[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


21 tháng 4 2024

Tìm hiểu thêm về LỄ CÚNG 49 NGÀY

Hôm nay, gia đình bác cả bên ngoại tổ chức cúng 49 ngày cho Trưởng nam đằng Vợ tôi (mất Thứ Hai, ngày 04/3/2024 nhằm 24/Giêng/Giáp Thìn).

Do vừa mổ lấy Sỏi 2 Thận từ BVTWQĐ 108 về nên tôi không tham dự được, chỉ có vợ, con trai và các cháu tôi về dự. Nhân dịp này, thiết nghĩ có đôi điều cần nhắc lại cho thông, nhớ, rõ.

1. Vấn đề Tâm linh:

Thông thường người thân sau khi mất được tang gia cùng “các thầy” rước vong về gia đình tiến hành các lễ:

- Lễ ba ngày (三虞, lễ tế ngu). Nguyên thủy là tế 3 điều yên nhưng do phải xem ngày cầu kỳ, rắc rối nên dân gian thường biến thành “3 ngày” (sau mất) cho tiện và thường thực hiện ngay hôm rước vong từ Mộ về. Sau đó làm “lễ mở cửa mả”: sửa sang mộ cao ráo, đắp cỏ xung quanh làm rãnh thoát nước, chặt bỏ cây bụi chung quanh để phòng rễ mọc lan, xuyên vào mộ, chọc thủng áo quan, đặt trên mộ vầng cỏ, rào lại chắc chắn. Kể từ ngày đó, con cháu đến viếng thăm, thắp hương chỉ lấy đất chung quanh đắp bổ sung vào những chỗ đất bị sụt lở, không được trèo lên mộ, không được động thuổng, cuốc vào. Từ đây có thể đeo băng đen thay đội khăn trắng;

- Lễ cúng cơm (朝夕面, trong vòng 100 ngày) tiến hành hằng ngày, theo các bữa ăn của gia chủ thương thắp hương xong, dựng đôi đũa vào giữa bát cơm, có rượu thì rót chén rượu. Khấn vái xong rót chén nước, đặt mồi thuốc (nếu sinh thời người vừa thiệt mệnh có hút thuốc hoặc ăn trầu thuốc);

- Cúng tuần (旬祭, thực hiện vào các ngày thứ 7, 14, 21, 28, 35, 42 sau mất) cúng lớn hơn việc “cúng cơm: hằng ngày;

- Lễ chung thất (終七, ngày thứ 49 sau mất) đây là lễ lớn, viết kỹ sau. Nhưng vì tục không để qua năm mới nên nếu “tính ra” 49 ngày vào “trong mùng” tháng Giêng năm mới thì sẽ cúng vào trước Trừ tịch (30/Chạp) vào một ngày hợp việc tống lễ. Cúng xong đốt khăn tang (trừ khăn của các con phải đeo trong 2 năm 3 tháng, các cháu nội tang 9 tháng), các bức Trướng.;

- Lễ tốt khốc (卒哭, 100 ngày sau mất nghĩa là thôi khóc) nhưng thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa nên vẫn còn tang;

- Tiểu tường (小祥, giỗ đầu) trước đó con thứ, con gái có nghi lễ “gopc giỗ” trong ngàng “tiên thường” nhưng nay đã đơn giản hóa nhiều;

- Đại tường (大祥, giỗ hết, năm thứ 2) “vơi dần nhớ thương”, mọi hoạt động của tang chủ trở lại bình thường;

- Trừ phục (除服, bỏ tang, sau 27 tháng, chọn ngày trực Trừ). Đây là Lễ ngược với Lễ thành phục (成服, tức lễ phát tang cho con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng) khi người thân vừa mất. Như vậy, tuy trong năm hạng tang phục quy định gọi là đại tang 3 năm thực ra chỉ 27 tháng (sau lễ giỗ đại tường 2 năm, thêm 3 tháng dư ai 余哀).Việc này mỗi sách, mỗi nơi, mỗi thầy hướng dẫn một kiểu về việc xử lý khăn, áo tang. Ví dụ nếu “hóa” những thứ này vào ngày này thì hôm “cải táng” lấy gì ra mà dùng?. Thực chất “Trừ phục” gồm 3 lễ:

+ Lễ sửa mộ: Ðắp sửa mộ thành mộ tròn.

+ Lễ đàm tế, 談祭: Cất khăn tang. Huỷ đốt các thứ thuộc phần lễ tang, rước linh vị vào bàn thờ chính. Bỏ bàn thờ tang. Thu cất các bức trướng, câu đối viếng.Từ đó mọi hoạt động gia đình trở lại bình thường (cưới xin, đi dự các cuộc vui...).

+ Lễ rước linh vị vào chính điện và yết cáo tổ tiên: Chép sẵn linh vị mới, phủ giấy hay vải đỏ, khi đàm tế ở bàn thờ tang xong thì đốt linh vị cũ cùng với băng đen phủ quanh khung ảnh và văn tế. Sau đó rước linh vị, bát hương và chân dung (nếu có) đưa lên bàn thờ chính, đặt ở hàng dưới. Trường hợp nhà con thứ không thờ gia tiên bậc cao hơn thì vẫn để nguyên bàn thờ như cũ, không phải chuyển bàn thờ mà chỉ cần yết cáo gia thần và yết cáo tổ ở nhà thờ tổ.;

- Cải táng (改葬, bốc mộ) cần chú ý cẩn thận;

- Kị nhật (忌日, giỗ từ năm thứ 3 trở đi) có thể mời khách hoặc không;

- Nếu gặp Rằm tháng Bẩy cũng cần cúng và nên nhớ “mã đầu mã biếu, mã sau mới là mã nhận”.

Trong các Lễ, công việc trên thì trừ ngày làm lễ An táng và ngày làm lễ Trừ phục, Cải táng cần chọn ngày lành còn Lễ Chung thất, Tốt khốc, Tiều tường, Ðại tường, Kị nhật cứ theo đúng ngày (mất) mà làm. Khi đó con cháu ở xa nhớ ngày về làm lễ, thân nhân ở chỗ khác sắm sửa lễ đúng ngày tới dự. Lưu ý tang tế theo ngày định sẵn nên thân bằng, cố hữu ai lưu luyến đến thăm viếng, không đợi mời như lễ mừng, lễ cưới và không chuỵện “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (有請有來無請不到, mời thì đến, không thì thôi) được. Ngoài ra, con thứ, con gái, cháu phải đến từ ngày hôm trước để “góp giỗ” trong buổi Tiên thường 先嘗.

Cổ nhân quan niệm: Sống trên trần thế ai cũng từng mắc lỗi lầm, tạo nghiệp chướng. Do vậy muốn được siêu thoát, chuyển kiếp thì sau khi chết, vong người mất phải đi qua mười “Điện” 殿 và mỗi điện do 1 ông vua cai quản, gọi là “Thập Điện Minh Vương” (H: 十殿簷王, A: The ten Kings of Hell, P: Les dix rois de l'Enfer)[1] ở Địa phủ (H: 地府, A: The Hell, P: L'Enfer). Các ông Vua này có các trách nhiệm phán xét, trừng phạt các loại tội lỗi khác nhau của người đó khi tại thế.

Vong người mất đi qua một Điện phải mất 1 Tuần nên Mười điện tương ứng với mười Tuần, 10 lần tang chủ sắm và tiến hành các lễ cúng. Trong đó:

- Bảy bảy bốn chín ngày đầu tương ứng với 7 điện đầu tiên (từ Tần Quảng Vương đến Thái Sơn Vương). Trong đó sáu tuần đầu còn gọi là tuần Thất (H: 旬七, A: The period of seven days, P: La période de sept jours) Tuần thứ Bẩy là lễ cúng 49 ngày, tức Chung thất ( ngày thứ 49 sau mất) tương ứng với điện thứ 7;

- Tuần thứ 8 chính là lễ cúng 100 ngày (Tốt khốc) tương ứng với điện thứ 8 (Đô Thị Vương);

- Tuần thứ 9 tức là cúng giỗ đầu (Tiểu tường) tương ứng với điện thứ 9 (Bình Đẳng Vương) và

- Tuần thứ 10 chính là giỗ năm thứ hai (Đại tường) tương ứng với điện thứ 10 (Chuyển Luân Vương).

Để giúp người thân mới mất qua được 10 cửa điện đó, sớm đến miền cực lạc là lý do của việc cúng người mới mất trong vòng tang.

2. Việc cúng 49 ngày

Thế tục cho rằng âm hồn người đã mất khi qua đời phải trải qua 7 lần phán xét, mỗi một lần phán xét kéo dài 7 ngày, tất cả hết 49 ngày.  49 ngày sau mất là thời kỳ vong linh còn mờ mịt, nổi chìm chưa định, nên phải cúng vong để giúp được chuyển sinh vào chỗ thiện. Theo thuyết của Phật giáo: vừa mới chết, hồn người chết bị Thành Hoàng là vị thần cầm sổ bộ điạ phương phái Ngưu Đầu và Mã Diện áp tải đến tra án trong 49 ngày về những hành vi thuở sinh còn sống, qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát sẽ tự do hay bị gông cùm tuỳ theo tội trạng.

Thờ cúng vong linh cũng giống như đang sống, cũng là để thoả nguyện tâm linh, “Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”.

Chú ý rằng, trên ban thờ của người mới mất không được thắp hương vòng vì nếu thắp hương vòng, hồn người chết sẽ quẩn quanh, không thể siêu thoát (!?). Thực ra, xưa quy định trong những ngày để tang cha mẹ, người con trưởng không được phép đi xa, thường gọi là “cư tang” (居喪, ở nhà chịu tang) nếu thắp hương vòng, có thể ra khỏi nhà suốt ngày nên chỉ thắp hương nén. Trước khi đi ngủ, thay hương nén bằng hương sào (que hương lớn và dài hơn, có thể cháy trong  4, 5 giờ, đủ qua đêm).

Lại nữa, người mới chết, chưa sạch sẽ nên chưa thể đưa lên bản thờ chung mà đợi sau ngày Tốt khốc có nơi sau giỗ Đại tường hay sau khi Cải táng. Việc này là do đợi thời gian, cùng với sự mất đi của hình hài, những lời thị phi của thiên hạ về người mất đã phai nhạt thì họ mới được gia nhập thế giới thiêng liêng, xứng với các bậc tiên hiền, trở thành đối tượng được lớp cháu con ngưỡng vọng, tôn vinh, sống trong tâm linh các thế hệ sau.

Đồng thời trong vòng 49 ngày sau mất, Vong hồn (H: 亡魂 - 亡靈, A: Soul of dead person, P: L'âme du mort) người vừa mất đang chờ đầu thai, tái sinh vào một cảnh giới trong Lục đạo luân hồi (H: 六道輪迴, A: Six ways of Karma, P: Six voies de Karma) gồm 3 đường lành và 3 đường dữ tùy nghiệp lực từng người[2]. Do vậy khi đó cũng chỉ nên cầu cho vong hồn thân nhân mau siêu thoát, chứ “họ” không rảnh và không thể phù hộ cho con cháu nơi trần thế được!

Có nơi chỉ cúng 49 ngày (終七, tức là lễ chung thất) không cũng lễ 100 ngày. Có nơi cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc) với ý nghĩa là thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa.

 Lễ cúng 49 ngày là một dạng tín ngưỡng, đồng thời nó cũng là buổi lễ cúng giỗ quan trọng của người còn sống đối với người mới qua đời. Đây là một buổi lễ cúng giỗ mở đầu sau ngày người chết qua đời được 49 ngày, cầu mong cho hương linh sớm vãng sanh về cõi Tịnh độ.

Như vậy theo quan niệm của cổ nhân thì lễ 49 ngày sẽ bắt đầu tính từ ngày người hưởng cúng mất (cũng có thầy pháp, gia đình, địa phương, tôn giáo tính từ ngày người chết được mai táng). Bởi sau 49 ngày, tùy nghiệp mà thọ sinh chiêu cảm quả báo như đã viết ở trên: sẽ thọ sinh về cảnh giới an lành, hoặc vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp mà thọ sanh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi. Cũng chính theo lời dạy nầy, mà phật tử thường hay cúng Trai Tăng vào ngày chung thất. Mục đích là nhờ sức chú nguyện của chư tăng, ni, gọi là đức chúng như hải, mà hương linh thác sinh về cảnh lành.

Thực ra, theo ý nghĩa của hai chữ cầu siêu, có nghĩa là cầu mong vượt qua: “Từ cảnh giới tối tăm xấu ác, vượt qua đến cảnh giới tốt đẹp an lành”. Nên lúc nào ta cũng phải cầu siêu: cầu siêu cho chính bản thân ta, đồng thời cũng cầu siêu cho mọi người luôn luôn được sống trong an lành.

Phật Giáo cho rằng sau khi âm hồn của người mất rời khỏi cơ thể chuyển vào giai đoạn “phân định nghiệp” trong vòng 49 ngày. Lại bởi sống ở trên đời “Nhân vô thập toàn”, nên cần khoảng thời gian là 50 ngày sau khi âm hồn rời khỏi thể xác để đánh giá cái nghiệp tạo ra trong cả cuộc đời, để có thể tùy theo nghiệp nặng hay nhẹ mà tái sinh. Do vậy nên có các buổi cúng cầu siêu, niệm Phật hồi hướng để cho linh hồn của người đã khuất nhanh được siêu thoát và vào được cảnh lành.

Ngoài ý nghĩa cầu siêu cho linh hồn người đã khuất, đây cũng là dịp tiễn người đã khuất sang thế giới khác để họ không còn vướng bận tại trần gian, lễ cúng 49 ngày được xem là buổi chia tay, tiễn đưa người đã khuất sang thế giới bên kia. Giúp hương linh họ rời cõi trần nhẹ nhàng, thanh thản và chóng tái sinh kiếp mới. Do vậy, trong lễ cúng cầu siêu mọi người phải thật thành tâm, đem hết lòng thành để tụng niệm nguyện cầu.

Ngoài ra, với người sống đây là dịp tưởng nhớ đến người đã khuất, bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương của gia đình, con cháu đối với người quá vãng.

Như thế, nếu những ai đã được quyết định về với cõi nào thì việc cúng 49 ngày là dịp để người thân thể hiện tình cảm thương tiếc và tưởng nhớ đến người quá cố. Còn với những hương hồn chưa quyết được sẽ tái sinh về cõi nào (ngục, súc sanh, ngạ quỷ, a-tu-la, nhân và thiên) thì việc này mang ý nghĩa nhắc nhở người quá cố hướng tâm về cái thiện, về những điều tốt đẹp để sớm được tái sinh về cảnh giới an lành. Gieo nhân nào gặt quả nấy, nếu khi còn sống có tâm đức hin lành, tạo được các nghiệp tốt, thì khi mất ta đi sẽ được v cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ, chịu báo ứng cho những việc xấu xa đã gây ra ở cõi dương trần.

Sau 49 ngày, tang quyến vẫn cần tiếp tục tụng kinh niệm Phật, để cho hiện đời mình được an lạc và đời sau cũng được an lạc. Sau đó, phiên tòa phán xét đã xong, người được phán v cõi nào sẽ tái sinh ở tại cõi ấy và lễ cúng 49 ngày chính là giúp tạo công đức cho người đã khuất, nhất định cần phải làm trong 49 ngày.

Khi người thân mất thì những người trong gia đình có thể khóc tới lúc đưa tiễn, chôn cất xong. Tuy nhiên sau khi trở về nhà không nên khóc to tiếng bởi điều này sẽ khiến cho người đã khuất quyến luyến không nỡ rời đi, từ đó dẫn đến việc khó siêu thoát và chuyển thai sang kiếp khác.

Dịp này những người trong tang chủ cũng không mặc quần áo và sử dụng đồ của người đã khuất, kể cả việc nằm trên giường của người đã khuất. Bởi vì người mất sẽ luôn ghi nhớ về món đồ của mình, vong linh người chết sẽ quay lại đòi, hành cho ốm đau hoặc có thể bắt đi. Tang gia cũng không nên sát sinh. Bởi việc này có thể tạo nghiệp cho người đã khuất khiến cho họ không được siêu thoát. Không tổ chức ăn uống, hát hò bởi thân nhân còn phải chịu tang[3] nếu thi triển sẽ xúc phạm và không tôn trọng người đã mất. Đồng thời cũng không nên đến lễ tiệc, những nơi ồn ào bởi sẽ mang đến sự lạnh lẽo, không may mắn cho mọi người ở trong ở đó lại dễ tạo chủ đề bàn tán cho những người xung quanh. Có người kiêng các ngày 7, 17, 27. Đa số người Việt, kiêng lấy vợ, gả chồng cho con cái[4] trong lúc có tang. Sau khi chôn cất xong đúng ba ngày kể từ khi hạ huyệt thì gia đình chuẩn bị lễ cúng mở cửa mả. Việc trong 49 ngày nên hạn chế ra mộ bởi vì lúc này người mất chưa thể được siêu thoát, linh hồn còn vương vấn. Nếu người thân ra mộ thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ, từ đó người đã mất không muốn siêu thoát, đầu thai chuyển kiếp.

Nhắc lại: việc tổ chức lễ tang nên đơn giản, tang lễ càng rườm rà càng hao tốn tiền của, sức lực một cách vô ích để bớt thêm nghiệp xấu cho người vừa thiệt phận. Việc tang chủ không biết tiết kiệm phúc, phung phí tiền bạc, thực phẩm…không tích phúc, làm việc công đức (cúng dường Tam bảo, phóng sinh, ấn tống kinh sách, bố thí, làm từ thiện…) thì người mới mất sẽ không được hồi hướng, chậm được giải thoát.

Trong Lễ cúng 49 ngày, tùy theo yêu cầu của thầy pháp làm lễ và lệ tục của từng địa phương, tôn giáo, hoàn cảnh gia tang mà sẽ gồm những tế phẩm khác nhau. Có một số nơi thì người thân hay cúng những loại thức ăn mà lúc sinh thời người khuất thích ăn, cũng có nơi lại cho rằng làm như vậy sẽ khiến vong linh người đã khuất vương vấn trần gian mà không thể ra đi thanh thản.

Thông thương, để tránh mắc thêm nghiệp tội sát sinh, gia đình và người thân nên chuẩn bị đồ chay. Có thể là hương, hoa, sữa, bánh, trái cây, đồ ăn chay có nguồn gốc từ Phật giáo, bài văn cúng tế… Mâm cúng không cần quá cầu kỳ, chỉ cần đầy đủ các món cơ bản, gọn gàng, sạch sẽ và quan trọng là phải thật thành tâm cúng bái. Nhớ tối kỵ chó mèo, thịt bò, xôi đậu đen khi làm mâm cơm cúng. Hơn nữa, nhiều gia đình không biết cách đọc văn tế cho người đã khuất nên thường bỏ qua bước này.

Ngoài bánh kẹo, trái cây, hương hoa, nước, trà, rượu cần thêm Quần áo từ 2 - 3 bộ, Tiền vàng từ 15 sấp trở lên và Bài văn cúng tế. Có khi có: nem chay, giò chay, xôi chay, canh bóng nấu thả, cơm hạt sen thập cẩm, xôi cốm hạt sen dừa, nấm rơm kho sả ớt chay, rau xanh,…

Trong khi bầy mâm cúng lễ chay thường thực hiện trong tuần Tứ cửu (cúng 49 ngày), lập ra gồm 3 tầng: trên cùng là tượng Tam bảo được thay bằng 3 bình hương; tiếp theo là tượng Tam phủ (Trời, đất, Nước gồm Thiên Quang, Thích Ca và Thành Hoàng; dưới cùng là ban thờ chúng sinh). Khi tiến hành có Lễ Phật, lễ Tam phủ, Cầu vong, phá ngục, giải oan cắt đoạn, phóng sinh và cúng cháo.

Theo quan niệm Phật giáo, cúng chay giúp tránh nghiệp sát sinh không đáng có, đều có lợi cho cả người đã khuất lẫn người thân trong gia đình. Thông thường mâm cỗ chay sẽ có: nem chay, giò chay, xôi chay, canh bóng nấu thả, cơm hạt sen thập cẩm, xôi cốm hạt sen dừa, nấm rơm kho sả ớt chay, rau xanh,…

Nếu bầy mâm cúng lễ mặn thì thường chuẩn bị một số món gồm: thịt, cá, xôi, canh, rau, cơm mặn...

3. Bài văn cúng 49 ngày đơn giản có thể thực hiện tại nhà.

“ Nam mô A di đà phật (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, Năm phương Đất, Chư phật mười phương.

Hôm nay là ngày...........tháng...........năm............. (âm lịch), tức là ngày.............tháng...........năm........ (dương lịch).

Tại địa chỉ:..............

Con trai trưởng là: ...............

Vâng theo lệnh của mẫu thân (nếu là Mẹ)/phụ thân (nếu là Cha), các chú bác, anh rể cùng chị gái, em trai em gái và các dâu rể, con cháu nội ngoại kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ, Chư vị Tôn thần; Lương tộc lịch đại Tổ tiên.

Hôm nay nhân ngày lễ Chung Thất của:……………theo nghi lễ cổ truyền, kính cẩn sắm các lễ vật dâng lên bao gồm: (liệt kê).

Kính dâng lễ mọn với tấm lòng thành.

Trước linh vị hiển chân linh.

Xin kính cẩn trình thưa rằng:

Núi Hỗ sao mờ, nhà Thung bóng xế (nếu là người Cha)/ Núi Dĩ sao mờ, nhà Huyên bóng xế (nếu là người Mẹ). Tình nghĩa cha sinh mẹ dưỡng biết là bao. Mất lâu nay thở than trầm mơ màng. Tưởng nhớ âm dương vắng vẻ. Sống thời lai lai láng láng hớn hở chừng nào. Thác thời kể tháng kể ngày buồn tênh mọi lẽ.

Tính đến nay Chung Thất tới tuần. Lễ bạc nhưng tâm thành gọi là có nén nhang.

Xin mời hiển khảo… (nếu là người Cha)/hiển tỉ …(nếu là người Cha)

Cùng các bị Tiên linh, Tổ Bá, Tổ Thúc, Tổ cô và các vong linh phụ thờ theo Tiên Tổ cùng về tâm hưởng.

Kính cáo: Liệt vị Tôn Thần: Táo Quân, Thổ Công, Thánh sư, Tiên sư, Ngũ tự Gia thần cùng chứng giám và phù hộ và toàn gia được mọi sự yên lành tốt đẹp.

Nam mô A di Đà phật” (ba lần))

Cẩn cốc !

-Lương Đức Mến, 13/3/Giáp Thìn 2024-

 



[1] Đó là:

1. Tần Quảng Vương 秦廣王 điều khiển sức khỏe, sinh tử và quản lý việc u minh, cát hung;

2. Sở Giang Vương 楚江王 trông coi địa ngục Hoạt Đại, trừng trị những người khi tại thế từng gian dâm, sát sinh;

3. Tống Đế Vương 宋帝王 quản Hắc Thằng Đại Địa, trừng trị những người khi tại thế  hay ngỗ ngược, hỗn láo với bề trên, xúi bẩy kiện tụng, gây sự bất hòa,...;

4.  Ngũ Quan Vương 五官王 quản địa ngục Hợp Đại, trị những người khi tại thế chuyên trốn nộp tô, thuế cho nhà nước, mua gian bán lận...;

5. Diêm La Vương 閻羅天子包 quản đại địa ngục Khiếu Hoán, trị kẻ từng gây tai ương trên trần thế;

6. Biện Thành Vương 卞城王 quản Khiếu Hoán và thành Uổng Tử, rèn những người lúc sống oán trời trách đất, cứ khóc lóc, trộm cắp, đầu cơ tích trữ...;

7. Thái Sơn Vương 泰山王 quản địa ngục Nhiệt Não, trị người khi sống trên trần gian đào mồ, trộm mả, lấy hài cốt để làm thuốc, rời bỏ người thân thích...;

8. Đô Thị Vương 都市王 quản đại địa ngục Đại Nhiệt Não, trừng phạt kẻ sống trên trần gian bất hiếu khiến cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải buồn phiền, bực tức...;

9. Bình Đẳng Vương 平等王 quản Thiết Võng A Tỳ và thành Phong Đô, tra tấn kẻ từng giết người, đốt nhà, bị chém nơi pháp trường...;

10. Chuyển Luân Vương 轉輪王 nắm các điện mà giải đến nơi quỷ hồn để làm rõ thiện ác, quyết định đẳng cấp, rồi cho lên đầu thai.

[2] Trong Lục đạo luân hồi (H: 六道輪迴, A: Six ways of Karma, P: Six voies de Karma) gồm:

Tam thiện đạo (三善道, Ba đường lành)  thì vui sướng dễ chịu là: Cõi trời (天道deva, Tiên với người đã tạo 10 nghiệp lành bậc thượng), Cõi người (人道 manussa, Nhân với người đã tạo 10 nghiệp lành bậc trung) ), Cõi Atula (阿修 asura, Thần với người tạo 10 nghiệp lành bậc hạ).

Tam ác đạo (H: 三惡道, A: Three evil ways, P: Trois mauvaises voies tức Ba đường dữ)  sẽ khốn khổ, nguy nan là:  Cõi súc sinh (畜生道 tiracchānayoni, với kẻ gây nên 10 nghiệp ác vừa), Cõi ngạ quỷ (饿鬼道 petta, ma đói, với kẻ  gây nên  10 nghiệp ác thường), Cõi địa ngục ( niraya, với kẻ  làm người mà gây ra 10 nghiệp cực ác).

[3] Thời gian trước phải chịu tang 3 năm, tuy nhiên giờ đây chỉ rút ngắn lại còn 49 ngày

[4] Sẽ phạm phải tội bất hiếu với cha mẹ, tổ tiên.

Nhấn vào đây để đọc toàn văn...

16 tháng 4 2024

Tìm hiểu về VŨ TRỤ VÀ THỜI GIAN

Trước khi đi sâu vào nghiên cứu về ứng dụng của Triết học cổ trong việc Lựa ngày, Chọn đất, Dự đoán vận số,… cần biết một số quan niệm của cổ nhân về Thế giới quan quanh ta và Lịch cũng như Phép làm lịch xưa.

       1. Vũ trụ:

Từ rất xa xưa, qua quan sát người cổ đại đã nhận ra được các sự việc xẩy ra có trình tự trước sau và thấy sự thay đổi của sáng, tối, đêm; của thời tiết, khí hậu. Đồng thời cũng dần nhận thức được sự thay đổi đó luôn gắn với sự chuyển vận của mặt Trời, mặt Trăng, các hành tinh và các vì sao.

Thời cổ đại, người Trung Hoa nhìn lên bầu trời thấy các ngôi sao và các hành tinh đều là các đốm sáng như nhau nên gọi là “sao” (, tinh). Nhưng khi thấy vị trí của các hành tinh này trên bầu trời qua mỗi đêm là khác nhau nên nghĩ rằng có những ngôi sao có thể di chuyển gọi là “hành tinh” 行星 (hành là đi, di chuyển, tinh là ngôi sao), còn những ngôi sao khác gọi là “định tinh” 定星.

Theo Thiên văn học hiện đại thì: “hành tinh là một thiên thể, có kích thước đáng kể, xoay chung quanh một ngôi sao hay, có khối lượng dưới khối lượng giới hạn để diễn ra phân rã nhiệt của deuterium và có khối lượng lớn hơn khối lượng cần thiết trong định nghĩa hành tinh trong Hệ mặt trời”. Thuật ngữ này, ở các ngôn ngữ Âu châu như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đức... đều có nguồn gốc từ chữ planetes (Πλανήτης) của tiếng Hy Lạp. Planetes có nghĩa là “dân du mục”. Còn “ sao là một thiên thể chứa chủ yếu vật chất ở trạng thái plasma, khối lượng khoảng từ 1020 đến 1040 kg, duy trì ở nhiệt độ hàng nghìn độ K, do đó tỏa ra bức xạ vật đen tương ứng có cực đại trong phổ nhìn thấy đến UV gần, nhờ các phản ứng nhiệt hạch trong lòng. Các ngôi sao thường có hình dạng gần hình cầu, tự duy trì trạng thái cân bằng thủy động lực học, nhờ sự cân bằng giữa áp suất bức xạ điện từ phát ra từ bên trong với trường hấp dẫn của bản thân”.

Do thói quen du nhập từ Trung Quốc nên tên các thiên thể trong tiếng Việt đều bị gọi là “sao” , không cần biết nó là ngôi sao, hành tinh, hay hành tinh lùn.

Theo Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union), 8 hành tinh sau đây được chấp nhận như hành tinh chính thức của Thái Dương Hệ: Thủy Tinh , Kim Tinh , Địa Cầu - cùng với vệ tinh của nó là Mặt Trăng ☽/☾, Hỏa Tinh - cùng với 2 vệ tinh của nó là Deimos và Phobos, Mộc Tinh   - cùng với 63 vệ tinh của nó, Thổ Tinh   - cùng với 47 vệ tinh của nó, Thiên Vương Tinh - cùng với 27 vệ tinh của nó , Hải Vương Tinh - cùng với 13 vệ tinh của nó.

Nó tương ứng với các nguyên tố trong Ngũ hành là 5 hành tinh (thứ tự từ Mặt trời ra) : Thuỷ 水星, Kim 金星, Hoả 火星, Mộc 木星, Thổ 土星.

Các sao và hành tinh giúp con người nhận rõ sự biến đổi của thời gian là:

Mặt Trời (太陽,Thái Dương) là một ngôi sao ở trung tâm của hệ Mặt Trời và ở gần Trái đất nhất. Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời, cũng như các thiên thể khác bao gồm các hành tinh khác, tiểu hành tinh, thiên thạch, sao chổi và bụi.

Đó là một ngôi sao thuộc chuỗi chính của biểu đồ Hertzsprung-Russell, với cấp quang phổ G2, có nghĩa là nó trong một mức độ nào đó nặng và nóng hơn các ngôi sao trung bình nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với các sao xanh khổng lồ. Các sao G2 là nằm trên chuỗi chính và có tuổi thọ khoảng 10 tỷ năm (10 Ga), và Mặt Trời đã hình thành cách đây khoảng 5 Ga (5 tỷ năm) trước theo như kết quả tính toán của ngành niên đại vũ trụ học. Mặt Trời quay xung quanh tâm của Ngân Hà ở khoảng cách khoảng 25.000 đến 28.000 năm ánh sáng tính từ tâm thiên hà này, nó hoàn thành một chu kỳ quay vào khoảng 226 Ma (226 triệu năm). Vận tốc quỹ đạo là 217 km/s, có nghĩa là 1 năm ánh sáng bằng 1.400 năm và 1 đơn vị thiên văn (AU) bằng 8 ngày di chuyển của nó.

Nó được viết là “nhật” trong Hán tự và vì vai trò của Mặt trời nên chữ này còn dùng để chỉ “ngày”.

Ký hiệu thiên văn của Mặt Trời là một vòng tròn với một chấm ở tâm  .

Trái Đất (地毬,Địa Cầu), là hành tinh thứ ba trong Thái Dương Hệ tính từ Mặt Trời trở ra. Địa Cầu là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh có đất và đá của Thái Dương Hệ. Cho đến nay đây là nơi duy nhất trong toàn vũ trụ được biết là có sự sống. Tuổi của Địa Cầu được ước lượng vào khoảng 4,6 tỷ năm. Loài sinh vật có tri giác chính của Trái Đất là loài người (Homo sapiens sapiens). Ký hiệu của Trái Đất là hình chữ thập viền tròn, đại diện cho đường kinh tuyến và xích đạo; một biến thể khác là hình chữ thập ở trên hình tròn Unicode: hay . Thời gian cần thiết để trái đất quay đủ một vòng quanh quỹ đạo mặt trời - là 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 46 giây và đó là năm dương lịch.

Kí hiệu Thiên văn học của Trái đất là /.

Mặt Trăng (太陰,Luna), là một vệ tinh có đất đá tương tự như các hành tinh tương đối lớn, có kích thước khoảng 1/4 đường kính, “trẻ tuổi” hơn và là vệ tinh của Trái Đất.

Kí hiệu Thiên văn học của Mặt Trăng☽/☾.

Lực hấp dẫn giữa Trái Đất và Mặt Trăng sinh ra thủy triều trên Trái Đất. Hiệu ứng tương tự trên Mặt Trăng dẫn đến sự giam giữ bởi thủy triều của nó: chu kỳ tự quay của Mặt Trăng bằng với chu kỳ quay quanh Trái Đất. Kết quả là nó luôn luôn hướng một mặt về Trái Đất.

Khi Mặt Trăng quay quanh Trái Đất, các phần khác nhau trên mặt nó được chiếu sáng bởi Mặt Trời, nên có các pha của Mặt Trăng: phần sẫm trên bề mặt được phân cách bởi phần sáng bằng đường phân cách mặt trời.

Mặt Trăng có thể phù hợp cho sự sống do có thời tiết trung bình. Các chứng cứ hóa thạch và giả lập bởi máy tính chỉ ra rằng độ nghiêng trục của Trái Đất được ổn định bởi tương tác thủy triều với Mặt Trăng. Không có sự ổn định này để chống lại các mômen xoắn do tác động của Mặt Trời và các hành tinh khác tới Trái Đất, người ta cho rằng trục quay của Trái Đất có thể không ổn định và hỗn loạn, giống như trên Hỏa Tinh. Nếu trục quay của Trái Đất gần với mặt phẳng quỹ đạo, khí hậu Trái Đất có lẽ sẽ cực kỳ khắc nghiệt do tạo ra sự sai biệt theo mùa cực lớn. Một cực sẽ gần như hướng thẳng tới Mặt Trời trong mùa hè và ngược lại trong mùa đông. Các nhà khoa học cho rằng khi đó phần lớn các loại hình sự sống cao cấp sẽ bị hủy diệt. Điều này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và các nghiên cứu tiếp theo về sao Hỏa - giống với Trái Đất về chu kỳ tự quay và độ nghiêng trục, nhưng không có mặt trăng lớn hay lõi lỏng - có thể cung cấp các thông tin bổ sung.

Mặt Trăng là vừa đủ xa để khi nhìn từ Trái Đất, có kính thước góc biểu kiến giống như Mặt Trời (Mặt Trời lớn hơn 400 lần, nhưng Mặt Trăng thì lại gần hơn 400 lần). Điều này cho phép có các nhật thực toàn phần cũng như nhật thực hình khuyên diễn ra trên Trái Đất.

Các chu kỳ của mặt trăng là do chuyển động của nó xoay quanh trái đất cùng lúc với trái đất xoay quanh mặt trời. Chuyển động này dễ nhận biết nên có liên quan tới việc đo lường thời gian; mặt trăng được gọi là nguyệt , là một tuần trăng, nghĩa là một tháng (cũng ghi bởi chữ ). Các chu kỳ của mặt trăng không tương ứng với các chu kỳ của mặt trời nên tuy việc sử dụng mặt trăng làm đơn vị thời gian này khá đơn giản (ngày, đêm, tháng), nhưng không có cơ sở để tính các tiết khí phục vụ trồng trọt. Do vậy Tiết khí 節氣 phải tính theo Lịch Dương; là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15° tương ứng khoảng 14-16 ngày.

Sự chuyển động của Mặt trăng quanh Trái đất, sự  tự quay quanh trục của Trái đất và việc chúng tự xoay xung quanh Mặt trời hình thành nên hiện tượng “sáng”, “tối”, thay đổi khí hậu trên mặt đất.

Cần nhắc lại câu nói của Nhà hiền triết Paracelsus (Bác sĩ Philippus Aureolus Theophrastus Bombastus von Hohenheim, 1493-1541): “Thượng Đế đã tạo dựng các hành tinh và các ngôi sao không phải để chúng thống trị con người, nhưng để chúng cũng như các tạo vật khác, vâng phục và phục vụ con người”.

      2. Thời gian:

Hiện tượng mặt đất được chiếu “sáng” hay chìm trong bóng “tối” và có sự thay đổi khí hậu (nắng, mưa, nóng, ấm, mát, lạnh,…) diễn ra theo một quy luật mà từ xa xưa con người đã nhận thức được. Đồng thời cuộc sống đặt ra cho con người cần phân biệt những gì thuộc về quá khứ, những gì đang diễn ra và những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Từ đó hình thành nên khái niệm Thời gian 時間.

Đó là yếu tố vô cực, nó có như vốn có và sẽ tồn tại vĩnh viễn cùng vũ trụ. Một đơn vị đo thời gian là một thời gian chuẩn (thường không đổi theo thời cuộc) dùng để làm mốc so sánh về độ lớn cho mọi thời gian khác. Đó là khái niệm vật lý chỉ trình tự xảy ra của các sự kiện và đo lượng (nhiều hay ít) mà sự kiện này xảy ra trước hoặc sau sự kiện kia.

3. Tuy có quan niệm, có cảm thức về thời gian, nhưng không phải dân tộc nào, nước nào cũng biết chia ra những mốc thời gian một cách chuẩn mực, tức định ra Phép đo thời gian. Khi đo thi gian ca mt hot động, một vận động cn thc hin các bước đo thời gian sau:

-        Ước lượng khong thi gian cn đo;

-                      Chn đơn vị đo phù hp;

-                      Hiu chnh đơn vị đo;

-                      Thc hin việc đo thi gian;

-                      Đọc và ghi kết qu mi ln đo rồi tổng hợp lại.

Hệ thống để đặt tên cho các chu kỳ thời gian, thông thường là theo các ngày được gọi là “lịch. Cách tính lịch gọi là Lịch pháp 曆法 gắn liền với thiên văn, với chiêm tinh học, là sản phẩm quan trọng mà các nền văn minh tối cổ như Trung Hoa, Ai Cập, Babilon, Hy Lạp đạt được. Quyển sách ghi lại lịch, đếm ngày, để ghi chép công việc, để tính toán sự biến chuyển của các mùa gọi là Lịch thư (H: 曆書, A: Almanac, P:Almanach).

Để nhận thức thời gian, qua tích lũy kinh nghiệm cổ nhân từ khái niệm ngày (, có mặt trời), đêm (, không có ánh mặt trời) ban đầu dần đến nhận xét đêm có trăng, đêm không trăng (Sóc, ), trăng tròn (Vọng, ) trăng khuyết hình thành nên khái niệm tháng (). Nhiều ngày, tháng chung một đặc trưng thời tiết hình thành nên mùa (quý, 季). Các mùa tuân theo một quy luật nhất định và vòng đó gọi là năm (Niên,). Khi cần chia nhỏ đơn vị thời gian dưới ngày người ta chia ra giờ (thời, ) .

Trên năm hợp thành Giáp, Hội giáp, Thập kỉ, Thế kỉ, Thiên niên kỉ. Như vậy, chính vẻ đẹp của bầu trời ban đêm và sự chuyển dịch của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh, ngoài  góp phần quan trọng cho tư thế của con người mãi mãi đứng thẳng, giúp con người dần hoàn thiện mình còn giúp con người phát minh ra phép đo thời gian và cách tính Lịch.

Ban đầu phép đo thời gian còn đơn giản, không có những dụng cụ thiên văn tối tân và đồng hồ chính xác, mà chỉ có cái thước và đôi mắt, chủ yếu dùng bóng nắng bởi mặt trời tự nó là cái đồng hồ!  Ví dụ để đo điểm Đông chí, cổ nhân cắm một cây gậy xuống đất (hay xây một cái tháp), ghi xuống chiều dài của bóng lúc nó ngắn nhất (tức là lúc giữa trưa) vài ngày trước và sau Đông chí, rồi dùng một phép nội suy (interpolation) để tính ra thời điểm Đông chí một cách chính xác. Càng gần Đông chí, mặt trời giữa trưa càng thấp và bóng giữa trưa càng dài. Cách tính Đông chí của  Tổ Xung Chi (429-500,祖冲之): trục x là thời gian, trục y là chiều dài của bóng gậy lúc giữa trưa của một ngày (bóng ngắn nhất trong ngày đó), mỗi điểm là một ngày. (a) Vẽ đường xéo nối hai điểm, (b) vẽ đường ngang từ một điểm bên kia cho tới đường xéo a, (c) trung điểm đường ngang là Đông chí.

 Về sau, với sự hỗ trợ của các kính viễn vọng và máy tính điện tử, khoa học Thiên văn đã tính chính xác ngày, tiết từng vùng, điểm trên trái đất. Do trái đất quay quanh trục một góc 600 hết 1 ngày nên hiện nay, để thuận tiện cả thế giới đã dùng chung một loại lịch và phân chia ra 24 múi giờ. Do đó một nơi ở sát phía Đông kinh tuyến 1800 tức là Đường Đổi ngày Quốc tế (International Date Line), ví dụ đảo Fidji, ăn tất cả các lễ tết Dương lịch sau một nước ở sát phía tây KT 1800 , ví dụ đảo Samoa gần đó, là 23 giờ, tức là gần một ngày. Việc đó cũng tương tự như Việt Nam có năm ăn Tết Nguyên đán 元旦節 trước Trung Quốc một ngày (thực sự là trước 23 giờ).

thời cổ: xưa kia cổ nhân dùng: Đồng hồ nhang, Đồng hồ cát, Đồng hồ nước, Đồng hồ mặt trời, Đồng hồ sao, Bóng nắng, Thủy triều…Cổ nhân cũng chưa biết tới Giây, Phút, Giờ,…và các đơn vị đo như trên mà sử dụng khái niệm “Khắc, Canh” và một số phương pháp nhằm phân chia giờ giấc, phục vụ sinh hoạt. Mà thông dụng đến ngày nay là:

Phân chia thời gian trong ngày thành 5 canh (Canh 1 là từ 19 giờ đến 21 giờ tối; Canh 2 là từ 21 giờ đến 23 giờ đêm; Canh 3 là từ 23 giờ đến 1 giờ sáng; Canh 4 là từ 1 giờ đến 3 giờ sáng;  Canh 5 là từ 3 giờ đến 5 giờ sáng). Khi trời chưa sáng đêm chia thành 6 Khắc (Khắc 1 là từ 5 giờ đến 7 giờ 20 sáng; Khắc 2 là từ 7 giờ 20 đến 9 giờ 40 sáng; Khắc 3 là từ 9 giờ 40 đến 12 giờ trưa; Khắc 4 là từ 12 giờ đến 14 giờ 20 đầu giờ chiều; Khắc 5 là từ 14 giờ 20 đến 16 giờ 40 chiều; Khắc 6 là từ 16 giờ 40 đến 19 giờ chiều tối).

Nhưng phổ biết trong Đông phương và tồn tại đến nay, ảnh hưởng nhiều đến phong thủy, Dịch lý là phép chia theo Thập nhị thời thần 十二时辰 đề cập sau đây:

4. Đơn vị thời gian cổ cần biết:

Khi mặt trời mọc gọi là đán , tảo , triêu , thần ; khi mặt trời lặn gọi là tịch , mộ , vãn ; giữa trưa là nhật trung 日中, chính Ngọ 正午, đình Ngọ 亭午; thời gian gần nhật trung gọi là ngung trung 隅中; xế chiều về  gọi là trắc , nhật điệt日昳; khi mặt trời lặn là hoàng hôn 黄昏, sau hoàng hôn là nhân định 人定, sau nhân định là dạ bán 夜半 (hoặc gọi là dạ phân 夜分);  sau đó là kê minh 鸡鸣, rồi muội đán 昧旦, bình minh平明.

Người xưa một ngày ăn 2 bữa, bữa sáng sau khi mặt trời mọc trước ngung trung nên gọi là thực thời 食时 hoặc tảo thực 早食; bữa chiều sau khi mặt trời xế về tây trước khi lặn, gọi là bô thời 晡时.

Một ngày đêm chia ra 12 giờ nên 1 giờ Can Chi bằng 2 tiếng theo cách tính hiện đại như sau:

- Giờ Tí : dạ bán 夜半, còn gọi là Tí dạ 子夜: thời thần đầu tiên trong thập nhị thời thần. (hiện đại từ 21 giờ đến 1 giờ)

- Giờ Sửu 丑時: kê minh 鸡鸣, còn gọi là hoang kê 荒鸡: thời thần thứ 2. (hiện đại từ 1 giờ đến 3 giờ).

- Giờ Dần 寅時: bình đán 平旦, còn gọi là lê minh 黎明, tảo thần 早晨, nhật đán 日旦: đây là khoảng thời gian đêm và ngày giao nhau. (hiện đại từ 3 giờ đến 5 giờ).

- Giờ Mão 卯時: nhật xuất 日出, còn gọi là nhật thuỷ 日始, phá hiểu 破晓, húc nhật 旭日: tức lúc mặt trời vừa mọc đang từ từ lên. (từ 5 giờ đến 7 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Thìn : thực thời 食时, còn gọi là tảo thực 早食: thời gian người xưa “triêu thực” 朝食 cũng chính là thời gian ăn bữa sáng. (từ 7 giờ đến 9 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Tị 巳時: ngung trung 隅中, còn gọi là nhật ngu 日禺: lúc gần trưa gọi là ngung trung 隅中. (từ 9 giờ đến 11 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Ngọ 午時: nhật trung 日中, còn gọi là chính Ngọ 正午, trung Ngọ 中午: (từ 11 giờ đến 13 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Mùi 未時: nhật điệt 日昳, còn gọi là nhật điệt 日跌: mặt trời xế về tây  nhật điệt 日跌. (từ 13 giờ đến 15 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Thân 申時: bô thời 晡时, còn gọi là nhật phô 日铺, tịch thực 夕食. (từ 15 giờ đến 17 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Dậu 酉時: nhật nhập 日入, còn gọi là nhật lạc 日落, nhật trầm 日沉, bàng vãn 傍晚: ý nói mặt trời lặn về núi. (từ 17 giờ đến 19 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Tuất 戌時: hoàng hôn 黄昏, còn gọi là nhật tịch 日夕, nhật mộ 日暮, nhật vãn 日晚: lúc này mặt trời đã lặn sau núi, trời sắp tối đen, vạn vật mông lung, cho nên gọi là hoàng hôn黄昏 (từ 19 giờ đến 21 giờ theo cách gọi ngày nay).

- Giờ Hợi 亥時: nhân định 人定, còn gọi là định hôn 定昏. Lúc này đêm đã khuya, mọi người cũng đã dừng mọi hoạt động, nghỉ ngơi, đi ngủ. Nhân định 人定cũng là nhân tĩnh 人静. (từ 21 giờ đến 23 giờ theo cách gọi ngày nay.

Sau đó lại tiếp vòng Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Cách đặt tên ngày, tháng, năm theo Can Chi cũng tương tự và sẽ viết kỹ sau.

5. Hiện nay ở Việt Nam:

Theo Điều 7 của Nghị định Số : 134/2007/NĐ-CP ngày  15  tháng  8  năm 2007 quy định về đơn vị đo lường chính thức của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Đơn vị đo thời gian tiêu chuẩn ở Việt Nam tuân thủ Hệ đơn vị SI là hệ đơn vị đo lường quốc tế (tiếng Pháp là Système International d”Unités; tiếng Anh là The International System of Units) giây (kí hiệu s).

Còn đơn vị đo lường chính thức ngoài hệ đơn vị SI, theo quy định tại Điều 8 là: phút (min) = 60 s, giờ (h) = 60 min = 3 600 s, ngày (d)  = 24 h = 86 400 s, trên nữa là tuần (W) = 7 ngày (= 168 h = 10080 m = 604800 s). Đây là những hệ số quy đổi mà ai cũng cần biết.

Trong lý thuyết tương đối của Albert Einstein, đại lượng ct, với c là vận tốc ánh sáng và t là thời gian, được coi như là một chiều đặc biệt thêm vào cho không gian ba chiều để tạo thành không-thời gian. Việc cho thêm chiều thời gian giúp việc định vị các sự kiện được dễ dàng khi hệ quy chiếu thay đổi, tương tự như định vị các điểm trong không gian ba chiều cổ điển.

-         Lương Đức Mến, tái soạn 07/3/Giáp Thìn 2024-

Nhấn vào đây để đọc toàn văn...

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!