[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 2 2022

Sao lại “BẮC MÔN TOẢ THƯỢC” ?

Ai đã từng viếng thăm, chiêm bái đền thờ vua Đinh ở Ninh Bình đều thấy ở cổng Ngọ môn có đắp nổi bốn chữ Hán: 北門鎖鑰 đọc là “Bắc môn toả thược”, tức khóa chặt cửa Bắc!. Phía sau 4 chữ này là 4 chữ khác: Tiền Triều Phượng Các (前朝鳳閣, có nghĩa là cửa phượng triều trước).

Về 4 chữ 北門鎖鑰 hiện có nhiều kiến giải khác nhau, cụ thể là:

- Ở đây không có ý nói cửa bắc ngôi đền, bởi đó không phải nơi xung yếu 要地, chả cần “kín cổng cao tường”, khóa rào chắc chắn !.

-Từ việc cho rằng mối nguy hại mà nhà Đinh lo ngại là chính các sứ quân tuy đã bị đánh bại trong quá trình Đinh Bộ Lĩnh (丁部領, 924–979) dẹp loạn 12 (十二使君之亂, 944-968) sứ quân. Bởi họ tuy đã mất binh quyền nhưng vẫn còn con cháu, đồ đệ và lớp người này chắc chắn sẽ có người không phục và ngấm ngầm chống đối, nuôi chí phục thù. Mà địa bàn của họ đều ở phía Bắc Hoa Lư do vậy câu “Bắc Môn Toả Thược” không hề ám chỉ phải cảnh giác với Trung Quốc mà ngầm nhắc tới dư đảng của các sứ quân kia!

-Nhưng đó vẫn là nội trị, điều sâu xa là ở phía bên kia biên giới! Bốn chữ đó bao hàm cả một chủ trương đường lối lâu dài cho muôn đời con cháu mai sau: luôn cảnh giác đề phòng với giặc phương Bắc, cần rào dậu cho kín, khóa chặt, canh phòng cẩn mật.

-Cũng có ý cho rằng câu đó thể hiện rõ là sau khi cùng các tướng đánh dẹp 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh  lập nên nhà Đinh (丁氏, 968 - 980), định tên nước là Đại Cồ Việt (大瞿越, 968-1054) sau 1.000 năm Bắc thuộc, đồng thời cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo 太平興寶 để khẳng định nền độc lập tự chủ, chấm dứt thời kỳ đô hộ của phương Bắc! Trước đó, vào năm 938, sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng Ngô Quyền (吳權, 898–944) đã xưng Vương, mở đầu nền độc lập tự chủ với phương Bắc nhưng nhà Ngô (吳氏, 938 - 967) vẫn chưa đặt quốc hiệu.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng Việt Nam một mặt giáp biển, ba mặt giáp lân bang. Nhưng tổ tiên ta không thể mở đất về Đông (biển) chỉ có thể mở mang lãnh thổ về phía Nam, một phần sang phía Tây và khẳng định chủ quyền tại các vùng “đệm” ở miền Tây, Bắc. Còn phía Bắc phải căng mình chống lại cuộc “nam chinh” của Thiên triều, vốn có máu “bành trướng” 膨漲 và rất ham “tằm thực” 蠺食.

Do điều kiện địa lý và văn hóa nên giữa 2 nước Việt, Trung có mối quan hệ từ lâu đời và ngoài các cuộc xâm lăng thì những tranh chấp lãnh thổ qua các thời kỳ từng để lại nhiều dấu ấn trên mảnh đất biên cương. Trong mối quan hệ đó thì các triều đại Phong kiến Trung Hoa luôn coi Đại Việt là nước man di 蠻夷, là phiên thuộc không ngừng nhòm ngó xâm lược, xâm lấn hay đồng hoá. Là một nước nhỏ, không cách nào khác các chính quyền phong kiến Việt Nam phải chịu thần phục các triều đại cùng thời bên Trung Quốc.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ địa chính trị lâu đời nhất trên thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Đó chính là mối quan hệ giữa hai thực thể địa chính trị. Nói “quan hệ địa chính trị” bởi quan hệ Việt-Trung không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai quốc gia, càng không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai “nhà nước dân tộc có chủ quyền”, như ta vẫn quen hình dung về mối quan hệ giữa hai “nước” trong thế giới hiện đại theo trật tự thế giới “kiểu Westphalia”.

Thực tế trung tâm văn minh cổ, nơi phát tích của nhà nước Trung Hoa nằm tại vùng Cam Túc, rất xa Việt Nam. Mãi đến 219 tCn, sau khi thống nhất 7 nước, Tần Thuỷ Hoàng sai Đồ Thư 屠睢 làm chủ tướng, Triệu Đà 趙佗 làm phó tướng, chỉ huy 50 vạn quân bình định vùng đất Bách Việt ở Lĩnh Nam. 5 năm sau mới hoàn thành là lập nên 3 quận là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (đông bắc Quảng Tây) và Tượng Quận (nam Hồ Nam) giáp Việt Nam. Riêng vùng Vân Nam, đến năm 320 vẫn là nước Điền của thị tộc Thoán , sau đó từ năm 738 là Vương quốc Nam Chiếu 南诏 rồi Vương quốc Đại Lý 大李 (năm 937) mãi đến năm 1276 mới thành  một tỉnh do quyết định của Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, Khubilai Khan, 忽必烈, 1215–1294). Do đó quan hệ giữa Việt và Trung có thời kỳ là quan hệ của Việt với các lãnh chúa, hay tiểu quốc vùng Hoa Nam. Mối quan hệ địa chính trị Việt-Trung trong từng thời kỳ có tính chất, đặc điểm riêng phụ thuộc vào tương quan giữa các lãnh chúa vùng Vân Quý, Trung nguyên, Lưỡng Quảng của Trung Quốc và vùng châu thổ sông Hồng của Đại Việt xưa!.

Hơn nữa, Việt Nam từng là quận huyện của Trung Quốc trong 10 thế kỉ, là nước chư hầu của các triều đại Trung Quốc trong suốt thời kì phong kiến. Trong quá trình đó, giới cai quản Trung Quốc (Tần, Triệu, Hán, Ngô, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Hoa Dân quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) khi kiểm soát lãnh thổ giáp ranh với Việt Nam đều thường mang quân đội sang Việt Nam với ý định chiếm đất tranh hoặc đoạt chính quyền.

Như vậy biên giới Việt-Trung không chỉ là sự thật địa-chính trị cho hai nước mà còn là biểu trưng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các cuộc kháng chiến chống giới nặng đầu óc Đại Hán có thể được xem là một trong những chủ đề chính, nếu không muốn nói là chủ đề lớn nhất, của lịch sử Việt Nam.

Nếu tính cả truyền thuyết thì người Việt đã có quan hệ với Trung Hoa từ năm Mậu Thân năm thứ 5 đời vua Đương Nghiêu ở Trung Quốc (năm 2353 tCn) và lần thứ 2 thông sứ là vào năm thứ 6 đời vua Thành Vương nhà Chu, tức năm 1110 tCn. Sử liệu chính thức ghi lại quan hệ Việt-Trung từ cuối thế kỷ thứ III trước Công nguyên khi biên giới Trung Quốc đã mở rộng tới sát biên giới ta (vùng Bắc, Đông Bắc).

Quan hệ Việt-Trung trong gần 2200 năm tồn tại từ thế kỷ 2 tCn đến nay có thể chia ra bốn thời kỳ cơ bản:

Thời kỳ thứ nhất là “thời kỳ Bắc thuộc”, dài khoảng một ngàn năm, từ lúc nước Âu Lạc của An Dương Vương thuộc về nước Nam Việt của Triệu Đà (năm 179 tCn), khi mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng với miền Trung nguyên Trung Quốc được thiết lập thông qua quan hệ Hán-Nam Việt, cho đến thời điểm Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938).

Thời kỳ thứ hai gọi chung là “thời kỳ Đại Việt” tính từ khi Ngô Quyền xưng vương (939) đến khi Pháp đặt nền bảo hộ ở Việt Nam và nhà Thanh công nhận chủ quyền của Pháp ở đây (1883).

Thời kỳ thứ ba là “thời kỳ Pháp thuộc”, kéo dài khoảng 6 thập niên, từ 1883 đến 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập.

Thời kỳ thứ tư gọi chung là “thời kỳ Việt Nam”, từ 1945 đến nay. Thời kỳ này gồm 3 giai đoạn: từ cuối thập niên 40 đến cuối thập niên 60, từ đầu thập niên 70 đến cuối thập niên 80, từ đầu thập niên 90 đến nay. Trong thời kỳ thứ tư này, xung đột nhỏ lồng trong xung đột lớn, tất cả chịu sự chi phối của quan hệ giữa các nước lớn. Quan hệ Việt-Trung không đơn thuần phụ thuộc vào 2 nước mà nằm trong bối cảnh mới khi chiến lược của những nước lớn khác nhau (Pháp, Mỹ, Liên Xô) và cả các nước trong vùng (Nhật Bản, ASEAN) tuỳ thời kỳ.

Như vậy, phương thức chiến lược của các triều đại phong kiến Việt Nam đối với Trung Quốc có sự giống và khác giữa hai giai đoạn:

 Giai đoạn đầu, thời khởi nền độc lập (Ngô, Đinh, Tiền Lê) và thời củng cố nền độc lập (Lý, Trần) là “kháng cự và không chối từ”.

Đến giai đoạn sau (Lê, Nguyễn) là “kháng cự và bắt chước”.

Chính nhờ cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, thông minh, khôn khéo của các thế hệ Việt Nam nối tiếp, mặc dầu trong tình hình so sánh lực lượng rất chênh lệch, phong kiến phương Bắc luôn luôn có ý đồ thôn tính, lấn chiếm nhưng Đại Việt vẫn giữ được chủ quyền (cả lãnh thổ , tiếng nói và văn hóa); biên cương phía Bắc nước ta vẫn hình thành rõ rệt và ổn định về cơ bản từ ngàn năm nay. Từ giữa thế kỉ XIX, khi Pháp bắt đầu tấn công Việt Nam, mặc dù vẫn giữ vai trò “trung tâm thiên hạ” nhưng nhà Thanh đã bất lực, bỏ mặc Tây dương lấn dần rồi đặt ách đô hộ lên Việt Nam. Đây cũng là thời gian mà Trung Hoa phải từ bỏ mô hình thế giới truyền thống của mình (TQ là, trung tâm thiên hạ, các nước khác là “phiên bang”, “chư hầu”, “thuộc quốc”) và áp dụng mô hình thế giới kiểu Hòa ước Westphalia (1648, các nước có chủ quyền tối cao trong vùng lãnh thổ của mình, và do đó là ngang nhau trên trường quốc tế). Quan hệ Việt-Trung bị chi phối bởi một đế quốc hùng mạnh, tân tiến đến từ trời Tây xa xôi, nước Cộng hòa Pháp.

 Trong lịch sử từng có lần cha ông ta Bắc tiến, nhưng hầu như chỉ nhằm mục đích “tiên phát chế nhân” (先發製人, chủ động tiến công trước để đẩy kẻ thù vào thế bị động), chứ không nhằm chiếm đất, chiếm dân.

Như thế, trải qua hàng mấy nghìn năm, tổ tiên ta phải đổ hàng núi xương, sông máu để bảo vệ, xây dựng và mở mang giang sơn cẩm tú như ngày nay trao lại cho cháu con. Do vậy, các thế hệ tiền nhân chúng ta đã nhận biết và khẳng định rằng: mọi tai hoạ cho đất nước và dân tộc đều phần lớn đến từ phương Bắc, bởi vậy mới di huấn cho hậu thế bằng bốn chữ “Bắc môn toả thược” (北門鎖鑰, khoá chặt cửa Bắc).

Tất nhiên, trong thời đại ngày nay chúng ta không “bế quan tỏa cảng” 閉関鎖港 nhưng phải biết “hòa nhập” không “hòa tan” và không thể “hội nhập”, “mở cửa” bằng mọi giá được!

Quên lời di huấn “Bắc môn toả thược”, sớm muộn gì, không trên lĩnh vực này cũng ở khía cạnh khác, chúng ta sẽ “mắc lỡm” với người phương Bắc!

-Lương Đức Mến, chiều 18/02/2022-

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!