồng. Đây là làng có nhiều người theo Đạo và đã di cư vào Nam năm 1954. Nhà thờ cũ vẫn còn có tháp chuông cao từ cách xa vẫn thấy rõ. Ông bà đều mất do bệnh tật khi các con còn nhỏ. Có 2 gái, 3 trai (Loan, Ruệ, Sen, Chuân, Chi).
4. Phạm Thị Tương 范氏襄 sinh năm Tân Mùi, 1931. Thủa nhỏ ở với anh chị, thường gọi là Tí con, có được học hành, là người sắc sảo, khoẻ mạnh[45].
* Người chồng đầu là Lương Hoàn Nhâm ở thôn Hạ. Nhưng do vai vế thấp[46] nên bà tự ái mà bỏ.
* Người chồng sau là Ngô Văn Trân[47] ở Kim Trâm, Mỹ Đức, An Lão. NVT công tác bên ngành vật liệu. Ông bà sinh ra N.T. Lai, N.V. Quí, N.T. Hoà, N.V. Phúc. Từ khi sinh Hoà 2 người đã trục trặc nhau[48]. Đến khi có Phúc thì căng hẳn, ông bà li dị, bà đưa các con về tá túc bên ngoại (làng Cốc). Đến tháng 6/1974 đưa Lai, Hoà, Phúc lên An Phong, Phong Niên cạnh nhà chị gái. N.V. Trân đưa Quí đi Hà Bắc ở nhà máy gạch gần Sen Hồ có thời gian chuyển vào Nam đến năm 1985 về hưu sống với người vợ hai và 3 con bà này tại Bắc Giang.
* Các con của P.T.Tương ở Lào Cai là:
Ngô Thị Lai : Từng là ĐV sau bỏ sinh hoạt, chồng là Lương Đức Tràng.
Ngô Thị Hoà: Học xong THPT, đi may Xuất khẩu ở Yên Bái. Khi tách tỉnh (1991) ở lại YB và lấy chồng là Thọ ở Cổ Phúc, Trấn Yên, Yên Bái. Năm 2004 ly dị về lại Lào Cai. Chưa con. Do phải mổ tắc ruột từ nhỏ nên sức khỏe yếu, ăn uống kiêng khem.
Ngô Văn Phúc: Học xong PT ở nhà lấy vợ (Vũ Thị Toan, em ruột Vũ Văn Hoàn[49], GVMG dạy ngay tại thôn). NVP nhanh nhẹn, công tác nhiệt tình nhưng không khéo cư xử mấy. Từ năm học 2002-2003 học tại chức ĐHNL tại Lào Cai. Sinh một trai (Đức), 1 gái (Phượng). KT tạm đủ. Năm 2003 kết nạp Đảng sau bao trục trặc. 2004 trúng HĐND xã và là Phó Chủ tịch UBND xã PN, có đóng góp nhiều cho sự phát triển của thôn trong những năm đầu Thế kỉ XXI.
VI.1.3- Phu nhân : Phạm Thị Uyển:
范氏婉[50] Sinh năm năm Khải định thứ 9 (Giáp Tí-1924). Tuy có được học nhưng chậm lại bận bịu suốt ngày nên gần như mù chữ[51]. Bà tính lành, nhường nhịn, có trách nhiệm với chồng con và gia tộc nhà chồng[52]. Chính vì tính ham làm chịu khó nên tuy chống bận công tác suốt, ít tham gia việc đồng áng, con cái đông nhưng kinh tế cũng không đến nỗi. Sau khi chồng mất vẫn ở lại một mình trên nhà cũ, không lên Tx ở với con cái.

-*-

[1] Bạch Thái Bưởi (1877-1932) là nhà kinh doanh nổi tiếng hồi đầu Thế kỉ. Ông kinh doanh trên các lĩnh vực:làm đường, đóng tầu, khai mỏ, xuất bản báo, có công trong việc phát động chấn hưng kinh tế dân tộc.
[2] Khi lên khai hoang Lào Cai đã nhượng lại cho Lương Đức Điểm, sau đó Kiện (Trưởng đời thứ 10) mua lại.
[3] Theo họ Phạm Cốc Tràng, tôi gọi bằng Cậu, đã mất năm 2004.
[4] Ngày đó chưa có hệ thông sổ sách như sau này mà người dân nộp rất tự giác, người thu đem nộp cấp trên rất đầy đủ, đúng hẹn. Nhiều lần phải vượt qua bốt Khuể sang bên vùng tự do ở Tiên Lãng nộp tiền, bố tôi vẫn đi không quản ngại.
[5] Nhiều người cao tuổi kể lại rằng: hôm cưới vì bà tôi thiếu tiền nên các cậu tôi không cho đón dâu (Ông bà ngoại mất sớm, mẹ tôi ở với anh chị). Bố tôi bực định thôi (!), sau bác Thịnh, anh Ngọn khuyên mãi người nguôi và đám cưới diễn ra bình thường. Sau này khi có con rồi bố tôi mới nguôi giận các cậu tôi và đi lại bình thường. Đúng ra trước đó bố tôi đã có một đời vợ, người bên Tiên Lãng. Một lần đi chợ không thấy bà về, và mất tích từ đó (chưa có con). Nghe nói bà này không hợp vời thím tôi, chị em dâu cãi nhau hoài. Khi tôi lớn thỉnh thoảng có nghe bà, cô và bố tôi kể lại, nhưng cũng không ai biết hồi ấy mẹ cả tôi bỏ đi đâu ?
[6] Chỉ mầy mò, tự học mà bố tôi kéo nhị, thổi sáo hay lại biết dựa vào các làn điệu dân ca soạn lời mới phù hợp với công tác tuyên truyền..
[7] Trong một dịp diễn, chú Rật tôi từng đóng vai Đổng Trác đã mượn rá độn bụng, rá vỡ, thím tôi phải đền. Khi lớn tôi vẫn được bố đưa đi trong các dịp Đội Văn nghệ tập, diễn. Ngay từ hồi 59-62 chị Khiên (con cậu Kiển) đã nổi tiếng hát hay nhưng sau này số lại long đong.
[8] Anh …, lúc đó vừa rời quân ngũ, được bầu là Tổ trưởng Đảng nhưng hay cờ bạc. Trong một lần đang say gỡ, anh hỏi vay tiền Thuế bố tôi giữ, người không giải quyết. Khi xét kết nạp, chính anh đưa ra ý kiến: “Trường hợp ông cháu nên để lại thử thách thêm” . Sau anh này vẫn nghèo, con cái không thành đạt gì mấy.
[9] Khi lên Lào Cai Chi bộ có đặt vấn đề nhưng ông nói già rồi. Trong dịp Tết 1996 có lần ông nói vui: tôi tuy không thành ĐV nhưng có 5 trai thì 4 đã là ĐV, hơn khối ông tiếng là ĐV đấy nhưng con cái chẳng nên công trạng gì, có khi còn vô tù !. Đến 2008 thì ông đã có 5 con trai, 2 cháu nội đứng trong hàng ngũ Đảng !
[10] Xem mục: “An Phong thủa đó còn hoang hoá” .
[11]Xem mục: “Tay trắng đi lên bởi chí bền”
[12] Lúc này tôi đã đi học ở Hà Nội, dịp san nền là khi tôi đang ôn thi Đại học. Ai cũng cho là không may .Bố tôi bảo đó là điềm chẳng lành. Không hiểu có đúng vậy không nhưng trong cuộc chiến Tháng 2/1979 cả xóm mỗi nhà tôi bị cháy.
[13] Hôm đó là Chủ Nhật tôi đi Phú Xuyên chơi. Khi về nghe nói liền đạp xe ra ga Hàng Cỏ gặp bố mẹ và các em một lát. Sau này mới biết bố bị mất đôi lốp xe tại đây.
[14] Chính tôi từng nhiều phen bị đòn cực đau nhưng cũng vì vậy mà anh em tôi trưởng thành và rõ là hơn so với các gia đình cận kề có điều kiện kinh tế hơn hẳn. Nhưng lạ là khi về già thấy tôi đánh con, cụ lại giỗi (!)
[15] Vì vậy mà địa danh “Na clao bon” tức “ruộng cây bon” được cụ ghi thành La Cà Bốn và thành tên thung lũng mà bây giờ là thôn An Phong, xã Phong Niên hay chùa km 37 蓮花寺 lại gọi là “Niên hoa Tự” đúng ra phải là “Liên hoa Tự”, tức Chùa Hoa sen !
[16] Ví dụ:
+ Dịp mừng Thọ người 70 (thực ra năm 1992 cụ chưa đến tuổi, nhưng vì thấy yếu và có ông hàng xóm cùng tuổi cũng mừng dịp đó). Chính dịp nay tôi có viết đôi câu đối và anh Hỗ có bài thơ, in ở Phụ lục 6 còn Nguyễn Văn Quí-Công an tỉnh (sau đã chuyển YB) có tặng bức Trướng với bài thơ:
Mừng Cụ nay tròn Bẩy mươi niên, Con Ngoan, Cháu Thảo, Rể, Dâu Hiền.
Thanh bạch cuộc đời luôn gương mẫu, Chăm chút tảo tần thú Điền Viên.
Xuân về kính chúc Cụ trường Thọ, Dìu dắt cháu con vững đi lên.
Vạn sự Vẹn toàn như nguyện ước, Phúc Đức tràn trề, Lộc thường xuyên
Sau này việc tổ chức mừng thọ tại An Phong đã đi vào nền nếp.
+ Nhất là ý tưởng qui tập, xây mộ của gia đình ở quê. Tháng 12/1994 Bố mẹ tôi, Vợ tôi và Thuộc, Tràng đã về xây xong qui tập được 6 mộ, còn một bà Cô của bố tôi không tìm thấy .Tôi chưa hỏi nhưng có lẽ đây là bà Tổ Cô Lương Thị Mẹt mà khi cúng giỗ bố hay khấn đến vì Cô Tổ rất linh thiêng luôn phù hộ cha con tôi !.Đến tháng 8/1997 tôi , Tràng về hoàn tất nốt việc khắc bia ghi danh và gắn vào mộ. Còn nguyện vọng xây Từ đường ở quê, tới nay đang xúc tiến.Anh em tôi đã đóng góp kinh phí theo nguyên tắc tự nguyện (được 1.100.000đ), tôi đã chuyển về giao cho Trưởng họ ngày 31/8/1999.Phần mình tôi chuẩn bị 2 đôi câu đối với hàm ý con cháu li hương vẫn nhớ về đất cũ. Hai câu đó như sau: Câu dựa theo ý cũ của phụ thân khi còn sống:
Phúc xưa dầy: Nơi phát nguồn linh hiển-Đời càng vững Cây, bền Gốc
Nền nay vững: Chốn li hương cần kiệm-Ngày thêm thắm Lá, tươi Cành.
Câu khác là:
Tổ tiên tích Đức:Gốc Tử, Phần-Làng xưa nghìn năm Thịnh,
Con cháu gắng Công:Chồi Lan, Quế-Bản mới bốn mùa Xuân..
[17] Đây là một trong những tư liệu chủ yếu giúp tôi soạn nên cuốn này.
[18] Giỗ ông ngoại tôi ngày 14 và bà ngoại ngày 18/Chạp. Mẹ và Dì tôi xuôi từ 10/Chạp. Phần tôi đã dự kiến 10 tháng Giêng (16/2/1997) sẽ làm lễ Thượng thọ cho Bố và tổ chức kỉ niệm 50 năm ngày Bố Mẹ tôi lấy nhau (đám cưới vàng).Bản thân người hôm 10/Chạp khi đi dự cưới ngoài Vĩnh Hồ đã mời các ông bà cùng công tác thủa trước và bạn bè. Gần 20 giờ 20/01/1997 Thuộc điện cho tôi nói là bố mệt. Do linh tính thế nào mà ngay sau đó tôi điện cho Thức hẹn về.
[19] Có mấy điểm trùng hợp cần ghi nhận: Trước lúc tắt thở bà con hàng xóm, các cháu túc trực đông đủ. Nhưng chính lúc cụ “đi” thì chỉ có hàng con. Người mất 13 âm lịch và vaò thời điểm đó người có 13 con (7 đẻ, 4 dâu, 2 rể), 13 cháu (9 nội, 4 ngoại), có 13 gia đình họ Lương ở Lào Cai đến chịu tang.
[20] Mặc dù ngay 3 giờ sáng tôi đã ra Bưu điện Bắc ngầm gọi cho chị Mọn tôi ở HP báo tin.Nhưng Mẹ và Dì tôi lại chơi ở Bến Khuể, chị không tìm thấy. Không thể chờ, tôi quyết định mai táng Bố vào chiều 14/Chạp.
[21] Riêng rượu hết 100 lít, tổng chi 3 ngày gần 14 000 000, 0đ trong tổng số 24.000.000đ tiền phúng.
[22] Đúng ra bố tôi đủ tiêu chuẩn nhận hạng cao hơn nhưng những năm tháng Kháng chiến chống Pháp (1945-1954) không đủ hồ sơ chứng minh, người hoạt động cùng đều mất cả, anh em tôi xa quê khó có điều kiện thu thập, nhờ qua thư từ chỉ chứng minh được mức độ ấy.
[23] Lẽ ra thì cải từ năm trước nhưng sợ chưa "sạch" lại phạm tuổi Trưởng và út nam nên dừng.
[24] Lúc đầu tôi định đưa cả hài cốt vợ chồng Chú Thím Rật-Bính về đây nhưng chị em Dưỡng -Chàng chưa thống nhất được, nên tôi không dám ép.
[25] Tuy chép Gia phả tộc Lương nhưng mẹ và vợ tôi đều họ Phạm nên tôi tìm hiểu cả Phạm tộc và chép lại.
[26] Nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên.
[27] Không hiểu có liên quan gì đến Phạm Đình Trọng (1714 - 1754), danh tướng thời Lê, cũng quê: Hải Dương từng chỉ huy quan quân đánh dẹp khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu tại vùng duyên hải Bắc bộ không ?
[28] Tại Chiến Thắng còn một dòng họ Phạm nữa, chủ yếu ở Kim Côn với Thuỷ tổ là Phạm Công Tài 范公財. Trong số hậu duệ của dòng này có Tiến sĩ Phạm Đoàn Mậu khoa Ất Mùi (1475). Chồng của cô ruột tôi là Phạm Văn Ký (bố các anh Tuy, Kỷ, Bốn , bố vợ Lương Hoàn An hiện ở Khuể) thuộc dòng này.
[29] Từ đường được Phạm tộc quyết định xây tại phiên giỗ lần thứ 263. Đất do các anh con Cậu Kiểm, Kiển công đức 250 m2. Dự kiến chi 40 triệu, sau phát sinh đến 60.000.000đ. Mỗi xuất đinh 100.000đ, sau vận động cả gái, cháu ngoại mỗi xuất 30.000đ. Công Đức tuỳ tâm
[30] Dịp đó, thể theo nguyện vọng của mẹ, xét thấy sức khoẻ có thể đảm bảo được, mặc dù Luân phản đối , anh em tôi vẫn để mẹ cùng Dì đi xuôi, có Luận áp tải từ tối ngày 07/Giêng (17/2). Trời rét, mưa nhưng mẹ rất vui
[31] Bố anh Hấng (Cậu Thiêm) với Mẹ tôi là anh em con Chú, con Bác. Mẹ cậu Thiêm bố tôi gọi bằng Cô (Bà Lương Thị Lục, con cụ Hinh, cô ruột bác Công, bác Liêm, bà anh Thiếp) Anh còn một ông bác ruột nữa (Phạm Văn Kiệm) nhưng đã đi Nam, hình như không có tin tức gì.
[32] Việc chuyển tên lót Công-Đình-Đức-Huy-Văn từ xưa không thấy ghi lại lý do.
[33] Vì bà họ Đào ở Hạ. Mộ này do Dì tôi xây, đặt gần một ngôi mộ Tổ của Lương tộc
[34] Đây là tục xưa khi người Việt còn ở gần rừng. Thần Hổ được cúng trong ngày Sóc, Vọng hay gia chủ có việc Giõ Tết. Lễ vật gồm trầu, rượu, thịt, trứng sống. Nhà ông Ngoại tôi đặt tượng bằng đá, chôn ở cạnh lối đi.
[35] Con cái cũng bị ảnh hưởng. Nhưng sau này các anh (gồm cả con cậu Kiểm) đều học hành chu đáo và phương trưởng ngoài bản quán.
[36] Lấy anh Dán ở An Thọ, anh mất 2007. Con trai lớn tên Bền vào CA từ 1986, công tác tại CA Kiến Thuỵ, HP, mất do Ung thư năm 2004
[37] Lấy chồng người Tân Viên tên là Chiến , làm nghề xây dựng, ở SN 291 (343) Đường Trường Chinh, Quận Kiến An, chuyên thầu làm đường GT nhỏ. Chị mắc bệnh máu điều trị rất tốn kém đã từng đỡ một thời gian dài. Phạm Thị Mọn mất lúc 11h35’ giờ đêm ngày 11/5 (Rằm tháng Tư Bính Tuất), hưởng dương 54 tuổi. Sau khi dự đám cưới Thuận-Anh ở Xuân Quang về tôi gửi Điện Hoa chia buồn về 343 Trường Chinh nhưng sáng 14 lại nhận tin đưa Phạm Thị Mọn về quê chồng ở Tân Viên an táng. Tháng 10/2008 anh Chiến đã tục huyền.
[38] Có 01anh con trai bằng tuổi và học cùng với tôi lớp 1 tên là Nắng đã mất 199?.
[39] Chồng là Lương Đức Vương con anh Trù ở Lộc. Vương có xưởng mộc ở quán Hương.
[40] Khi học đổi là Mốt rồi Bình. Những năm học Đại học khá vất vả. Vợ cùng công tác tại Phòng GT-CN thành phố Đà Lạt, gia đình ở luôn trong đó. Anh là người đầu tiên cung cấp cho tôi phần mềm bộ gõ chữ Hán mà tôi dùng khi chèn chữ cần thiết vào cuốn này trong dịp anh ra chịu tang chị Mọn năm 2006.
[41] Hôm Cậu mất, Dương lịch là 26/7/1997: tôi, Tràng và Dì Tương có về. Kêt hợp tôi đã thuê khắc và gắn bia khu mộ của gia đình mà bố mẹ tôi xây năm 1994. Nhưng thiêú 01 tên không nhớ (bà Huân).
[42] Một con riêng của chồng tên là Hào lên Lào Cai ở và do Tràng-Lai đỡ đầu, lấy vợ sinh sống ở An Phong, Phong Niên, Bảo Thắng.
[43] Vợ trước bỏ sang Pháp lấy chồng mới và đã đón con sang. Lấy vợ mới 2003, được 2 con.
[44] Chú còn 01 người em ruột nữa ở cạnh nhà và chú rất hợp chuyện với bố tôi.
[45] Dì nổi tiếng tham việc, ưa làm giầu.Nhưng số không giữ được của. Tính dì nóng, hơi hiếu thắng, hầu như trái ngược tính mẹ tôi.Rất mê việc Chùa chiền.Dì đã từng đặt chân đến mọi nơi, kể cả Đà Lạt
[46] Gọi bố tôi bằng bác nên dì đang là em thành cháu mẹ tôi theo Lương tộc !
[47] Lúc đầu Chú-Dì rất Hạnh phúc, nhà khá giả. Về sau Dì tôi bị chồng và nhà chồng đối sử rất tệ. Nhiều trận đòn "nhớ đời" đã xảy ra.Vì thế mà sau này Dì và các Mợ, chị em bên ngoại rất hận chú.! Đang làm ở Hải Phòng, vì chuyện Gia đình chú phải đổi lên Hà Bắc, rồi vào Nam sau lại ra.
[48] Vì thế Dì bực đặt tên là Hoá (theo tôi không nên và thực tế nó đã “vận” vào em), sau đi học mới đổi thành Hoà. TN C3 không đi học tiếp, có thời gian làm ở CTXNK Hoàng Liên Sơn ở với vợ chồng tôi dưới Yên Bái, khi tôi về LC, Hoà ở lại, sau đó lấy chồng dưới ấy. Nhưng không con rồi trục trặc hoài, Hoà bỏ về Phong Niên từ 2004, mấy năm sau luôn sang ngủ cùng mẹ tôi và có công chăm nom bà.
[49] V.V Hoàn là chồng Lương Thị Thường , sẽ viết kĩ ở phần Đời thứ Bẩy Lương tộc
[50] 婉 có nghĩa là “thuận theo” đúng với tính cách của mẹ tôi.
[51] Đến năm 1998 do năng đi Chùa học Kinh nên Mẹ lại biết đánh vần.Tôi cũng không ngờ dịp về quê Khánh thành Từ đường (4/2000) mẹ lại đọc bài thơ Mừng Họ thông thuộc đến thế !
[52] Hồi tháng 8/1997 khi tôi về quê dự tang Cậu Kiển, chính Mẹ là người gợi ý tôi đặt Bia trên mộ gia đình đẫ qui tập từ 1994. Tết Mậu dần tôi viết và Sáng Mồng Ba tết-30/1/1998) đã đọc bài Thơ mừng thọ Mẹ có thể khái quát phần nào hình ảnh của bà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!