[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


17 tháng 2 2022

Nhớ và Nghĩ về CUỘC CHIẾN 279

Sau 5 chiến dịch tiễu phỉ thắng lợi, tên phỉ cuối cùng ra hàng, từ cuối những năm 1950 Lào Cai trở nên yên bình, đặc biệt là khu vực thị xã. Suốt thời chiến tranh chỉ có một tốp phản lực Mỹ bay qua bắn mấy băng đạn xuống nơi đây. Hoa kiều bên Lào Cai, Việt kiều bên Hà Khẩu và nhân dân hai bờ Nậm Thi khá thân thiện nhau và việc qua lại cầu Hồ Kiều[1] chả mấy trở ngại. Bên thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc còn dùng điện kéo từ nhà máy Nhiệt điện Phố Mới của Việt Nam. Đoạn Phố Tèo cắt đường sắt sang Hà Khẩu, ngay cửa Đồn Biên Phòng còn Tấm bình phong xây có đắp hàng chữ nổi câu của Bác mà tôi từng thấy từ 2/1964, là Mối tình thắm thiết Việt Hoa, Vừa là đồng chí vừa là anh em.

Mặt trận Lào Cai, 17/02/1979, sưu tầm trên mạng

Nhưng từ sau khi Trung Quốc tiến hành Đại Cách mạng Văn hóa vô sản (無產階級文化大革命, 1966-1976) thì tình hình khác đi nhiều.

Cuối những năm 1970 tình hình biên giới Tây Nam rồi phía Bắc trở nên căng thẳng, đặc biệt từ 1978, người bạn “vừa là đồng chí vừa là anh em quay ngoắt và đổi giọng, thay thái độ!.

Hết việc cắt viện trợ, rút chuyên gia, Trung Quốc mở chiến dịch “nạn kiều”[2] gây rắc rối nhiều nơi. Ngay tại thị xã và một số vùng quê của Lào Cai, nhiều người Hoa làm ăn ổn định lâu dài trên đất Việt đã trở lên “khủng khoảng”, “ở không được, về chẳng xong”. Thế rồi, ngày 12/7/1978 bên Trung Quốc đột ngột đóng biên”, khiến cho số người Hoa ở các cửa khẩu[3] dồn lại, sống trong những điều kiện khó khăn, mất vệ sinh, đau ốm...

Đồng thời Trung Quốc cũng đã tăng cường đưa thám báo sang đất Việt trinh sát, khiêu khích[4] và bắt cóc nhân dân, cán bộ Việt Nam[5].

Việt Nam phản công lại bằng việc đưa ra toà xử công khai những gián điệp Trung Quốc bị bắt như Lý Nghiệp Phu, Trần Hoạt, Trần Trường Giang; cho in và phổ biến những tác phẩm của Vương Minh; cho nghỉ một số cán bộ từng có nhiều quan hệ với Trung Quốc và công khai tuyên truyền chống “bọn bá quyền phản động Trung Quốc và bè lũ Pol Pot, Ieng Sary” cùng với chống “đế quốc Mỹ”, và “những thế lực phản động quốc tế”.

Đồng thời tăng cường cán bộ cho biên giới, đẩy mạnh việc đào hào, rào tre tích cực phòng thủ.

Nhưng những việc “lạ” Trung Quốc thực thi ở vùng biên ngày một gia tăng về tần xuất và mức độ: khiêu khích, tuyên truyền, nạn kiều, tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lí, đưa lực lượng quân đội quy mô lớn, trang bị mạnh ra áp sát biên giới, chĩa pháo sang Việt Nam, tung thám báo biệt kích sang quấy rối, gây tình hình rất phức tạp trên toàn tuyến biên giới.

Trước tình hình căng thẳng đó, ngày 13/02/1978 tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn có Báo cáo số 05-BC-TU xin chuyển tỉnh lị từ tx Lào Cai về tx Yên Bái[6] và do quyết định của cấp trên mà nhiều hộ dân từ tuyến I chuyển về tuyến II, ở các xã,  huyện nội địa hoặc quá sâu xuống Yên Bái. Nhiều hộ rục rịch định chuyển xuôi, về nơi cắt rốn chôn nhau !. Song ở quê cũng rất khó khăn, đất đai, nhà cửa đã bán hoặc để cho anh em, họ mạc trong khi cuộc sống trên nơi khai hoang”, sau hơn chục năm lăn lộn đang dần ổn định, làm ăn được,...nên cuối cùng cũng rất ít người chọn phương án đó !.

Thế rồi, đùng một cái, thứ Bẩy 17/2/1979 (21 tháng Giêng Kỉ Mùi)[7] Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra[8] và Trung Quốc đã đưa quân đồng loạt đánh vào 6 tỉnh biên giới Việt Nam[9] từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200km, trong đó có Lào Cai. Thế là chính thức “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” !

Thực ra, cuộc chiến đã được Đặng Tiểu Bình (鄧小平, 22/8/1904 - 19/2/1997) chuẩn bị kĩ về dư luận[10], về lực lượng và kế hoạch[11], để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Rõ ràng tuy đã biết được âm mưu nhưng nhân dân biên giới bất ngờ về thời gian và quy mô tấn công của Trung Quốc. Đa phần dân chúng và cả CBĐV không hiểu TQ đưa PLA đánh sang đất ta, giết đồng bào, chiến sỹ ta thì họ lý giải thế nào khi mà 2 nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng xây dựng CNXH, bên sông tắm cùng một dòng !

Tại Lào Cai, người bạn lớn, vốn “núi liền núi, sông liền sông”山联山,江联江, một thời “môi hở răng lạnh” từ 3 giờ sáng 17/02/1979 đã huy động hơn 15 vạn quân thuộc Quân đoàn (军团, Corps) 13, 14 do tướng Dương Đắc Chí[12], tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh 昆明军区司令 chỉ huy tấn công với quy mô Tiểu đoàn. 

Với chiến thuật “biển người” 人海 cùng sự hỗ trợ của xe tăng, pháo kích, các đội quân “sơn cước” 山脚 thông thạo địa hình, tấn công theo kiểu “bừa cào”, hai Sư đoàn PLA[13] đồng loạt đánh vào huyện Bát Xát, Mường Khương, bắc cầu phao tràn qua sông Hồng, sông Nậm Thi tấn công tx Lào Cai.

 Sau khi tràn qua thị xã Lào Cai, tiến xuống ngã ba Bản Phiệt, một mặt PLA đánh thúc xuống theo đường Hữu nghị 7 tới ngã ba Bắc Ngầm, một mặt vòng ngược lên đánh tập hậu thị trấn Mường Khương. Tuần đầu PLA đã tràn qua 10 Đồn Biên phòng, 64 xã, 7 khu phố, 4 thị trấn thuộc 4 huyện, 2 thị xã: theo đường 7 tới ngã ba Bắc Ngầm và Phong Niên là xã cuối cùng theo tuyến đường này mà PLA tràn qua (ngày 22/02); theo đường sắt PLA qua ga Phố Lu; theo đường 4E qua Gia Phú.

Từ Bát Xát PLA vượt Sa Pa xuống Thanh Phú (thuộc Sa Pa), xuống Tả Phời, Hợp Thành, tràn xuống Bến Đền (thuộc Bảo Thắng) hợp quân với cánh từ Mường Khương xuống, xuôi về Phố Lu.

Trong quá trình tiến đánh Việt Nam, PLA áp dụng triệt để tư tưởng “đầu nhọn đuôi dài”, “Ngưu đao sát kê” 牛刀殺雞, “tiền pháo hậu xung” 前炮后冲 trong Đại chiến thuật biển lửa 火海戰術, biển người 人海戰術,  sử dụng nhiều dân binh.

Trong khi tiến quân và chiếm đóng, PLA đã phá sập cầu Kiều, cầu Cốc Lếu, cầu Làng Giàng ở tx Lào Cai, các cây cầu dọc đường HN 7 từ tx Lào Cai đi Bắc Ngầm, đi Mường Khương; đồng thời tháo dỡ thiết bị của mỏ Apatit, phá hủy nhà máy Điện, nhiều công trình phúc lợi khác cũng bị tháo dỡ, nhiều người dân, công nhân Nông, Lâm trường bị sát hại.

Lực lượng ta ban đầu rất mỏng, chỉ có 2 Trung đoàn bộ binh bộ đội địa phương e196, e254 và Trung đoàn pháo binh 168 của quân khu. Bên hữu ngạn sông Hồng thì có Sư đoàn 345 bảo vệ mỏ Apatit Cam Đường, sư 316 (thiếu) đang giữ Sa Pa.

 Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân dân Hoàng Liên Sơn[14] diễn ra theo 3 giai đoạn (16-20/02; 21-25/02 và 26/02-04/3/1979). Ngay trong giai đoạn cầm cự, tiêu hao sinh lực, cản bước tiến của đối phương và rút để bảo toàn lực lượng nhân dân và bộ đội râm ran rằng phía PLA từng được mật lệnh “sát cách vô luận” (杀骼無论, giết sạch không chút đắn đo phân vân, không cần hỏi cung). Do vậy lòng quyết tâm phản công, giành lại đất của quân dân ta càng cao và thành mệnh lệnh: “Không thể lùi nữa, phía sau chúng ta là thủ đô Hà Nội!”.

Bị chặn đánh ở khu vực Quang Kim, ngã ba Bản Phiệt, khu phố Duyên Hải (trong thị xã Lao Cai), đến ngày 24/02/1979, TQ đã phải tung hết lực lượng dự bị vào chiến đấu, nâng tổng số quân trên hướng Hoàng Liên Sơn lên tới trên 2 quân đoàn. Khi đó, bên ta ngày đêm các đoàn xe kéo pháo và chở đạn theo đường 7 ngược lên tiếp viện. Quân chủ lực được tăng cường, phối hợp với quân dân Hoàng Liên Sơn vừa chiến đấu tại chỗ, bám chốt kết hợp tập kích, luồn sâu tấn công hình thành thế cài răng lược, tiến tới phản công.

Trong thời gian PLA tràn qua, đại bộ phận nhân dân nơi có chiến sự đi sơ tán (người khai hoang về quê[15], dân bản địa rút về tuyến sau), số ở lại chủ yếu người vùng cao, già yếu. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân và viên chức nhà nước bị xô vào một cuộc chạy giặc không được chuẩn bị!. Dòng người chen nhau hơn chục cây số trên con đường từ Cầu Số Bốn vào thị xã Cam Đường (ngày ấy vùng Lào Cai có hai thị xã: Cam Đường-Mỏ Apatit và Lào Cai-tỉnh lị), theo đường 7 xuống Phố Ràng (thuộc Bảo Yên). Trên đường đi “sơ tán”, chốc chốc lại nghe tiếng rít của đạn pháo, đạn cối, tiếng hỏa tiễn H12, rồi tiếng nổ đinh tai nhức óc khói lửa bốc lên mù mịt. Thôi thì người ta dùng đủ mọi thứ có sẵn để chạy nhanh khỏi vùng chiến sự, trẻ em được gánh trên quang hoặc địu sau lưng mẹ. Mạnh ai người đó chạy vì được phổ biến chỉ đi có vài ngày và cũng không được chuẩn bị trước nên có người chỉ ra đi với một ít tiền bạc và vài bộ quần áo cùng chiếc xe đạp là tài sản quý giá nhất lúc bấy giờ. Chắng ai biết được nhà cửa, đồ đạc của họ để lại sau này sẽ chẳng còn. Thế là gần như toàn bộ dân ra đi với hai bàn tay trắng.

 LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực đã góp phần tiêu hao nhiều sinh lực đối phương[16] và PLA gặp nhiều khó khăn về tiếp tế hậu cần. Thành tích đó, trước hết thuộc về dân quân tự vệ và bộ đội đặc biệt là bộ đội biên phòng (lúc đó gọi là Công an võ trang) đã dũng cảm chặn đánh địch làm chậm bước tiến của kẻ thù. Tại Lao Cai xuất hiện nhiều tấm gương, đã được tuyên dương sau đó, như AHLS Nguyễn Xuân Kim[17],  như AHLS Nguyễn Bá Lại [18] ở Đoàn địa chất 5, nhà báo Bùi Nguyên Khiết [19] hy sinh trong khi làm báo và chiến đấu với quân giặc tại huyện Mường Khương. Anh Hòa [20]cựu chiến binh chống Mỹ về nhà chưa có việc làm đã vào một đơn vị bộ đội (thuộc Tiểu đoàn Kiên Cường) tham gia đánh giặc và bắn cháy xe tăng địch, khi mấy chục xe tăng của chúng đang co cụm tại giốc Pháo Đài từ Nhà Máy nước xuống Cầu chui. Một số em nhỏ tự nguyện không chạy giặc, cùng một đơn vị biên phòng cự lại với chúng.

Tiểu đoàn Kiên Cường một đơn vị bộ đội địa phương mới được thành lập nòng cốt là các cựu binh thời đánh Mỹ và con em mới lớn của Nhân dân các Dân tộc Lao Cai, Yên Bái tham chiến kìm chân quân xâm lược. Các trận đánh ác liệt xẩy ra tại Bản Phiệt, Cầu chui, Phong Niên, Phong Hải, Bắc Ngầm, Bến Đền, Phố Lu đã khiến chúng không dám tiến sâu vào đất ta. Trong những ngày đầu Tiểu đoàn Kiên Cường[21] chặn đánh 4 sư đoàn của giặc diệt rất nhiều sinh lực địch.

Kết thúc Quân Dân Lào Cai đã tiêu diệt 14.500 lính, phá hủy 273 xe tăng, 30 khẩu pháo của đối phương!

Do đã “hoàn thành kế hoạch” và bị dư luận lên án nên ngày 05/3 Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Trên địa bàn Lào Cai việc đó được thực hiện bắt đầu từ 08/3 song do PLA còn bận dùng công binh phá sập hết những công sự, đồn bót, cầu đường, nhà cửa, trường học, chợ búa, nhà máy, bệnh viện...mà trong lúc tiến sang chưa phá và cũng đề phòng quân dân ta “tập hậu nên cuộc lui quân của Trung Quốc kéo dài đến ngày 15/3/1979 mới rút khỏi Mường Khương và Bát Xát.

Tuy vậy, PLA vẫn giữ một số điểm cao thuộc các mốc 11, 19, 22. Sau đó, TQ vẫn sử dụng quân đội áp sát biên giới, thường xuyên mở những cuộc lấn chiếm, tấn công nhỏ, pháo kích, thám báo xâm nhập, đặt mìn, tuyên truyền tâm lí…kéo dài mấy năm sau.

Sau khi PLA rút, nhân dân từ các nơi sơ tán trở về[22] thấy quê hương bị tàn phá trầm trọng. Những công trình công cộng: nhà ga, đường xe lửa, cầu cống, nhà bưu điện, nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy đường, nhà máy sứ, trại giống gà công nghiệp, trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể, trường học, bệnh viện bị bọn “B52 chân đất”[23] cướp phá hết. Thứ gì không lấy đi được thì chúng phá để thứ đó không còn giá trị sử dụng, như đường ray xe lửa chỗ nào không kịp tháo cứ một m chúng dùng mìn đánh thủng một lỗ. Khu mỏ Apatit bị chúng cướp phá, lấy đi nhiều thiết bị máy móc Liên xô mới giúp còn nguyên hòm. Nhà cửa nhân dân, đồ gỗ, đồ điện tử, đồ gia dụng cũng bị đập phá, khuân đi. 

Nhưng, với bản chất cần cù, chịu khó, nhân dân đã cùng nhau vệ sinh môi trường, nhặt nhạnh những gì còn sót, thu gom vật liệu lợp, dựng lại nhà, dọn mảnh pháo làm nương, cầy ruộng cấy trồng, khôi phục sản xuất, xây dựng lại cuộc sống.

Cuộc chiến này tuy ngắn (17/02-18/3/1979), đôi bên đều tuyên bố “thắng lợi” nhưng đây là cuộc chiến khốc liệt bởi quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Riêng với Trung Quốc, có thể nói đây là “nhất tiễn ngũ tiêu” 一箭五标: phạt Việt, khoe Mỹ, đe Xô,  cứu Pôt và hiện đại hoá 3 quân (Hải, Lục, Không quân).

Sau đó, xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung mới chính thức được bình thường hóa[24]. Những năm tháng đó các huyện phía bắc Hoàng Liên Sơn tình hình khá nóng bỏng. Đặc biệt là ở quanh Phố Lu (“Hồng Công” của phía bắc Hoàng Liên Sơn) và vùng biên Mường Khương (nơi diễn ra những vụ buôn lậu nổi tiếng). Nhưng rồi, sản xuất được khôi phục, các con đường chiến lực được sửa chữa và mở mới[25] có phần đóng góp của bộ đội, nhân dân các tỉnh tuyến sau. Điều này đã tạo ra nhiều co hội phát triển về văn hoá, kinh tế các thôn bản trong vùng. Nhưng cũng làm cho rừng mau cạn kiệt hơn, nhiều tai tệ nạn phát triển.

Là người con mà gia đình bị cháy nhà khi sơ tán về quê và sau đó bao bận đi công tác vùng biên những ngày nóng bỏng 1982-1986, tôi hiểu những mất mát của chiến tranh. Quá khứ buồn đau cho cả 2 dân tộc, nhất là bà con vùng giáp biên đã khép lại. Nhưng chúng ta “khép lại” chứ khó thể “quên đi” bởi nhiều vết sẹo chưa liền, dấu tích cuộc xâm lấn, phá giết của QGPNDTQ hồi 2/1979 cũng như dấu tích xây dựng của công nhân quốc phòng TQ giúp Lào Cai[26] năm 1966 vẫn còn hiện hữu.

Từ sau ngày tái lập tỉnh Lào Cai (01/10/1991) cuộc chiến “bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 1979-1986 ít được nhắc đến; những bài thơ, bài hát hào sảng đi cùng tháng năm hồi đó không được đọc hay hát lại...Nhưng chắc rằng chưa thể phai nhạt trong mỗi người dân đất Việt, đặc biệt với những người, những gia đình có mất mát, thiệt thòi, chịu nhiều biến động bởi cuộc chiến.

-Lương Đức Mến, 17/02/2022-



[1] Cầu Hồ Kiều (何橋,鐵路大橋, khánh thành 28-3-1898, nối Lào Cai của Việt Nam với Hà Khẩu của Trung Quốc, bị gẫy sập trong cuộc chiến 279) bắc qua dòng sông Nậm Thi. Khánh thành khi làm lại ngày 18/5/1993 khi làm lại. Sau này xây thêm cầu Hồ Kiều 2 ra sát nơi Nậm Thi giao hòa với Hồng Hà và đã đưa vào sử dụng năm 2003.Trước là cầu lưỡng dụng, từ sau khi có Hồ Kiều 2 chỉ còn là cầu đường sắt.

[2] Ngày 24/5/1978, Trung Quốc bắt đầu gọi Hoa kiều ở Việt Nam là “nạn kiều”, và tố cáo Việt Nam đàn áp và xử tội những người này vô cớ. Hai ngày sau, Trung Quốc tuyên bố sẽ gửi hai tàu chuyên chở sang Việt Nam để đón những“nạn kiều” về nước. Đáp lại Việt Nam tố cáo Trung Quốc định áp dụng chính sách “ngoại giao tàu chiến”, và tuyên bố “biển Đông không phải là cái ao sau của Trung Quốc để tàu Trung Quốc muốn đến là đến, muốn đi là đi”. Sau sáu tuần bỏ neo chờ đợi không được vào bờ, hai chiếc tàu đó phải trở về không. Trong tháng 6/1978 hơn 100 ngàn kiều dân Trung Quốc phần đông là thợ mỏ, ngư phủ, thợ lành nghề ở Bắc Việt theo đường bộ vượt biên giới về nước.

[3] Đến 17/4/1978 đã có 6.979 người Hoa (1.287 người sống ở HLS) ồ ạt vượt qua biên giới Lào Cai sang TQ.Ngày 12/7/1978, phía TQ đột ngột ra lệnh đóng cửa khẩu. Từ đó, số người Hoa bị chặn lại ứ nghẽn ở các cửa khẩu ngày càng đông (Bắc Luân hơn 1.000 người; Hữu Nghị hơn 4.000 người; Lào Cai 500 người). Họ sống trong cảnh "màn trời, chiếu đất" gây nhiều khó khăn cho ta trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội.  Sau đó số người này lại bị đẩy trở lại gây tình trạng rối loạn, đặc biệt ngày 26/10/1978.

[4] Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, đến đầu tháng 8, số người Hoa ùn lại lên tới trên 4.000 người. Họ dựng lán ở khu vực cấm, ăn ở mất vệ sinh. Bọn phản động trong số người Hoa chuẩn bị gây rối trật tự trị an ở khu vực cửa khẩu. Vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 26/8/1978 trong khi đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Lạng, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cao Lạng, các y, bác sĩ với sự bảo vệ của một số CBCS đồn Hữu Nghị và của Đại đội 6 Trung đoàn 12 đang thăm hỏi, động viên bà con người Hoa bị ứ lại ở km0 trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống bình thường thì bọn côn đồ lăm lăm gậy gộc, dao quắm, gạch đá trong tay và được sự chi viện của 500 công an từ bên kia biên giới tràn sang, chiếm lĩnh đồi Pò Cốc Phung xông vào hành hung đoàn cán bộ ta. Lực lượng bảo vệ của ta do đồng chí Hứa Viết Pháy chỉ huy đã quật ngã hàng chục tên côn đồ, chặn đường tiến công của chúng, tạo điều kiện cho các đồng chí của mình đưa đoàn cán bộ dân vận xuống chân đồi. Từ bên kia biên giới, bọn chúng tiếp tục kéo sang trong lúc trên đỉnh đồi, hàng trăm tên côn đồ và công an H1 vẫn chiếm. Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, Ban chỉ đạo quyết định điều thêm lực lượng  lên chi viện.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra trên sườn đồi Pò Tèo Hào ở sát cửa khẩu Hữu Nghị. Một tiểu đội thuộc C6 E12 do Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh chỉ huy lao thẳng lên đồi Pò Cốc Phung, bằng gậy gộc, gạch đá lấy được của đối phương, các chiến sĩ ta đánh gục hàng chục tên côn đồ hung hãn. Đại đội trưởng Nguyên dẫn đầu một tổ đánh dạt bọn côn đồ lên đỉnh đồi, đánh gục tên cầm loa làm cho hắn ngã lăn xuống tận sườn đồi bên kia. Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh cứu được bà Thuận đang nằm ngất xỉu sau một tấm sạp. Giữa vòng vây của đối phương, Lê Đình Chinh nghe tiếng kêu cứu của đồng đội Lê Xuân Tước, anh quay lại, xông vào đánh gục 5 tên côn đồ, cứu Tước thoát nạn. Bất ngờ Lê Đình Chinh bị một tên địch ném đá vào gáy, máu chảy đầm đìa nhưng Chinh vẫn xông lên tấn công và anh bị bọn nấp sau một chiếc lán dùng gậy vụt ngang ống chân làm anh mất đà ngã sấp xuống. Bốn tên  lao tới dùng dao quắm chém tới tấp vào đầu, vào cổ anh. Lê Đình Chinh  hy sinh lúc 10 giờ 30 phút trên đồi Pò Cốc Phung.

Giữa trưa, Ban chỉ đạo gồm: Trường Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Lạng; Trung tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1; Đại tá Trịnh Trân - Tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang đang họp thì nghe tin xảy ra xung đột lớn ở khu vực cửa khẩu Hữu Nghị. Đại tá Trịnh Trân lên trực tiếp chỉ đạo đấu tranh và quyết định điều Trung đoàn 12 lên chi viện, quyết chiếm lại điểm cao Pò Cốc Phung.

Đúng 15 giờ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 xông lên, đánh thẳng vào các điểm chốt đối phương chiếm giữ trái phép trên các ngọn đồi. Trước khí thế áp đảo của các chiến sĩ ta, bọn côn đồ xô đẩy, đạp lên nhau tháo chạy... Trên 4.000 người Hoa bị ứ nghẽn tại đây cũng ùn ùn kéo về bên kia biên giới. Ngay lập tức, biên giới được rào chặt bằng những vật liệu đã chuẩn bị sẵn như dây thép gai, gạch đá, chông, mìn rào chặt biên giới. Lúc 17 giờ 25 phút, lá cờ đỏ sao vàng được CBCS của D1E12 kéo lên đỉnh đồi Pò Cốc Phung, nơi Lê Đình Chinh vừa mới hy sinh.

[5] Ngày 13/10/1978, lực lượng vũ trang Trung Quốc vào sâu đất Việt Nam tại xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn, phục kích một tổ công tác đang làm nhiệm vụ, bắn chết hai chiến sĩ công an biên phòng, bắt anh Nguyễn Đình Ấm đưa về Trung Quốc.

[6] Đến 8/1978 việc chuyển trụ sở về Yên Bái cơ bản xong.

[7] Ngày này được chọn vì thứ Bảy là ngày các hãng thông tấn và truyền hình Hoa Kỳ và Tây Âu ít làm việc, dân chúng đang nghỉ cuối tuần, nên sự kiện này sẽ không gây phản ứng mạnh trong dư luận thế giới. Hơn nữa, đó cũng là thời gian không ngờ, vì sau hơn 17 năm bất hoà và tranh chấp, ngoại trưởng Ấn độ Vajpayee khi đó đang thăm thân hữu Trung Quốc.

[8] Dạo đó tôi đang học tại Học Viện Quân y. Tết ấy không về, đi Phú Xuyên chơi. Sáng Mồng 4 Tết (31/01/1979) chúng tôi lên Lục Nam, Hà Bắc lao động. Trời rét cắt da. Dân đây rất nghèo, nhưng đông con và tốt bụng. Thứ Bẩy  17/2 (21 tháng Giêng âm lịch) chúng tôi trở về trường. Dọc đường thấy các đơn vị bộ đội vẫn chưa nâng cấp báo động. Nhưng tới trường thì biết:  Chiến tranh biên giới đã nổ ra. Tôi nghĩ nhà mình cách BG 36 Km chắc TQ khó đánh đến nơi ! Sau này tôi mới biết sự việc diễn ra ngoài dự đoán.

[9] Tên gọi cuộc chiến của Trung Quốc đánh 6 tỉnh biên giới Việt Nam vào đầu năm 1979 (1979-1989 ,北部边界战争) thường gọi là Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979, Chiến tranh biên giới phía Bắc, 1979 hay Công cuộc phòng thủ biên giới phía Bắc, 1979 hay Chiến tranh bành trướng Bắc Kinh 1979; Bảo vệ biên giới 1979-1989. Báo chí Trung Quốc gọi là Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam (对越自卫还击战 Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến). Nhiều nhà nghiên cứu coi cuộc chiến này là một phần của Chiến tranh Đông Dương lần 3.

[10] Đặng Tiểu Bình đã nói ý định tấn công Việt Nam với Thủ tướng Thái Kriangsak và Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, với Tổng thống Carter, Phó Tổng thống Mondale, ngoại trưởng Vance, Bộ trưởng quốc phòng Brown và cố vấn an ninh Brzezinski của Hoa Kỳ trong các chuyến công du tới các nước này. Đồng thời liên tục “đe dọa”, “cảnh cáo” Việt Nam..

[11] Họp Bộ Chính trị, điều động quân đội, thay đổi chỉ huy…

[12] Trước đó Dương Đắc Chí (杨得志, 13/01/1911 – 25/10/1994), từng nổi danh khi phụ tá cho Bành Đức Hoài trong chiến tranh Triều Tiên còn là Tư lệnh Quân khu Vũ Hán vừa mới được chuyển về làm Tư lệnh Quân khu Côn Minh 昆明軍區司令. Lúc đầu tướng Dương chỉ phụ trách phía Tây Nam (hướng đánh Lào Cai) sau do Hứa Thế Hữu 許世友 “nướng quân” không đạt ý đồ nên ông được phân công phụ trách toàn tuyến. Năm 1980 được thăng Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng 總參謀長.

[13]. Viết tắt từ cụm từ:  People's Liberation Army, tức Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc 中国人民解放军.

[14] Khi đó nằm trong đội hình Quân khu II, được thành lập tháng 7/1978 bao gồm Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ) do Thiếu tướng Vũ Lập làm Tư lệnh

[15] Đây cũng là thời gian tôi chuẩn bị đi thực tập vòng II. Phút chót mới biết tôi đi Sài Gòn, một số bạn lại lên ngay Lào Cai. Xin mãi mới được anh Phẳng C trưởng đồng ý, tối 17/3 tôi ra ga HC chen mua vé lên tầu về Hải Phòng, trên tầu gặp gia đình bà Minh cũng trên đường về quê. Đến HP lúc 9 giờ, trời tối lại lạ đường (từ khi rời quê năm 1964 tôi mới trở lại một lần vào năm 1971) nhưng dựa vào trí nhớ tuổi thơ tôi vẫn đạp xe về đến làng được. Đường làng trơn, dò mãi cũng tới nhà anh Tiêm. Bà lại ở xóm trong (họ Đặng), tôi vào thăm bà một lát. Sáng ra vào Cốc (bên Ngoại) thăm Mẹ và các em. Tại đây mới biết Bố và Thường đã ngược lên Lào Cai từ 2 hôm trước vì được tin TQ rút khỏi xã tôi từ 08/3.

[16] Cũng cho vài đơn vị cấp tiểu đoàn vượt biên giới sang tấn công các vị trí tiếp liệu của Trung Quốc ở Mã Lý Phố (Vân Nam) và Ninh Minh (Quảng Tây) nhưng các cuộc tấn công này chỉ có tác dụng gây rối.

[17] Đồng chí Nguyễn Xuân Kim sinh năm 1952, sinh quán tại xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Dân tộc Kinh. Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Hy sinh ngày 17.2.1979, tại mặt trận phía Bắc, khi đó đồng chí mang cấp bậc thượng sĩ, quyền đại đội trưởng đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 192, bộ đội địa phương Hoàng Liên Sơn.

Tháng 2.1979, đơn vị đồng chí được giao nhiệm vụ giữ chốt Cốc San ở huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai. Ngày 17.2, quân xâm lược Trung Quốc cho một tiểu đoàn có pháo binh, xe tăng yểm trợ, chia làm nhiều mũi, từ nhiều hướng đánh phá ác liệt vào trận địa của ta, Nguyễn Xuân Kim bình tĩnh chỉ huy đơn vị, chờ địch đến gần mới nổ súng, tiêu diệt nhiều tên địch. Đồng chí bị thương lần thứ nhất, tự băng bó, tiệp tục chiến đấu. Bị thương lần thứ hai, đồng chí bị ngất, khi tỉnh lại, đồng chí tiếp tục chỉ huy đơn vị, tổ chức lực lượng đánh vào sườn và phía sau lưng địch. Bị thương lần thứ ba, do vết thương quá nặng, bị ngất nhiều lần, nhưng mỗi lần tỉnh lại, đồng chỉ vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu. Khi thấy địch đến gần, đồng chí mang hết sức còn lại, gượng dậy, dùng lựu đạn, tiểu liên AK đánh thẳng vào đội hình địch.

Trong trận chiến đấu này, đơn vị đồng chí đã bẻ gẫy 8 đợt tiến công của địch, diệt trên 200 tên, riêng đồng chí diệt 60 tên. Nguyễn Xuân Kim đã khi sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng chí được thưởng một Huân chương quân công hạng Ba, một Huân chương chiến công hạng Hai, 2 lần được tặng Danh hiệu dũng sĩ. Ngày 20.12.1979, đồng chí được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tăng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

[18] Nguyễn Bá Lại quê Thái Bình. Anh là kỹ sư địa chất đã sống và làm việc ở Đoàn địa chất 305 (thường gọi là Đoàn địa chất số 5). Ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn Tàu cho pháo bắn dồn dập và dùng lực lượng lớn vượt hai cầu phao bắc qua sông Hồng, chiếm các điểm cao và bao vây khu vực đoàn bộ đoàn địa chất 305. Trung đội anh Nguyễn Bá Lại chiến đấu ở hướng chính diện của địch tấn công từ hướng mỏ đồng Sin Quyền. Anh Nguyễn Bá Lại đã diệt bảy tên, thu một súng AK. Trung đội của anh đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Giặc Tàu dùng cối bắn cấp tập rồi ồ ạt xông lên điểm chốt của ta. Anh Nguyễn Bá Lại nhảy lên khỏi hầm dùng AK bắn thẳng vào đội hình giặc. Noi gương anh, nhiều anh em trong hầm cũng đứng lên chiến đấu. Bất ngờ một tên địch lao vào cách hầm 2m, trên tay cầm quả lựu đạn đang xì khói. Anh Nguyễn Bá Lại nổ súng bắn nó ngã gục, quả lựu đạn văng vào trong hầm. Anh lập tức nằm đè lên quả lựu đạn, nhận sự hy sinh về mình để cứu sống sáu đồng đội trong hầm. Anh Nguyễn Bá Lại đã cùng đơn vị bẻ gãy tất cả các đợt tiến công của địch, diệt nhiều tên, bảo vệ an toàn tài liệu địa chất và hơn 300 cụ già, cháu nhỏ. Anh được truy tặng Huân chương chiến công hạng ba và danh hiệu Anh hùng

[19] Bùi Nguyên Khiết liệt sỹ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo quê anh ở xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Trước ngày chiến tranh biên giới nổ ra, là phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, Anh mang máy ảnh, sổ tay theo các đơn vị chủ lực ngược dòng người chạy xuôi, lên biên giới để tận mắt ghi lấy cảnh chiến đấu của quân và dân ta chống quân xâm lược. Anh hy sinh ngày 17/02/1979 tại bản Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương) trong khi đang làm báo và trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân giặc Tàu xâm lược.

[20] Nguyễn Ngọc Hòa sinh năm 1953, dân tộc Kinh, quê ở tiểu khu Lào Cai, thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Năm 1971, Nguyễn Ngọc Hòa vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1975 đồng chí phục viên và từ đó tham gia tự vệ ở tiểu khu Lào Cai, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày 19 tháng 2 năm 1979, bộ binh địch có số lượng rất đông, được xe tăng yểm trợ mở nhiều đợt tấn công đảnh phá ác liệt vào thị xã Lào Cai. Đơn vị không có súng chống tăng, Nguyễn Ngọc Hòa đã dũng cảm, nhanh chóng vượt qua khu hỏa lực địch bắn rất dữ dội đến một đơn vị bộ đội ta mượn được khẩu súng B40, rồi nhanh chóng bám sát địch, đuổi theo xe tăng địch bắn 2 quả đạn diệt 2 xe tăng. Sau đó Nguyễn Ngọc Hòa bò lên mặt đường tìm chỗ có lợi dùng trung liên bắn vào đội hình bộ binh địch, diệt thêm 2 xe tăng và 20 tên địch, tạo điều kiện cho đồng đội diệt nhiều tên khác. Nguyễn Ngọc Hòa đã góp vào thành tích chung của đơn vị diệt gần 70 tên địch, đánh lui nhiều đợt tấn công của chúng. Gương chiến đấu dũng cảnh của đồng chí đã có tác dụng động viên lôi kéo mọi người noi theo.

Nguyễn Ngọc Hòa đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Ngọc Hòa đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó được bầu là Ủy viên BTV tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trước khi nghỉ hưu.

[21] Sau chính một số CS của Tiểu đoàn này có những việc làm xấu khiến một số người dân ghét gọi chệch đi là đơn vị “điên cuồng”!

[22]  Kiểm lại cả thôn An Phong (nay là xóm An Phong, thôn An Hồ), xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng nhà tôi không chết một ai, chỉ mất tài sản, lợn gà bỏ lại và cháy một ngôi nhà. Ngày 10/3/1979 khi bố tôi tìm về đến nhà thì nhà đã cháy hết, em tôi (Thường) còn bới được ít soong nhôm chảy, bố nhặt được ít đinh ! Năm ấy lại vừa được mùa, thóc của nhà tôi và của cô Thị chất đầy 2 hầm sau nhà. Theo Quang nói thì ngày 09/3 sau khi TQ rút, Quang khi ấy đóng quân gần đó có về thì nhà vẫn còn, Quang còn thử và ghi rõ “nước giếng không có độc” . Có lẽ do BĐ ta nấu ăn vô ý gây cháy. Chăn, màn phải lên chốt, các dãy giao thông hào mà bộ đội ta, quân TQ đã đào nhặt nhạnh đem về dùng. May là bằng Tốt nghiệp cấp 3 của tôi và Thuộc lại được vất ra sau nhà, không cháy theo. Khi Thuộc về đã nhặt được và tiy bị mối xông nhưng nội dung cơ bản vẫn còn. Do vậy chúng tôi không gặp rắc rối gì khi kiểm tra văn bằng rộ lên dạo 1995. Đây là ngôi nhà dựng năm 1975, to nhất thôn khi đó và đúng hôm cất nhà thì con gà mái nhẩy lên độ làm gẫy chiếc rui cái! May còn con lợn vì thả ra nên còn sống, khi gia đình lên, nó tìm được về. Thế là lại làm lại từ đầu ! Buồn cười là khi nhận hàng viện trợ do nhà bị cháy mẹ tôi nhận được toàn quần áo con nít, trong khi út Luận đã 9 tuổi! Nhà cháy, tiền thóc hết, gia đình che tạm một lán trên nền cũ. Đến khi cưới Thuộc (ngày 10/02/1981, tức là ngày 06 tháng Giêng năm Tân Dậu), rồi cưới tôi (ngày 22/01/1982, tức 28 tháng Chạp Tân Dậu) vẫn chưa dựng được nhà. Mãi đến năm 1984 mới dựng.

[23] Từ báo chí ta lúc đó chỉ đội quân ăn cướp của lũ giặc Tàu mặc áo cộng sản (PLA People’s Liberation Army).

[24] Soi vào lịch sử thì việc bình thường hoá quan hệ Việt-Trung sau chiến tranh thì đây là lần có qúa trình kéo dài và phức tạp nhất. Có lẽ bởi ngoài mâu thuẫn về lãnh thổ, lần này sự tái bang giao giữa 2 nước còn bị yếu tố quốc tế chi phối nhiều và quan trọng hơn là sự không đồng thuận về ý thức hệ. Tuy cả 2 nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng xây dựng CNXH nhưng cách nhìn lại có những điểm khác biệt trên nhiều khía cạnh. Chỉ khi nào san lấp được khoảng cách đó và hiểu nhau hơn thì mới thực sự gác lại quá khứ, hướng tới tương lai thực sự có Lý tưởng tương đồng, Vận mệnh  tương quan.

[25] Trong thời kỳ đó, con đường chiến lược Hoàng Liên Sơn I (đường Thuận Hải, tỉnh lộ 154) từ km 36 qua Tân Hồ (Phong Niên) ngược Cốc Ly (Bắc Hà), lên Tả Thàng, Cao Sơn (Mường Khương) được mở ra và khai thông. Đường này do lực lượng TNXP tỉnh Thuận Hải (sáp nhập 2/1976 giữa Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy; đến 1991 lại tách ra thành Ninh Thuận và Bình Thuận), kết nghĩa với Hoàng Liên Sơn cùng quân dân HLS mở từ sau 2/1979. Đến 9/1983 UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn huy động dân công và thanh niên các huyện tuyến sau lên mở rộng và nâng cấp. Đây là đường chiến lược nối thông 3 huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bắc Hà. Đường Hoàng Liên Sơn II (tỉnh lộ 155) là nối Mường Hum, Bản Sèo (Bát Xát) - Ô Quý Hồ - Sa Pa - Thanh Phú.

[26] Ngày ấy Trung Quôc cử 1 Quân đoàn bộ đội hậu cần dưới danh nghĩa Công nhân Quốc phòng sang giúp Lào Cai xây dựng 4 tuyến đường mà ta đang làm dở phải rút sang Bắc Cạn xây dựng đường vào ATK của Trung ương. Tuyến Lào Cai đi Phố Ràng đoạn tu bổ, nâng cấp, đoạn mở mới. CNQP và các trận địa pháo đóng quân trên đường vào thôn, lẫn trong khu sản xuất của dân, thường cử người vào biếu muối, dầu hoả, xà phòng là những thứ nhu yếu phẩm khan hiếm hồi đó, kèm theo là trước tác, huy hiệu Mao Trạch Đông 毛澤東 và hoạ báo TQ tuyên truyền về Cách mạng văn hóa 文化大革命, về Người cầm lái vĩ đại 伟大舵手, về “Chủ nghĩa xét lại hiện đại của LTK”, về người kế tục Lâm Bưu, rồi lại “Phê Lâm, đả Khổng”... Học sinh, thiếu nhi chúng tôi được dạy bài ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa, ca ngợi Mao Chủ tịch bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Hoa. Ngoài ra còn được xem Phim TQ (Kinh kịch: Bạch Mao Nữ, Một mình đánh núi Uy Hổ, Tài liệu: về CMVH, Film Nguyễn Văn Trỗi …), nhưng không có thuyết minh bởi cấp Tiểu đoàn mới có phiên dịch. Lần đầu tiên người dân trong vùng được thấy những chiếc xe ủi, máy gạt hoặc những chiếc xe Giải phóng phải buộc thêm xích vào bánh để chống trơn khi kéo xe ngoạm đất, được xem Xiếc, được sử dụng thuốc ôm đầu khá hiệu nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!