[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


24 tháng 4 2022

ĐỔI THAY NHẠN ÉN

Chiều thứ Bẩy, cô cháu gái (chưa biết chữ) nhõng nhẽo: ông giảng nghĩa cho anh nghe về từ tượng thanh, tượng hình sao không giảng cho con nghe về “con nhạn”, “con én”, con yến nó là con gì thế ông mà sao con chưa gặp bao giờ?

Tranh thêu chim Én lấy trên mạng

Lại một phen “giật mình”: trẻ nhỏ bây giờ để ý gớm, khối chuyện bọn hắn biết, nói mà khi xưa, lúc bằng  các hắn nay, mình chưa biết tí tẹo nào!.

Đúng là trong Truyện Kiều cụ Nguyễn đã 3 lần nhắc đến con “nhạn”. Đó là ở các câu  565: “𢞂𥄡風景圭𠊚, 頭梗鵑日𡳳𡗶” (“Buồn trông phong cảnh quê người, Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa”; câu 945: “信鴈刎蘿詩排, 迻𠊚𨷶𠓀𠊚𨷶𡢐” (“Tin nhạn vẩn lá thư bài, Đưa người cửa trước rước người cửa sau”) và câu 1477: “分蒲自院𡦂, 𣋇台雁燕㐌紅𨃐” (“Phận bồ từ vẹn chữ tòng, Đổi thay nhạn én đã hòng đầy niên”)! Đồng thời có 5 lần nhắc tới chim “én” sẽ diễn giải cụ thể sau.

Trong đó, đặc biệt câu 1477 nhắc tới cả 2 con chim là NHẠN và ÉN:

分蒲自院𡦂

Phận bồ từ vẹn chữ tòng,

𣋇台雁燕㐌紅𨃐

Đổi thay nhạn én đã hòng đầy niên.

Đoạn này kể chuyện Kiều với Thúc Sinh và cụm “Đổi thay nhạn én” là từ thành ngữ “Én nhạn đại phi” 燕雁代飛 (chim én chim nhạn theo mùa thay nhau bay đến bay đi) dùng để ví tình cảnh mỗi người một phương, không thể gặp nhau, và cũng dùng để ví sự thay đổi thời tiết từ mùa này sang mùa khác hoặc ví thời gian nối tiếp nhau trôi qua.

 Ở đây chỉ giải thích 2 từ:

 Nhạn” rất hay dùng trong văn học và trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ này chỉ một số loài chim thuộc chi Ngỗng (Anser). Trong dân gian gọi là chim mòng. Cách gọi mới xuất hiện gần đây cho các loài chim thuộc họ Én (Hirundinidae).

Đấy là loài chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi, mỏ ngắn. Con mái là nhạn , con trống là hồng , nhưng dùng nhạn là tiếng chung. Bởi vậy, có câu:  孤雁南飛鴻北去” (Cô nhạn nam phi hồng bắc khứ), Nhạn lẻ bay về nam, chim Hồng bay về bắc, ý nói không dính dáng gì với nhau. Trong Bích câu kỳ ngộ (sự gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu), tác giả khuyết danh khi kể chuyện Tú Uyên - Giáng Kiều viết rõ hơn ở câu 239: “Những là én bắc nhạn nam, Cánh hoa mặt nước dễ làm sao đây?”

Cũng vì mùa thu quay về, mùa xuân đi, cho nên gọi là “hậu điểu” 候鳥 chim mùa và chúng bay có thứ tự, nên gọi là “nhạn tự” 雁序.

Ca dao có câu: “Đôi ta chẳng đặng sum vầy, Cũng như chim nhạn lạc bầy kêu sương”, “Nhạn bay cao, mưa rào lại tạnh, nhạn bay thấp mưa ở bờ ao”,...

Để chỉ việc tin tức do nhạn đưa về, Nguyễn Đình Chiểu (阮廷炤, 1822 - 1888) viết trong bài Ngóng gió Đông: “Mây dăng ải Bắc, trông tin nhạn, Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng” còn trong Cung oán ngâm khúc 宮怨吟曲, Nguyễn Gia Thiều (阮嘉韶, 1741-1798) viết: “Ngày sáu khắc tin mong, nhạn vắng; Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền”.

Với chim Én, trong Kiều, cụ Nguyễn từng 5 lần nhắc đến én” với những hoàn cảnh và ẩn ý khác nhau. Đó là: tại câu 39, khi kể về Thanh Minh: “𣈜春昆燕迻梭,韶光𠃩𨔿㐌外𦒹𨑮” (“Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”), hay câu 2117 thuật lời Thúy Kiều “妾如𡥵燕落弹” (Thiếp như con Én lạc đàn), hoặc câu 2167 tả Từ Hải “𤞻頷燕𪵟𧍋” (Râu Hùm, hàm Én, mày Ngài), câu 2274 “唉群𦛜燕眉𧍋如初” (Hãy còn hàm én mày ngài như xưa) , câu 2749 “立茌燕冷墙空” (Xập xè Én liệng lầu không).

Tóm lại, NHẠN, ÉN là chữ dùng trong văn học (cổ) chỉ một loại chim mà dân gian gọi là con CHIM MÒNG, mang ý nghĩa mong đợi, trật tự theo mùa bởi chúng di trú tránh rét vào mùa Đông, trở lại vào cuối Xuân! Nhiều người nói Nhạn và Én là 2 loại chim khác nhau: Chim Nhạn mùa Đông tránh rét bay về miền Nam, chim Én mùa Xuân bay về miền Bắc. Còn chim YẾN ít đi vào thơ ca và chủ yếu khai thác lấy TỔ chế ra thực phẩm chức năng, được nuôi nhiều ở Nha Trang (Khánh Hòa). Chú ý rằng một số người hay nhầm “Yến” là “Én” bởi Hán tự đều dùng chữ chỉ 2 chim này, có điều nếu muốn nói đến chim Yến thì người Hán hình như có thêm chữ “vũ” thành ra 雨燕科 trong khi “Én” chỉ viết là 燕科 !

Học nữa lên và chịu khó tìm hiểu sẽ ngộ ra nhiều điều. Phần ông, chỉ biết sơ sơ vậy! Các cháu cần cố gắng lên, không chỉ Toán, Tin với Tiếng Anh mà còn cả Lịch sử và Tiếng Việt nữa!

-Lương Đức Mến, Chủ Nhật 24/4/2022-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!