[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


20 tháng 8 2022

QUÊ TÔI, NHỮNG NGÀY GIÀNH, GIỮ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG

Là một xã nằm ở phía Tây Nam cuối huyện An Lão, Chiến Thắng có những biến động to lớn trong những tháng năm 1945-1950.

Hồi đó tôi còn chưa sinh (ngay cả cha mẹ tôi còn “chưa về với nhau”) nên những điều tôi viết ra sau đây đều là do thu lượm của cá nhân, khai thác tư liệu từ cuốn ĐỊA DANH LÀNG XÃ VIỆT NAM của Viện Hán Nôm,  LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ CHIẾN THẮNG (1945-2008) do Nhà XB Hải Phòng xuất bản 2008, LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN AN LÃO do Nhà XB Hải Phòng xuất bản 2000 và  LỊCH SỬ HẢI PHÒNG (Tập III) do Nhà XB Hải Phòng xuất bản 2020.

Trước kia, đây là đất tổng Cao Mật 高密, huyện An Lão 安老, phủ Kinh Môn 荊門, trấn Hải Dương 海洋. Tới 1945 vùng Cao Mật gồm 7 xã, thôn[1]  nằm 2 bên đường cái quan từ Kiến An sang Tiên Lãng, ở bên Tả sông Úc, tính từ thượng lưu xuống là: Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上, Hương Lạp 香粒[2], Mông Tràng Hạ 蒙場下, Cốc Tràng 谷場, Tôn Lộc 尊祿 và Cao Mật 高密 thuộc tổng Cao Mật, huỵện An Lão 安老, tỉnh Kiến An 建安. Đứng đầu các xã có Lý trưởng 俚長[3] dưới quyền Chánh tổng 正總[4].

Từ cuối 1944 từ Khu Tứ Nghi, ánh sáng của Cách mạng đã lan và ảnh hưởng tới vùng thôn quê ven bờ Tả sông Văn Úc này.

Sau trận đói đầu năm 1945 và sau khi Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), nhu cầu “phá kho thóc” chia cho dân nghèo có những bức xúc mới. Nhưng trong vùng không có các kho thóc lớn[5] để phá chia cho dân “cứu đói” nên cán bộ Việt Minh ở đây đã có những biện pháp phù hợp để giải quyết nạn đói trong các thôn làng. Trận lụt tháng 8/1945 và nạn đói tháng 3/1945 đã làm cho các thôn xã trong vùng xơ xác, tiêu điều. Nhưng những việc diệt “giặc đói”, “cứu đói thành công đã làm uy tín Việt Minh nâng cao và phong trào Cách mạng sôi động hơn.

Tận dụng cơ hội khi Kiến Thụy khởi nghĩa giành thắng lợi (15/8/1945)[6], ta giành chính quyền ở Kiến An (21/8/1945), lực lượng Cách mạng ở các thôn trong 2 xã đã tịch thu tín bài, con dấu của các Lý trưởng, thành lập chính quyền Cách mạng, hệ thống chính quyền tay sai cơ sở của địch (tề ngụy) gần như bị vô hiệu hóa.

Điển hình là Tôn Lộc (chủ yếu các ông họ Hoàng đảm trách chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch lâm thời), Cốc Tràng (họ Phạm, họ Đào), Mông Tràng Hạ (họ Lương, họ Đàm), làng Hương (Phương Lạp) của tôi, trong UBND Cách mạng Lâm thời có Lương Đức Kiêu, Đặng Văn Chung, Lương Đức Hiệp. Bên kia đương từ Kiến An sang Tiên Lãng, UBCMLT cũng được thành lập ở các làng Mông Thượng, Kim Côn, Côn Lĩnh.

Cùng với nhân dân cả nước, người dân vùng này  được sống trong không khí tự do của một đất nước Độc lập, ra sức ủng hộ chính quyền mới, xây dựng cuộc sống mới.

Nạn đói tuy được ngắn chặn nhưng việc giải quyết hậu quả của nó không hề đơn giản. Để ngăn chặn và giải quyết loại giặc này, nhân dân và chính quyền đã tiến hành “dặm” là các thửa ruộng còn lúa; phục hoang các thửa ruộng khác; vỡ hoang nơi cao ráo trồng khoai, ngô,…; thu hồi ruộng công điền chia cho dân nghèo; vận động giảm tô…Đặc biệt là việc thu thóc nghĩa sương, nấu cháo cứu tế,….Bên cạnh đó còn tích cực có nhiều biện pháp chống “gặc dốt, giặc ngoại xâm”, xây dựng đời sống mới, tích cực tham gia “Tuần lễ Vàng”, “Quỹ Độc lập”.

Đầu năm 1946, mặc dù tình hình đang rất phức tạp, song Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối tin tưởng vào nhân dân, vẫn quyết định tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội vào ngày 06/01/1946. Việc đó được nhân dân Cảnh Hưng, Kim Lĩnh Thượng hưởng ứng tích cực và nô nức tham gia. Bố đẻ tôi khi đó được cử vào Tổ Bầu cử do chữ đẹp, giọng đọc to, tiếng rõ.

Tiếp theo thắng lợi của Tổng tuyển cử, nhân dân lại tham gia bầu Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp thay thế cho Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập trước đó.

Tháng 3 năm 1946 Chính phủ VNDCCH chủ trương xóa bỏ cấp tổng thành lập cấp xã nhỏ hơn cấp tổng nhưng lớn hơn làng, xã cũ đồng thời bỏ cấp phủ, đổi làm huyện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện chỉ đạo ở trên, tháng 3/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật được quyết định nhập thành 2 xã rộng là: Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng). Riêng xã Cao Mật của tổng Cao Mật cũ thì cắt về xã An Thọ (tổng Đại Phương Lang cũ) và đó là thôn duy nhất của xã An Thọ giáp sông Văn Úc. Trong đó, xã Cảnh Hưng được lập tháng 6/1945 tại Đình làng Hạ do Lương Hoàn Hiếu làm chủ tịch và 8 ông bà khác với phụ trách Việt Minh là ông Hoàng Văn Sưởng.

Đồng thời với việc thiết lập, xây dựng, củng cố chính quyền mới, thanh niên nô nức gia nhập Vệ quốc Đoàn[7], hưởng ứng phong trào “Nam tiến”; lập các Đội Thanh niên xung phong (ở Cốc Tràng có 12 người, ở Tôn Lộc có 10 người), các Đội Dân quân tự vệ, Đội Du kích. Trong đó Đội Du kích  Phương Lạp do anh họ tôi là Lương Đức Tiêm làm Đội trưởng, chú ruột tôi cũng tham gia Đội này.

Chuẩn bị đói phó với “giặc ngoại xâm”, Ủy ban Kháng chiến được thành lập. Ở Cảnh Hưng do Lương Đức Chuyển làm Chủ tịch, ở Kim Lĩnh Thượng do ông Đặng Duy Thấn làm Chủ tịch. Các Ban chỉ huy xã đội được thành lập mà ở Cảnh Hưng do ông Hoàng Văn Duy là Xã đội trưởng và Lương Đức Tích là Xã đội phó. Trong những ngày tháng đó 2 xã tích cực cho du kịch, đào phá đường 354 (Kiến An sang Tiên Lãng).

Ngày 20/11/1946 Pháp tấn công thành phố Hải Phòng, nhân dân 2 xã đã tích cực chiến đấu, ngăn chặn quân địch từ Bến Khuể lên tấn công, chi viện cho quân Pháp ở Hải Phòng. Sau 7 ngày cầm cự kiên cường, LLVT của ta rút khỏi thành phố, nội đô Hải Phòng bị Pháp chiếm, nhân dân Cảnh Hưng, Kim Lĩnh Thượng đón đồng bào “tản cư”[8] về sinh sống, làm ăn; đón các đơn vị bộ đội về dừng chân củng cố lực lượng, huấn luyện.

 Chính quyền thôn, xã thiết lập xong, đi vào hoạt động cũng là lúc toàn dân bước vào cuộc kháng chiến 9 năm. Trong đó nổi bật cuộc chống càn của lính Pháp-Âu Phi thực hiện từ 25/4/1947 khi chúng đổ bộ lên Bến Khuể để vào Kiến An. Trận đó hai thôn Hương và Hạ có 5 người (2 du kích) bị chúng bắn chết. Tiếp theo chúng còn tổ chức các trận càn lớn trong các ngày 18/5 và 15/7/1947. Trước thế địch mạnh, để tránh tổn hại, nhân dân (trong đó gia đình bà tôi) phải tản cư sang Tiên Lãng. Chính tại nơi Tản cư này, bố đẻ tôi được một ông họ Phạm ở Cốc Tràng  “giác ngộ” thêm và đã hoạt động tích cực hơn.

Hồi ấy, vào ngày 15/8/1947 cùng với Đại Phương Lang, Kiến Thành, Đồng Phù, Văn Đẩu, Cảnh Hưng được đưa sang thuộc Kiến Thụy đến 1949 trở về An Lão.

Khi đó UBKC và UBHC đã nhập thành UBKCHC và Chủ tịch Cảnh Hưng khi đó là ông Phạm Văn Tước, Phó Chủ tịch là ông Hoàng Văn Chúng còn bên Kim Lĩnh Thượng  là các ông Đặng Duy Thấn, Đặng Duy Trình

Sau khi Đảng ta tuyên bố “tự giải tán”[9], thực ra là rút vào hoạt động bí mật, Đảng bộ huyện, tỉnh vẫn lãnh đạo các mặt công tác ở địa phương. Việc xây dựng phát triển tổ chức cơ sở đảng các cấp được hai đảng bộ đặc biệt chú ý.

Mỗi huyện đã có trên dưới ba chục đảng viên, gồm các chi bộ độc lập hoặc chi bộ ghép ở các xã. Hầu hết các chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền, mặt trận, lực lượng vũ trang đều do đảng viên đảm nhiệm. Thời kỳ đó Cảnh Hưng có 5 đảng viên, Kim Lĩnh Thượng có 7. Nhờ kết quả trên nên mặc dù rút vào hoạt động bí mật, vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn được giữ vững và phát huy hiệu quả.

Đầu năm 1948, ở Hải Phòng - Kiến An hình thành hai vùng rõ rệt: vùng bị địch tạm chiếm và vùng tự do, ngăn cách bởi con sông Văn Úc. Trong bối cảnh đó, địch kiểm soát gắt gao việc lưu thông những mặt hàng ta cần (nhất là xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bông vải sợi...) từ vùng tạm chiếm ra ngoài vùng tự do của ta, đồng thời khuyến khích đưa ra vùng tự do những thứ ta cấm như thuốc phiện, thuốc lá, rượu...

Ngày 08/4/1948, ta tổ chức đánh bốt Khuể lần 1 tuy không hạ được đồn giặc nhưng làm cho bọn đội Tây, lính ngụy lo sợ còn nhân dân và cán bộ phấn khởi, thêm tin theo kháng chiến. Vì vậy, tuy vẫn là “vùng tề” nhưng đồng bào Cảnh Hưng, Kim Lĩnh Thượng đi tản cư bên Tiên Lãng đã hồi cư về đông. Chính quyền tổ chức phong trào đấu tranh chống địch thu thuế, chống địch bắn giết trâu bò, phá hoại mùa màng, tổ chức cho dân quân, du kích canh gác bảo vệ nhân dân sản xuất để bảo đảm cuộc sống.

Đối phó lại, Pháp ra sức củng cố lực lượng, xây dựng các tuyến phòng thủ, tuyển quân ngụy, đẩy mạnh việc lập tề, “dùng người Việt đánh người Việt”....Chúng liến tiếp mở các cuộc càn quyét, vơ của, bắt lính. Đặc biệt là trận càn 8/1947 hay trong chiến dịch “con quỷ” DIABLE tháng 12/1949.

Ngày ấy, ta đã chủ trương và sử dụng đồng bộ các giải pháp để “lấy gậy ông đập lưng ông”. Đối với nguỵ binh, hương dõng, tổng dõng, hương vệ, gia đình nguỵ binh và tù hàng binh, đảng viên và cán bộ trong vùng thực hiện bí mật giao tiếp, gây nhân mối thông qua việc phân tích, phê phán những hành động sai trái như theo giặc giết hại đồng bào là có tội với Tổ quốc, với nhân dân, đồng thời từng bước giải thích, tuyên truyền chủ trương và tính chất chính nghĩa của kháng chiến, chính sách khoan hồng …để giác ngộ họ, dần dần cải tạo họ thành những người tích cực, có thể ủng hộ kháng chiến, hình thức cao nhất là làm nội ứng cho ta tập kích đánh địch, phá đồn.  Đặc biệt là với Đồn Khuể!

Những hình thức vận động đó cùng với các khẩu hiệu như  “bất hợp tác với giặc”, “không đi lính cầm súng cho giặc giết hại đồng bào”… đã có sức thuyết phục những người trót lầm đường theo giặc, trở về với cách mạng, với chính nghĩa.

Trong bối cảnh đó, cuộc tấn công phá bốt Khuể được khởi động từ tối 18/9/1949 với phương châm “bắt tay huynh đệ chạy sang hàng ngũ”.

Nhớ rằng Đồn Khuể khi đó được biên chế 7 lính Pháp, 33 lính ngụy do 1 quan Hai (đeo 2 vạch trên cầu vai, Lieutenant, tương đương Trung úy), 2 đội Tây (Sergent, tương đương Trung sĩ), 1 đội ta chỉ huy kèm 1 thông ngôn (tức phiên dịch). Đồn nằm án ngữ con đước từ Tiên Lãng (vùng tự do) sang An Lão (vùng tề) theo đường bộ và  từ biển đổ quân, khí giới vào Kiến An nên rất quan trọng với thực dan Pháp và thực sự là “cái gai”, cửa ải hiểm yếu của quân dân ta.

Trong quá trình này có việc Chú thím tôi chèo đò đưa cán bộ, bộ đội từ vùng Tự do bên Tiên Lãng qua sông Úc tiếp cần Locôt Khuể hay bố tôi chép lại thư của tổ chức cho nhân mối trong đồn,…

 Đêm 25/9/1949 (Chủ Nhật, 04/8 Kỷ Sửu) kế hoạch “binh biến” nhổ bốt Khuể đã thành công. Ta đã thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng trong Đồn; diệt 8 tên địch, số anh em binh lính còn lại được đưa ra và sau đã trực tiếp tham gia kháng chiến. Trận diệt đồn Khuể có nội ứng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch, sự kết hợp thành công giữa lực lượng tiến công từ ngoài vào và nhân mối trong đồn.

Từ sau trận “binh biến” nhổ bốt Khuể thành công, phong trào Cách mạng ở Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng phát triển tốt, đời sống nhân dân ổn định và phát triển. Để ghi nhớ trận đánh tiêu biểu đó và cũng phù hợp với hoàn cảnh mới, Chi bộ Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng nhập lại mang tên Chi bộ Chiến Thắng và từ 05/10/1950 (thứ Năm, ngày 24/8 Canh Dần) một địa danh mới với diện tích và dân số gồm 2 xã cũ (Cảnh Hưng, Kim Lĩnh Thượng) nằm 2 bên đường 354 từ Chợ Thái đến Bến Khuể là xã Chiến Thắng đã xuất hiện, tồn tại phát triển đến ngày nay.

Ngày 20/7/1954 miền Bắc được giải phóng nhưng vì nằm trong khu tập kết 300 ngày nên quân Pháp vẫn chiếm đóng tại xã. Hồi này có nơi như Kim Côn, Tôn Lộc nhiều gia đình di cư vào Nam. Ngày 10/5/1955 QĐNDVN tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản thành phố Hải Phòng và từ đó, quê tôi, xã Chiến Thắng mới “sạch bóng quân thù”.

Cũng vì vậy mà tôi sinh 23/02/1955 (đúng ra là 16/3/1955, 23/2 Ất Mùi) nhưng lại là “đẻ rơi” trong lúc mẹ tôi “chạy Tây Đen đuổi”!

-         Lương Đức Mến, tháng Cô hồn Nhâm Dần-



[1] Lệ cũ: thôn nào có trên 10 dòng họ sinh sống được gọi là xã nhưng dân gian quen gọi là làng . Thời kì nhà Đinh, trên xã là giáp ; thời Lê-Nguyễn trên xã là tổng , từ sau 1891 xã trực thuộc thẳng huyện .

[2] Năm 1883, vì húy tên dưỡng mẫu Vua Kiến Phúc (建福, 1869-1884) là Nguyễn Thị Hương 阮氏香 nên “Hương” phải đổi ra “Phương”   theo hướng thay chữ chuyển âm nhưng vẫn giữ lại nghĩa nên thành Phương Lạp 芳粒. 

[3]  Hay Xã trưởng là chức sắc đứng đầu hội đồng hương chức của một xã hay làng trong thời quân chủ, là chức quan cùng đinh trong bộ máy chính quyền phong kiến không được bổ nhiệm và hưởng bổng lộc của triều đình, chức vị này được dân làng bầu ra để thay mặt dân làng quản lý việc chung của làng. Giúp việc cho lý trưởng có phó lý và các hương trưởng. Khi lý trưởng vắng mặt thì phó lý làm thay công việc ở làng.Trong làng hễ có công việc hay xảy ra chuyện gì thì quan phủ, huyện sẽ bổ đầu lý trưởng, phó lý và hương trưởng mà sai bảo, trách tội.

Trên thực tế, có nhiều “lý mua”, tức là những người có tiền, ruộng (thường có phẩm hàm 品銜 Bá hộ ) sẽ bỏ ra để đổi lấy chức vị, cho vênh vang với đời. Do vầy mà trong dòng họ nhà tôi, trong một đời có ddến mấy Lý trưởng.

[4] Còn gọi là Cai tổng 總, là chức danh người đứng đầu một tổng, đơn vị hành chính dưới cấp huyện, gồm một số xã, được xếp trong ngạch nhân viên hành chính, được hưởng lương và xếp hạng bậc. Trước năm 1887, do chính phủ thực dân lựa chọn, chỉ định; Sau năm 1887, được tuyển chọn thông qua thi tuyển; Từ năm 1908, được tuyển lựa thông qua bầu cử mà cử tri là những người thuộc các thành phần có chức quyền, có tài sản, có bằng cấp và thống đốc là người có quyền quyết định cuối cùng trong việc tuyển chọn.

[5] Như các kho thóc của tư sản kiêm địa chủ là con gái Hoàng Trọng Phu ở ấp Đoan Xá; của Bá Chín Sầu ở ấp Tư Sinh; kho ở ấp Tư Thủy, Ninh Hải; của Vương Văn Minh;kho thóc ở chợ Đôi ở Tiên Lãng; của địa chủ Nguyễn Thừa Đạt…

[6] Đêm 14 rạng ngày 15/8/1945, ban lãnh đạo khởi nghĩa huy động tự vệ huyện Kiến Thụy làm lực lượng xung kích cùng với đông đảo quần chúng tiến hành khởi nghĩa, tước vũ khí và giành chính quyền thắng lợi. Chiều ngày 15/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời phủ Kiến Thụy được thành lập trong không khí cách mạng sôi nổi.

[7] Sau Cách mạng tháng Tám, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã lâm vào tình thế hiểm nghèo, thù trong, giặc ngoài. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiến hành sách lược mềm dẻo “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để giữ vững nền độc lập non trẻ. Trước sức ép của quân Tưởng Giới Thạch, ta linh động đưa Đảng ta vào hoạt động bí mật, tuyên bố “tự giải tán”. Để đáp ứng yêu sách của quân Tưởng đòi giải tán quân đội chính quy, tháng 11-1945, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn (còn gọi là Vệ quốc quân).

Sau này, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu  vào ngày 22-5-1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[8] Trong đó có Thím tôi sau này đã được viết trong chuyện về Chú ruột tôi.

[9] Ngày 11 tháng 11 năm 1945, trước tình thế “ngàn cân treo tren sợi tóc”,  Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, chuyển vào hoạt động bí mật, chỉ để một bộ phận hoạt động công khai dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Marx ở Đông Dương. Mọi hoạt động công khai của đảng từ đây đều thông qua Mặt trận Việt Minh và mọi từ chỉ Đảng được gọi là “đoàn thể”. Trên thực tế, Đảng vẫn hoạt động bí mật và giữ vai trò lãnh đạo chính quyền, chỉ đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!