[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


Chọn lành tránh dữ

Thủa nhỏ tôi thấy gia đình và xã hội ít câu nệ việc xem ngày, chọn đất. Có lẽ do cuộc sống thời đó quá khó khăn. Đồng thời, đây là lĩnh vực có tính thần bí và chỉ truyền miệng trong dân gian, qua các giang hồ thuật sĩ nên ít người nắm chắc. Bởi tính mơ hồ và thất truyền ấy nên một thời rất dài khi tiếp xúc với nền văn minh Phương Tây, khoa học của văn hóa Đông phương đã bị liệt vào loại “mê tín dị đoan”.

Từ cuối những năm 80 thế kỉ XX trở đi vấn đề này được phục hồi và ngày càng có xu hướng thịnh hơn, nhất là ở những gia đình, vùng có kinh tế khá. Sách ta, sách Tầu, thầy cũ, thầy mới rồi các trang Website từ hải ngoại...tràn lan tạo ra làn sóng tính ngày, chọn giờ, tìm đất...phong phú. Nhưng xem ra có rất nhiều kiêng kị đến phi lý, thiếu căn cứ khoa học, gây rắc rối lắm khi bất hòa giữa những người trong cuộc.

Khoa học phổ thông đã minh chứng rằng: các hành tinh trong hệ mặt trời đều được hình thành từ cùng một đám mây vật chất (gồm bụi và khí) nên các hành tinh đều quay cùng chiều. Trong đó Mặt trời là thiên thể trung tâm có vai trò quyết định việc hình thành và duy trì sự sống trên Trái Đất. Trong khi trái đất quay quanh mặt trời với chu kì 1 năm thì Mặt trăng chuyển động quanh nó theo quỹ đạo elip với khoảng cách trung bình 384 nghìn kilômet, chu kì 27,32 ngày. Hoạt động của Mặt trăng, Mặt trời, Thiên thể khác có ảnh hưởng quyết định đến sự sống trên Trái đất. Sự ảnh hưởng đó diễn ra theo các chu kỳ: Ngày- Đêm, Tuần Trăng, Mùa. Do đó mọi biến đổi của Mặt trời, Mặt trăng và các sao đều có ảnh hưởng tới sự sống trên trái đất, trong đó có con người.

Khi xã hội càng văn minh thì việc nhận thức và giải thích nó càng dễ dàng hơn. Khoa học đã dự báo trước nhiều năm những hiện tượng thiên nhiên chính xác đến từng giờ phút. Nhưng tác động của tự nhiên sẽ tạo nên hậu quả xấu đối với từng người, từng việc, từng vùng ra sao vẫn còn là dấu hỏi lớn. Do vậy câu nói Càn khôn dĩ tận thức 乾坤已盡識 chưa hẳn đã đúng, cần phải bổ khuyết nhiều.

Nhiều chuyện từng đọc trong sử sách, văn chương hoặc bản thân từng gặp thấy có một thực tế là có ngày mọi việc, mọi điều đều thành công, nhiều điều may mắn tự nhiên tới; có ngày vất vả mà chẳng được việc gì, còn gặp tai nạn bất ngờ. Sự linh nghiệm về dự báo của những nhà Tiên tri, những câu sấm, những câu hát đồng dao vẫn còn là điều bí ẩn. Lý luận duy vật biện chứng từng giải thích sự kì lạ đó bằng tất nhiên và ngẫu nhiên, trong ngẫu nhiên có tất nhiên và trong tất nhiên có ngẫu nhiên và chắc chắn tuân theo một quy luật nhất định.

Theo nguyên lý chung, con người là tiểu vũ trụ và có quan hệ mật thiết với Trời, Đất, Trăng, Sao mà khoa học hiện đại hoặc đã lý giải được một phần hoặc chưa lý giải được. Sự tác động của vũ trụ tới con người tuân theo những quy luật nhất định mà một trong những quy luật đó là nhịp sinh học. Có nhịp ngày đêm, nhịp tháng (liên quan đến âm lịch) nhịp mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông... Những biến đổi đó có tính chất chu kỳ và tuần hoàn (lặp đi lặp lại khá đều đặn).

Dựa trên kinh nghiệm của người xưa và những tính toán hiện đại, các nhà Chiêm tinh học cho rằng: từ khi ra đời, cuộc sống của mỗi người diễn ra phù hợp với ba chu kỳ riêng biệt: Chu kỳ thể lực: 23 ngày, chu kỳ tình cảm 28 ngày, chu kỳ trí tuệ 33 ngày. Mỗi chu kỳ gồm hai bán chu kỳ: Bán chu kỳ dương (1/2 số ngày của đầu chu kỳ) được đặc trưng bằng sự tăng cường khả năng lao động, bán chu kỳ âm (1/2 số ngày cuối chu kỳ) thì các hiện tượng đều ngược lại. Ngày trùng với điểm chuyển tiếp từ bán chu kỳ dương sang bán chu kỳ âm là ngày xấu nhất của mỗi chu kỳ. Ðối với chu kỳ tình cảm là ngày vô cớ. Ðối với chu kỳ trí tuệ, đó là ngày đãng trí, khả năng tư duy kém. Ðặc biệt đối với chu kỳ thể lực, đó là ngày thường sảy ra tai nạn lao động. Ðối với hai chu kỳ, số ngày chuyển tiếp trùng nhau chỉ xảy ra một lần trong một năm. Ngày trùng hợp đó của ba chu kỳ là ngày xấu nhất, ngày “Vận hạn” của mỗi người. Nếu biết ngày, tháng, năm sinh của mỗi người, có thể dễ dàng xác định được các chu kỳ, điểm chuyển tiếp và sự trùng hợp điểm chuyển tiếp. Giáo dục và rèn luyện góp phần cải thiên những điều bất cập song không thể vượt qua những quy luật của Tạo hóa.

Người xưa có câu “Linh tại ngã, bất linh tại ngã 靈在我,不靈在我 , “Vô sư vô sách, quỉ thần bất trách無師無索,鬼臣不責. Lại có câu: “Chân thành tất linh nghiệm真成必靈驗 và “Hữu cảm tất thông, hữu cầu tất ứng有感必通,有逑必應, nhất là khi điều kiêng đó không ảnh hưởng mâý tới công việc cũng như kinh tế... nên khi tiến hành những việc trọng đại cần tìm được người tốt, lành để hợp tác, cộng sự; ngày tốt, giờ đẹp, đất lành để Phúc chí tâm linh 福至心靈 sao cho mọi việc hanh thông.

Tâm lý cầu lành, tránh dữ ai chẳng có. Do đó tốt nhất nên chọn “Cát Nhật”, “Cát Thời” để tiến hành, chọn “Cát Trạch” để xây dương trạch, đặt âm trạch. Nhưng quan trọng hơn là cần biết những “Hung Nhật”, “Hung Trạch” để tránh. Đây không phải là duy tâm mà là ước nguyện cho mọi sự tốt lành. Nhưng nếu cứ quẩn quanh mãi với việc Cát, Hung, Hợp, Khắc, Xung sẽ rất phiền toái. Việc thành hay bại cốt do ở người chớ có quan hệ gì ngày tốt hay đất xấu. Bởi rằng: Phúc hay Hoạ đâu bởi Ngày; Lịch đặt ra sao cầu được Phúc; Yên hay Nguy chẳng tại Đất, Bụng mọi người cứ vững là Yên 福咍禍兜罷㝵歷達囉牢求得福; 安能危庄在待䏾每倘據任羅安. Nhưng lại có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành𥚤固聲,固惊固𫅜 nên cũng cần biết ngày xấu, người nặng vía, đất dữ để tránh; ngày đẹp, người mát vía, đất lành để chọn khi dự định thực hiện một việc lớn. “Cát, Hung” lại phải là ngày tính theo Can Chi và việc xem tuổi, chọn ngày, tính giờ càng nhiều rối rắm. Mỗi sách, mỗi thầy viết một kiểu và thường chen nhiều từ Hán Việt, khái niệm cổ khó hiểu, khó tra cứu, kiểm chứng. Nhưng nhu cầu muốn mọi việc hanh thông, may nhiều, rủi ít ngày càng gia tăng trong xã hội cũng như mỗi gia đình.

Từng tốt nghiệp Học viện Quân y, nhiều năm làm BT Chi bộ, UVBCH Đảng bộ, phụ trách đơn vị KTHS trong CA tỉnh, các em và con trai là ĐV nên tôi không hề mê tín. Nhưng tin vào “Tâm linh” 心靈, lại thấy nhiều tri thức cổ nhân khi nghiên cứu kĩ có hình bóng của khoa học hiện đại (Âm dương ~ Nhị phân...) và việc chọn ngày, xem đất chẳng có gì sai nếu không trở ngại đến công vệc chung nên đã cố công tìm hiểu. Từ thực tế nhiều người, cả trong gia đình vẫn phải nhờ thầy, cậy thợ xem, chọn mà đôi khi đó là những thày chỉ xem qua vài sách nên tôi thấy mình cần phải hiểu, phải biết để tự làm chủ mình bởi 家事何必問外人”Gia sự hà tất vấn ngoại nhân”. Tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu và với sự hiểu biết của mình cùng những kiểm nghiệm bởi mấy chục năm làm công tác Kỹ thuật hình sự tôi cố gắng sắp xếp lại, sơ đồ hoá, bảng biểu hoá, biểu thức hoá để dễ hiểu, tiện tính và tra cứu thuận lợi hơn. Hoặc đơn giản là nghiền ngẫm lúc rảnh rỗi, hiểu thêm về Triết học cổ, để tự tin hơn và tham khảo xem những điều Thầy phán cho mình và gia đình “hay” bởi đâu. Những chữ Hán 漢字 ghi bên cạnh là để tiện nhớ khi xem Lịch có in loại chữ này.

Muốn làm được việc này, trước hết phải hiểu biết sơ giản về Lịch pháp, đặc biệt về Thập Thiên can, Thập nhị Địa chi, phối hợp Can chi, Lục thập hoa Giáp. Đồng thời có kiến thức về cách tính Nhị thập bát Tú, Thất diệu Tinh, Cửu tinh, Lục diệu, 12 Trực kiến cùng các thuyết Âm dương, Ngũ hành, Bát quái, quan niệm về Hoàng đạo-Hắc đạo, kiến thức sơ giản về Toán cao cấp, biết sử dụng máy Vi tính trong công tác văn phòng...

Trong vấn đề xác định, quy đổi thời gian nên nhớ theo quyết định của Hội nghị quốc tế 1884 họp tại Luân Đôn lấy Kinh tuyến đi qua Greenwich làm múi giờ “số 0” (kinh tuyến Tý-Ngọ) và cứ 150 là một múi giờ thì Việt Nam ở múi giờ thứ 7, tức là thời điểm kết thúc một ngày vào lúc 24 giờ VN hay 17 giờ UT (giờ quốc tế). Chỉ một giây sau là 00 giờ: 01 giây theo múi giờ 7, tức 17 giờ: 00 phút: 01 giây (giờ UT của ngày hôm trước), lúc đó tại Việt Nam chuyển sang một ngày dương lịch mới. Đồng thời bao giờ cũng tồn tại 3 loại giờ là: giờ thực của kinh tuyến trung tâm, giờ thực địa phương và giờ trung bình, cứ lệch mỗi độ so với KT trung tâm là lệch 4’. VVD: Lào Cai ở KT 1040 Đ nên giờ thực tế sẽ sớm hơn Hà Nội 4’. Giữa 2 loại giờ thực của kinh tuyến trung tâm và giờ đồng hồ có một sai số gọi là thời sai... giáp ranh giữa hai giờ cổ truyền nếu cộng thêm thời sai có thể chuyển từ giờ cổ truyền này sang giờ cổ truyền khác. Dùng các tiêu chí cổ học phương Đông trong xem tuổi, chọn ngày, dự đoán mệnh vận con người mà dùng giờ đồng hồ, ngày DL suy ra ngày AL và ngày can chi nên sự thiếu chính xác chắc chắn sẽ xảy ra (thời sai là -14’ đến +16’). Kinh tuyến trung tâm và Vĩ tuyến thay đổi có ảnh hưởng đến thời điểm mặt trời mọc (phút, giây) nên khi tham khảo sách Tầu hoặc sách miền Nam xuất bản trước 1975 cần lưu ý Hà Nội ở KT 1050 Đ, múi giờ GMT +7:00 chênh với gìơ của Trung Quốc 1 tiếng (Bắc Kinh thuộc múi giờ GMT +8:00). Nhiều năm ngày Tết Nguyên đán và Tiết khí 2 lịch này khác nhau. Gần nhất, Giao thừa Đinh Hợi 2007 nơi tôi sống đón Tết trước bên Hà Khẩu 1 ngày, dù chỉ cách nhau 1 làn nước của con sông Nậm Thi.

Có sự khác biệt đến một ngày là một phần do sự chuyển Tiết khí giữa các múi giờ (Kinh tuyến) và do bán Chu kỳ Mặt trăng chỉ có 14,75 ngày không tròn 15 ngày như khi làm lịch đã tính; đồng thời Hà Nội-Bắc Kinh ở những Vĩ tuyến khác xa nhau nên thời điểm Trăng tròn (望日, ngày Vọng, Rằm) không trùng nhau nên ngày không Trăng (朔日, ngày Sóc, Mồng Một) cũng phải điều chỉnh cho hợp con nước. Sự điều chỉnh này đã có từ thời Lê (後黎朝, 1428 - 1788), Nguyễn (阮朝, 1802-1945) và vài năm mới xẩy ra một lần được quan Khâm thiên giám đệ trình vào ngày 01 tháng Chạp để Vua ngự chuẩn trong Lễ Ban sóc (頒朔禮, Lễ phát Lịch).

Như vậy đủ biết việc xem ngày là khoa học kinh nghiệm (sciences empiriques) khởi nguồn từ vùng Hoa Hạ bên Tầu vốn sác xuất chưa tới 100% sang ta khác địa thế núi sông, xa kinh độ, vĩ độ nên càng nhiều sai biệt. Do đó chỉ nên tham khảo, không quá lệ thuộc vào nó, dù “thầy” có cao tay đến đâu. Nhưng luôn là một khoa học lý thú, kích thích trí tò mò và nhiều khi mang lại hiệu quả lớn.

Vừa sưu tầm tư liệu, vừa tự học, tự kiểm nghiệm những việc của bản thân, gia đình, làng xóm, công việc mà mình đã trải nghiệm, vừa ghi chép, hệ thống hóa và soạn lại cũng là dịp tự rèn luyện tính kiên nhẫn và trau dồi thêm những lỗ hổng kiến thức là phương châm cơ bản. Việc ứng dụng để tính toán chỉ đáp ứng yêu cầu khi cần thiết.

Mai sau, nhu cầu biết Lịch ta, việc xem ngày, xem tuổi; chọn giờ, tìm đất…sẽ có nhu cầu mới. Song chắc chắn nếu con cháu tôi khi đọc những điều tôi biên soạn ra đây vẫn có ích. Đó còn là cách tốt nhất phấn đấu để “trí thân thanh vân” .





Thế đất và sự học:

Tục truyền rằng: Có thày Địa lí nói: theo thế đất mả Tổ thì ngành trên Tiến sĩ đồng khoa, ngành út tuyệt tự (1).

 Con cháu Cụ Linh thấy vậy, đang đêm đào xoay lại mả Tổ (không dám rời hẳn nơi khác).

Về sau các ngành trên học tuy giỏi, có 2 cụ nổi tiếng thần đồng lại chết yểu; có cụ học giỏi, đi thi bị phạm huý nên trượt hoài (2). Cụ đã bẻ bút vứt xuống sông Văn Úc và thề độc.

Chuyện đó đã ứng nghiệm: con cái sau ít đỗ đạt (3), còn ngành út đời nào cũng độc đinh.

Thực hư câu chuyện này ra sao không thấy tư liệu thành văn chép lại mà chỉ là truyền khẩu trong lớp người cao tuổi. 

Theo tôi, Địa linh sinh nhân kiệt, điều đó đâu có sai. Nhưng chỉ là tiềm năng và cổ nhân đã từng dạy: “Tiên tích Đức, hậu tầm long先積德後尋龍. Mỗi thành viên phải tự cố gắng mới phát huy được cái thế mà tiền nhân đã trao gửi..


       (1) Ngay chú Vóc khi sinh 2 nam phấn khởi lắm nhưng rồi Lan (bằng tuổi tôi) hi sinh khi chưa kịp lấy vợ nên chú cũng chỉ 1 con,1 cháu.
       (2) Chắc hàm ý chỉ Cụ Thiệu, Cụ Quản từng “ứng thí bất đệ”.
       (3) Có lẽ đây chỉ là sự lý giải cho việc con cháu sau này bỏ bê việc học, không theo được Tổ tiên.
     

Nhấn vào đây để đọc toàn văn...

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!