Vấn đề khi khấn cúng lời nói dùng âm Nôm hay âm Hán Việt, lúc viết Sớ dùng chữ Việt hiện tại, chữ Nôm hay chữ Hán chưa phải đã thống nhất, ngay trong một dòng họ.
1. Thưở trước, dân gian coi Khấn, Tế là trọng đại do vậy việc viết và đọc văn khấn là “đặc quyền” của các bậc túc nho đức cao vọng trọng 德高望重. Do vậy Sớ (H: 疏文上奏, A: The petition to the throne, P: Le placet au trône) được viết bằng chữ Nho (tức chữ Hán, 漢字 /汉字), đọc bằng âm Hán Việt (詞漢越, tức là âm chữ Hán thời nhà Đường, đọc theo quy luật ngữ âm tiếng Việt) ít khi viết bằng chữ Nôm (字喃, tức là thứ chữ dựa trên những thành tố của chữ Hán để viết những tiếng thuần Việt, xưa gọi là Quốc âm). Khấn văn Nôm, khấn không sớ chỉ dùng trong cúng giỗ ở nhà thường dân.
Ngày nay các bậc thông tỏ Hán học đã vắng dần, hơn nữa từ 1950 bên Trung Hoa đã dùng chữ Giản thể 簡體字 thay cho chữ Phồn thể 繁體字 truyền thống nên lớp Hán học nay tuy có bằng Đại học Hán Nôm (như con gái tôi chẳng hạn) đấy nhưng nhiều chữ Phồn thể không tường. Do vậy lại nẩy sinh vấn đề mới: nếu dùng Hán tự thì ở dạng Phồn thể hay Giản thể? và vì sao?
Nói về phương châm sống, sách Luận Ngữ của Vệ Linh Công 衛靈公, ở thiên 15, chương 11 viết: 人無遠慮必有近憂 “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu”, tức Người không lo xa, tất sẽ có cái buồn gần. Cuộc đời luôn cẩn trọng “Cư an, tư nguy” 居安思危, đương lúc yên ổn vẫn đề phòng nguy nan là vậy!. Mà cách lo xa, xưa nay thường dựa cả vào cúng khấn nữa. Như tôi từng tâm niệm: Cúng Bái là việc của Tâm linh (H: 心靈 , A: The soul, P: L' âme) là cái tâm thiêng liêng. Do vậy cần xuất phát từ điểm đó mà định cách đọc, chữ viết trong khấn cúng, dâng sớ.
2. Trong tâm linh mỗi người, ngoài Tổ tiên ra thì tùy theo Tôn giáo, tín ngưỡng họ theo mà có các Đấng tối cao được tôn thờ với tên gọi khác nhau. Với Phật tử (H:佛子, A: Buddhist, P: Bouddhiste) đó là Đức Phật Tổ (H: 佛祖, A: The founder of Buddhism, P: Le fondateur du Bouddhisme), các vị: Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm…; người theo Công giáo (H: 天主敎(公敎), A: The Christianism (Catholicism), P: Le Christianisme (Catholicisme)) có Đức Chúa Cha, Đức Chúa jesus, Đức mẹ Maria; tín đồ Hồi giáo (H: 回教, A: Mahometanism, Islamism, P: Mahométisme, Islamisme) có Đấng Allah; tín đồ đạo Cao Đài (H: 高臺大道, A: The Great Way of Caodaism, P: La Grande Voie du Caodaisme) thờ cả Ðức Phật Thích Ca, Ðức Lão Tử, Ðức Khổng Tử, Ðức Chúa Jésus Christ,...
Ngay cả những người không theo tôn giáo nào vẫn tin vào Ông Trời hay Ngọc Hoàng Thượng Đế (H: 玉皇上帝, A: The Jade Imperor, P: L'Empéreur de Jade)...Đồng thời, dù theo tôn giáo nào, người trong cùng làng đều thờ chung vị Thần Thành hoàng làng (H: 城隍神, A: The tutelary spirit of a city, P: Le génie tutélaire d'un cité) ở Đình hay mỗi xóm, vùng đều chung thờ một vị Thần, Thánh tại Đền, Miếu nơi đó.
Trong các Đấng tối cao đó có Thiên thần (H: 天神, A: The Heavenly Genius, the principality, P: Le Génie du Ciel, la principauté); Thổ thần (H: 土神 , A: The Genius of soil, P: Le Génie du sol) và Nhân thần (các vị Thánh, những anh hùng có công với nước…)…
Lịch sử từng có giai đoạn “vô thần” (H: 無神, A: The atheism, P: L'athéisme) hay có người chủ trương “vô thần” có thái độ hoài nghi với tất cả những gì siêu nhiên; cho rằng không có Thần, Thánh, Tiên, Phật, không có Thượng Đế, không tin có thế giới siêu hình, không tin con người có linh hồn bất diệt. Ví như Friedrich Wilhelm Nietzsche (nhà triết học người Phổ, 1844-1900), Jean-Paul Sartre (nhà văn, nhà triết học hiện sinh Pháp, 1905-1980) từng tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết!” (Đ: Gott ist tot! P: Dieu est mort! A: God is dead! H: 上帝之死!). Nhưng, thực tế, các danh nhân, hào kiệt lừng lẫy một thời rồi cũng chết (được tôn xưng là băng hà, viên tịch, hy sinh, tạ thế, qua đời…) và trong dân gian số người còn nhớ đến họ là có giới hạn. Nhưng Ông Trời (Thượng Đế, Ngọc Hoàng, Thiên Chúa) vẫn “sống” trong khắp cõi nhân gian và bất kỳ lúc nào cả khi vui, khi buồn, cả lúc bất mãn, khi thỏa lòng hay cần kêu cứu người ta vẫn nhắc tới Ông: “Trời ơi!”, “Lạy Trời ! ”, “Cầu Trời !”…! . Hay như có thời một vài cán bộ quá tả từng tuyên bố “vô thần”, có những việc làm không hay với tín ngưỡng nhưng thực ra trong lòng họ vẫn nghĩ tới Tổ tiên, tới Trời và họ vẫn ngưỡng vọng Thần linh! Vì vậy, những người cố tình nói quá lên là không đúng!
Các Đấng Thiêng liêng đó đều là những Đấng siêu hình (H: 超形, A: Metaphysical, P: Métaphysique), không có hình tượng cho nên có người tin, có người không tin. “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” 靈在我不靈在我 mà! Nhưng sống trong trời đất cần có đức tin. Chúa Jesus đã từng nói; “Đức tin con cứu con”; Khổng Tử (孔夫子, 551–479 tCn) chép trong Kinh Thư 書經: 太甲曰天作孽猶可違自作孽不可活: Thiên tác nghiệt, do khả vi; tự tác nghiệt, bất khả hoạt. Tức là: Những tai ách do Trời làm ra, mình còn tránh được. Những tai ách tự mình gây nên, thì mình phải chết. Cho nên muốn sống thanh thản, mọi việc hanh thông thì phải “biết mình là ai”, cần có Đức tin (H: 德信, A: The belief, P: La foi) và trong lòng mình có Trời, có Đạo, có Nhân.
3. Đấng tối cao vốn vô hình nên không phải đàn ông, cũng chẳng phải là đàn bà (tuy có bậc thường hiểu là nữ như: Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát…). Thượng Đế là đấng toàn năng vượt lên trên giới tính nam, nữ; thế giới âm, dương; là năng lượng tổng hợp nguyên thủy sinh ra vạn vật, muôn loài. Cũng bởi là vô hình nên bốn Đấng: Thần, Thánh, Tiên, Phật được xưng tụng là “Tứ bất tử” (H: 四不死, A: The four immortals, P: Les quatre immortels) tức là bốn bậc không bao giờ chết.
Còn trong các tôn giáo, Thượng đế có bản ngã, có mang nhân tính, có hiểu biết, tình cảm, hành động, và có thể có hình dạng cụ thể, hoặc thể hiện mình ra dưới hình dạng cụ thể cho con người đoán nhận. Tuy nhiên có niềm tin cho rằng Thượng đế chỉ là cội nguồn quy luật của tự nhiên, là tạo hoá tự nhiên, hoàn toàn khách quan không mang tính chất nào của bản ngã, nhân tính. Cũng có niềm tin cho rằng Thượng đế là kết hợp của cả hai, vừa hữu ngã vừa vô ngã, hoặc con người không thể nhận biết được bản chất của Thượng đế. Nhưng do là vô hình, nên Thượng đế không có màu da, quốc tịch, tiếng nói ngôn ngữ riêng và không của riêng ai!.
4. Tuy là vô hình, không ai nhìn thấy nhưng quyền năng và khả năng của các Đấng siêu hình là siêu việt. Khoa học hiện tại cho rằng muôn vật xuất hiện từ “vụ nổ Lớn” (H: 大爆炸, A: Big Bang, P: Big Bang). Nhưng tôn giáo lại cho rằng các Đấng thiêng liêng có khả năng tạo ra và cũng có khả năng hủy diệt tất cả. Triết học cổ phương Đông cho rằng: lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ ràng được gọi là thời hỗn mang. Sự hình thành vạn vật có thể tóm lược là:
Trong đó, con người là sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa, dù là tài giỏi đến đâu cũng chỉ là sản phẫm của Thượng Đế toàn năng. Thượng đế là vị thần tối cao duy nhất cai quản tất cả. Tuỳ vào tôn giáo có tin vào việc có sáng thế hay không, mà Thượng đế là đấng sáng thế hoặc chỉ là đấng cai trị, và Thượng đế mang các tên riêng. Có lẽ vì vậy mà trong Hán tự, chữ chỉ Trời là chữ “Thiên” (天): gồm có bộ “nhất” (一) và “đại ” (大) hàm ý nói lên “Thượng đế là vị lớn duy nhất”, Vua của mọi Vua.
Những giả thuyết, quan niệm về vũ trụ đều do con người đặt ra, ngay cả nguồn gốc chính mình cũng vậy!
Tuy còn nhiều tranh cãi song cho đến nay các tư liệu chính thống giới khoa học hiện đại đều cho rằng: từ một loài vượn ở châu Phi, người hiện đại Homo sapiens xuất hiện tại Đông Phi khoảng 180.000 năm trước. Sau đó loài người được chia thành bốn đại chủng chính, đó là: Đại chủng Âu (Caucasoid), Đại chủng Phi (Negroid), Đại chủng Á (Mongoloid), Đại chủng Úc (Australoid, hay còn gọi là Đại chủng Phương Nam).
Nhưng với tôn giáo lại khác. Theo Đạo giáo (H: 道教, A: Taoism, P: Taoïsme) thì ông Trời sinh ra Bàn Cổ (H: 盤古, A: The first ancestor of man from the Chinese legends, P: Le premier ancêtre de l'homme d'après les légendes chinoises). Chính vị Thần này đã khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ, trong đó có con người. Công giáo quan niệm: Thiên Chúa hay Thượng đế tạo dựng vũ trụ ex nihilo, từ sự vô hình và trống không; tạo nên mọi vật, nhưng chỉ có ngài là đấng tự hữu. Thiên Chúa dựng nên con người, và ban cho họ quyền cai quản mọi loài trên đất. Đức Chúa Trời sáng tạo ra thế giới liên tục trong 6 ngày, ngày thứ 7 Người phải nghỉ nên gọi là Chúa Nhật.
Mỗi dân tộc đều có một vật thờ. Người Pháp cho rằng tổ tiên là người Gaulois, con vật tượng trưng là con gà trống. Người Anh lấy biểu hiệu là con sư tử. Người Hoa Kỳ lấy biểu hiệu là con chim ưng. Người Trung Hoa lấy biểu hiệu là con rồng. Người Do Thái tự tin rằng họ là giống dân linh, được Chúa chọn. Người Việt lấy biểu hiệu là con rồng và chim âu, gốc tự huyền sử vua Lạc Long là loài rồng, công chúa Âu Cơ là loài chim.
Con người là một loài sinh vật có bộ não tiến hóa rất cao cho phép thực hiện các suy luận trừu tượng, ngôn ngữ và xem xét nội tâm. Nhưng Trí thông minh, sự tài giỏi, tình cảm đó hay những thành tựu khoa học, những công trình kỳ vĩ do con người xây dựng nên cũng chỉ là sản phẩm của Thượng Đế bởi những những quyền năng khả năng tối cao của Ngài. Các Đấng siêu hình vẫn tồn tại quanh ta ở mọi nơi, mọi lúc.
Trong lịch sử từng tồn tại nhiều chuyện: thần thoại có, cổ tích có, dã sử có và sự thực có về năng lượng tác động của Đấng tối linh.
Đối với Việt tộc, thời dựng nước Âu Lạc có Thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây Loa Thành; thời Bắc thuộc: Lý Nam Đế nhờ Chử Đồng Tử chống lại quân Lương; thời độc lập: Đinh Bộ Lĩnh nhờ Rồng Vàng cõng qua sông Hoàng Long mà hoàn thành bá nghiệp; Lý Công Uẩn là con Thần và rời đô gặp Rồng Vàng linh hiện nơi đất chọn làm đế đô; Lý Thường Kiệt nhờ bài thơ “Thần” mà phá tan quân Tống trên phòng tuyến Như Nguyệt; Trần Anh Tôn được Nữ thần đền Cờn (cửa biển Cần Hải) giúp biển lặng, phá được quân Chiêm; Lê Lợi nhờ Kiếm Thuận Thiên 順天劍 mà lấy lại được nước...
Ngay như trong gia tộc tôi: chuyện thế đất ngành Ba và việc học hành, chuyện về ngành Út, về nữ nhân, chuyện bà Cô tổ Lương Thị Mẹt của gia đình… có rất nhiều vấn đề liên quan đến các can thiệp từ bên ngoài bởi lực lượng siêu nhiên khó lý giải bằng kiến thức khoa học thời @!. Bởi vậy mới có câu: “Thánh bất khả tri” 聖不可知, tức không thể biết rõ hết sự thiêng liêng mầu nhiệm của Đức Tối linh.
Song việc gì cũng có giói hạn của nó, khi thái quá có khi tác dụng ngược lại. Ví như nhà Lý nhờ thế lực của Phật giáo mà lên nhưng lại quá thiên về đạo Phật, xây quá nhiều Chùa Tháp dẫn đến hao phí rồi mất Vương quyền về tay họ Trần hay như Ngô Đình Diệm thiên quá về Thiên Chúa giáo, từng đàn áp Phật giáo dẫn đến kết cục không mấy hay...Và còn vô khối chuyện nữa vừa có thật lại bàng bạc mầu “liêu trai". Một lần nữa thuyết “Thiên-Địa-Nhân” 天地人 hòa hợp thật là toàn bích và xưa nay vẫn có “Nhân định thắng Thiên” (H: 人定勝天, A: Human determination will overcome the destinity, P: La volonté de l'humanité peut triompher de la destinée) như chính thiên tài Nguyễn Du đã viết: “Xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều” 汖哰人定勝天吔蜫.
Tất nhiên truyền thuyết và giai thoại không phải là lịch sử, gia sử! Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, dựa vào một chi tiết có thực nào đó mà hư cấu thêm vào làm đẹp thêm lịch sử, gia sử chứ không hoàn toàn là dữ liệu thực. Song thông qua đó cũng có thể lần tìm ra một số sự thật và dặc biệt là biét được tiền nhân đã gửi gắm gì trong đó, thông qua những hình tượng siêu hình.
Như thế đủ biết quyền năng siêu nhiên của Thượng đế, cái tác động đến con người hiện đại cảm nhận được mà ngày nay hay nói đến là “Nhân điện” hay “Năng lượng Vũ trụ” rồi “Ngoại cảm”...
Nếu có Đức tin và đặt nó đúng chỗ thì ta tin rằng những tình cảm con người đối với Đấng Tối cao Siêu nhiên sẽ bù đắp những thiếu hụt trong cuộc sống hiện tại và nuôi dưỡng hy vọng cho những gì tốt đẹp ở tương lai, ở cõi vĩnh hằng. Như thế chẳng hơn sống mù quáng, vị kỷ! Hãy cứ tin : “Hoàng Thiên bất phụ hảo Tâm nhân” 皇天不負好心人 mà sống cho thanh thản, mọi việc sẽ hanh thông!
5. Thượng Đế đầy quyền năng nhưng mà vô hình, quyền năng là năng lượng nên không trực tiếp điều khiển vạn vật mà nhờ đến các vật thể trung gian. Đó là các Nhân thần hay những người hành nghề Tôn giáo, tín ngưỡng hoặc các cơ sở thờ tự, đồ Tế khí... được Thượng Đế chọn làm vật thể trung gian để chuyển đạt ý chỉ của Ngài, giúp Ngài thực hiện một số sứ mạng thiêng liêng hoặc cần thiết nào đó.
Khi Thượng Đế đã chọn một người nào đó để truyền ý chỉ, hành động thì Thượng Đế tất có cách thức để người đó hiểu được và có điều kiện hoàn tất nhiệm vụ. Đó là các vị chân tu, như Sư thầy, Cha cố, Pháp sư, những nhà ngoại cảm, những người tu tại gia...Lợi dụng điều này khối "ông đồng bà cốt" đưa ra lắm chiêu lạ nhưng đó là lừa bịp! Ngược lại, báng bổ người tu hành đến mức róc mía trên đầu Sư như một ông Vua đã làm thì tối kị!
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng như: Am, Miếu, Đền, Đình, Chùa, Nhà thờ, Thánh thất; các bức Tượng, Bài vị… ngay cả gốc đa, hòn đá vốn là vật vô tri trở nên “linh thiêng” trong mắt người đời bởi nó gắn với các Đấng siêu nhiên. Do vậy đã có đức tin phải trân trọng và nghiêm kính trước các công trình kiến trúc hay đồ Tế tự đó! Song quá sùng bái trở thành mù quáng lại không nên hay như việc phá Đình, dỡ Chùa, bỏ Từ đường biến những nơi đây thành kho, lớp học như những năm 1960 thì là quá tả, thiếu hiểu biết!
Do vậy đã tin thì theo nhưng đừng quá dị đoan còn không tin thì tùy song cũng đừng phỉ báng, tẩy chay hay ác cảm với người hành nghề tín ngưỡng, có thái độ tiêu cực với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
6. Qua vật thể trung gian, các Đấng siêu hình tồn tại ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng người trần chỉ cảm nhận được bằng giác quan của Tâm linh, suy nghĩ bằng trí não của Tâm linh chứ không nhìn, nghe, sờ thấy theo kiểu trần tục.
Hơn nữa Thượng đế lại có quyền năng vô biên nên có thể nghe được mọi ngôn ngữ, đọc hiểu mọi thứ chữ không cần phiên dịch! Đó chính là “ngôn ngữ tâm linh”, ngôn ngữ không có âm thanh, âm điệu nhưng lại là thứ ngôn ngữ siêu việt, siêu đẳng, rõ ràng, đầy đủ nhất. “Ngôn ngữ Tâm linh” không phải là tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tầy…cũng không phải “Quốc tế ngữ” (H: 世界语, A: Esperanto, P: Espéranto) nên khi Cúng tế hay Giỗ chạp ta khấn bằng âm Việt, âm Hán Việt, tiếng Kinh hay tiếng Tầy; viết chữ Hán (Phồn thể hay Giản thể), chữ Nôm (Nôm Việt, Nôm Dao, Nôm Thái), chữ Việt… Ngài đều thông hiểu.
Ví như mở đầu bài khấn, gốc tiếng Phạn là: “Namo Amitabha”, người Hoa niệm: “Namo A Mi Tuo Fo” 南無阿彌陀佛 còn người Việt tụng: “Nam Mô A Di Đà Phật” mà Đức Phật A Di Đà (H: 阿彌陀, A: Amitābha, P: Amitābha, Phạn: Amitābha) vốn gốc Ấn Độ vẫn tiếp dẫn, hành giả vẫn tu chứng. Cũng như phần nhiều các câu thần chú Phiên âm sai lệch, “tam sao thất bản” nhưng Phật tử niệm lên vẫn linh ứng như thường. Đó chính là bởi tâm chí thành chí kính của hành giả khi tu.
7. Ngôn ngữ Tâm linh không có lời, không có âm thanh nên muốn nghe được ngôn ngữ Tâm linh thì phải có cơ duyên, phải học nhiều, tu lâu sẽ có đủ năng lực để cảm nhận dễ dàng và chuyển tiếp thấu tới Cửu trùng. Do vậy những tín đồ chúng ta chỉ khấn cầu tới Đấng Tối cao chứ không tiếp ý của Thần linh được. Đó là công việc của những người hành nghề tôn giáo, tín ngưỡng chân chính, của nhà Ngoại cảm…Cũng chính bởi “cơ duyên” mà người bình thường sau “biến cố” nào do bỗng có khả năng đặc biệt. Ví như anh họ tôi (cháu Ngoại Cụ Đồ dạy bố tôi), thủa học cùng tôi có bài thuộc lòng ngắn nhưng anh chả thuộc. Xa nhau hai chục năm gặp lại thấy anh làm chủ một Đoàn nhạc Hiếu (Minh Tích ở Sơn Hải) khi làm lễ lắm bài câu cú rất trúc trắc so với người thường anh vẫn thuộc; khi tính giờ nhập quan, hạ huyệt chỉ giơ tay ra bấm mà quyết. Có lần, khi về dùng Exel và các bảng tính trên mạng, trong sách tôi thấy anh tính đúng! Mặc dù anh mới qua Cấp II và chưa biết sử dụng Internet! Tôi hỏi, anh không lý giải cụ thể mà chỉ nói có lúc tự nhiên như Ông về mách bảo! Thầy “cao tay” là Thầy có nhiều “cơ duyên”.
Vì thế mới có câu: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên Địa tất giai tri” 人心生一念天地必皆知, tức: Lòng người sinh một tưởng, Trời Đất ắt đều biết hay: Trời Đất chẳng ở xa, luôn luôn kế bên mình.
Thêm nữa, theo thời gian, địa danh, địa giới bao lần thay đổi khấn theo địa chỉ mới hay cũ đây? Chưa từng có ai bàn đến và ai chứng thực được hiệu quả ra sao?
Như vậy, viết chữ Hán hay chữ Việt, đọc âm Việt hay âm Hán Việt đều không có gì sai phạm. Song trong những cuộc tế lớn ở Chùa, Đình, Đền trong làng xã, trong Đại tộc hay Tiểu chi có đủ Chủ tế, Bồi tế, Chấp sự được tập luyện thành thạo; có chiêng, trống hỗ trợ; phòng Đại bái rộng…thì dùng Sớ chữ Nho (Phồn thể hay Giản thể) hoặc chữ Quốc ngữ, đọc với âm Hán Việt sẽ tăng phần thiêng liêng, trang trọng, tăng tính thuyết phục cho người dự tế. Còn trong các buổi Lễ do chính quyền tổ chức hay cúng giỗ trong gia đình nên dùng tiếng Việt và viết bằng chữ quốc ngữ chuẩn hiện tại là thuận tiện, phổ thông nhất.
Điều cốt yếu ở sự thành thực và nghiêm trang, tập trung. Như vậy sẽ thấu được tới các Đấng tối cao (H: 至極至尊, A: Very venerable, P: Très vénérable) và tiếp dẫn được năng lượng từ đó hầu mong bù đắp những thiếu hụt, trắc trở trong cuộc sống hiện tại và nuôi dưỡng hy vọng cho những gì tốt đẹp ở tương lai nơi trần thế hay ở cõi vĩnh hằng. “Tâm thành tất linh ứng” mà:
Văn khấn đâu phải văn thi,
Lời khấn đâu phải tiếng ca, giọng hò.
Cốt là gia chủ chăm lo:
Giữ: LỄ, TÂM, TÍN việc chi chẳng thành.
- Bs Lương Đức Mến-
(biên soạn từ nhiều nguồn TK để răn mình và giáo dục cháu con)
Những ngày sau Rằm tháng Giêng Tân Mão.
Trong các bài văn Tế chỉ "báo công" thôi hay có cả "thú tội nữa"?
Trả lờiXóaNăm năng lực siêu nhiên, âm Hán Việt là Ngũ thông (H: 五 通; C: wǔtōng; J: gotsū) mà theo Phật Quang Đại từ điển gồm :
Trả lờiXóa1. Thần cảnh trí chứng thông (神 境 智 證 通), cũng gọi là Thần cảnh thông (神 境 通), Thần túc thông (神 足 通), Thân như ý thông (身 如 意 通), Như ý thông (如 意 通);
2. Thiên nhãn trí chứng thông (天眼 智 證 通), cũng gọi là Thiên nhãn trí thông (天 眼 智 通), Thiên nhãn thông (天 眼 通);
3. Thiên nhĩ trí chứng thông (天 耳 智 證 通), còn gọi Thiên nhĩ trí thông (天 耳 智 通), Thiên nhĩ thông (天 耳 通);
4. Tha tâm trí chứng thông (他 心 智 證 通), hoặc Tha tâm trí thông (他 心 智 通), Tri tha tâm thông (知 他 心 通), Tha tâm thông (他 心 通);
5. Túc trú tuỳ niệm trí chứng thông (宿 住 隨 念 智 證 通), cũng gọi là Túc trú trí thông (宿 住 智 通), Thức túc mệnh thông (識 宿 命 通), Túc mệnh thông (宿 命 通).