Mấy hôm nữa là kỷ niệm 30 năm tái lập thị xã tỉnh lỵ Lào Cai (1/9/1992 – 1/9/2022)! Nhanh thật và nhìn lại chặng đường 30 năm qua càng thấy việc chọn nơi đây “đóng đô” thật là đúng đắn, “có tầm nhìn” của những lãnh đạo, “dám nghĩ, dám làm”!!
Tra tìm trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thành phố Lào Cai” (1950 - 2020) do Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Lào Cai chỉ đạo tổ chức nghiên cứu và biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tháng 10/2020 và nhiều tư liệu khác cùng chiêm nghiệm của bản thân đã thu nhận được một số điều. Soạn và chép, lưu lại đây để biết, để nhớ và khi cần mở ra xem.
1.Lào Cai trước ngày tái lập:
Sau đợt hai của chiến dịch Lê Hồng Phong (Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, 16/9-15/10/1950) thắng lợi, ngày 01/11/1950 tỉnh Lao Kay (Lào Cai) được giải phóng. Sau ngày được giải phóng, Tỉnh ủy chủ trương điều chỉnh và đặt tên lại một số đơn vị hành chính tại thị xã và các huyện.
Thực hiện chủ trương trên, thị xã Lào Cai điều chỉnh một số đơn vị hành chính và lấy tên các liệt sĩ đặt tên cho các đơn vị như: liệt sĩ Kim Hải[1]được đặt tên cho khu phố chạy dài từ cuối phố Cốc Lếu đến Cây số 4 (đường đi Sa Pa)[2]; tên liệt sĩ Duyên Hải được đặt cho phường Duyên Hải[3] ngày nay; tên liệt sĩ Trần Hợp đặt cho khu phố chạy dài từ cầu chui đến gần Bản Phiệt[4]; tên liệt sĩ Hoàng Sào đặt tên cho trường Đảng của tỉnh[5].
Năm 1954, hòa bình lập lại, thị xã Lào Cai điều chỉnh địa giới hành chính khu phố, chia thị xã thành 10 khu: Lào Cai, Trần Hợp, Cốc Lếu, Sơn Đạo, Đồng Tuyển, Duyên Hải, Cầu Đen, Kim Hải, Tân Ấp A, Tân Ấp B. Cuối năm 1955, thị xã Lào Cai một lần nữa điều chỉnh địa giới hành chính; xóa bỏ tên tiểu khu Kim Hải điều chỉnh lại địa giới hành chính, sáp nhập khu Kim Hải với thôn Tân Ấp A, B ở cuối sân bay Cốc Lếu. Lấy từ “Kim”, từ đầu của địa danh khu phố “Kim Hải”; đem ghép với từ “Tân” từ đầu của địa danh thôn “Tân Ấp” thành lập khu Kim Tân, thay cho khu Kim Hải[6].
Ngày 01/11/1960, tại Đại hội Đảng bộ toàn thể thị xã Lào Cai lần thứ I ban hành Nghị quyết sáp nhập 10 khu thành 4 khu phố đó là: Lào Cai, Cốc Lếu, Kim Tân, Duyên Hải. Bốn khu phố trên trực thuộc thị xã Lào Cai một thời gian dài cho đến ngày nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 02/1979.
Ngày 01/01/1976, ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn [7], thị xã Lào Cai trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Hoàng Liên Sơn, bao gồm 4 phường: Cốc Lếu, Duyên Hải, Kim Tân, Lào Cai và xã Nam Cường, xã Vạn Hòa. Khi tình hình biên giới căng thẳng, tỉnh lỵ tỉnh Hoàng Liên Sơn từ thị xã Lào Cai chuyển về thị xã Yên Bái, từ 1978 thị xã Lào Cai không phải là thị xã tỉnh lỵ.
Ngày 16/01/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/CP về việc phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, theo đó xã Đồng Tuyển, huyện Bát Xát và xã Cam Đường, xã Nam Cường, huyện Bảo Thắng chuyển về thị xã Lào Cai quản lý.
Trong chiến tranh biên giới năm 1979, thị xã Lào Cai bị thiệt hại nặng nề, xã Đồng Tuyển và 3 tiểu khu Cốc Lếu, Duyên Hải, Kim Tân trở thành vành đai trắng nên bị giải thể. Ngoài ra, cầu Cốc Lếu bị đánh sập gây chia cắt giao thông hai bờ sông Hồng nên vào ngày 26/2/1980, tiểu khu Lào Cai và xã Vạn Hòa nằm ở tả ngạn chuyển trực thuộc huyện Bảo Thắng[8].
Trước đó, sau khi PLA rút quân, ngày 17/4/1979 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 168-NĐ/HĐBT sáp nhập 2 thị xã Lào Cai và Cam Đường thành một thị xã lấy tên là thị xã Lào Cai, thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn; lần này được quy hoạch trên cơ sở diện tích của 2 thị xã hợp lại sẽ tăng lên theo cơ học. Thị xã Lào Cai (mới) có diện tích tự nhiên là 11.438ha, tăng gần gấp hai lần thị xã (cũ) có 2 xã và 4 phường; sau khi sáp nhập tăng thành 4 xã (Đồng Tuyển, Vạn Hòa, Cam Đường, Nam Cường), 6 phường (Lào Cai, Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Pom Hán, Bắc Lệnh).
Tiếp theo, ngày 17/9/1981, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn ban hành Quyết định số 1218/QĐ-UBND chia tách xã Cam Đường để thành lập phường Xuân Tăng, Thống Nhất, trực thuộc thị xã Lào Cai (mới).
Tháng 4/1982, xã Đồng Tuyển được tái lập, bao gồm cả địa bàn các khu Kim Tân, Duyên Hải, Cốc Lếu và vùng đất xã Đồng Tuyển hiện nay[9].
Ngày 13/01/1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 08/HĐBT về hoạch định địa giới hành chính thị xã Lào Cai, tách 2 xã Tả Phời, Hợp Thành của huyện Bảo Thắng trực thuộc thị xã Lào Cai.
Trong thời gian 2 thị xã sáp nhập 4/1979 - 8/1992, Đảng bộ thị xã Lào Cai (mới) tổ chức 5 lần đại hội: nhiệm kỳ 8/1980 - 1982, nhiệm kỳ 1982 - 1986, nhiệm kỳ 1986 - 1989, nhiệm kỳ 1989 - 1991, nhiệm kỳ 1991 - 1995.
15 năm trong ngôi nhà chung, tỉnh Hoàng Liên Sơn có những bước phát triển nhất định, đặc biệt đã góp phần cùng toàn dân giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới 279 và cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch (1978-1985). Nhưng thực tế thấy rõ mô hình tỉnh có địa dự rộng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập (về quản lý địa bàn, về phát triển KTXH, về xây dựng đội ngũ,…) trong khi tình hình thế giới, khu vực và toàn quốc xuất hiện những yếu tố mới, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá VIII ngày 12/8/1991 ra Nghị quyết trong đó có nội dung: “…2. Chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai[10]” và tỉnh Lào Cai được tái lập tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn[11], thị xã Lào Cai trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Lào Cai [12]. Ngày 20/9/1991 Bộ Chính trị đã ra Quyết định chỉ định BCH lâm thời Đảng bộ Lào Cai gồm 21 đ/c do đ/c Tráng A Pao làm Bí thư, đ/c Nguyễn Quý Đăng là PBT kiêm Chủ tịch UBND tỉnh và đến 01/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động bằng việc hoàn thiện bộ máy lãnh đạo tỉnh và các ngành do chỉ định của ngành dọc hay của UBND tỉnh. Mấy ngày đầu cơ quan đầu não của tỉnh vẫn đóng tại thị xã Yên Bái (trong trụ sở các cơ quan tương ứng của tỉnh Hoàng Liên Sơn trước đây).
2.Thị xã Lào Cai được tái lập:
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/8/1991 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có việc Chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai)[13], ngày 30/8/1991, tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra Nghị quyết số 12-NQ/TU chỉ đạo việc chia “tách tỉnh Hoàng Liên Sơn”.
Mọi hoạt động của tỉnh Lào Cai sau những ngày bịn rịn chia tay ở Yên Bái, những ngày tất bật sắp xếp nơi tập kết...dần ổn định. Đảng bộ tiến hành Đại hội đại biểu (vòng 2 của Khóa V). Với Lào Cai, Vòng 2 này được xác định là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (họp từ ngày 9/01/1992 đến ngày 1101/1992, tại Hội trường mỏ Apatít Việt Nam). Đây chính là Đại hội mở đầu quá trình lãnh đạo tái thiết Lào Cai, xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ1991 - 1996; từng bước xây dựng vị thế mới Lào Cai trên khu vực biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.
Thị xã Lào Cai sau khi rà soát mìn, tạo mặt bằng được tiến hành xây dựng mới hoàn toàn, đường giao thông được ưu tiên hiện hình, khu dân cư và trụ sở các cơ quan nơi đang san ủi, nơi mới phát quang, nơi còn đang trên bản vẽ…
Sau hơn 10 năm 2 thị xã sáp nhập (4/1979 - 8/1992), bên cạnh nhưng thành tích, kết quả tốt đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, do đó cần phải chia tách để hoạt động hiệu quả hơn. Theo nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc thị xã Lào Cai (mới), ngày 09/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 205/HĐBT phân vạch điều chỉnh địa giới thị xã Lào Cai và tái lập thị xã Cam Đường. Đảng bộ 2 thị xã chính thức hoạt động từ ngày 10/8/1992, theo Quyết định số 47-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về việc thành lập Đảng bộ thị xã Lào Cai và tái lập Đảng bộ thị xã Cam Đường.
Ngày 01/7/1992, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ ban hành Quyết định số 412/TCCP về việc chia tách xã Nam Cường thành 2 xã: Bắc Cường và Nam Cường. Theo quyết định này, xã Bắc Cường trực thuộc thị xã Lào Cai, xã Nam Cường trực thuộc thị xã Cam Đường.
Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Lào Cai khóa XV gồm 23 đồng chí, chuyển thành Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Cam Đường do đồng chí Hà Văn Hiền làm Bí thư, đồng chí Đỗ Văn Tích làm Phó Bí thư Thường trực.
Căn cứ nội dung Quyết định trên, Đảng bộ thị xã Cam Đường tiếp tục thực hiện Nghị quyết lần thứ XV, vòng 2 (tháng 11/1991) của Đảng bộ thị xã Lào Cai (cũ) cho đến hết nhiệm kỳ và các kỳ đại hội được tính liên tục từ các lần đại hội trước của Đảng bộ.
Trên cơ sở tách thị xã Lào Cai (trước đây) thành thị xã Lào Cai (mới) và nơi đây được hoạch định lại ranh giới, với chức năng là một thị xã tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lào Cai tái lập, được chia thành bốn trung tâm hành chính[14]:
Khu Kim Tân là khu chính nơi tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh và những ngành quan trọng[15];
Khu Cốc Lếu là nơi xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ... và các cơ quan của thị xã Lào Cai;
Khu Lào Cai (Phố Tèo[16]) là nơi xây dựng những công trình phục vụ cho mọi hoạt động của cửa khẩu quốc tế, quốc gia;
Khu Phố Mới là nơi xây dựng các kho tàng, bến bãi... phục vụ cho công tác trung chuyển hàng hóa, khách hàng[17].
Thị xã Lào Cai được hoạch định lại có diện tích tự nhiên là 5.038ha, với 6.375 khẩu gồm 3 xã: Đồng Tuyển, Vạn Hòa, Bắc Cường và 5 phường: Lào Cai, Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Phố Mới.
Lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai ngày tái lập tỉnh gồm: Giám đốc Giàng Seo Dín (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy AN Công an HLS, nghỉ hưu năm 1999, sau đó mất tại Bắc Hà do bệnh trọng) đóng quân tại Tằng Loỏng; các Phó Giám đốc Bùi Anh Xuân (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng BCHCS Công an HLS, nghỉ hưu 1999, hiện cư trú tại xã Thống Nhất, tf Lào Cai) phụ trách XDLL-HC đóng ở Tằng Loỏng, Hoàng Minh Ngọc (nguyên Phó BCHAN Công an HLS, từ 2000 là Giám đốc nghỉ hưu 2011 với cấp hàm Thiếu tướng, cấp tướng đầu tiên của Lào Cai, hiện cư ngụ tại phường Bắc Cường, tf Lào Cai) đóng quân tại Phố Lu và Hoàng Công Tế (nguyên Trưởng Công an thị xã Lào Cai, nghỉ hưu năm 2007, cư ngụ tại phường Cốc Lếu, tf Lào Cai). LLCSND được sắp xếp tại khu Cung ứng Mỏ Aptite ở Cam Đường. Khu này có 01 dãy nhà kho, 3 dãy nhà làm việc đều xây cấp 4 cũ. Các BCHAN và BCHCS được giải thể sau khi có Quyết định số 682/QĐ-BNV ngày 12/6/1992 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tổ chức bộ máy Công an tỉnh Lào Cai. Các đơn vị mỗi tháng được cấp 10-15 lít xăng nhưng xuống tận Tằng Loỏng lấy, khi quay về Cam Đường coi như gần hết !
Chính trong bối cảnh đó, trên địa bàn mới, PC 21 Lào Cai do tôi làm Trưởng phòng đã góp phần cùng toàn lực lượng tham gia xử lý nhiều vụ việc phức tạp. Có thể kể đến: vụ nổ làm chết tại chỗ 1 Sĩ quan D7 là Đ.V.H và chết trên đường đi cấp cứu 1 sĩ quan khác cùng đơn vị tên là N.T.L. xẩy ra ngày 09/10/1991 tại quán nước chị H. ở Cốc San, Bát Xát; đề xuất giám định dấu vết súng đạn cung cấp chứng cứ quyết định buộc tên Lã Thanh Bình từng gây nhiều vụ cướp của giết người trong những năm 1989, 1990 phải chịu hình phạt cao nhất (tử hình, bản án thi hành ngày 21/4/1993 là trường hợp tử hình đầu tiên ở tỉnh Lào Cai mới và cũng là trường hợp duy nhất việc tử hình được tiến hành tại một bãi trống thuộc địa bàn xã Đồng Tuyển, cạnh cầu km 4)[18]; vụ sập nhà vòm (kho lương thực cũ, sót lại sau CT 2/1979) ở Tổ 4 phường Cốc Lếu, thị xã Lào Cai 28/12/1992 làm chết 4 người thuộc đơn vị C25 E174 F316.
Để yên lòng CBND và “chiêu hiền đãi sĩ”, tỉnh có chủ trương cấp đất cho CBCNV công tác tại các cơ quan thuộc tỉnh Lào Cai. Nhà ở của nhân dân chia theo lô và bố trí xen kẽ công sở ở cả Kim Tân, Cốc Lếu, Lào Cai, Phố Mới. Tỉnh lị cũng như toàn tỉnh Lào Cai mới đã hiện diện và bắt đầu những bước đi vững chắc.
Nhưng nhu cầu xin cấp đất của nhân dân ngày càng đông, càng bức thiết, thị xã đã chủ trương phân ra từng đối tượng để giải quyết trên nguyên tắc chấp hành đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Do có chủ trương đúng đắn của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Ban Thường vụ Thị uỷ nên việc cấp đất tuy phức tạp, có một số vụ xảy ra tranh chấp, song cuối cùng cũng dần được giải quyết tương đối ổn thoả. Cái lạ là ngày đó, các đường phố còn gọi theo tên con số, ví dụ đường 7, nhánh 3, 4…” mà danh xưng này còn tồn tại đến tận ngày nay. Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lên thăm Lào Cai đã thốt lên những cảm xúc:
“Lào Cai thị xã mình đây,
Con đường đỏ bụi hàng cây vừa trồng,
Cầu Cốc Lếu bắc chưa xong,
Tìm em anh phải qua sông bằng phà,
Đến nhà chưa có số nhà,
Con đường chưa có tên mà gọi tên”.
Ngoài việc xây dựng thành phố “giữa đống tro tàn”, bộ đội, công nhân và người dân thỉnh thoảng lại bị những quả mìn còn sót lại nổ gây thương vong. Ví dụ, tháng 3/1993 trong khi đào móng nhà ở phường Lào Cai, thợ xây đã chọc xà beng trúng mìn chống tăng còn sót lại sau 2/1979. Mìn nổ làm 2 người chết, 2 người bị thương, sập 2 nhà bên cạnh[19].
Mặc dù vậy, vượt lên tất cả, nhà dân, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp; các cơ sở trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi vui chơi giải trí, và các cửa hàng, siêu thị, chợ được xây dựng nhanh chóng, bề thế, vững chãi; hệ thống đường giao thông cả trục dọc, trục ngang, các ngõ, đường sắt đều dần hình thành, hoàn thiện và hiện đại; các cây cầu bắc qua sông, suối đã được xây dựng, mở rộng,... Bộ mặt thị xã ngày một hiện đại, tỏ rõ ý chí “an cư” và xứng tầm tỉnh lị, xứng là thành phố biên cương, “ngã ba sông”, nơi Nậm Thi giao nước với sông Hồng!
Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm qua tái lập tỉnh, 30 năm tái lập thị xã tỉnh lị Lào Cai thấy rõ việc chia tỉnh, lấy khu vực đô thị Lào Cai cũ làm tỉnh lị là phù hợp và chắc chắn không có bước ngoặt này thì vùng đất tỉnh Lào Cai, thành phố Lào Cai không thể có được diện mạo như ngày hôm nay. Qua đó càng thấy rõ sự phân chia địa giới, phân cấp hành chính…đâu chỉ căn cứ vào “cảm tính chủ quan”, ý chí của người có quyền không được đào tạo về quản lý một cách bài bản; đơn thuần dựa vào các đường “phân thủy”, “hợp thủy” sẵn có mà phải hội đủ các yếu tố: từ địa lý, phong thủy đến lịch sử rồi văn hóa vùng miền. Mọi sự “chia”, “nhập” vô lối, theo quy luật sẽ bộc lộ bất hợp lý ngay và đều phải trả giá[20].
3. Những năm đầu sau tái lập:
Đến 3/1993 các cơ quan tỉnh, từ nơi tập kết ở Bảo Thắng (Xuân Quang, thị trấn Phố Lu, thị trấn Tằng Loỏng), Cam Đường (khu Cung ứng Mỏ Apatite) chuyển hết lên thị xã Lào Cai (cũ) trong các căn nhà cấp 4 hay lán trại dựng tạm trên khu đất được cấp theo đúng Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 20/7/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với phương châm “nhanh gọn, an toàn và đảm bảo hoạt động bình thường”.
Tỉnh lị cũng như toàn tỉnh Lào Cai mới đã hiện diện và bắt đầu những bước đi vững chắc.
Ngày 03/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/CP về việc thành lập các phường thuộc thị xã Lào Cai. Theo đó các tiểu khu: Lào Cai, Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Phố Mới nâng cấp thành phường. Những ngày đó, nhớ mãi Lễ cắt băng thông Cầu Kiều, mở lại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sau 16 năm băng giá vào ngày 18/5/1993 mà lần đầu tiên, sau khi được Giám đốc cho phép, tôi đã sang bên Hà Khẩu ngắm cảnh bên đó.
Để đáp ứng đà tăng trưởng và mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế, cũng như giải quyết thỏa đáng mối quan hệ về dân số, nhà ở, đất đai và môi trường ở 2 đô thị Lào Cai và Cam Đường, cần được quy hoạch mở rộng để cho tương xứng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của thành phố trung tâm cấp vùng trong tương lai gần, ngày 31/11/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2002/NĐ-CP về việc sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã Lào Cai thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lào Cai. Khi đó thị xã có diện tích tự nhiên là 23.095,8ha và 77.167 khẩu, gồm 16 đơn vị hành chính (7 xã, 9 phường). Các phường là: Lào Cai, Phố Mới, Cốc Lếu, Kim Tân, Duyên Hải, Bắc Lệnh, Pom Hán, Xuân Tăng, Thống Nhất và các xã là: Vạn Hòa, Bắc Cường, Nam Cường, Đồng Tuyển, Cam Đường, Tả Phời, Hợp Thành.
Sau đó, ngày 30/11/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 195/2004/NĐ-CP thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai và thành lập các phường trực thuộc thành phố Lào Cai. Cũng tại Nghị định trên, thành lập các phường Bắc Cường, Nam Cường; tách một phần diện tích của xã Cam Đường để thành lập phường Bình Minh. Sau khi thành lập thêm phường Bình Minh, thành phố Lào Cai có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 12 phường: Lào Cai, Phố Mới, Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Pom Hán, Bắc Lệnh, Thống Nhất, Xuân Tăng, Bắc Cường, Nam Cường, Bình Minh và 5 xã: Vạn Hòa, Đồng Tuyển, Cam Đường, Tả Phời, Hợp Thành. Thành phố Lào Cai đến thời điểm tháng 11/2004 có diện tích tự nhiên là 22.150ha và 100.225 nhân khẩu.
4. Vĩ thanh
Chuyện nhập 2 thị xã làm một, nâng cấp thành thành phố (từ 30/11/2004), rồi đô thị loại II (từ 30/10/2014), tiến tới loại I,…là những chuyện phong phú và sẽ đề cập tới một dịp khác.
Hiện nay thành phố Lào Cai đã tiến hành kè dọc theo 2 bên sông Hồng, tạo ra một cảnh quan đẹp, là điểm nhấn cho thành phố. Phần nối giữa thị xã Lào Cai với Cam Đường, trước đây chỉ là núi đồi bỏ hoang, giờ đây một khu đô thị mới - khu đô thị Lào Cai - Cam Đường đã trở thành trung tâm mới của thành phố. Các cơ quan đầu não của tỉnh đã chuyển về đây. Một con đường rộng 58 m với 4 làn xe là đại lộ Trần Hưng Đạo, đi giữa khu đô thị mới là điểm nhấn quan trọng của thành phố. Lào Cai, thành phố biên giới phía bắc và là tỉnh lỵ của tỉnh Lào Cai, nơi có cửa khẩu quốc tế giao thương quan trọng ở tây bắc Việt Nam với phía tây nam Trung Quốc.
Chúng ta nguyện xây dựng “thành phố Lào Cai là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; là hạt nhân, tạo sức lan tỏa, phát triển cho các huyện, thị xã; là cơ sở, động lực, bảo đảm xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc”.
Tôi tự hào về thành phố biên cương nơi tôi sống và niềm tự hào đó càng nhân lên bởi từ 30 năm trước, lãnh đạo đã chọn nơi đây để “định đô”, trở thành thị xã tỉnh lị duy nhất của cả nước nằm ngay sát đường biên!.
[1] Đồng chí Kim Hải, cán bộ chính trị của Tỉnh ủy Sơn Tây (cũ) được điều lên Lào Cai công tác từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng chí được cấp trên cử về xây dựng phong trào xã Cam Đường từ năm 1946. Ngày 16/5/1948 (tức ngày 08 tháng Tư năm Mậu Tý), đồng chí đi diệt tề trừ gian ở Trại Mới (Phố Mới) thuộc xã Vạn Phúc (nay là xã Vạn Hòa). Trên đường trở về căn cứ cầu Xum (thôn Cánh Đông) thuyền bị đắm, đồng chí Kim Hải đã hy sinh cùng ông Điện (người lái đò thôn Cánh Đông) và 5 chiến sĩ bộ đội.
[2] Với trục chính là đường Hoàng Liên, được xây dựng ngay sau khi tái lập thị xã tỉnh lỵ, đây là con đường đầu tiên của thị xã Lào Cai ngày đầu tái lập. Nó tiếp đường Duyên Hà thuộc phường Duyên Hải chạy xuyên qua phường Cốc Lếu, Kim Tân, vượt cầu Kim Tân thành đường Hoàng Liên kéo dài qua Bắc Cường. Nhà tôi nằm phía bên số chẵn con đường Hoàng Liên gốc này (giữa trụ sở CA thành phố và CA phường Kim Tân).
[3] Đồng chí Duyên Hải là cán bộ dân vận của Tỉnh ủy Lào Cai, năm 1948 đồng chí xung phong vào vùng địch tạm chiếm hoạt động. Đồng chí được phân công phụ trách xã Phong Niên. Đầu năm 1949, đồng chí bị bọn tay sai của Châu úy Nông Dư Trang và Tổng đoàn Văn bắt giải lên thị xã Lào Cai nộp cho Pháp. Mật thám giam đồng chí ở trụ sở cũ của Công ty S.T.A.I (Công ty Vận tải ô tô Đông Dương) ở đầu cầu Cốc Lếu. Đồng chí bị tra tấn dã man, song vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong lần vượt ngục, chạy xuống mé sông dưới chân cầu Cốc Lếu bị bọn lính gác bắn, đồng chí hy sinh. Để ghi nhớ công lao của đồng chí, sau ngày tỉnh Lào Cai được giải phóng (ngày 01/11/1950), tên của đồng chí được đặt cho một khu là khu Duyên Hải, nay là phường Duyên Hải. (theo Hồi ký “Tiến lên con đường đấu tranh vũ trang” của đồng chí Trần Long).
Theo tôi biết thì chính Nông Du Trang là người có công trong trận hạ đồn Phố Lu. Đồn này nằm ở vị trí yết hầu án ngữ cửa ngõ Lào Cai do Vallet Olivie làm đồn trưởng, Châu uý Nông Du Trang 农愉奘 là Đồn phó. Ông người xã Phong Niên huyện Bảo Thắng, biết tiếng Pháp, chữ Hán, từng được đ/c Trần Long khi công tác tại huyện bộ Việt Minh Bảo Thắng giác ngộ từ 1946, rồi được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Bảo Thắng. Sau khi Pháp tái chiếm Lào Cai, chính quyền Cách mạng có kế hoạch đưa ông và gia đình cùng các cơ quan của huyện về Lục Yên. Nhưng ông xin ở lại với lý do phải lo cho gia đình, nhưng có lời hẹn khi nào quân ta trở lại sẽ ra làm việc tiếp. Giặc Pháp lôi kéo ông ra làm châu úy. Khi chuẩn bị nhổ đồn Phố Lu, Ban chỉ huy của ta nhận định: Với uy tín của cách mạng và sự tiến triển của tình thế, chắc chắn ông Nông Dư Trang sẽ ngả theo ta và kết quả đúng như vậy. Lúc 4 giờ kém 15’ ngày 05/3/1949, khi loa gọi hàng vừa vang lên, Châu uý cùng 2 người lính thân tín đã bắn chết Đồn trưởng sau đó tập hợp 43 lính Bảo an mang toàn bộ vũ khí nộp. Việc diệt Đồn Phố Lu đã tạo điều kiện chiến dịch Lao-Hà toàn thắng.
Trong chính quyền liên hiệp sau giải phóng Lào Cai, Nông Dư Trang là Phó Chủ tịch huyện Bảo Thắng. Từ 8/1968 nghỉ hưu cùng sống với người con thứ là Nông Văn Thèn ở Làng Đo Ngoài, xã Thái Niên, tới 11/1975 về Phong Niên ở cùng người con cả là Nông Khải Hồ (农凱胡, thày dạy tôi năm lớp 3,4) tại thôn Cốc Tủm.
Cụ mất ngày 23/6 Bính Thìn (thứ Hai ngày 19/7/1976) sau khi ốm nặng tại nhà con trai thứ là Nông Khai Xá ở Cốc Tủm (Phong Niên). Vợ hai và người con cả đã chuyển lên ở tại Tổ 6 phường Lào Cai, ven đường 7 vào ngã ba Bản Phiệt.
[4] Đồng chí Trần Hợp, Đại đội trưởng Đại đội vũ trang đã anh dũng hy sinh trong trận chống càn của địch vào Cam Đường ngày 13/01/1949.
[5] Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Sào, người dân tộc Tày quê ở làng Hẻo, xã Cam Đường.
[6] Tháng 10/2014, tên đồng chí Kim Hải đã được thành phố Lào Cai đặt cho một phố thuộc phường Phố Mới, thành phố Lào Cai.
[7] Theo Hồi kí của một đ/c nguyên lãnh đạo tỉnh Lào Cai và Hoàng Liên Sơn hồi đó thì ban đầu đã từng có những phương án đặt tên tỉnh hợp nhất như sau: Hoàng Liên Sơn (với nghĩa 3 tỉnh đều cùng chung dây mạch dãy núi HLS), Hồng Hà (con sông chẩy qua Lào Cai, Yên Bái), Hưng Hóa (tên thời Lê Nguyễn là địa phận của 3 tỉnh) hoặc Lào Yên Nghĩa (ghép chữ đầu 3 tỉnh dạng Hà Nam Ninh) hay Cai Bái Lộ (ghép chữ sau của tên 3 tỉnh!). Cuối cùng cái tên Hoàng Liên Sơn được chọn, là một trong 35 tỉnh và 3 thành phố hồi đó.
[8] Quyết định 61-CP năm 1980 điều chỉnh một số xã thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.
[9] Do hậu quả chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 02/1979, xã Đồng Tuyển và các khu: Kim Tân, Duyên Hải, Cốc Lếu, Lào Cai trở thành vành đai trắng, vì vậy xã Đồng Tuyển giải thể và nay được tái lập, còn các khu: Kim Tân, Duyên Hải, Cốc Lếu, Lào Cai do dân chưa hồi cư, nên sáp nhập với xã Đồng Tuyển.
[10] có 9 đơn vị hành chính gồm thị xã Lào Cai và 8 huyện: Bát Xát, Sapa, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Than Uyên, có diện tích tự nhiên 7.500km2 với số dân 470.000 người. Tỉnh ly: thị xã Lào Cai.
[11] So với Lào Cai ngày mới thành lập (1907) hay trước khi nhập tỉnh Hoàng Liên Sơn (1976) thì địa bàn Lào Cai mới không còn quản lý huyện Phong Thổ (về Lai Châu, nay là địa phận thị xã Lai Châu và huyện Phong Thổ) nhưng lại thêm đất đai và con người của huyện Than Uyên (vốn thuộc Nghĩa Lộ), Văn Bàn (vốn thuộc Yên Bái) và Bảo Yên (thành lập năm 1966 trên cơ sở một số xã tách từ huyện Lục Yên và các xã hữu ngạn của Văn Bàn thuộc Yên Bái).
[12] Mấy ngày đầu các cơ quan đầu não của tỉnh vẫn đóng tại thị xã Yên Bái. Việc chọn địa điểm làm thị xã cũng lắm phương án: Phố Lu, Tằng Loỏng, Sơn Hà-Sơn Hải, Cam Đường nhưng rồi thị xã Lào Cai đã được chọn, có ý kiến quyết định của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông lên thăm Lào Cai vào tháng 8/1992. Do có việc tái lập tỉnh Lào Cai, từ đầu tháng 10/1991 các cơ quan của tỉnh chuyển dần lên tập kết tại xã Xuân Quang, thị trấn Phố Lu, thị trấn Tằng Loỏng và thị xã Lào Cai (Cam Đường cũ) trong đó có cơ quan, như Công an tỉnh ở cả 3 nơi. Đến năm 6/1993 các cơ quan mới chuyển hết lên thị xã Lào Cai (cũ) trong các căn nhà cấp 4 hay lán trại tạm. Trong bối cảnh đó, gia đình cán bộ, công chức tỉnh, thị xã và đông đảo người ly tán sau chiến tranh biên giới được cấp đất ở, bắt đầu lại cuộc sống trong niềm vui khôn tả.
Thời gian đó, ngày 16 tháng 9 năm 1991, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có Quyết định số 150/QĐ-BNV về quy định tổ chức bộ máy Công an tỉnh Lào Cai. Đồng chí Giàng Seo Dín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn được chỉ định giữ chức Quyền Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai (đóng ở Tằng Loỏng). Đồng chí Bùi Anh Xuân, Phó Giám đốc, Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát Công an Hoàng Liên Sơn giữ chức Phó Giám đốc phụ trách Xây dựng lực lượng và Hậu cần Công an tỉnh Lào Cai (đóng ở Tằng Loỏng); Đồng chí Hoàng Minh Ngọc, Trưởng phòng PB11 HLS giữ chức Phó Giám đốc, Chỉ huy trưởng lực lượng An ninh Công an tỉnh Lào Cai (đóng ở Phố Lu); Đồng chí Hoàng Công Tế, Trưởng Công an thị xã Lào Cai giữ chức Phó Giám đốc, Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát Công an tỉnh Lào Cai (đóng ở khu Cung ửng Mỏ Apatit Cam Đường). Về tổ chức Công an tỉnh gồm 20 phòng ban: PA11, PA16, PA25, PA23, PA24, PB11, PC11, PC23, PC14 + 15, PC16, PC21, PC22, PC23, PC26, PC25, PX13, PX15, PV11, PH12, PV24. 09 Công an huyện, thị xã gồm: Công an thị xã Lào Cai, Công an huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc hà, Văn Bàn, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa, Than Uyên, với tổng số hơn 400 cán bộ chiến sĩ. Phòng PC21 của tôi đóng tại nhà Giao ca Cung ứng Mỏ.
Có thể nói với tỉnh Lào Cai tái lập việc xác lập thị xã tỉnh lỵ trên cơ sở thị xã Lào Cai cũ là một quyết định vô cùng khó khăn song đúng đắn, bởi nếu tỉnh quyết định đặt thị xã tỉnh lỵ ở Phố Lu thì trước sau cũng phải chuyển thị xã lên Lào Cai, lúc đó sẽ vô cùng tốn kém tiền bạc, nhân lực, kéo theo là lòng dân không phục và những hệ lụy của nó để Lào Cai khó có thể phát triển như ngày hôm nay.
[13] Cùng Nghị quyết này, có việc: Chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; Chia tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; Chia tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum; Chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh, lấy trên là tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây; Thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và 3 huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai và Điều chỉnh địa giới của Thủ đô Hà Nội.
[14] Khi đó thị xã Lào Cai toàn lau lách, chỉ còn nhà thờ, kho gạo ở Cốc Lếu, Đồn Biên phòng, vài nhà ở Phố Tèo, Công ty Dược ở cây 4... là còn bóng nhà xây, cây cầu biểu tượng của thị xã gục đổ xuống lòng sông. Đau nhất là đến tận mấy năm sau khi làm đường, làm nhà vẫn có người thiệt mạng do xà beng chọc vào mìn chống tăng gài từ ngày đó.
[15] Nhà riêng tôi ở phường này, trên trục Hoàng Liên. Khi đó gia đình tôi được cấp mảnh đất 90m2 bên đường “cao tốc” sau này khi đánh số là 328 đường Hoàng Liên, còn Công an tỉnh ở 270 (Khi Công an tỉnh chuyển xuống trụ sở mới ở Bắc Cường thì chuyển thành trụ sở Công an thành phố), cạnh UBND tỉnh (nay là trụ sở Thành ủy).
[16] Con phố nằm dưới chân đồi Hỏa Hiệu (nơi có Đền Thượng xây dựng từ thời Lê vào năm 1680) ven bờ Nậm Thi, ngày trước có khu ở trọ cho những người phục dịch, dân chăn ngựa thồ... Do con phố nhỏ, lại chủ yếu là người lao động ở, nên mỗi khi có việc cần thuê ngựa, người bốc vác, những nhà buôn người Hoa thường hay tìm đến và gọi tên là “Xiao zhen” 小鋪 (tiểu phố, nghĩa là phố nhỏ). Khi chiém và lên lập lại trật tự ở khu Bảo Thắng quan, người Pháp thấy tên “Xiao zhen” khó gọi, nên gọi lái đi là Phố Tèo.
Cũng có thuyết cho rằng: Sau khi chiếm được Lao Kay (Lao Cai), người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt Việt - Điền (Hà Nội - Côn Minh). Đầu năm 1898, sau khi đường sắt được xây dựng xong, nhà ga Lao Kay và cầu Hồ Kiều (bắc qua sông Nậm Thi) bằng sắt cũng được xây dựng để tàu hỏa đi thẳng sang Côn Minh và vào năm 1910, đoàn tàu hàng đầu tiên đã chạy thẳng một mạch từ Hà Nội đến Côn Minh. Đường sắt Việt - Điền đi vào hoạt động cũng là lúc đánh dấu sự tan rã của Mã phu đoàn 馬夫團. Vì thế, khu phố của cư dân Mã phu đoàn vắng dần vì hàng hóa được tàu hỏa chở hết, ngựa thồ không còn ai thuê, phu thồ không có việc phải đưa gia đình tản vào các bản xa ở Bát Xát, Cam Đường, Văn Bàn… Các gia đình phu thồ đi rồi, phố xá vắng tanh, chỉ còn lèo tèo vài dãy nhà lúp xúp ven sông. Có lẽ cái tên Phố Tèo hình thành từ đây. Những năm 1960, 1970 nơi đây có nghề chẻ nan và đan Cót nổi tiếng. Nay là phố Phan Bội Châu mà bên cạnh đó có chùa Tân Bảo, Đền Thượng nổi tiếng.
[17] Ngày nay, phường Lào Cai và phường Phố Mới đã nhập lại lấy tên chung là Lào Cai trở thành khu Du lịch tâm linh và phục vụ cho việc giao dịch hàng, người sang Trung Quốc. Khu kho tàng, bến bãi, trung chuyển hàng hóa sang Trung chuyển sang Duyên Hải.
[18] Từ 1994 là đường dẫn lên Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh và từ 2009 là đường lên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai. Nay là khu vực đường Hoàng Liên kéo dài.
[19] Khu đất cấp cho hộ gia đình ông L.N.K. Sau sự cố, hộ này đã chuyển đi và tỉnh cấp đất này cho Chi cục Kiểm lâm thị xã. Nay đối diện với con đường QL8 qua “cầu chui đi Bản Phiệt…
[20] Rõ ràng tiêu chí xác định các đơn vị hành chính, việc phân chia đơn vị hành chính lâu nay chưa được khoa học, chưa dựa trên các tiêu chí của địa lý, văn hoá, pháp luật hay Hiến pháp.
Nhớ lại, trước khi thống nhất đất nước miền Bắc có 28 tỉnh, 2 thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực Vĩnh Linh, miền Nam chia thành 44 tỉnh.
Sau 1975 một loạt tỉnh được hợp nhất và đến 1976 cả nước có 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 35 tỉnh và 3 thành phố. Sau bộc lộ những bất ổn nên lại lần lượt chia, tách tỉnh lớn làm 2 làm 3 tỉnh nhỏ, trả lại gần như cũ.
Mở đầu là Cao Lạng (năm 1978) tiếp theo là: Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh (1989) nâng cả nước có 44 tỉnh thành.
Riêng năm 1991 có 3 đợt tách các tỉnh: Hà Sơn Bình, Gia Lai - Kon Tum; Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên; Hà Nam Ninh, Thuận Hải; Cửu Long, Hậu Giang; cả nước có 53 tỉnh thành.
Năm 1996, 1997 tách tiếp 8 tỉnh: Bắc Thái, Hà Bắc, Nam Hà, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Quảng Nam-Đà Nẵng; Sông Bé, Minh Hải; cả nước có 61 tỉnh thành.
Năm 2004 tách 3 tỉnh: Lai Châu, Đắk Lắk, Cần Thơ và cả nước có 64 tỉnh thành. Giữa năm 2008 hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây và một số huyện của 2 tỉnh Vĩnh Yên, Hòa Bỉnh vào thành phố Hà Nội.
Hiện nay, tỉnh rộng nhất nước là Nghệ An (16 000 km2) và tỉnh đứng thứ 5 về diện tích, thứ 3 về dân số là Thanh Hóa liệu có “tách” không? Một số tỉnh không đủ “tiêu chí” về diện tích, dân số có “nhập” không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!