[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 7 2022

Nhớ CHÚ RUỘT TÔI

Thấm thoát, đã 45 năm ngày Chú ruột tôi rời dương thế (1977-2022). Nhớ về ông, tôi có đôi dòng chép lại như sau:

So với các cụ trong làng hồi đó thì bà Nội tôi thuộc diện sinh ít con. Hồi ông Nội tôi ở nhà làm Lý trưởng, Cụ chỉ có 2 Nữ (cô Di, cô Thị) sau đó sinh tiếp 2 nam khi ông Nội tôi từ ngoài Vàng Danh, Cẩm Phả trở về (sau 1921). Kế Bố tôi là chú Út, chú 德溢 () [1]. Ông sinh khoảng năm 1925 (Ất Sửu, năm Khải Định thứ 10 hoặc Bảo Đại thứ nhất) [2].

Thuở nhỏ được mẹ, các chị chiều nên chú tôi ham chơi hơn ham học. Các cụ xưa kể rằng: Bố và chú tôi cùng học Cụ Hội Khuê[3] là bác và chính là bố cô Khuê (chồng họ Nguyễn từng lên Sơn Hải, các con nay chủ yếu là Đoàn Nhạc hiếu Minh Tích), cô Huấn (chồng họ Đặng, em ruột bác Nhỡ, ở Phong Niên sau chuyển Trì Quang), 2 cô lên Lào Cai năm 1962 và 1964. Có lần mải chơi chú không thuộc bài, cụ Hội Khuê bắt bố tôi nằm mà quất 3 roi vào mông vì tội không kèm em. Nhưng bù lại, ông rất khéo tay, nghề gì cũng tự mày mò, làm được[4].

Tuổi thanh niên ít tham gia công tác. Cuối cuộc “kháng chiến 9 năm” từng bốc vác ở Bến Khuể nên nhiều lần chèo đò đưa cán bộ, du kích qua sông Văn Úc qua lại giữa vùng tề bên tả (An Lão) và vùng tự do bên hữu (Tiên Lãng). Thế  mới có chuyện rằng: đêm 25/9/1949 đồn Khuể (biên chế 7 lính Pháp, 33 lính ngụy do 1 quan Hai - đeo 2 vạch trên cầu vai, Lieutenant, tương đương Trung úy, 2 đội Tây - Sergent, tương đương Trung sĩ, 1 đội ta chỉ huy kèm 1 thông ngôn tức phiên dịch) bị dịêt (trận công kiên lần trước, ngày 08/4/1948, không hạ được Đồn này). Đây là trận để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch kết hợp thành công với lực lượng tiến công từ ngoài vào, trong đó có công “chèo đò” của Chú Thím tôi. Để ghi nhớ trận binh biến đó và phù hợp với hoàn cảnh mới, xã Cảnh Hưng (bên Tả đường cái quan Kiến An sang Tiên Lãng) và Kim Lĩnh Thượng (bên Hữu đường cái quan Kiến An sang Tiên Lãng) lập sau 1946 nhập lại mang tên mới: xã Chiến Thắng (từ 05/10/1950) và cái tên dó tồn tại cho đến ngày nay.

Sau hoà bình, ông tích cực tham gia các phong trào văn nghệ ở thôn (Phương Lạp, tức làng Hương, mãi 1966 mới nhập với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ). Có chuyện rằng, một bận đóng Kịch, chú tôi được giao đóng vai Đổng TRác, ông về nhà lấy cái rá đem đi độn bụng, chả biết các cụ diễn ra sao mà cái rá bị bẹp, sau này thím tôi nói mãi! Hồi ấy, bố tôi trong Đội nhạc, chuyên kéo Nhị và cụ kéo khá hay!

Năm 1962, 1963 làm thợ mộc đi xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên.

Khi ở quê vì đất chật nên 2 anh em chung sân, chung bếp. Anh (Thân) thiên về làm “thầy” (dạy học, văn nghệ) thì em lại chăm chú học làm “thợ”. Hết làm mộc lại tự học làm thợ rèn, thợ cắt tóc, thợ may sau còn thổi cả kèn đám ma nữa[5]! Quanh năm vất vả xoay đủ nghề nhưng của nả không khá giả lên được.

Tháng 2/1964 đi khai hoang ở An Phong, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai cùng đợt với anh trai. Gia đình gồm 8 khẩu: 2 vợ chồng và 6 con (An, Dưỡng, Sinh, Tràng, Quang, Vinh). Ở đây có một điều lạ: bố tôi đặt tên con đều “nghiêng Nôm”: Mến , Thuộc , Thường , Thức . Ngược lại, chú ruột tôi đặt tên các em tôi toàn dùng “chữ”: An , Dưỡng , Sinh , Trường , Quang , Vinh (sau có người không hiểu bảo TràngChàng do chú tôi làm thợ mộc mà trong đó có công cụ không thể thiếu là cái chàng, còn Sinh (trong sinh sống) lại biến thành Xinh” (trong xinh đẹp)!

Lúc đầu, khi mới vào An Phong gia đình chú thím tôi ở chung dẫy 3 gia đình (nhà tôi, nhà chú tôi và nhà cô Ngoan) phía sau nhà Đặng Tiến Sơn bây giờ (ngôi nhà đó do lớp Tiền tiêu gồm An, Cầm, Chuốt, Reo dựng khi lên từ Tết Giáp Thìn). Sau L.Đ.Duẩn (bác họ của tôi) chuyển Trì Quang thì sang mảnh đất của ông Duẩn ở bên kia tràn ruộng (khu nhà LĐ Tràng hiện nay)

Một tay ông dựng bao ngôi nhà, đóng cối xay, cối giã để cho xóm làng dùng. Dụng cụ khai phá buổi ban đầu khi mà chợ búa xa, ít đồ đều do ông sửa chữa, cải tạo. Ông còn là người tự nguyện nấu xôi, tổ chức cho con cháu An Phong vui tết Trung thu trong thời khốn khó. Một số khu đất ở, đất canh tác của nhiều hộ trong xóm An Phong hiện nay là đất khai phá của Chú tôi những năm 196x bởi hồi đó chú tôi nổi tiếng là bạo nhất xóm!

Chú tôi từng mày mò tự đục khắc tấm Cuốn thư, nhưng còn bỏ dở chưa thành (nay là một trong những bức vách nhà LĐ Tràng) và những ngày tôi tập đan quạt thì chú đã đan cái “lù cở”[6] bằng giang giống như của người bản địa để đi rừng.

Tôi gắn bó với ông, ngoài tình chú cháu còn nhớ mấy chuyện: chính chú là người cắt, khâu Khăn quàng đỏ cho anh em tôi khi tôi được vào Đội hồi lớp 3 (1965) hay chuyện hồi còn học Cấp 2 trên Phong Hải (1967-1969), phải đi học sớm (theo con đường phía sau nhà Thi bây giờ). Một hôm tôi đi trước không gặp gì, chú tôi đi làm nhà dưới Xuân Quang (thợ mộc), đi sau thấy con lợn nhà bà Mẽ bị hổ vồ bỏ lại ngay ngang đường, thịt còn nóng hổi. Tối về, biết chuyện tôi hoảng hồn nhưng hôm sau vẫn đốt đuốc đi học. Hoặc những năm tôi đi học Đại học dưới Hà Nội (từ 1973), mỗi dịp Tết, Hè về đều sang Chú và được nghe ông kể nhiều chuyện về quê hương, gia đình (có chuyện tôi đã chép lại ở đây).

Chưa hẳn già nhưng từ 1976, ông mắc bệnh Đái tháo đường mà ngày ấy, thuốc men, kinh tế eo hẹp nên việc điều trị cũng hạn chế. Ngay cả Insulin, loại thuốc điều trị ĐTĐ hiện nay khá dễ mua, thậm chí còn được cấp mà ngày đó cũng khó kiếm và mây mây nữa nên hầu như bệnh tật làphó mặc cho giời! Ông mất ngày 07-6 năm Đinh Tị (Sáng Thứ Sáu, ngày 22/7/1977)[7].

Mộ phần đặt tại khu gốc gạo Km 36 Phong Niên.

Ông lấy thím tôi là Lưu Thị Bính. Bà sinh năm Mậu Thìn-1928 (nhưng có người và có lần bà bảo bà sinh năm Tân Mùi, 1931), quê thôn Hạ Lũng[8], An Hải, Hải Phòng. Bà nhanh nhẹ, hoạt bát, hiểu việc đời. Hai người cưới nhau hồi đầu kháng chiến. Chuyện kể rằng: Hồi năm 1946: từ “ngoài Phòng”, cùng nhân dân Hải An, An Dương, thím sơ tán về làng Hương buôn bán, trọ ở nhà chị gái bác Ruẩn. Bà này muốn làm mối thím cho em trai mình là Trương Tiếp (anh bác Lương Đức Ruẩn).Trong khi đó bên ngành nhà tôi lại muốn cưới cho chú tôi, để chú khỏi “lêu lổng”.Vì bố tôi (chân điếu đóm của UBHC xã Cảnh Hưng được lập ra tại Đình Hạ sau bầu cử mà bố là Thành viên TBC hồi  đầu 1946) và các anh tôi đều tham gia công tác xã (ngày ấy thôn Phương Lạp của tôi cùng với Cốc Tràng, Tôn Lộc, Mông Tràng Hạ thuộc xã Cảnh Hưng), thôn (anh Lương Đức Tiêm là Đội trưởng Du kích thôn) nên đã góp phần ra qui định: dân nơi khác đến (trong đó có thím Bính) tối tối phải ra đình (ngôi đình này đến khi tôi lớn, 1964, vẫn còn và chỉ bị phá trong phong trào HT hóa NN sau 1965) ngủ tập trung. Nhờ chú tôi là du kích “bảo lãnh” thím được “chiếu cố” và sau đó thím đã đồng ý lấy chú. Bà nội tôi làm mấy mâm mời đội du kích và thành đám cưới. Đổi lại anh Tiếp (anh họ thuộc chi nhà tôi) phải đổi tên thành Thiếp (theo ý gia đình bác Ruẩn)[9]. Bác Trương Tiếp sau đó mất, chưa con.

Đất hẹp, xoay đủ nghề mà không khá lên được.

Khi lên Lào Cai, Thím từng làm đội trưởng ĐSX, đại biểu HĐND xã. Năm 1974 đã đưa em gái (Tích-Chập[10]), em trai (Hưng-Túp)[11] và bà con (Chỉ-Hội)[12] lên Lào Cai cùng ở trong An Phong. Khi thôi công tác, buôn hàng vải cùng đồ lặt vặt xuất xứ TQ, hỗ trợ con cái. Bà có 1 con trai Ls, 2 con là CCB.

Năm 1988, bà ốm do Cao huyết áp, lúc đầu ở nhà Q-L ngoài đường 7, sau chuyển về nhà T-L  trong xóm. Bà mất  lúc 3 giờ sáng Thứ Tư ngày 15/6 (02-5 Mậu Thân)[13].

Mộ phần đặt cạnh mộ chồng.

Ông bà sinh nhiều bận, nuôi đến trưởng thành có 6 :

1- Lương Đức An (1949-1967): Liệt sĩ CMCN, hi sinh ở mặt trận phía Nam ngày 02/5/1970 (27-ba-Canh Tuất).

2- Lương Thị Dưỡng (1952-2004, chồng là người gốc An Thái, An Lão, cùng lên Lào Cai đợt 2/1964. 2 Gái, 2 Trai đều sinh sống tại An Phong, trừ con cả là Đức). Mất ngày 02/12/2004 (21 tháng Mười Giáp Thân, ngày Ất Mão, tháng Ất Hợi) vào hồi 15 giờ 30, tức giờ Giáp Thân sau hơn một tháng nằm liệt do suy thận.

3- Lương Thị Sinh (1955-1994, chồng gốc Phú Thọ sau là Giáo viên rồi chuyển Chi Cục Thuế, đã mất. 2 Gái và 1 trai đều ở Bắc Hà). LTS mất ngày 19/4/1994, (tức 09/3 Giáp Tuất). Sau hơn 100 ngày (26/6, tức 03/8) thì chồng là Hoàng Công Phú cũng mất vì Xuất huyết não.

4- Lương Đức Tràng (vợ là Ngô Thị Lai, con Dì ruột tôi),  được 1 trai 3 gái.

5- Lương Đức Quang (1962-2022), được 1 nam (Lương Đức Ngân, mất 15 giờ 30 ngày 23/10/2018, tức thứ Ba ngày 15 tháng 9 năm Mậu Tuất), 1 nữ.

6- Lương Thị Vinh (lấy chồng là Lê Đăng Biên, người gốc Phú Thọ sau chuyển Yên Bài, hiện ở Cầu Giấy, Hà Nội). Đã lên chức “bà nội”!

-Lương Đức Mến, 05/6 Nhâm Dần-


[1] Khi tôi lớn thấy mọi người đều gọi chú là “Rật”, lý lịch anh em tôi đều viết thế. Nhưng khi viết Gia phả tôi thấy chữ “Rật” không có nghĩa gì, tôi nghĩ do viết ngọng mà ra nên tôi ghi thành “Dật”:    ới nghĩa  “nước dầy tràn ra ngoài” hay 逸  với nghĩa “Yên vui”, “Khéo léo”.

Như vậy tên của cô, bố và chú tôi sẽ là:  怡, 市, 親, 逸  với nghĩa: Vui vẻ, họp chợ, thương yêu , yên vui.

[2] Như vậy, ông có con trai thứ tuổi Sửu (LĐ Quang, 1961-Tân Sửu) và đặc biệt là cháu Nội cùng Ất Sửu (LĐ Ngân, 1985)

[3] Cụ này là con trai Cụ Lương Đức Chinh (anh trai cụ Nội tôi là Lương Đức Trính, giỗ 17/9) nhưng cả 2 anh em (Trực và Khuông)  đều khiếm tự nên, theo lệ quê, bà tôi từng cho chú tôi sang làm con bên đó để sau này “hương khói” nhưng rồi xuất hiện vướng mắc gì đó nên chú tôi lại về. Nhiều người bảo bố tôi là “trưởng tràng” có trách nhiệm nhưng hồi xưa nghèo quá, mọi việc cũng “qua đi” nên chi ngành đó thực ra chả có giỗ chạp gì mặc dù cháu ngaoij (anh Tích) là “thầy cúng” !

[4]  Thực là đúng như câu đối tôi viết dịp tưởng niệm 20 năm ngày chú mất (1977-1997):

Trời phú khéo tay, trải biết bao nghề-Gây dựng cơ đồ giữ chữ Đức, chữ Nhân , tiếng còn thơm mãi,

Đất bồi vượng khí, qua khắp mọi miền-Cặp rèn con cháu: phải vì Nước, vì Dân, danh vẫn lưu truyền.

[5] Chính đôi kèn ông làm mới sử dụng được vài lần nhượng cho ông  Đờn bên Sơn Hải (qua chú Bùi Văn Đồng)“nhạc cụ” khơi mào cho các Đoàn Nhạc hiếu xã Sơn Hải phát triển mạnh sau này.

[6] Còn gọi là gùi - thồ hoặc địu, là một trong những vật dụng phổ biến trong đời sống, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, là phương tiện vận chuyển phổ biến, thích hợp với đường mòn, đường rừng, trèo leo trên sườn đồi, vách đá, đường hẹp (người đi được là lù cở lọt qua). Thân lù cở được đan bằng nan trúc, tre lóng chéo, cao khoảng 60 cm, có đáy hình chữ nhật, có đan chéo, bện khi lên thân và càng đan lên càng loe to ra, miệng có hình bầu dục, không có nắp đậy, do vậy có thể chứa được những vật có chiều cao như củi, cán cào, cuốc...Miệng  lù cở gần tròn, được bện xoắn hình vặn thừng. Dây đeo được làm bằng da trâu, bò hoặc sợi móc tết to bản nên khi đeo hạn chế đau vai.

[7] Khi đó tôi đang nghỉ hè năm thứ 3 ĐHQY, một buổi trưa thím tôi cho người sang báo bố con tôi. Chúng tôi sang (ngày ấy còn lối mòn ven chân đồi giữa nhà LĐ Thuộc và LĐ Tràng nay) và khi ấy, ông Diêm đang cày ruộng trước cửa nhà ĐT Sơn và LĐ Tràng nay !

[8] Là một làng xã ven đô thuộc phường  Đằng Hải, quận Hải An từ xưa vốn nổi tiếng về trồng cây trái, hoa tươi, quả ngọt cung cấp cho thị trường. Nơi đây có Miếu Hạ Lũng là một trong hệ thống các công trình kiến trúc cổ mà nhân dân dựng nên để ghi nhớ công lao của Ngô Vương Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Một số trò chơi, bài đồng dao của trẻ con mà chúng tôi hay chơi hồi ở quê là do các con của ông bà ra quê ngoại chơi rồi đem về!

[9] Anh Lương Đức Thiếp là con thứ ba của bác Lương Đức Liêm nhà tôi lấy vợ cùng làng tên là Đặng Thị Khuy (họ bà Nội tôi). Chị Khuy là em con dì của bác Nhỡ (cháu gọi bà nội tôi bằng cô ruột, đã lên Lào Cai 2/1964, có con trai là Đặng Tiến Sơn đang ở trên mảnh đát cũ ở An Phong, An Hồ, Phong Niên), ĐTK hiền lành, mắc bệnh đau đầu. Kị 07/11, Mộ “kết” không cải, đặt tại NT nhân dân thôn Nậm Dù, Km 46 Xuân Quang. Anh chị có con trai lớn là Lương Đức Thường, đẻ trước tôi vài tháng.

Khi ở quê, nhà anh chị cạnh ao tròn nhà thờ Tổ (khu đất nhà LĐ Thêm và LĐ Ngoãn nay). Lên Lào Cai tháng 2/1964 ở Thái Vua thuộc xã Xuân Quang, sau chuyển xuống Nậm Dù (Km 49).

Trong những năm 1966-1977 theo nghề buôn bán tạp hoá, móc hàng trong mậu dịch tuồn ra bán cho bên ngoài kiếm chênh lệch nên so với số đông dân chúng vùng Phong Niên, Xuân Quang thì thuộc loại khá gỉả, giao tiếp rộng. Tuy ít học nhưng thuộc Kiều, nhiều điển tích cổ, khéo tán, lại ưa “trăng hoa” nên lắm nhân tình (người là Mậu dịch viên, người bán lẻ ngoài chợ, người làm ruộng, người làm thuê) và đông con. Những người mà có con mang họ Lương, ngoài Đ.T.Khuy còn có: Ngô Thị Chẽ (người gốc Hải Phòng,  lên ở Km 42,  con gái tên Sơn, sau đổi là Hồng),  Trần Thị Thanh (“vợ tư”, người Thanh Hoá, được 5 con ). Ngoài ra còn có Lương Thị Hải (không con, nhà ở Km 41) và 2-3 bà nữa (cả Kinh và Dao) rải con ở Bát Xát, Trì Quang, Bảo Nhai. Về già ở với T.T.Thanh và các con bà này tại Km 49 đường Lào Cai đi Yên Bái, cuộc sống rất khó khăn.

 Anh Thiếp mất 10 giờ ngày 15/7/2003 (tức là giờ Kỉ Tỵ, ngày 16 Kỷ Sửu, tháng 6 Kỷ Mùi năm Quý Mùi) thọ 81 tuổi. Ngày 01/12/2008 (tức là ngày 05/11 Mậu Tý) thực hiện việc cải táng, cùng đợt với con gái (Năm) và 2 cháu ngoại.

[10] Ông Đào Văn Chập mất ngày 26/12/20220 tức 13 tháng Một năm Canh Tý tại nhà riêng ở An Phong, An Hồ, Phong Niên, chính là khu vực bác Lương Đức Thông ở hồi 1964-1968. Ông bà có Đào Văn Hùng bằng tuổi tôi. Dưới nữa có Đào Thị Chén, ĐV Định, …, Đào Văn Khái đều ở An Phong, trừ Chén và Định xây dựng gia đình và ở trên Phong Hải..

[11] Ở khu vực nhà anh Nguyễn Văn Ngà từng dựng nhà năm 1965.

[12] Sau này con gái lớn là Lữ Thị Nghị lấy em sát tôi là Thuộc, con gái kế là Lữ Thị Loan lấy con thứ hai Chú ruột tôi là Lương Đức Quang. LĐQ đã mất 7g 45 ngày 10/3/2022, tức Thứ năm ngày 8 (Nhâm Tuất) /2 (Quý Mão) năm Nhâm Dần, thọ 62 tuổi, giữa kỳ đại dịch đang căng thẳng sau một con đau kéo dài!

[13] Thực ra bà ốm đã lâu, ở nhà Quang ngoài đường, giấu con cái không chịu uống thuốc. Khi mệt nặng mới đưa vào nhà Tràng. Tôi và Vinh (con út thím) ở Yên Bái lên từ hôm trước nhưng lúc đó thím cũng không còn nói được gì. Lúc truy điệu tôi có đọc bài tế mọi người bảo được. Rất tiếc đã quên, chỉ còn nhớ đôi câu đối viết trên bức trướng:

Thay chồng: nuôi dạy con,  tròn đạo Hiếu-Rạng danh dâu Thảo

Thương con:chăm sóc cháu ,  vẹn nghĩa Tình-xứng tiếng mẹ Hiền.

Lạ cái, cả ông và bà mà năm mất tính theo dương lịch đều là “số lặp”: 1977 và 1988 !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!