[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


30 tháng 11 2021

Hình tượng CON HỔ TRONG TRUYỆN KIỀU

Với tay lấy quyển Truyện Kiều, giở ngay được câu 2121 – 2122:

女欺閍𠬠世芇

Nữa khi muôn một thế nào,

𤞻𤢿𠺵𠓨𦡟

Bán hùm buôn sói chắc vào lưng đâu?

Ngẫm sơ sơ đúng thật: trong sách Kỳ Quan có câu: “ ”, đọc là “Mại lang mãi hổ, tả khoán vô bằng” chỉ việc buôn bán những vật không thuộc quyền sở hữu của mình (con Hổ, con Sói sống tự do trong rừng) như việc viết văn tự không chứng cứ lấy gì mà tin! Đúng là loại người gian ác, lừa lọc mà ngoài xã hội thì đầy rẫy, dã man hơn bọn “bán vịt giời”, “bán giời không văn tự”! Lò đã nhóm lửa đã đốt, đốt nhiều mà chưa hết!

 Nhưng bài này không bàn sâu về chuyện đó mà nhân sắp đến năm Canh Dần 庚寅 tìm hiểu về hình tượng con Hổ nhưng không theo kiểu năm Dần nói chuyện Hổ như đầy rẫy trên các báo, tạp chí.

Ai cũng biết rằng Nông lịch (lịch âm) lấy Can Chi gọi tên năm. Trong đó thành tố thứ hai là điạ chi theo thứ tự từ 1 đến 12 là : Tý (1), Sửu (2), Dần (3) , Mão  (4), Thìn (5), Tỵ (6), Ngọ (7), Mùi (8), Thân (9), Dậu (10), Tuất (11), Hợi (12) và cổ nhân đã gắn 12 con vật Chuột ,Trâu , Hổ , Mèo (Thỏ) , Rồng , Rắn , Ngựa , Dê , Khỉ , Gà , Chó , Lợn vào địa chi gọi là cầm tinh. Như thế, Canh Dần là năm mà cổ nhân khi làm lịch đã gán với con Hổ.

Trước hết nói về “Hổ” (A: Tiger, P: Tigre, H: ) hay còn gọi là cọp hoặc hùm (Ông Ba mươi, Kễnh) là một loài động vật có vú thuộc họ Mèo được xếp vào một trong năm loài “mèo lớn” thuộc chi Panthera. Đây là một loài thú ăn thịt, là một trong những loài động vật có biểu tượng lôi cuốn và dễ nhận biết nhất với các sọc vằn dọc sẫm màu trên bộ lông màu đỏ cam với phần bụng trắng.

Thực ra, hình tượng con Hổ hay Chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử của loài người cho nên nó không chỉ xuất hiện trong phép làm lịch 曆法 để biểu thị thời gian 時間 bằng Lịch thư (H: 曆書, A: Almanac, P: Almanach). Chúng được đề cập trong thần thoại và văn hóa dân gian cổ đại, tiếp tục được miêu tả trong các bộ phim và văn học hiện đại, xuất hiện trên nhiều lá cờ, phù hiệu áo giáp và làm linh vật cho các đội tuyển thể thao. Nhân chuyện đó bàn đôi chút về hình tượng này và cũng chỉ giới hạn trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.

Trong 3254 câu của “Truyện Kiều” 傳翹, Nguyễn Du (阮攸, 1766 – 1820) nhắc đến khoảng 50 con vật. Đó là: Thuý, Uyên, Phượng, Loan, Rồng, Bằng, Hổ (hùm), Sói, Ruồi, Hạc, Oanh (Chim Anh), Lươn, Khuyển, Ưng, Mèo, Gà, Trâu, Ngựa, Tằm, Ngài, Ve, Vượn, Rắn, Dẽ, Chuồn, Sư Tử, Kiến, Nhện, Thỏ, Ác (Quạ), Én, Quyên (Đỗ Quyên), Bướm (Hồ Điệp), Ong, Nhạn, Mồi (Đồi Mồi), Chim (nói chung), Cá (nói chung), Vược (hoặc Hức), Chim Xanh, Chim Hồng, Con ghẻ, Huỳnh (Đom Đóm), Giao Long (Rồng Cá), Chim Tinh Vệ, Kình (Cá Voi), Ngạc (Cá sấu), Ngần (một loài cá rất trắng), con Điêu.

Vì sắp đến năm Canh Dần nên chú tâm đến con Hổ và trong 3254 câu có 8 câu nhắc đến chữ “hổ”, “hùm”.

Cái hay của tiếng Việt và cái tài của thi sĩ là trong Kiều, cụ Nguyễn 2 lần nhắc đến từ “hổ” nhưng không phải nói về con Hổ cũng như đặc tính của nó. Đó là câu 3081: 呐強虎𢢆𤾓 “Nói càng hổ thẹn trăm chiều và câu 3103: 𢪀命拯虎命牢 “Nghĩ mình chẳng hổ mình sao”. Chữ “hổ” ở đây không hàm ý chỉ “con hổ” mà là ý nói tới “tự cảm thấy mình xấu xa, không xứng đáng” và cũng không thuộc phạm vi bàn xét ở đây.

Lần tìm trong Truyện Kiều, thấy có 6 lần đại thi hào Nguyễn Du mô tả đặc tính oai nghi, chúa tể của con Hổ với chữ “hùm” và không phải mô tả một con Hổ nào cụ thể mà mỗi lần đều trong một bối cảnh, mang hàm ý khác nhau và có tới 4/6 chữ nói về đấng anh hùng Từ Hải!. Chữ “hùm” cụ Nguyễn dùng để diễn tả dáng vẻ, tính cách oai hùng đồng thời cũng chỉ sự hung tàn, bạo ngược! Nguyễn Du thật rõ ràng, minh bạch.

Vì sắp sang năm mới, nên tìm hiểu nghĩa “đẹp” trước. Trong truyện Nguyễn Du 3 lần dùng chữ “hùm” với hàm ý đẹp đó.

Diễn tả hình dáng, phong thái của người anh hùng Từ Hải rất oai phong, đường bệ Cụ Nguyễn đã viết ở câu 2167: “𤞻頷燕𪵟𧍋 “Râu hùm, hàm én, mày ngài”.

Khi mô tả sự uy nghi của phiên tòa báo ân báo oán mà Thúy Kiều 翠翹  cùng ngồi xử với Từ Hải 徐海, Cụ viết ở câu 2315: “𤞻𨷑𡨌中軍” (“Trướng hùm mở giữa trung quân”). Thật chả có gì hơn!

Nhưng khi người anh hùng ấy, vì quá yêu, nghe lời vợ, mắc mưu Tổng đốc 胡宗尊 mà tử nạn với cái chết đầy oan ức nhưng cũng rất xứng danh thì Cụ Nguyễn rất trân trọng, xót thương khi viết câu 2518: “𤞻𤍌欺㐌沙機拱”, (“Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!”).

Ngòi bút thần kỳ của Đại thi hào còn 3 lần viết chữ “hùm” trong bối cảnh với hàm ý lên án. Cụ thể, ngay khi Kiều và Thúc Sinh 束生 đang sụt sùi tâm sự, Kiều đã mường tượng ra viễn cảnh chưa biết thế nào đang chờ mình và tự nhủ trong chốn hiểm nguy không lường cực độc ấy phải biết tự bảo vệ mình. Cụ Nguyễn viết ở câu 2016: “𠰘𤞻𧋻於兜准尼” (“Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!”).  

Khi Kiều lấy Bạc Hạnh 薄幸 là lúc nàng cảm thấy mình sẽ bị bán đi mà không lấy cớ gì để kêu ca và một lần nữa ngòi bút đầy nhân ái của Cụ Nguyễn lại kêu than thân phận thay Kiều ở câu 2122: “𤞻𤢿𠺵𠓨𦡟” (“Bán hùm buôn sói chắc vào lưng đâu”). Thật là nhân văn!

Mượn lời nhà sư Tam Hợp 三合道姑 kể nỗi truân chuyên của Kiều cho Giác Duyên 覺緣 nghe, Đại thi hào thốt lên ở câu 2670: “𪘵𤞻𤢿𢭮身碎隊” (“Kề răng hùm sói, gửi thân tôi đòi”). Chú ý rằng, do hạn chế của thời cuộc, cụ Nguyễn lại gán cho Từ Hải là giặc cướp, ác độc nên tả cuộc sống của Thúy Kiều thời đó như là “Kề răng hùm sói” mà thực ra đó là giai đoạn vinh quang nhất của nàng, được trả ân, báo oán rỡ ràng!

Như thế ba chữ “hùm” trước đó Đại thi hào dùng với Từ Hải thật đẹp về hình dáng, hành động, phong thái đến chữ “hùm” ở câu này thì hình tượng của Từ Hải trở lên hung bạo!

Cái mâu thuẫn của thời đại, của nhà thơ là ở chỗ đó và cái thiên tài của Cụ cũng ở đó! .

-         Lương Đức Mến, tháng Mười Tân Sửu, tranh con Hổ lượm trên mạng-

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!