[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 9 2021

Kỷ niệm về chiếc XE ĐẠP

Xe đạp (A: Bicycle, P: Bicyclette, H: 自行車, N: Велосипед) là một loại phương tiện đơn, chạy bằng sức người, điều khiển bằng bàn đạp, có hai bánh xe thẳng nhau được gắn vào khung.

Loại xe này được phát minh tại châu Âu từ 1817 và hoàn thiện gần như ngày nay vào 1885.

Cho đến nay, qua nhiều lần cải tiến với nhiều loại, hãng xe khác nhau, xe đạp là phương tiện giao thông chính ở nhiều nơi trên thế giới; nó còn là phương tiện của một môn thể thao và giải trí, là đồ chơi rèn luyện thân thể của trẻ em,…

 Việt Nam không phải là nước phát minh ra xe đạp và hiện nay không phải là nơi có nền công nghiệp sản xuất xe đạp tiên tiến nhưng lại là nước tạo được một nền “văn hóa xe đạp”, nền “văn minh xe đạp” không lẫn vào đâu được!.

Nhớ rằng, khi xe đạp xuất hiện tại Cung đình Huế, ban đầu các Đại thần đề xuất tên gọi phương tiện này là  “Lưỡng luân cơ xa” (機車, cái xe chạy bằng hai bánh tròn) nhưng chính vua Thành Thái (tức Nguyễn Phúc Bửu Lân 阮福寶嶙, 1879-1954, làm Vua 成泰 1889-1907), đổi là “Cước xa” (腳車, chiếc xe đạp bằng chân) tức xe đạp!

Nếu tìm hiểu lịch sử đương đại chắc không ai không biết rằng có được chiến thắng “chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ không thể quên những chiếc xe thồ đã đi vào lịch sử! và trong tôi, hình ảnh đường phố Hà Nội nêm cứng xe đạp những năm 1980 chưa dễ quên!

Thông thường, xe đạp bao gồm những bộ phận chính sau:

a. Hệ thống truyền lực gồm: Bàn đạp, đùi, trục giữa, đĩa, xích, líp (khớp quay một chiều).

b. Hệ thống chuyển động: Bánh xe (trước và sau), gồm: trục, moay-ơ, nan hoa, vành, săm, lốp.

c. Hệ thống lái gồm: Tay lái, cổ phuốc giúp điều khiển xe một cách nhẹ nhàng và dễ dàng nhất có thể khi muốn chuyển hướng.

d. Hệ thống phanh gồm: tay phanh, dây phanh, cụm má phanh.

e. Khung chịu lực: là xương sống của xe đạp, liên kết toàn bộ các bộ phận khác lại với nhau thành một khối thống nhất.

f. Yên xe : giúp cho người điều khiển xe đạp có được vị trí thoải mái và hợp lý nhất.

Ngoài ra, xe đạp còn có các bộ phận khác như: chắn bùn, chắn xích, chuông, đèn… và một chi tiết tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong xe đạp đó là ổ bi, để giảm ma sát giữa các chi tiết có chuyển động quay tròn tương đối với nhau như: moay-ơ với trục bánh trước, trục bánh sau…

Vận hành: Người đi xe ngồi lên yên, thõng chân dùng lực bàn chân đạp vào bàn đạp, lực truyền qua đùi xe làm trục giữa quay, khi đó đĩa quay kéo xích chuyển động, xích kéo líp cùng bánh sau quay (bánh chủ động), khi bánh xe quay và lăn trên mặt đường làm cho xe chuyển động về phía trước. Vận tốc của xe đạp ngoài sự phụ thuộc vào tốc độ đạp của người đi xe còn phụ thuộc vào tỉ số truyền của bộ truyền động xích. Việc điều hướng nhờ tay lái khi muốn chậm lại hay dừng hẳn dùng phanh, cần đèo thêm người hay chở hàng thì cần để lên cái đèo hàng sau yên,…

Khi xe đạp vào Việt Nam cũng là thời kỳ tiếng Việt mượn những từ chỉ bộ phạn của nó bằng tiếng Pháp để Việt hóa, như ghi-đông (guidon), phốt tăng (potang), pê-đan (pedale), xích (chaine), săm (chambre à air), đy-na-mô (dynamo)…

Những năm tôi nhận thức được (sau 196s) thì miền Bắc hiếm xe máy, ô tô chỉ của nhà nước và xe đạp rất quý, chủ yếu là xe đạp là xe các hãng: Peugeot[1] của Pháp với logo hình Sư tử và đặc trưng chuông xe, tem xe, khóa xe…; Favorit của Tiệp Khắc với logo có chữ f và những tai hồng đặc biệt rất nhẹ so với các xe khác; Phượng Hoàng (Phoenix) của Trung Quốc logo hình chim Phượng, xe sơn mầu cánh chả thời thượng[2] nhưng khá nặng; xe Thống Nhất của Việt Nam với logo in hình bản đồ chữ S dập nổi, Xe “thiếu nhi Liên Xô”, xe Liên Xô  (Спутник, Vệ tinh) xuống khung[3],…Đặc biệt xe nào cũng có cái cài bơm, chỗ lắp Biển Kiểm soát,…!

Ngày ấy, mỗi chiếc xe đạp đều có số khung (thường đóng ở trục xe) và được đăng ký, có giấy tờ chứng nhận và biển số do cơ quan Công an cấp[4].

Khi còn ở quê (trước 2/1964), trong trí nhớ của tôi, hình như làng tôi không có xe đạp! Những năm 1970 cả Đội (từ 1997 là thôn và nay là xóm) tôi ở trên Lào Cai chỉ có 1 xe đạp của ông Minh làm Chủ nhiệm HTX Mua bán. Bố tôi, khi ấy còn tham gia công tác tại HTX và xã, hàng ngày ra huyện ngót 2 chục cây, quanh xã (trước 1966 bao gồm cả TTNT Phong Hải nay) cũng ngần ấy cây toàn bằng đôi chân gầy của cụ!

Trong gia đình, cả ở xuôi đến khi lên Lào Cai (2/1964) tôi chưa từng thấy chiếc xe đạp nào hiện hữu trong nhà[5]. Anh em tôi đi học, dù cách nhà 3 hay 7 cây số đều cuốc bộ. Hồi học lớp 4 (1966, 1967) bạn Doanh, con một ông khai thác gỗ ở Km34 có chiếc xe Pháp cởi truồng đi học là oách nhất trường, mấy bạn dân tộc gọi là má léc gì đó nay tui quên rồi!. Có bận Doanh cho đi nhờ, phải ngồi vắt chân ở dóng ngang (vì xe không có garde bagage).

 Mãi tới năm 1971, khi bán mấy xe cải tiến thóc vào kho Lương thực Bảo Nhai, gia đình tôi mới mua được chiếc xe đạp đầu tiên, xe Thống Nhất. Nhưng nó là chiếc “xe cởi truồng” bởi không có Gác Đờ Bu (garde-boue, thanh chắn bùn làm bằng nhôm mỏng khá chắc chắn bao quanh chiếc bánh xe giúp tránh được bắn bùn đất từ bánh xe khi đi vào trời mưa đường ướt bẩn), Gác Ba Ga (garde bagage, gắn sau yên xe để đèo thêm người, chở đồ đạc) và Gác Đờ Xen (garde-chaine, miếng hay thanh nhôm chắn đĩa, xích). Chúng tôi phải ra thị trường mua về và tự lắp vào!

Ngày ấy, tôi đã vào học Cấp 3 ở Phố Lu, tối không về nhà nên xe chủ yếu để em kế tôi là Thuộc học cấp 2 tại xã Phong Niên đi về[6]! Cũng có tuần, tôi dùng xe đó chở gạo ra Lu. Thời đó đoạn Bắc Ngầm-Phố Lu đang thi công, gặp mưa rất lầy lội. Bùn đất bám vào bánh xe, chèn giữa lốp và chắn bùn làm bánh xe không quay được, kéo lê cũng không xong, cứ phải dùng que cạy bỏ đất đi hoài. Về sau tôi “gia công” thêm thanh kim loại nhỏ nữa song song với tanh lắp garde-boue nhưng vòng ra ốp sát mặt ngoài lốp. Thanh này có tác dụng gạt bỏ đất vừa dính vào lốp xe nên đi lại dễ hơn. Song gặp chỗ đất nhão, sâu thì vẫn chỉ có nước dắt hay vác xe[7]!

 Những năm đầu học chuyên nghiệp ở Suối Hai, Hà Đông (từ 9/1973) tôi không có xe, mỗi lần muốn ra Sơn Tây hay Hà Nội chơi đều nhẩy xe khách hay Tầu điện!

Năm 1979[8], khi vào thực tập tại Gò Vấp (tf HCM), tôi để xe Favorit của mình ngoài Bắc, trong đó thỉnh thoảng mượn xe của Đỗ Thế Lộc[9] hay người nhà bạn nào đó chúng tôi ra chợ Bến Thành, thăm Dinh Độc Lập, chơi vườn cây Lái Thiêu,…đạp hăng ra trò! Nghe đồn nhiều về các “anh bộ đội ngoài Bắc” mua phải “khung xe đạp bằng giấy” cũng rờn rợn nhưng suốt mấy tháng trong đó, đi nhiều xe, qua nhiều đường dất mà chúng tối đâu có gặp “sự cố” nào!

Tôi mua xe mới, đây là chiếc xe đạp thứ hai mà tôi được làm chủ sở hữu. Chiếc Favorit này nguyên của một giáo viên nhà trường, Đại úy Trịnh Sơn. Nó là xe “nội địa”, đời cũ (anh TS học ở Tiệp mua mang về) nên một số phụ kiện đã kém chất lượng: vành to đã nứt, potang có vết nứt, garde-boue cứng nứt vài chỗ, moay o có nhiều vết hoen,…Nhưng số khung còn đọc rõ 60.11.751 và vẫn còn logo, bộ tai hồng (ảnh), mầu sơn nguyên thủy,…. Ngày đó xe đạp là cả một khối tài sản lớn nên khi mua bán có xác nhận của cơ quan (Đại học Quân y) ở Giấy bán xe (ảnh) và sau khi nhận xe tôi phải ra tận đầu thị xã Hà Đông (nơi Đội CSGT đóng) để sang tên. Xe còn Giấy Đăng ký và Biển Kiểm soát (NK 127) do Ty Công an tỉnh Hà Tây[10] cấp (để đâu tìm chưa ra nên chưa có ảnh). Hồi mới có xe là thời kỳ tôi giữ xe cẩn thận nhất, hàng tuần đều dùng lá chuối khô kèm thuốc đánh răng để đánh bóng vành, gác đờ bu và ai mượn ra Hà Nội chơi phải đăng ký trước!

Chiếc xe này gắn bó với tôi suốt những năm cuối Đại học[11], khi ra trường ở Hà Nội (1981), 10 năm ở Yên Bái và những ngày đầu tái lập Lào Cai (11/1991).

Nhớ hồi còn học ở Hà Đông, nhiều lần tôi vào Tây Mỗ chơi bằng chiếc xe đó và cũng chính nó đã quật ngã vợ tôi (cưới cuối năm Tân Dậu, 01/1982) khi tôi đèo trên đường Hà Đông-Tây Mỗ và chiếc xe đó cũng từng được bà xã tôi khi đó đạp về tận quê ở Lý Nhân hay đạp sang Hưng Yên chơi. Lại nhớ có lần đi chơi về muộn, cổng cơ quan đã đóng, tôi trèo lên tường rào rồi dùng dây co buộc vào yên, ghi đông xe kéo lên vượt tường an toàn bởi xe Fa khá nhẹ! Thời kỳ thực tập Tốt nghiệp tại Việt Trì (1980), trong 1 lần TTT mượn đi chơi bị tai nạn, xe gẫy, cong vành đã nắn, thay ghi đông, sơn lại…

Trong những tháng năm ở thị xã tỉnh lỵ tỉnh Hoàng Liên Sơn là thị xã Yên Bái thì chiếc xe đạp luôn gắn bó với tôi cả những lúc đi công tác gần, đi làm hay đi chơi. Từ sau khi lấy vợ (22/01/1982), chúng tôi ở khu Tập thể UBBVBMTE trên đỉnh dốc cây 6 thì hằng ngày tôi cùng nó rong ruổi ra cây 3 (trụ sở CA tỉnh HLS) để làm việc. Khi đó bao giờ cũng treo trên ghi động cạp lồng nhôm mà ngăn dưới đựng cơm, ngăn trên đựng khi quả cà muối, bữa khoanh trứng rán. Trưa đến, anh Phác ở tập thể ra quán phở xin bát nước xuýt, thế là anh em xong bữa trưa. Có hôm do đường xóc quá, cạp lồng cơm đổ, cơm cà vãi tung tóe ra lưng dốc nhưng tôi xí hổ chả nhặt đem đi tiếp. Khi tôi học lớp Bồi dưỡng lãnh đạo C1 tại HVCS (Cổ Nhuế), chú Thức xuống chơi, khi ngược, đem xe ra để ở 23 Nguyễn Thượng Hiền đến Chủ Nhật ngày nghỉ tôi mới ra lấy xe về!

Xe vốn đã cũ, lại tần xuất sử dụng cao nên mau hỏng. Ngày đó, đã nhờ nhà máy Z ở Trấn Yên tiện cái Phốt tăng, thay vành nhôm vuông kiểu xe Fa, kèm nhiều lần thay lò xo yên, nan hoa,…nên khó tìm hình bóng cũ! Trong thời buổi khó khăn đó, mỗi Chủ Nhật xe còn theo tôi vào rừng đèo củi, thồ chuối,…Tôi đã từng lộn xích, vá săm, quấn lốp,… để đi! Nhớ lại mà phát rợn người!

Khi trở lại Lào Cai (11/1991), làm gần nhà nên chả dùng tới xe đạp, tôi cho em thím và mấy tháng trước thấy xe chỉ còn mỗi cái khung!

Chiếc xe đạp thứ hai vợ chống tôi mua cuối 1982 là xe Thống Nhất nữ hai dóng chéo do tiền bán con lợn nuôi đầu tiên. Tuy là xe “năm cha ba mẹ” nhưng toàn phụ tùng anh em cho, khá xịn: ghi đông, xích líp Tầu, nam hoa miền Nam,…vợ tôi dùng suốt, đi cả các xã, huyện trong tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi lên Lào Cai, vợ tôi mua chiếc xe kiểu Mipha là xe đạp thứ ba của gia đình rồi cho đi mua xe máy Classico dùng đến bây giờ!

Ngẫm lại, đời tôi đã 4 lần mua xe đạp, nhưng chiếc Favorit là chiếc duy nhất của tôi, gắn bó và có nhiều kỷ niệm với tôi nhất! Cho đến nay, sắp vào U70, tôi chưa từng mua cho mình một chiếc xe máy hay ô tô nào (mà có xiền đâu mà mua!)  

Các con tôi chắc chả ai nhớ sâu về xe đạp, xe máy, ô tô của chúng như tôi nhớ về con “ngựa sắt” của mình!

-Lương Đức Mến, 9/2021-



[1] “Một yêu anh có Sen Kô, Hai yêu anh có Pơ Giô cá vàng” vì vậy mới có câu chuyện truyền tai rằng nếu trời đổ mưa, đố ai tìm được một chiếc Peugeot ngoài đường vì người ta sợ xe bị rỉ sét và nhanh hỏng.

[2] Xe Phượng Hoàng khung chéo, sơn mầu cánh chả là mốt những năm 1980!

[3] NHớ rằng xe Liên Xô cao, không mấy ai đi nổi, toàn xài xe Thiếu nhi, sau này mới có kiểu “hạ khung”. Lại nữa: xe Peugeot, Favorit, Thống nhất vành 650 còn mua săm lốp dễ chứ xe Phượng hoàng vành 660, xe TNLX lại 500 nên việc thay săm lốp rất khó khăn!

[4] Theo quy định thời điểm đó, mỗi khi sử dụng xe, chủ nhân phải mang theo xe như giấy đăng ký xe máy, ô tô thời điểm hiện tại. Mỗi khi bán xe hoặc di chuyển sang tỉnh khác thì cần phải đổi thẻ tại Đại đội Cảnh sát Giao thông theo quy định.

Trên tờ giấy đăng ký xe còn ghi rõ cách thức đi lại bằng xe đạp ngoài đường, những luật lệ, điều kiện khi tham gia giao thông.

[5] Không rõ phụ thân tôi tập xe đạp hồi nào mà khi nhà tôi mua xe, cụ đi được luôn!

[6] Khi gia đình mua xe tôi mới tập đi xe đạp!

[7] Cùng đi về với tôi ngày ấy có thấy PMQ, Chủ nhiệm 3 năm C3 của tôi, khi đó Thầy đang “tìm hiểu” chị LT Nhâm, GV dạy học ở quê Xuân Quang, cùng huyện Bảo Thắng.

[8] Năm trước, được “phân phối” một đôi lốp, tôi đem về và khi chạy “cuộc chiến 279” bố tôi còn đem về tận ga Hàng Cỏ và bị trộm “thó “ tại đấy!

[9] Cùng vào T17 với tôi 1973, cùng thực tập tại QYV 175 Gò Vấp với tôi. Trước khi nghỉ hưu (2018) là TTND, Thiếu tướng, Ts Giám đốc Bệnh viện YHCT BCA.

[10] Hà Tây là một tỉnh cũ thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, từng tồn tại trong hai giai đoạn: 1965–1976 và 1991–2008; giai đoạn giữa là tỉnh Hà Sơn Bình và từ 8/2008 đến nay nhập về Hà Nội.

[11] Thời gian đi Nam thực tập, 3/1979-11/1979 tôi đưa xe cho Tràng khi đó thực tập ở Nhà máy Đường Vạn Điểm rồi Tràng gửi PT Minh Nguyệt, đang là sinh viên CĐSP Thường Tín, em gái bạn tôi là P Thế Hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!