[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


14 tháng 2 2022

Nhớ câu TƯƠNG KÍNH NHƯ TÂN

Trong ngày LỄ TÌNH NHÂN, tự dưng nhớ đến 2 câu thơ của nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991) ở bài “Ngập ngừng” trong tập thơ “Quê Ngoại”, xuất bản năm 1943. Câu đó nguyên ban đầu là “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề; Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở” sau dần thành dị bản: “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở; Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Nhiều người chỉ nhớ đến câu dị bản này!

Xẩy ra điều đó phải chăng như ông bà xưa có câu “xa thương gần thường”, vợ chồng sống với nhau lâu, do sự “bào mòn” của thời gian, thường có khuynh hướng “nhàm chán”, xem thường nhau, thậm chí cả “tiếc con cá mất” !.

Đây là khuynh hướng “đi xuống” trong hôn nhân nhưng phần đông các lứa đôi lại không tránh được. Đó cũng là lý do mà lời khuyên các cặp vợ chồng phải “tương kính như tân” của cổ nhân vẫn luôn có giá trị.

Lai lịch thành ngữ này xuất phát từ câu chuyện xẩy ra ở thời Xuân Thu (春秋時代, 771-476 tCn) bên Tầu. Chuyện rằng:

Tấn Văn Công (晉文公, 697 – 628 tCn) , vua thứ 24 của nước Tấn (晉國, thế kỷ 11–376 tCn, tương đương Sơn Tây, Trung Quốc hiện nay) là một trong số những nhân vật thuộc “Xuân Thu Ngũ bá” có người em trai là Tấn Huệ Công (晋惠公, cai trị 650 – 637 tCn). Huệ Công có một người thầy tên là Khước Nhuế 郤芮, ?- 363 tCn). Khi Tấn Huệ Công qua đời, Tấn Văn Công, sau 19 năm lưu vong quay về nước nắm giữ triều chính, không cho con trai của Tấn Huệ Công ngồi vào ngôi vua, Khước Nhuế từng hầu hạ Tấn Huệ Công lo sợ sẽ bị Tấn Văn Công bức hại, nên đã cùng với một lão thần khác bí mật bày mưu giết Tấn Văn Công. Mưu sự bất thành, Khước Nhuế và lão thần đó đều bị xử tử, gia tộc của họ cũng vì vậy mà bị giáng làm dân thường.

Một hôm, quan Đại phu 大夫 của Tấn Văn Công là Cữu Quý 臼季 phụng mệnh sang thăm nước Lỗ (魯國, 1043-256 tCn, phía nam núi Thái Sơn, ở khu vực trung tâm và miền tây nam của tỉnh Sơn Đông cùng một phần các tỉnh An Huy, Hà Nam và Giang Tô của Trung Quốc nay). Khi đi ngang qua đất Ký (冀州, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay), nhìn thấy một nông phu đang cắt cỏ, Cữu Quý nhìn kỹ và nhận ra người thanh niên này chính là Khước Khuyết (郤缺, ?-597 tCn), con trai của Khước Nhuế, từng bị Tấn Văn Công xử lý.

Lúc này vợ của Khước Khuyết mang cơm ra cho chồng. Tại đó, người vợ hai tay bưng cơm đưa cho chồng mình theo cách rất cung kính, người chồng thì nhận lấy cơm một cách trịnh trọng, rồi quỳ xuống cầu nguyện hết sức thành kính, cảm ơn sự ban ơn của ông trời, sau đó mới bắt đầu ăn cơm. Khi Khước Khuyết ăn cơm, người vợ ngồi ở một bên, vô cùng lễ phép đợi chờ chồng mình ăn xong, sau đó thu dọn chén đũa. Trong toàn bộ quá trình đó, hai vợ chồng luôn giữ thái độ đoan trang khách sáo với nhau như đối với khách quý.

Chứng kiến cảnh đó, Cữu Quý quay về trong cung bẩm báo tình hình, sau đó tiến cử Khước Khuyết với Tấn Văn Công, nói rằng: “Tôn trọng người khác là biểu hiện điển hình của đức hạnh. Người có thể tôn trọng người khác, thì chắc chắn là người có đức hạnh. Xin quân vương hãy trọng dụng hắn”.

Tấn Văn Công thấy không yên tâm cho lắm, vì dù sao cha của Khước Khuyết chính là Khước Nhuế. Nhưng về sau ông vẫn trọng dụng Khước Khuyết, phong cho Khước Khuyết làm Hạ tướng Đại phu 下軍大夫.

Đến thời của Tấn Tương Công (晋襄公, cai trị: 627 – 621 tCn), Khước Khuyết lập được công to trong trận chiến tại đất Cơ, khải hoàn trở về, Vua Tấn đem vùng đất ấy tặng cho Khước Khuyết. Cữu Quý cũng nhờ có công tiến cử Khước Khuyết mà được ban thưởng hai bậc.

Khước Khuyết trở thành trọng thần của nước Tần, thay thế Triệu Thuẫn 赵盾, 656 -601 tCn) cai quản triều chính gia phong Chính khanh Trung quân tướng 正卿中軍將, khi chết được ban thụy hiệu là Thành Tử 成子. Khước Khuyết cũng là tổ tiên của họ Ký bên Trung Quốc.

Câu “tương kính như tân” 相敬如賓  được hiểu là “cùng kính nhau như khách quý”. Trong đó “tân” ở đây được hiểu là: “Khách, người ở ngoài đến gọi là khách , kính mời ngồi trên gọi là tân . Ngày xưa đặt ra năm lễ, trong đó có một lễ gọi là tân lễ 賓禮, tức là lễ phép khách khứa đi lại thù tạc với nhau.

Từ chuyện vợ chồng Khước Khuyết kể trên, câu nói Tương kính như tân 相敬如賓 của quan Đại phu Cữu Quý được dịch là “đối xử với nhau với sự tôn trọng như đối với khách” đã trở thành một thành ngữ, nó được sử dụng để diễn tả cách đối xử giữa phu thê đó là nên tôn trọng lẫn nhau, như đối với tân khách. Một số dạng khác của câu này là “phu thê tương kính như tân” 夫妻相敬如賓 “phu thê giao bái, tương kính như tân” 夫妻交拜, 相敬如賓 hay “tương đãi như tân” 相待如賓.

Quan niệm “tương kính như tân” của cổ nhân thì có hàm ý là người vợ kính yêu người chồng, người chồng quý trọng người vợ, đôi bên cùng tôn kính lẫn nhau, không xuề xòa, không thất lễ. “Vợ kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc”, đó là cách đối đãi giữa vợ và chồng của người xưa.

Ngày nay đa phần cho rằng, đã là vợ chồng, quá gần gũi, thân thuộc rồi nên không cần câu nệ khách sáo; tôn kính nhau như khách là không có tình cảm, có khoảng cách và có sự phân biệt. Vì thế, họ dùng cách thức suồng sã để đối đãi với nhau, thậm chí có người vợ còn cho rằng phải “ở trên” chồng một chút mới là thể hiện tầm quan trọng của mình trong gia đình, “nam cương nữ nhu” mà!.

Thực ra, thời nào nội hàm câu đó vẫn bao hàm ý nghĩa:

Sự bình đẳng, hòa hợp vợ chồng: thể hiện qua những vấn đề thiết thực trong cuộc sống của hai vợ chồng, như: dạy dỗ con cái, chi tiêu, quan hệ với gia đình đôi bên... giúp cả hai có thể vượt qua những rào cản trong đời sống chung.

Gạt bỏ tự ái cá nhân: và học cách chấp nhận chúng, kể cả từ việc nhỏ đến thói quen sống như sở thích, môi trường sống… để vợ chồng bình đẳng với nhau hơn, vì cả hai đều có lầm lỗi và đều giúp được gì đó cho nhau

Tôn trọng lẫn nhau: bởi thái độ biểu hiện sự không tin tưởng sẽ châm ngòi nổ cho sự hợp tác giữa đôi bên là chìa khóa duy trì mối quan hệ bền vững của đời sống vợ chồng.

Thỏa mãn lúc gối chăn: những lời chê, chỉ trích bạn đời trong “chuyện ấy” chỉ như “lửa đổ thêm dầu”, chặt đứt cầu nối!

Khi thực hiện tốt những điều “cần và đủ” đó, người này tự nhiên thấy người kia có ích, cần thiết cho mình và ngược lại. Một khi cần nhau, hẳn vợ chồng sẽ có thái độ lịch sự với nhau hơn.

Nói thì dễ, làm khó thay! Đặc biệt khi mà “nữ quyền” lên ngôi!

-Lương Đức Mến, cuối này Lễ Tình nhân 2022-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!