[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


04 tháng 9 2021

3 NĂM PHỤC HOANG TRÊN CHÍNH QUÊ MÌNH

Năm 2021 là năm kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai (1991-2021), là người có mặt từ những ngày ban đầu vạch lau, dọn gạch, dò mìn, vượt khó xây dựng cơ quan, đơn vị, quê hương và gia đình, tự dưng nhớ lại khối điều, vui buồn lẫn lộn.

Trong bài viết sau đây có một số tên người, ký hiệu đơn vị, tên sự kiện, vụ việc,...ngày đó là bí mật, nay đã 30 năm, đã được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến nhiều. Do vậy, trừ trường hợp đặc biệt mới đổi, hoặc viết tránh đi còn lại giữ nguyên! Trên thực tế đây là bài viết dồn tổng hợp (có bổ sung, chỉnh sửa) của việc gia đình và cơ quan nên khá dài!

Bắt đầu từ việc sau 15 năm chung một mái nhà (1976-1991), tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành các tỉnh nhỏ bởi sự cục bộ, “bè cánh”, “gốc nọ cánh kia”,... đã nhớn dần, lớn hơn nhiều cái áo đang khoác!. Mà đó cũng  là sự mong đợi của nhiều người, nhưng lại là nỗi lo của lắm kẻ!.

Trong các cơ quan, Đảng uỷ họp, Chi uỷ hội ý, ra Nghị quyết, nêu tiêu chí, lấy tinh thần xung phòng...nhưng “thảo dân” thì để ngoài tai, tự rỉ tai nhau, bàn thảo và tự quyết là chính!.

Nhớ 30 năm trước, mặc dù chưa có quyết định nhưng “chiến dịch” chạy đua “đi, ở” được ngấm ngầm khởi động từ đầu tháng 8/1991! Những người gốc Yên Bái, Nghĩa Lộ hay miền xuôi xin ở lại (Yên Bái) đã đành, người vốn gốc cán bộ Lào Cai, cha mẹ còn trên đó cũng tìm cách khỏi ra đi. Phần ngại khổ cũng có nhưng nhiều người vẫn tin vào câu Sấm: “Thằng Tây nó cút, thằng Tầu nó sang” nên lẩn không muốn lên sống nơi biên giới (đên mấy năm sau nhiều người lại “chạy” lên Lào Cai)! Thôi thì đủ mánh, vận dụng đủ mối quan hệ để cốt sao được “ở lại”! Năm xưa “nhập tỉnh” lo mất ghế, nay “chia ra” có những người háo hức bởi thiếu cán bộ, hi vọng kiếm tí chức dễ hơn. Vì vậy khối anh nghiễm nhiên được cất nhắc mà chẳng hề qua “quy hoạch” gì !

Khi Lào Cai được tái lập (01/10/1991) bởi Nghị quyết số 70 ngày 12/8/1991 của Quốc hội, theo Quyết định số 150/QĐ-BNV ngày 16/9/1991 bộ máy của CA tỉnh Lào Cai có 20 phòng ban.

 Việc đặt thị xã tỉnh lị là một vấn đề không phải sớm thống nhất ngay[1]. Về sau, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích toàn diện cả Trung ương và địa phương thống nhất chọn địa điểm thị xã Lào Cai trước đây để xây dựng thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lào Cai Cai mới. Hồi đó, do tx Lào Cai còn là đống tro tàn chỉ có gạch vỡ và lau sậy nên cũng như các cơ quan khác của tỉnh, Công an tỉnh Lào Cai tập kết tại 4 nơi: LLCS tập kết ở khu Cung ứng mỏ (tx Cam Đường), LL AN đóng quân ở Phố Lu, khối trực thuộc và XDLL đóng quân tại Tằng Loỏng và LL Biên phòng vẫn thuộc Công an tỉnh đóng quân ở Xuân Quang (huyện Bảo Thắng).

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 05/3/1992 của BCH Đảng bộ xác định xây dựng thị xã tỉnh lỵ theo quy hoạch tổng thể ghi tại Thông báo số 445/TB-BXD ngày 30/12/1991 của Bộ Xây dựng. Từ đó, guồng máy hoạt động của tỉnh và việc xây dựng đô thị tỉnh lỵ đi vào hoạt động náo nhiệt.

Lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai khi đó gồm: Giám đốc Giàng Seo Dín (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy AN Công an HLS, nghỉ hưu năm 1999, sau đó mất tại Bắc Hà do bệnh trọng); các Phó Giám đốc Bùi Anh Xuân (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng BCHCS Công an HLS, nghỉ hưu 1999, hiện cư trú tại xã Thống Nhất, tf Lào Cai), Hoàng Minh Ngọc (nguyên Phó BCHAN Công an HLS, từ 2000 là Giám đốc nghỉ hưu 2011 với cấp hàm Thiếu tướng, cấp tướng đầu tiên của Lào Cai, hiện cư ngụ tại phường Bắc Cường, tf Lào Cai) và Hoàng Công Tế (nguyên Trưởng Công an thị xã Lào Cai, nghỉ hưu năm 2007, cư ngụ tại phường Cốc Lếu, tf Lào Cai).

LLCSND được sắp xếp tại khu Cung ứng Mỏ Aptite ở Cam Đường. Khu này có 01 dãy nhà kho, 3 dãy nhà làm việc đều xây cấp 4 cũ. Các BCHAN và BCHCS được giải thể sau khi có Quyết định số 682/QĐ-BNV ngày 12/6/1992 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tổ chức bộ máy Công an tỉnh Lào Cai. Các đơn vị mỗi tháng được cấp 10-15 lít xăng nhưng xuống tận Tằng Loỏng lấy, khi quay về coi như gần hết !

Ngày đó, trong đội hình CSND tỉnh Lào Cai, chia tay thị xã Yên Bái lên Lào Cai tháng 10/1991 có: PC23 (Ngô Văn Vấn làm Trưởng phòng), PC16 (Trưởng phòng là Vũ Quang Vinh) ở dãy nhà kho; PC12 (Trần Đạt Hồ là Trưởng phòng), PC21 ở dãy phía ngang (LĐM là Trưởng phòng), PC14-15 (Trưởng phòng là Lê Oánh), PC13 (Phụ trách phòng là Bùi Khuể), PC26 (Đỗ Thành Đồng làm Trưởng phòng), PC22 (Trưởng phòng là Phạm Bỉnh Dị) ở dãy phía trước và dãy ngang còn 2 dãy sau giành cho bếp ăn và mấy hộ tập thể. Trại Tam giam do anh Phạm Toan làm Giám thị vẫn đóng quân ở Yên Bái. Trong đó có 3 người LĐM, LO, ĐTĐ đã và đang là Trưởng phòng tương ứng của Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn![2]

Cả khối Cảnh sát chung một máy điện thoại Từ thạch quay số đặt cửa Hội trường trong dãy ngang sát phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi ăn nghỉ của bố con LĐM.

PC21 Lào Cai tách từ PC21 Hoàng Liên Sơn ra thuộc Ban Chỉ huy Cảnh sát gồm: Trưởng phòng (tôi-LĐM, QĐ số 38 do Đại tá Hoàng Tuyển kí ngày 21/9/1991) và 5 CBCS (QĐ số 36 kí ngày 10/9/1991, gồm: Nguyễn Văn Quý, Đinh Công Nghĩa, Nguyễn Đức Quang, Lê Văn Giang, Nguyễn Viết Tú, Nguyễn Văn Thành, Nhưng thực lên Lào Cai chỉ có 4 người còn các đ/c LVG, NVT, NVT vẫn ở lại Yên Bái và sau đó cắt hẳn quân số sang CA Yên Bái). Lạ cái là, trong các đơn vị cấu thành Công an tỉnh, chắc duy nhất Phòng Kỹ thuật hình sự là đơn vị từ ngày thành lập (1985) đến nay chẳng có giải tán, sáp nhập gì! Tất nhiên mật danh thì có đổi, từ PC21, qua 2 lần đổi tên nữa mà nay tôi cũng chả biết cái đơn vị mà mình từng làm Trưởng 23 năm (1990-2013) nay ký hiệu là gì!

Tuy ít quân và đa số chưa qua Kỹ thuật hình sự nhưng đơn vị đã triển khai ngay các công tác KNHT và giám định từ sáng khi vừa đặt chân đến.

Với tôi, bố mẹ hai bên, anh em ruột thịt đều ở Bảo Thắng (phía Bắc tỉnh Hoàng Liên Sơn) và đã làm trưởng đước 1 năm rồi nên đi là thuận, ở lại cũng được, chả cần ai làm công tác “tư tưởng” cả. Có điều hồi đó vợ tôi đang theo học chuyên tu tại Hà Nội, nhà chỉ có 3 bố con: con gái vừa hết lớp 2, con trai chuẩn bị vào lớp 1, lại chưa rõ nơi ăn ở ra sao nên hơi băn khoăn.

Cuối tháng 8/1991, vợ tôi nghỉ học đưa 2 cháu lên Phong Niên (thuộc huyện Bảo Thắng) ở với bố mẹ tôi, liên hệ học tại trường cấp 1 xã nhà. Vốn ở thị xã từ lọt lòng nay về bản rừng cũng lắm nỗi gian nan: điện không, đường hẹp, gập ghềnh ! Chúng tôi phải đưa cả loạt truyện cùng sách vở lên cho các cháu đọc. Đồng thời đưa cả xe đạp để cô Lý đưa hai cháu đến lớp (cách nhà 3 km).

Khi lên đến Lào Cai (đầu tháng 10) về thăm nhà, gặp các thầy cô giáo ai cũng nói: mau mà đưa các cháu lên thị xã chứ lực học các cháu như vậy học ở đây nó “phí” đi ! Nghe mà xót ! Nhưng trách ai, tôi cũng từng học những năm cấp 1, cấp 2 tại đây mà hồi đó còn gian khổ hơn nhiều nhưng vẫn đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia rồi đi Đại học đó thôi, trường danh tiếng hẳn hoi !

Ngày 6/10/1991 phòng tôi rời Yên Bái đến tối tới nơi. Cả phương tiện của phòng và dụng cụ nhà Trưởng phòng, một ít của Quang vừa một xe tải !.

Người khách đầu tiên tôi tiếp tại nơi ở mới là cô Thị. Bà là chị gái bố tôi, lấy 2 đời chồng, sinh đẻ nhiều nhưng nuôi đến trưởng thành chỉ có chị Phường và anh Thanh (Tầu). Năm 1962 cô lên Sơn Hải, 1966 chuyển sang Phong Niên gần nhà tôi, khi anh Ruân (chồng chị Phường) tái ngũ lại về Khánh Địa, Sơn Hải. Cô đảm đang, có trách nhiệm với việc họ, việc làng, chỉ tội hơi “khó tính”,  ít hợp với con cái. Nhưng bù lại cô rất chiều và quí tôi. Thủa nhỏ đã vậy, lớn lên cũng thế. Cô đã từng xuống Yên Bái thăm vợ chồng tôi. Khi tách tỉnh, gia đình tôi đến Tx Cam Đường hôm trước, 3 hôm sau Cô lên thăm ngay. Cô mất 5 giờ 30 sáng 06-Giêng, Nhâm Thân (Chủ nhật 9/02/1992). Hôm cúng 49 ngày có cả Sư thày từ Nam Hà lên làm lễ (Sư lên Chùa bên PN, tiện dịp,  mẹ và dì tôi nhờ sang cúng giúp). Mộ cát táng tại Khánh Địa, Sơn Hải.

Ngày ấy, để đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định trong các vụ việc có tính hình sự, CA tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu và được UBND tỉnh nhất trí: các Giám định viên đã được UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ bổ nhiệm sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ GĐV trên địa bàn mình công tác. Sau đó UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định thành lập 02 TCGĐ là: TCGĐ Kĩ thuật hình sự-Pháp y với các GĐV công tác tại Công an tỉnh và TCGĐ pháp y với các GĐV công tác tại Trung tâm y tế các Huyện, Thị xã. Chính việc tham mưu kịp thời đó của Phòng KTHS (Công an tỉnh), Phòng Quản lí Công chứng, Luật sư, Giám định (Sở Tư pháp) đã giúp UBND tỉnh sớm có Quyết định đáp ứng kịp thời, đầy đủ, không gián đoạn các yêu cầu giám định tại địa phương. Cùng với toàn ngành, LLKTHS nhanh chóng ổn định, khắc phục mọi khó khăn ở nơi mới; vừa ổn định, vừa củng cố xây dựng, vừa xin bổ sung quân số, củng cố tổ chức vừa triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo chức năng được phân cấp đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một tỉnh mới tái lập.

Tháng 11/1991, sắp xếp tương đối ổn định ở Cam Đường tôi về Phong Niên đón 2 con lên vào học trường điểm của Lào Cai ngày đó ngay cạnh nơi tập kết của khối CSND. Tại khu Cung ứng 3 bố con vừa ở, tôi vừa làm việc, đơn vị giao ban trong 1 gian cạnh Hội trường BCHCS. Mấy tháng sau, tôi nới thêm buồng và gian bếp, đưa cả bố tôi lên.

Khi đó, đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh triển khai Chỉ thị số 08/CT-BNVngày 15/5/1990 của Thứ trưởng Phạm Tâm Long về củng cố và tăng cường công tác KTHS Công an cấp huyện; Chỉ thị số 02/TTg ngày 04/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác Khoa học hình sự; Chỉ thị số 23/CT-BNV ngày 15/12/1993 của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ về tăng cường công tác Kĩ thuật hình sự; phối hợp với Sở Tư pháp mở nhiều lớp tập huấn về KNHT, GĐPY cho ĐTV, KSV, GĐV toàn tỉnh về các điều luật trong Bộ luật TTHS liên quan đến công tác KNHT, giám định tư pháp và các văn bản khác liên quan.

Chính vì vậy ngay trong những tháng ngày trên địa bàn mới, PC 21 Lào Cai đã góp phần cùng toàn lực lượng tham gia xử lý nhiều vụ việc phức tạp.

Có thể kể đến:

-Vụ nổ làm chết tại chỗ 1 Sĩ quan D7 là Đỗ Vũ Hùng và chết trên đường đi cấp cứu 1 sĩ quan khác cùng đơn vị tên là Nguyễn Tú Lân xẩy ra ngày 09/10/1991 tại quán nước chị Hải ở Cốc San, Bát Xát;

-Vụ chị Điền Thị Thú bị chồng giết, đẩy xác xuống thác nước Hợp Thành, Tx Cam Đường để giả tạo hiện trường ngày 12/01/1992;

-Đề xuất giám định dấu vết súng đạn cung cấp chứng cứ quyết định buộc tên Lã Thanh Bình từng gây nhiều vụ cướp của giết người trong những năm 1989, 1990 phải chịu hình phạt cao nhất[3]. Bản án thi hành ngày 21/4/1993 là trường hợp tử hình đầu tiên ở tỉnh Lào Cai mới và cũng là trường hợp duy nhất việc tử hình được tiến hành tại một bãi trống thuộc địa bàn xã Đồng Tuyển, cạnh cầu km 4 (từ 1994 là đường dẫn lên Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh và từ 2009 là đường lên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai và hiện nay là đường Hoàng Liên kéo dài).

Trong XDLL nhớ 2 chuyện:

-Do ít đảng viên nên khi thành lập PC 21 Lào Cai, các ĐV sinh hoạt ghép với Chi bộ PC 16 (BCU chi bộ ghép được thành lập bởi Quyết nghị số 01/QN, ngày 31/10/1991). Cuối năm 1992, do bổ sung thêm đ/c Phạm Văn Cường từ CA Bát Xát ra nên đã đủ điều kiện thành lập Chi bộ (đ/c Hoàng Công Tế, Phó Giám đốc sinh hoạt cùng). Ngày 27/02/1993, Đảng ủy có Quyết định số 12 tách lập chi bộ PC21 từ Chi bộ ghép PC16+21. Đ/c Lương Đức Mến giữ chức Bí thư

-Năm 1992, đơn vị được bổ sung 2 cán bộ từ CA thị xã Cam Đường (Lào Cai nay), trong đó có đc P. vừa Tốt nghiệp ĐHCS về. Một hôm P.đưa bố đến gặp tôi. Bố P. nguyên là một giáo viên dạy học nhiều năm tại Cam Đường nên biết 2 Phó Giám đốc CA tỉnh vốn trưởng thành từ CA thị xã Cam Đường là: đ/c BAX và HCT. Gặp tôi, ổng bảo ổng biết 2 thủ trưởng tôi nhưng “cứ để nguyên xem sao” và cho rằng: con ổng học nghiệp vụ cao nhất của ngành mà “đày” về cái phòng “vét đĩa” nhất CA tỉnh! Nghe xong, tôi rất tủi thân, lần đầu sau mấy năm làm trưởng phòng (từ 6/1990) mới được nghe, mà lại là phụ huynh của lính mình gán cho biệt hiệu là “phòng vét đĩa nhất”! Nhưng biết làm sao, tôi bình tĩnh đáp: Cám ơn bác nhưng phòng em 100% là Đại học, nhiều người 2 bằng, bản thân em, từng tốt nghiệp 2 trường ĐH danh giá nhất toàn quốc và tồn tại, trưởng thành tại phòng này từ 1981 cũng thấy chưa chết mà! Tôi bồi thêm: PC 21 chưa phải phòng “vét đĩa” nhất ! Ổng bập vào “phòng nào kém hơn?” Tôi giả nhời: “vét đĩa nhất là PC 26!” Ổng hỏi tiếp: “PC 26 là phòng nào?” Tôi trả lời: “theo hệ thống phiên hiệu hiện tại thì phòng có số hiệu cao nhất hiện nay là PC 26, tức CSGT, phòng em mới 21 còn trên 5 nước!”

Khi tôi nói xong, ổng về luôn chả chào nữa! PVP về sau chuyển CA thị xã, CA huyện Than Uyên rồi ra khỏi ngành và hiện tôi cũng chả rõ đi đâu, làm gì nữa!

Đây là thời điểm mà ngày 09/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 205/QĐ-HĐBT phân vạch, điều chỉnh địa giới thị xã Lào Cai, huyện Bảo Thắng và tái lập thị xã Cam Đường! Khi đó tx Lào Cai có 3 xã: Đồng Tuyển, Vạn Hòa, Bắc Cường; 5 phường: Lào Cai, Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Phố Mới. Các cơ quan đầu não của tỉnh đóng trụ sở dọc trục đường chính (đường Hoàng Liên) ở Kim Tân và Cốc Lếu; nhà ở của nhân dân bố trí xen kẽ công sở ở cả Kim Tân, Cốc Lếu, Lào Cai, Phố Mới.

Từ 01/9/1992 các cơ quan của thị xã Lào Cai đi vào hoạt động và đóng trên Duyên Hải nhưng cơ quan của tỉnh vẫn ở Bảo Thắng và Cam Đường. Để yên lòng CBND và “chiêu hiền đãi sĩ”, tỉnh có chủ trương cấp đất cho CBCNV công tác tại các cơ quan thuộc tỉnh Lào Cai. Nhưng nhu cầu xin cấp đất ngày càng đông, càng bức thiết, thị xã đã chủ trương phân ra từng đối tượng để giải quyết trên nguyên tắc chấp hành đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Do có chủ trương đúng đắn của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Ban Thường vụ Thị uỷ nên việc cấp đất tuy phức tạp, có một số vụ xảy ra tranh chấp, song cuối cùng cũng dần được giải quyết tương đối ổn thoả.

Nghe chủ trương được cấp đất, chúng tôi rất mừng, Công an tỉnh lập hẳn một ban do Nguyễn Xuân Ngoại (PTP PH12) phụ trách lo việc này với quy định có thứ tự ưu tiên rõ ràng. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Lại một “chiến dịch” nữa được khởi động, người người chạy, ngành ngành cùng chạy. Khối người “phất” lên từ việc này!

Vì không có tiền, chẳng mơ đất Cốc Lếu giành cho hộ buôn bán nên “tiêu chuẩn” chọn đất của tôi là: ít san, ít lấp, hướng Đông, gần cơ quan.

Cái lạ là ngày đó, các đường phố còn gọi theo tên con số, ví dụ Đường 7, nhánh 3, 4…” mà danh xưng này còn tồn tại đến tận ngày nay. Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lên thăm Lào Cai đã thốt lên những cảm xúc:

“Lào Cai thị xã mình đây,

Con đường đỏ bụi hàng cây vừa trồng,

Cầu Cốc Lếu bắc chưa xong,

Tìm em anh phải qua sông bằng phà,

Đến nhà chưa có số nhà,

Con đường chưa có tên mà gọi tên”

Từ “tiêu chuẩn chọn đất trên”, tôi đi tìm mãi được mảnh đất nguyên là nền nhà trẻ Liên cơ, gần Ty Công an và chợ cây 4 cũ. Tôi nhờ xe và lái xe của anh Hoàng Công Tế  xuống Phố Lu vào nhà Ngoại cùng sang Sở Xây dựng. Ngày ấy SXD đóng ở gần TTYT huyện Bảo Thắng và là cơ quan được tỉnh giao cho việc “cắm” đất cho nhân dân ở thị xã. Anh Phan Doãn Thanh (PGĐ) phụ trách là chỗ quen biết từ lâu, vợ người Phố Lu cùng học với tôi lại là chị gái em dâu tôi nên cũng dễ trình bày và được như ý. Khảo sát đó chỉ là nền bếp và lán trại của những người đang làm đường Hoàng Liên, nghĩ đền bù cũng đơn giản. Tôi sang nói với Trinh vẽ cho 4,5m chứ 4 m như ban đầu thì không làm nhà được. Hồi ấy việc xin cấp đất ở Tx Lào Cai như một chiến dịch, người người chạy, ngành ngành cùng chạy, Tx chưa hình thành, chỗ đang san, chỗ đồi cao, nơi vực sâu, mịt mờ bụi đất. Từ đó cứ 2 ngày lại phải chui vào trong bụi đất ngược từ Cung ứng lên kiểm tra nếu không mất như chơi.

Chỉ có mấy ngày bận họp mà hôm lên đo nhận đất đã thấy một ngôi nhà 2 gian nhỏ ở phía cuối chiều sâu 20 m với lời giải thích: đó là nhà của chị gái chủ đất do chồng là Lương Văn Thanh chủ hộ, có giấy cấp đất từ 1989 của UBND xã Đồng Tuyển. Điều này xem ra hợp lý bởi từ 1990 trở về trước toàn bộ Tx Lào Cai là xã Đông Tuyển thuộc Tx Cam Đường và xã có quyền giao đất. Tôi cho người san khoảng đất phía trước lấp xuống chỗ trũng phía sau, anh Thanh ra  giữ rất kiên quyết. Tạm dừng việc tạo mặt bằng tôi tìm cách khác.  Sau mấy ngày điều tra, tôi chứng minh được tính bất hợp pháp của “chủ tự nhận” đó (bằng chính nghiệp vụ giám định) là: Giấy đó được viết vào năm 1993! Con dấu cũ (ghi xã Đồng Tuyển, thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn)  đúng ra đã thu hồi khi đổi con dấu mới vào tháng 11/1991 (mang tên xã Đồng Tuyển, thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai) nhưng con dấu thu hồi là con dấu khắc lại năm 1990, trước đó con dấu của UBND xã được báo mất nhưng sau đã tìm lại được nhưng không đem nộp cho cơ quan chức năng mà ông Doãn Văn Đà giữ lại. Vào dịp 1992, 1993 ông đã lục tìm ra, lấy nó đóng “xác nhận” vào nhiều giấy tờ liên quan đến đất, thời gian công tác của cán bộ vùng Đồng Tuyển trước 10/1991[4].

Do anh Thanh chây lỳ nên UBND thị xã Lào Cai có quyết định cưỡng chế (Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thắng ký). Để tránh phiền phức không đáng có tôi không nhờ Công an thị xã, công an phường mà nhờ KSQS của tỉnh đội bảo vệ cuộc cưỡng chế (Chỉ huy việc này là đ/c Phạm Văn Thắng, quê Gia Phú, sau là Đại tá, Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh). Biết sai lý, yếu thế, anh Thanh phải giỡ nhà trả đất cho tôi. Vì biết anh mất vài trăm chạy tờ giấy dởm đó, tôi đã đền bù “hoa mầu” cho Thanh 1 500 000đ.

Trước đó tôi đã đặt bộ khung nhà 2 gian gỗ Trai với anh Hải làm ở Phong Niên, còn bếp các em cậu làm cho bằng gỗ xoan và tre ở Gia Phú. Sau khi chuyện đất cát đã hòm hòm, ngày 14/6/1993 (25/4 Quí Dậu) dựng nhà, 14/7/1993 (25/5 QD) hoàn thành chuyển lên ở. Các con vừa kết thúc năm học ở Cam Đường chuyển lên học tại Kim Tân. Tôi vẫn làm việc tại khu Cung Ứng một thời gian nữa mới chuyển lên. Lãnh đạo tỉnh quy định: dọc đường Hoàng Liên ai đã được cấp đất phải xây, mọi người chấp hành cả, tôi chả có tiền nhưng nói “chệch” ra là: “Chưa được tuổi”! Cũng năm đó, bản thân  nâng hàm Thiếu tá và chính thức “quy về một mối” ở 328 Hoàng Liên cho đến nay[5]!

Có một chuyện tuy riêng mà chung. Đó là chuyện tìm lại tài liệu ngành do Thức làm mất :

Hồi đó, thư báo của ngành không theo đường Bưu điện mà chuyển phát tuần một lần theo đường riêng. Giao liên Bộ Nội vụ chỉ mang Công văn, Thư, Báo của đến Yên Bái. Văn phòng Tổng hợp CA Lào Cai cử người xuống đó lấy và đưa đến 3 điểm tập kết của CA tỉnh (Khối CSND ở khu Cung ứng Cam Đường; Khối trực thuộc ở Tằng Loỏng, Khối ANND ở Phố Lu) và BĐBP ở Xuân Quang. Việc này là nhiệm vụ của Tổ giao liên gồm em trai tôi, là Thức và HV Thanh.

Cuối 1992, trong một lần đi giao liên Thức gói Công văn, Thư, Báo vào Nilon và buộc sau xe đi từ Cung ứng xuống giao cho LLANND ở Phố Lu và BĐBP ở Km5 đường PL-BN[6] (khi đó báo CAND còn chưa ra công khai). Sau khi từ tầu xuống (ga Pom Hán), vào Cung ứng Mỏ giao tài liệu rồi ăn cơm trưa với bố con tôi xong, Thức rẽ vào Sở Thương mại (Bách hóa Tổng hợp Cam Đường cũ) rồi xuôi Lu.

Đến cầu Bến Đền, người gác cầu chỉ vào phía xe, Thức quay lại thấy túi thư báo đã bị rơi, chỉ còn mảnh Nilon lòng thòng sau xe. Quay ngược tìm không thấy, Thức đã báo cáo lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo báo cáo BGĐ. Giám đốc (Giàng Seo Dín) lệnh cho các phòng TS của cả AN và CS đi tìm cả ngày và đêm đó không thấy.

Hỏi lại những người đã đi tìm tôi biết họ chỉ tìm ngược từ cầu Bến Đền trở lên Cam Đường. Tôi đã đi nhờ các Trường, Trạm y tế quanh vùng để họ hỏi họ phụ huynh và các cháu.

Đêm ngủ tôi thấy như có ai mách tài liệu không mất, muốn thấy phải “phá cách”. Sớm sau tôi bảo lính tôi là Phong đưa mình đi tìm lại, thấy một số tờ Phiếu giao tài liệu ở bên kia dốc Đỏ (qua Nghĩa trang Thống Nhất bây giờ), biết tài liệu đã rơi từ đây và các TS nhà ta tìm chưa kỹ!.

Rút kinh nghiệm các tốp trước, tôi vượt qua cầu Bến Đền vào Bưu điện hỏi kỹ. Nhân viên trực nói hôm qua có người nhặt được báo, thư,…đem đến nộp, nhưng khi kiểm tra không phải của Bưu điện nên chị không nhận, người đi xe máy đó có để lại địa chỉ rồi đi tiếp hướng Phố Lu. Tôi mừng quýnh nhưng lại tắt lịm ngay khi chị ấy tìm không thấy tờ giấy đó.

Lúc sau, mới thấy mảnh giấy mà bé trai của chị nhét sâu tận góc tủ ghi nghuệch ngoạc: “Hùng -Lái xe xây dựng”.

Tôi lao xuống Lu tìm vào Sở Xây dựng, các Công ty XD ngày đó đang dừng chân ở Phố Lu, Sơn Hà nhưng không ai lái xe các cơ quan này có tên vậy.

Đang ngao ngán thì gặp anh họ tôi là Lơ, làm cơ khí tự do ở Phố Lu . Sau khi nghe tôi kể chuyện, anh bảo có “Hùng lái xe chở vật liệu xây dựng” nhà ở đầu cầu bên Lu. Lại hi vọng, tôi chào anh và đi tìm nhà Hùng.

Đến nơi, có cháu gái biết tôi bởi cháu là giáo viên từng dạy con tôi ở Phong Niên năm học vừa rồi. Cháu nói cháu là em Hùng và Hùng đang đi thăm mộ ông bà cuối năm.

Chiều muộn, anh Hùng về, tôi đưa Thẻ, giới thiệu chức danh và giới thiệu là được Giám đốc giao nhiệm vụ đi tìm tài liệu, báo ngành bị rơi ở đoạn bên kia cầu Bến Đền. Anh Hùng nghe xong, nhận ngay, còn bảo: biết là tài liệu, báo chí của Công an nên đã cho vào tủ khóa, đang đinh đưa lên nộp cho Công an nhưng mắc việc chưa đi được. Kiểm tra, thấy tài liệu còn đủ, tôi lập biên bản nhận lại và cám ơn gia đình.

Ngay lập tức, tôi điện báo cáo ngay lãnh đạo Công an tỉnh, cho người sang Đài Phát thanh tỉnh (khi đó đóng ở Phố Lu) đề nghị dừng việc đưa tin trên Đài và dừng lệnh khóa Biên giới.

Sau này tôi được khen, còn Thức bị kỉ luật.

Ngẫm lại, “phúc nhà tôi” còn dầy và sự “phù hộ của Tổ Cô” không phải là chuyện hoàn toàn là mê tín càng tin như câu nói của lãnh đạo ngành hồi trước: phải coi người bị hại là thân nhân, ruột thì mình thì mới hi vọng phá được án !

Trong bối cảnh đó, đơn vị đã tham gia giải quyết một số vụ việc quan trọng:

-Vụ sập nhà vòm (kho Công ty lương thực cũ, sót lại sau CT 2/1979) ở Tổ 4 phường Cốc Lếu, thị xã Lào Cai 28/12/1992 làm chết 4 người thuộc đơn vị C25 E174 F316.

-Vụ án giết ông Thào A Hồ xẩy ra ngày 03/01/1993 tại vườn su hào thuộc Đội 2 Nông trường Sa Pa…

-Tháng 3/1993 trong khi đào móng nhà ở Phường Lào Cai (gia đình ông Lương Ngọc Khoản, sau vụ nổ đã chuyển đi và tỉnh cấp đất này cho Chi cục Kiểm lâm thị xã, đối diện ngã 3 Lào Cai đi Bắc Hà), thợ xây đã chọc xà beng trúng mìn chống tăng còn sót lại sau 2/1979. Mìn nổ làm 2 người chết, 2 người bị thương, sập 2 nhà bên cạnh[7]. Công tác KNHT, KNTT đã nhanh chóng kết luận, tham mưu cho Giám đốc CA tỉnh báo cáo về kết quả rà phá mìn.

-P.Đ.H là đối tượng can tội giết người bỏ trốn. Sau một thời gian truy tìm, CA tỉnh đã bắt lại được. Ngày 25/3/1993 đưa từ Trại Tam giam (đóng nhờ dưới Yên Bái) lên xử phúc thẩm. Trưa 26/3 sau khi TANDTC xử xong, tuyên phạt 20 năm tù, Phạm Đức Hùng được đưa lên buồng giam xe chuyên dùng về và xe đỗ tại sân trụ sở khối CSND (tập kết ở khu Cung ứng Mỏ). Đến 16 giờ PĐH được đưa đến TTYT thị xã Lào Cai (khi đó đóng ở Đập tràn, tx Cam Đường) cấp cứu, PĐH tử vong. Phối hợp với PY tỉnh và các ngành liên quan KNTT đã kết luận: PĐH bị cảm trên cơ thể suy kiệt. Kết luận đã giúp ổn định tình hình với dư luận và thân nhân PĐH.

Đơn vị còn cử cán bộ tham gia bảo vệ các sự kiện lớn của tỉnh, như :

-Bảo vệ an toàn chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai của đ/c TBT Đỗ Mười vào ngày 22/4/1993, khi đó máy bay trực thăng đưa đc TBT lên Lào Cai hạ cánh tại bãi bằng (khởi san lấp từ 26/12/1992) chuẩn bị xây trụ sở Công an tỉnh số 290 đường Hoàng Liên mà từ 2010 là trụ sở Công an thị xã (nay là CA thành phố) Lào Cai[8];

-Bảo vệ an toàn Lễ cắt băng thông Cầu Kiều, mở lại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sau 16 năm băng giá vào ngày 18/5/1993[9].

-Mở Hội thảo Khoa học thực tiễn chuyên đề: Giám định Pháp y với Điều tra hình sự có 41 đại biểu của các ngành: CA, KS, TA, YT, TP, một số GĐY pháp y và đoàn PC 21 công an tỉnh Yên Bái tham dự.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 20/7/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh rời 3 điểm tập kết chuyển lên trụ sở chính thức, với phương châm “nhanh gọn, an toàn và đảm bảo hoạt động bình thường”. Công việc xong trong năm 1993 ở 290 đường Hoàng Liên, phường Kim Tân thị xã Lào Cai.

Khi đó, bên cạnh các lĩnh vực đã từng thực hiện từ trước, năm đầu thực hiện Chỉ thị số 23/CT-BNV ngày 15/12/1993, đã triển khai giám định ma túy, ban đầu chủ yếu với biện pháp so mầu, sau kết hợp với SKLM. Trước kia việc GĐ chất ma tuý chưa tập trung về một mối, bên Y tế cũng tiến hành. Nhưng sau 1995 hầu hết do đơn vị đảm nhận, nhất là từ khi thực hiện chương trình hành động phòng chống ma tuý giai đoạn 1998-2000 (ban hành kèm theo Quyết định số 139/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ), đặc biệt là từ khi có Luật phòng, chống ma tuý (việc GĐ chất MT và sản phẩm của nó trong cơ thể được quy định tại Khoản d, Điều 38) thì đơn vị đã được đầu tư tương đối tốt để triển khai việc GĐ các chất MT thông thường và dấu vết cuả nó trong cơ thể người đã sử dụng. Điều này đã đáp ứng được tính kịp thời, khoa học trong công tác. Việc giám định Giấy tờ xe, tiền nghi giả được triển khai rộng rãi đã góp phần đáp ứng kịp thời các yêu cầu tại địa phương.

Trong thời gian này, một số vụ khám nghiệm, giám định phức tạp được thụ lý đạt kết quả tốt nhưng có vụ chỉ đến nửa chừng như vụ “lấy bàn là là bàn là”, lần đầu tiên gặp ở Việt Nam hoặc từng phát hiện nhiều Giấy tờ Hải quan, Bằng Tốt nghiệp giả song việc theo dõi xử lý còn chưa rốt ráo!.

Như thế, sau gần một trăm năm thành lập (1907-1994), phố Lão Nhai xưa đã tiến sang hữu ngạn Hồng Hà, đôi bờ nối nhịp, mạch nguồn sinh tụ cho thành phố cầu nối giao thương trong thời kỳ mới chính thức bắt đầu!.

 Trong hoàn cảnh đó, gia đình nhỏ của tôi đã an cư lập nghiệp trên thị xã biên giới thoáng cái đã 30 năm (1991-2021), 28 năm có đất riêng ở mặt phố (1993-2021), 20 năm có nhà xây mặt phố (2001-2021), 12 năm lên chức bố vợ (2009-2021), 10 năm lên chức bố chồng (2011-2021) và 9 năm lên chức ông (2012-2021)!

Đúng là: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, Bây giờ nhớ lại thấy lâng lâng!

Chuyện từ 1994 trở đi đã và sẽ chép lại trong một bài khác!

-Lương Đức Mến, tháng 7-9 năm 2021-


[1] Có phương án đã chọn khu vực xã Sơn Hải, Sơn Hà bên hữu ngạn sông Hồng thuộc Bảo Thắng.

[2] Lớp lãnh đạo các Phòng ngày ấy, hiện nay có Vấn và Mến, Dị đương nghỉ hưu tại tf Lào Cao; anh Đồng, ở quê, anh Khuể về Hà Nội; anh Vinh sau về PC21, chuyển PC17 rồi mất do căn bệnh hiểm ngheò; anh Hồ về Trưởng CA huyện Bảo Yên, sau lên Trưởng PC16 rổi tử nạn ngay cửa trụ sở CA tỉnh xây 1993; anh Oánh chuyển về Tổng cục Hải quan và nghỉ hưu ở Hà Nội, đã mất; anh Toan nghỉ hưu tại Lào Cai, đã mất.

[3] Vỏ đạn vốn là “của hồi môn” tôi đem theo từ Yên Bái lên khi trở lại Lào Cai. Vụ án này đã có bài tường thuật riêng!

[4] Con dấu “dư dôi” tai hại kia bị thu hồi (tôi báo Viện trưởng VKSND thị xã hồi đó là anh Phạm Đức Tín, bạn và là đồng hương An Lão với tôi) và ông “Chánh Tổng thời mới” đã bị xử lý !.

[5] Khi Tx đánh số nhà thì mang số: 328 thuộc tổ 7 (năm 2001 đổi thành Tổ 22, sau đổi thành tổ 21 và từ 2019 là tổ 14) phường Kim Tân.

[6] Thành lập 03/3/1959 với tên gọi Công an nhân dân vũ trang. Từ 19/12/1979 đổi thành BĐBP và chuyển sang do Bộ Quốc phòng quản lý, Từ 11/6/1988 đến 01/12/1995 chuyển về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) sau đó lạ trở lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Giai đoạn tách tỉnh tuy BP thuộc CA nhưng CA tỉnh không chi phối công tác chiến đấu, đảm bảo và cán bộ của BP tỉnh.

[7] Để có “mặt bằng sạch”, Nhà nước đã chi 6 tỷ đồng rà phá bom mìn nhưng không thể hết được bởi hồ sơ thất lạc, địa hình thay đổi,…

[8] Chính chuyến thăm của Tổng Bí thư và Thủ tướng đã tạo cơ hội cho Lào Cai phát triển toàn diện và là tiền đề để có thành phố Lào Cai như ngày nay.

[9] Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đặt chân sang đất TQ, biết thế nào là “xường xám”, các tòa nhà công sở bên đó. Chả là hôm đó, được phép của lãnh đạo tôi cùng Chánh Văn phòng và lái xe của Giám đốc bước qua lằn ranh biên giới trên Cầu Kiều sang đất Hà Khẩu trong đoàn “cắt băng”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!