[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 12 2021

Tâm tư của THẾ HỆ CHUYỂN TIẾP

Mấy năm nay, tôi có cái tật là khi nói chuyện với con, cháu thường kể chuyện ngày xưa! Nào là “cụ thế này, ông thế nọ”, nào là “so với các cháu ngày nay thì…”. Bất ưng, một bận cô cháu 5 tuổi của tôi thỏ thẻ “thế ông là chuyển tiếp à?”. Giật mình, hóa ra cô cháu cách tôi đúng một Hoa giáp đã nói trúng cái điều mình tự ngẫm bấy nay: thế hệ chúng tôi là thế hệ chuyển tiếp từ “cổ sang tân”!

Trước hết, nghiên cứu về Gia phả ai mà chẳng biết đến những từ như: “Đời”, “Thế hệ”! Nhưng chẳng mấy ai rành: “Thế hệ (A: Generation, P: Génération, H: 世代) là cách gọi tập thể tất cả những người được sinh ra và sống trong cùng một khoảng thời gian” mà đại khái là để “phân biệt với lớp trước đã sinh ra mình và với lớp sau do mình sinh ra”.

Một số nhà khoa học hiện đại chia thành 5 nhóm thế hệ khác nhau: Thế hệ Z (Generation Z: 15 – 20 tuổi), Millennials (21-34 tuổi), Thê hệ X (Generation X: 35-49 tuổi), Baby Boomers (thế hệ được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số: 50 – 64 tuổi) và Thế hệ Già (Silent Generation: trên 65 tuổi). Theo đó mình thuộc về đầu thế hệ Già”, bắt đầu lẩm cẩm là phải!!

Tất nhiên cách chia này không ứng với cách chia “Đời”, “Thế hệ” trong việc họ hay việc lập Gia phả nhưng nó lại tương đối phù hợp với cách nhìn nhận, đánh giá về quan niệm, học thuật, cách sống,…trong xã hội!

Điểm lại các “tiêu chí” xếp thế hệ, hóa ra miềng là “chuyển tiếp” thật! Này nhé:

Về việc học: Trong suốt chiều dài lịch sử, giáo dục đã tồn tại, phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc:

Thế hệ ông tôi và trước đó: học một thầy theo nền giáo dục Nho học của nhà nước phong kiến và báo hiệu chấm dứt bằng sự ra đời và sử dụng rộng rãi chữ quốc ngữ theo bảng chữ La tinh trong nhà trường từ cuối năm 1919 thay thế bằng hệ thống tân học của theo lối Pháp.

Đến Cha tôi: trào lưu giáo dục Duy Tân yêu nước, khởi xướng cho khuynh hướng thực học, sử dụng chữ quốc ngữ trong dạy và học, tiếp cận với các khoa học tự nhiên và kỹ nghệ, từ bỏ lối học tầm trương trích cú, khoa cử. Nhưng “chữ Nho” vẫn còn được dùng nhiều và lễ giáo chưa phai nhạt! Cụ biết cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ và viết khá đẹp, dễ đọc!

Lứa chúng tôi, những người sinh sau 1954 được “học nhiều thầy trong hệ thống trường công lập ở miền Bắc. Chúng tôi được học hoàn toàn bằng tiếng Việt với chữ quốc ngữ ở tất cả các môn học, dứt hẳn với “chữ của các cụ” nhưng “ngoại ngữ” thì lỗ mỗ: có thời học tiếng Hoa, thời thiên về tiếng Nga nhưng khi ra công tác, thi nâng bậc bằng tiếng Anh còn đi cơ sở nghe toàn Quan Hỏa, đến lúc về hưu, soạn Gia phả lại cần hiểu chữ Hán phồn thể ! Quay đi ngoảnh lại khi cần sử dụng tiếng Việt thì...bí rì rì !!.

Các con tôi: lớn lên sau “đổi mới”, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Các cháu đua nhau học Anh ngữ, còn tiếng Hoa, tiếng Nga trở nên lạc lõng! Yếu tố “Thị trường” đã len lỏi vào giảng đường và mưu sinh! Có bận tôi xem vở bạn con mà thấy chữ nát như gà bới, câu cú thì lủng củng!

Các cháu tôi thì học với chương trình “đổi mới xoành xoạch”, yếu tố “công nghệ”, “quốc tế hóa” ,…được đưa vào ! Các cháu biết được nhiều thứ nhưng...Em không dùng được sách của anh, hai anh em họ cùng tuổi nhưng học ở 2 tỉnh khác nhau thấy sức đọc, khả năng viết và làm toán khác nhau đến lạ kỳ mà không phải 2 bé có IQ quá chênh nhau và vv, mây mây mọi thứ!

Do việc học như vậy nên việc hành cũng có sự chuyển biến rất “phù hợp”!

Lứa chúng tôi dứt hẳn với Nho học để chuyển sang tân học. Nhưng ngoại ngữ thì sút hẳn! Ngay cả “nội ngữ” cũng khá lôm côm bởi “chiến tranh” và muôn vàn lý do khách quan, chủ quan!

Ngày ấy, việc chọn nghề và đi “thoát ly”, trong gia đình và ngay cả thôn xã chẳng hề có tiền lệ, tự bản thân theo tổ chức huyện sắp xếp. Cho nên trở thành “ông nọ bà kia” đều “bỗng dưng” cả!

Ra trường, nhận công tác cũng đều do “tổ chức phân công”, nghiễm nhiên tôi lấy vợ, sinh con, rồi có cháu đều ở thị thành, trong khi bố mẹ vẫn làm ruộng ở quê. Vì vậy, lứa chúng tôi khi trưởng thành ít gần và phụ thuộc vào cha mẹ!  Ngược lại chúng tôi gần con và bên cháu nhiều hơn thế hệ sinh ra chúng tôi! Vì vậy “dân chủ” hơn nhưng lại bớt chất Á Đông hơn! 

Ngay như việc sắm Tết, thuở trước, bao giờ vợ chồng tôi cũng cố gắng sắm “3 xuất thời bao cấp” (1 xuất để nhà mình, một xuất mang về bên ngoại, 1 xuất bên nội) còn bây giờ thì khác, tất cả “quy ra bai ô xít” hết!

Nhiều lúc rảnh rỗi, tôi giảng giải cho con cháu về thế thứ, tôn ti trật tự trong gia tộc, về Gia phả, về lệ tục, lề thói,…chúng nghe đấy nhưng dám chắc đọng lại cũng chả bao nhiêu!

Nhận ra điều đó, tôi cố gắng níu kéo các con theo gia phong, gắn với quê hương bản quán. Trai, Gái đều được tôi đưa về thăm quê Nội, Ngoại, để chúng biết về nơi sinh ra, lớn lên, trưởng thành của ông bà và những gian khó của cha mẹ. Nhưng cuộc sống xô đẩy, chúng hình như không cảm nhận được “truyền thống” và công sức của tiền nhân như bọn tôi! Chuyện gian khó hồi đi học, lập nghiệp, cưới hỏi của cha mẹ mà mỗi lần nghe kể xem ra chúng nghĩ rằng mình “nói quá” lên! Có chuyện chúng còn hỏi “ông kể chuyện cổ tích à?”.

Các cháu tôi càng “cách xa” tôi hơn thế nữa. Chúng sinh ra, lớn lên ở thành phố, tinh ranh hơn chúng tôi khi cùng tuổi, khả năng “tự phục vụ” thì kém nhưng tính “ích kỷ”, coi mình là trung tâm thì hơn hẳn lớp ông cha ngày trước! Cậu “SV năm tứ” mới 9 tuổi mà tiếng Anh liến thoắng, cô cháu “lớp nhớn 5 niên” mà bấm điện thoại nhoay nhoáy, nói nhiều câu rất …Tiktok, tính nhẩm nhanh hơn bà,... nhưng chưa phân biệt nổi thế nào là cô, là dì, là chú, là cậu!

Nhưng “thời thế” vậy, biết làm sao đây? Nằm nghĩ thì nhiều lắm, song khó nói ra, viết và lưu lại càng khó hơn!

Hay mình đã già nên suy nghĩ và hành động theo cảm tính, định kiến hoặc  việc đơn giản mà mình đã tự làm cho nó phức tạp lên ?.

Dù thế nào, trong những ngày ở “bên kia dốc cuộc đời” phải cố gắng làm tốt chức năng là “thế hệ chuyển tiếp”, đừng để đứt quãng mà gay! 

Trước mắt, tôi sẽ cố gắng hoàn thành 4 cuốn Gia phả, chép lại chuyện liên quan đến gia tộc, hoàn thành mấy Phả đồ bên Nội, bên Ngoại! Mình không làm, mai sau ai làm?

-Lương Đức Mến, 18/12/2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!