[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


07 tháng 3 2022

TRƯỚC KHI NHẬP PHẢ (Bài 1)

Kể từ khi cụ Tổ vượt sông Úc 郁江 sang định cư, sinh ra dòng họ Lương 梁氏 nhà tôi (tổng Cao Mật 高密總, huyện An Lão 安老縣, phủ Kinh Môn 荊門府, trấn Hải Dương 海陽鎭 nay là xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) đến nay đã ngót 300 năm. Đây là quãng thời gian mà đất nước, trải qua bao thăng trầm, biến đổi mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Về chính trị: từ chế độ “lưỡng đầu chế” (兩頭制, 1533-1789), “Nam-Bắc phân tranh” (鄭阮紛爭, 1627-1775) rồi thống nhất dưới “chế độ quân chủ” (君主制, 1778-1858), thành “thuộc địa nửa phong kiến” (H: 半殖民地半封建, P: Colonie semi-féodal, 1884-1945), sang “Kháng chiến kiến quốc” (1946-1954), hai miền “tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược” (1955-1975) tiến tới thống nhất, bảo vệ tổ quốc (1976-1986) XHCN và từ 1986 là xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Về học vấn là chuyển từ cựu học theo chế độ khoa cử với 3 kỳ thi (hương, hội, đình) sang tân học theo 4 cấp học (I, II, III, Đại học Trung học chuyên nghiệp).

Về ghi chép là quá trình từ chữ Hán Nôm[1] chuyển sang dùng chữ Latin[2] với những bước ngoặt về kỹ thuật chép, ghi, in, lưu, sao.

Kéo theo sự thay đổi về thể chế chính trị, chữ viết là sự thay đổi về nhân sinh quan; về tổ chức hành chính, cương vực, địa dư, địa danh, cảnh quan; về chức vị; về việc họ và cơ sở vật chất...

Do vậy, ngày nay nhiều người khi nghiên cứu gia phả, nhất là lớp trẻ, kiến thức xã hội, về Hán Nôm có hạn sẽ bỡ ngỡ, lúng túng không thể hiểu được sự kiện thời trước ghi trong đó. Do vậy không hiểu hết nội dung Gia phả cũ, không nắm bắt được tâm ý của tiền nhân, càng khó hơn cho việc tục biên, bổ sung.

Vì vậy, trước khi vào Chính phả, cần tìm hiểu, chú giải một số kiến thức cơ bản về “Họ”, “Việc Họ”, “Gia phả”, “việc soạn Gia phả” và “Dư địa chí”, “Địa-Lịch sử”,...vùng đất liên quan. Điều này giúp định hướng cho việc thu thập, xử lý tư liệu, biên soạn gia phả của người chắp bút cũng như việc sử dụng, nghiên cứu gia phả của quan viên họ, nhất là những nội dung ngược thời gian 100 năm về trước. Nội dung “bổ túc” này không có ở các bộ Gia phả khác mà người soạn từng được tiếp xúc. Vì nó nhiều nội dung nên khá dài, phải tách ra từng mục.

Trước hết, Khái lược về “Họ”:

1. Khi bước ra khỏi thời kỳ dã man, hoang dã là lúc con người biết đến thiết chế Gia đình (家庭, nhà và sân) mà mầm mống có từ cuối thời Công xã nguyên thủy (原始公社, ~ 4000 năm tCn). Khi đó chế độ quần hôn (羣婚 với tình trạng tính  giao bừa bãi) tan rã, hình thành chế độ đơn hôn 單婚, hôn nhân đối ngẫu 對耦, một vợ một chồng. Đó là một thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, gắn bó nhau bằng nghĩa tình, huyết thống xây dựng thành một tổ ấm tinh thần và vật chất để thực hiện chức năng sinh học, kinh tế, văn hoá, xã hội, tín ngưỡng, giáo dục và giữ gìn bản sắc. Đã có gia đình, theo truyền thống Việt Nam, là ắt có gia bản 家本, gia thất 家室, gia đường 家堂, gia đạo 家道, gia pháp 家法, gia lễ 家禮, gia phong 家風, gia phả 家譜…. Nhờ đó gia đình Việt Nam mới tồn tại lâu bền, đằm thắm và khác gia đình Âu Mỹ.

2. Trong buổi sơ khai, khi con người chỉ tiếp xúc quanh quẩn trong “hang” , “động” , “trại” với số lượng thành viên hạn chế thì phân biệt và gọi nhau bằng “tên” là đủ. Nhưng khi mối quan hệ mở rộng tới các nhóm, vùng khác thì cần có “họ” nhằm khẳng định một cộng đồng có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nên một nhóm người có chung nguồn gốc, huyết thống, lãnh thổ... Quá trình hình thành “họ” 𣱆 , theo các nhà Tính danh học 姓名学 là quá trình đi từ “Tính” (mà khởi đầu là: “Cơ” , “Tự” “Quy” , “Khương” và “Doanh” mà các chữ chỉ tính danh đều có bộ thủ “nữ” ) đến “Thị” rồi “Tính-Thị hợp nhất” 姓氏 và nó gắn với quá trình tiến hoá của xã hội loài người, sự hình thành chữ viết. Cụ thể: từ chế độ mẫu hệ 母系制度 sang xã hội phụ hệ 父系制度, hoàn chỉnh dưới chế độ vương quyền 王权制 và nó manh nha từ thời Phục Hi (宓羲, 2800 – 2737 tCn), phát triển chính thức thời nhà Chu (周朝, 1046 – 256 tCn), tiến tới chế độ “tông tộc” 宗族制 được định hình từ thời nhà Tần (秦朝, 246 tCn-221 tCn), ổn định vào thời Hán (漢朝, 203 tCn– 220). Thời Cận, Hiện đại việc thêm họ mới không đáng kể.

Từ đó, “Họ” thành một phần trong tên gọi đầy đủ của một người để chỉ ra rằng người đó thuộc về dòng họ nào và nó thuộc phạm trù “Nhân danh học” 人名学. Khi có thành tố “họ” thì xã hội thừa nhận, biết rõ cá nhân thuộc về một gia tộc 家族, có cùng tộc danh (名族, tên dòng họ) theo huyết thống 血缘 nào.

3. Khi đã hình thành “họ” thì nhiều gia đình cùng huyết thống, có “chung tộc danh về phía bố” tập hợp lại thành Gia tộc (家族, đại gia đình), gồm có một chi trưởng 長支 và nhiều chi thứ 次支. Thiết chế dòng họ đảm bảo chế độ ngoại hôn 外昏法 và thờ phụng Tổ tiên 祖先崇拜. So với nhiều hình thức liên kết khác như: cư trú (khu phố, làng xóm…), lợi ích (giai cấp, phường hội…), lý tưởng (tôn giáo, đảng phái…)… thì liên kết dòng họ là liên kết theo nhóm huyết thống và là hình thức tập họp sớm, có vai trò chi phối cá nhân ở nhiều lĩnh vực, mức độ khác nhau. Dòng họ là một thực tế xã hội mang tính phổ quát của toàn xã hội ở mọi thời đại từ khi chế độ công xã nguyên thủy tan rã trở đi.

Các thành viên trong họ, một ít sống tập trung 羣居, đa số các gia đình cư trú xen với các gia đình, dòng họ khác trong một xóm, một thôn là tổ quán 祖贯 của dòng họ. Nhưng cũng nhiều gia đình chuyển cư 转居 đi nơi khác bởi mưu sinh, điều động hoặc phải phiêu cư bạt tán 漂居跋散 vì lý do chính trị.

Khác với gia đình, dòng họ không phải là đơn vị kinh tế tuy có thể có Tế điền (祭田, Ruộng dành riêng, để lấy lúa gạo cúng bái), Từ đường (祠堂,  Nhà thờ tổ tiên) cùng Tự khí (祀器, Đồ thờ) bày trong đó và Quỹ họ.

4. Quá trình tiến hoá, người Việt cổ, cũng như các dân tộc khác từ những đơn nhân hình thành nên gia đình mẫu hệ 母系, gia đình phụ hệ 父系 tiến tới Thị tộc 氏族, Bộ lạc 部落 tức dần đã có khái niệm “họ” của người Việt. Song do thời đó chưa có chữ hoặc có nhưng đã mai một[3], tư liệu bị ngoại bang xâm chiếm lấy đi hoặc huỷ hết nên “việc đặt họ của người Việt thủa dựng nước ra sao, gồm những họ gì” chỉ là giả thuyết. Cứ liệu thành văn cho rằng: tục đặt “họ” của người Việt là ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ 华夏 và nó diễn ra khi Sĩ Nhiếp (士燮, 137-226) làm Thái thú 太守 trong thời Bắc thuộc (北屬時代,  207 tCn-939).

Đa số người Việt đều biết đến bốn từ: “Tính” (con cháu gọi là “tử tính” 子姓, thứ dân gọi là “bách tính” 百姓); “Thị” (họ, ngành họ), “Tộc” (cha, con, cháu là ba dòng là ”tam tộc” 三族; Cao tổ đến huyền tôn gọi là “cửu tộc” 九族 tức chín dòng) và “Họ”  𣱆 chỉ vấn đề này. Trong đó, “họ” là thuần Nôm (khi viết mượn chữ “hộ” và “ thị” của Hán tự), còn ba từ kia là Hán Việt.

Mỗi họ có một chữ chép tên họ có khi có ngữ nguyên và nếu tộc danh Việt và Hán mà âm Hán Việt đọc như nhau thì ký âm bởi chữ Hán 漢字[4] là như nhau. Song đó phải là chữ dạng Phồn thể 繁體 và người Việt đọc theo âm Hán Việt từ thời nhà Đường (唐朝, 618–907) trở về trước. Ví dụ họ nhà ta thì Hán tự ghi là “” người Việt đọc là “lương” còn người Trung đọc là “liang”. Điều đó có nghĩa người Việt mang họ “Lương” không phải đều từ “Bách Việt” 百越 của Trung Quốc, mà từ nhiều nguồn trong đó có người bản địa ở miền núi trung du Bắc bộ, Thanh Nghệ, ven biển miền Trung và ở miền Nam ngày nay.

Còn nhiều điều thú vị, cần biết khi sưu tầm tư liệu, soạn và nghiên cứu Gia phả. Dần rồi sẽ tìm hiểu, cập nhật sau.

-Lương Đức Mến, soạn Xuân Bính Thân 2016, chỉnh sửa Xuân Nhâm dần 2022-

[1] Chữ Hán 漢字 là một dạng chữ viết biểu ý, tượng hình ghi tiếng  Hán và chữ Hán cổ nhất là loại chữ Giáp Cốt (Giáp Cốt Tự 甲骨字), xuất hiện vào đời nhà nhà Thương (, 1766 tCn–1122 tCn), viết trên các mảnh xương thú vật và có hình dạng rất gần với những vật thật quan sát được. Có nhiều biến thể và cách viết trong suốt lịch sử Trung Quốc chữ Kim (Kim Văn 金文) thời Chu (, 1021-256 tCn), chữ Triện (Đại Triện và Tiểu Triện) thời Chiến Quốc (戰國, 403-221 tCn) và có chữ Lệ (Lệ Thư 隸書) thời nhà Tần (, 221-206 tCn), chữ Khải (Khải Thư 楷書) thời Nhà Hán (, Tiền Hán 206 tCn-8 CN, Hậu Hán 25-220), chữ Khải còn có thể được chia thành chữ Hành (Hành Thư 行書) và chữ Thảo (Thảo Thư 草書). Chữ Hán được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ thế kỷ III. Ngày nay ở Đài Loan sử dụng chữ Phồn thể 繁體字 còn Đại lục thì dùng chữ  Giản thể 簡體字, lập ra hệ pinyin (phiên âm) bằng chữ Latin.

Do nhu cầu ghi địa danh, tên người hoặc những khái niệm không có trong Hán tự, người Việt đã sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ viết của mình, đó là chữ Nôm 字喃 với những nguyên lý khá phức tạp. Chữ Nôm được ghi nhận thành quốc ngữ 國語, chính thức xuất hiện và phát triển khi quan Hình bộ Thượng thư 刑部尚書 Nguyễn Thuyên (阮詮, tức Hàn Thuyên 韓詮, 1229-?) vâng lệnh Trần Nhân Tông (陳仁宗, 1279-1293), làm bài “văn Tế cá sấu”  文祭 𩵜𩽉 bằng chữ Nôm vào mùa thu năm Nhâm Ngọ 壬午 1282, khi quân Nguyên (元朝, 1271 - 1368) đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2. Nhưng vì được cấu tạo trên căn bản chữ Hán, nên khi muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán nên vẫn không phổ thông và ít được sử dụng rộng rãi.

[2] Manh nha từ giữa thế kỷ 16 bởi các giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo và sự hợp tác tích cực, hiệu quả của nhiều người Việt, trước hết là các thầy giảng. Sau đó, đến ngày 18/9/1924 toàn quyền Đông Dương Martial Merlin (1923-1925) ký quyết định dạy chữ Quốc ngữ ở ba năm cấp tiểu học thì sự truyền bá chữ Quốc ngữ được chính thức, rộng khắp ở mọi nơi trên mọi lĩnh. Sau khi tuyên bố độc lập, 08/09/1945 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà có  Sắc lệnh số 20 về học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Tuy nhiên các văn bản truyền thống (Gia phả, Văn sớ…) và ngay trên văn bản của nhà nước vẫn xen dùng chữ Hán. Ví dụ: Giấy Khai Sinh năm 1938 vẫn còn sử dụng 4 ngôn ngữ (Hán, Nôm, Quốc ngữ và Pháp); tiền Đông Dương (P: Piastre indochinoise, H: 法屬印度支那元) phát hành và lưu thông trong thời gian từ năm 1885 đến năm 1954 có dòng chữ Hán 東方滙理銀行 (Đông phương hối lý ngân hàng). Sau này trên tờ tiền giấy do Chính phủ VNDCCH phát hành vào ngày 31/01/1946 và lần đổi tiền ngày 06/5/1951 thì tên nước và mệnh giá viết bằng Quốc ngữ (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và chữ Hán (越南民主共和); chỉ từ sau lần đổi tiền ngày 28/02/1959 trở đi thì mới hoàn toàn không còn chữ Hán. Chữ Việt nay có 29 chữ cái, có 149 âm tố, có 6 thanh điệu.

[3] Có ý kiến đó là thứ chữ cổ (chữ Khoa đẩu) đã bị xóa sổ bởi nghìn năm Bắc thuộc.

[4] Chữ Nho ở đây chỉ là tiện so sánh, đối chiếu, không ảnh hưởng gì đến nội dung với người không biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!