[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


08 tháng 10 2021

MỘT NGƯỜI LÀM QUAN, CẢ HỌ ĐƯỢC NHỜ

Hôm nay, tỉnh tôi đã “nới lỏng” nên bữa LOLOTICA sáng hơi kéo dài. Gần tan chầu, cao hứng các “bợm” lôi một lô một lốc chuyện ra kể, tự dưng có ông chốt hạ: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Câu ấy ám ảnh mình mãi!

Về nhà, sau khi con cháu đi làm, đi học cả, bà xã dọn dẹp dưới nhà, một mình hơi rảnh bèn “lục tung” sách vở truy gốc gác câu kia thấy vừa khó vừa dễ! Chỉ biết rằng có những câu tương tự và một trong những câu đó là “một người làm quan sang cả họ”!

Câu này có từ lâu rồi, chắc được chép bằng chữ Nôm, nhưng tìm mãi chả thấy nguyên bản. Học theo cổ nhân, dựa vào hình-âm-nghĩa, dùng 9 phép tạo chữ [1], có thể hình dung nó thế này: “𠬠𠊚濫官奇𣱆得洳”.

Tìm một hồi nữa, không thấy gốc chữ Hán đâu cả mà chỉ thấy trong tiếng Trung có thành ngữ tương tự: “弹冠相庆; 拔矛连茹; 一子出家, 九祖升天”. Câu này, âm Hán Việt là: “đạn quan tương khánh; bạt mâu liên như; nhất tử xuất gia, cửu tổ thăng thiên” còn tiếng Trung hiện đại đọc là “tán dàn guān guàn xiāng xiàng qìng bá máo lián rú yī zǐ chūjiā jiǔ zǔ shēng tiān”.

Như vậy, dù Hán hay Nôm đều xoay quanh trung tâm là chữ “quan” (U+5B98), với nghĩa người làm việc trong bộ máy nhà nước.

Chữ này, trong Thuyết văn giải tự 說文解字 viết: 官,[古丸切 ],史,事君也.从宀从𠂤.𠂤猶眾也. 此與師同意 đọc là “quan[ cổ hoàn thiết ] sử sự quân dã . tòng miên tòng đôi. đôi do chúng dã. thử dữ sư đồng ý”, tức là “quan, phiên thiết là cổ hoàn, gồm chữ miên và chữ đôi, giống như người đứng trên mọi người”. Điều đó có nghĩa là, “quan” trong Hán tự được tạo thành bởi 2 phần: có hai phần: Phía trên là bộ miên (, U+5B80, chỉ mái nhà, mái che), phía dưới là hai chữ khẩu 𠂤 (, U+53E3, nhiều miệng ăn, chỉ nhiều người). Như thế, theo nguyên nghĩa, “Quan” là người che chở, chăm lo cuộc sống cho dân chúng.

 Người làm quan được ví như “cha mẹ của dân” 民之父母[2], có vai trò trách nhiệm nặng nề, “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Người có đức, có tài nhậm chức thì nước trị, dân yên”.

Như vậy, nguyên thủy câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” có ý nghĩa rất nhân văn khi người làm quan có thể chăm sóc, yêu thương dân chúng như con, tích đức từ quần chúng, phúc báo cho gia tộc. Và do đó, cả họ, hậu duệ “được nhờ” ân đức đó. Đương nhiên câu nói đó là hay, tất nhiên chỉ đúng theo ý tốt đẹp với các mệnh quan chân chính.

Nhưng, câu này còn có mặt trái và ý nghĩa này thường được sử dụng nhiều hơn.

Điều đó, xuất phát điểm là do ở Việt Nam, một nước nông nghiệp lúa nước là chủ đạo nên làng và gia tộc nhiều khi đồng nhất với nhau.

Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội Việt, cá nhân góp thành gia đình, nhiều gia đình chung huyết thống hợp thành gia tộc và ở người Việt Hệ thống tôn ti 倫序 trong gia tộc được cổ nhân phân biệt rất chi li trong 9 thế hệ gọi là Cửu đại 九族 hay Cửu huyền 九玄, gồm: cao , tằng , tổ , cha , mình , con , cháu , chắt 曾孫, chít 玄孫. Hệ thống này chi phối không ít đến việc, quan niệm trong đối nhân xử thế 待人接物 / 立身处世 hằng ngày!

Quan hệ huyết thống là quan hệ trực hệ 直系 theo hàng dọc (cha con), theo thời gian, là cơ sở của tính tôn ti, bất di bất dịch. Tôn ti gián tiếp (anh em họ) theo hàng ngang (bàng hệ 旁系) cũng được quy định rất nghiêm ngặt, “Xanh đầu con nhà bác, bạc đầu con nhà chú; Bé bằng củ khoai, cứ vai mà gọi”…

Tính tôn ti dẫn đến thói gia trưởng. Tổ chức nông thôn theo huyết thống đi theo hướng ngày càng coi trọng vai trò của gia đình hạt nhân, nuôi dưỡng tính tư hữu. Vì vậy, đôi khi việc làng xã cũng là việc gia tộc!

Mà ta đã biết, sức mạnh gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau nên mới có câu: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”; người trong họ hỗ trợ nhau về trí tuệ, tinh thần, “Nó lú nhưng chú nó khôn”; và cao, sâu xa hơn là dìu dắt nhau, làm chỗ dựa cho nhau về chính trị, “Một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Tư tưởng này xuất hiện từ xa xưa và tiếp tục chi phối rất lớn trong công tác, trong đời sống cả hiện nay. Đây cũng là một trong những bất công, rất phi lý và đối lập với mục tiêu tốt đẹp chúng ta hướng tới: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nó dẫn đến tình trạng “con vua thì lại làm vua”, hiện tượng “cả họ làm quan”, đặc biệt khi có người làm quan mà tham ô, tìm mọi cách o bế, “nâng đỡ” một vài người trong họ hay tích cóp tiền của bất lương cho con cháu. Song lợi ích ấy là phù vân, không thể vững bền và việc đó không phải là “tích đức phùng thiện” 積徳逢善 mà là làm việc ác, là tạo nghiệp, tổn đức, bản thân người ấy và dòng họ anh ta cũng vì thế mà phải chịu ác báo theo luật “nhân quả” 因 果 律.

Trở lại chuyện mình. Tuy chẳng làm nên ông to bà nhớ gì cao sang, chưa tạo ra được Đức cao ân trọng 德高恩重 gì với dòng tộc nhưng cũng được xếp vào hàng “quan” và nay đã “hạ cánh” được ngót chục năm. Kiểm lại thấy cũng làm được ối việc cỡ  “thường thường bậc trung” 常常堛中:

Từng giúp người trong họ (cả Nội và Ngoại) được 13 người đi “thoát ly” (tất nhiên chỉ với những người mà mình am ám có thể “giúp” được), nhưng chưa “đưa được” ai lên nắm giữ chức vị nhàn nhã, lắm bạc, nhiều tiền (việc này chưa rõ là hên hay xui?)!

Trong đời sống cũng từng “ngỏ nhời” để ối người “có lợi” khi vướng với cơ quan nội chính hay khi “mắc bệnh hiểm nghèo”!

Song thực tế, lắm khi “lúc bất tòng tâm” nên cũng nhiều người trách nọ móc kia!

Nhớ lại, trước kia, có “người thân” mồng Một (âm lịch) nào cũng lên gõ cửa nhờ vả và hầu như việc đó mình giúp được thì hòi đó vui vẻ lắm. Song từ ngày có việc “nhờ”, nhưng vượt khỏi khả năng mình và đương nhiên không đạt như ý của người ta nên từ đó họ đã “quay ngoắt” lại! Quả là bạc!

Không sao, đời là thế và trời có mắt cả! Tôi từng tự động viên: cả đời mình làm công việc chẳng “tiết lộ thiên cơ”, không “cưỡng lại mệnh giời” chỉ góp phần tìm ra sự thật và luôn vì cái “Tâm” nên có “khá nhiều âm binh” và luôn được thế lực vô hình “phù trợ”. Do vậy, bản thân chưa bao giờ so bì, tị nạnh với ai, không lo mình làm việc không công và bi đát với sự thua thiệt của bản thân, gia đình!

Hiện tại, dù có vướng mắc, khó khăn nhưng hãy tin rằng: ngày mai trời sẽ sángcuộc đời rồi sẽ tốt đẹp hơn, con người đối xử với nhau sẽ nhân văn hơn và kéo theo là vai trò của người làm quan trong họ sẽ rõ ràng và được tôn trọng hơn!

Càng thấm thêm rằng: quan hệ “nhân quả” chẳng chừa một ai, nó đến cả với “quan” và cả với “dân”!

-         Lương Đức Mến, trưa 08/10/2021-


[1] Tương tự Lục thư 六書, tức 6 cách sáng tạo ra chữ Hán, gồm: Tượng hình 象形, Chỉ sự , Hội ý 會意, Chuyển chú 轉注, Giả tá 假借, Hài thanh 諧聲.

[2] Thời quân chủ ở phương Đông, người đứng đầu trong nước là vua, đại diện vua trực tiếp cai trị dân là các quan lại. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Khổng-Mạnh, nói chung thì đấng minh quân nào cũng nêu cao bổn phận coi dân như con của mình; vua quan được đào tạo phong cách cư xử trọng dân, thương dân, lo cho dân… để xứng đáng là bậc “cha mẹ của dân” (dân chi phụ mẫu 民之父母).

Trong chế độ ấy, về pháp lý cũng như đạo lý, thần dân trăm họ được hưởng sự chăm sóc của chính quyền nhà nước như bậc cha mẹ lo cho “con cưng” của mình vậy (dân vi quý). Nghĩa cử xứng đáng của cha mẹ thời nào cũng vậy đó, quan hệ giữa cha mẹ với dân thời nào cũng là quan hệ ruột thịt, làm một cách tự nguyện, hết lòng, hết sức.

Một số người do không hiểu chắc, nắm lơ mơ nên hay nói lộn là  “phụ mẫu chi dân” 父母之民 . Nói và viết thế, nghĩa là có nghĩa là “dân của cha mẹ”, rõ là sai!

Lại thấy có người bảo là phải nói “quan chi phụ mẫu” 官之父母 và lý giải câu đó có nghĩa là “quan như cha mẹ” là đúng. Song thực ra nói thế cũng là sai toét

Chỉ có thuật ngữ “dân chi phụ mẫu” (民之父母, nghĩa là “cha mẹ của dân”) mới đúng nguyên nghĩa và ngữ pháp Hán tự!

Nhưng khổ nỗi, nhiều người nói và viết sai thế nên lại “trở thành đúng”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!