[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


14 tháng 3 2022

Bài 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIA PHẢ

Trong phần TRƯỚC KHI NHẬP PHẢ, ở Bài 1 đã chép lại một số hiểu biết chung và về thành tố HỌ, Bài 2 tiếp về VIỆC HỌ. Sau đây, Bài 3 sẽ tìm hiểu về GIA PHẢ.

1. Trong một dòng họ, theo cổ truyền, thường quan tâm nhiều đến tình máu mủ ruột thịt trong phạm vi 9 đời (Cửu tộc 九族, khoảng 200 năm). Tính từ trên xuống là: Cao tổ (高祖 Kị) - Tằng tổ (曾祖 Cụ) - Tổ ( Ông, Bà) - Phụ, Mẫu (父母 Cha, Mẹ) - Ngã ( Bản thân) - Tử ( Con) - Tôn ( Cháu) - Tằng tôn (曾孫 Chắt) - Huyền Tôn (玄孫 Chút).

Trên Cao tổ gọi chung là Thủy Tổ 始祖, Viễn Tổ 遠祖 hay Tổ tiên 祖先 và hàng dưới Huyền tôn gọi là Viễn tôn 遠孫.

Dòng họ, hay đơn giản hơn, mỗi Chi, Ngành hay từng Gia đình đều có lịch sử, có nguồn gốc, có nguyên quán, nơi sinh sống, công tích, ngày tháng sinh tử, mộ phần....từng thành viên. Những điều ấy được ghi trong Gia phả (H: 家譜, A: The genealogical register, P: Le régistre généalogique).

 Như thế “Gia phả là lịch sử, là Gia Bảo của mỗi gia đình, là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết con cháu một dòng họ lại với nhau”. Mối liên quan này không những chỉ quan hệ đến con cháu ở hiện tại, mà còn quan hệ cả đến tương lai. Đúng như cổ nhân từng nói: 皇图巩固國有史書 Hoàng đồ củng cố, Quốc hữu Sử thư; 祖德流徽家存譜志 Tổ đức lưu huy, Gia tồn Phả chí (Nước có Sử, biên cương được củng cố; Nhà có Phả công đức tổ tiên được lưu truyền, phát huy).

Gia phả Đại tôn (ghi từ 10 đời trở lên)Gia phả Tiểu chi (ghi một chi nhánh trong phạm vi Cửu tộc).

Vẫn biết Gia phả bị thất lạc, trong một họ không tường gốc rễ, chẳng rõ thân sơ thì dễ xẩy ra những chuyện có hại cho gia đạo. Nhưng do trước kia Gia phả viết bằng chữ Hán 漢字, chữ Nôm  𡨸, ít người biết đọc, chỉ lưu ở nhà Trưởng họ 族長 và chép theo trực hệ 直系 từng Chi 支派, mỗi dịp đọc hay xem Gia phả rất nhiều thủ tục nên ít được phổ biến. Thêm vào đó, qua bao thăng trầm của lịch sử, của dòng tộc, từng Chi và mỗi cá nhân, do “Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc水火盜賊 làm cho Gia phả đã mất là bị “trắng”. Đó là chưa nói đến việc vì lý do chính trị mà nhiều dòng họ, để tồn tại phải mai danh ẩn tích 埋名隱迹, dấu hay đốt Gia phả hoặc phải lưu truyền khác so với sự thực[1].

2. Để thuận tiện trong việc chép Gia phả, phải thống nhất Cách phân chia: “tộc và “dòng tộc” để chỉ cộng đồng người có bộ gia phả riêng biệt, có thủy tổ 始祖 riêng xác định được.

Dưới là “chi, “phái hay “ngành để chỉ cộng đồng người có gia phả riêng, nhưng có cùng một thủy tổ với các cộng đồng khác.

Bên dưới nữa là “nhánh” dưới nữa là “nhóm” hay “bếp” để chỉ các bộ phận khác nhau, có cùng một gia phả, tức là từ cùng một dòng mà chia ra nhiều dòng ngang rồi đến gia đình

Sự phân chia đó chỉ mang tính tương đối, dùng để khỏi nhầm lẫn, trùng lặp; thực tế nhiều khi dùng lẫn lộn giữa các từ: phái, chi, ngành.

3. Gọi Tổ tiên mình chú ý những danh xưng:

Khai cơ sáng thuỷ 開基創始: Mở ra cơ nghiệp, khai sáng dòng họ; Triệu Tổ 肈祖: Người khai sinh ra dòng họ; Đại Tổ 大祖 hay Thái tổ 太祖, Viễn Tổ 遠祖, Tị tổ 鼻祖: Cụ Tổ rất xa xưa, cách quãng Tổ Thượng mà chưa thể xác tín được số đời; Thượng Tổ 上祖: Người sinh ra cụ Tổ đời thứ Nhất, tính từ thời điểm xác định chính xác trong Phả hệ;

Thủy Tổ 始祖, tương tự Đệ nhất Đại Tổ 第一代祖: Cụ Tổ đời thứ Nhất thờ ở Từ đường cả họ 大宗祠堂[2]; Đệ Nhất (nhị, tam…) Đại Tổ 第一(二三…) 代祖: Cụ Tổ đời thứ Nhất (hai, ba…), tính từ thời điểm xác định chính xác trong Phả hệ; Đệ Nhất (nhị, tam…) Chi Tổ 梁族第一(二三…)支祖: Cụ Tổ Chi thứ Nhất (hai, ba…) của họ được thờ ở Tiểu chi Từ đường.

 Với các Cụ từ 5 đời trở xuống gọi là:  Cao Cao Tổ Phụ (高高祖父: Ông của ông cố), Cao Cao Tổ Mẫu (高高祖母: Bà của ông cố); Cao Tổ Phụ (高祖父: Cha của ông cố, còn gọi là Kỵ), Cao Tổ Mẫu (高祖母: Mẹ của ông cố); Tằng Tổ Phụ (曾祖父: Ông cố, cha của ông nội, còn gọi là Cụ), Tằng Tổ Mẫu (曾祖母: Bà cố, Mẹ của ông nội); Tổ Phụ (祖父: Ông nội), Tổ Mẫu (祖母: Bà nội); Phụ (: Bố), Mẫu (: Mẹ) thì gần gũi, nhớ rõ[3].

Về tên gọi, thời xưa mỗi người ngoài tên chính (danh ) còn có: Húy (, tên khi đã chết) để ghi vào sổ sách, gia phả; Thụy ( hèm, tên cúng cơm): khi chết do vua đặt hoặc do người trước khi chết dặn đặt; Hiệu : tên riêng tự chọn; Tự : tên theo tập quán từng vùng, con trai hai mươi tuổi làm lễ đội mũ rồi mới đặt tên; Tước do vua ban; Bí danh 祕名: đặt khi hoạt động bí mật.

4. Chép Gia phả 記家譜 là cách duy nhất giúp con cháu nhớ hết tất cả mọi gia tiên 家先, tiền tổ 先曾祖考 sinh ra và chết trước mình. Một cuốn Gia phả hoàn chỉnh sẽ rất có ích trong việc “vấn tổ tầm tông” 問祖寻宗, tìm hiểu lệ tục mỗi thời, chắp nối họ mạc, hiểu rõ thân sơ, thế thứ…

Khi viết Gia phả dù là Tục biên (續編, soạn lại gia phả do đời trước để lại) hay Chính biên (正編, soạn việc mình biết, ghi chép được) là một việc khó, kể cả trong thời kì họ còn hưng thịnh, cư trú quanh quê gốc có Hội đồng và với người được giao trọng trách là Đức cao, Vọng trọng 德高望重.

Khi họ càng đông, tán mát đi nhiều nơi và cuộc sống còn bao điều cần đến thời gian, công sức, tiền của thì việc này rất khó, nhưng không nên quá cầu toàn vì càng lâu càng khó.

5. Có nhiều cách soạn Gia phả: Soạn theo hệ thống Ngang (橫系, người cùng đời chép chung trong một mục); theo hệ thống Dọc (纵系, từ Cụ Tổ ngành Nhất đến con cháu hậu duệ của Cụ sau đó tiếp đến Cụ Tổ và các thế hệ hậu duệ của ngành Hai...) hoặc phối hợp. Cũng có thể lập Phả đồ 譜图…hay đơn giản hơn là lập Danh sách con cháu trong họ...Mỗi cách có điểm thuận, điểm khó cho người soạn và người đời sau  bổ sung hay tìm đọc khác nhau.

Biên soạn gia phả không phải là công trình của cá nhân, chỉ chép trực hệ nhà mình. Mà phải đủ thông tin theo chiều rộng không gian sinh tồn của từng gia đình trong cùng một thế hệ, theo chiều dài lịch sử từng thế hệ mọi thành viên trong họ. Do vậy cháu con phải cùng nhau, kế tiếp nhau liên tục soạn chép và chắp nối phả hệ, ghép nhiều tiểu chi lại thành chi, nhiều chi thành đại tôn, tụ các dòng riêng lại thành dòng chung, kể cả việc chắp nối, tìm lại những người đã “phiêu cư bạt quán” 漂居跋舘. Đây cũng là tư liệu quý để những người xa quê, lạc họ tìm về cội nguồn.

Ứng dụng Công nghệ thông tin, nên soạn gia phả trên PC và đánh số thứ tự từng người theo ký hiệu chữ số La Mã (I, II, III,...), chữ số Ả Rập (1, 2, 3,...), kết hợp chữ in hoa (A, B, C,...), in thường (a, b, c,...), chữ mập, chữ nghiêng,...dễ phân biệt, tiên lưu giữ và bổ sung.

6. Nội dung gia phả thường gồm có:

Lời nói đầu của những người soạn phả;

Chính phả: phả ký (lịch sử, sự phát triển của  dòng họ), phả hệ (chép về ngày sinh, công tích,  vợ, con, ngày mất và mộ phần từng người) và phả đồ (lập sơ đồ mối quan hệ);

Ngoại phả chép về nhà thờ tổ, việc cúng bái, khu mộ, danh sách học vị, ghi tiểu sử một số thành viên nổi bật, ….;

Phụ khảo chép dư địa chí tổ quán, nơi ở hiện nay.

7. Từ Cụ Tổ chung, sinh ra các Chi, các Ngành, các Nhánh, từng Gia đình. Vì nhiều lí do, từng người, từng gia đình hay cả một Tiểu chi sau thời kì sinh trưởng, quần tụ ở quê gốc lại ra đi mở đất và sinh ra Tiểu chi hay một Phái ở nơi quê mới.

Viễn tổ dòng họ, con người, sự việc các đời trước do chưa có Phả chỉ dựa vào ký ức và truyền khẩu, tức là là huyền phả 悬譜, lưu lại bằng truyền miệng dễ “tam sao thất bản” 三抄失本. Theo thời gian, kí ức về Tổ tiên, ngày khai cơ 開基 trong con cháu ngày càng mờ nhạt, nên không chép lại sẽ mất hẳn. Hiện nay, chúng ta đã vào thời bình trị. Do đó việc phục hưng truyền thống văn hoá lâu đời từng bị xâm hóa nghiêm trọng sau những thời thăng trầm của đất nước là cần thiết. Giữ gìn và phát huy gia phả là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu.

Theo trào lưu chung, đối với mọi người, nhất là với những người xa quê việc tìm về cội nguồn là cần thiết nhằm biết được gốc tích, quan hệ trên dưới, thân sơ...biết ngày giỗ, nơi đặt mồ mả và công tích của tiền nhân. Có như vậy quan viên họ sẽ tự tin, tự hào về truyền thống của dòng họ, củng cố niềm tin, vững bước đi lên trong mọi tình huống. Đồng thời, con cháu sẽ nắm chắc ngày giỗ tiền nhân, thuận xử lý trong việc cưới gả, đặt tên, giao tiếp, việc thưa gửi và tôn ti sẽ rõ ràng.

Bài 4: Về GIA PHẢ HỌ NHÀ VÀ VIỆC SẼ SOẠN LẠI.

-Lương Đức Mến, soạn Xuân 2015, sửa chữa: 3/2022-



[1] Sự đứt đoạn lịch sử họ nhà từ Thanh Hóa ra Tiên Lãng, từ Tiên Lãng sang  như thế nào là một ví dụ.

[2] Các dòng họ lớn, chỉ Trưởng của chi Trưởng mới thờ tại Từ đường. Theo thời gian, dòng họ càng phát triển thì các Chi, Tiểu chi hay Phái…có Từ đường riêng và lại thờ cụ Trưởng của Chi, Phái đó…

[3] Khi khấn cúng từ đời thứ 4 trở ngược lên thì khấn là Đệ Nhất (Nhị, Tam…) Tổ. Còn trong 5 đời thì khấn theo thứ bậc:  Cao cao (trên kị), Cao (kị), Tằng (cụ), Tổ (ông, bà), Hiển (bố, mẹ) kèm Khảo đối với ông, Tỉ đối với bà, tức là từ “phụ” được thay bằng “khảo”, “mẫu” được thay bằng “tỉ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!