[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


06 tháng 5 2023

Lào Cai với CHIẾN DỊCH ĐIÊN BIÊN PHỦ

Cách đây 69 năm, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm Christian de Castries, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ với Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đây là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và với tư cách là tỉnh láng giềng của Lai Châu (cũ), Lào Cai nói chung và CA Lào Cai nói riêng đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung đó.

Ngược dòng lịch sử, ta biết rằng ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương, coi đây là “ngã tư chiến lược quan trọng”, vị trí then chốt làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc và che chở cho Thượng Lào. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (mật danh là Trần Đình), xác đinh đây là một chiến dịch lớn có tầm chiến lược.

Lực lượng ta tham chiến có: 3 đại đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Ngoài ra còn phải kế đến lực lượng đáng kể của bộ đội địa phương các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Lào Cai cùng dân quân du kích sở tại.

Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có: 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay tổ chức phòng ngự thành 3 phân khu, 8 trung tâm đề kháng, gồm 49 cứ điểm được trang bị hoả lực mạnh, có 2 căn cứ hỏa lực và 2 sân bay ở Mường Thanh và Hồng Cúm.

Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954 chia là 3 đợt:

Đợt 1, từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, ta đập tan thế trận phòng ngự vòng ngoài của địch ở phía Bắc và Đông Bắc, mở đầu bằng trận Him Lam (ngày 13/3/1954), tiếp đó tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập (ngày 15/3/1954), bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo (ngày 16/3/1954), đánh bại nhiều đợt phản kích của địch.

Đợt 2, từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, ta tiến công diệt các cứ điểm E, D1, D2, C1 trên dãy đồi phía đông và 106, 311 trên hướng Tây-Bắc sân bay Mường Thanh. Từ ngày 16/4/1954, ta phát triển trận địa bao vây, tiến công, đánh lấn diệt các cứ điểm 105 (ngày 18/4/1954), 206 (từ ngày 17/4 đến ngày 23/4/1954), đào hào cắt đôi sân bay Mường Thanh, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch nhằm giành lại sân bay Mường Thanh (từ ngày 21/4 đến ngày 23/4/1954); kết hợp bắn tỉa và đưa pháo phòng không xuống cánh đồng Mường Thanh khống chế rồi triệt hẳn tiếp tế đường không của địch.

Đợt 3, từ ngày 01/5 đến ngày 7/5/1954, ta lần lượt đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông (C1, C2 và A1), diệt một số cứ điểm ở phía Tây; tăng cường vây ép phân khu Hồng Cúm, bao vây uy hiếp Sở chỉ huy trung tâm, dập tắt hy vọng rút chạy của địch; 15 giờ ngày 07/5/1954 ta tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh, bắt tướng De Castries và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, buộc số địch còn lại ở phân khu trung tâm phải đầu hàng, truy kích và bắt gọn bộ phận địch ở Hồng Cúm định rút chạy. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Toàn Chiến dịch, quân dân ta diệt và bắt hơn 16.200 địch (có 1 thiếu tướng, 369 sĩ quan từ đại tá đến thiếu uý), thu toàn bộ vũ khí trang bị, bắn rơi 62 máy bay.

Có được thắng lợi to lớn đó phải khởi nguồn từ thắng lợi của chiến dịch lớn đánh Tây Bắc vào thu đông năm 1952. Trong Chiến dịch này ta đã thu được thắng lợi to lớn, một lực lượng lớn của địch bị tiêu diệt, 28.500 km² cùng 250.000 nhân dân Tây Bắc được giải phóng, thế chiến lược đảo lộn có lợi cho ta, quân đội ta trưởng thành, mạnh mẽ lên nhiều.

Trong chiến dịch này, ta đã tiêu diệt 1.005 tên, bắt sống 502 tên, trong đó tiêu diệt gọn 4 tiểu đoàn (d Thái ngụy số 1, d3/el ma rốc, d58 Ngụy Lào và d55 Ngụy Việt) và 28 đại đội, đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn và phân đội độc lập Tây Bắc, phá hủy và thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự, lương thực thực phẩm.  

Cụ thể chiến lợi phẩm gồm 2 pháo 105 mm, 1 pháo 94 mm, 1 pháo 75 mm, 7 pháo 57 mm, 65 súng cối, 33 trọng liên, đại liên, 58 vô tuyến điện, 5 xe jep, bắn rơi, bắn hỏng 6 máy bay.

Đáng chú ý, trong số bị diệt có nhiều sỹ quan và binh lính Âu - Phi, trong số bị bắt thì có hơn 1.000 tên là sỹ quan và binh lính Âu - Phi. Đây là những đơn vị nòng cốt, cơ động chiến lược của địch, giáng một đồn mạnh vào chính lực lượng viễn chinh của Pháp, tạo ra sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, buộc địch hết sức lúng túng đối phó với ta, làm cho chúng dễ mắc sai lầm trong hành động quân sự mà Điện Biên Phủ là một điển hình tiêu biểu.

Đây là tiền đề quan trọng dẫn đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, là nhân tố có ý nghĩa quyết định dẫn đến buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ- ne - vơ chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong chiến công chung ấy có sự góp công, góp sức, góp máu xương của quân dân Lào Cai. Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch. Lào Cai, vừa là hậu phương vừa là nơi diễn ra các trận đánh nhằm phân tán lực lượng chính, bảo vệ an toàn cho việc chuyển quân, lương thực, khí giới,…cho Chiến dịch.

Thời gian này, từ sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), nhất là sau ngày giải phóng (1/11/1950), quân dân Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, đặc biệt là tổ chức tiễu phỉ ở Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, loại khỏi vòng chiến đấu 7.700 tên, làm tan rã 5.000 tên, không để chúng bao vây thị xã tỉnh lỵ. Tấn công truy quét các toán biệt kích, vũ khí, điện đài và lương thực, thực phẩm địch thả dù từ máy bay xuống Si Ma Cai, Bắc Hà, giữ vững vùng giải phóng. Cụ thể:

Lào Cai góp 2 Đại đôi bộ đội địa phương vừa tham gia chiến đấu vừa phục vụ chiến dịch.

Tỉnh đã đóng góp vào Chiến dịch Điện Biên Phủ 89.215 công người; 25.934 công ngựa thồ; 2.700 công thuyền; 511 xe trâu kéo và 615 xe đạp thồ và sửa chữa 38 km đường Lào Cai đi Sa Pa với 16 chiếc cầu lớn, nhỏ, góp phần vào thắng lợi của toàn chiến dịch…

Hồi ấy, chỉ riêng tại địa bàn Lào Cai, GCMA (Binh đoàn Biệt kích Hỗn hợp nhảy dù do Trung tá Edmon Grall làm Tư lệnh, chỉ huy trực tiếp của Tổng Tư lệnh quân viễn chinh, có nhiệm vụ chính là xâm nhập toàn bộ khu vực Việt Minh kiểm soát và gây nên thế thường xuyên bất ổn ở hậu phương đối thủ, đặc biệt là ở địa bàn sắc tộc ít người như Thổ, Thái, Nùng, Mông, Mường…) đã “tác oai tác oái” gây nhiều khó khăn cho ta.. Ngoài đổ bộ Biệt kích xuốngcác vùng thuộc Lào Cai, bọn chúng còn trang bị vũ khí, quân trang, quân dụng và nhiều phương tiện vật chất khác, bọn phản động, phìa tạo địa phương đã nổi phỉ, Với mưu đồ “phỉ hoá toàn dân”, đầu năm 1954, đội quân GCMA đồng loạt gây bạo loạn ở một số địa bàn âm mưu thành lập các “xứ  tự trị”nhằm phá hoại hậu phương kháng chiến, chặt đứt các tuyến đường vận chuyển của ta cho mặt trận Điện Biên Phủ. Cụ thể, tại Lào Cai cúng đã lập thêm tỉnh Phong Thổ (gồm Văn Bàn, Than Uyên, Sình Hồ, Bát Xát, Cốc Lếu và Phong Thổ), cùng với tỉnh Sơn La, Lai Châu thành “Xứ Thái tự trị”. Đồng thời Pháp cũng lập ra “Xứ Nùng tự trị” gồm các châu phía tả ngạn sông Hồng thuộc Lào Cai do thổ ty Nông Vĩnh An đứng đầu .

GCMA đã xây dựng hệ thống đồn bốt, công sự khống chế cả vùng rộng … gây nhiều tổn thất cho chính quyền và nhân dân các dân tộc, bọn chúng đã tập hợp 4 cụm GĐBK lớn với 5.500 tên do trùm phỉ Châu Quáng Lồ (nguyên là một tướng cướp hung bạo cầm đầu sắc tộc Mông ở tổng Pha Long, huyện Mường Khương) chỉ huy liên tiếp tổ chức tiến công đánh chiếm, giết hại cán bộ ở Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà.  

Công an nhân dân Lào Cai thời kỳ này đã tiến tới thành lập Chi bộ , lớn lên cả về số lượng và chất lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch.

Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch Điện Biên Phủ, Công an tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác công an trong thời kỳ này là trực tiếp bảo vệ hoạt động của các lực lượng, các ngành tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, bảo vệ kho tàng, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội.

Ngoài ra, còn kiểm tra hành chính phát hiện kẻ gian, người lạ mặt, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ hai bên đường, động viên, vận động nhân dân đã tích cực thực hiện phong trào “phòng gian bảo mật”, thực hiện khẩu hiệu "ba không”, tuần tra canh gác, tiến hành thuần khiết nội bộ; góp phần đảm bảo hậu phương vững chắc, bảo vệ các lực lượng chủ lực, dân công, các tuyến giao thông trọng điểm, kho tàng, bến bãi,…Trong đó chú trọng tuyến sông Hồng từ Biên giới về Âu Lâu (Yên Bái), tuyến vận chuyển pháo bằng bè từ TQ lên Điện Biên mà chuyện này không phải ai cũng đã từng biết đến, đọc bài!

Đồng thời tham mưu tốt cho Đảng bộ tiến hành công tác tiễu phỉ, giữ bình yên hậu phương, bảo đảm bộ độ yên tâm giết giặc tại Điện Biên Phủ!

Ngày 07/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Trong thắng lợi vĩ đại đó, Quân dân và Công an Lào Cai đã góp phần xứng đáng trong công tác bảo vệ, cung cấp sức người, lương thực,...cho việc chiến thắng của chiến dịch.

Dù phía trước còn nhiều nguy cơ, thách thức nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng”, dọn sạch nhà đón khách,... Điện Biên Phủ không ngừng được phát huy, công cuộc đổi mới đất nước, tỉnh Lào Cai cũng như Công an tỉnh sẽ đạt được những thành tựu to lớn, chắc  thắng hơn.

-Lương Đức Mến, ngày 06/5/2023-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!