[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


20 tháng 4 2022

Nhớ chuyện 50 NĂM TRƯỚC

Đó là năm có “mùa Hè đỏ lửa”, năm 1972 (MCMLXXII).

Theo lịch Gregory, đấy là một năm nhuận (có ngày 29/02, là thứ Ba, ngày Rằm tháng Giêng năm Nhâm Tý 壬子年正月) và nó bắt đầu từ thứ Bảy (A: Saturday, P: Samedi, H: 星期六) ngày 15 tháng Một 十一月 Tân Hợi 辛亥, kết thúc vào Chủ Nhật (A: Sunday, P: Dimanche, H: 星期日) tháng Một 十一月 Nhâm Tý 壬子.

Cữ 4/1972, tôi đang học những tháng cuối của Lớp 9[1] và học tại Trường Cấp III huyện Bảo Thắng đặt tại xã Phố Lu[2]. Đây là Khoá 5 của Trường, còn từ lớp 2 đến lớp 7 tôi toàn học khoá 1 của Trường mình học.

Hồi ấy chúng tôi chưa hề biết đến các Danh lam thắng cảnh nước nhà, kể cả các lễ hội, như: Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Tây), Lễ hội chùa Bái Đính (ở Gia Viễn, Ninh Bình), Lễ hội Yên Tử (ở Uông Bí, Quảng Ninh), càng không biết đến Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên!

 Ngày ấy miền Bắc có 2  thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng cùng 23 tỉnh gồm Bắc Thái (Bắc Cạn và Thái Nguyên hợp nhất năm 1965), Cao Bằng, Hà Giang, Hà Tây (Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất năm 1965), Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất năm 1968), Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang nhập vào 1962), Hòa Bình, Lào Cai (với 2 thị xã là Lào Cai, Cam Đường cùng 5 huyện là: Bảo Thắng, Bát Xát, Bắc Hà, SiMaCai, SaPa), Lạng Sơn, Nam Hà (Nam Định và Hà Nam hợp nhất năm 1965), Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh (Hải Ninh và khu Hồng Quảng nhập một năm 1963), Lai Châu, Sơn La (thành lập năm 1963 từ KTT Tây Bắc), Nghĩa Lộ (thành lập năm 1963 từ KTT Tây Bắc), Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất năm 1968). Chú ý: Sơn La, Nghĩa Lộ, Lại Chấu thuộc Khu tự trị Tây Bắc (1962-1975); Cao Bằng, Bắc Thái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang thuộc Khu tự trị Việt Bắc (đến 12/1975).

Trong chiến trường miền Nam, “năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh... trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận.. và ngoại giao... tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam và cả trên bán đảo Đông Dương. Buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh... bằng một giải pháp chính trị... mà Mỹ có thể chấp nhận được” [3] . Đại bản doanh đã chọn hướng Trị-Thiên làm hướng tấn công chính, nhằm tiêu diệt một phần lớn sinh lực địch và mở rộng vùng giải phóng, góp phần thay đổi so sánh lực lượng..., thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới.

miền Bắc, ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních – xơn (Richard Milhous Nixon, 1913 – 1994) huy động không quân và hải quân “leo thang” đánh phá trở lại, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Trong chiến dịch này, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá một số tỉnh thuộc Khu IV cũ, sau đó (09/5/1972) phong tỏa cảng Hải Phòng cửa sông, luồng lạch, vùng biển miền Bắc, oanh tạc cả Hà Nội. Những tháng ngày sau đó đã cho thấy đây là cuộc chiến tranh với tính chất ác liệt hơn, tàn bạo hơn so với chiến tranh lần thứ 1 (1965-1968). Chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, hạ gục “Siêu pháo đài bay B52” của lực lượng không quân Hoa Kỹ kết thúc thắng lợi vào ngày 29/12/1972 và “Chiến dịch Linebacker 2” của Đế quốc Mỹ thất bại!

Tuy không phải mặt trận chính, nhưng Lào Cai cũng gấp rút chuyển sang giai đoạn cách mạng mới. Do vậy, một số công tác được chú ý, như phòng không nhân dân, sơ tán người dân và phân tán tài sản, xây dựng hệ thống hầm hào; mạng lưới y tế và lực lượng cứu thương, cứu hỏa rộng khắp; đảm bảo cho guồng máy của hệ thống chính trị, …. hoạt động thông suốt; tăng thêm sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang...Trong bối cảnh đó, kỳ 2 lớp 9 chúng tôi vào học trong khu lò gạch, sau kỳ 1 lớp 10 mới trở về chỗ trường đóng hiện nay.

Ngày ấy, trong số 17 đứa TN Cấp II Phong Niên[4] chỉ tôi và Hùng[5]  theo học tiếp. Tôi vào thẳng,  Hùng phải thi. Hai chúng tôi, theo sự chỉ đạo của anh Dũng (anh trai Hùng) vào rừng (ngay Km 2) lấy vầu, nứa dựng 2 gian nhà ở, 1 gian bếp trên đất Ủy ban Nông nghiệp huyện làm nhà để ở (chỗ Nghĩa trang Phố Lu sau này mà nay là khu vực Sân Vận động). Mấy tháng đầu, chúng tôi báo ăn bếp tập thể cơ quan và thanh toán bằng tem phiếu hẳn hoi (nhà Hùng là Việt Kiều nên có chế độ đong gạo nhà nước). Khi dựng xong nhà chúng tôi tự nấu lấy ăn.

Chủ nhiệm năm học đó là Thầy Phan Mạnh Quân (GV Lí)[6]. Là trường miền núi, trong điều kiện chiến tranh chúng tôi vẫn học đủ các môn: Toán (thầy Kim, thầy Hào), Lý (thầy Quân), Hóa (cô Hà), Sinh (cô Vân), Văn (thầy Tôn), Sử, Địa (thầy Nhân) nhưng không được học Ngoại ngữ!.

Từ ngày Mỹ tái ném bom miền Bắc, trường Cấp III sơ tán vào sát chân núi ở khu Lò gạch, cách trường đang học 1 km nhưng ăn nghỉ, ngủ vẫn đi về trung tâm xã. Đây là điểm sơ tán thứ 2 của trường, lần trước sơ tán xa hơn, mãi Khe Mon, Lũng trâu ở km 2 đi vào trong rừng.

Chủ nhật về,  nhà chỉ cấp gạo. Còn thức ăn bọn tôi tự lo. Theo sự chỉ đạo của anh Dũng, quanh nhà chúng tôi trồng mướp, đỗ và rau, nuôi gà, lợn, lấy củi bán cho bếp tập thể. Không có tiền và theo bối cảnh chung lúc đó, chúng tôi ăn uống rất cực. Có lần phải đi trộm cả muối ở bếp tập thể và hái lá sắn, ngọn rau ở vườn mà chẳng “kịp” hỏi xin. Ngày đó con người còn rất tình cảm:  thầy Quân cho tiêu chuẩn Mì chính,  bà Mai,  bà Trình...gọi cho rau...Bọn con trai hay tập trung tại chỗ chúng tôi nô đùa,  nhiều khi quá khuya bị các bác,  các chú nhắc nhở.

Thời bao cấp đó, Bảo Hà nhiều mặt hàng hơn trên Lào Cai (Bảo Hà là một ga thuộc huyện Bảo Yên và huyện này được thành lập vào ngày 16 tháng 12 năm 1964 trên cơ sở tách 3 xã : Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn bên Tả ngạn sông Hồng của huyện Văn Bàn và 14 xã: Cộng Hoà, Quyết Tiến, Quang Vinh, Minh Tân, Hạnh Phúc, Long Khánh, Hoà Bình, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến, Dân Chủ, Lương Sơn, Việt Tiến, Long Phúc thuộc huyện Lục Yên; sau tái lập tỉnh Lào Cai năm 1991 thì Bảo Yên lại thuộc Lào Cai). Vì thế, có bữa tôi nghỉ học đi tầu hỏa xuống đó mua dép nhựa và chiếc bút máy Tân dân 新民 tức Xinmin của Trung Quốc. Lúc về, kiểm tiền không đủ nên đã theo đường sắt đi bộ lên ga Làng Nhò rồi mới mua vé tầu về tiếp Phố Lu.

Đầu lớp 8 chúng tôi có 54 bạn, nhưng rơi rụng dần, do bỏ học, đặc biệt đợt tuyển quân Tết 1972, nhiều bạn lên đường nhập ngũ[7] nên sĩ số ngày càng ít đi! Và cô bạn thân với chúng tôi là Trần Thu Hòa[8] ngày đó chưa học cùng, chỉ đến khi chúng tôi lên lớp 10 (1972-1973) mới chung lớp.

Tôi là cán bộ lớp và đã được kết nạp vào Đoàn từ năm lớp 8 (ngày 20/11/1971), hay về muộn,  Hùng lại ham chơi (hay ra ga Phố Lu đón tầu) nên có buổi tôi về thấy bếp vẫn im, tôi bỏ đi chơi và nhịn luôn. Nhưng 2 đứa không cãi nhau to bao giờ.

 Khi đó, anh Dũng[9] đi bộ đội nên sự học của anh em Hùng-Minh[10] có giảm. Tôi vẫn đứng đầu lớp về các môn.

Gia đình nhà tôi hồi ấy ở tại khu mỏm đá trong ngôi nhà dựng từ 1966, tức khu đất mà nay mẫu thân tôi đang ở. Đây là căn nhà thứ 2[11] bố tôi dựng ở Lào Cai, nhà bằng gỗ 3 gian lợp tranh do chú ruột tôi làm thợ cả; bộ khung căn nhà này cho Dì tôi khi Dì tôi và các em lên Lào Cai năm 1974.   Còn ngôi nhà bố tôi dựng thứ 3 là năm 1974 (cháy trong cuộc chiến 279) bên khu đất mà Thuộc đang ở[12].

Không hiểu sao hồi này hổ lại về[13]. Mỗi tối,  các gia đình phải khua nồi, gõ sắt ầm ĩ, đi làm và mỗi bận tôi đi về vào Thứ 7 đều rất lo. Có hôm cả xóm hoảng sợ vì tiếng gầm mang đầy âm khí, sáng ra chúng tôi thấy vết chân Hổ đi từ phía sau hồi nhà bà Hội bây giờ cứ dọc đồi trồng lúa nương của gia đình, phía trước cửa nhà tôi, qua sau nhà chú Dật, chú Diêm và hồi nhà Nhật đến khu rừng cấm rồi mất dấu. Có lẽ con Hổ đó nhận thức được việc Trại Cải tạo K4 Bộ Công an đóng ở Xuân Đâu (xã Xuân Quang) phát quang rừng, hết chỗ trú nên đã vượt đường QL 4 sang khu rừng cao Cán Hồ. Đó là dấu tích cuổi cùng của “chúa sơn lâm” tại Phong Niên mà tôi biết được.

Hồi ấy từ nhà ra Phố Lu, chúng tôi thường vượt một cánh rừng, đi qua một xóm 5 hộ người Dao Tuyển (Lành, Tiếp, Lách,...trong đó có 2 hộ vốn trước ở La Cà Bốn) sang cây 8 đường Lu-Bắc Ngầm. Mấy hộ này khi Phân trại cải tạo K4 về dựng lán, làm nhà,...thì chuyển đi. Người Dao hiếm con, khi các ông bà này chết, xóm Xuân Đâu (thuộc xã Xuân Quang) coi như xoá còn vài hộ con cháu họ chuyển ra ngoài đường đi Lu hay vào sâu giáp Phong Niên. Phân trại Cải tạo đóng ở Xuân Đâu đến sau cuộc chiến 2/1979 cũng chuyển nốt, còn lại dấu tích mấy nền nhà và cái kho. Khu này hồi 1980-1985 Bộ Tư lệnh Quân đoàn 29 đóng quân.

Nhanh thật, mới đó đã 50 năm.

-        Lương Đức Mến, 4/2022-



[1] Trong số những bạn học năm đó, đến khi Tốt nghiệp có Tý, Lý, Mưa, Lục đi Sư phạm; Căn, Hòa vào Y; Động đi Lâm nghiệp; Mến, Hậu vào Công an còn lại ở nhà sản xuất. Hiện nay:

- Ở các tỉnh: Ngô Thị Vân (tf Hồ Chí Minh), Vưu Thắng Lợi (Quảng Nam), Lê Văn Động (Lâm Đồng, đã mất 2017), Nguyễn Thị Lý (Hà Nội, mất liên lạc), Phùng Thế Hùng (Hà Nội), Nguyễn Thị Tý (Yên Bái).

- Ở thành Phố Lào Cai: Phạm Hồng Thạo, Lương Đức Mến, Lê Trung Căn.

- Ở Bảo Thắng: Trần Thành, Phùng Văn Thanh, Trần Thị Băng, Đỗ Thị Mưa, Ngô Xuân Lục, Phạm Văn Chúc, Trần Trọng Đại, Đào Trọng Thanh.

[2] Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thành lập thị trấn Phố Lu, thị trấn huyện lỵ huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Phố Lu bởi Quyết định số 109-CP ngày 13 tháng 03 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ: phía bắc và đông bắc giáp Ngòi Mỵ, đỉnh đồi 325, phía đông và đông nam giáp suối Đá Đen, thôn Đá Đen (xã phố Lu), phía tây và tây nam giáp sông Hồng.

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 896/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lào Cai (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Phố Lu vào thị trấn Phố Lu. Từ đó, Thị trấn Phố Lu giáp các xã Sơn Hà, Sơn Hải (qua sông Hồng) , Thái Niên, Trì Quang, Xuân Quang và huyện Bảo Yên

[3] Thư của Tổng Quân ủy Trung ương gửi Trung ương cục miền Nam.

[4] Tháng 7/1969, trường Cấp II Phong Hải và Xuân Quang hợp nhất. Phong Niên ở giữa được chọn là nơi đặt trường. Nơi đấy là Km 33+400 đường QL4 (sau 1967 là Hữu nghị 7 rồi sau 1979 là Quốc lộ 7). Thầy Nguyễn Văn Tiếp,  người Nghệ An làm Hiệu trưởng; thầy đã mất năm 2002 do bệnh.

 Tôi lại được đi học gần hơn. Hồi nay đã ra vẻ Trường Cấp II thực thụ vì có đủ 3 lớp. Khoá lớp 7 đầu tiên đó của 3 xã có 22 học sinh, toàn đứa to ngộc, tôi thuộc loại nhỏ con nhất, nhưng vẫn đứng đầu về học tập.

Đúng khi tôi thi TN C2 thì mẹ sinh Lương Đức Luận.

Sau khi thi TN cấp II, bạn tôi một số trượt ở nhà XD gia đình (như Doanh, Hồi, Đức, Chiều...) 4 bạn đi Sư phạm (Đạm, Lan, Nhẫn, Bình). Trong đó, sau này có Nhẫn là khá nhất (từ 1998 là HP trường Cốc Lếu; chồng là lãnh đạo thị xã rồi cấp phòng HĐND tỉnh, các con đều đã TN ĐH trong đó con cả từ 2020 là Chủ tịch UBND tỉnh), 3 bạn đi CAVT là Thức, Hoàn, Bắc. Một số đi bộ đội  đã xuất ngũ về làm tự do tại Tf Lào Cai như Vượng, Trư.

[5] Phùng Thế Hùng (Việt kiều từ Thái Lan về, có anh tên là Dũng công tác tại UBNN huyện) cùng học với tôi từ lớp 7 ở Phong Niên.

Sau khi thi trượt ĐH, 1973, Hùng về quê làm công nhân,  lấy vợ là Tuyết cùng quê  rồi nhập ngũ. Khi xuất ngũ về làm tự do ở Thị trấn Phú Minh,  Phú Xuyên,  Hà Tây.

Hiện đã lên chức “ông” và vẫn ở thị trấn Phú Minh của huyện Phú Xuyên nhưng đã thuộc về Hà Nội.

[6] Thầy quê Thanh Trì (Hà Nội), người nhỏ nhưng đàn hay, vẽ và đá bóng tốt. Là Hiệu trưởng thứ 2  trường Cấp 3 huyện, sau thầy Nguyễn Kim (GV Toán) rồi chuyển HT trường DTNT cũng của huyện, tiếp về Hà Nội.

Khi nghỉ hưu thầy vào sống cùng con trai út ở Nha Trang và mất tại đó ngày thứ Bảy 13/4/2019, tức ngày 9/3 năm Kỷ Hợi.

 Vợ thầy là Lê Thị Nhâm (người Xuân Quang và là chị gái Lê Thị Hồi, bạn học lớp 7 của tôi).

 Con trai cả thầy là Phạn Vượng, SQAN, nhà ở phố Quang Minh, phía sau nhà tôi thuộc f.Kim Tân, tf Lào Cai.

[7] Trong số  lớp tôi đi bộ đội, sau về thành đạt có Lê Đức Chùng (sau là PGĐ Sở Điện Lào Cai\). Mất ngày 20/5/2016 (tức thứ Sáu ngày 14/4 Bính Thân) do trọng bệnh ngày, vợ nay vẫn ở đường Mường Thanh, tf Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

[8] Sau khi TN Trung cấp Y tế, TTH về BV Bảo Thắng, rồi học Chuyên tu, chuyên khoa lại về BV huyện. Khi tái lập Lào Cai  là PGĐ TTKHHGĐ Lào Cai, có chồng là anh HV Diệm, nhà ở Kim Tân. Mất 28/6/2021 (19/5/Tân Sửu) sau một thời gian đau năng do K buồng trứng!

[9] Phùng Tiến Dũng là tên gọi ở cơ quan, còn ở nhà nhiều người gọi anh là Túi. Anh tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp, được điều lên công tác tại Bảo Thắng từ cuối những năm 1960, hay đi về Phong Niên nên quen biết gia đình tôi. 

Sau mấy năm tại ngũ, khi phục viên, anh chuyển về Phòng Nông nghiệp huyện Phú Xuyên. Nay đã già, yếu và gia đình ở thị trấn Phú Minh.

Trước khi nhập ngũ, anh có yêu chị X, người cùng cơ quan. Sau đó, chị đi lấy chồng và chuyển về Yên Bái khi nhập tỉnh, năm 1976. Chị đã lên chức bà và vẫn ở lại Yên Bái khi tái lập Lào Cai năm 1991.

[10] Là em gái Hùng. Học xong C3 Minh không đi thoát ly, trở về Phú Minh. Nay đã lên chức “bà” nhưng bệnh nặng, lẫn.

[11] Căn nhà đầu tiên dựng hồi mới đến An Phong, là nhà cột chôn ở gốc bưởi phía sau nhà Đặng Văn Sơn nay.

[12] Năm 1973, khi tôi ôn thi Cấp 3, ôn thi vào Đại học thì bố tôi bắt đầu san nền bên chân đồi đối diện nhà đang ở (khu nhà Lương Đức Thuộc bây giờ).

Căn nhà đó khá to mà khi chuẩn bị cất nóc có con gà mái nhẩy lên làm gẫy rui cái và sau đó bị cháy trong cuộc chiến 2/1979. May mà trước hôm  “chạy Tầu”, trong một lần  “trà lá” với bộ đội đóng tại nhà, Thức thấy đông người đã quăng mấy hòm ra ngoài cho rộng chỗ, một trong các hòm đó có đựng BẰNG TỐT NGHIỆP CẤP 3 của tôi và Thuộc. Nhà cháy, mấy hòm đựng tài liệu đó không cháy và Bằng của anh em tôi chỉ văng ra, bị mối xông chứ không hủy hết. Khi Thuộc quay về, thấy đã “tiện tay” nhặt đem cất và điều đó đã giúp anh em tôi thêm  “ngẩng cao đầu” trong cuộc kiểm tra Bằng gắt gao năm 1995!

[13] Nhớ mấy năm trước, hồi còn học Cấp 2 trên Phong Hải, phải đi học sớm, một hôm tôi đi trước không gặp gì, chú Dật tôi đi làm thợ mộc, đi sau thấy con lợn nhà bà Mẽ bị hổ vồ bỏ lại ngay ngang đường. Tối về biết chuyện tôi hoảng hồn nhưng hôm sau vẫn đốt đuốc đi học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!