[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 3 2011

Nhân ngày giỗ Ông, nhớ về Nội Tổ: Lương Đức Trính

Ngày ấy Ông tôi đã đi con đường nào và mất tại đâu?
Hôm nay, ngày 29 tháng Giêng năm Tân Mão (tức là thứ Ba ngày 03/3/2011) là ngày Giỗ của Ông Nội tôi. Thực chất đây là ngày ông bỏ nhà ra đi lần thứ hai và không trở về nữa! 
Chính xác, Cụ mất trong trường hợp nào? mất ở đâu? ngày nào? có được mai táng không? mai táng tại đâu?…Là những câu hỏi mà từ đời bà Nội tôi đến Bố tôi và hiện nay chúng tôi vẫn chưa dò tìm được!
Ông nội tôi là đời thứ 5 họ Lương Cao Mật[1] tên là Lương Đức Trính 第五代祖 梁德楨[2]. Ông là Tổ phụ của ngành 3 phái Lào Cai gồm con cháu của : Lương Thị Thị (1914-1992), Lương Đức Thân (1922-1997) và Lương Đức Dật (1924-1977).
Bố ông là cụ Trinh 第四代祖 梁德禎 (con út của bà Hai), thường được gọi là “Trinh bé”, để phân biệt với “Chinh lớn” tức cụ Giáo Chinh là con bà cả, kị ngày 17/9. Mẹ là Nguyễn Thị Lề ��, không thấy ghi nguyên quán trong Gia phả, kị 01/11. Cùng với Phạm Đình Nhiên, Đào Đăng Lung, cụ Trinh là dưỡng tử[3] của đệ Tam Tổ Lương Hoàn là Lương Công Quản (con thứ Tư của cụ Đồ Thiệu). Cụ Trinh sinh 3 con là: Lương Đức Quýnh 梁德迥,mất sớm khi chưa có vợ, con[4], kị ngày 04-Giêng[5]; Lương Thị Huân (Tuần ?)[6] 梁氏勳 và ông Nội tôi.
Cuộc đời ông tôi có nhiều thăng trầm mà tôi chỉ được nghe kể lại, chứ ông mất từ khi cha và chú tôi còn nhỏ dại !
Do ông nội ông là Lương Đức Hanh 第三代祖 梁德亨 từng là Lý trưởng 里長 sau làm Phó Tổng 傅總 nên nhà khá giả. Thủơ nhỏ được học hành do bác là cụ Giáo Chinh dạy.
Trưởng thành, người được cha mẹ hỏi và cưới người con gái họ Đặng cùng thôn. Bà là Đặng Thị Chỉ 鄧氏只 sinh khoảng năm 1989 (Kỉ Sửu) hoặc năm 1890 (Canh Dần). Chuyên hôn phối này là tiếp tục của lệ có từ lâu: cứ 1 gái họ Lương làm dâu họ Đặng thì lại có 1 gái họ Đặng sang làm dâu họ Lương[7]. Do đó trong làng nhiều nhà có họ hai mang[8]. Sự “đổi dâu” một phần tăng tình thân nhưng nhiều khi cũng gây  phiền phức, có lần 2 họ đã “giàn trận” đánh nhau máu thấm ruộng cày[9] !.
Có chữ, con nhà thân hào nên được bổ làm Lí trưởng 里長ng Hương (廊香 tên chữ là Phương Lạp 方粒, nay là thôn Phương Hạ).
Theo truyền ngôn thì cụ bênh dân. Có lần “Tây đoan” về bắt rượu “lậu” ông hô cướp và huy động cả làng ra vây. Tây sợ chạy và từ đó “cạch” không sách nhiễu làng Hương nữa. Chính vì vậy nên mặc dù là “Cụ Lý” song nghèo. Chị gái là Lương Thị Huân (Tuần ?) ngày đó đang giúp việc cho một Hiệu thuốc người Hoa ở Hải Phòng, thường “dấm dúi” chu cấp cho.
Về sau do ham mê cờ bạc và cũng như đa phần quan chức thời đó, cụ nghiện ma tuý do đó trở nên nghèo túng. Mặc dù được chị gái chu cấp nhưng không đủ chi tiêu, ruộng vườn cứ hao dần. Mâu thuẫn  vợ-chồng  ngày một tăng. Sau khi vợ sinh 2 gái  (Di, Thị) bỏ ra ngoài Vàng Danh, Cẩm Phả[10] làm phu mỏ Than. Cũng may bà khá đảm đang, quán xuyến việc nhà, việc họ giỏi (=cẩn thận) nên vẫn một mình nuôi con, xoay đủ nghề, từng đi buôn tận Cẩm Giàng (Hải Dương), Tiên Lãng, Thái Bình, Bắc Ninh.
Biết ông rất thích chơi Diều, cụ Mạo sai con là Liêm[11] (là cháu gọi ông tôi bằng chú nhưng còn hơn cả tuổi ông) về vào dịp Hội thả Diều ra tìm, ông về. Sau đó sinh tiếp 2 Nam (Thân, Rật (Dật) ).
Đến khoảng 1926-1928[12], sau ngày hội làng, cùng với mấy người trong Tổng lại bỏ nhà ra đi, nói là đi “Tân Thế giới”[13].  Không ai can được. Hôm đó là ngày 29 tháng Giêng. Từ đó không về và cũng không tin tức gì. Bà ở nhà nuôi 4 con, còn nuôi cả cháu: gọi bằng mợ (Đặng Thị Được[14]) bằng cô (Đ.Văn Nhỡ[15]), bằng bá (... ) bà tổ chức cho mọi người cùng bà làm hàng xáo[16] rau cháo nuôi nhau.
Cũng bởi Ông bác tôi vô tự, Ông nội tôi bỏ nhà ra đi từ khi cha tôi còn nhỏ, trong hoàn cảnh chiến tranh Đông Dương thời đó không ai lo chép Gia phả nên bố con tôi không có tư liệu nhiều để chép về Cụ Nội tôi khi Tục biên sau này.
Chờ 6, 7 năm sau, đi xem bói, thầy phán cụ đã mất, gia đình tổ chức “chiêu hồn nạp táng招魂納葬. Bà tôi mời 7 sư làm chay, cầu siêu[17] trong mấy ngày đêm liền. Cúng xong dùng cành dâu làm xương, vỏ dừa làm sọ (xương dâu, đầu gáo)[18] mà mai táng. Lấy ngày 29/Giêng làm ngày Giỗ hàng năm[19]. Bà tôi ở vậy không tái giá[20].
Tháng 02/1964 gia đình bố và chú tôi chuyển lên Lào Cai đã quy tập nấm mộ vọng đó về cùng 5 ngôi mộ khác, đặt ngay sườn phải Nghĩa trang liệt sĩ xã Chiến Thắng (cạnh đường 354 từ chợ Thái sang Tiên Lãng).
Thực ra từ cuối những năm 1930 có người cùng huyện gặp người làng kể rằng;: ngày đó các ông  rủ nhau định đi vào Nam tới đồn điền cao su làm phu, sau lại có người bảo nên đi “Tân Thế giới”[21] nhưng người kia ốm, phải ở lại không đi. Về sau nghe đâu chuyến đó tầu bị đắm ( ?). Cảnh  “mẹ góa con côi” nên bà Nội tôi ngày đó cũng không đi thăm hỏi gì được thêm nữa. Gia đình bặt tin từ đó.
Sau này bà Nội tôi đi xem, có thày đều phán là cụ được “thuỷ táng”[22] và con cháu có số tha phương.
Mà đúng thế thật !

     [1] Sau 01/1946 tổng Cao Mật được chia thành 2 xã là Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng và đến năm 1950 (sau thắng lợi binh vận đồn Khuể) phần lớn đất tổng Cao Mật cũ được đổi thành xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành  phố Hải Phòng, làng tôi là Phương Lạp (hồi thế kỷ XIlà Hương Lạp) và từ 1966 nhập với Mông Tràng hạ thành thôn Phương Hạ.
     [2] Tôi phải dùng chữ Nôm ghi tên,  không dùng chữ  , vì cụ không phải là con cụ Giáo Chinh ().
     [3] Cụ Quản có 11 vợ, có 8 nam sao lại nhận con của anh họ làm dưỡng tử ? Chắc là do một trong các bà Trần Thị Tứ, Trần Thị Tựa, Phạm Thị Huý, Hoàng Thị Trích, Phạm Thị Lự, Bùi Thị Sảng không con trai đã nhận cụ  Trinh làm con ?
     [4] Vì ông Quýnh vô tự nên tôi không có anh họ 3 đời.
     [5] Theo nguyên tắc  “Ngũ đại mai thần chủ” bố con tôi vẫn cúng giỗ. Do đó khi bà, bố, chú tôi còn sống nhà tôi thường Hoá vàng ngày Mồng Bốn Tết ,cùng dịp giỗ ông. Ngày nay vì chúng tôi ở xa, thường Mồng Hai về Tết Mẹ, kết hợp hoá vàng và giỗ ông luôn .
     [6]  Chồng là anh trai bà Nội tôi. Đây là một trường hợp “đổi dâu” giữa  họ Đặng và họ Lương sẽ viết kĩ ở phần sau. Nhưng nghe kể lại thì việc nên duyên của 2 ông bà lúc đầu không được hai họ chấp thuận. Lúc đầu "nhà Gái" đã cưới,sau họ Đặng ngại "lép" nên lại tổ chức cưới.Thủa trẻ bao giúp họ tộc nhiều, về già tật bệnh nên rất cực. . Cụ có một người con gái, thường gọi là cô Được, lấy chồng ở Làng Nguyễn, xã Tân Viên, An Lão, mất ngày 23 tháng 10 Kỉ Mão-1999, thọ 85 tuổi tại quê chồng; có 2 trai (Nấng, Thập).
     [7] Chính anh bà tôi lại lấy chị gái ông tôi (bà Huân). Ngoài hai họ Lương-Đặng, ở Chiến Thắng tôi còn thấy có tình trạng họ cặp đôi giữa các dòng họ: Lương-Phạm, Lương-Đào, Đào-Phạm. Sau này ở An Hồ, Phong Niên, Bảo Thắng trên Lào Cai có tình trạng 2 chị em lấy 2 anh em như cặp Thuộc-Nghị, Quang-Loan và cặp Hoàn-Thường, Phúc - Toan nhưng không phải là kết quả của sự “trao đổi cô dâu” giữa các dòng họ, mà do các em tự tìm hiểu  trong điều kiện xóm có ít nhà.
      [8] Có trường hợp thuận vai như cặp hai bác Đặng Thoả - Lương Thị Huấn. Nhưng cũng có khi nghịch vai vế như bố mẹ Ngoãn (Ngoãn bằng tuổi tôi và học cùng tôi từ Vỡ lòng đến lớp 2, tôi gọi mẹ Ngoãn (Đặng Thị Nguyên) là cô nhưng chỉ gọi bố Ngoãn (Lương Đức Thê) là anh .Gia đình cũng đã lên Lào Cai 1964 nhưng lại về quê ngay. Cư ngụ gần từ đường .
     [9] Tôi chợt nhớ câu ca : “Bịt được miệng chĩnh, miệng vò, Nào ai bịt được miệng Cô,miệng Dì”.
      [10] Khoảng năm 1914-1916 gì đó
      [11] Bác Liêm tuy là cháu gọi ông tôi bằng chú nhưng còn hơn cả tuổi ông. Biết ông rất thích chơi Diều nên Bác Liêm rủ ông về vào dịp Hội thả Diều.
      [12] Không ai nhớ chính xác, chỉ biết khi đó chú tôi còn nhỏ mà chú tuổi Sửu (tức sinh năm 1925) nên tôi áng tính như vậy.
     [13] Để vơ vét của cải bù vào hao hụt ngân sách do Chiến tranh, từ năm 1929 thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai. Trong bối cảnh đó nhiều Mỏ được mở rộng, nhiều đồn điền trồng cây công nghiệp được khai phá. Nhu cầu phu rất nhiều.
     [14] Con gái bà Lương Thị Huân.
     [15] Lên Lào Cai 2/1964 là Phó chủ nhiệm rồi Phó chủ tịch xã .Mất năm 1983.Bà cả tên Nghoé mất 1954 ở Chiến Thắng. Vợ 2 là Nhạn (mất 2005) cùng các anh Xá, Vinh, Sơn, Hải, các chị Yến ,Hà vẫn ở Bảo Thắng...các chị Cầm, Điểu ở Bảo Nhai, Bắc Hà.
     [16] Đong thóc về, xay giã lấy gạo,cám bán kiếm lời. 
     [17] Một nghi thức Phật giáo mong cho linh hồn người đã mất siêu thoát.
     [18] Có người cho rằng chính vì thế mà con, cháu tôi hầu như đều hơi bẹp đầu cả.  
     [19] Chính vì ông tôi “mất tích”từ trước 1930 và không có dư luận eo sèo gì hơn nữa tôi đã khai rõ ràng trong Lý lịch nên anh em và con cháu tôi vẫn đủ điều kiện để thi và tuyển vào ngành Công an.  
     [20] Tháng 2/1964 cùng con cháu lên Lào Cai, ở thôn An Phong xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Tháng 12/1982 cụ ốm mệt do tuổi già. Mất ngày 22/12/1982, tức là ngày 08 tháng Mười Một năm Nhâm Tuất, đúng tiết Đông chí.  
     [21] Ngày ấy do chính quyền đô hộ Pháp thường mộ phu ở Đông Dương đi khai phá và canh tác đồn điền những vùng đất ngoài nước Việt nên người Việt gọi chung là đi Tân Thế giới. Thực ra châu Mỹ hồi thế kỷ XVI được người Tầu gọi là Tân Đại lục (新大陸, New World) còn vùng mà thế kỷ XIX người Việt đi phu tới là Tân Đảo được người Trung gọi là Ngõa N A Đồ 瓦努阿圖 hay Van Na Đỗ 萬那杜 và người Anh trước 1980 gọi là New Hebrides, nay là Cộng hòa Vanuatu. Còn Tân Thế giới ngày nay trong tiếng Anh, Pháp viết New Caledonia, Nouvelle Caledonie hay Nouméa chỉ các hòn đảo cũng ở Tây Nam Thái Bình Dương nhưng cách nhóm đảo quốc Vanuatu 500 km về phía Đông Bắc.   
     [22] Sau này tôi mới hiểu ngoài hình thức Địa táng hay gặp còn có Thiên táng, Thuỷ táng, Hoả táng, Điểu táng, Tượng táng và Điện táng.

2 nhận xét:

  1. Đọc bài Nô lệ "da vàng" ở Tân dảo (Esclaves jaunes aux Nouvelles-Hebrides) ở Blog Long Vân Khánh Hội của Ni-Vanuatu (http://vn.360plus.yahoo.com/vanu-atu/article?mid=221) mới thấy rõ ngày ấy các "Chân đăng" ra đi không hề đơn giản.
    Việc tìm lại những người "mất tích" như ông tôi quả là khó hơn lên trời!

    Trả lờiXóa
  2. Sau khi được thông tin từ tác giả bài trên, tôi đã dò hỏi nhiều người. Nhưng cái khó là: ngày ấy do chính quyền đô hộ Pháp thường mộ dân vùng nông thôn Hải Phòng làm phu đồn điền tại những vùng ngoài nước Việt nên quê tôi gọi chung là đi Tân Thế giới. Do vậy chẳng rõ là các Cụ có ý định đi Tân Thế giới (H :新喀裏多尼亞, A : New Caledonia) hay Tân Đảo (H: 瓦努阿圖, A: Vanuatu). Mà hai nơi này cáh nhau đến 500km nên việc tìm thông tin càng khó hơn,
    Cám ơn những người khi đọc những dòng trên về ông Nội tôi đã có những mách bảo nhất định.
    Hôm nay (13/02/2012, tức 22 tháng Giêng Nhâm Thìn) sắp tới ngày tưởng niệm ông ra đi (29/Giêng/?) con cháu vẫn chờ tin.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!