[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 8 2020

THÁNG CÔ HỒN

Triết học cổ Trung Hoa cho rằng: “âm dương cát hôn hiểu” (陰陽割昏曉, âm dương chia sớm tối) hay “nhật dĩ kế dạ” (日以繼夜, ban ngày lại tiếp ban đêm). Một ngày bao gồm “ngày” và “đêm”, như vậy khái niệm một ngày đầy đủ phải là một ngày đêm và đó là khái niệm cơ bản nhất của Lịch 曆法.
Trong phép làm lịch, Âm lịch[1] lấy chu kỳ “Trăng tròn Trăng khuyết” làm đơn vị “tháng” và việc gọi tên ngày ngoài phép đặt tên theo Can Chi còn có cách đặt tên theo con số. Trong đó ngày 15 giữa tháng được gọi là ngày Rằm, Hán tự là Vọng Nhật 望日, là ngày Mặt Trăng, Mặt Trời đối xứng nhau ở hai cực nên gọi là “Xung đối” (衝是, Opposition). Khi đó Mặt Trăng (nửa quay về phía Trái Đất) nhận đầy đủ ánh sáng từ Mặt Trời, soi chiếu vào mọi tâm hồn con người. Do vậy cổ nhân tin rằng, dưới ảnh hưởng đó, con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục. Đồng thời ở ngày “Thiên địa mở thông” 天地开通 này, nhờ sự thông suốt của vầng Thái Dương 太陽, Thái Âm 太陰 mà Thần thánh, Tổ tiên sẽ thông thương với con người, sự cầu nguyện sẽ đạt tới sự cảm ứng với các cõi khác và sự thông cảm tha thứ sẽ được đáp lại. Do vậy việc Cúng Lễ ngày này (cùng với ngày Sóc 朔日, tức ngày Mồng Một) sẽ linh thiêng hơn.
Một năm có 12 tháng nên có 12 ngày Rằm (trừ năm Nhuận) trong đó có 3 ngày Rằm quan trọng hợp thành Tam nguyên 三元, là: Rằm tháng Giêng tức Thượng nguyên 上元 15/G, Rằm tháng Bẩy là Trung nguyên 中元 15/7 và Rằm tháng Mười là Hạ nguyên 下元 15/10 (âm).
Ba ngày này người Trung Hoa gắn với ngày sinh của ba vị Vua hiền giỏi thời cổ (Đế Nghiêu 帝堯, Đế Thuấn 帝舜, Hạ Vũ ) và nhiều phong tục cổ truyền.
Sang Việt Nam[2], dân gian mấy người biết 3 vị Hoàng đế huyền thoại kia và những ngày này đã được dân gian hóa với nhiều tập tục mang đầy tính nhân văn. Bởi vậy trong mới có câu: “Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy, Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không, Rằm tháng Mười, mười người mười quảy”.
Tháng 7 âm七月là tháng giữa năm, theo Can Chi nó là tháng Thân 月申[3], là tháng Mạnh thu 孟秋, Qua nguyệt 瓜月, Lương nguyệt 涼月, Lan nguyệt 蘭月, Lan thu 蘭秋, Thủ thu 首秋, Xảo nguyệt 巧月, Luật trúng Di Tắc律中夷則. Chúng ta, nhất là những người theo hay chịu ảnh hưởng của đạo Phật thường cảm thấy linh thiêng với ngày Rằm, nhất là Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bẩy. Tìm hiểu về thêm về Rằm tháng Bẩy sẽ dần vỡ vạc ra đôi điều và thấy bổ ích.
Theo Nho giáo, ngày 15/7 là lễ “Trung nguyên Địa Quan Thánh Đản” 中元地官圣诞 hay cũng gọi là Trung nguyên Địa Quan Xá Tội 中元地官赦罪. Tương truyền Địa Quan là vua Thuấn (帝舜, 2233 tCn – 2184 tCn), một vị Thánh vương của nước Tàu thời thượng cổ, nổi tiếng là người con hiếu thảo, đứng đầu Nhị thập tứ Hiếu 二十四孝vì thế được Nghiêu đế (帝堯, Thiên Quan Đại Đế 天官大帝, 2377 tCn-2257 tCn) đem gả hai con gái là Nga Hoàng 娥皇, Nữ Anh 女英và truyền ngôi cho. Thời Nghiêu đế dân chúng đều được thái bình an lạc.
Vì hiếu của Ngài rất lớn nên đời sau tặng cho Ngài là Địa Quan Xá Tội 地官赦罪. Lại nữa, thấy Đức của vua Thuấn rộng lớn như Đất (, Địa), gánh chở tất cả thiên hạ, bao dung tất cả nên mới tôn Ngài là Địa Quan. Do vậy, ngày rằm Trung nguyên là ngày kỷ niệm Thánh đản 聖诞của vua Địa Quan xá tội Thuấn đế nên những người nào có lòng thành cầu khẩn cho ông bà cha mẹ quá vãng bị đọa đày nơi cõi Âm được siêu thăng.
Bên Phật giáo, ngày rằm Trung nguyên là ngày rất quan trọng vì Phật dạy thiết lễ Vu Lan Bồn (H: 盂蘭勝會, Phạn: Ullambana, Ullam) gắn với sự tích tu hành chứng quả, chí thành chú nguyện giúp thân mẫu thoát khỏi kiếp ngạ quỉ, siêu thăng về cõi giới lành của đệ tử Đức Phật Thích Ca là Mục Kiều Liên. Từ đó, mỗi năm cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, các hàng Phật tử có hiếu đều làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cúng dường chư tăng ni, đại đức, để cầu xin chư tăng ni chú nguyện, giải thoát cha mẹ đã chết khỏi các khổ hình nơi cõi Âm phủ và được siêu thăng, hoặc cầu cho cha mẹ còn sống được tăng Phúc Thọ
Tín ngưỡng dân gian cho rằng đây là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội. Sống làm ruộng, nhờ trồng cấy nên cứ đến tháng 6-7 âm lịch vào vụ thu hoạch mùa màng người Việt thường cầu xin thần linh, thổ địa... bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu. Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc “ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”, “mở cửa ngục xá tội vong nhân”. Và cũng vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng để tạ ơn các thần linh, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát. Vì vậy nên đa phần các gia đình cúng cơm mặn.
Cũng bởi vậy mà tháng 7 âm lịch là tháng đáng sợ nhất trong năm nên dân gian gọi là “tháng Cô hồn”. Trong tháng này sẽ có rất nhiều ma quỷ nhờ việc “mở cửa ngục xá tội vong nhân” nên được ra ngoài, lên trần gian tác quái. Đồng thời đây cũng là thời gian những vong hồn không được đầu thai, những quỷ đói không người chăm sóc đi lang thang quấy rối người thường
Việc này diễn ra từ mùng 2/7 âm lịch (khi Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan) đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 kết thúc, các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Từ đó sinh tục “Cúng cô hồn” tháng bảy 七月十四鬼節và thường cúng vào gần ngày 14/7 để không bị cô hồn quấy nhiễu, quấy phá đến cuộc sống hằng ngày của gia đình, giúp cho mọi vong linh có một ngày được ăn uống no nê, đỡ tủi phận.
Nước ta là nước đa tôn giáo và nhiều nghi lễ tôn giáo đã trở thành tín ngưỡng dân gian. Dù không theo Phật giáo hay Nho giáo nhưng dân Việt đều sắm lễ, thắp hương, dâng lòng thành  cầu mong cho những người đã khuất, thoát khỏi cảnh tam đồ, siêu sinh Lạc quốc; người còn sống nương theo sự hành xử hiếu hạnh này mà cởi trói phiền não, thân tâm an lạc, vạn sự an lành. Bởi thế mới có câu: “Rằm tháng Bảy người quảy khắp nơi”. Lại có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Bẩy”[4] bởi nó gắn với Lễ Vu lan[5], Cúng Cô hồn[6]Xá tội vong nhân[7].
Đồng thời với việc cúng, ngày này dân gian thường có tục đốt mã biếu người  thân đã chết và cho cô hồn[8]. Đây là các nghi lễ khác nhau có ý nghĩa và lễ thức khác nhau được tiến hành trong cùng một ngày. Do vậy với các ngôn ngữ khác nhau cũng không thống nhất như người Việt. Ví dụ người Hoa gọi là 中元節與盂蘭盆節 (Trung nguyên tiết dữ Vu Lan Bồn Tiết), dịch sang Anh ngữ là: Ghost Festival, Pháp ngữ: Fête des fantômes (tức Tiết Quỷ, guijie 鬼節).
Hơn nữa, từ quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nên trong “tháng cô hồn” mọi người thường truyền tai nhau về những điều cấm kị trong tháng, như: cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa...
Ngày nay, việc đốt vàng mã đã giảm dần và người ta cũng không quá kiêng kị như xưa. Song vẫn nhiều người sắm voi, ngựa, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả “ca ve”,…để “gửi” cho người thân!
-Lương Đức Mến, 18/8/2020 tức 29/6/Canh Tý-


[1] Hiện nay, khi nói tới âm lịch thì người Việt ta nghĩ tới loại lịch được lập dựa trên các cơ sở và nguyên tắc của lịch Trung Quốc, nhưng có sự chỉnh sửa lại theo múi giờ UTC+7 thay vì UTC+8 áp dùng giờ Bắc Kinh bên Tầu. Nhưng thực chất nó là một loại âm dương lịch chứ không phải âm lịch thuần túy.
[2] Từ 1.1.1968, theo Quyết định số 121/CP ngày 8.8.1967 của Chính phủ do Thủ tương Phạm văn Đồng ký thì ÂDL chỉ dùng để xác định các ngày lễ truyền thống (Tết Nguyên đán, Nguyên Tiêu, Giỗ Tổ Hùng vương, các Lễ hội tôn giáo, dân gian, cúng giỗ trong các gia tộc, gia đình…) và kỉ niệm lịch sử (Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa…) và đã tính lại cho phù hợp với giờ chính thức của Việt Nam nên có ngày không trùng với lịch Trung Quốc. Còn trong giao dịch chính thức dùng Dương lịch theo múi giờ +7.
Mới đây vấn đề này được tái khẳng định trong Quyết định số 134/2002/QĐ-TTg ngày 14/10/2002 do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký.
[3] Từ can chi của tháng Giêng (tuỳ thuộc vào hàng Thiên Can của năm) tính được can chi các tháng tiếp theo trật tự bảng Lục thập hoa Giáp. Trường hợp năm có tháng nhuận (là tháng đầu tiên sau tiết Đông chí mà không có Tiết Khí) thì cứ theo tháng chính.
[4] Ngoài mâm cỗ cúng thông thường, các gia đìnha còn sắm Mâm cúng cô hồn, chúng sinh (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa. Mâm này thường có: quần áo chúng sinh gỡ ra từng món, rải xuống dưới mâm, một ít vàng tiền, vài bát cháo trắng loãng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô/khoai/sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ.
[5] Thực chất là ngày Lễ Báo hiếu đầy tính nhân văn: báo hiếu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên các đời. “Lễ Vu Lan báo ơn cha mẹ, không những cúng cho những người đã khuất mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những việc mình đã làm với người còn sống...”. Nhưng ý nghĩa này người miền Bắc ít chú ý mà thịnh hành hơn ở miền Nam.
Lễ Vu Lan vào dịp Rằm tháng Bẩy đã trở thành truyền thống báo hiếu của phật tử và đông đảo người Việt. Vào lễ, người ta lập đàn cầu nguyện cho các oan hồn siêu thoát. Lễ phẩm cúng dường không phải là điều quan trọng.  chỉ cần gạo, muối và nước uống sạch. Điều quan trọng bậc nhất chính là cái tư cách của người cúng và ý nguyện thành tâm của thân nhân. Trong lễ cúng lại phải tụng danh hiệu Phật và Bồ Tát, đồng thời đọc lời sám hối cho cô hồn.
Lễ Vu Lan tổ chức tại chùa có ý nghĩa về nội dung “mở cửa ngục” nhằm xóa tội cho vong người đã mất. Trên bàn cúng vong thường có bầy “lục cúng”, gồm: hương, nến, hoa, quả, oản và nước. Còn có một bát úp trên bàn, bên trong có đặt tờ giấy ghi chữ “Ngục” , có kèm theo tờ sớ ghi rõ tên tuổi, quê quán của vong cùng lễ vật dâng cúng.
[6] Thập loại cô hồn được phân loại như sau :
1. Thủ hộ quốc giới: Loại oan hồn vị quốc vong thân;
2. Phụ tài khiếm mạng: Loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, sẩy thai;
3. Khinh bạc Tam Bảo: Loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo;
4. Giang hà thủy nịch: Loại oan hồn chết sông, chết biển;
5. Biên địa tà kiến: Loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm;
6. Ly hương khách địa: Loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi;
7. Phó hỏa đầu nhai: Loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém;
8. Ngục tù trí mạng: Loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù;
9. Nô tì kết sử: Loại oan hồn chết vì bị nô lệ, hành hạ, đày đọa;
10. Manh mung ám á: Loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.
[7] Bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Hằng năm, cứ đến tháng 6-7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa... bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu. Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc “ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”, “mở cửa ngục xá tội vong nhân”. Và cũng vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Vì vậy nên đa phần các gia đình thường cúng cơm mặn, nhưng cúng chay tốt hơn. Ngày Rằm tháng bảy hàng năm thì mọi tội nhân cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi Âm phủ lên Dương gian. Bởi vậy, các gia đình ở cõi trần làm cỗ bàn, vàng mã cúng gia tiên, cầu siêu độ trì cho họ.
[8] Những vàng mã đem cúng nhiều hơn ngày thường và ghi rõ tên họ người định biếu sau đó được hoá. Có khi có tụng kinh để cầu siêu độ cho những vong hồn vô thừa tự. Những gia đình có người thân mới mất thì Rằm tháng Bẩy đầu tiên thực hiện việc đốt “mã cho”, tức biếu những ma cũ để họ đỡ quấy nhiễu vong hồn thân nhân mình; Rằm thứ hai đốt “mã nhận”, tức sắm đồ cho thân nhân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!