[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 3 2023

Tìm hiểu về BỐI CẢNH THỜI TỔ LẬP NGHIỆP TẠI CHIẾN THẮNG NAY

Tuần sau là Giỗ Tổ ngành, xin ôn lại một số thông tin về bối cảnh thời Tổ lập nghiệp và coi đó như một nén tâm nhang tưởng niệm người.

Chẳng rõ tự bao giờ, trong họ tôi có truyền rằng: vào thời Lê – Mạc (南北朝, 1533-1592), tổ Thượng Lương Đắc Cam 梁贵公諱甘字三郎 từ Thanh Hoá ra gặp học trò Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491-1585) ở Vĩnh Lại[1] xứ Đông. Trạng Trình đã đưa con cháu thầy học mình về lập nghiệp và gây dựng cho Lương Đắc Cam ở thôn xã Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖, huyện Tân Minh 新縣, phủ Nam Sách 南策, trấn Hải Dương 海陽 (nay là thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

Sau đó, theo thời gian, do di cư, bốc cư có tổ chức hay tự phát, bởi sinh kế hay nhiều lý do khác đã hình thành nên các chi phái họ Lương tại các nơi quanh vùng[2] ngay từ thế kỷ 17, 18, như: Trung Lăng 中陵, Dư Đông 余東, La Cầu 羅梂 thuộc tổng Phú Kê 富鷄 (nay là thị trấn Tiên Lãng); Xuân Úc 春郁, Văn Úc 文郁 thuộc tổng Dương Áo 陽襖 (nay là xã Hùng Thắng); Đăng Lai 登來, Phương Lai 方來, Quan Bồ 關蒲 thuộc tổng Kênh Thanh 涇清 (sau đổi Kinh Lương 涇涼,nay là xã Cấp Tiến)… thuộc Tiên Lãng; có nhánh vượt sông Văn Úc sang Hương Lạp 香粒, thuộc tổng Cao Mật 高密,huyện An Lão 安老,phủ Kinh Môn 荊門, trấn Hải Dương 海陽 (nay là xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng).

Sau khi lập nghiệp ở Tiên Minh 先明, Hải Dương 海洋 được 7,8 đời thì đến Thái Tổ ta là Lương Công Trạch 梁公宅  sống tại Đăng Lai 登來 (sau cải là Phương Lai 芳來, nay thuộc xã Cấp Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng) sinh 1 nam, 1 nữ. Gặp năm đói kém 家貧年奇,Thái Thủy tổ 太始祖[3] nhà tôi, Cụ Lương Công Trạch 梁公宅 cùng với vợ “bên nồi, bên con” gồng gánh từ bản quán là Đăng Lai 登來 (sau cải là Phương Lai 芳來), Tiên Minh 先明 sang Cao Mật 密肇, An Lão 安老[4] 

 Ban đầu Thái Thủy Tổ ở nhờ, làm thuê cho các gia đình họ Nguyễn 阮族, họ Mai 梅族 ở Hương, Hạ, tổng Cao Mật 高密, huyện An Lão 安老, phủ Kinh Môn 荊門, trấn Hải Dương 海洋 (Chiến Thắng, An Lão ngày nay). Họ Nguyễn vô tự, Cụ nhận lời ủy thác , để con trai (Nghệ ) ở lại khai cơ và sinh ra dòng họ Lương tại đây rồi trở lại bản quán 本貫 bên Tiên Minh 先明.

Cụ Nghệ sinh 6 nam, trừ  cụ Lẫm và cụ Chiêu khiếm tự, các cụ Tuấn , Tú , Thiệu , Linh là Tổ 4 chi phái họ Lương gốc Phương Hạ nay. Tổ tiên, lớp con cháu sau này, khi đến đất mới đã không coi mình là dân ngụ cư 寓居 mà sớm hoà đồng cùng với dân cũ 舊民 chung sức be bờ, thau chua, rửa mặn biến vũng lầy, bãi sú thành ruộng, thành vườn; vượt đất, trồng tre lập làng, lập xóm xây dựng nên khu vực xã Chiến Thắng ngày nay.

Dựa vào lịch sử và thực tế dòng họ cũng như các họ khác trong vùng, tôi ước tính thời điểm cụ Lương Công Trạch vượt sông Văn Úc sang Cao mật là vào khoảng năm 1750 thời Hiển Tông Lê Duy Diêu (顯宗黎維祧,1717 – 1786)- Minh Đô Vương Trịnh Doanh 明都王鄭楹, 1720 – 1767).

Tính từ khi Tổ sang khởi nghiệp bên bến sông Văn Úc, sinh 6 trai (Lẫm, Tuấn, Chiêu, Tú, Thiệu, Linh) và 3 gái, đến 2012 đã có đến đời thứ 12 là hậu duệ các Cụ: Tuấn, Tú, Thiệu, Linh (chưa có đầy đủ số liệu về xuất đinh và số hộ). Ban đầu con cháu vẫn giữ là Lương Công 梁公 đến đời thứ 3 các chi 1, 2, 4 ở Hương, Lộc đổi ra Lương Đức 梁德, chi 3 ở Hạ đổi: Lương Hoàn 梁完[5]. Cuối những năm 1980, trong Danh sách...các chi nhánh đều chép là Lương Công[6] nhưng hồ sơ cá nhân con cháu vẫn ghi theo Tổ Chi, trừ một số gia đình không nắm rõ đặt tên lót theo trào lưu!. Nhưng bất luận chữ đệm là gì thì họ Lương Chiến Thắng, dù là Lương Hoàn ở Hạ hay Lương Đức ở Hương, Lộc...đều là hậu duệ cụ Lương Công Nghệ 梁公羿, gốc Tiên Minh (nay là Tiên Lãng). Chuyện này tôi từng chép trong Văn Tế:

Gần Ba trăm năm trước “bên nồi bên con”; Vượt sông Văn Úc, dừng lại tả biên, vỡ ruộng khai hoang, tìm đất dựng nhà, tạo  nên dòng mới, định làng Hạ thôn.

Tộc Lương Mười Một  đời liền, Kế nghiệp Tổ,  cha truyền con nối; Từ đó ruộng vườn, sông bãi, đất trời, bát ngát hương hoa, rạng ngời công đức, cháu con hưởng Phúc cha ông, hậu sinh gắng bồi đắp mới…

Từ Phương Lai sang Cảnh Hưng xây nên quê mới, Dẫu cơ cực mỗi lúc khác nhau, song kiên gan đời nào vẫn vững.

Tổ xưa từ hai bàn tay trắng, nương nhờ họ Mai, họ Nguyễn mà mở đất lưu đến ngày nay và sẽ trường tồn mãi.

Cháu con nối dòng thau chua, rửa mặn, cùng dân Cốc, dân Hầu tạo nên Cao Mật trù phú bến sông Văn ngày thêm hưng thịnh .

Do vậy, điều cần biết là bối cảnh cụ thể thời cuối thế kỷ XVIII ra sao

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng, Nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) lập Dương Kinh 陽京 để tăng thanh thế và làm chỗ dựa hậu phương cho Vương triều, thực hiện cải cách, xây dựng nền kinh tế “duyên giang”, “hướng biển. Thực hiện kế sách đó, triều đình đã đưa tre, theo đường biển từ Thanh Hoá 清化 ra, tập hợp dân đóng kè quai đê lấn biển, ngăn mặn, nắn sông, lấp vũng trũng, phá sú vẹt vùng hạ lưu bên Tả sông Văn Úc …tạo đất xây thành và chỗ cho quan, quân, dân ở. Lâu dần, dân thau chua rửa mặn thành ruộng vườn, đắp đất tôn nền lập nên làng xóm thuộc huyện Nghi Dương 宜陽[7]. Đến thế kỷ XVI, XVII đây vẫn còn là vùng hoang thưa.

Đây là cuối thời “Lưỡng đầu chế” 兩頭制[8], cuộc tranh chấp Trịnh[9] – Nguyễn[10] (鄭阮紛爭, 1627-1774) còn gay gắt, loạn đảng[11] khắp nơi,... nên triều đình không rảnh tay lo mở mang, kiến thiết lại áp dụng chế độ hà khắc, thuế khóa nặng nề, sưu dịch phiền nhiễu như Đại Nam quốc sử diễn ca 大南國史演歌 đã viết:

Lòng người đâu chẳng loạn ly,

Ếch kêu ác hiệp[12] thiếu gì gần xa.

Lòng dân ly tán, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp đã đẩy dân nghèo càng cơ cực phải phiêu cư bạt tán trốn giặc giã và quan lại nhũng nhiễu, kiếm kế sinh nhai. Từ giữa thế kỷ XVIII trở đi là giai đoạn mà lịch sử Đại Việt, đặc biệt là vùng xứ Đông 東處 có nhiều biến động lớn về chính trị, đời sống xã hội ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra những đợt di cư lớn. 

Thời ấy vùng ở trong và ngoài đê Văn Úc phía trên Dương Kinh còn nhiều chỗ trũng phù sa chưa bồi lấp đầy, nhiều bãi lăn, lác, sú vẹt chưa được cải tạo thành ruộng. Đồng thời có nhiều ruộng đã được cầy cấy rồi bỏ hoang. Nơi đây cận sông, gần đường cái quan trở thành địa chỉ tốt để người dân quanh vùng đến khai khẩn đất hoang, chài lưới, sinh nhai. Trong đó có việc Lương Công Trạch 梁公澤 vào khoảng 1730-1750 từ Tiên Minh vượt Văn Úc sang Cao Mật.

Cư dân ngày thêm đông, các thế hệ con cháu của họ không coi mình là dân ngụ cư 寓居 đã cùng với dân cũ họ Nguyễn , họ Mai , họ Trần , họ Đào chung sức thau chua rửa mặn, đào mương khơi ngòi, vợt đất lập làng lập xóm xây dựng nên tổng Cao Mật mà từ 1950 là xã Chiến Thắng bên sông Văn đông đúc như ngày nay.

Như vậy, lúc này thời loạn lạc Lê - Mạc (南北朝, 1533-1592) đã qua, nhưng cuộc tranh chấp Trịnh – Nguyễn (鄭阮紛爭, 1627-1774) còn gay gắt. Chế độ hà khắc, thuế khóa nặng nề, sưu dịch phiền nhiễu, lòng dân ly tán, loạn đảng khắp nơi, chiến tranh liên miên, triều cương suy đồi… lại thiên tai liên tiếp đã đẩy xứ Đàng ngoài luôn hỗn loạn, đói kém, dân nghèo càng cơ cực phải phiêu cư bạt tán kiếm kế sinh nhai, trốn tránh giặc giã và quan lại cường hào. Đó là nguyên do chính dẫn đến việc Phạm Đình Khanh 范廷牼 từ Ân Thi[13] tới khởi nghiệp, lập ra dòng họ Phạm 范族 của mẹ tôi ở Cốc Tràng (tổng Cao Mật), Lương Công Trạch 梁公宅 từ Tiên Minh vượt Văn Úc sang lập ra dòng họ Lương 梁族 ở Hương Lạp nơi đây. Dòng họ Lương 梁族 nơi đây được hình thành từ đó.

Song cảnh binh đao chưa dừng: họ Trịnh mất nghiệp Chúa (1786), nhà Hậu Lê 黎後 bị diệt (1788), triều Tây Sơn 阮西山 được 4 năm (1788-1802) thì thuộc về nhà Nguyễn (阮氏, 1802-1945).

Tuy đất nước đã quy về một mối nhưng các mặt nông, công, thương,... đều suy đốn và đình trệ, làm cho các tầng lớp nhân dân mà đại bộ phận là dân lao động nghèo lâm vào cảnh sống ngày càng cơ cực, tình hình ngày càng thêm rối ren. Nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giới địa chủ, nạn những nhiễu của giới quan lại, chế độ thu tô thuế và lao dịch khắc nghiệt, thêm vào đó là nạn thiên tai và ôn dịch xảy ra luôn...đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, càng làm bùng lên làn sóng đấu tranh quyết liệt của các tầng lớp nhân dân nghèo đói ở khắp mọi miền chống lại chế độ cai trị của nhà Nguyễn. Trong đó vùng ven biển Bắc Bộ có khởi nghĩa của Phan Bá Vành (潘伯鑅, bắt đầu: 1821?, kết thúc: 1827), Lê Duy Lương (khởi phát: 1832, kết thúc: 1837 hoặc 1838)...liên quan nhiều đến con cháu Tổ.

Vì vậy, tuy đã lánh nạn nơi quê mới và không coi mình là dân ngụ cư 寓居 mà sớm hoà đồng cùng với dân cũ 舊民 chung sức be bờ, thau chua, rửa mặn biến vũng lầy, bãi sú thành ruộng, thành vườn; vượt đất, trồng tre lập làng, lập xóm xây dựng nên khu vực xã Chiến Thắng ngày nay nhưng con cháu Tổ cũng gặp lắm gian nan và khó có cơ làm giầu!

Tưởng nhớ Tổ, ôn lại vài chuyện cái thời đau thương và nhiễu nhương đó mà buồn! Riêng lai lịch Tổ cùng Phả hệ đến đời sau, xin chép và bài khác.

Trước khi dừng bài,  Cúi xin Tổ:

Giúp dòng tộc, giải trừ vận hạn, phù trợ cát tường, xây dựng ấm no, vượt qua khốn khó.

Nghiệp võ mở trí cho kẻ theo đòi văn sách, nghề văn độ trì cho người nghèo yếu nhiệt tâm, đạo sáng giúp kẻ lỗi đường quay về truyền thống.

Để dòng tộc xuôi cũng như ngược cùng toàn dân tạo nhân bản hài hòa, đồng thuận thương yêu,  kính trên trọng dưới.

-Lương Đức Mến, ngày 03/3/2023-



[1] Tức huyện Vĩnh Bảo, giáp với tỉnh Thái Bình. Nguyên xưa là đất Đồng Lị 同利. Thời thuộc Minh là huyện Đồng Lợi 同利縣 thuộc châu Hạ Hồng. Vì kiêng húy tên Lê Thái Tổ nên đầu đời Lê đổi là Đồng Lại 同賴. Năm 1469 Lê Thánh Tông cho đổi thành huyện Vĩnh Lại 永賴縣 đặt thuộc phủ Hạ Hồng. Năm 1838, Minh Mạng cắt 3 tổng (Thượng Am, Đông Am và Ngải Am) của Vĩnh Lại cùng với 5 tổng (An Bồ, Bắc Tạ, Đông Tạ, Viên Lang, Hu Trì) thuộc Tứ Kỳ lập huyện mới là Vĩnh Bảo 永寶縣. Xã Cổ Am  古庵 (quê Trạng Trình) cùng với 6 xã khác nằm trong tổng Đông Am 東庵, bên kia sông Hàn là huyện Tân Minh.

[2] Nhưng chưa tập hợp đủ tư liệu Gia phả để chắp nối. Việc soạn, lưu truyền Gia phả, chắp nối dòng họ vì thế ngày càng quan trọng và cần duy trì. Điều này đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của mọi quan viên họ, của các ngành, các chi, phái nhất là các vị huynh trưởng.

 Đến 2012, tính từ Tổ Thượng đã được gần 20 đời và con cháu họ Lương ở các xã thuộc Tiên Lãng và xã Chiến Thắng thuộc An Lão thống nhất xác định Lao Chữ (Chử Khê nay) là phát nguồn các chi phái với Tổ Thượng Lương Đắc Cam và tổ Đời thứ Hai là Lương Đắc Nhân, gốc từ Thanh Hóa ra. Do vậy các chi phái đều theo về Từ đường ở thôn Chử Khê xã Hùng Thắng giỗ Tổ vào dịp Tết Trung Thu 中秋节

[3] Bố của đời thứ nhất, người biết rõ tên, tuổi, lịch sử, công trạng, mồ mả được ghi trong gia phả.

[4] Chưa rõ Thái Thủy Tổ nhà tôi và Ngoại tổ là Lương Công Cảnh 梁公景 quê ở Quan Bồ 關蒲 thuộc nhánh nào, đời nào, quan hệ họ tộc ? Vì sao Đệ Nhất đại Tổ 第一代祖 Lương Công Nghệ 梁公藝 (con cụ Trạch, quê Đăng Lai) lại kết hôn với Tổ tỉ Lương Thị Còi  𣔞 (Ngỗi, hiệu Diệu Cần 妙勤, con Cụ Cảnh, quê Quan Bồ) cùng họ Lương 梁姓, cùng tổng Kinh Lương 涇涼 (nay là xã Cấp Tiến) được ?

[5] Đây không phải là trường hợp họ “kép” kiểu Tư Mã 司馬, Gia Cát 诸葛 hay Lương Khâu 梁丘, Cốc Lương 谷粱, Công Lương 公良 bên Tầu mà đơn thuần là việc đặt tên đệm. Việc thay tên lót này không thấy tài liệu nào chép lại rõ ràng. Mỗi người giải thích một cách,ví dụ: Các Chi mâu thẫn, không hợp được nên “tách họ” = thay chữ đệm. Trong đó, con cháu cụ Đồ Thiệu vốn chăm học nên đổi ra Lương Hoàn (với ý Hoàn mĩ), các ngành kia dù sao cũng muốn giữ cái đức nên đổi ra Lương Đức . Theo ý tôi: Chữ Công vốn không phải chữ  dùng ghi tên lót của đa số người Việt và hay đi liền chữ Đức (Tổ tông Công Đức, Con cháu Thảo Hiền); tên thuỵ các cụ có chữ Đức: Ví dụ cụ Lương Công Tú thuỵ là Đức Long, con cháu thấy hay bèn theo. Hoặc xưa cúng giỗ đều gọi Lương Công huý...tỏ ý cụ họ Lương tên là... về sau con cháu do Gia phả thất lạc nên nghĩ là Thuỷ Tổ dùng tên lót là “Công”.

[6] Điều này rất phiền phức cho ai đi công tác, học tập, trong giao dịch cần giấy tờ tuỳ thân, Văn bằng, Chứng nhận. Việc thay đổi tên họ phải được phép của Nhà nước, không thể tuỳ tiện. Hơn nữa chữ Công cũng chưa phải tên lót gốc (VN con trai thường đệm Văn). Do đó khi Khai sinh đệm sao thì nên giữ nguyên là hợp lí, hợp pháp..

[7] Nay thuộc quận Dương Kinh được thành lập theo nghị định 145/2007/NĐ-CP ngày 12/9/2007 của Chính phủ trên cơ sở tách 6 xã: Anh Dũng, Hưng Đạo, Đa Phúc, Hòa Nghĩa, Hải Thành, Tân Thành thuộc huyện Kiến Thụy cũ. Di tích về thành cổ và cung điện của Dương Kinh tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy.

[8] Tức thời vua Lê chúa Trịnh (黎帝鄭主, 1600-1787) với 2 đời vua Lê (thời Lê Trung hưng, 1533–1789) là Lê Ý Tông (黎懿宗, 1719 – 1759) và Lê Hiển Tông (显宗,1717 – 1786); 3 đời chúa Trịnh (主鄭, 1545-1787) là Trịnh Giang (鄭杠, 1711 – 1762, Trịnh Doanh (鄭楹,1720 – 1767) và Trịnh Sâm (鄭森,1739 – 1782)

[9] Khởi thủy là Trịnh Kiểm (鄭檢,1545-1570) khi thay thế cha vợ là Nguyễn Kim (阮淦, 1468-1545) lĩnh chức Thái sư 太師 nhưng đến Trịnh Tùng (鄭松, 1550 – 1623) mới chính thức xưng Chúa vào năm 1599 với danh Đô Nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương 都元帥 綜國政尚父 平安王 và kết thúc khi Trịnh Bồng (鄭篷, ?-1786) trốn chạy khỏi Phủ Chúa vì bị Nguyễn Hữu Chỉnh (阮有整, ?-1787) đánh dẹp.

[10] Khởi từ Nguyễn Hoàng (阮湟 tức Chúa Tiên, 1525-1613), bắt đầu xưng Chúa từ đời Nguyễn Phúc Chu (阮福啁, 1691-1725) và đến đời Nguyễn Phúc Khoát (阮福闊, 1738-1765) thì xưng Vương kéo đến cháu nội Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Ánh (阮福暎,  1762 – 1820) đánh tan nhà Tây Sơn (西山朝, 1778-1802) , lên ngôi Vua mở ra triều Nguyễn (阮朝,1802-1945).

[11] Trong đó đáng kể ở xứ Đông là anh em Nguyễn Tuyển 阮選, Nguyễn Cừ 阮蘧 (là hậu duệ của họ Mạc, đã chuyển họ) phối hợp với Vũ Trác Oánh 武卓瑩 nổi dậy ở Ninh Xá (1739-1741). Đặc biệt lớn mạnh nhất là khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (阮有求, 1741-1751), tục gọi Quận He từng chiếm Đồ Sơn, Vân Đồn, Trà Cổ, làm chủ cả vùng ven biển Đông Bắc, tự xưng Đông đạo Thống quốc Bảo dân Đại tướng quân. Triều đình phái Hoàng Ngũ Phúc (黃五福, 1713–1776), Phạm Đình Trọng ( , 1714-1754)  đàn áp mãi mới yên.

[12]  𡆌   chỉ việc giặc cướp nổi nên ồn ào náo động khắp nơi.

[13] Huyện Ân Thi 恩施 thuộc tỉnh Hưng Yên 興安, trước vốn có tên là Đường Hào 唐豪, 1891 cải Mỹ Hào thuộc Hải Dương, là quê hương của tướng quân Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255 - 1320).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!