[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 7 2023

Nhớ về CHÍN CHỮ CÙ LAO

Nóng, với quyển Kiều, lật được câu 1253, 1254 Nguyễn Du soạn rằng:

𢖵𠃩𡦂

Nhớ ơn chín chữ cao sâu,

𠬠𠬠橷斜斜

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

Trong câu lục (1253) trên, cụ Nguyễn có nói đến “Chín chữ cao sâu” mà câu đó nguyên là: “詩小雅蓼莪: 父兮生我母兮鞠我拊我畜我長我育我顧我復我出入腹我欲報之德昊天罔極” (Thi Tiểu nhã Lục nga: Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã., dục báo chi đức, hiệu thiên võng cực) trong bài “Lục nga” 蓼莪 ở phần “Tiểu Nhã” 小雅 trong “Kinh Thi” 經詩. Tạm dịch là: “cha sinh ta, mẹ cho ta bú, ẵm ta, nuôi ta, mong cho ta lớn, nuôi ta, trông nom ta, săn sóc ta, ra vào nâng niu ta, muốn báo đức ấy, cao thâm như trời không có cùng. Thế là cửu tự cù lao”, đề cao công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi con, cũng nói là “cù lao chi đức” 劬勞之德. Từ bài này, có thành ngữ “cửu tự cù lao” 九字劬勞 tức “chín chữ cù lao” hay “Cù lao cửu tự” 劬勞九字 , tức là chín điều khó nhọc của cha mẹ sinh dưỡng con cái.

Chín chữ cù lao đó gồm:

1. SINH (, mang thai, đẻ ra)  Khi mang thai, người mẹ hạnh phúc, coi đứa con của mình như ngọc như vàng, như là tất cả của mẹ. Nhưng bên cạnh đó cũng rất lo lắng, chịu bao cơ cực mong sao cho sinh linh bé bỏng của mình được khỏe mạnh, thông minh. Đến khi sinh nở, mẹ phải trải qua những nỗi đau đớn về thể xác  thậm chí dù có phải đánh đổi mạng sống của mình để con được chào đời an toàn thì mẹ cũng vẫn sẵn sàng hy sinh. Nguy hiểm là thế, khó khăn là thế nhưng được nghe tiếng khóc đầu đời của con là mẹ luôn nở nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện.

2. CÚC (, Nuôi dưỡng, chăm nom cả vật chất lẫn tinh thần tức nâng đỡ). Người mẹ nâng đỡ con khi con vẫn còn là sinh linh bé nhỏ nằm trong bụng mẹ. Và khi con ra đời, mẹ luôn chăm nom, nâng đỡ, chỉ cần con khóc là mẹ lại bế con lên dỗ dành. Khi đứa con bước những bước chân đầu đời, con vấp ngã, mẹ cũng dịu dàng nâng con dậy, lo lắng sợ con đau. Quả thật, không ai yêu quý con bằng mẹ; mẹ thương con vô bờ bến, công ơn của mẹ lớn tựa biển trời.

3. PHỦ (, Âu yếm, nâng niu, vuốt ve, trìu mến). Ngay từ khi sinh ra, bất kì người con nào cũng sẽ được đón nhận hơi ấm từ người mẹ, được nép mình trong vòng tay mẹ, được mẹ chở che. Nhất là trong đêm đông giá lạnh, ấp vào lòng mẹ, được mẹ hà hơi sưởi ấm có lẽ là điều hạnh phúc nhất thế gian.

4. SÚC (, Cho bú mớm, bón cháo cơm). Mẹ cho con bú mớm, lo từng miếng ăn cho con mỗi ngày. Ngay từ khi lọt lòng, người con đã được hưởng dòng sữa mẹ bao la. Có những gia đình nghèo không có bột nấu cho con ăn, người mẹ phải nhai cơm rồi mớm cho con. Khi đứa con biếng ăn, mẹ luôn chăm lo dỗ dành từng chút một mong sao cho con mình hay ăn chóng lớn để luôn khỏe mạnh.

5. CỐ (, Chăm nom, thương nhớ, đoái hoài). Khi có cón, cha mẹ luôn chăm nom, mong ngóng, không lúc nào rời mắt khỏi các con. Những bước chân chập chững đầu đời của con, cha mẹ là người đầu tiên dõi theo. Bước chân tuy nhỏ bé nhưng lại là niềm hạnh phúc to lớn của cha mẹ. Cho đến khi con lớn lên, cha mẹ vẫn hằng trông mong con; cùng con đồng hành từ những chặng đường đầu tiên của cuộc đời đến khi con thành đạt. Chỉ đến lúc cha mẹ khuất núi thì ánh mắt dõi theo con mới dừng nghỉ mà thôi.

6. DỤC (, Dạy dỗ, tập tành, kèm cặp). Người mẹ chính là cô giáo đầu tiên trong cuộc đời của con. Từ câu nói đầu đời, câu chào hỏi dạ thưa cho đến những điều hay lẽ phải cũng đều là mẹ dạy cho con. Rồi con biết đọc, biết viết; con biết chăm sóc, yêu thương ông bà, cha mẹ và mọi người. Những điều đó cha mẹ đều theo sát, chỉ bảo tận tình cho con. Mẹ cũng là người gần gũi nhất, là người đóng góp công sức nhiều nhất cho sự trưởng thành của con.

7. TRƯỞNG (, nuôi nấng cho đến khôn lớn). Đây là một hành trình đầy gian lao, vất vả. Từ khi còn bé thì cha mẹ lo con đau ốm, biếng ăn; ở độ tuổi con đi học thì mẹ tần tảo sớm khuya để nuôi ăn học, mong sao cho con trưởng thành. Thậm chí khi con trưởng thành rồi, cha mẹ vẫn chưa hết lo.

8. PHỤC ( , Uốn nắn, dạy dỗ dựa theo tính nết). Mỗi khi đi xa, cha mẹ luôn nhớ con, lo cho các con nhiều lắm. Rồi khi con ốm, cha mẹ thức trắng đêm dài vì lo lắng, xót xa đứa con. Và chắc chắn một điều rằng mẹ là người gần gũi nhất, dù bất cứ chuyện gì xảy ra thì cha mẹ vẫn ở bên cạnh ủng hộ, yêu thương con hết lòng.

9. Cuối cùng là PHÚC (, Ẵm vào lòng, giữ gìn, đùm bọc, che chở, bảo vệ)  tức là cha mẹ bao bọc, che chở những người con. Cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho con; con đi bất cứ đâu cũng có vòng tay cha mẹ để trở về, dù con lớn khôn nhưng với mẹ vẫn là đứa con bé bỏng cha mẹ thường chăm lo. Cha mẹ cũng là người luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để cho đứa con của mình có được một điều tốt đẹp nhất, vòng tay cha mẹ luôn mở rộng đón đứa con thơ trở về.

Tóm lại Chín chữ cù lao là: Sinh - Cúc - Phủ - Súc - Trưởng - Dục - Cố - Phục - Phúc. Cha mẹ luôn là thế đấy, không quản ngại mưa nắng, phong ba để nuôi con thành người, luôn là nơi chốn để con quay về và đó phần nào khắc họa lên sự chăm sóc, hy sinh, tình yêu thương của cha mẹ dành cho người con.

Trong Phật giáo còn nói đến Tứ ân (H: 四恩, A: The four favours, P: Les quatre faveurs), tức là bốn cái ơn, trong đó có “ơn cha mẹ” phải báo đáp bằng sự cung kính, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, khi cha mẹ mất thì phải thờ cúng và cầu cho cha mẹ mau giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Đấy là sự thể hiện của Hiếu đạo (H: 孝道, A: The duty of filial piety, P: Le devoir de la piété filiale) là bổn phận làm con phụng dưỡng cha mẹ; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Cổ nhân đúc kết lời khuyên, nhận xét bằng  những câu ca dao thật là sâu sắc ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn. Ví dụ:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều

Hoặc:

Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”.

Nhân đây xin ôn lại: “Chín” là một đại lượng phiếm chỉ lớn nhất, cùng cực của thế gian, ví như khi nói toàn bộ thế giới, cổ nhân hay dùng Chín Trời mười Phật. Do vậy, hình tượng “Ruột đau chín chiều”, “chín chiều ruột đau” là diễn tả được tột cùng nỗi đau của một người con nhớ quê, nhớ mẹ!.

-Lương Đức Mến, Rằm tháng 5 Quý Mão-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!