[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


29 tháng 6 2023

Chú ý trong VĂN KHẤN TẠI GIA

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc đã có từ lâu, trở thành một trong những nét đẹp trong văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt. Đây là một tập tục đẹp, “thuần Việt” thể hiện đạo lý, lối sống luôn hướng về gia đình, cội nguồn và tương lai.

Trong ĐẠO ÔNG BÀ đó, Văn khấn luôn cần đến và được coi là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh có từ cổ xưa. Đây là cách giao tiếp giữa người trần với người âm, nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông cha và những người trong dòng họ máu mủ ruột già của hậu thế, nhất là  trong các dịp đặc biệt như ngày Rằm, mồng Một, Cúng Giỗ, lễ Tết,...Đó cũng chính là lời mời bề trên về sum họp cùng với con cháu, thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, tiền nhân.

Bài khấn thường được viết/in sẵn ra giấy (còn có cái mà hóa”/đốt khi cung phần sớ văn/ kết thúc dâng cúng) để những người đang sống báo cáo công việc gia đình trong khoảng thời gian qua. Mỗi một lễ đều có một văn khấn cúng riêng với nội dung phù hợp. Nhưng cấu trúc chung một bài văn cúng (thực hiện đạo lý: Ăn có mời, làm có khiến) thường gồm ba phần chính như sau:

- Phần thứ nhất: Nêu rõ thời gian (ngày tháng năm bằng Dương lịch và Âm lịch), địa điểm tiến hành lễ (Quốc gia, tỉnh, huyện/ thành phố, xã /phường, thôn/tổ dân phố, kể cả địa danh cũ và địa danh mới chưa kịp thông báo rộng rãi) và họ tên người chủ lễ / người đứng đọc văn cúng, có nói rõ vị trí người cúng: xưng hô là “Tín chủ” (với các vị thần, thánh, Phật), “Trưởng nam” hay “Thứ nam” hoặc “Hậu thế” (với các vị Gia tiên, Tiền tổ).

- Phần thứ hai: mời “Hoàng Thiên Hậu Thổ, Chư vị Tôn thần, Lịch đại Tổ tiên về “ăn Tết” hay “ăn Giỗ” hoặc nhân dịp …;  Mời người được cúng giỗ, và các bậc thế thứ trong gia tiên (có tên gì, từ trần ngày tháng năm, chôn ở đâu) cùng về thụ hưởng. Đồng thời liệt kê  các thứ đem dâng cúng.

 - Phần thứ ba: bầy tỏ lòng thành kính và thỉnh cầu các vị về hưởng giỗ; xin phù hộ độ trì cho toàn gia và những người đang sống được an lành, may mắn, làm ăn phát tài, hanh thông mọi việc, vạn sự như ý, bách độc bất xâm...

 Trong đó chú ý ngoài việc khấn cầu tới Thần, Phật, Bản gia Táo quân, Thành hoàng bản xứ…còn phải thỉnh các quan Hành khiển và các Đại tướng quân Thái tuế Đương niên, Tân niên (Thần Thời gian).

Một số chú ý:

1.                  CHỮ viết và ÂM đọc trong Văn Khấn, Tế có thể là chữ Nho với âm Hán Việt hay chữ Quốc ngữ, chữ dân tộc,... đều được nhưng đừng có sai chính tả quá nhiều. Điều này tôi đã sưu tầm, tham khảo, biên soạn, ghi và lưu chép tại đây.

2.                  Dù có theo Phật giáo hay không nhưng người Việt  Khi khấn thường  niệm "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT" mà nguyên do và ý nghĩa của nó cũng được biên tập, chép lưu tại đây.

3. Riêng  Vòng Lưu niên Hành khiển 行遣十二之神 là vòng tuần hoàn của Thập Nhị Địa Chi 十二地支, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi còn được gọi là “Đương Niên Chi Thần” 陽年之神, là quan Văn, lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hòang Thựơng đế, trình lên Ngọc Hòang những việc đã xảy ra. Mỗi Đại vương Hành Khiển đều có một vị Hành Binh 行兵尊神 là quan Võ lo giữ an ninh, trật tự địa phương. Đồng thời còn có một Phán Quan 判官尊神 là Thư ký giúp việc, việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã, mọi quốc gia.

Ngoài ra, còn Vòng luân phiên các Thái Tuế tinh quân 歲神是年歲之神 ứng với vòng Lục thập Hoa giáp tính từ Giáp Tý đến Quý Hợi. Hằng năm, Thái Tuế tinh quân xuất hiện tính từ Lập Xuân (nếu tiết Lập Xuân trước Nguyên Đán) hoặc Giao Thừa (nếu tiết Lập Xuân sau Nguyên Đán) và hết hạn làm việc vào ngày Đông Chí.

Do vậy:

- Trong một gia đình không thể lấy bài văn khấn năm trước áp vào năm sau được bởi khác quan Hành khiển (kèm theo là Hành Binh và Phán quan), khác Thái tuế. Tốt nhất là lập một Bảng Danh sách từng năm để tiện sử dụng cho đúng;

- Mỗi gia đình cư trú ở một nơi khác nhau, có Thổ công, Thổ địa, Thành hoàng khác nhau nên không thể dùng chung Văn khấn (chú ý tới Táo quân 灶君, hơi khó nhớ là: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân (cai quản toàn bộ mọi sinh hoạt và bếp núc, thường gọi là “Thổ công táo quân” của gia đình),Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần (cai quản đất đai âm trạch và long mạch  tức “Thổ thần thổ địa”), Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần (cai quản toàn bộ việc mua bán hàng hoá đồ ăn thức uống cho gia đình còn gọi là “Thổ kỳ”);

- Bài khấn đời trước cũng không thể lấy nguyên văn dùng cho đời sau vì khác về chủ lễ nên khác về quan hệ của người khấn cúng với đối tượng hưởng lễ do vậy người khấn nếu thuộc đời sau phải nâng bậc tùy vai vế.

4. Với những chúng dân không là đệ tử cửa Phật thực thụ (nghĩa là không phải người tu hành), thì khi cúng khấn tại gia đình, câu đầu tiên phải kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ còn việc “nam mô a di đà phật” hãy để khi đi lễ chùa, ở trên Chùa hay nơi thờ Phật khác.

Hơn nữa, chúng ta đều biết trong vũ trụ có Trời, có Đất, có con Người (THIÊN ĐỊA NHÂN).  Theo quy luật chung đó thì dù Phật có thần thông quảng đại, đức cao vọng trọng như thế nào thì PHẬT VẪN LÀ CON NGƯỜI, trong thế giới loài người. Do vậy không thể kêu cúng đến Phật những 2 lần mà quên đi thần Đất vì Phật  không ngoài vòng cương tỏa của Trời - Đất. 

Nhiều người không hiểu hay máy móc theo sách (đa phần do các nhà Sư hay Phật tử soạn ra, in ấn và phát hành) cho nên cứ khấn đại như vậy (nào là Nam mô a di đà Phật. Còn thêm con lạy Chín phương trời, Mười phương Phật, Chư Phật mười phương,...).

Đúng ra, khi khấn vái phải lạy “Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần” sau đến “…tộc Lịch đại Tổ tiên”, đừng có kêu đến 2 lần Phật như thế!. Việc này tôi đã tìm hiểu, giải nghĩa, lưu tại đây.  

5. Riêng tôi, trong các bài tự soạn bao giờ cũng khấn thỉnh tới: Chín phương Trời, Năm phương Đất và Mười phương Phật” sau đến “Lương tộc Lịch đại Tổ tiên”. Tôi từng giải nghĩa điều này như sau:

5.1. Năm phương Đất: gồm 4 hành (Thuỷ , Hoả , Mộc , Kim ) của 4 phương  (Bắc , Nam , Đông , Tây 西) và Trung cung Địa Vương Hậu đế 中央地王后帝. 5 phương 五方 này  do 5 vị vua cai quản ứng với 5 mầu là: Thanh Đế (青帝,mầu Xanh), Hắc Đế (黑帝, mầu Đen), Xích Đế (赤帝, mầu Đỏ), Bạch Đế (白帝, màu Trắng) Hoàng Đế (黄帝,mầu Vàng).

5. 2. Chín phương trời có mấy thuyết giải thích khác nhau:

- Theo dân gian Việt Nam gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, và Trung ương.

-  Theo Bát quái gồm 8 quái (Càn , Khôn , Cấn , Chấn , Tốn , Ly , Khảm , Đoài ) và Ngọc Hoàng Thượng đế 玉皇上帝.

-Người Trung Quốc cổ đại gọi chín phương trời là Cửu dã 九野 hay Cửu thiên 九天, Cửu trùng thiên 九重天 bao gồm trung ương và tám phương hướng, tức là tứ chính 四正 (Đông, Tây, Nam, Bắc) và tứ ngung 四隅 (Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc).

- Sách Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋 hoàn thành vào năm thứ 8 đời Tần vương Chính (秦始皇, 259-210 tCn) , chín phương trời có tên gọi và vị trí như sau:

(1) Ở trung ương gọi là Quân Thiên 鈞天 (đều đặn, quân bình);

(2) Phương Đông là Thương Thiên 蒼天 ( màu xanh biếc);

(3) Phương Đông Bắc là Biến Thiên 變天 (thay đổi);

(4) Phương Bắc là Huyền Thiên 玄天 (màu đen huyền);

(5) Phương Tây Bắc là U Thiên 幽天 (tối tăm, kín đáo, sâu xa);

(6) Phương Tây là Hạo Thiên 顥天 (sáng trắng);

(7) Phương Tây Nam là Chu Thiên 朱天 (màu đỏ như son);

(8) Phương Nam là Viêm Thiên 炎天 (nóng, ngọn lửa);

(9) Phương Đông Nam là Dương Thiên 陽天 (trái với âm).

-Sách Hoài Nam Tử 淮南子 soạn thời Hán (漢,220-9 tCn) giải thích gần giống Lã Thị Xuân Thu, có khác là: Phương Đông Bắc là Mân Thiên 旻天 (bầu trời); phương Tây là Hạo Thiên 皓天 (sáng trắng; chữ Hán viết khác với Lã Thị Xuân Thu).

-Sách Quảng nhã giải thích cũng hơi khác: Phương Đông là Hạo Thiên 皡天 (rộng rãi, lồng lộng; chữ Hán viết khác với Lã Thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử), phương Tây là Xích Thiên 赤天 (màu đỏ). Các phương còn lại thì cũng giống giải thích của hai sách trên.

- Sách Thái huyền kinh 太玄của Dương Hùng 揚雄 liệt kê chín tầng trời là: Trung Thiên 中天 (ở giữa); Tiện Thiên 羨天 (dư thừa); Đồ Thiên 徒天 (không có); Phạt Canh Thiên 罰更天 (hình phạt thay đổi); Tối Thiên 晬天 (trọn một năm); Quách Thiên 郭天 (tường thành bọc phía ngoài); Hàm Thiên 咸天 (bao gồm tất cả); Trị Thiên 治天 (sửa sang, cai trị); và Thành Thiên 成天 (thành tựu, làm xong).

- Đạo Lão quan niệm có chín tầng trời và gọi là: Cửu trùng, Cửu giai, Cửu tiêu, Cửu thiên.

(1) Uất Thiền Vô Lượng Thiên 鬱禪無量天;

(2) Thượng Thượng Thiền Thiện Vô Lượng Thọ Thiên 上上禪善無量壽;

(3) Phạn Giám Tu Diên Thiên 梵監須延天;

(4) Tịch Nhiên Đâu Suất Thiên 寂然兜率天;

(5) Ba La Ni Mật Bất Kiêu Lạc Thiên 波羅尼密不驕樂天;

(6) Động Huyền Hóa Ứng Thanh Thiên 洞玄化應聲天;

(7) Linh Hóa Phạn Phụ Thiên 靈化梵輔天;

(8) Cao Hư Thanh Minh Thiên 高虚清明天;

(9) Vô Tưởng Vô Kết Vô Ái Thiên 無想無結無愛天.

Tuy nhiên, trong văn học khi nói chín phương trời thường ngụ ý là trọn cả bầu trời, khắp nơi khắp chốn.

5.3. Mười phương Phật cũng có nhiều cách hiểu:

-Gồm 5 phương của Thái tạng giới (Trung ương Đức Tỳ Nô Giá Na, Đông phương Bảo Tràng Như Lai, Nam phương Khai Phu Hoa Vương Như Lai, Tây phương A Di Đà Như Lai, Bắc phương Thiên Cổ Lôi Âm Như lai và các Chư Phật Bồ tát) và 5 phương của Kim Cương giới (Trung ương Đức Đại Nhật NHư Lai, Đông phương A Súc Bệ Như Lai, Nam phương Bảo sinh Như Lai, Tây phương Vô Lượng Thọ Như Lai, Bắc phương Bất Không Thành Tựu Như Lai và các Chư Tôn Bồ Tát).

-Thập phương chư Phật 十方諸佛 gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất (hay trung ương) tức là tất cả các vị Phật ở khắp mọi nơi trong Càn Khôn Vũ trụ.

-Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nhắc lại lời dạy của Đức Chí Tôn nơi đàn ở Cần Thơ, trong đó Đức Chí Tôn giải thích : “Dưới 36 từng trời còn có một từng nữa là Nhứt mạch đẳng tinh vi gọi là Cảnh Niết Bàn. Chín từng nữa gọi là Cửu Thiên Khai Hóa, tức là 9 phương trời, cộng với Niết Bàn là 10, gọi là Thập phương chư Phật. Gọi 9 phương trời 10 phương Phật là do đó. Cõi Niết Bàn là chỗ Phật ngự: Phật Tổ ngự nơi hướng Tây, Quan Âm ngự nơi hướng Nam. Mỗi từng đều có sơn xuyên hà hải, tứ phương bát hướng, liên đài hằng hà sa số Phật”.

Như vậy, Cảnh Niết Bàn là ở từng trời thứ 10, bên trên Cửu Trùng Thiên, do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chưởng quản. Nơi từng trời thứ 10 nầy có: Ngọc Hư Cung ở tại trung tâm và Cực Lạc Niết Bàn 極樂涅槃 - 極樂世界 - 極樂國 ở hướng Tây nên cũng gọi là Tây phương Cực Lạc. Tại kinh đô của CLTG có Lôi Âm Tự.

-Tuy nhiên, có quan niệm cho rằng thập phương không phải là mười phương mà hàm nghĩa tất cả mọi nơi. Nói mười phương Phật hay thập phương chư Phật tức là chỗ nào cũng có Phật, Phật có ở khắp nơi không phân biệt sang hèn, xấu tốt, dơ sạch, thanh tịnh hay không thanh tịnh…

Do vậy, thì “Chín Trời mười Phật” là nói các Ðấng Tiên Phật ở mọi nơi trong Cửu Thiên Khai Hóa và chư Phật ở cõi Cực lạc thế giới.

-Lương Đức Mến, sắp đến lễ Vu Lan-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!