[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


15 tháng 10 2021

KHI QUAN BIẾT SỢ !

Truyện Kiều có nhiều di bản (cả chữ Nôm và phiên âm) lại tới 3254 câu nên ít ai dám chắc thuộc hết và đọc đúng so với số đông. Nhưng Còi tôi cam đoan rằng câu 2591-2592 sau đây thì hầu như mọi người “thống nhất” nhau. Nó là:

擬命方靣國家

Nghĩ mình phương diện quốc gia,

𨕭𥄮𠖈𠊛𠓨

Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào.

Câu 6-8 trên diễn tả sự “nghĩ lại” của quan Tổng đốc Hồ Tôn Hiến trước tài sắc của nàng Kiều. Rất may là Hồ Tổng đốc đã “nghĩ lại” và cụ Nguyễn đã rút gan rút ruột “chắp nhặt dông dài” soạn ra tuyệt tác “Truyện Kiều” vì thế nay ta mới có cái mà đọc mà bình!

Hồ Tông Hiến hay Hồ Tôn Hiến (胡宗憲, 1512 - 1565) là nhân vật có thật. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự thời nhà Minh (大明, 1368–1644) quê ở Tích Khê 績溪, phủ Huy Châu 徽州, nam Trực Lệ 直隸 (nay là huyện Tích Khê 績溪, tỉnh An Huy 安徽). Hồ Tôn Hiến có công giúp Minh Thế Tông (明世宗, 1507-1567) đánh dẹp nụy khấu (倭寇, tức bọn cướp biển) nên được tin dùng, được thăng hàm Thiếu bảo 少保 kiêm quản lý Giang Tây 江西. Nhưng sau đó vì nghi dính đến vụ “chuyên quyền loạn chính” của Nghiêm Tung (严嵩, 1480 – 1567, bị bãi chức năm 1562) mà bị tống giam 2 lần, rồi tự vẫn ở trong ngục khi mới 52 tuổi. Về sau, Minh Thần Tông (明神宗, 1563-1620) truy đặt tên thụy là Tương Mậu 襄懋.

Đi vào văn học, Thanh Tâm Tài nhân  (青心才人, 1521 - 1593) trong Kim Vân Kiều 金雲翹傳 thuật lại việc Hồ Tôn Hiến dùng kế đánh dẹp nụy khấu Từ Hải (徐海, ? – 1556) bằng cách mang vàng bạc đến chiêu hàng. Ái thiếp của Từ Hải là Vương Thúy Kiều 王翠翹 nhận lễ và khuyên Từ Hải ra hàng, Hồ Tôn Hiến đặt binh mai phục giết chết Từ Hải. Sau đó, trong tiệc rượu làm nhục Thúy Kiều rồi gả nàng cho tù trưởng Vĩnh Thuận 永順 làm thiếp.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả Hồ Tôn Hiến là một người “kinh luân gồm tài”, lập kế “Đóng quân làm chước chiêu an, Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng rồi “Lễ tiên binh hậu khắc cờ tập công” làm cho Từ Hải “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!” rơi vào thảm cảnh “đứng giữa trời trơ trơ”!  Sau đó, giả nhân giả nghĩa với Kiều “Truyền cho cảo táng di hình bên sông” thi xác Từ Hải và liền “mở tiệc hạ công”. Tại bữa tiệc, Hồ Tổng đốc đã bất nhân “Bắt nàng thị yến dưới màn, Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu” và lộ rõ bản tính  “Nghe càng đắm ngắm càng say,  Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Đến đây, Hồ Tôn Hiến xứng danh là kẻ mưu thâm, kế hiểm, bất nhân, bất nghĩa, thất tín và háo sắc !.

Vớt vát lại, Nguyễn Du cũng đã để cho Hồ Tổng đốc tuy có mềm lòng trước tài sắc nhưng vẫn còn có “tình người”! Hồ Tôn Hiến biết “nghe nói thương tình”, biết vị thế của mình và còn chút liêm sỉ của một ông quan to trong triều, còn lo sợ “Quan trên ngó xuống, người ta trông vào”!

Đó là chút liêm sĩ của một con người học cao, chức lớn hay là sự không dám sống thật với lòng mình vì sĩ diện hão mà lo lắng, khép nép giữ mình khi “đến lúc rạng ngày nhớ ra”! Sau đó, vốn là ngươi cơ mưu, quyền biến, quan nhà ta đã “ép tình mới gán cho người thổ quan”!

Thế là Thúy Kiều trở thành vợ của một viên quan địa phương mà Kim Vân Kiều chép chính là Tù trưởng Vĩnh Thuận 永順酋長, người Thổ hay Miêu 土苗族  vùng Hồ Nam 湖南.

Như vậy, chỉ với một cặp 6-8 kể trên, Nguyễn Du đã lột tả được bản chất và tính cách “biết người biết ta” của Hồ Tổng đốc. Nếu như đoạn bên trên đã lột được cái bản mặt vị quan “kinh luân” này vốn lắm mưu thâm, kế hiểm, bất chấp cả “nhân, nghĩa, tín” mà đạt mục đích hoàn thành chức trách lại thêm bệnh “hám của ngọt” suýt hỏng danh tiếng thì chỉ với 2 câu cuối, Hồ Tôn Hiến đã lấy lại được hình ảnh. Có được cái đó do Hồ Tổng đốc biết sợ, biết ngại và biết dừng lại đúng lúc!

Các quan nhà ta nay thì sao? Tài chưa cao, công chưa lớn, ân chưa rộng nhưng lòng tham lại khôn cùng!

Tôi chẳng ưu ái, tuyên truyền gì cho ông quan “mặt sắt đen sì” bên Bắc quốc có từ nửa Thiên niên kỷ trước nhưng rõ ràng thấy những “quan tham” Đại Việt đã, đang bị xử lý có bằng cấp đầy mình, chức cao ngất ngưởng nhưng có lẽ họ kém xa cách ứng xử của quan Tổng đốc họ Hồ trong Kiều. Khi đã “ních đầy túi tham” mà chả biết dừng lại, tiếp tục trượt dài! Họ “ngã ngựa” và ngã đau là phải!

-         Lương Đức Mến, Kỷ niệm ngày Dân vận 15/10-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!