[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


14 tháng 7 2022

ĐI TÌM ẢI LÊ HOA

Nhân KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH LÀO CAI (12/7/1907-12/7/2022) nhưng chả thấy ai “thông tin tư liệu lịch sử” đến đầu đến đũa nên lại “ôm rơm nhặm bụng” tí xem sao.

Đó là việc đi tìm một địa danh mà sử cũ có nhắc đến, thuộc đất Lào Cai mà lâu lắm rồi “lặn sủi tăm”. Ấy là ẢI LÊ HOA 梨花關. Ghi chú của bản đồ đầu bài: vị trí các địa danh Thủy Vĩ 水尾, Liên Hoa 蓮花隘, Lãnh Câu 冷溝,…thuộc phủ Quy Hóa trấn Hưng Hóa xưa. (Bản đồ khai thác trên MXH).

Trong lịch sử, ải Lê Hoa đã từng được biết đến từ buổi củng cố nền độc lập tự chủ của Đại Việt (大越, 1054-1400, 1428-1802):

Thời nhà Trần (陳朝, 1225 - 1400), trong ba lần chiến đấu chống quân Nguyên Mông (元朝, 1227-1368), mặc dù khi chúng lôi kéo được nước Đại Lý (大理, 937-1253, tức Vân Nam 雲南 của Trung Quốc nay) nhưng vùng biên ải Lê Hoa của Đại Việt vẫn vững vàng trước vó ngựa bất bại ấy!. Nhớ lại rằng, tháng 8 Đinh Tỵ Nguyên Phong (丁巳元豐, tức tháng 9/1257), được tin quân Mông chuẩn bị tấn công nước ta, Trại chủ Quy Hóa là Hà Khuất 何屈 đã nổi lửa trên các đồi Hỏa hiệu 火號 và cho người cấp báo về kinh. Khi Ngột Lương Hợp Thai (兀良哈台, 1201-1272) đóng ở A-mân[1] sai Triệt Triệt Đô (Cacakdu) và một viên tướng khác mỗi tên đem một nghìn quân, chia làm hai đường dọc theo sông Thao tiến xuống bị quan quân nhà Trần và dân binh Quy Hóa đánh bị thương nhiều. Đây là cơ sở quan trọng góp phần để quân dân thời Trần đã 3 lần đánh tan đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới hồi bấy giờ. Công trạng và đóng góp của các tù trưởng, thổ hào, dân binh Quy Hoá được chép trong Trung hưng thực lục 中興實錄.

Thời nhà Lê (後黎朝, 1428 - 1788), cuối cuộc kháng chiến chống quân Minh (蓝山起义, 1418-1427), Bình Định Vương Lê Lợi 平定王藜利 đã chia vùng miền Bắc nay làm 4 đạo : Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn); Tây 西 (Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình); Đông (Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) và Nam đạo 南道 (Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình). Khi đó đất Hưng Hoá (興化, tức Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai nay) và Tuyên Quang 宣光  thuộc Tây đạo 西道.

Còn Nhà Minh khi cai trị Đại Việt (屬明時期, 1407-1427) đã đặt vùng Lào Cai nay thuộc châu Quy Hoá  歸化州.

Trong quá trình xâm lược và đàn áp cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (蓝山起义, 1418-1427), quân Minh đã 3 lần theo ngả Vân Nam vào Đại Việt qua cửa ải Lê Hoa (khi đó đất huyện Hà Khẩu của Trung Quốc nay là một phần của châu/huyện Thủy Vĩ của Đại Việt). Cụ thể Mộc Thạch trong các năm 1407 (từ Mông Tự 蒙自 xuống, theo sông Thao hợp với cánh quân của Trương Phụ 張輔 để đánh thành Đa Bang 多邦[2]), năm 1408 (Mộc Thạch 木晟 đưa quân sang tăng cường) và năm 1427 (khi Mộc Thạch đưa viện binh sang cứu Vương Thông nhưng bị đại bại). Như thế đủ thấy ý nghĩa của vùng “phên dậu” này với Đại Việt!

Nhận rõ vị trí xung yếu của vùng Tây Bắc và để “đón lõng” địch quân, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát triển thành chiến tranh giải phóng, từ năm Bính Ngọ tức tháng 9/1426, Lê Lợi đã cho đạo quân thứ nhất (một trong 3 đạo quân ra Bắc) gồm 3.000 quân và 1 voi chiến do Phạm Văn Xảo (范文巧, ? – 1430/1431) chỉ huy tiến lên vùng Gia Hưng 家興, Quy Hoá 歸化, Đà Giang 他江 thuộc Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu nay) vừa giải phóng đất đai, vừa uy hiếp phía Tây Bắc Đông Quan lại vừa ngăn chặn quân tiếp viện của nhà Minh từ Vân Nam (Minh triều đã chiếm được từ năm 1381) sang. Tiếp theo, “Mùa Hạ tháng 4 (năm 1427) Vua (tức Lê Lợi) sai phòng ngự sứ Trần Ban 防禦使陳班 đôn đốc tu sửa ải Lê Hoa[3]”. Đồng thời, (Vua) ban lời dụ cầu người hiền tài, ban 10 điều quân luật cho quân lính, 3 điều răn cho quan văn võ, tuyển chọn tráng đinh bổ sung, phòng thủ nghiêm mật; dời vợ con của quân dân đi xa để tránh viện binh giặc tấn công.

Cuối năm Đinh Mùi, 1427, Hoàng đế nhà Minh (大明, 1368–1644) là Minh Tuyên Tông (明宣宗, 1398 –1435) phái Chinh Lỗ Phó tướng quân An Viễn hầu 征虜付相君安遠侯 Liễu Thăng (柳昇, ?-1427) đem 10 vạn quân và 2 vạn ngựa từ Quảng Tây 廣西 và Chinh Nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công  征南相君太付柑國公  Mộc Thạnh (沐晟, 1368-1439) đem 5 vạn quân từ Vân Nam sang cứu viện Tổng binh 總兵 Vương Thông (王通, ? - 1452) đang bị nguy khốn ở chiến trường.

Nhưng khi đó, tháng 10/1427, sau khi đánh bại giặc Minh ở Xương Giang (Lạng Sơn), Phạm Văn Xảo cùng Trịnh Khả (鄭可, 1391 – 1451), Lê Trung, Lê Khuyển từ ải Lê Hoa đã tung quân ra phá giặc ở ngòi Nước Lạnh 冷水沟[4] và Đan Xá 丹舍. Trong trận này ta đã chém hơn một vạn thủ cấp, bắt sống hơn nghìn tên, nghìn ngựa, còn quân giặc chết đuối không kể xiết; Mộc Thạch phải một mình một ngựa tháo chạy. Quân ta lập công lớn, thúc đẩy cuộc chiến đến toàn thắng.

Về sự kiện này, trong Bình ngô đại cáo Nguyễn Trãi viết:

丁未九月柳昇遂引兵猶邱溫而進,本年十月木晟又分途自雲南而來. Phiên âm:     Đinh vị cửu nguyệt Liễu Thăng toại dẫn binh do Khâu Ôn nhi tiến, Nản niên thập nguyệt Mộc Thạnh hựu phân đồ tự Vân Nam nhi lai.

風雲為之變色,日月慘以無光. Phiên âm:     Phong vân vị chi biến sắc, Nhật nguyệt thảm dĩ vô quang.

其雲南兵為我軍所扼於梨花,自恫疑虛喝而先以破腑; 其沐晟眾聞昇軍所敗於芹站,遂躪藉奔潰而僅得脫身. Phiên âm:     Kỳ Vân Nam binh vị ngã quân sở ách ư Lê Hoa, tự đỗng nghi hư hạt nhi tiên dĩ phá phủ; Kỳ Mộc Thạnh chúng văn Thăng quân sở bại ư Cần Trạm, toại lận tạ bôn hội nhi cận đắc thoát thân.

Đoạn này đã được Ngô Tất Tố dịch như sau: “Đinh Mùi tháng Chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại. Năm ấy tháng Mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang. ... Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi; Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ. Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật! Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân..”.

Việc này, trong An Nam truyện của Minh sử chép: 沐晟軍至水尾, 造船將進, 聞通已議和, 亦引退, 賊乘之, 大敗 (Phiên âm: Mộc Thạnh quân chí Thủy Vĩ, tạo thuyền tương tiến, văn Thông dĩ nghị hòa, diệc dẫn thoái, tặc thừa chi, đại bại) nghĩa là “Mộc Thạnh kéo quân đến Thủy Vĩ (đất Lào Cai nay), làm thuyền bè, sửa soạn để chực tiến quân. Được tin Thông đã nghị hòa, Thạnh cũng rút lui. Địch thừa thắng đổ ra đánh. Thạnh thua to.”. Còn theo Minh thực lục, ngày 14 tháng 12 năm 1427, Mộc Thạnh cùng thuộc hạ chạy tới Cao Trại, Thủy Vĩ thì bị quân Lam Sơn phục kích cả trên sông lẫn trên bờ, phải vất vả làm lại thuyền mới đi tiếp được. Hiện nay, tại hương Đại Trại huyện Kim Bình châu Hồng Hà, (tiếp giáp hương Liên Hoa Than), có tồn tại các địa danh là Cao Gia trại (Gaojiazhai 高家寨) và Thủy Vĩ (Shuiwei 水尾).

 Sau khi giành được độc lập, nhà Lê càng tăng cường củng cố vùng biên ải Lê Hoa, thực hiện chính sách “nhu viễn” một cách hiệu quả hơn, thiết lập các hệ thống đồn binh ở biên ải, bổ dụng các quan trông coi, phòng ngừa việc lôi kéo các tù trưởng từ phía bên kia biên ải, cửa ải Lê Hoa một lần nữa được tăng cường.

Ải Lê Hoa, chiến thắng Lê Hoa có tầm cỡ như vậy nhưng thường ít được biết đến so với Chi Lăng, Xương Giang và Ải Lê Hoa là ải ở đâu? Xuất phát tên gọi từ đời nào? Thì sử liệu của ta chưa rõ và chưa mấy được bạch hóa.

Theo các chú thích của cuốn Đại Việt sử kí cương mục thì: Theo Sử ký thì cửa ải Lê Hoa thuộc Tuyên Quang. Như vậy tức là thuộc tỉnh Lào Cai ngày nay, vì hồi bấy giờ địa bàn Tuyên Quang gồm cả Lào Cai. Lại nói Ải Lê Hoa: là một địa điểm ở ven sông Lô chảy qua vùng biên giới tỉnh Hà Tuyên và tỉnh Vân Nam Trung Quốc bây giờ. Còn theo Tuyên Quang tỉnh chí, Lê Hoa thuộc tỉnh Tuyên Quang, về sau bị lấn mất vào Mông Tự thuộc Vân Nam còn theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì việc Tuyên Quang tỉnh chí ghi ải Lê Hoa thuộc Tuyên Quang là do đầu thời Lê trung hưng toàn bộ xứ Tuyên Quang nhà Lê cùng châu Thủy Vĩ là địa bàn cát cứ của các chúa Bầu họ Vũ, thời Lê Anh Tông, Trịnh Kiểm thay mặt vua phong cho Vũ Văn Uyên trấn thủ, gọi chung là đạo An Tây, để chống nhà Mạc.

Mấy năm trước, “Đại Việt Quốc Tổng Lãm Đồ   大越國總覽圖  đăng trên một trang mạng và chú: Là bản-đồ nước ta do hai Đại-tướng nhà Minh, Chinh-nam tướng-quân kiêm Quốc-công Mộc-Thạnh và Tân-binh-hầu Trương-Phụ phác-họa trong niên-hiệu Vĩnh-Lạc (1403-1424) không biết nguồn đích thực ra sao nhưng xem thấy khá hay. Trong đó có một địa danh được ghi là  (Liên Hoa Ải) gần 鎮安, , 水尾  (Trấn An, Chiêu Tấn, Thuỷ Vĩ ) tức vùng Lào Cai nay.

Như thế thì đến thời nhà Hồ ải này vẫn hiện diện và nó vẫn thuộc Đại Việt!

Nhưng lịch sử có những trang mà buộc chúng ta phải thừa nhận, là khi bên Trung Quốc nhà Thanh ( 清朝, 1644 - 1911) thay nhà Minh ( 明朝, 1368-1644) , trong lúc ở Đại Việt nhà Mạc (莫朝, 1533-1592) năm quyền nhưng chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra, lợi dụng sự suy yếu của tập đoàn Lê-Trịnh trong thời Nam-Bắc triều (南北朝, 1533–1593) bọn quan lại Hán tộc ở Hoa Nam 华南 đã lấn chiếm nhiều vùng biên giới phía Bắc, trong đó có Thủy Vỹ. Đại Việt nhiều lần lên tiếng đòi đất nhưng không được đáp ứng. Sau này, nhà Thanh mới trả lại vùng này cho nước ta và được triều Lê (黎中興朝, 1533–1789) đặt thuộc phủ Quy Hóa 歸化府 trong ngoại trấn Hưng Hóa 興化外鎭.

Lịch sử luôn là lịch sử (Lược đồ lấy trên MXH)

Thời gian sau, ải đấy lại mất về nhà Thanh Trung Quốc (thuộc huyện Mông Tự 蒙自, tỉnh Vân Nam 云南省) vào khoảng năm 1688. Chuyện này, Nguyễn Văn Siêu trong Đại Việt địa dư toàn biên chép: “Vũ Văn Uyên 武文淵 cuối năm Quang Thiệu (1522), ứng mộ đánh giặc [nhà Mạc], có nhiều chiến công. Vua Chiêu Tông phong cho làm Tuyên Quang đô thống sứ Ty Đô thống sứ (tước Khánh Dương hầu), [đóng ở các nơi] thành Nghị Lang (thành Nghị Lang chưa thể khảo cứu nằm ở đâu), gành Liên Hoa 莲花滩. Xét Quốc sử chép rằng Mộc Thạnh chống nhau với Phạm Văn Xảo ở Lê Hoa, và chú rằng cửa Lê Hoa 棃花關 ở huyện Mông Tự 蒙自 tỉnh Vân Nam. đất ấy có gành Liên Hoa. Thành Nghị Lang có lẽ nay đã mất về Vân Nam...”[5].

Cái rắc rối là ở đó! nhưng không hiểu nó thuộc hẳn về Vân Nam, Trung Quốc từ khi nào mà hiện nay, ngược sông Hồng, từ Lũng Pô đi lên, vào sâu trong đất Trung có hương Liên Hoa Than (Ghềnh Liên Hoa, ghềnh hoa sen) được chú giải là Ải Lê Hoa 梨花隘 hay Liên Hoa 蓮花隘 xưa!

Thực tâm mà nói, hầu hết các “ải” của Việt Nam đều đắp bằng đất, khó “trơ gan cùng tuế nguyệt” nên không còn dấu tích cũng chẳng có gì lạ.

Nhưng là một công dân Lào Cai, tôi rất muốn biết và đến thăm nơi đây nhưng tìm mãi chưa ra!

Đặc biệt, nơi “phên dậu quốc gia” vùng Tây Bắc này cũng  chưa có một công trình nào ghi nhận dấu tích của chiến thắng “ải Lê Hoa” lừng danh hồi Thế kỳ XV. Đây có phần thiệt thòi cho hậu duệ của những dân binh vùng cửa ải. Liệu có ai tìm được thông tin để bổ khuyết không?

Ai biết xin trao đổi và cung cấp tư liệu xác tín để hiểu đầy đủ hơn về lịch sử Lào Cai.

-Lương Đức Mến, sau ngày Kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh Lào Cai-



[1] Nay thuộc Khai Viễn 开远市, một huyện thuộc Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà, tỉnh Vân Nam.

[2] Thành ở làng Cổ Pháp, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội) do nhà Hồ cho đắp  năm 1405 để chống quân Minh.

[3] 棃花関, xem lý giải ở phần sau. Nhưng đại thế ải này khi đó do quan cai quản vùng đất nay là Lào Cai quản lý song từ những thế kỷ trước nó bị các quan người Hán vùng Hoa Nam “nhập” vào Vân Nam, Trung Quốc.

[4] Đầu nguồn con suối chảy vào sông Hồng, thuộc Mạn Chương xã khu (曼章社区, nằm đối diện phía bắc đền Thượng ở tp Lào Cai (châu Thủy Vĩ xưa 水尾), có thể là nơi diễn ra trận Lãnh Câu 冷溝kết thúc thắng lợi khởi nghĩa Lam Sơn, được Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáoː “冷溝之血杵漂,江水為之嗚咽” ( Lãnh câu chi huyết chử phiêu, giang thuỷ vy chi ô yết/ Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc).

[5] Thực ra, thành Nghị Lang (đều gọi là thành Chúa Bầu) do Quốc công Vũ Văn Mật tạo dựng vào những năm 1527 – 1533 đến nay vẫn còn. Dấu tích của nó ở Phố Ràng thuộc huyện nội địa Bảo Yên của Lào Cai, trong thành có Chùa Phúc Khánh. (Quyết định về việc công nhận di tích của Bộ Văn hóa Thông tin số 51/2021/QĐ-BVHTT ngày 27/12/2021 công nhận phế tích Thành cổ Nghị Lang- thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!