[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


26 tháng 4 2022

NỖI SỢ “NỔI CƠN TAM BÀNH”

Bấy lâu, bận túi bụi những việc đẩu đâu, hôm nay mới nhớ ra rằng mình còn một thú vui nữa là “bói Kiều”. Nghĩ vậy liền mở sách, được ngay câu 961, 962:

Tranh nhặt trên MXH

𦖑娘呐咍情

Mụ nghe nàng nói hay tình,

𣇞買浽三彭媒𨖲

Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên.

Hai câu thơ trên nằm trong đoạn kể chuyện Mã Giám Sinh 馬監生 đưa Thúy Kiều 翠翹 về ra mắt Tú (秀婆, chủ chứa mại dâm cũng là vợ hờ của chàng Mã) sau khi đã phỉnh gạt, lấy đi cái ngàn vàng của nàng.

Thực ra, cặp này chẳng khó lý giải lắm. Nhưng từ “tam bành” quả là hay gặp nhưng hiểu cặn kẽ về nó không phải dễ và chẳng hề ngắn! Trước mắt, tìm hiểu vài từ  thông dụng như sau:

Mụ: người đàn bà đã có tuổi (thường hàm ý coi khinh), nay ít dùng.

Hay: hàm ý  biết là có điều nào đó đã xảy ra. Cũng ý này trong Kiều có câu 744: “Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”.

Tình: sự tình, tình hình của sự việc đã xảy ra và những diễn biến chi tiết bên trong của nó.

Như vậy câu 6 (961) này diễn xuôi ra là: nghe nàng (Kiều) nói mụ (Tú) mới biết rõ chân tướng sự việc (mầu hồ đã mất đi rồi).

Bấy giờ : khi ấy, lúc đó, khoảng thời gian được xác định, được nói đến, trong quá khứ hoặc trong tương lai.

Mới: ngay lúc đó Câu 61 trong Kiều, viết “Vương Quan mới dẫn gần xa”. Nó  biểu thị sự việc xảy ra không lâu trước một thời điểm nào đó, vừa xảy ra (quá khứ, hiện tại, tương lai). Ví dụ ở câu 141 trong Kiều: “Nẻo xa mới tỏ mặt người, Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình”, “Này mười bài mới mới ra” ha sự vừa có, vừa xuất hiện, vừa được làm ra hay là dùng lần đầu hoặc dùng chưa lâu, phản nghĩa với “cũ” như ở câu 203: “Này mười bài mới mới ra”. Cũng biểu thị hành động nêu ra được thực hiện ngay sau thời điểm hay sự việc vừa nói đến, câu 1078:  “Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi”.

Tập trung vào từ khó, là từ tam bành.

Nhớ lại cặp từ “Tam Bành - Lục tặc” (H: 三彭 - 六賊,A: Three evil spirits of anger - Six brigands, P: Trois mauvais génies de colère - Six brigands) để nói về số 3, “tam” . Trong dân gian có nhiều kinh nghiệm sống gắn với số 3, Ví dụ: “ Khôn 3 năm, dại 1 giờ” hay “Kiếm củi 3 năm, đốt 1 giờ”, “quá tam ba bận” “Uốn ba tấc lưỡi”! Nhưng lại có: “ lương 3 cọc 3 đồng” hay “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó” “ba que xỏ lá.”, rồi “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” hay câu “Ba máu sáu cơn” là cơn giận dữ cao độ không gì kìm giữ nổi thường là của phụ nữ. Nhưng các nhà Nho lại nhấn mạnh “Tam cương ngũ thường”, “tam tòng tứ đức” để trói buộc nữ nhân. Còn “lục” là sáu. Thành ngữ có “Ba đầu sáu tay”, “yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”; về tư tưởng có “lục đạo luân hồi (六道輪迴, sáu đường luân hồi của chúng sinh).

Về Tam bành: Đạo giáo cho rằng trong thân thể con người có thượng, trung, hạ  hợp thành “tam thi” 三尸 (hoặc gọi là “tam trùng” 三虫, “tam bành” 三彭). Cụ thể 3 vị ác thần nầy ở vào ba vị trí trong thân thể con người với tam tiêu 三焦: Bành Cư 彭琚 ở tại thượng tiêu (上焦 miệng trên của dạ dày), Bành Chất 彭質 ở tại trung tiêu ( phần giữa của dạ dày) và Bành Kiêu 彭喬 ở tại hạ tiêu ( miệng trên của bàng quang hay bọng đái) và sách “Chư chân huyền ảo” thì cái Thần ấy có thể làm hại người. Theo sách “Thái thượng tam thi trung kính” thì: thượng thi tên Bành Cứ vốn ở đầu con người; trung thi tên Bành Chất vốn ở bụng người; hạ thi tên Bành Kiêu ở chân người. Ba thần này gọi là thần Tam Bành hay xúi giục người làm bậy. Đến ngày Canh Thân, ba vị thần này lén tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho người mau chết để khỏi phải theo dõi nữa. Người ta tin rằng những sự giận dữ, nóng nảy là do thần Tam Bành xúi giục gây ra để cho người dễ làm bậy. Vì giận dữ, nóng nảy dễ làm cho người làm những điều sai lầm. Nhiều việc không thành, đổ vỡ vì giận giỗi, nóng nảy. 3 ác thàn đó trấn ba cửa ải làm cho Thần và Khí không được giao thông với Càn Khôn thăng giáng. Người luyện đạo phải tịnh tâm thiền định để kềm chế Tam Thi Thần mà khai thông tam tiêu 三焦 cùng cửu khiếu (九竅, Chín lỗ để khí trong cơ thể thông ra ngoài gồm: hai mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, một miệng, một hậu môn, một âm hộ (dương vật)) thì mới đắc đạo được.

Trong dân gian người ta quan niệm rằng ẩn chứa sâu trong mỗi người đều có 3 vị ác thần, Tam bành 三澎  cai quản sai khiến tâm tính con người làm những điều sai trái.

- Bành Kiều 彭喬: Vương Bột  王勃 là tên hiệu, ở tại trên trán. Thân người đầu bò, tay trái cầm lá cờ màu xanh, tay phải cầm kiếm. Sai khiến làm cho con người kiêu ngạo, lười biếng.

- Bành Cư 彭琚: Vương Hãm 王陷 là tên hiệu, ở trong lồng ngực. Thân người đầu bò, tay trái cầm lá cờ đỏ, tay phải cầm đao. Sai khiến làm cho con người tính thích ngao du, đi lại.

- Bành Chất 彭質: Vương Diễn 王演 là tên hiệu, ở dưới rốn. Thân người đầu người, tay trái cầm quyển sổ màu xanh, tay phải cầm cờ. Sai khiến làm con người luôn thích dâm dục.

Tam thi có thể khiến con người sinh bệnh, đồng thời chuyên ghi lại tội lỗi và cái ác của con người, mỗi khi đến ngày Canh Thân 更申 lúc con người ngủ say, tam thi rời khỏi thân thể, “trên bạch với Thiên tào, dưới tâu với địa phủ”, báo cáo về tội trạng của con người, thuật lại cái ác của con người, thần tư mệnh căn cứ lời tấu của tam thi mà giảm tuổi thọ của họ. Nếu vào ngày đó con người không ngủ, tam thi sẽ không thể rời khỏi thân thể để đi cáo trạng. Cho nên, ngày trước mỗi khi gặp ngày Canh Thân, một số người trai giới không ngủ, khiến tam thi không thể lên trời xuống đất để báo cáo lỗi lầm của mình, đó gọi là “thủ Canh Thân” 守庚申.

Còn “lục tặc” là sáu thứ hại cho sự tu hành là: sắc (màu sắc xanh, vàng, đỏ… cùng những hình tướng xinh đẹp của con người, con vật, loài vật), thinh (lời ca tiếng đàn thanh nhã, những lời nói ngọt ngào êm dịu…), hương (mùi thơm ngạt ngào của hoa quả, của hương trầm, của phấn son, mùi hương của kẻ khác giới…), vị (ngon ngọt của trái cây, béo ngọt của thịt cá…), xúc (khoái lạc trước sự cọ sát của người khác phái, trước sự mát mẻ, mềm dịu, nồng ấm của những vật xung quanh), pháp (các căn không còn tiếp xúc với các trần, nhưng trong tâm cứ dấy khởi những hình ảnh đã qua, tuy không có hình tướng, nhưng có khả năng quấy nhiễu tâm thức, làm cho tâm không được yên mãi xao động khó có thể tu tập thiện pháp và các căn lành cũng tổn giảm dần) là 6 cảnh hấp dẫn của cõi trần làm cho con người mê đắm. Bởi vậy, người tu hành mắt không xem sắc đẹp, tai không nghe tiếng thanh, mũi không ngửi mùi thơm, miệng không nếm vị ngọt, thân thể xa kẻ khác, lòng không tưởng điều tà dâm.

Con người có Lục căn (六根, Nhãn - thấy được hình ảnh, Nhĩ - nghe được to nhỏ, Tỷ - ngửi được mùi thơm, Thiệt - nếm được chất cay đắng, Thân - cảm thấy nóng lạnh, Ý - suy nghĩ phân biệt) nên mới có Lục thức (六識, sáu điều hiểu biết của con người). Lục thức bị Lục trần (六塵, sáu giác quan của con người để nhận biết sự vật) cám dỗ mới sinh ra Lục dục (六欲, sáu sự ham muốn, đắm say của con người: Sắc, Hình, Oai, Âm, Tế, Nhân). Đức Phật khuyên người tu phải giữ gìn cẩn thận Lục căn, làm cho nó như xóm nhà trống không, không có của cải chi hết, để khi Lục tặc xâm nhập vào thì nó không vơ vét được gì cả. Ý của Đức Phật nói rằng: người tu gìn giữ Lục căn cho trong sạch, cao thượng, bỏ được Lục dục để Lục tặc không thể cướp mất công đức của mình.

 Con người, một khi để Tam Bành, Lục Tặc dậy lên thì tất nguy khốn cho thân mạng, cho cuộc đời. Người nào giết được Tam Bành, Lục Tặc thì đạt tới chân tu.

Như vậy, câu 8 này nói rõ: khi đó mụ Tú Bà đã nổi cơn thịnh lộ, không kiềm chế nổi. Chú ý rằng, đến thời cụ Nguyễn thì “Tam bành” không phải từ mới nhưng có lẽ Nguyễn Du (阮攸, 1766-1820)là người đầu tiên đem nó vào thơ, tả cái “thịnh nộ” của mụ Tú. Có điều lạ là chuyện “nổi máu tam bành”, từ đó là “đặc sản” dùng để chỉ hành động bột phát của người phụ nữ đang có quyền uy chứ giới mày râu lại dùng cụm từ khác, “nổi giạn lôi đình” !.

Mà Tú Bà kiềm chế sao được khi biết rằng “sự đã quả nhiên” là Thúy Kiều mất trinh bởi tay chồng hờ của mụ và âm mưu “Đem về rước khách kiếm lời mà ăn” của mụ đã tan giảm vì “mầu hồ đã mất đi rồi”. Lời kể thật của Thúy Kiều như cái tát vào mặt vênh vang của mụ Tú và tính cách của kẻ vô học, đĩ bợm cũng như mưu mô gian giảo, kiếm chác của mụ đã bộc lộ. Mụ vừa ghen với Thúy Kiều, vừa tiếc của, vừa hận sự thiếu trung thành của chàng chồng hờ họ Mã!

Cái chua chát của Kiều là thế! Và đó cũng là ý nghĩa của câu “nổi tam bành” hay “nổi cơn tam bành” khi nói về sự nổi giận. Đúng là “Tâm viên ý mã” 心猿意馬 (tâm con vượn, ý con ngựa), tâm trí con người luôn xáo động và rất khó kiểm soát.

-Lương Đức Mến, ngày 26/4/2022-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!