[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


24 tháng 6 2022

Nhân dịp nhận Bằng Vinh danh Song hỉ, NHỚ NGÀY CƯỚI

Thấm thoát đã 40 năm ngày “vơ lấy tội”, nhớ lại cũng nhiều chuyện hay.

Việc xác minh Lí lịch của PTM, đơn vị làm đã xong, Phòng Tổ chức Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn[1] duyệt hôm 22 tháng Chạp Tân Dậu (16/01/1982). Riêng chuyện “ra mắt” và báo cáo gia đình thì chưa có điều kiện thực hiện vì công việc và những quy định khắt khe của thời ấy trên vùng biên. Mãi Thứ Ba 19/01/1982 (25 Tết) cả 2 chúng tôi mới được nghỉ.

Hai đứa không kịp sắm gì (mà cũng chả có tiền), chỉ báo cáo nhanh với cơ quan 2 bên rồi ngược tầu về ngay. Trên tầu từ Yên Bái lên, chúng tôi gặp Nguyễn Bá Hanh (học cùng tôi năm cấp II, lấy Vân là con gái thầy Nhẫn[2]. Năm 1988 chuyển vào Lâm Đồng) tôi viết thư về nhà nói ý định cưới và “phân công” trách nhiệm cho gia đình và các em[3]. Tôi và PTM xuống ga Lu, qua phà (ngày ấy chưa có cầu) đi tiếp lên Gia Phú, tự mình đi “ăn hỏi” và “xin cưới” cho chính mình !.

Đến Bến Đền đã 10 giờ đêm ngày 25 Tết.  Khi đó gia đình còn ở tạm trong lán nương trong lòng hồ Chính Tiến, lần mò mãi, gần nửa đêm mới tới nhà. Nhạc phụ chắc cũng chả nhận ra “con rể” vì mới gặp một lần. Lần ấy, khi PTM còn đang học tại Trường CNDT ở Tây Mổ bị Sỏi đường Mật phải cấp cứu, điều trị tại BV Việt Nam-Cu Ba. Tôi từ nơi mình đang học là ĐHQY nghe tin ra thăm và có gặp bố và em trai PTM là PVM từ Lào Cai xuống thăm.

Tôi từng được cha dẫn câu: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên”, việc hôn nhân là cội nguồn của mọi hạnh phúc, đó là công việc trọng đại và câu “Lục Lễ bất chi, trinh nữ bất xuất” hơn nữa đã qua ngày “ông Táo lên giời” nên theo truyền lại, chả ai tiến hành “chuyện trăm năm” sau 23 tháng Chạp.

Nhưng vì thời gian, vì hoàn cảnh công tác nên khó có thể lùi và vẽ ra nhiều thứ được. Lấy lý do sang năm tôi “vướng tuổi Kim lâu” và hướng các cụ theo ý tưởng định sẵn!. Thương con, bố mẹ đồng ý cưới vào 28 Tết (mà còn ngày nào nữa ?). Hiểu hoàn cảnh các cụ nên tôi đưa tháng lương Thiếu úy mình vừa ứng ở phòng Hậu cần hôm nọ. Các cụ vui vẻ không đòi hỏi gì, chỉ yêu cầu PTM phải tự đi mời bà con bởi chả còn ai và cũng là để chứng minh: con gái ông bà không “ăn cơm trước kẻng” !.

Ngày cưới được ấn định là Thứ Sáu 22/01/1982 (28 tháng Chạp năm Tân Dậu) và cũng chả ấn định giờ nào dứt khoát !.

Chiều 27 Tết: tôi, bố[4], thím Bính[5], em Vinh[6] sang nhà cô ruột tôi[7] ở Cánh Địa thuộc xã Sơn Hải tập kết để mai sang nhà gái cho gần !. Trước lúc đi, tìm mãi không thấy đuôi lợn đâu, bố tôi chửi um lên (Thức đã lấy chia cho trẻ con !). Bên thím Bính mổ lợn Tết, tôi sang cắt lấy đuôi, không kịp cạo lông, cầm đi luôn. Sáng hôm sau cô Thị nấu xôi rồi sắp lễ. Thấy Thủ thì to (lợn 169 Kg) đuôi thì bé (lợn 80 Kg) khó sắp nên tôi bỏ không dùng đuôi đó nữa. Có lẽ hiếm ai tự đi hỏi vợ và có cách dẫn lễ như tôi.

Hôm xin dâu, từ nhà cô, tôi phải đi trước tiền trạm, tin vào anh Tầu[8] dẫn đường, ai ngờ cả đoàn đón dâu bị lạc quanh đồi Tên lửa (gần Ga Làng Vàng) mãi gần 12 giờ mới tới. Tìm mãi không thấy bát hương, lại có ông rỉ tai nói với bố tôi: nhà này đi Đạo nên bố tôi lo. Tôi động viên, không ngại, vì CA đã xác minh rồi. Khi tôi đi chặt một khúc chuối làm bát hương thì chị vợ cũng vừa đưa bát hương đã phơi khô từ sân vào. Ăn uống sau Lễ Vu quy xong, 1 giờ xin rước dâu.

Ngày ấy không có ô tô cũng chẳng có xe ôm, chỉ vài xe đạp tàng nên mãi gần 4 giờ chiều mới về đến nhà bên Phong Niên. Tôi lai cô dâu trên chiếc xe đạp gắn với tôi cả mấy năm Đại học. Mệt phờ, ra sau nhà nhai mấy khúc mía lấy lại sức !.

Rạp cưới dựng bên sân nhà cũ (khi đó vợ chồng Thuộc Nghị ở). Trang trí đơn giản, cỗ bàn tự làm. Cả 2 đều diện bộ quần áo may từ năm trước !.

Hồi đó, căn nhà làm từ 1974[9]  đã bị cháy trong cuộc chiến 02/1979, Vợ chồng Thuộc-Nghị dựng nhà nhỏ trên nền nhà cháy (nơi Thuộc Nghị xây nhà từ 19/09/2013 tức Rằm tháng Tám Quý Tị), bố mẹ và các em dựng lều ở nền cũ (nơi nhà mẫu thân tôi ở bây giờ, dựng lại từ 1983[10]). Bàn thờ vái khấn Gia tiên làm tạm trong lều đó. Tất cả chuẩn bị và tiến hành mọi Lệ Tục chỉ có 5 ngày. Kíp thế mà vẫn vui, không nợ nần gì, vẫn đủ lệ bộ.!.

Bạn bè 2 đứa,  vì vội không mời được ai, chỉ có mỗi Lưu Long thay mặt cơ quan CA lên dự và chụp ảnh. Cuộn Phim để trong Vali Long đã làm mất. Thế là chả có cái ảnh nào. May vớt vát được một đoạn film tôi cầm, rửa ra được mấy cái. Ngày đó chả có thợ ảnh và chỉ là film đen trắng tự chụp, tự rửa ảnh.

Đêm Tân hôn chúng tôi ngủ bên nhà Thuộc, mỗi đôi một gian. Chẳng giường, chiếu, quần áo cưới! Khi đó Nghị vừa sinh cháu Thuận được hơn hai chục ngày. Sáng sau, mẹ sang gọi hai đôi mới dậy. Tôi viết bài thơ: 

Xuân về thêm đượm Hương say,

Vui lên em hỡi - phút giây tiên bồng.

Khi xưa hôn má em Hồng,

Nâng niu anh để làm chồng hôm nay.

Bóc tờ Lịch mới trao tay:

Đất lề, Quê thói - Đợi ngày Tròn, Vuông.

Vĩ thanh: Sau Tết chúng tôi xuống Yên Bái và bắt đầu cuộc sống mới, đem theo gia tài là một nồi nhôm con đựng mỡ, bộ ấm chén và cái vỏ chăn con công!. Tự “Vận động” mua được mấy gói bánh kẹo, chai vang Thăng Long của Công ty Thực phẩm Bánh kẹo để mời các cô chú, bạn bè cơ quan vợ!

Ngày ấy, tình hình ANTT khá phức tạp nên dù mới cưới tôi vẫn đi công tác liên tiếp ở miền Tây (vùng Nghĩa Lộ) và biên giới phía Bắc (vùng Lào Cai nay), khi về cơ quan (ngày ấy tỉnh lị đóng ở tx Yên Bái) HM lại đi cơ sở. Lúc 2 đứa ở nhà lại không đúng ngày nên mãi 10/9/1982 chúng tôi mới lấy được Giấy công nhận kết hôn (8 tháng sau cưới, lúc đó đã chửa Huyền Thương được hơn 3 tháng !).

Xin được một gian tập thể, giường cá nhân,  bàn ghế cơ quan, thiếu thốn đủ thứ, 2 bên không ai chi viện gì. Đến lúc Huyền Thương 3 tháng tuổi (1983) mới đóng chiếc giường đôi đầu tiên. Lúc Hải Thương 4 tháng (1986) mới đóng thêm một giường và một tủ.

 Từ tháng 2/1982 đến khi rời Yên Bái lên Lào Cai (11/1991) chúng tôi chuyển chỗ ở 3 lần. Năm con gái 10 tuổi mới có đất (328 đường Hoàng Liên) và thêm 10 năm nữa mới xây được nhà (2001, đúng năm Huyền Thương tốt nghiệp PTTH, thi vào Đại học). Được cái, các cháu ngoan, học hành giỏi!

Tôi chả hiểu sao ngày nay nhiều người cứ vẽ ra rắc rối lắm thủ tục nhiêu khê cho hai  bên, nợ nần cho đôi trẻ ! Người ta đua nhau phục hồi “Lục Lễ”, khịa ra tục “ăn nháp”, “đón dâu 2 lần”, vống lên “lễ đen”,…Nhưng lứa đôi đâu có bền chặt ! Phải chăng là “tình dục” đã thay “tình yêu”, “phong trào” đã thay “mỹ tục”! Còn đâu những “Tứ đức tam tòng”, “Nam cương Nữ nhu”, “Nhân-Nghĩa – Tình - Nợ”,…

Dù thế nào, chắc chả ai muốn cưới xin kiểu như vợ chồng tôi !

Thế mà, thoáng cái đã ngót 40 năm và từ cái “đám cưới khác người ấy”, nay đã “đầy sân Quế Hòe”, có Dâu, có Rể, có cháu nội, ngoại đủ gái, đủ trai, Đúng là:

Tân Dậu năm ấy ghép đôi,

Năm sau ru gái à ơi góp đời.

Cái thời bao cấp nổi trôi,

Tám Nhăm góp mặt với đời, mấu tre.

Thời gian vùn vụt qua đi

Nhâm Thìn, Nội ngoại hai cu chào đời.

Sống lành hưởng Phúc, Lộc trời

Ngoại giai Giáp Ngọ, mệt nhoài nhưng vui.

Ất Mùi – Hoa giáp tuổi tôi

Đón thêm nội gái, mừng vui cả nhà!

Một gia nay đã thành ba,

Một đôi nay đã thành ra chẵn Mười.

Hai lần lên chức giống người :

Đủ đầy lệ bộ: 3 cần, một hom.

Phật Thần phù vợ chồng còm

Bé luôn Ngoan, Khỏe lớn khôn thành người!

Các con đứa nào cũng tốt nghiệp Đại học cả (có 3 Thạc sĩ), công ăn việc làm ổn định; 4 cháu xinh xắn, ngoan khỏe, học được ! “Trông lên thì chả bằng ai”, nhưng tôi đã bằng lòng với điều đó, Ai tham muốn thế nào, kệ họ. Mà muốn “thêm” thì bao nhiêu cho đủ ? Với tôi :

Sáu Bẩy Tuổi, Con Cháu Thảo Hiền VUI VẠN TẾT;

Bốn Mươi Năm, Vợ Chồng Hạnh Phúc ĐẸP NGÀN XUÂN !

Như thế, với chúng tôi, năm 2022 này là Kỷ niệm đám cưới Hồng Ngọc (1982-2022) như tôi từng chép ở đây nhưng hồi đó (22/01/2022) đã không tổ chức gì nay nhân dịp Hội người Cao tuổi phường gửi GIẤY MỜI số 31/GM-NCT ngày 17/6/2022 mời cặp chúng tôi sáng 25/6/2022 đến Nhà Văn hóa phường dự LỄ VINH DANH TUỔI VÀNG SONG HỈ[11] nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6 (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 72/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001) tôi cũng định làm nhơn nhớn nhưng vì diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 và kinh phí cũng chả dư dả gì, con cháu bận túi bụi, hơn nữa gặp phải “đối tác khó bàn” nên đã có kế hoạch “cho qua”!

Cốt là ở tấm lòng!

Chuyện kể trên đây của tôi là chuyện thật, không có chi tiết nào phịa cả mà chỉ có...thiếu và được kể từ tấm lòng của tôi mong lưu lại để mình và con cháu nhớ về một thời…như thế ! Ai đó lấy đó làm câu chuyện cợt đùa, bôi bác là việc của họ và tôi cũng…chả quan tâm !

-Lương Đức Mến, ngày nhận Giấy mời số 31/GM-NCT ngày 17/6/2022-


[1] Từ ngày 03/01/1976 tỉnh Lào Cai cùng với Yên Bái và phần lớn tỉnh Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá V họp ngày 21/12/1975. Tiếp đó Bộ nội vụ có Quyết định số 339/NV-QĐ ngày 28/01/1976 thành lập Ty CA  Hoàng Liên Sơn. Theo đó Ty CA  có 20 phòng,  ban và Bộ phận KTHS thuộc Phòng Trinh sát kĩ thuật.

Khi triển khai học tập và thực hiện Chỉ thị số 92/CT ngày 25/8/1980 của Ban Bí thư về "xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tình hình mới" ,  Chỉ thị 92-CT/TW ngày 25/6/1980 của Bộ Chính trị về Nhiệm vụ bảo vệ An ninh, Trật tự trong tình hình mới và Nghị định 250/CP  ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ về Nhiệm vụ, quyền hạn,  Tổ chức bộ máy của lực lượng CAND,  CA Hoàng Liên Sơn  từ 25 phòng còn 18 phòng với 2 BCH. Trên cơ sở đó,  ngày 10/7/1981, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Đông đã thay mặt Bộ trưởng ký quyết định thành lập Phòng Cảnh sát điều tra xét hỏi-Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ đó lực lượng KTHS chuyển từ AN (PK 67,  TSKT) sang lực lượng CS (PC16+21, CSĐTXH- KHHS) Còn phòng TCCB thực hiện cả việc của phòng CTCT, CT Đảng sau này.

[2] Thầy khi đó là Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh và cụ vừa mất tháng 2/2022

[3] Sau này tôi biết, thư đó Thức (chưa đi CA) nhận khi đang ngồi chơi ngoài đường và đem về triển khai ngay.

[4] Ông đã mất Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí).

[5] Bà đã mất Thứ Tư ngày 15/6/1988 (02-5 Mậu Thân).

[6] Con út chú thím tôi. năm 1983 lấy chồng là Lê Đăng Biên (Hoàn) người Yên Bái, khi đó còn đang tại ngũ đóng quân nơi biên giới. . Sau tách tỉnh (11/1991) có lên Lào Cai ở bên Phố Mới. Đến 1998 chuyển về Hà nội (ở Láng Trung, gần Chùa Giếng, Làng Cót,  Q. Cầu Giấy).  Nay đã lên chức bà!

[7] Chị gái bố tôi Lương Thị Thị 梁氏巿, lên Sơn Hải từ 1962. Bà mất sáng 06-Giêng, Nhâm Thân (Chủ nhật 9/02/1992).

[8] Sau đổi là Nguyễn Văn Thanh, là con của người chồng thứ hai của Cô tôi. Anh sinh 1949, vợ là Nguyễn Thị Đê, gốc Tiên Lãng. Chị đã mất ngày 21/3/2011 tức đêm thứ Hai ngày 17/02 Tân Mão. Anh đã tục huyền và về ở Khoan Tế, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội từ 2016. Anh có 5 con (có 1 tử nạn 6/2000) đều làm ruộng ở Cánh Địa thuộc Sơn Hải, Bảo Thắng.

[9] Lúc này tôi đã đi học ở Hà Nội, dịp san nền là khi tôi đang ôn thi Đại học và một mình bố với cái xe cút kít tự đóng đã bạt góc đồi. Hôm cất nhà có con gà mái nhẩy lên đậu vào và làm gẫy chiếc rui cái, ai cũng cho là không may, bố tôi bảo đó là điềm chẳng lành. Không hiểu có đúng vậy không nhưng trong cuộc chiến Tháng 2/1979 cả xóm mỗi nhà tôi bị cháy.

[10] Ngôi nhà này, sau khi thân phụ tôi mất (01/1997) mẹ vẫn ở đó, năm 1999 đổi lợp Proximang. Đến cuối 2016 chúng tôi trùng tu lại: tôn nền, nâng chân tảng, sơn lại cột, bỏ vách gỗ thay bằng tường bao phía sau và 1 hồi, nối gian giữa ra phía sau thành nhà hình chữ Đinh (chuôi vồ) làm gian thờ, thay tấm lợp cũ bằng tôn chống nóng, lát nền và hiên gạch hoa mầu trang nhã, xây kệ thờ đặt tay cỗ Ỷ, sắm bàn thờ và bộ Ngũ sự mới, 1 hoành phi và 2 câu đối.

[11] Thường dịp này, Hội Người cao tuổi các xã, phường tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức xã hội về công tác chăm sóc phát huy vai trò NCT, tổ chức Vinh danh “Tuổi vàng song hỷ” cho các cặp ông bà hạnh phúc song toàn: cưới Bạc (đủ 40 năm ngày cưới); cưới Vàng (đủ 50 năm ngày cưới); cưới Kim Cương (đủ 60 năm ngày cưới trở lên).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!