[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


26 tháng 4 2022

HỘI CHỨNG ĐÁM ĐÔNG

Từ khi có tin năm học tới (2022-2023) các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 bắt đầu áp dụng chương trình môn học và hoạt động giáo dục theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức là Lịch sử (cùng với Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật) không phải là môn học bắt buộc mà thuộc môn học lựa chọn là bắt đầu có nhiều ý kiến bàn ra tán vào.

Từ đó, như hiệu ứng “lên đồng tập thể”, rất nhiều bài, của mọi tầng lớp, với mọi trình độ,... phản ứng rầm trời. Nhưng học thế nào, thi ra sao thấy ít người đề cập!

Vì sao lại thế và nó nên như thế nào?

Trước hết cần hiểu rõ: Lịch sử hay sử học là một môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Trong tiếng Hy Lạp là ἱστορία (historía), Anh ngữ là History, Pháp ngữ là Histoire, Hán tự là 歷史 nghĩa là “sự tìm hiểu kiến thức bằng cách điều tra”, tức là chép lại các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này.

Với thảo dân cỡ như chúng ta chỉ nên quan tâm nhiều đến lịch sử Việt Nam (A: History of Vietnam, P: Histoire du Viêt Nam, H: 越南歷史), tức là tính từ lúc có mặt con người sinh sống thì đã có hàng vạn năm trước Công nguyên, còn tính từ khi cơ cấu nhà nước được hình thành trên dải đất hình chữ S này thì khoảng từ năm 700 năm trước công nguyên.

Thiết thực và gần với chúng ta là Gia phả và trong đó, ai cũng hiểu rằng: Gia phả là lịch sử, là Gia Bảo của mỗi gia đình, là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết con cháu một dòng họ lại với nhau. Vì thế đã có câu:

皇图巩固國有史書 Hoàng đồ củng cố, Quốc hữu Sử thư;

祖德流徽家存譜志 Tổ đức lưu huy, Gia tồn Phả chí.

Nhưng do chiến tranh, cuộc sống gian khó hay do “Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc” 水火盜賊,… làm cho nhiều dòng họ chưa từng lập gia phả hay có lập nhưng gián đoạn, thất lạc,…Vì vậy đâu phải mọi con cháu đều biết, hiểu, nắm được rõ, chi tiết về lược sử gia tộc mình. Lỗi này thuộc về ai?

Xa hơn một chút là lịch sử địa phương (thôn, phố, xã, phường, huyện, tỉnh), lịch sử ngành đã hoặc chưa biên tập, xuất bản tuy ghi rõ chủ biên, biên tập, Ban Thường vụ X chịu trách nhiệm…nhưng chất lượng phải xem lại, đặc biệt những thông tin về sự kiện con người liên quan đến giai đoạn xa xưa, những chi tiết về địa danh, địa giới, về sự gộp, tách,…. Trong đó không thiếu những thông tin mù mờ, sai lạc và vô hình chung thông tin ấy, khi chình ình trên những trang giấy được in khá bắt mắt trở thành chính thống, được phổ biến, lan truyền! Như vậy còn hại hơn là không có thông tin!.

Có tình trạng ấy là do: việc chép gia phả, chép sử, dù là sử cấp nào cũng phải dựa vào nguồn tư liệu, tức Cổ sử. Song Cổ sử chép về quá trình hình thành nhà nước ở Việt Nam đều khá mơ hồ và thiếu thống nhất. Điều dễ thấy là, Việt Nam lập nước muộn, chậm chép sử và cổ sử dựa vào truyền thuyết, gia phả lấy từ truyền ngôn. Hơn nữa, ta lại luôn bị xâm lăng từ phương Bắc với thời kỳ Bắc thuộc 北屬時代 kéo dài từ khi Triệu Đà 趙佗 thôn tính Âu Lạc 甌貉 của An Dương Vương 安陽王 (207 tCn) lập ra Nam Việt 南越 cho đến khi Ngô Quyền 吳權 giành lại độc lập từ nhà Nam Hán 南漢 (938), rồi 20 năm thuộc Minh (明屬時代1407-1427). Mỗi lần mất nước, bao thành tựu văn hoá đều bị quan quân Bắc quốc thu, đốt hay mang về để dân ta quên lịch sử, phong hoá đất mình và người đô hộ dễ bề Hán hoá. Đặc biệt trong thời Bắc thuộc thứ tư (第四次北屬時期, 1407-1427), quân Minh đã lấy về Trung Quốc rất nhiều sách có trước thời Trần (陳朝, 1226–1400), trong đó có những cuốn văn hoá, lịch sử.

Do vậy, về lịch sử nước ta hiện chỉ có bốn “cổ thư”, là : Việt sử lược (越史略, khuyết danh, đời Trần),  An Nam chí lược (安南志略, Lê Tắc 黎崱  soạn ở Thế kỷ XIV), Ðại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書, Lê Hy, 1698), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (欽定越史通鑑綱目, Quốc sử quán nhà Nguyễn, 1884) sau này có Việt Nam sử lược (越南史略, Trần Trọng Kim, 1919). Tuy nhiên, An Nam Chí lược thì soạn bên Tầu còn Ðại Việt Sử Lược đã bị thất truyền, sau được tuần phủ Sơn Đông thu nhặt đem dâng vua, rồi lưu trữ lãng quên trong “Thủ sơn các Tùng thư và Khâm định Tứ khố Toàn thư”; sau này đời Càn Long (乾隆清高宗, 1736 - 1799) tìm thấy và được Tiền Hi Tộ (錢熙祚, ?-1844), người Giang Tô đã san định, hiệu đính đổi thành Việt sử lược 越史略, gọi Đại Việt là An Nam 安南, sách  An Nam chí lược do một phản thần soạn tại nước ngoài. Do vậy, các sách gọi là “cổ sử” trên độ “khách quan” hạn chế, cần cân nhắc khi sử dụng.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta e ngại, không sử dụng nguồn tư liệu đó mà vẫn sử dụng nhưng cần cân nhắc, đối chiếu, phân tích cốt sao cho hậu nhân hiểu và có cái nhìn gần sự thật nhất về lịch sử và những góc khuất của nó!

Nhân đây xin bàn đến 2 “địa danh” mà nhiều cuốn gia phả và sử địa phương ở “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt” vướng phải: nào là “Lào Cai thời lập quốc thuộc bộ Tân Hưng”, nào là “xã/huyện X hồi đó thuộc châu Chu Quý”,….! Qua nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy thì có thể khẳng định rằng:

 “Cơ mi” hay “ki mi” hoặc “chu quý” “羈縻” là một hình thức quản lý: “Ràng giữ, buông thả, câu thúc; duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn”. Chế độ gián trị 间治 như vậy với vùng miền núi xa xôi được duy trì và tồn tại do các tù trưởng 土司 bản địa trông giữ, cai quản mãi tới thời Nguyễn vào năm 1838 mới chuyển sang chế độ trực trị 直治 bằng lưu quan  流官người Kinh. Chứ “羈縻” không phải là một địa danh nên nếu ở đâu đó viết thuở xa xưa vùng xy thuộc Lào Cai nay có tên là Cơ Mi, Quy Mi hay Chu Quý là viết sai, lẫn giữa “hình thức cai trị” với “địa danh”, là không hiểu gì về chữ nghĩa, về lịch sử !

Vùng đất “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”, tức Lào Cai nay không nằm trong bộ Tân Hưng thời Hùng Vương mà nó là “vùng đệm” giữa các triều đại của Đại Việt (大越, 1054-1400 và 1428-1804) với các thế lực vùng Vân Nam (雲南, năm 1276, Hốt Tất Liệt (元世祖, 1215-1294) cho thành lập tỉnh và nhập vào Trung nguyên). Mãi đến thời nhà Lý (李氏, 1009-1225), sau khi Lý Thái Tổ (李太祖, 1010-1028) sai Dực Thánh Vương 翊聖王 đi đánh dẹp được Man tướng 蠻將 của Đại Lý (大李, 937-1276) thì vùng Lào Cai nay mới chính thức nhập vào bản đồ Đại Việt!

Các cụ xưa dạy “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” quả không sai! Viết về gia sử, lịch sử phải có cái tâm, có nhãn quan nhưng không thể lấy “tình cảm”, “chính trị” thay thế hoàn toàn được!

Lâu nay, nhiều người khi đổ lỗi cho giáo dục Việt Nam cứ bảo dân ta hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà! Điều đó có phần đúng nhưng không hẳn chính xác, qua vài việc mà tôi “mục kích sở thị” và chiêm nghiệm:

-Đó là lịch sử qua phim dã sử mà phần lớn theo sự nhào lặn của người viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng là Kim Dung (金庸, 1924-2018). Đó không phải lịch sử, dù là sử Việt, sử Tầu hay sử  khu vực.

-Vô tình hay cố ý, người Trung hay “quên” những triều đại đã xâm lược Đại Việt và bị đánh bại, họ thường chỉ nhắc đến những cuộc tấn công của quan quân nhà Nguyên (元朝, 1271–1368), nhà Thanh (清朝, 1644 – 1912) là các triều đại không phải do người Hán cai trị từng bị quân dân Đại Việt đánh cho tơi tả buộc phải rút quân về nước trong các năm: 1258, 1285, 1288 và 1789.

Nhưng họ quên rằng lãnh tụ của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn 起義藍山 là Thái tổ Lê Lợi (黎利, 1385-1433) đã đại thắng, đuổi quân nhà Minh (明朝, 1368–1644) về nước sau 20 năm đô hộ nước ta (安南屬明時期, 1407–1427). Nhà Minh chính là triều đại của người Hán do Đại Minh Thái Tổ Cao Hoàng đế 大明太祖高皇帝 Chu Nguyên Chương (朱元璋, 1328-1398) lập ra. Ngoài ra phải kể đến vài lần xưa kia quân dân ta đánh đuổi quân Nam Hán (南漢, 917-971) trong trận Bạch Đằng 白藤江之战 năm 938, quân Tống (宋朝, 960–1279) ở trận Như Nguyệt năm 1077 cuối cuộc Chiến Tống - Việt (宋越熙宁战争, 1075-1077)…

 -Nhiều người không biết đến người anh hùng áo vải từng lật đổ triều đại nhà Minh hùng mạnh. Đó là : Lý Tự Thành (李自成, 1606-1645) nguyên danh là Hồng Cơ 鴻基, là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân lật đổ nhà Minh (大明, 1368–1644) vào năm 1644 lập nước Đại Thuận (大順, 1644–1645), tự xưng là Đại Thuận hoàng đế 大順皇帝, lên ngôi tại kinh thành nhà Minh. Đối với triều Minh, Lý Tự Thành là giặc nhưng đối với nông dân ông ta là anh hùng, cầm đầu nghĩa quân chống lại chế độ phong kiến.

- Thêm thắt để chứng minh dòng dõi Hán nhân với người nổi tiếng, thể hiện mong ước của người Hán khi bị người Mãn đô hộ, tự an ủi mình rằng vua trên ngai vàng vẫn là người Hán. Cụ thể với Hoàng đế Càn Long (清高宗乾隆帝, trị vì 1735-1796) tên thật là Hoằng Lịch 弘曆, là con trai thứ 4 của Thanh Thế Tông Ung Chính (清世宗雍正帝, trị vì 1722 – 1735), mẹ là Hiếu Thánh Hiến hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị (孝圣宪皇后鈕祜祿氏, 1693 – 1777), vốn là Quý phi 熹貴妃 của Ung Chính được Kim Dung hư cấu thành chuyện “hoán con” của Trần Thế Quán (Trần Các lão, 陈世倌, ? – 1758) với con của Ung Thân Vương (雍親王, tức Ung Chính sau này) bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục 書劍恩仇錄. Dân gian còn thêm rằng, về sau Càn Long nhiều lần nam tuần đến Hải Ninh 海寧, thực chất là để thăm mộ cha mẹ (vợ chồng Thế Quan).

-Không phân biệt được đường tuần biên với biên giới khi xử lý : vụ nổ súng khi phục bắt các đối tượng buôn bán chất ma tuý, vũ khí tại bãi cây Tống quán sủi, thôn Hảo Sư Tủng xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai  giáp với địa phận Mộc Thành, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc 中国云南省红河哈尼族彝族自治州河口木城新寨 xẩy ra ngày 06/5/2002. Thực chất, theo tôi biết đoàn cán bộ Trung Quốc biết rõ đường “tuần biên” do BĐBP Việt Nam tạo ra nằm phía dưới dốc so với đường “biên giới Việt Trung” ở đỉnh dốc, nơi “phân thủy” nhưng họ coi như phớt lờ, cứ cãi. Ta không cứng là họ lấn, thế thôi!!

Khi bàn về thái độ với lịch sử, với quá khứ, ai mà chẳng nhớ rằng trong tác phẩm Đaghextan của tôi (Дир Дагъистан, Мой Дагестан), một tác phẩm sách viết bằng tiếng Avar của nhà thơ người Dagestan Респу́блика Дагеста́н thuộc Liên Xô, nhà văn, Anh hùng Liên Xô Rasul Gamzatovich Gamzatov (Расул Хiамзатов, Расул Гамзатович Гамзатов, 1923 - 2003) từng để nhân vật của mình là Nhà thơ  Poet Abutalib nói: “If you fire at the past from a pistol, The future will shoot back from a cannon.” (“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”).

Ngay như Nga hiện nay, cho dù Liên Xô đã chấm dứt tồn tại 30 năm, nhưng người ta trân trọng quá khứ; tượng đài Lênin (Влади́мир Ильи́ч Ле́нин, 1870-1924) vẫn xuất hiện ở nhiều nơi và các bức tượng đó đã được chỉnh trang, tu sửa dịp kỷ niệm 152 năm ngày sinh của Người, 22/4/2022. Người ta hiểu rằng Lênin là một phần của lịch sử nước Nga, như Stalin, Alexander Nevsky, Nikolai Romanov, như  Ivan Hung đế, Piyotr Đại đế...

Suy rộng ra, môn lịch sử cũng vậy: nếu không biết, đặc biệt lại coi thường, thóa mạ, xóa bỏ nội dung nào đó về gia sử dòng họ, lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới thì thế hệ mai ngày sẽ không biết gì về người và chuyện hiện nay và đương nhiên họ sẽ “quay lưng” lại!

Nhưng chép và viết sử thế nào lại là chuyện khác. Theo thời cuộc, theo xu thế hiện thời thì những sự kiện, con số khô khan, vênh nhau, in ra giấy,…rất dễ dẫn đến nhàm chán, khó tiếp thu, mau quên! Lại còn bài học, ý nghĩa mà chỉ thấy “ta”, chính nghĩa, luôn thắng, thủ lĩnh luôn đúng,… nhiều khi đến …khó tin !. Đấy là chưa kể hiện nay trên MXH đầy rẫy những thông tin rất khó kiểm chứng trong khi nguồn tin chính thống lại chưa mấy “bạch hóa”,…Ngay sự kiện ngày 30/4/1975 quan trọng thế mà xe tăng nào húc đổ công Dinh, ai thảo tuyên bố xin hàng,...đã gần Kỷ niệm 47 năm rồi vẫn còn có lời ra tiếng vào nữa là!

Thay vào đó nên có hình thức phù hợp, như diễn ca, sân khấu hóa, màn ảnh hóa, chuyện hóa,…và nếu tận dụng tốt đã mạng xã hội thì cảng tốt! Đặc biệt là sớm có những bài phản biện phong phú, thông tin khách quan, thực sự có sức mạnh vạch rõ những sai quấy của mấy kẻ bồi bút, lạc đường

Có tài liệu rồi còn cần truyển tải, giáo dục phổ cập những tri thức đó tới mọi người sao cho có hiệu quả.

Chúng ta đều biết, mọi sự vật, hiện tượng đều tiến hóa theo hình xoáy trôn ốc và do đó tri thức lịch sử cũng cần được ghi chép, truyền đạt theo hướng đó. Cụ thể, từ bé thơ đến người trưởng thành, các bậc trưởng thượng cũng cần được dạy, hướng dẫn, học, tìm hiểu và ghi nhớ theo hình xoáy trôn ốc, từ thấp đến cao, có nhắc lại ở mức cao hơn khi đã trưởng thành hơn! Từ gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội đều có trách nhiệm chung!

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quán triệt điều đó. Trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội.

Nhưng vấn đề ở cho là đưa “lý thuyết” đó vào đời sống ra sao và hiểu quả bằng sự chuyển biến nhận thức cũng như kết quả thi cử của thí sinh ra sao lại là chuyện khác!

Học sinh, từ Tiểu học tới Trung học phổ thông chính là lứa tuổi cần giáo dục về lịch sử gia đình, địa phương, đất nước nhất. Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mới, tất sẽ có nhiều ý kiến với những cung bậc, chất lượng khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú ý lắng nghe, phân loại, tiếp thu có chọn lọc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đừng cứ “cải cách” liên tục, biến trẻ thơ thành “chuột bạch” mà chả tính đến trách nhiệm, hiệu quả!.

Bài học quá khứ từ mỗi gia đình, địa phương, rộng ra tren toàn quốc, ở khu vực, trên thế giới đã có. Cần có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Dù thì gì, việc “lật sử” là không thể chấp nhận được!

Nếu có quyền, và chỉ giới hạn trong 4 môn thì tôi sẽ xếp môn học bắt buộc là Toán (rèn luyện khả năng tư duy, tính chính xác), Tiếng Việt (rèn luyện kỹ năng diễn đạt, trình bày), Lịch sử (hiểu biết về quá khứ, thêm trách nhiệm ở hiện tại) và Ngoại ngữ (để hội nhập!)!

-Lương Đức Mến, 26/4/2022-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!