[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


06 tháng 4 2023

DANH XƯNG và CÁC CHỨC SẮC LÀNG XÃ BẮC KỲ

Theo bài “Các chức danh và danh xưng của làng xã Bắc Ninh thời Nguyễn” của Nguyễn Quang Khải cùng các bài nghiên cứu khác mà tôi đọc và nhớ được, thì có một số điều cần biết khi đọc, hiểu, trùng san,...Gia phả hay nghiên cứu lịch sử làng quê. Đó là: :

1.Làng xã xưa rất coi trọng thứ bậc và cổ nhân chia ra làm 3 hạng người có máu mặt trong làng:

Hạng Thượng gồm chức sắc làm việc quan được vua ban sắc ban cho hàm phẩm, như là ông Bá, ông Cửu, ông Bát, hoặc những người đỗ tú tài, cử nhân, phó bảng…

Hạng Trung gồm chức dịch làm việc quan nhưng chưa được vua ban phẩm hàm như chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý, hương trưởng.

Kỳ mục bao gồm hai thành phần trong làng:

- Một là những người từng giữ các chức lý trưởng, phó lý, hương trưởng, chánh tổng, phó chánh… làm việc lâu năm, độ tuổi 60 trở lên. 

- Hai là những người có thâm niên, thông thạo những công việc nhà quan. Mỗi làng có một hội kỳ mục tham dự vào mọi công việc. Những người đã làm quan như hương trưởng, lý trưởng, phó lý, chánh tổng, phó chánh… đã làm được 3 năm chưa từng bị trách phạt mới được dự vào hạng kỳ mục.

Thí sinh, học trò đi thi đỗ nhất trường, nhị trường (còn gọi là ông Nhiêu, được miễn trừ đắp đê, phu dịch).

Hạng Hạ chỉ những người không làm việc quan, những người 55 tuổi trở lên gọi là lão hạng (có lệ phải khao vọng). 60 tuổi trở lên xếp vào hàng bô lão được miễn trừ sưu dịch. Già hơn nữa mà đứng vào hàng cụ trùm (số cụ trùm tùy nơi là quy định khác nhau, có làng đặt lệ 5 người có làng 8 người có làng 10 người).

Trương tuần, ông Từ (coi đền)… dân đinh cũng xếp vào người hạ hạng.

Ngoài những người làm việc quan, việc làng là những người có chức vị (chức sắc, chức dịch). Còn danh vị chỉ những người do mua bán công hoặc đóng góp vật chất mà có.

Trùm trưởng là người thuộc hàng các cụ. Danh vị này ở làng quê đâu đâu cũng có. Người cao tuổi nhất trong số các trùm trưởng được dân làng tôn kính nhất, thường gọi là cụ nhất, người cao tuổi thứ 2 gọi là cụ nhị.

2.Danh xưng:

2.1.Làng là : đơn vị tụ cư cổ truyền ở nông thôn người Việt, tương đương với sóc (của người Khơ Me), bản (của dân tộc thiểu số phía bắc), buôn (Trường Sơn - Tây Nguyên); một kết cấu cư trú, kinh tế, xã hội, văn hoá đa dạng, một trong 3 khâu quan trọng của cấu trúc xã hội truyền thống, nối liền nhà với nước. Đây là cách gọi đơn vị cộng cư của dân gian, được sử dụng trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, trong lễ hội và trong cuộc sống hàng ngày của người dân, thường được giới hạn bởi luỹ tre quanh làng.

2.2. đơn vị hành chính cấp cơ sở ở các vùng nông thôn Việt Nam, gồm nhiều thôn, làng, bản, buôn, ấp, xóm. Là cách gọi đơn vị hành chính cấp cơ sở xuất hiện vào thời Lê, được dùng trong các văn bản hành chính, trong con dấu, trong các văn bản giao dịch dân sự, trong thần tích, sắc phong và trong các bài văn tế. Xã có quy mô về diện tích và dân số tương đương với một làng (nhất xã nhất thôn) hoặc liên làng (nhất xã nhị thôn, hoặc tam, tứ,… thôn). Còn có quy ước làng dưới 10 họ là thôn (Ví dụ Tôn Lộc), trên 10 họ là xã (ví như Phương Hạ) đều là cấp dưới, trực thuộc Tổng!.

2.3.Tổng là đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã - được duy trì trong hệ thống hành chính của các triều đại phong kiến Việt Nam từ cuối nhà Lê đến cuối nhà Nguyễn. Đứng đầu là Chánh tổng (cai tổng) có Phó chánh tổng giúp việc.

2.4.Chú ý rằng, ở Việt Nam bên cạnh những lớp địa danh thuần Việt, là một số lượng phổ biến các lớp địa danh Hán - Việt hay các địa danh có nguồn gốc từ các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam hay sau này có cả địa danh gốc Pháp ngữ. Hay nói cách khác, ban đầu đây là những địa danh hoàn toàn chưa theo âm Việt và để có những địa danh ghi bằng chữ quốc ngữ như hiện nay thì những địa danh này đã phải trải qua một quá trình quốc ngữ hóa. Do vậy mặc dù hiện nay các địa danh đã được ghi bằng chữ quốc ngữ (chữ ghi âm tiếng Việt), nhưng xét về âm đọc thì chúng ta vẫn có thể nhận ra chúng là những địa danh theo được ghi bằng cả chữ Hán 漢字 lẫn chữ Nôm 𡨸 và chữ Pháp, phiên âm không thống nhất hay không nhất quán với cách gọi ngày nay nên khó tra cứu.  

Có thể tóm lược:

2.4.1.Tên làng xã ghi theo âm Nôm thường là những làng cổ. Ví dụ nhiều vùng có các làng trùng tên là Hạ, Hầu, Thượng theo vị trí địa lý và đôi khi cả vai vế của làng. Các tên Nôm trong tài liệu xưa và Gia phả đa phần ghi bằng chữ Nôm (như Làng Cốc 廊谷, Làng Hương 廊香,…), nhưng cũng nhiều khi chép bởi chữ Hán (ví dụ làng Khuốc được viết là 古曲, tức Cổ Khúc).

2.4.2. Tên phản ánh đặc điểm địa lý: Cao Mật 高密 An Bồi, 憑宅, Bằng Trạch 安培, Giang Khẩu 江口... hay nhiều địa danh mà hậu tố  tràng”, với nghĩa sân, sân phơi, chợ...như Cốc Tràng 谷場, An Tràng 安場, Văn Tràng 文場, Mông Tràng 蒙場.

2.4.3. Phản ánh cây trồng như Phương Lạp 方粒 (nơi trồng lúa), Cam Đường 甘堂, hay tên phản ánh nghề nghiệp: Thổ Hà 土河 là làng gốm,

2.4.4. Phản ánh mong muốn an vui, Hạnh phúc: An Lão 安老, An Thái 安太,  An Thọ 安寿, Vĩnh Ân 永恩, Vĩnh Bảo , Phúc Châu 福珠, Phú Lộc 富祿, Phố Lu 富瀘, Phú Thịnh 富盛,  Gia Phú 加富...Mong muốn điềm tốt lành như Kiến Thuỵ 瑞建, Khánh Hạ 場慶贺. Phản ánh nguyện vọng, mong muốn được mùa, như Phong Lẫm 豐廩, Phong Mỹ 豐美, Phong Niên 豐年...

...

3. Chức danh

3.1.Thời Lê và đầu thời Nguyễn, người đứng đầu một xã gọi là Xã chính, sau đó gọi là Xã trưởng, người giúp việc là Xã sử, Xã tư, người làm nhiệm vụ giám sát là Xã giám.

Từ thời Minh Mệnh (1820-1840) trở đi, chức danh Xã trưởng được thay bằng chức danh Lý trưởng, cấp phó của Lý trưởng là Phó lý. Chức Xã trưởng, Lý trưởng do toàn dân của xã bầu ra và có sự chuẩn y của Tri huyện (cũng là người trực tiếp cách chức hoặc bãi nhiệm, miễn nhiệm chức Lý trưởng). Còn gọi là Chánh Tổng, ví như cụ Chánh Mai trong họ nhà tôi.

Lý trưởng được sử dụng con dấu bằng đồng. Nhiệm kỳ của Xã trưởng, Lý trưởng là 3 năm.

 Những làng nhỏ gọi là thôn trực thuộc xã thì có Thôn trưởng. Thôn trưởng không có con dấu. Thời Nguyễn, chức Xã trưởng (Lý trưởng) không có lương mà được làng cho cày cấy một số ruộng. Đến năm 1921, Lý trưởng nếu đi lên huyện, lên tỉnh vì việc công thì được làng cấp cho một số tiền lộ phí.

3.2. Giúp việc cho Lý trưởng về mặt bảo vệ trật tự an ninh trong làng có lực lượng tuần phiên. Lực lượng tuần phiên chỉ có nam giới và được sử dụng vũ khí thô sơ (giáo, mác, gậy, côn, mã tấu, gươm,…) do bản thân người đó tự trang bị. Chức năng của họ là tuần tra, canh gác “nội hương ấp, ngoại đồng điền”, đêm đêm cử người trực ở điếm canh trên các cổng làng. Bồi dưỡng cho lực lượng tuần phiên được trích từ “lúa sương túc” (còn gọi là “lúa bờ”). Tuỳ theo số ruộng của mỗi làng, có làng quy định chủ ruộng phải trích ra mỗi sào ruộng 1 hoặc 2, 3 lượm lúa để chi cho tuần phiên.

Người đứng đầu gọi là Trương tuần (trước đó gọi là Khán thủ). Ví dụ bác Trương Tiếp nhà tôi!

3.3. Giúp việc cho Lý trưởng về mặt hộ khẩu, hôn nhân, giá thú, đất đai là Trưởng bạ kiêm Hộ lại. Cũng có làng hai chức vụ này do hai người đảm nhiệm, trong đó Trưởng bạ chỉ làm những công việc liên quan đến ruộng, đất, ao, vườn. Những công việc còn lại là của Hộ lại.

3.4. Giúp việc cho Lý trưởng còn có một Thư ký và một Thủ quỹ làm nhiệm vụ ghi chép và giữ tiền thuế, tiền sưu, các loại tiền phạt; ghi chép và giữ đinh bạ (sổ ghi danh sách nam giới của làng) và địa bạ (sổ ghi ruộng đất của các hộ trong làng),… Cũng có làng, không có chức Hộ lại mà chỉ có chức Thư ký.

Khi người Pháp sang cai trị nước ta, vào đầu thế kỷ XX, mỗi làng có một Hội đồng Kỳ mục (HĐKM). Người đứng đầu HĐKM là cụ Tiên chỉ, cấp phó của HĐKM là Thứ chỉ. Tôi có ông bác trong bếp được làng xưng tụng là Tiên chỉ!

Đến năm 1921, HĐKM được thay bằng Hội đồng tộc biểu (HĐTB). Số lượng thành viên HĐTB tuỳ thuộc vào số họ và số nhân khẩu của làng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐTB là quản lý làng xã, thi hành các chỉ thị của nhà nước bảo hộ và triều đình, phân bổ sưu thuế, dự toán và quyết toán ngân sách, quản lý tài sản công của làng.

Theo quy định của Nghị định số 1949 ban hành ngày 12 tháng 8 năm 1921 của Thống sứ Bắc kỳ, HĐTB có thành viên là đại diện các dòng họ, có tài sản, biết chữ quốc ngữ và từ 25 tuổi trở lên. Đứng đầu của Hội đồng này là Chánh Hương hội (các bản Hương ước và văn bia thường viết là Chánh hội). Giúp việc cho Chánh Hương hội là Phó Hương hội. Nhiệm kỳ của HĐTB là 3 năm. Hội đồng họp mỗi tháng 2 kỳ vào ngày mùng Một và ngày 15 âm lịch hàng tháng. Địa điểm họp là đình làng.

3.5. Ngoài các chức danh trên, làng xã thời Nguyễn còn có một số chức danh:

- Lý Cựu: là người làm Lý trưởng khi đã thôi không giữ chức đó nữa.

- Lý mua: là người có được hàm Lý trưởng do bỏ tiền ra mua. Họ nhà tôi rất nhiều người là “lý trưởng, phó lý” là vì vậy.

- Ông Đám (có làng gọi là Quan Đám, có làng gọi là Cai Đám): Chức Ông Đám do dân làng bầu ra để làm việc thờ cúng Thành hoàng với nhiệm kỳ là một năm. Để được làng bầu vào chức Ông Đám, người đó phải có đủ các tiêu chí: là dân chính cư của làng, con cái đề huề, vợ chồng song toàn, có tài sản, không can án, được dân làng tin phục.

Người có một trong những chức danh trên đây, được dân làng gọi kèm theo tên (hoặc tên con cả) trong suốt cuộc đời, và vợ người đó cũng được gọi theo chức của chồng: bà Lý (chồng làm Lý trưởng), bà Chánh (chồng làm Chánh Hương hội), bác Thơ (chồng làm Thư ký),…

- Lềnh: là danh xưng của người đàn ông ở tuổi 49 làm nhiệm vụ đánh lệnh trong các buổi tế ở đình; làm nhiệm vụ chấp hiệu trong các đám tang ở làng.

- Mõ: là danh xưng của người đàn ông làm việc hầu hạ các chức dịch trong làng mỗi khi làng có việc công ở đình và đi khắp các ngõ xóm trong làng, tay gõ mõ, miệng rao to mỗi khi Lý trưởng cần thông báo cho toàn dân một việc gì đó.

- Nhiêu: là danh xưng của người đàn ông chính cư của làng bỏ ra một khoản tiền mua một suất nhiêu để không phải đi lính, không chịu phu phen, tạp dịch. Người già mà có nhiêu thì gọi là Lão Nhiêu.

- Câu Đương: là danh xưng (cũng có thể hiểu là chức danh) của người đứng đầu trong số những người bằng tuổi mình trong việc sự thần. Cụ thể là: đến năm nào đó, trong làng có nhiều người tuổi 49. Trong số đó, họ phải cử một người đứng đầu nhóm. Nguyên tắc cử người đứng đầu là: người có tháng sinh cao hơn. Nếu có 2 người cùng tháng sinh thì cử người có ngày sinh cao hơn. Nếu có 2 người cùng ngày sinh thì cử người có tuổi của bố cao hơn.

-Bá hộ hay bách hộ là phẩm hàm cấp cho hào lí hoặc kẻ giàu có, nhiều điền sản, là một hư hàm, có thể mua được, nó ngang với “Cửu phẩm”. Tương tự phẩm hàm “Viên ngoại” bên Trung Quốc trong câu “có nhà viên ngoại họ Vương” ở Kiều! Họ ta có Bá hộ Ổn!

4. Lại biết rằng: ngôi thứ kỳ mục còn được làng đem ra mua bán vào trong những dịp làng cần tiền chi tiêu cho công, hoặc việc công, ví dụ như tu sửa đình chùa, đóng quốc trái… Hôm đó, các vị trùm trưởng cùng kỳ mục khác ra tụ họp tại kiều sở, cùng nhau ra soát xem trong làng có ai đã mua chức “nhiêu nam” (chức làng trả tiền để bán cho, những người bỏ tiền để mua thì được miễn đi phu, đi tuần).

Tìm được người đó thì kỳ mục sai mõ gọi ra kiều sở. Một vị trùm trưởng hoặc kỳ mục sẽ thông báo lý do có việc chi tiêu cần bán kỳ mục, với một khoản tiền nhất định và một bữa khao dân làng. Nếu người “nhiêu nam” bằng lòng mua ngôi thứ kỳ mục thì có lời đồng ý, rồi mời các trùm trưởng và kỳ mục về nhà cùng làm khoán văn và chuẩn bị cỗ ký điểm.

Nội dung khoán văn sẽ nêu nguyên do việc làng cần chi tiêu, số tiền đóng góp của người mua kỳ mục. Chấp thuận để người này đứng dự vào hàng kỳ mục. Những nghĩa vụ thuộc về chức phận thuộc về người mua kỳ mục chịu giống dân làng và các khoản miễn trừ.

Tờ khoán văn trên viết xong. Các trùm trưởng, kỳ mục ký tên, điểm chỉ vào rồi giao tờ khoán cho người mua chức, để người đó giao tiền. Xong xuôi công việc, mọi người ngồi vào mâm ăn cỗ. Cỗ ấy gọi là cỗ ký điểm. Người mua kỳ mục lại thêm một khoản tiền riêng 3 quan, số tiền này chia đều cho các trùm trưởng và kỳ mục có mặt. Tiền ấy gọi là tiền ký điểm.

Những chức danh và danh xưng đó phản ánh tình hình hoạt động của bộ máy hành chính và hoạt động xã hội của làng, đồng thời thấy được sự cần thiết phải quản lý làng xã. Một số chức danh cũng mang lại  niềm vinh hiển cho thân nhân, gia đình, hậu nhân người đó; làm đẹp thêm cho Gia phả hay các bản Long văn!.

Tất nhiên, phải hiểu và sử dụng đúng, một trở ngại cho số đông con cháu hiện nay bởi một số danh xưng, chức vị đã trở thành quá vãng, trong khi người biết, hiểu về chữ, văn phong cổ thưa vắng dần!

-Lương Đức Mến, 16/02 Nh Quý Mão-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!