[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 5 2022

Lại tìm hiểu về SÓC VỌNG

Trên đường dẫn cậu Đích đi học về, tự dưng cu cậu hỏi: thỉnh thoảng con lại thấy ông bà thắp hương trên ban thờ trên tầng, khi thì có hoa quả, bánh trái lúc lại có cả xôi thịt, là sao?

Dựa theo một tranh trên MXH, vẽ thêm để mh

Tôi tâm sự và trả lời cháu, đại ý thế này: thờ cúng Tổ tiên thực hiện ở nhà Cụ dưới quê, còn ở nhà ông bà và bố mẹ các con trên thành phố có bàn thờ là thờ cúng Thổ công và tổ tiên. Do vậy việc cúng bái tại đây thường chỉ thực hiện trong các ngày Lễ, Tết, mồng Một và hôm Rằm tính theo âm lịch còn ngày Giỗ các Cụ (4 đời tính từ bản thân) tiến hành tại Gia đường ở quê và ngày đó ông cháu ta cùng bà, bố, mẹ các con về đấy dâng lễ, thắp hương, khấn cúng rồi thụ lộc là vì vậy.

Nhớ rằng, mồng Một và ngày Rằm hằng tháng âm lịch gọi chung là Sóc Vọng. Lớn dần lên con sẽ hiểu và nắm rõ việc đó và thực thi theo thời cuộc cũng như khả năng, hoàn cảnh của mình!.

Lại biết rằng, khi có nhận thức và nhất là có chữ viết, để ghi nhớ về thời gian con người xây dựng cách tính lịch gọi là Lịch pháp (H: 曆法, A: Calendar, P: Calendar) để làm ra Lịch thư (H: , A: Almanac, P: Almanach) trong đó có ghi chép niên giám, ngày tháng gắn liền với thiên văn, với chiêm tinh học. Qua tích lũy kinh nghiệm, hiện tượng cổ nhân dễ nhận thấy là ngày (, có mặt trời), đêm (, không có ánh mặt trời), từ đó người ta định ra 3 đơn vị cơ bản (thiên tạo) là ngày (, dựa trên sự quay của trái đất quanh trục của nó), tháng (, dựa trên vòng quay của mặt trăng quanh trái đất, sinh ra Sóc Vọng) và năm (, dựa trên chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời, tạo ra 4 mùa).

nhiều cách làm lịch nhưng phổ biến và cần biết hiện nay là Âm lịch và Dương Lịch (H: 陰曆 - 陽曆, A: The lunar calendar - The sun calendar, P: Le calendrier lunaire - Le calendrier solaire ). Trong đó: Phép tính lịch dựa vào chu kỳ mặt Trăng quay quanh trái Đất gọi là Âm lịch (陰曆, lunar calendar/ Le calendrier lunaire), bởi mặt Trăng thuộc âm và lịch này hiện nay dùng để thực hiện việc Cúng, Giỗ, xem ngày chọn giờ. Phép tính lịch dựa vào chu kỳ trái Đất quay quanh mặt Trời gọi là Dương lịch (陽曆, The sun calendar/Le calendrier solaire), bởi mặt Trời thuộc Dương được dùng phổ biến hiện nay, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Nhớ rằng, việc tính tháng đủ, tháng thiếu, năm nhuận 閏年 của Âm lịch khá phức tạp. Còn với Dương lịch thì có 7 tháng 31 ngày (T1, 3, 5, 7, 8, 10, 12) và 4 tháng 30 ngày (T4, 6, 9, 11), riêng tháng 2 cứ 4 năm (có số chỉ năm “chia hết cho 4”, trừ năm xx00) có một năm nhậu mà trong đó “nhuận nhật” 閏日 là ngày 29, còn các tháng 2 khác chỉ có 28 ngày.  

Thực tế, cả mặt Trăng và trái Đất đều quay quanh mặt trời nên, bất cứ lịch nào cũng là lịch mặt trời (solar calendar) hay dương lịch. Tuy nhiên, vì một năm tới 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 46 giây nhưng để đơn giản và dễ nhận biết người ta chỉ quan tâm đến số làm tròn và đã chia một năm ra thành những đơn vị nhỏ hơn (nhân tạo: quý, tuần, giờ, phút, giây) cho dễ tính toán. Cụ thể những người làm lịch đã lấy chu kỳ của mặt trăng, khoảng 29-30 ngày, làm đơn vị tháng và tập hợp nhiều tháng theo chu kỳ trái Đất quay quanh mặt Trời thành năm . Đó là Âm Dương lịch (陰陽曆, lunisolar calendar). Lịch này được áp dụng bởi Âm lịch phối theo Dương lịch từ thời Minh (明朝, 1368 – 1644) và hoàn chỉnh như ngày nay dưới triều Thanh (清朝, 1644 - 1911). Đó là hệ lịch giống như âm lịch (tháng theo tuần Trăng) vừa lấy năm theo vòng thời tiết (năm theo mặt Trời) bằng cách đặt thêm tháng nhuận để năm của Âm Dương lịch không sai nhiều với chu kì khí hậu (năm thời tiết).

Thuở chưa có các phương tiện quan sát Thiên văn hiện đại, từ thực tế, cổ nhân nhận xét thấy có đêm có trăng, đêm không trăng, đêm trăng tròn trăng khuyết hình thành nên khái niệm tháng . Qua nhiều đời, người ta xếp mỗi tháng có 29 ngày (tháng thiếu 月小) hoặc 30 ngày (tháng đủ 月大), hình thành nên Sóc Vọng (H: 朔望, A: The first day and the fifteenth day of lunar month, P: Le premier jour et le quinzième jour du mois lunaire) và những quan niệm tâm linh đi theo nó.

Trong các ngày Sóc, Vọng thì mặt trời, trái đất, mặt trăng ở những vị trí gần như xếp thành một đường thẳng với nhau nên lực hút giữa chúng có phần cộng hưởng với Trái đất và do đó con người có khả năng tập trung tư tưởng cao, dễ toàn tâm toàn ý vào điều mình tin, mình làm. Những ngày 7, 8, 22, 23 âm lịch hàng tháng, do mặt trăng, mặt trời và trái đất ở vị trí vuông góc với nhau nên con người thường bị phân tán tư tưởng, thực hiện công việc khó thành công mỹ mãn nên có câu “Mùng 5, mùng 8, 23. Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”.

Thời điểm Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời (Giao hội, 結合, Conjunction) phần chiếu sáng của Mặt Trời lên nó ở phía sau nên từ Trái đất không nhìn thấy Mặt Trăng, dân gian gọi là Trăng non, Sóc nhật 朔日. Trong đó “sóc” nghĩa là trước, mới, là ngày mồng Một: như chính sóc 正朔  ngày mồng Một tháng Giêng âm lịch. Ngày khởi đầu của tháng (Nguyệt cát 月吉), các ngày từ đó đến ngày 10 gọi là “mồng” . Còn ngày cuối tháng là Nguyệt tận月盡 và do chu kỳ trung bình của Mặt Trăng là 29,530589 ngày (sóc thực 朔實) nên có thể rơi vào ngày 30 (Đại tận 大盡) nếu đó là tháng đủ hay vào ngày 29 (Tiểu tận 小盡) nếu đó là tháng thiếu. Ngày Sóc là ngày khởi đầu của một tháng mới nên cầu điều may mắn và thành công.

Thời điểm Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng (Xung đối, 衝是, Opposition) rơi vào giữa tháng, âm lịch gọi là Rằm và khi đó mặt trăng thấy hình tròn gọi là “vọng”, Vọng nhật 望日. Trong đó “vọng” là trông xa, là ngày Rằm khi mặt trời, mặt trăng gióng thẳng nhau.

Những ngày Sóc, Vọng, “mặt trời mặt trăng nhìn rõ nhau, thấu suốt ánh sáng nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục cái tâm vốn sáng suốt, trong sạch từ trong bản thể” nên thần thánh, ông bà, tổ tiên sẽ thông thương với con người, những nguyện cầu sẽ có cảm ứng mạnh nhất tới các cõi khác và sự cảm thông, tương tác dễ dàng được đáp lại. Nếu con người thật tâm cầu nguyện thì lời nguyện cầu đó sẽ dễ dàng gửi đi và đến được nơi cần đến hơn.

Ta lại biết rằng, sức hút của mặt trăng, mặt trời tới con người gây ra trạng thái “thủy triều sinh học” trong cơ thể, khiến chất lỏng trong cơ thể thay đổi. Mùng Một là ngày đầu tháng: Mặt Trăng “chưa có”, Mặt Trời chiếu sáng mạnh nhất nên dương khí cực thịnh mà con trai lại vốn thuộc dương, sinh ngày này thì tính cách cực thịnh về dương. Còn ngày Rằm:  Mặt Trăng tròn nhất nên có âm khí cực thịnh mà con gái lại thuộc âm, sinh ngày này tính cách cực thịnh về âm. Vì vậy, dân gian có câu: “Trai mồng Một, Gái hôm Rằm, nuôi thì nuôi vậy, vẫn căm trong lòng”!

Thời kỳ giữa ngày Sóc và ngày Vọng cùng tháng hình ảnh nhìn thấy của Trăng là lớn dần gọi là Thượng huyền 上弦, bắt đầu từ sau ngày “Mồng Sáu thật trăng”. Tên gọi những ngày này trước số chỉ ngày có một tiền tố mà Hán ngữ đọc theo âm Hán Việt là “Sơ” còn người Việt gọi là “Mồng” hay “Mùng” .

Ngược lại giữa ngày Vọng tới ngày Sóc liền kề trăng “mọc” muộn và hình ảnh nhỏ dần gọi là Hạ huyền 下弦, tính từ sau ngày “Hăm Hai gà gáy”. Những ngày này chữ Hán không ghi là “Nhị Thập…” 二十... mà viết là “Chấp...” 廿… còn người Việt lại thường đọc là “Hăm…” .  

Không chỉ ngày giỗ, dịp lễ, tết mà việc khấn cúng Thần, Phật, Tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng Một (朔日, Sóc nhật), ngày Rằm(朔望, Vọng nhật). Việc này diễn ra bên bàn thờ gia tiên cũng có khi người ta lên Chùa dâng hương, cầu thỉnh mà người theo chủ yếu là các Phật tử đã “quy”.

Trước đó, các gia đình thường quét dọn bàn thờ, sắm biện, bày đặt dâng lễ phẩm (hương thơm, kim ngân, hoa quả tươi, xôi, bánh kẹo cùng trầu cau, tiền vàng mã, trà nước, đồ mặn). Sau đó đốt đèn, rót rượu, châm hương, thỉnh chuông trên bàn thờ Gia thần và Gia tiên, rồi đọc văn khấn, hạ lễ, hóa vàng, thụ lộc.

Lễ cúng trong ngày này còn thể hiện mong muốn con người sáng suốt trong sạch, đẩy lùi những thứ xấu xa trong lòng, chính vì ý nghĩa này mà đại đa số gia đình đều chuẩn bị lễ phẩm đầy đủ trên bàn thờ và tiến hành một cách thành kính, bài bản. Không những thực hiện nghi lễ thờ cúng trong gia đình mà, những ngày này còn rất nhiều người đi Chùa chiêm bái và lễ Phật.

Do vậy nói “Sóc Vọng” là chỉ ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch và ngày này các thiện nam tín nữ đều thắp hương tại nhà hay lên chùa. Nghi thức và văn khấn đã đề cấp nhiều trên trang này, không nhắc lại.

Hiểu biết và nghi thức tiến hành trong các ngày Sóc Vọng hằng tháng theo Âm lịch của tôi và gia đình là theo thông lệ dòng tộc, quê hương. Chưa rõ vì sao một số nơi lại gọi là “sắc vọng” và có lệ cúng “bồi” rồi “vào hè” cho người thân mới mất!

-Lương Đức Mến, 04/4 Nhâm Dần-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!