[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 5 2022

Tìm về CHỮ HIẾU

Rảnh, nhớ đến câu trong Tinh hoa cổ học Trung Quốc, là “百善孝為先,萬惡淫為首”, “Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”, nghĩa là: trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu, trong vạn cái ác thì dâm (quan hệ nam nữ bất chính) đứng đầu nhưng chưa tìm thấy của ai và nó xuất hiện lần đầu bao giờ !

Tìm một hồi thấy trong Tăng quảng hiền văn 増廣賢文, một tác phẩm tập hợp những câu huấn thị của người xưa 古訓 có câu tương tự, là “千經萬典, 孝義為先”, Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên, nghĩa là “Nghìn kinh vạn điển dẫu nhiều, nhưng điều hiếu nghĩa là điều trước tiên”.

Tra một hồi nữa thấy trong 圍爐夜話 (Vi lô dạ thoại)[1], tức “Chuyện kể bên bếp lửa” của Vương Vĩnh Bân (王永彬[2], 17921869) có câu: “Trường tồn nhân hiếu tâm, tắc thiên hạ bất khả vi giả, giai bất nhẫn vi, sở dĩ hiếu cư bách hành chi tiên”, tạm hiểu là: Người có hiếu thì sẽ không làm những chuyện mà thiên hạ không thể làm, do vậy hiếu đứng đầu trong cả trăm đức tính. Người có hiếu sẽ nghĩ vấn đề dựa trên quan điểm của người khác để xét việc gì nên làm và không nên làm.

Như thế, “Dâm” thì khỏi cần bàn, chả muốn bàn còn “Hiếu” là vấn đề quan trọng hàng đầu với một con người. Nhưng “hiếu” là gì và chữ tượng hình nó ra sao không phải ai cũng rõ.

Trước hết,  “HIẾU” là âm Hán Việt của chữ là chữ Hán và tìm hiểu kỹ chữ này thấy khối điều hay.

Trong Hán tự có 3 chữ cùng được đọc bằng âm Hán Việt là “hiếu”, gồm: , , . Nhưng “hiếu” trong “báo hiếu” được viết bằng 1 chữ và chữ  này có:

- Bính âm 拼音:xiào, chú âm 註音: ㄒㄧㄠˋ;

- Thuộc Bộ thủ 部首: “tử” 部首筆畫:3  nét thêm 4 nét của chữ “lão” giản thể nên tổng số nét 總筆畫 là 7;

- Mã Ngũ bút 五筆 86 làFTBF, Ngũ bút 五筆 98 là FTBF và Thương Hiệt 倉頡 là JKND; Tứ giác hiệu mã 四角號碼:44407; mã UniCodeU+5B5D; quy phạm Hán Tự biên hiệu 規範漢字編號:0638.

Theo quan niệm dân gian 民俗參考 chữ này có Ngũ hành 漢字五行“Thủy” , Cát Hung 吉兇寓意 thuộc “Cát” , mức độ thường dùng 是否為常用字:, thuộc giống đực 男性.

Đầu tiên “Hiếu” Hết lòng với cha mẹ :

- “Hiếu kính孝敬 với cha mẹ là phải tận tâm chăm sóc và vâng lời 對父母儘心奉養竝順從.  “Hiếu” trở thành lẽ sống, “Đạo hiếu” (H: 孝道, A: The duty of filial piety, P: Le devoir de la piété filiale) hay “Hiếu thân” (H: 孝親, A: The filial piety, P: La piété filiale) là bổn phận làm con phụng dưỡng cha mẹ. Do vậy cổ nhân có những câu răn dạy như: “Hiếu hậu vi tiên” 孝厚為先, “Hiếu đức trung nhân” 孝德忠仁 ý là việc hết lòng hiếu thảo với cha mẹ phải làm trước hết, thành thực hết lòng. Một gia đình có con hiếu, cháu hiền 孝子賢孫 là gia đình hạnh phúc, hưng long:

祖宗功德天年盛 Tổ tông công đức thiên niên thịnh;

孫子孝賢萬代昌 Tôn tử hiếu hiền vạn đại xương.

- Ngoài ý nghĩa tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ, “hiếu” còn hàm ý giữ mình bởi ta do cha mẹ sinh ra nên không được làm tổn thương thể xác lẫn tâm hồn mà phải tu thân để lập nghiệp, tạo được tiếng thơm, làm rạng rỡ cha mẹ.

- Do hiếu kính với cha mẹ nên khi cha già mẹ héo, con cái tiến hành tang ma chu đáo 居喪的事, ấy là “thủ hiếu” 守孝; mặc đồ tang theo các hạng tang phục 喪服 là “đái hiếu” 戴孝 và quần áo tang gọi là “hiếu y” 孝衣, mặc đồ đó là “xuyên hiếu” 穿孝, trút bỏ nó khi đoạn tang là “thoát hiếu”  脫孝.

- Khi gia đình có người thân mất, thân bằng quyến thuộc đến chia buồn, viếng theo đúng nghi thức là “điếu hiếu” 吊孝.

- Đạo hiếu, ngoài việc phải thờ cha mẹ, lập thân còn rộng ra là hiếu với các bậc trưởng thượng, hiếu với dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Vì vậy, ta coi 孝厚為先 “Hiếu hậu vi tiên”, vì vậy là một trong những dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên sâu đậm và gần như trở thành một tín ngưỡng: Đạo ông bà!

Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa (宣化上人, 1918-1995)[3] thì Đạo hiếu có bốn thứ:

+ Đại hiếu là báo đền ơn cha mẹ của mình trong nhiều đời về trước, báo đền ơn của sư trưởng;

+ Tiểu hiếu là hiếu thảo với cha mẹ, lo lắng, chăm sóc làm cho cha mẹ vui vẻ; phụng dưỡng, cung kính cha mẹ, cúng dường cha mẹ;

+ Viễn hiếu là kính trọng các bậc thánh hiền xưa kia, lấy mỗi lời nói mỗi công hạnh của họ làm gương sáng để mình bắt chước noi theo;

+ Cận hiếu là ngoài hiếu thảo với cha mẹ mình cần phải hiếu thảo với cha mẹ người khác; tôn trọng những huynh trưởng, tiền bối của mình rồi cũng tôn trọng những bậc tiền bối của kẻ khác.

- Gần ý này còn có:  “Hiếu đễ” (H: 孝悌,  A: The filial piety and respect for elder brothers, P: La piété filiale et respect des aînés),  “Hiếu thuận” (H: 孝順,  A: The piety and obedience, P: La piété et obéissance) là hiếu thảo với cha mẹ và hòa thuận với anh chị em.

Tóm lại, “Hiếu” là một trong Tám đức tính căn bản của con người: “Hiếu , Ðễ , Trung , Tín , Lễ , Nghĩa , Liêm , Sỉ ”.

 Xưa kia nhà Hán (漢朝, 202 tCn– 9, 25-220), ví dụ ở  中國漢代選拔官吏的科目之一 (Trung Quốc Hán đại tuyển bạt quan lại đích khoa mục chi nhất), sau này được tiếp tục dưới triều Minh (大明, 1368–1644), Thanh (清朝, 1889-1912) ví dụ trong 中國明, 清兩代對舉人的稱呼 thì quan trọng nhất trong tiêu chuẩn lựa chọn quan lại là “Hiếu liêm” 孝廉. Trong đó “hiếu” là chỉ người con có hiếu với cha mẹ 指孝子, là “thảo”, con thờ cha mẹ hết lòng; “liêm” là bản thân phải “ngay”, biết phân biệt cái riêng cái chung, không làm điều sai quấy, tham cầu dù trong hoàn cảnh nào.

Về chi tiết, Chữ “hiếu” có hai bộ phận chính 首尾分解查字  “thổ” và “tử” ; được tạo bởi   漢字部件構造 chữ “LÃO” là người già ở trên được lược bớt phần đuôi “truỷ” thành bộ , chữ “TỬ” ở dưới. Cha trên, con dưới, thể hiện rõ tôn ti trật tự gia đình trên dưới phân minh cũng là chỉ người đàn ông có đức hạnh, học vấn.

Ngày trước khi dạy chữ này, các cụ Đồ Nho xưa đã “chiết tự” thành các câu vè giúp học trò dễ nhớ mặt chữ:

Đất thì là đất bùn ao, ()

Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.(丿)

Con ai mà đứng ở đây, ()

Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.(丿)

Thế mới biết các bậc làm thầy xưa giỏi thật, họ tinh thông tiếng, thể thơ mẹ đẻ, giỏi chữ Hán, có Tâm tìm cách dạy trò dễ nhớ, dễ thuộc. Khi chiết tự chữ “hiếu” , vừa thú vị, vừa hiểu sâu về nghĩa của từ để không bao giờ quên, lại cùng một lúc, nhớ được rất nhiều chữ. Ví dụ nhớ: chữ “thổ” là “đất” (Chữ Thổ   là một cái chồi đâm lên), chữ “tử” là “con” (Chàng ơi! chẳng thấy chàng sang, Bây giờ chữ “liễu” nét ngang mất rồi ! tức đã sinh con, có chồng rồi).

Ngày nay chúng ta có lắm tiêu chí sống, các cuộc vận động cho mọi lứa tuổi, mọi ngành, mọi giới nhưng dường như chưa đạt hiệu quả cao[4]. Bởi đã xem nhẹ “Đạo hiếu” mà chữ “Hiếu” thời nào cũng cần và rất đáng được đề cao nêu gương.

Tất nhiên, do thời cuộc và do quan niệm xã hội khác đi nên những biểu hiện cụ thể của đạo hiếu cũng phải có những thích ứng mới. Trong đó các bậc trưởng thượng cũng cần có nhận thức, ứng xử thức thời để làm gương cho con cháu, giúp con cháu học hành, công tác, kinh doanh thành đạt, giữ tròn đạo hiếu, hòa thuận gia đình, phát triển xã hội.

-Lương Đức Mến, 03/5/2022-



[1] Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại cùng với Thái căn đàm 菜根譚 , Tiểu song u kí 小窗幽記 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư” 處世三大奇書.

Xin nhắc lại: Tam đại kì thư không phải là Tứ đại kỳ thư 四大奇書 hay Tứ đại danh tác 四大名著 chỉ 4 bộ tiểu thuyết được xem như là hay nhất của văn học cổ điển Trung Quốc, gồm:

    Tam Quốc diễn nghĩa 三國演義 của La Quán Trung (羅貫中, 1330-1400);

    Thủy hử 水滸傳 của Thi Nại Am (施耐庵, 1296 - 1370);

    Tây du ký 西遊記 của Ngô Thừa Ân (吳承恩, 1500/1506 - 1581);

    Kim Bình Mai (金瓶梅) của một người ở Sơn Đông không rõ họ tên, có bút hiệu là Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh (蘭陵笑笑生, Ông thầy cười ở Lan Lăng)

[2] Ông tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.

[3] Một tu sĩ Phật giáo tên tục là Bạch Ngọc Thư 白玉書, người gốc huyện Song Thành 雙城, tỉnh Cát Lâm 吉林, nay là thành phố Ngũ Thường 五常, tỉnh Hắc Long Giang 黑龍江, vùng Đông Bắc Trung Quốc. Ông là  người kế thừa đời thứ 9 của Quy Ngưỡng tông 潙仰宗, một dòng thiền do Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu 潙山靈祐 và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch 仰山慧寂 sáng lập, được xếp vào Ngũ gia thất tông - Thiền Tông 五家七宗- 禪宗 chính phái của Trung Quốc.

[4] Ví dụ thì vô thiên lủng có trên MXH và cả đời thực quanh ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!