[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


01 tháng 5 2023

TỰ HÀO VIỆT NAM

Sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) mà năm nay vào thứ Bẩy ngày 29/4/2023, tự dưng muốn kiểm, nhớ lại xem đất nước nay mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từng có danh xưng thế nào, chọn lá cờ hay bài hát chính thức nào,…?. Ngỡ đơn giản mà  khó hơn lên giời!

Trước hết, tìm hiểu về CÁC THUẬT NGỮ BỔ TRỢ

QUỐC GIA (A: Country, P: Pays, H: 國家) là một khái niệm không gian, văn minh, xã hội và chính trị; trừu tượng về tinh thần, tình cảm và pháp lý, để chỉ về một lãnh thổ có chủ quyền, một chính quyền và những con người của các dân tộc có trên lãnh thổ đó; họ gắn bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết qua quá trình lịch sử lập quốc, và những con người chấp nhận nền văn hóa cũng như lịch sử lập quốc đó cùng chịu sự chi phối của chính quyền, và, họ cùng nhau chia sẻ quá khứ cũng như hiện tại và cùng nhau xây dựng một tương lai chung trên vùng lãnh thổ có chủ quyền.

Đó là thực thể pháp lí bao gồm 3 yếu tố cấu thành: lãnh thổ (yếu tố vật chất, cơ sở vật chất), dân cư và quyền lực công cộng (các yếu tố tinh thần).

Quốc gia là chủ thể cơ bản của luật quốc tế. Chủ quyền quốc gia là đặc trưng cơ bản, quan trọng mà theo pháp luật quốc tế hiện đại, tất cả các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền.

Còn QUỐC HIỆU (A: Country name, P: Nom du pays, H: 國號) : tên gọi chính thức của một nước và chính thể của một quốc gia. Thường được trình bày trên trang đầu văn bản chính thức của các cơ quan nhà nước.

Quốc hiệu luôn là một trong những cái tên thiêng liêng nhất đối với mỗi dân tộc, mỗi con người; khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của một quốc gia, thể hiện ý thức và niềm tự hào của mỗi dân tộc cũng như sự bình đẳng với các nước khác trên thế giới.

QUỐC KỲ (A: National flag, P: Drapeau national, H:  國旗) là loại cờ được dùng làm biểu trưng cho 1 quốc gia trên một lãnh thổ do một chính quyền quốc gia quản trị, được đa số dân chúng tín nhiệm trong nghĩa vụ bảo vệ sự hiện hữu và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đó.

Màu sắc, hoạ tiết in trên mỗi lá QK thường thể hiện ý tưởng chính trị của chế độ nhà nước cầm quyền, sắc thái văn hoá, tinh thần của nhân dân nước ấy. Thường được treo ở nóc nhà các công sở, sân các trường học, cửa khẩu biên giới quốc gia, phòng khách tiếp tân của các cơ quan nhà nước; ở các nghi lễ chính thức của nhà nước, đón tiếp khách quốc tế, tại các hội nghị quốc tế, các buổi đàm phán giữa các đoàn đại biểu các quốc gia.  

QUỐC CA (A: National anthem, P: Hymne national, H: 國歌) là một sáng tác âm nhạc yêu nước tượng trưng và gợi lên những bài điếu văn về lịch sử và truyền thống của một đất nước hoặc dân tộc.  

Việt Nam[1] qua các thời kỳ lịch sử đã dùng nhiều quốc hiệu khác nhau. Bên cạnh đó, cũng có những danh xưng được dùng chính thức hay không chính thức để chỉ vùng lãnh thổ thuộc quốc gia Việt Nam. Nếu như bên Bắc quốc, tên triều đại là tên nước (Đại Thanh quốc của nhà Thanh...) thì Việt Nam quốc hiệu có thể ổn định qua nhiều triều và tên triều đại là tên họ nắm vương quyền cai trị.

Về 16 danh xưng ĐÃ CHÉP TRONG QUỐC SỬ mà từng được đọc:

1.Văn Lang 文郎 được coi là quốc hiệu đầu tiên cho Việt Nam, thời Vua Hùng 雄王, tồn tại 2671 năm (2876 tCn - 258 tCn). Quốc hiệu này có nghĩa là : “cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông”. Kinh đô ở Phong Châu nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Lãnh thổ gồm khu vực đồng bằng Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ.

2.Năm 257 tCn, nước Âu Lạc 甌雒 (甌駱, 甌貉) được dựng lên, từ liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán - An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đây và một phần đông nam Quảng Tây (Trung Quốc), kinh đô là Cổ Loa. Danh xưng này tồn tại 50 năm (257 tCn - 207 tCn)

Khoảng cuối thế kỷ III, đầu thế II tCn (năm 208 TCN hoặc 179 tCn), Triệu Đà (quận úy Nam Hải-nhà Tần) tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ.

3.Vạn Xuân 萬春  là quốc hiệu trong một thời kỳ độc lập ngắn dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế (李南帝, 503 – 548), tồn tại 58 năm (544-602).

Dưới ách đô hộ phương Bắc (thuộc) Nam Việt 南越 (gồm Âu Lạc, Quảng Đông, Quảng Tây): trong thời nhà Triệu; (thuộc) 交 趾 (交 阯,交 址)Giao Chỉ (gồm miền  Bắc Việt Nam, Quảng Đông, Quảng Tây) 九真 Cửu Chân và 日南 Nhật Nam: Bắc thuộc thời Hán (111 tCn-202); 交州 Giao Châu: Bắc thuộc từ thời nhà Đông Ngô đến nhà Đường (203-544).

4. Dưới ách đô hộ phương Bắc lần thứ hai:

- An Nam Đô hộ phủ 安南都護府: trong thời Đường (618-866, có nghĩa là “miền Nam yên bình” theo hy vọng của Trung Quốc);

- Tĩnh Hải quân 靜海: từ thời Cao Biền 高駢 làm Tiết độ sứ 節度使 .

5. Đại Cồ Việt 大瞿越 là quốc hiệu của Việt Nam từ năm 968 sau khi Ðinh Bộ Lĩnh (丁部領, 924-979) dẹp yên các sứ quân cát cứ, thống nhất quốc gia, lên ngôi Hoàng đế. Quốc hiệu này tồn tại 86 năm (968-1054) dưới các triều Ðinh (丁朝, 968-979), Tiền Lê (前黎朝, 980-1009) và đầu thời Lý (李朝, 1010-1053), kết thúc năm 1054 ở đời vua Lý Thánh Tông (李聖宗,1023 - 1072).

6. Đại Việt 大越 là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Lý (李朝, -1225). Nó ra đời năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt. Nó tồn tại không liên tục bởi triều Hồ (1400-1407). Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống Minh (藍山起義, 1418-1427) của Lê Lợi (黎利, 1385-1433) toàn thắng, Bắc Bình vương 北平王 lên ngôi (1428) tức xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương (順天丞運睿文英武大, hiệu là Lam Sơn động chủ 藍山峒主, đặt tên nước là Ðại Việt và lãnh thổ nước ta lúc này về phía Nam đã tới Huế. Quốc hiệu Ðại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê ( 後黎朝, 1428-1787) và thời Tây Sơn (西山朝, 1788-1802).

7. Đại Ngu 大虞 là quốc hiệu thời nhà Hồ (胡朝, 1400-1407). Tháng 3/1400, Hồ Quý Ly (胡季犛, 1336 – 1407) phế cháu ngoại mình là Trần Thiếu Ðế (陳少帝, 1396 - ?), bỏ nhà Trần (陳朝, 1226-1400) lập ra nhà Hồ và cho đổi tên nước. Về quốc hiệu này, theo truyền thuyết, họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn (虞舜,là một trong Ngũ Đế nổi tiếng ở Trung Hoa thời thượng cổ); sau này con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương (周武王, 1110  - 1043 tCn) của nhà Chu phong cho ở đất Trần gọi là Hồ Công Mãn (胡公, 1071-986 tCn), sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Hồ Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ  , con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Chữ Ngu ở đây có nghĩa là “sự yên vui”, chứ không có nghĩa là “ngu si” 愚癡. “Đại Ngu nên hiểu là ước vọng về một sự bình yên rộng lớn trên khắp cõi giang sơn. Quốc hiệu đó tồn tại đến khi quan quân nhà Minh (大明, 1368-1644) đánh bại triều Hồ (tháng 4/1407).

Trở lên,, cho đến nay chưa tìm thấy hình anh của “Quốc Kỳ” (國旗, The National Flag) với tư cách là lá cờ chính thức của dân tộc sống trên một lãnh thổ do một chính quyền quốc gia quản trị, được đa số dân chúng tín nhiệm trong nghĩa vụ bảo vệ sự hiện hữu và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, kể cả “đế kỳ” (帝旗, cờ của vua) hay Hiệu kỳ 號旗 các triều đại, thời kỳ.  

8. Việt Nam 越南: Năm 1802, Nguyễn Ánh (阮暎, 1762-1820) đánh bại nhà Tây Sơn, đăng quang 嘉隆高皇帝 đề nghị nhà Thanh (清朝, 1636-1912) công nhận quốc hiệu Nam Việt với lý lẽ rằng “Nam” có ý nghĩa “An Nam” 安南 còn “Việt” có ý nghĩa “Việt Thường” 越裳. Lấy cớ Nam Việt trùng với quốc hiệu của lãnh thổ nhà Triệu 趙佗, gồm cả Quảng Đông 廣東 Quảng Tây 廣西 của Trung Hoa; nhà Thanh đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804 cho đổi tên nước là Việt Nam. Lúc này lãnh thổ nước ta khi đó đã kéo dài đến Hà Tiên.

Thời kỳ này, đã có Đế kỳ được đặt tên bằng tiếng Hán là 龍旌旗 “Long Tinh Kỳ”:  Nền vàng biểu hiệu hoàng đế và sắc tộc dân Việt; Chấm đỏ biểu hiệu phương nam; Tua xanh biểu hiệu đại dương, vẩy rồng.

Tuy nhiên, tên gọi “Việt Nam” có thể đã xuất hiện sớm hơn. Dư Ðịa Chí của Nguyễn Trãi (1380-1442), soạn  khoảng 1428-1430, về quốc hiệu nước ta vào đời Hồng Bàng, Nguyễn Trãi viết: “Trong sách chương của Thiên Vương có gọi Việt Nam, Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam, Nam Bình, ngày nay cũng xưng là Việt Nam”“Vua Ðế Minh trao cho Kinh Dương Vương làm Việt Nam Vương” .

Tiến sĩ Hồ Tôn Thốc  (胡宗簇, 1324-1404) soạn bộ thế chí dưới triều Trần Nghệ Tông (陳藝宗, 1370-1372) đặt tên là Việt Nam thế chí 越南世志.

Trong thi tập “Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ” của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 阮秉謙,1491-1585) mở đầu có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Một số văn bia thế kỷ thứ 17, lại khắc tên nước là Việt Nam. Văn bia chùa Phúc Thánh “Hạ trùm trưởng quan bi ký” ở Bắc Ninh, tạo dựng năm 1649 mở đầu bài minh: “Việt Nam Triệu quốc, Kinh Bắc định vương. Yên Phong Mỹ huyện. Mẫu Xá danh hương” . Bia “Thế Tồn bi ký” Thủy Môn Đình tạo vào năm 1670 tại Ðồng Ðăng, Lạng Sơn, mở đầu khắc: “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vụ Uyên quận giới phiên. Ðồng Ðăng linh ấp...” (đây là cửa ngő yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Các bia có ghi địa danh Việt Nam phải kể đến: Bia “Hậu thần bi ký”, tạo năm 1690 ở Từ Phong, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, mở đầu: “Việt Nam cảnh giớị Bắc nhất vi tiên. Từ Sơn mỹ hi. Hữu thị miếu triều” hay bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Phòng có câu: “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Tây nhắc đến “Chân Việt Nam chi đệ nhất”...

Bảng nhãn Lê Quí Ðôn (黎貴惇,1724-1784) trong bộ Bách Khoa Vân Ðài Loại Ngữ, đã dùng hai chữ Việt Nam trong câu: “Nay xét tục ngữ Việt Nam...” .

 Sau này, danh xưng Việt Nam được chính thức sử dụng như quốc hiệu từ thời Đế quốc Việt Nam (4/1945-8/1945).

9. Đại Nam Năm 1820, Minh Mạng (明命, 1791 – 1841) lên ngôi 明命仁皇帝 xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam 大南, ngụ ý một nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Dù vậy, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945. Trong lúc đó, người Pháp cũng theo sử sách của Tàu, vẫn gọi nước ta là “Annam”, và cũng cùng ngụ ý tương tự như người Tàu, để “yên trị” người Việt. Giai đoạn này cương vực nước ta đã gần như ngày nay.

Từ năm 1885, triều đình Đồng Khánh (同慶, 1864-1889) chế ra lá cờ mới: cũng có nền vàng, nhưng màu đỏ thì gồm hai chữ Hán 大南 “Đại Nam” (màu đỏ & xoay 900 ngược vị trí đối diện) mang tên quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ, tức là “Đại Nam Kỳ” (大南旗, 1885-1890).

Năm 1890, Thành Thái xuống chiếu thay đổi quốc kỳ có chữ Hán bằng quốc kỳ mới: nền Vàng Ba Sọc Đỏ bằng nhau giống quẻ Càn trong Bát Quái nghĩa là Trời và biểu hiệu “bắc nam trung bất khả phân”. Đó là Đại Nam Quốc Kỳ (大南國旗, 1890-1920).

Đến năm 1920 thì Khải Định xuống chiếu thay đổi Cờ Vàng Quốc Gia  thành Cờ Vàng Một Sọc Đỏ, chỉ tượng trưng cho hai miền Bắc và Trung của triều đình Huế mà thôi (còn miền Nam thì trở thành thuộc địa và có “quốc kỳ” riêng). Đó là Long Tinh Kỳ (龍旌旗, 1920 – 10/3/1945): Nền vàng; Một sọc đỏ lớn; Biểu tượng cho Bắc và Trung kỳ mà thôi.

10. Đế quốc Việt Nam (từ đây khi giao dịch không dùng chữ Hán) là một quốc gia trong lịch sử Việt Nam tồn tại ngắn ngủi từ ngày 11/3 đến 23/8/1945 và thường được xem là một chính phủ lệ thuộc vào đế quốc Nhật Bản.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, quân đội Pháp đã mất quyền kiểm soát Đông Dương  vào tay người Nhật. Tuy nhiên, người Nhật vẫn giữ lại những quan chức Pháp và điều khiển đằng sau. Ngày 9 tháng 3, Nhật đảo chính Pháp. Để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình hoàng đế Bảo Đại tuyên bố độc lập và hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam và giải tán nội các do Phạm Quỳnh đứng đầu. Với Dụ số 1 ra ngày 17 tháng 3, vua nêu khẩu hiệu “Dân Vi Quý” (lấy dân làm quý) làm phương châm trị quốc. Nhà sử học Trần Trọng Kim được bổ làm Nội các Tổng trưởng thời kỳ mới, giao nhiệm vụ thành lập nội các vào ngày 17 tháng 4. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam với nội các tập hợp được những trí thức có danh tiếng lúc bấy giờ và ra mắt quốc dân ngày 19 tháng 4.

Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam; đặt quốc thiều là bài Đăng đàn cung. Khi đó, Bảo Đại ký sắc lệnh một quốc kỳ mới. Đó là Cờ Quẻ Ly thời Nhật (11/3-30/8/1945):  Nền vàng, ba sọc đỏ, sọc giữa đứt khoảng giống hình quẻ Ly , mầu đỏ sẫm (một quẻ trong Bát Quái).

Mặc dù không đứng vững được bao lâu, nội các Trần Trọng Kim đã cố gắng đặt nền móng xây dựng một thể chế mới, đã làm được một việc là thống nhất về mặt danh nghĩa đất Nam Kỳ vào đất nước Việt Nam; và thay chương trình học bằng tiếng Pháp sang chương trình học bằng tiếng Việt, do học giả Hoàng Xuân Hãn biên soạn.

Khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh và sau những diễn biến dẫn đến Cách mạng tháng 8, chính phủ Trần Trọng Kim cũng chỉ tồn tại được đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 thì bị lực lượng Việt Minh đoạt chính quyền.

Ở miền Nam, Pháp theo quân Anh trở lại Đông Dương và ngày 23 tháng 9 năm 1945 đã nổ súng gây chiến ở Sài Gòn rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ. Pháp đã lập ra một chính phủ Nam Kỳ quốc hòng tách khu vực này ra khỏi Việt Nam.

Một số nhân sĩ của nội các Đế quốc Việt Nam đã tham gia vào việc xây dựng chính phủ Việt Nam Cộng hòa sau đó tại lãnh thổ miền Nam. Một số người sau tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam hoặc đi theo Việt Minh như ông Phan Anh, Phan Kế Toại, Trịnh Đình Thảo, Tạ Quang Bửu,....

11. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là tên gọi của cả nước Việt Nam từ 1945 đến 1954 và miền Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1976. Quốc hiệu này khác với các quốc hiệu khác ở chỗ gắn với thể chế chính trị (dân chủ cộng hòa) thể hiện bản chất và mục đích của nhà nước là quyền dân chủ, tự do, công bằng cho tất cả mọi người.

Nhà nước này được thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 (ngày quốc khánh của Việt Nam ngày nay)  với đóng góp chung của toàn dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của của mặt trận Việt Minh trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Ban đầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Pháp công nhận (trong hiệp ước năm 1946 - như một nước tự do thuộc Liên hiệp Pháp) và được các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cũng như các nước khác công nhận khởi đầu bởi Trung QuốcLiên Xô vào năm 1950. Thủ đô kháng chiến đặt ở Việt Bắc.

Khi mới thành lập đến 1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối đầu với Pháp và Quốc gia Việt Nam được lập ra dưới cái ô của Pháp năm 1949. Trong thời kỳ 1954-1975, nước Việt Nam tạm phải chia làm 2 miền theo Hiệp định đình chiến Giơnevơ[2] 7/1954 nên chính thể này (được sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe XHCN) lại phải đối đầu với Việt Nam Cộng Hoà (được sự giúp sức của Mỹ và một số nước đồng minh) được thành lập tại miền Nam Việt Nam .

Ngày 5/9/1945 Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 5 hủy bỏ cờ Ly và dùng cờ Đỏ Việt Minh làm “Quốc kỳ”. Đó là Quốc kỳ VNDCCH:  Nền đỏ với chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, sao vàng 5 cánh, cạnh sao hơi cong với 5 đỉnh của ngôi sao nằm trên đường tròn có tâm tại chính tâm lá cờ và bán kính 1/5 chiều dài lá cờ. Đây nguyên là cờ của Mặt trận Việt Minh, do Nguyễn Hữu Tiến đề xướng và xuất hiện lần đầu ngày 23-11-1940 trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau đó, ngày 9 tháng 11, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 được thông qua, trong đó xác nhận lá cờ đỏ sao vàng (Điều 3).

Từ sau 1954, lá cờ được dùng làm quốc kỳ vẫn là cờ nền đỏ sao vàng, gọi là Cờ Đỏ. Tuy nhiên, các cạnh của ngôi sao không còn là đường cong như cũ nữa mà là đường thẳng (Những cánh sao vàng từ nay không làm theo đường cong như trước mà làm theo đường thẳng”, Sắc lệnh số 249-SL ngày 30/11/1955) với lý do: “Múi sao phình ra bây giờ sửa lại múi sao thon lại. Năm góc thẳng đều nhau, như vậy sẽ dễ hơn, đơn giản hơn”.

12. Nam Kỳ quốc hay Nam kỳ Cộng hòa quốc (tiếng Pháp: République de Cochinchine) là danh xưng do chính phủ Pháp đặt ra cho vùng lãnh thổ Việt Nam phía dưới vĩ tuyến 16. Chính quyền Nam Kỳ quốc được thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1946, về danh nghĩa là một quốc gia độc lập với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Danh xưng này tồn tại được 2 năm, sau đó lại chính quyền Nam kỳ quốc giải thể, đổi tên lại thành Chính phủ Nam phần Việt Nam, rồi sát nhập vào chính quyền lâm thời Quốc gia Việt Nam ngày 2 tháng 6 năm 1948.

Khi Ngày 1-6-1946 nước “Cộng Hòa Nam Kỳ” ra đời (01/6/1946), với nội các Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh. Lá cờ Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc (République de Cochinchine) có nền vàng bao bên ngoài ba sọc xanh ở giữa, chen giữa ba sọc xanh là hai sọc trắng.

13. Quốc gia Việt Nam (tiếng Pháp: l’État du Viêt Nam, 1949-1955) là danh xưng của toàn bộ vùng lãnh thổ Việt Nam, ra đời chính thức từ Hiệp ước Elysée ký ngày 8 tháng 3 năm 1949, giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. Về danh nghĩa, chính quyền thuộc khối Liên hiệp Pháp, độc lập, đối kháng và tồn tại trên cùng lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Về mặt hình thức, quốc gia này gần như là một quốc gia quân chủ lập hiến với Quốc trưởng là Cựu hoàng Bảo Đại. Từ năm 1954, theo thỏa thuận của Hiệp định Genève 1954, chính quyền và các lực lượng quân sự của Quốc gia Việt Nam tập kết và được trao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Nam Việt Nam. Năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, giải tán Quốc gia Việt Nam, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lên làm Tổng thống. Đây là nền Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam.

Tại vùng do Pháp kiểm soát (02/6/1948-20/7/1954) và tại vùng do Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát (20/7-1954 đến 30/4/1975) dùng Cờ Vàng Quốc Gia Việt Nam: nền mầu Vàng, ba sọc dài mầu đỏ nằm ngang ở giữa.

14. Việt Nam Cộng Hòa là tên gọi quốc gia được thành lập tại miền Nam Việt Nam, kế tục Quốc gia Việt Nam (1949–1955). Năm 1955, trong một cuộc trưng cầu dân ý, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, có chủ quyền lãnh thổ chính thức ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền này tồn tại độc lập trong 20 năm và sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc.

Thời kỳ này VNCH dùng Cờ Vàng Quốc Gia Việt Nam.

15. Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là tên gọi mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt ra cho miền Nam Việt Nam với việc thành lập một chính phủ mới để chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Danh xưng này tồn tại trong 7 năm (1969-1976), sau đó, chính quyền lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã giải tán, hình thành một quốc gia Việt Nam thống nhất.

Với quốc kỳ từ khi thành lập năm 1969 và tiếp được sử dụng từ 30/4 đến 02/7/1976: cờ nửa trên mầu đỏ, nửa nền dưới thành màu xanh, sao vàng 5 cánh. Đây nguyên là là cờ chính thức của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam.

16. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa 6 nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hiệu này, cũng như quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa, gắn với thể chế chính trị (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa) và mang ý nghĩa thể hiện mục tiêu vươn tới một xã hội tốt đẹp hơn được sử dụng từ đó đến nay.

Từ 1976, cờ đỏ sao vàng thành Quốc kỳ của nước CHXHCN Việt Nam: như cờ của VNDCCH cũ. Đây là Quốc kỳ hiện tại sử dụng trên toàn quốc và ở cả nước ngoài (nơi có cơ quan đại diện Việt Nam). Vì thế lá cờ này còn được gọi là Cờ Tổ quốc.

Như vậy, trong toàn bộ lịch sử, ta luôn dùng từ “Việt” (với Hán tự là ), để chỉ dân tộc và đất nước ta. Song trong lịch sử cha ông ta cũng dùng từ “Nam” (Hán tự là 南) với ý nghĩa tương tự (Nam quốc sơn hà, Nam dược thần hiệu…). Đến thế kỉ XIX 2 yếu tố “Việt” và “Nam” đã gộp thành tên gọi chính thống của dải đất hình chữ S bên bờ Tây Thái Bình dương. Để được như thế, hai từ đó đã trải qua một quá trình vận động bổ xung ngữ nghĩa hàng ngàn năm, với biết bao thăng trầm của lịch sử, bằng mồ hôi và máu xương bao thế hệ!.

 Vì lý do kỹ thuật nên hình vẽ Hoàng kỳ,  Quốc kỳ từng thời đại phải tách riêng và sau đó lại tra tìm, vẽ bổ xung, gộp chung vào 2 ảnh đặt ở 2 bên bài viết. (tuy khó theo dõi nhưng tiện cho việc trình bày của người soạn).  

Trong số các lá cờ đó có những lá cờ có sẵn trên MXH chỉ việc lấy về nhưng cũng có lá cờ do người soạn tự vẽ căn cứ vào các tư liệu góp nhặt được. Ví dụ Hoàng kỳ thời 40-43 là dựa vào câu Đầu voi phất ngọn cờ Vàng; còn Hoàng kỳ nhà Tây Sơn lấy mầu Đỏ là từ một câu trong Ai tư vãn 哀思挽: Mà nay áo vải cờ đào của Ngọc Hân (黎玉昕, 1770 – 1799) viết về Quang Trung (光中帝, 1788-1792)

Do vậy tính chính xác của hình vẽ các lá Hoàng kỳ, Quốc kỳ dẫn trong bài chưa phải đã là chính xác nhất; nó chỉ có ý nghĩa hình dung và lưu giữ của người cần biết !.

Dịp này, bản thân không nhằm, càng không thể liệt kê và tìm hiểu về cờ của các tổ chức chính trị xã hội hay tôn giáo, đảng phái từng có, xuất hiện ở Việt Nam trong những thời kỳ đó nên không có mục này!.

Nhân đây, cần nói thêm rằng: ngoài một vài lá cờ “chính danh kể trên, còn có một số là cờ không được toàn dân và chính quyền đương thời chấp thuận gọi là Hiệu kỳ, chỉ có giá trị trong tổ chức hay vùng ly khai đó. Ví dụ như:

 Về 3 DANH XƯNG GÂY TRANH CÃI

Dưới đây là những danh xưng từng được dùng không chính thức để chỉ vùng lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Những danh xưng không chính thức được ghi nhận lại từ cổ sử hoặc từ các tài liệu nước ngoài từ trước năm 1945.

1. Xích Quỷ 赤鬼, còn gọi là Thích Quỷ, theo Việt Nam Sử lược là có nguồn gốc từ thủy tổ của người Việt là Kinh Dương Vương.

Sách chép:

Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

Danh xưng này chưa được kiểm chứng bằng cứ liệu lịch sử.

2. Nam Việt 南越 là quốc hiệu thời nhà Triệu (赵氏, 207 tCn-111 tCn). Triệu Đà 赵佗 là người Hán, quê huyện Chân Định 真定, quận Hằng Sơn 恒山 (ngày nay là huyện Chính Định 正定, tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc), nhân lúc nhà Tần suy loạn 赵武帝乘秦之乱, theo lời uỷ thác của Nhậm Hiêu  任嚣 đã dùng ngay đội quân nhà Tần cử đi  bình định Lĩnh Nam 岭南, từ Nam Hải quận (gồm 4 huyện Bác La, Long Xuyên, Phiên Ngu và Yết Dương) nổi lên, chống lại triều đình, hợp nhất quận Quế Lâm (đông bắc Quảng Tây) và quận Tượng (nam Hồ Nam). Sau khi Lã Hậu (呂后, 241 – 180 tCn) chết (năm 180 tCn), mưu đồ đánh Triệu Đà của quân nhà Hán bỏ hẳn nên Triệu Đà rảnh tay đã đánh thắng Âu Lạc của An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập nước Nam Việt. Cương vực Nam Việt bao gồm ngày này là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt Nam, và một số vùng của các tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quý Châu. Kinh đô tại Phiên Ngu 番禺, cũng là Quảng Châu ngày nay.

Nói chính xác thì đối tượng tranh cãi không phải là bản thân tên gọi Nam Việt, mà vấn đề là quốc hiệu này có đại diện cho nước Việt Nam hay không. Có quan điểm xem Nam Việt chính là quốc hiệu của tộc người Việt, nhưng lại có quan điểm cho rằng quốc gia Nam Việt khi đó là của người Trung Hoa. 

Cho rằng quốc hiệu này là của người Việt bởi “Triệu Vũ Đế đánh bại An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt là chuyện nội bộ tộc Việt, nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam. Nhà Triệu mất là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc”, được ghi nhận bởi các học giả:

Lê Văn Hưu: Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ [như Trung Hoa], đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được. Trên quan điểm đó, Nhà Trần phong Triệu Đà là “Khai thiên Thế đạo Thánh vũ Thần triết Hoàng đế”.

Ngô Sĩ Liên: Truyện Trung Dung có câu: “Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu”. Vũ Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh Dịch nói: “Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua”. Vua chính hợp câu ấy.

 Nguyễn Trãi thay lời Bình Định Vương Lê Lợi, sau khi bình xong quân Minh, soạn Bình Ngô đại cáo, đã viết: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên làm đế một phương”:
自趙丁李陳之肇造我國,與漢唐宋元而各帝一方. Hai câu này khẳng định nước Việt không những độc lập với phương Bắc mà còn xưng đế hiệu cùng một thời (nhà Triệu với nhà Hán), tỏ ra hoàn toàn ngang hàng.

Lê Tắc khi viết An Nam chí lược đã chép: Triệu Đà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hóa nhân dân một ít. Điều này chứng tỏ Triệu Đà là người mang sự học đến Việt Nam từ trước chứ không phải Sĩ Nhiếp.

Quang Trung sau khi đánh bại đội quân nhà Thanh năm 1789 đã có ý định đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây với lý do đây là đất cũ của Nam Việt thời Triệu Đà. Nhưng việc chưa thành thì vua đột ngột băng hà.

Trần Trọng Kim soạn Việt Nam sử lược vẫn chép nhà Triệu là chính thống.

Trong thời hiện đại, có chuyện rằng trong những năm 60 của thế kỷ XX, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (毛澤東. I893-1976) đã có ý trả lại Việt Nam vùng đất Lưỡng Quảng. Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh không nhận bởi ở đó số người nói tiếng Việt là thiểu số, người nói tiếng Hoa (tiếng Quảng) là đa số. Do vậy nếu có bầu cử thì người Hoa sẽ trúng cử chắc chắn và sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ khác, trong đó có việc người dân phải dùng tiếng Hán, chữ Hán khi giao dịch[3]...

Quan điểm phủ nhận Nam Việt từng là quốc hiệu của Việt Nam vì cho rắng: Triệu Đà là kẻ ngoại bang đến xâm lược nước Âu Lạc. An Dương Vương mất nước là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc là do các bậc trí giả sau nêu ra:

Ngô Thì Sĩ, cuối đời Hậu Lê, trong Việt sử tiêu án, ông chép: “An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: “Kỷ Triệu Vũ Đế”. Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngu, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mị lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta...Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng”.

Đào Duy Anh, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam, cũng phê phán sử cũ và coi nhà Triệu là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Đó cũng là quan điểm hiện nay của Việt Nam, phản ảnh trong tất cả sách sử và trong cả các lĩnh vực khác. Chẳng hạn Tố Hữu làm thơ phê phán Mị Châu làm mất nước: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu, Trái tim lầm chỗ để trên đầu. Nỏ thần vô ý trao tay giặc, Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”.

Như vậy Triệu Đà có công thống nhất một số bộ lạc trong Bách Việt thành Nam Việt hay đã xâm lược Âu Lạc nhập vào Nam Hải chưa được rõ trong lãnh đạo.

3. An Nam 安南 là danh xưng của người nước ngoài chỉ lãnh thổ Việt Nam trong một số thời kỳ. Nguồn gốc danh xưng này từ thời Bắc thuộc (Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ), nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt tên cho khu vực lãnh thổ tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay là An Nam đô hộ phủ (安南都護府, 673-757 và 768-866). Sau khi giành được độc lập, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, danh hiệu An Nam quốc vương (安南國王,kể từ năm 1164). Từ đó người Trung Quốc thường gọi nước ta là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì. Cách gọi này đã ảnh hưởng đến cách gọi của người châu Âu trước năm 1945.

Thời kỳ thuộc Pháp, Annam (gọi theo tiếng Pháp) là tên gọi chỉ vùng lãnh thổ Trung Kỳ do nhà Nguyễn cai trị dưới sự bảo hộ của Pháp. Tuy vậy, người Pháp vẫn dùng danh xưng Annam để chỉ người Việt nói chung ở cả 3 vùng Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine).

Qua bao thăng trầm, “ta lại là ta”, Quốc hiệu ta là VIỆT NAM với Quốc kỳ là CỜ ĐỎ SAO VÀNG, Quốc ca là bài TIẾN QUÂN CA!

Tự dưng nẩy ra câu đối:

TỔ QUỐC mấy ngàn năm trải bao biến cố luôn vang khúc quân hành;

NON SÔNG liền một dải  qua mấy thăng trầm mãi đẹp mầu quốc phục.

-Lương Đức Mến, thứ Hai ngày12/3/Quý Mão-


[1] Trong các tư liệu bằng chữ TQ thường gặp chữ Việt THUỘC BỘ MỄ , chỉ nước Việt, (vua Việt vương Câu Tiễn, dân tộc Bách Việt), chữ này thuộc bộ mễ (gạo) nói lên đặc điểm vùng trồng lúa nước, sản xuất gạo.

   Đến thời Nguyễn, vua Gia Long muốn xưng quốc hiệu là Nam Việt nhưng vua nhà Thanh không nghe, bắt phải sửa lại là Việt Nam và họ không viết là với chữ Việt thuộc bộ mễ như thời xưa, mà họ lại viết chữ = Việt thuộc bộ tẩu có nghĩa là vượt qua, trong chữ này có chữ Tuất (nghiã là con chó), có ý khinh miệt.

Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ “Việt Nam” kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc (người Việt) và địa lý (ở phương Nam). Từ tố Nam rõ là chỉ phương hướng được các triều đại phương Bắc nhiều lần hàm chỉ nước ta bởi họ coi mảnh đất phương nam này như một thuộc quốc. Còn chữ Việt thì Thuyết Văn giả Tự  說文解字 của Hứa Thận ( 許慎,  58-147) thời Đông Hán (東漢, 25-220) định nghĩa: 度也從走戉聲 / Độ dã tòng tẩu việt thanh (Nghĩa là vượt qua, bộ tẩu, âm như chữ Việt là chiếc rìu đá) mang hàm ý huyết thống ít được người Hán dùng. Ngược lại với bắc triều, các phong trào giành độc lập cũng như các vương triều của cư dân Việt Nam xưa có xu hướng chuộng chữ Việt . Một chữ Việt khác đồng âm, đồng nghĩa nhưng dị tự vẫn hay được các bản in xưa nay dùng là .

   Rõ ràng xưa nay thiên triều luôn ghép bộ trùng, bộ khuyển vào danh xưng các dân tộc khác.

[2] Đây là hiệp ước có sự tham dự 9 phái đoàn của Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, LàoCampuchia để tái thiết hòa bình ở Đông Dương, trong đó có một số phái đoàn chỉ tham dự mà không ký vào hiệp ước. Hiệp ước bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp trên bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của các quốc gia bản xứ, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

[3] Chuyện này tôi nghe đồn râm ran từ thuở thiếu nhi, không rõ thực hư, chẳng nguồn kiểm chứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!