[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


29 tháng 7 2022

Một THÁNG CÔ HỒN nữa bắt đầu

Đã sang tháng 7 âm lịch. Tháng lắm thứ kiêng, nhiều ngày cúng và mặc dù chả ai muốn nhưng vẫn phải trải qua.

(Tranh sư tầm trên MXH)

Tháng này có nhiều tên gọi, ví dụ: là tháng Thân (, nhiều loại hoa quả đến lúc chín gặp trời mưa dầm và có bão thời tiết không tốt; loài khỉ dễ sinh bệnh nên ốm yếu), thất nguyệt 七月, tháng hoa lan 蘭月,…

Song trong Dân gian phổ biến tên gọi là tháng cô hồn. Trong đó: “ là cô đơn, lẻ loi, cô độc, mồ côi; “hồn là phần thiêng liêng của con người. Như: “linh hồn” 靈魂 hồn thiêng, “tam hồn thất phách” 三魂七魄 ba hồn bảy víavong hồn, linh hồn, vong linh. “Cô hồn” (H: 孤魂, A: Abandoned spirits, P: Âmes abandonnées) chính là vong linh cô đơn, cô độc; là là hồn người chết hiu quạnh, không có thân nhân lo nhang khói, cúng tế, nên hồn lạnh lẽo, chịu đói khát, phải vất vưởng không nơi nương tựa. Người xưa cho rằng, đây là thời điểm ma quỷ, vong hồn quay lại trần gian mang theo những tai ương, xui rủi cho mọi người.

Tên gọi “tháng cô hồn” hay còn gọi là tháng “xá tội vong nhân” có nguồn gốc từ tôn giáo và do lan từ Trung Quốc sang và do vậy còn có thuật ngữ gọi tháng 7 Âm lịch là “Quỷ tiết” 鬼節, “Thi cô” 屍孤. Có điều này là do tích cổ Trung Hoa gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương 閻王  ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan 鬼門官 để ma quỷ trở lại cõi trần và đến rằm thì tất cả phải trở về, cửa địa ngục đóng lại Nên các cô hồn , ma quỷ đang ở trần gian thăm gia đình, con cháu, họ hàng người thân phải trở lại âm giới. Chuyện đó phù hợp với tín ngưỡng Phật giáo cho rằng khi chết đi, con người hoặc sẽ được đầu thai trở lại làm người, hoặc sẽ phải trở thành ma quỷ dựa vào việc họ là người tốt hay người xấu khi còn sống trên dương gian.

Trong Phật giáo (H: 佛敎, A: Buddhism, P: Bouddhisme) có chuyện kể rằng ngày trước, quỷ thường hay quấy phá, làm hại người, khiến họ không thể yên ổn làm ăn, khổ quá bèn kêu lên Phật . Đức Phật giúp con người trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục. Thế nhưng vì lượng cả từ bi, ngài cho phép chúng trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng 7.

Lại có chuyện rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà (Ānanda, 阿難陀/ 阿難 , tức Khánh Hỉ 慶喜, 605 – 485 tCn) một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con Ngạ quỷ (餓鬼, một dạng tái sinh khi con người chết đi: nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người còn nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm Ngạ quỷ) người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (焰口, diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.

A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để thêm phước. Theo lời quỷ miệng lửa, A Nan Đà cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên thoát được kiếp nạn.

Tín ngưỡng Phật giáo cho rằng khi chết đi, con người hoặc sẽ được đầu thai trở lại làm người, hoặc sẽ phải trở thành ma quỷ dựa vào việc họ là người tốt hay người xấu khi còn sống trên dương gian.

Tháng cô hồn là tháng 7 âm lịch hằng năm bắt đầu từ ngày 1/7 âm lịch đến hết ngày 29/7 âm lịch.

 Nhớ rằng, cũng như các tháng, trong tháng 7 âm thì các ngày khí âm thịnh là 3, 7, 13, 18, 22, 27, tức ngày Tam Nương, là ngày không may, không vui. Những ngày này tinh thần người ta dễ bị trì trệ, cảm thấy không thoải mái, cho nên khi giao tiếp dễ xảy ra những xung đột, bực bội. Không nên khởi tạo, gặp gỡ giao tiếp mang tính chất bàn công việc, kế hoạch quan trọng. Ráng giữ gìn sức khỏe tốt, nếu lỡ bị cảm mạo sơ sơ mà vào mấy ngày này thì bệnh dễ trở nặng. Các ngày có khí dương thịnh là 9, 12, 15, 19, 24, 29 thường được chọn dùng làm các ngày khai trương, khởi tạo, tân gia, động thổ, gặp gỡ giao tiếp quan trọng.

Các ngày còn lại thì âm dương bình bình, hơn kém nhau thay đổi thường xuyên, không có sự chênh lệch quá nhiều.

Năm 2022, tháng cô hồn sẽ kéo dài từ ngày 29/7 dương lịch đến hết ngày 26/8 dương lịch. Do vậy có thể cúng cô hồn từ 29/7/2022 (03/7/Nhâm Dần) đến 11/8/2022 (14/7/Nhâm Dần) đều được. Nhưng nay đa phần con cháu đều học tập, làm ăn xa nhà nên cần chọn vào ngày nghỉ (thứ Bẩy hoặc Chủ Nhật).

Lệ tục trong tháng, dân gian bày hương án cúng tế cô hồn, thả đèn trôi sông nhằm chỉ lối dẫn đường cho các linh hồn ma quỷ bị chết oan từ nhiều kiếp trước bước qua cầu Nại Hà để đầu thai. Các gia đình có người thân mới mất thường tổ chức cũng và biếu mã. Nhưng ít người nhớ rằng: mã đầu là mã cho (các cô hồn chúng sinh và vong hồn người khác), mã sau mới là mã nhận (biếu cho người thân mình). Trong Chùa và tại gia, các phần tử thường thực hành nghi thức Vu Lan báo hiếu mà có đặc sản của người Việt là Hoa Hồng cài áo.  Trong Văn khấn có nhắc tới Mục Kiều Liên, A Nan Đà,...cô hồn các đẳng là bởi những lý do trên.

Thời điểm cúng, làm việc thiện, phóng sinh và bày mâm cúng vào dịp 14/7 âm lịch – trước ngày các linh hồn ma quỷ trở về địa ngục mang nhiều ý nghĩa tâm linh là chủ yếu.

Có nhiều lý thuyết giải thích về nguồn gốc và lệ tục trong việc cúng vào tháng 7 và nghiên cứu kỹ thấy, bên cạnh những điều mê tín, nó chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc trong cuộc sống.

Với Phật tử, đây là tháng trong mùa An cư kiết hạ 安居嘎下 (pháp tu hành của người xuất gia trong ba tháng mùa Hạ đã có truyền thống từ thời Đức Phật còn tại thế). Trong đó: “An cư” tức là ở yên một chỗ, “Kết hạ hay kiết hạ” có nghĩa là kết giới lại, ở trong phạm vi giới đàn đó. Có việc này là bởi: 3 tháng mùa mưa, côn trùng, ếch, nhái, giun, dế… bò ra ngoài nhiều nên để tránh cho chư Tăng trong việc giẫm đạp làm chúng chết; thêm nữa vào mùa mưa, đường xá lầy lội, mưa gió, chư Tăng ôm bát đi khất thực rất khó khăn thì Đức Phật chế ra trong 3 tháng mùa mưa này, chúng Tăng quy tụ về một chỗ theo từng địa phương để sống chung với nhau, sách tấn nhau tu tập.

Từ góc nhìn khoa học, tháng 7 là khoảng thời gian giao mùa, nắng mưa thất thường, do đó con người dễ ngã bệnh, đau ốm, nhất là trẻ em và người già cao tuổi. Nó lại là tháng Mạnh thu 孟秋 có âm khí cao nhất trong năm, cũng là khoảng thời gian thường xuyên xảy ra thiên tai như mưa gió, lũ lụt. Cho nên ít di chuyển và lo việc cầu cúng là phải!

Tuy vậy, trong tháng cô hồn có nhiều ngày lễ mà quan trọng là Lễ Thất Tịch 七夕 hay ngày lễ tình nhân gắn liền với câu chuyện tình cảm động của Ngưu Lang và Chức Nữ 牛郎織女 và nó được coi như ngày Valentine của phương Đông. Hai lễ mà ai có lẽ cũng biết là Lễ Vu Lan báo hiếu gắn với truyền thuyết về tôn giả Mục Kiều Liên 目犍連 hay cúng Xá tội vong nhân gắn với truyền thuyết về An Na tôn giả 阿難陀.

Dân gian quan niệm rằng việc cúng cô hồn có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống tâm linh và sự nghiệp làm ăn của mỗi gia đình. Cúng cô hồn không chỉ để xua đuổi tà khí mà còn giúp các linh hồn lang thang không chốn nương tựa được siêu thoát và tìm được nơi đầu thai trở lại dương gian. Tại Việt Nam, chúng ta thường làm lễ cúng cô hồn ở các nơi thờ cúng linh thiêng như chùa chiền trước rồi mới tiến hành tại gia.

Việc cúng cô hồn nên được thực hiện vào lúc chiều tối. Đây là khoảng thời gian âm khí ở mức vừa phải. Nếu cúng quá sớm vào ban ngày thì ma quỷ sẽ không thể nhận được vật cúng do mức ánh sáng ban ngày quá mạnh. Ngược lại, nếu cúng cô hồn vào thời gian quá khuya sẽ dễ đem lại vận xui rủi do âm khí lúc này rất vượng.

Dịp cúng cô hồn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều người, do đó mâm lễ cúng thường được chuẩn bị chu đáo và đầy đủ. Mâm cúng cô hồn có thể bao gồm giấy tiền vàng mã, tiền mặt thật có giá trị nhỏ, hoa, trái cây ngũ quả, gạo, cháo, muối, nhang, các loại bánh kẹo, 5 cái bát và 5 đôi đũa, rượu trắng, cháo, chè,…. Việc này đã tìm hiểu từ lâu, bàn nhiều lần lần và có lưu tại đây.

Nhìn chung, theo dân gian thì có nhiều điều, lắm việc cần kiêng. Có những điều rõ là mê tín, lạc hậu nhưng có những điều khá nhân văn, phù hợp. Ví dụ một số  điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn mà bạn cần tránh để không gặp phải xui xẻo:

1 Hạn chế tổ chức đám cưới, tiệc tùng hay các công việc đại sự quan trọng như khởi công xây nhà, thi công công trình, mua xe,…

2. Không đốt tiền vàng, vàng mã tùy tiện để ngăn ma quỷ bu lại, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, vận hạn, tài lộc.

3. Không đứng gần cây đa, cây đề vì dưới gốc cây đa, cây đề vào ban đêm hội tụ rất nhiều âm khí, đặc biệt là vào tháng cô hồn.

4. Hạn chế đi chơi đêm trong tháng cô hồn vì đây là thời điểm ma quỷ, vong hồn lộng hành nhất.

5. Không gọi hay gào thét tên người khác vào đêm khuya vì sẽ khiến ma quỷ ghi nhớ tên người được gọi và có thể sẽ ám người đó.

6. Tuyệt đối không ăn vụng đồ khi cúng cô hồn, để tránh rước phải tai họa.

7. Không phơi quần áo vào đêm khuya vì có thể ma quỷ sẽ lấy mặc, và khi chúng ta mặc lại có thể gặp những điều xui xẻo.

8. Không nên chụp ảnh, selfie vào ban đêm, ở nghĩa địa vì rất có thể ma quỷ sẽ lọt vào khung hình chung với bạn.

9. Khi đi đến nơi vắng vẻ, không quay lại phía sau nhìn nhằm tránh sựu trêu đùa, rủ di của ma quỷ.

10. Không được cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.

11. Không nhặt tiền lẻ rơi trong tháng cô hồn vì có thể đây là tiền mà người ta cúng dùng để mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa.

12. Không được tự ý chặt cây có tuổi đời lâu năm vì có thể đây là nhà của ma quỷ, nhất là “ma trơi”.

…và còn ối điều khác nữa. Tất nhiên chỉ có tính chất tham khảo dựa trên tâm lý “có kiêng có lành” của người Việt chứ đừng có tin theo “tâm lý đám đông” mà lỡ việc!

Với gia đình, năm 2022 này tôi định “cúng Rằm” vào 10/8 tức 13/7 Nhâm Dần. Hôm đó là thứ Tư con cháu khó tập trung. Nhưng Chủ Nhật mới là 07/8/2022 (tức 10/7 Nhâm Dần) cúng được rồi nhưng tôi đang chuẩn bị Đại hội Chi bộ (vào 09/8) không về được. Còn Chủ Nhật sau (14/8/2022) lại qua Rằm rồi (17/7/Nhâm Dần).  

Hơn nữa, 13/7 Nhâm Dần là ngày Ất Mùi, có sao Bất Tướng, Kim Đường, Mẫu Thương, Ngọc Đường, Thiên Thành, Thất Thánh, Thần Tại, Đại Hồng Sa, Đại Minh là Bách sự Nghi dụng,  hợp với việc Tế tự. Nhớ câu “Tâm thành tất linh ứng” 心成必蘦應!

-         Lương Đức Mến, 01/7 Nhâm Dần-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!