[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


15 tháng 9 2021

Nhân 14/9, nhớ lại kỷ niệm về VIỆC PHÁT HÀNH TIỀN và ĐỒNG TIỀN ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ

Phát hành và điều hòa tiền mặt là nhiệm vụ và quyền của một Nhà nước có chủ quyền.

Thông thường, khi in tiền giấy, người ta có quy tắc mệnh giá là lấy những ước số của 10, như 1, 2, 5. Tức là các tờ tiền sẽ có mệnh giá 1 - 2 - 5 - 10 - 20 - 50 giúp người tiêu dùng tiền có thể dễ dàng tạo ra những tổng tiền mong muốn với phép tính tối ưu. Và việc này cũng sẽ góp phần giảm chi phí in tiền.

Về đại thể, ở Việt Nam, tiền giấy ra đời ở thế kỷ XIX và có nhiều biến đổi theo từng thời kỳ để phù hợp với nhu cầu sử dụng: Giấy bạc Đông Dương (1885-1954), giấy bạc tài chính (1945-1951), giấy bạc Việt Nam Cộng hòa (1955-1975) và giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Viêt Nam (1951 đến nay). 

Từ sau 1945, việc phát hành và điều hòa tiền mặt được giao cho Ngân hàng Nhà nước (A: State Bank of Vietnam, P: Banque d'État du Viêt Nam, H: 越南國家銀行, thành lập năm 1951). 

Hơn 70 năm qua, từ khi giành chính quyền, Việt Nam đã có 7 lần phát hành (đổi) tiền (cả về hình thức, chất liệu đến mệnh giá) và đặc biệt là, ở Việt Nam, từng xuất hiện đồng tiền có mệnh giá khác người là “30 đồng” mà được phát hành tới 2 lần. Cụ thể 7 lần phát hành tiền, là:

1. Lần thứ nhất: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Nghị định phát hành tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 31/11/1946, lần đầu tiên giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành. Một mặt có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chữ Quốc ngữ) và chữ Hán (主民南越), có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một mặt có hình Nông Công binh. Các loại giấy bạc đều có ghi chữ số Ả Rập, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, Lào, Campuchia chỉ mệnh giá. Các loại giấy bạc này có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính (Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến) và Giám đốc Ngân khố Trung ương, do đó ngoài tên gọi là “giấy bạc cụ Hồ”, dân gian còn gọi là “bạc Tài Chính”.

Song, do tình hình chiến sự thời ấy mà từ năm 1947-1954, ở Liên khu V (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) được phép in, phát hành Tín phiếu ngang giá với Tiền Tài chính; còn ở Nam Bộ ta có in, phát hành Tiền Nam Bộ, Phiếu tiếp tế, Phiếu đổi chác và Tín phiếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và đồng thời vẫn sử dụng tờ Giấy bạc Đông dương cũ nhưng có đóng dấu chính quyền của Cách mạng. 

Như vậy là tại các vùng miền có đến mấy hệ thống tiền song song tồn tại, phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến kiến quốc khi đó!.

2. Lần thứ hai: Ngày 6/ 5/ 1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/ SL chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Sau đó, theo Sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12/5/1951 NHQG đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên: “Ngân hàng Quốc gia Việt Nam” thay đồng “tiền Tài chính. Giấy bạc ngân hàng có loại 1 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng.

Điểm đặc biệt những tờ giấy bạc này là: một mặt có chữ Việt Nam dân chủ Cộng hòa (chữ Hán và chữ Quốc Ngữ) và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt in hình Công nông binh, hình bộ đội ở chiến trường. Trên tờ giấy bạc có số hiệu, mệnh giá ghi bằng số Á Rập, chữ Quốc Ngữ và chữ Hán. Các loại giấy bạc Ngân hàng in ở nước ngoài nên rất sắc sảo, tính mỹ thuật cao.

 Đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG - Một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHVN.

3. Lần thứ ba: Vì tiền NHQG đầu tiên được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên đến tháng 2 năm 1959 Chính Phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 2 với tỷ lệ 01 đồng NHQG mới ăn 1000 đồng NHQG cũ. Với giá trị mới này, vào thời điểm từ tháng 2/1959 đến tháng 10/1960 một đồng NHQGVN bằng 1,36 Rúp Liên Xô và cũng tương đương 1,2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là “ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. 

Những tờ tiền này, lứa chúng tôi từng được cầm giữ, sở hữu và tiêu chúng.

4. Lần thứ tư: Sau thống nhất đất nước 30/4/1975: Miền Bắc vẫn dùng tiền NHNN Việt Nam, miền Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ.

5 tuần sau ngày giải phóng, ngày 06/6/1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ông Trần Dương làm Thống đốc. Đến ngày 22/ 9/1975, đã tổ chức cuộc đổi tiền trên qui mô toàn miền Nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là “Tiền Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD. 

Những đồng tiền này, tôi đã từng sử dụng (nguồn từ phụ cấp SV và gia đình gửi) tiêu khi vào Nam lần đầu tiên (3/1979-11/19799) khi thược tập Nội tại TYV Cộng hòa (QYV 175) ở Gò Vấp, tf HCM.

5. Lần thứ năm: Ngày 2/5/1978, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc bằng Sắc lệnh số 88 CP, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1đồng NHNN mới.

Trong bộ tiền phát hành lần đầu trong toàn quốc, năm 1978 vốn chỉ gồm các tờ có mệnh giá: 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 50 đồng. Sau đó, chưa rõ vì sao, tới năm 1980, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành bổ sung 4 loại tiền giấy: 2 đồng, 10 đồng, 30 đồng và 100 đồng. 

Trong đó có tờ 10000 Cotton Đỏ được  được làm bằng chất liệu giấy Cotton mà dân gian thường gọi là tờ Cụ Mượt được ưa dùng nhất vì bắt mắt, nhồi đó những ai diện áo trắng mà túi ngực có lập ló mấy tờ này là oai lắm!. Sau đó tờ tiền này được thay thế bằng tiền 10 000 polime đang dùng hiện nay

Đây là lần đầu ta có tờ tiền giấy 30 đồng. Tờ này có kích thước 144 x 71 mm, màu tím hồng với mặt trước in mệnh giá ba mươi đồng và số 30 cùng hình Quốc huy và hình Bác Hồ, mặt sau in mệnh giá ba mươi đồng và số 30 cùng là hình Bến cảng Nhà Rồng.

6. Lần thứ sáu: Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng - tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương.

 Bộ tiền năm 1985 được in bằng giấy cotton có 10 mệnh giá với 11 mẫu, là:  5hào, 1đ, 2đ, 5đ, 10đ, 20đ, 30đ, 50đ (có 2 loại), 100đ và 500đ. Vì tỉ giá đổi là 1:10 nên đồng tiền mới đổi giá rất cao, “lương”, “tiền gửi” của nhân dân tự dưng bị “hẫng”, gây tâm lý bất an cho dân và khó chi tiêu!.

Ngay sau khi đổi tiền chưa được bao lâu thì Chính phủ quyết định nâng giá lên trở lại 10 lần và tốc độ trượt giá leo chóng mặt. Cuộc cải cách “Giá-Lương-Tiền” đã không thành công. Nhưng cũng từ đó, ta đã có quyết tâm ĐỔI MỚI!

Đáng lưu ý là tờ tiền có mệnh giá “khác người” , không hợp lý là 30đ có từ 1981 vẫn tồn tại. Song nó lớn hơn, có kích thước 150 x 75 mm, màu xanh - hồng với mặt trước in mệnh giá ba mươi đồng và số 30, mặt sau in mệnh giá ba mươi đồng và số 30 cùng hình ảnh chợ Bến Thành.

Năm phát hành tờ tiền này cũng là năm phòng KTHS chính thức được thành lập và năm vợ chồng tôi sinh con trai (01/11/1985), cũng là thời kỳ cùng với toàn dân chúng tôi dần bước ra khỏi những thiếu thốn thời “bao cấp”, tiến tới lần đầu được mua thịt trực tiếp tại chợ Yên Thịnh, km6 Yên Bái không phải xếp hàng, mua bằng tem phiếu như trước đó!!.

Theo dư luận ngầm xì xầm (ngày đó chưa có MXH) thì mệnh giá này mang ẩn ý: Số 3 biểu thị cho 3 miền Bắc – Trung – Nam thống nhất, thu về một mối; cho mong ước Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của nước Việt Nam mới. Còn số 30 biểu thị cho “Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công”.

Chú ý rằng, Việt Nam không phải là nước đầu tiên và duy nhất phát hành tờ tiền mệnh giá 3 mà loại tiền có mệnh giá 3 hay 30 còn thấy ở Liên Xô cũ, Cuba, Kazachstan, Bulgaria! Nhưng hình như nó “trái quy luật” hay sao ý mà hiện nay mệnh giá này vắng hẳn trên thị trường!

7.Tiền polymer tại Việt Nam là loại tiền bằng polymer được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 2003, có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại, đồng thời nâng cao chất lượng, độ bền nhất là khả năng chống làm giả của đồng tiền.

Trong lịch sử tiền giấy Việt Nam suốt 75 năm qua, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất được sử dụng và được thiết kế trang trọng, chiếm vị trí trung tâm mặt trước của đồng tiền. Chân dung này thường được thể hiện ở tư thế nhìn thẳng, vừa đem lại cảm giác thân thuộc, trang trọng, vừa thể hiện sự ưa thích tính cân đối trong tâm thức trang trí của họa sĩ Việt Nam. Duy nhất có tờ tiền Cụ Mượt là chân dung Chủ tịch Hồ CHí Minh được in nghiêng. Dáng vóc, nét mặt Chủ tịch đã được các họa sĩ thể hiện qua từng giai đoạn với những nét khắc tinh xảo, cách thể hiện hình khối chuẩn mực mà mềm mại. Đây cũng là điểm nhận biết rõ nét của tiền giấy Việt Nam.

Mặt sau các tờ tiền thường là phong cảnh đẹp, cảnh lao động, sản xuất, chiến đấu tiêu biểu…

Ngót 30 năm gắn bó với nghề Kỹ thuật hình sự tôi từng thụ lý nhiều yêu cầu giám định tiền nên từng tiếp xúc với khá nhiều loại tiền giả: từ vẽ tay thô sơ, đến sao in 2 mặt bằng hóa chất, in offset, photocopy rồi phớt mầu, photocopy in mầu, … đến việc mua tiền giấy cũ đem về cắt, dán ghép với giấy trắng khác, rồi nhuộm đen, làm nhàu bẩn để đến ngân hàng xin đổi tiền mới,…Nhưng dù tinh vi đến đâu thì đó đều không phải là tiền thật nên dễ phát hiện và chứng minh qua sự khác biệt về chất liệu giấy, lỗi vi in, in nổi, kỹ thuật đánh dấu, hình định vị, Serie,…với kiến thức, kinh nghiệm và phương tiện chuyên dùng của LLKTHS.

Tôi yêu quý đồng tiền nước tôi không phải chỉ vì nó có giá trị tiêu xài mà quả thực nó rất đẹp, ý nghĩa và từng gắn bó, đánh dấu sự trưởng thành trong công tác cũng như đời sống thường nhật của tôi!

-Lương Đức Mến, ngày giãn cách 14/9/2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!