[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


28 tháng 6 2022

Nhớ CHIẾC QUẠT GIANG

Mấy nay nóng quá, nằm, ngồi trong nhà với MĐH, quạt điện tứ bề lại càng nhớ tới cái thời cách đây 40, 50 năm và chuyện về cái quạt!

Dù thế sự xoay vần thì “Quạt” vẫn có thể là  Động từ khi chỉ việc “làm cho không khí di chuyển, tạo thành gió, bằng một dụng cụ” hay là Danh từ khi chỉ: dụng cụ để quạt, thiết bị tạo ra gió để làm mát không khí”.

Để phân biệt, trước hết bằng động cơ ta có “Quạt tay” và “Quạt máy”. Trong quạt tay có thể là “quạt xếp” làm bằng giấy với nan tre hoặc bằng vải hay lụa với nan gỗ, dễ dàng mang đi đường nhờ có thể xếp gọn lại. Một đầu các nan quạt đính lại với nhau bằng một cái ghim, gọi là nhài quạt. Khi xòe ra thì hình gần như tam giác. Còn “Quạt phiến” khác quạt xếp là giữ nguyên dạng dẹp khi mang, cất hay sử dụng, làm bằng vật liệu nhẹ như mo cau, mo tre, bìa, giấy, lá cây hay lông chim,...

Cũng là “quạt quay bằng tay” nhưng có “cải tiến” hơn mà hồi nhỏ tui hay gặp là quạt có xương bằng khung tre, nền phủ kím bằng việc phất giấy bản loại dai có thể treo lên xà nhà, thòng 1 đầu dây thừng xuống, buộc vừa tầm nằm mà bàn chân vẫn xỏ vào đu đưa. Trưa hè vừa ngủ vừa co duỗi đạp tạo mát cho nhiều người hoặc dùng đẻ “rê thóc”: một người bắc ghế trèo lên, thúng thóc ngang eo nghiêng từ từ, người kia quạt lên xuống tạo gió lọc hạt bụi, hạt lép ra khỏi thóc chắc!

Thuở đó, mỗi thôn, HTX còn có một cái quạt đóng hòm bằng gỗ, nên bà con gọi là quạt hòm, chữ là Phong xa(風車, quay tay tạo ra sức gió trong hòm kín): Thóc chắc ra cửa cạnh, bụi, thóc lép ra cử trước.

Phổ biến nơi tôi từng sống ở Phong Niên, Bảo Thắng là quạt nan đan bằng giang dùng quạt mát cho từng cá nhân.

Thực ra, ở quê gốc tôi dưới Hải Phòng không có nghề thủ công gì, kể cả đan hay làm quạt. Mà đan lát dưới quê là toàn bằng tre. Để một sản phẩm đan lát được hoàn thành, người làm phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu, chẻ sợi, phơi khô đến đan.

Tháng 2/1964, lên Lào Cai, vùng Phong Niên hiếm tre nên cha, chú tôi dùng Nứa và Giang, đôi khi cả Vầu. Sau thấy Nứa tuy sẵn, thẳng, to, trường ống nhưng lại mỏng, giòn, không bền còn Vầu thì gióng ngắn, khó ra nan,… nên sau chuyển sang dùng Giang.

Phía đầu hồi nhà tôi Bây giờ (với ngày đó là xa lắm) có hẳn một vạt “đồi Giang” (sau này, qua tìm kiếm tôi thấy cả địa bàn xóm tôi chỉ mỗi vạt này có Giang và nay hình như đã “tiệt chủng”!). Khác với Nứa, Giang không mọc thẳng đứng, mà khi cây già ngã rạp xuống, từ các mấu mọc ra những cây khác,…tạo tầng lớp những cây Giang nghiêng ngả, những bụi Giang nối nhau, đan cài, rất khó chui vào, chưa kể đến dưới đất là lớp lá khô mục khá dầy! Do vậy Lợn rừng, Kỳ đà, Cáo thường hay chiu rúc, ẩn mình mà hồi 10, 11 tuổi tôi từng “mục sở thị” !. Cũng vì vậy, măng Giang ít được khai thác hơn măng Nứa!

Tất nhiên cây gốc tầng 1 thì già quá, chặt đôi khi mẻ cả dao, cây con tầng 3 thì non quá,…nên tốt nhất là cây Giang bánh tẻ thuộc tầng 2. Chặt Giang khó hơn chặt Nứa và chặt gốc xong phải lần ngược lên chặt ngọn chứ không kéo đổ như Nứa được. Vào mùa Đông (cữ tháng 9 đến tháng 12) khi thời tiết khô ráo, không mưa, các loại cây hút nước ít, khó bị mọt, gẫy, Bố tôi thường chọn những cây thuộc tầng 2 và chặt từng đoạn 4-5 mét rồi lao xuống chân đồi. Chúng tôi ra đó nhặt đem về nhà. Giữa các đốt Giang không thẳng nhau như Nứa mà tạo hình gần giống vai cày và mắt Giang khá dầy, giòn nên ít khi chẻ đôi được.

Trước tiên, chúng tôi cạo lớp vỏ xanh bên ngoài bằng cách để lưỡi dao tiếp xúc với một độ nghiêng nhất định. Khi cạo hết lớp vỏ xanh, dóng Giang được “pha” ra thành từng thanh từ các thanh đó có thể chẻ “ghé” tạo những nan đều nhau mà nan nào cũng có cật, có ruột nhưng đa phần lột bóc từng lớp với độ dầy mỏng  phù hợp. Ra nan xong phải phơi (trong râm) cho nan khỏi mốc, co ngót sau đan!

Từ những, nan, lạt đó bố tôi bó lại cất đi và dùng để buộc hay đan đồ dùng. Riêng đan, tùy yêu cầu sản phẩm mà sử dụng các kỹ thuật đan lát khác nhau. Không biết học ai dưới quê mà ngay khi lên Lào Cai, đã thấy bố tôi biết và thành thạo một số kỹ thuật đan như: xâu xiên; lóng vuông, lóng thuyền hay đan lóng mốt, lóng đôi, lóng ba, lóng nát, đan mắt cáo, đan hoa thị…Những Long, Nia, Mẹt, Thúng, Mủng, Dần, Sàng, Xảo, Rá, Rổ, Rấng, Cót, Lồng bàn…trong nhà đều một tay bố tôi đan cả. Đan xong còn lên cạp, nức,…khá phức tạp. Quanh vùng ít mây, bố phải sang Sơn Hải xin hay ra Phố Lu mua Mây đem về chẻ, vót, phơi khô, để gác bếp dùng dần. Một số vật dụng ngày ấy đến nay vẫn còn!

Mùa Hè, và như đầu bài đã nhập, tôi chỉ kể về chuyện “đan quạt”. Hơn nữa công việc này tôi khá rành, thậm chí đan “giỏi” hơn cả thân phụ!

Đã là quạt đan thì đương nhiên là quạt tay rồi và ngày đó chúng tôi chưa biết đến các kiểu quạt Lá Đề, Trái tim như sau này thấy ở các vùng khác. Chỉ là quạt đan Lóng Mốt, có loại kết hợp cả Lóng Hai.

Riêng quạt đan Lóng Mốt ngày đó tôi đã biết đan 2 loại: lọai đan từ 1 góc đan lên và ra và loại đan từ Giữa lên trên và ra 2 bên. Dù đan kiểu gì cũng gồm một nan cái to bản, cứng và các nan công thường là nan lột từ lớp vỏ và cái quạt thành phẩm có hình gần như nửa vầng trăng, trông cũng khá khá. Những công việc này chúng tôi tiến hành dưới gốc Bòng trước cửa nhà và tất nhiên là căn nhà mà lớp Tiền tiêu lên dựng từ trước Tết Giáp Thìn 1964 (nay là phía sau nhà Đặng Tiến Sơn).

Khi Trại Cải tạo Phong Quang về đóng bên Xuân Đâu thấy phạm nhân tự giác đan quạt Lóng Một kèm Lóng Hai khá bắt mắt (nghe nói làm cho cán bộ), chúng tôi ghi nhớ, bắt chước và đan được. Riêng loại quạt cạnh dưới Lóng Hai ngang, cạnh trên Lóng Hai chéo, phần giữa đan Hoa văn có cải chữ trên quạt thì tôi chưa làm được cái nào hoàn chỉnh. Không phải vì khó mà vì mất rất nhiều thời gian.

Ngày ấy, tôi rất hăng hái, say mê: về đến nhà, cất túi dết (làm gì có cặp) đựng sách vở là lao vào hý hoáy đan ghép ngay, không đạt tháo ra đan lại. Chỉ để nhà dùng, chả bán và bán cho ai? Mấy năm trước, cậu Đích tôi khi làm Thủ công cũng đan lóng Mốt, lóng Hai nhưng vật liệu là các mảnh giấy mầu cắt ra thành nan và lúng ta lúng túng, dù đã được nghe lý thuyết và cô hướng dẫn trên lớp!

Bây giờ quạt Giang và người đan nó, biết đan nó thưa vắng dần. Chiếc quạt hiển hiện nhiều trên sân khấu với vai trò đạo cụ cho tiết mục “Múa Quạt”. Nhưng đó là “quạt xếp”, bằng lụa!

 Mặc dù nhà có MĐH, đủ Quạt trần, Quạt cây, Quạt tường và Mẹ tôi vẫn có Quạt mo cau, Vợ tôi vẫn có Quạt xếp để đầu giường nhưng tôi vẫn nhớ về chiếc quạt đan bằng Giang ngày mới lên Lào Cai khai hoang những năm 196x!

Càng nhớ bài Học thuộc lòng thuở xa xưa: GIÓ TỪ TAY MẸ:

Quạt nan như lá; Chớp chớp, lay lay; Quạt nan mỏng dính; Ngọn gió rất dày.

Gió từ ngọn cây; Còn có khi nghỉ; Gió từ tay mẹ, Thổi suốt đêm hè.

Gió của ông trời, Có khi rét buốt; Gió mẹ, mẹ ơi Lúc nào cũng mát.

Quạt nan như cánh; Chớp chớp, lay lay; Mẹ đưa con bay. Êm vào giấc ngủ.

-Lương Đức Mến, Ngày Gia đình Việt Nam, 28/6/2022-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!