[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


04 tháng 5 2022

PHẢI BIẾT DÈ CHỪNG

Nghe nói và đọc ở đâu đó rằng trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám 河內文廟國子監 tại Hà Nội[1] có bức đại tự đề 4 chữ: “指視其嚴”, âm Hán Việt đọc là: “Chỉ thị kỳ nghiêm”.  Nhưng dù thăm đến mấy bận mà đều “quên” chưa tìm xem bức đó treo ở khu nào trong 5 khu.

Lại thấy bảo: tại Đền Cơn Chay ở xóm Giáp (nay là xóm 2) xã Phú Phong huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh nằm ở tả ngạn sông Tiêm cách đường Hồ Chí Minh 800m về phía nam trong Bái đường có 13 cặp câu đối trong đó có cặp “Xuất nhập khởi kính giả- Chỉ thị kỳ nghiêm hồ”. Nhưng chưa được chiêm bái.

Tạm bằng lòng với sách vở và cứ tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của lời khuyên “CHỈ THỊ KỲ NGHIÊM” chép trên đại tự đó đã.

Trước hết, nên biết rằng thường ở đình, chùa, miếu, điện, từ đường hay gian thờ của các gia đình thường có những bức hoành phi (H: 橫扉, A: The horizontal lacquered board, P: Le panneau laqué horizontal), câu đối (H: 對聯, A: Antithetical couplet, P: Duilian). Trong đó, Hoành phi là tấm bảng lớn trên đó có khắc chữ Hán, sơn phết, trang trí đẹp, treo ngang giữa hai cây cột và chỉ có từ 3 đến 5 chữ rất to  cho nên cũng gọi là những bức đại tự 大字.

Chữ trên bức đại tự được lấy từ 2 nguồn: Một là do người sáng tác nghĩ ra, hai là vay mượn trong các sách Kinh điển.

Trên tinh thần ấy và căn cứ nhiều nguồn tư liệu thì các chữ “指視其嚴” (chỉ thị kỳ nghiêm) được mượn từ kinh sách.

Muốn hiểu rõ cội nguồn, nghĩa cụ thể của cụm từ này cần phải nắm một số thông tin như sau:

Khi phác họa ra chân dung một vị chân nhân đắc đạo tại Chương 5 cuốn Đạo đức kinh , Lão Tử (老子, 571-471 tCn, Đạo tổ 道祖 của Đạo giáo 道教)[2] có câu: “ . . . . . . , ” mà âm Hán Việt đọc là: “dự yên nhược đông thiệp xuyên. Do hề nhược úy tứ lân. Nghiễm hề kì nhược khách. Hoán hề kì nhược băng chi tương thích. Đôn hề kì nhược phác. Khoáng hề kì nhược cốc. Hỗn hề , kì nhược trọc” nghĩa là: “Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông; các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên; kính cẩn như khách; lạnh lùng như băng tan; mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; man mác như hang núi; hỗn mang như nước đục”.

Điều đó có nghĩa là: Bậc chí nhân luôn luôn kính sợ Trời, kính sợ Đạo tiềm ẩn đáy lòng mình, nên lúc nào cũng thận trọng, nên dẫu ở một mình cũng tưởng như ở nơi: mười mắt trông vào, mười tay chỉ vào”.

 Lại nữa, một câu của Tăng Tử (曾子, 505-435 tCn) còn gọi là Tử Tư 子思, cháu nội Khổng Tử 孔子) viết trong sách “Đại Học” (大學, gồm 10 thiên và là một trong Tứ thư 四書 của Nho gia 儒教) mà nguyên văn như sau: “曾子曰: , , 其嚴 ” âm Hán Việt đọc là “Tăng tử viết : Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” và có nghĩa là: Tăng Tử nói: Mười mắt trông vào, mười tay chỉ đấy, đáng ngại lắm thay!

Khi sọan chữ cho bức đại tự ở Văn Miếu, cổ nhân trích ra các chữ “chỉ” , “thị” , “kỳ” ,  “nghiêm” rồi ghép lại thành “指視其嚴”. Còn Lão Tử thì cho rằng việc gì cũng vậy, rõ mười mươi thế nên rất đáng sợ, đáng ngại!

Ấy là cổ nhân dạy tu thân và hơn thế nữa là dạy cách giữ mình, sửa mình của những bậc làm quan trị quốc. Nếu không biết sợ dư luận, không biết xấu hổ, không biết nể trọng xung quanh, là họa có ngày.

Người xưa chọn ba chữ KỲ NGHIÊM HỒ hay 4 chữ CHỈ THỊ KỲ NGHIÊM là muốn khuyên con người, đặc biệt là những người làm quan phải ngày ngày cố gắng tu thân, phải nhớ sống ở đời cần biết giữ gìn phẩm hạnh; phải biết sợ dư luận, phải biết xấu hổ, biết nể trọng xung quanh để tu thân, giữ mình, sửa mình.

Chú ý rằng chữ “chỉ thị” ở đây không tách riêng khỏi 4 chữ được bởi nó không phải “là hình thức văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản cá biệt do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành cho cấp dưới tổ chức thực hiện” như hiện nay ta đang hiểu và thực thi mà nó nằm trong 4 từ hợp nhất  chỉ thị kỳ nghiêm” (“指視其嚴”), có nghĩa đại ý là những vấn đề đã nhìn thấy, nghe được phải chỉ ra rõ ràng nghiêm túc!

Như quả bầu quả mướp bị người ta chỉ chỏ, bàn tán còn thui chột rơi rụng; con vật khi sinh đẻ nếu “phải vía” sẽ đưa con đi chỗ khác hay khi đồ xôi, nấu rượu, mà “phải vía” cũng hay hỏng,…nên làm người cái cốt yếu là cần tự trọng. Thiên hạ người ta luôn quan sát, đánh giá, nhận xét về mình, nên phải biết “ngại” !.

Với thảo dân, cả đời quanh quẩn trong xóm, trong làng thì thiên hạ chỉ có phạm vi đó, nhưng với những “ông nọ bà kia” thì thiên hạ đã to bằng cái đình; cao hơn nữa các vị lãnh đạo quốc gia thì thiên hạ là cả nước và lúc ấy không phải chỉ có mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào mà là hằng triệu, chục triệu tai mắt quan sát, bàn tay chỉ vào, cái miệng nói đến!

Gần với ý này, Khổng Tử (孔子, 551-549 tCn)[3] trong Luận ngữ 論語[4], ngoài việc xác định: quân tử nói chuyện có “3 hổ thẹn” (hấp tấp, che dấu, mù quáng), làm việc có “3 không” (làm xằng, mưu cầu tùy tiện, hại người), tu thân có “3 lo” (nghe, học và làm) còn viết rõ lập đức có “3 sợ”, là: “君子有三畏:畏天命,畏大人,畏聖人之言”, đọc theo Hán Việt là “Quân tử hữu tam úy: úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn”, có nghĩa là: “người quân tử kính sợ luật lệ của trời đất, kính nể lối sống của người đức cao vọng trọng và lời nói của bậc thánh nhân”.

Do vậy, giới chức dịch phải nghĩ được như cụ Nguyễn Du (阮攸, 1766– 1820) đã gửi gắm tại câu 2591, 2592 trong Truyện Kiều 傳翹 là:

𢪀命方面國家,

𨕭𥄮𠖈,𠊛𥊛𠓨

“Nghĩ mình phương diện quốc gia,

Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”

Khi đó, những con người có danh, có chức, có địa vị, có trách nhiệm trong xã hội khi phát ngôn, hành sự phải giữ gìn, không thể...tuỳ hứng. Đừng để quá đà, lúc tỉnh mới 𤏬𣈗𢖵 𠚢  “rạng ngày nhớ ra”, hối không kịp! Lại nữa khi tay đã nhúng chàm 𢬣㐌潀𪷞 cũng chớ có vấy bẩn, làm càn tung tóe thêm ra!

Phần tôi, 40 năm thoát ly gia đình (1973-2013), có 28 năm (1985-2013) trên cương vị “nói có người nghe, đe có người sợ” tuy chưa thấm mấy lời dạy của tiền nhân và cũng chẳng phải thực liêm khiết gì nhưng kiểm lại, chính cái “biết sợ” đã giúp tôi vượt qua tất cả! Nhiều lúc từng định “chậc lưỡi” có qua song tỉnh được ngay nên trụ được đến lúc “trả dấu, bàn giao ghế” và không điều tiếng gì, không từng lên voi xuống chó và cho đến hôm nay, sau ngót 10 năm (2014-2022) nhận sổ cũng chả có ân hận gì! Đành rằng vợ con nhiều lúc cũng thấy thiệt thòi! Nhưng rồi:

Nay rảnh rang nhìn, ngẫm lại sự đời

Quên giận, ghét để nương theo quy luật.

Tự bằng lòng giữa những điều được-mất,

Ngẩng cao đầu thanh thản giữa nhân gian.

Tóm lại, người xưa chọn bốn chữ CHỈ THỊ KỲ NGHIÊM để treo cao, ghi nhớ là muốn dặn dò con cháu phải ngày ngày cố gắng tu thân, biết giữ gìn phẩm hạnh, danh dự. Phải biết sợ dư luận, xấu hổ, nể trọng xung quanh. Danh dự ấy, không phải của riêng mình mà của cả gia đình, dòng tộc, địa phương, đơn vị, ngành và rộng ra là của quốc gia, dân tộc. Như thế, con người mà đặc biệt là người làm trong bộ máy công quyền (H: 官吏, A: Mandarins, P: Mandarins) phải Liêm sỉ (H: 廉恥, A: Honest and ashamed, P: Intègre et honteux) tức là liêm khiết, trong sạch và biết hổ thẹn khi làm việc sai.

Tiếc rằng, qua theo dõi thấy giới quan chức, công chức nay nhiều người chẳng biết sợ là gì: ghế, bút, dấu được nhân dân, tổ chức giao cho họ là “của họ”, họ tự tung tự tác, bất chấp trên dưới, hệ quả! Khổ dân, hại nước và sớm muộn gì họ cũng sẽ chuốc hậu quả thôi!

Cũng vì thế mà “lò” đốt mãi chưa hết lũ tham quan, củi và nguồn củi vẫn còn lắm lắm.

Chúng ta có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Điều lệnh, Điều lệ,…lắm cuộc thi đua, phát động,…học tập, làm theo nhưng có lẽ nên giáo dục, bồi dưỡng mọi người ý niệm về sự xấu hổ, lòng tự trọng,…để không dám làm sai, làm trái!

-Lương Đức Mến, soạn lại bài cũ sau đợt nghỉ lễ 2022-



[1] Quần thể di tích nằm ở phía Đông kinh thành Thăng Long, nay được giới hạn bởi 4 phố chính gồm Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám. thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa, tf Hà Nội. Thực chất đấy là hai công trình được xây dựng vào hai thời điểm khác nhau:

Ban đầu, Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử). Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau chia thành nhiều lớp và mỗi lớp không gian lại được giới hạn bởi một bức tường gạch chạy hết chiều ngang và có cửa thông nhau. Năm khu tương ứng với ngũ hành (kim – mộc – thủy – hỏa – thổ).

Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam mà nếu đi từ cổng (58 đường Quốc tử Giám) vào sẽ là: Văn Miếu môn, Đại Trung môn,  Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang (Giếng ánh sáng trời),  bia tiến sĩ (82 bia ghi khắc họ tên, quê quán của 1805 nhân vật, trong đó có 17 trạng nguyên, 19 bảng nhãn, 47 thám hoa, 284 hoáng giáp và 938 tiến sĩ), Đại Thành môn, nhà Thái Học. Còn Hồ Văn nằm phía bên kia đường, Vườn Giám nằm ở phía Tây (bên tay Phải) của di tích.

[2] Truyền thuyết cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ 苦縣 nước Sở 楚 (khoảng dọc sông Hoài Hà 淮河 và Dương Tử 長江 tức vùng Hà Nam, Hà Bắc, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang nay), hiện nay là huyện Lộc Ấp 鹿邑 thuộc Địa cấp thị Chu Khẩu 周口, tỉnh Hà Nam 河南, phía Nam sông Hoàng Hà 黃河 bên Trung Quốc trong những năm cuối thời Xuân Thu (春秋时代, 771-476 tCn).

[3] Một triết gia và chính trị gia, nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Ông sinh sống vào thời Xuân Thu, ở Tưu ấp, nay là thành phố Khúc Phụ 曲阜, tỉnh Sơn Đông .

[4] Cuốn này cùng với 3 cuốn khác là Đại Học 大學, Mạnh tử 孟子 và Trung Dung 中庸 hợp thành Tứ thư 四書, bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa 中國儒教.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!