[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


08 tháng 8 2021

Nhớ ngày ĐỐT ĐUỐC ĐẾN TRƯỜNG

Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng

Năm 1963, sau khi khảo sát địa bàn Bảo Thắng, thành uỷ Hải Phòng[1] đã lấy 8 hộ, 50 khẩu người Chiến Thắng, 5 gia đình, một số hộ độc thân An Thái với 23 khẩu, cùng 5 gia đình, 20 khẩu ở Mỹ Đức (tổng cộng là 21 hộ với 93 nhân khẩu) đều thuộc huyện An Lão lên Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai khai hoang[2] lập HTX An Phong (người Kiến An  hay An Lão lên Phong Niên).

Các hộ khởi lập An Phong ngày đó gồm chủ hộ là: Lương Đức Ruẩn (8 khẩu), Lương Đức Thông (6 khẩu), Lương Đức Thân (7 khẩu), Lương Đức Rật (8 khẩu), Đặng Thị Nguyên (3 khẩu), Đặng Văn Nhỡ (7 khẩu), Đặng Văn Thoả (4 khẩu), Nguyễn Văn Ngà (6 khẩu) (xã Chiến Thắng, mà chủ yếu là ở Phương Hạ)[3], Phạm Văn Ru (6 khẩu), Phạm Văn Ỏng (5 khẩu), Sê (4 khẩu), Nguyễn Văn Khiếm (4 khẩu) (xã An Thái), Bùi Văn Kịch (4khẩu), Bùi Văn Diêm (5 khẩu), Bùi Văn Đồng (4 khẩu), Phạm Văn Phước (5 khẩu), Phạm Văn Đế (3 khẩu) (xã Mỹ Đức, đều ở Lang Thượng) và các hộ độc thân: Ngô Văn Ơn ( khẩu), Phạm Văn Mậm, Phạm Văn Dâng, Bùi Văn Ngần,... Ngô Văn Ơn[4], Đặng Văn Nhỡ, Lương Đức Thân đã được chỉ định là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Kế toán từ quê[5]. Đất ruộng trả lại Hợp tác, vườn, nhà và đất ở các gia đình nhượng lại cho anh em trong họ, trong làng.

Trong đại gia đình tôi thì cô Lương Thị Thị (chị ruột bố tôi) cùng con gái, con rể đã lên Lào Cai từ 2 năm trước, nghe đâu ở bên Sơn Hải, muốn sang Phong Niên nhà tôi sẽ đến phải qua đò sông Hồng và gần 20 cây số đường rừng cuốc bộ qua Phố Lu nữa! Việc đi “khai hoang” đã rục rịch từ trong năm nhưng chủ yếu là ở người nhớn. Lũ trẻ chúng tôi biết được đi là khoái và xong kỳ I là nghỉ học luôn! Mà hồi ấy, trong mấy anh em có mỗi tôi đang học dở lớp 2, Thuộc Vỡ lòng, Thường và Thức chưa đi học!

Khi rời quê (đâu như 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tức Thứ Sáu 28/02/1964 gì đó) các gia đình mang theo toàn bộ gia sản vốn chẳng nhiều nhặn gì. Người trong họ, ngoài làng tiễn đưa ra đầu làng rất đông, người lớn khóc, bọn trẻ lại thích. Chúng tôi bồng bế nhau lên ô tô. Khi đó nhà tôi có 7 người gồm: Bà, Bố, Mẹ, Tôi, Thuộc, Thường, Thức. Xe ô tô về đầu làng đưa các gia đình ra ga Hải Phòng rồi xếp cùng toa tầu chạy lên Hà Nội. Tại Hà Nội toa đó được ghép vào đầu tầu kéo thẳng lên ga Lào Cai[6]. Dọc đường chúng tôi ăn cơm nếp mang theo từ nhà. Người hướng dẫn đưa chúng tôi qua lối nhìn thấy cầu Hồ Kiều[7], bên kia là Hà Khẩu 河口 thuộc tỉnh Vân Nam 云南 Trung Quốc và đưa vào nhà nghỉ ở Phố Tèo[8] được “xây” bằng đất nện. Đây là phố cổ, nằm dọc biên giới ở bờ Đông-Nam sông Nậm Thi và hồi ấy đa số là người Hoa làm ăn, sinh sống. Ở đó 2 hôm, tiếc rằng tôi chả được theo mọi người ra ngắm phố, xem cầu Cốc Lếu[9] (gốc cây Gạo) nối 2 bờ sông Hồng đã từng mang tên gợi một thời ai oán- cầu “Giời ơi”:

Ai đưa tối đến chốn này,

Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai.

Sau 2 ngày Ô tô tải của tỉnh đưa về Phong Niên theo QL 4 (đường 70 sau này) [10]. Đường đất, chỉ có 2 vệt bánh xe lăn là nhẵn, còn giữa cỏ mọc, hai bên cây rừng phủ rợp bóng. Chiều về đến km37[11] được số thanh niên tiền trạm và chính quyền địa phương ra đón vào ở tạm mấy nhà người Nùng họ Mồ, họ Vàng ở Cốc Sâm vài ngày. Các gia đình này đã được quán triệt, vận động trước và lại ở ngay cạnh được QL nên cũng tiến bộ nhiều do đó đón tiếp đồng bào khai hoang  không e dè sợ bị chia đất, cai trị như một số nơi.

Một tuần sau, khi lều lán mà số thanh niên (An, Nhật, Cầm, Reo, Chuốt...) lên trước dựng xong, các gia đình bồng bế nhau qua một tràn ruộng, lội qua một con suối, vượt một quả đồi mọc đầy chuối rừng, nứa, cây, dây cỏ dại vào La Cà Bốn[12]. Bác Lương Đức Thông có viết thư về chuyến đi gửi về quê cho họ mạc: 

Đường đi trăm núi, nghìn trùng,

Bốn trăm cây số tới vùng Lào Cai[13].

Thung lũng này, người bản địa gọi là Na Cà Lao Bổn, tức khu ruộng nhiều cây bon nhưng do các cụ nhà ta không phân biệt được “n” và “l” và không quen nghe tiếng địa phương nên “Na cơ lao bổn” được phiên thành “La Cà Bốn” chẳng có nghĩa gì. Nơi đây giáp ranh giữa Cốc Sâm 谷森 của Phong Niên với Xuân Đâu 春桃 của Xuân Quang. Đầu những năm 60 thế kỉ XX, phía ngoài đường là nơi sinh sống của mấy hộ người Nùng thuộc thôn Cốc Sâm, trong lũng là nơi cư trú của 2 hộ, sâu hơn thêm 3 hộ người Dao Tuyển. Năm 1962 hai hộ người Dao này chuyển đi bỏ hoang thung lũng, trở thành nơi thả trâu sau mùa cầy, nơi cắt cỏ ngựa... của dân Nùng Cốc Sâm. Dấu tích còn lại là một số thửa ruộng bậc thang bỏ hoang lâu ngày và 2 nền nhà, một mộ đất của người Nùng Cốc Sâm, một lán che lọ sành đựng tro xương của người Dao cùng 2 cây bưởi chua và vài cây ổi quả nhỏ. Theo kế hoạch thì nơi này Phòng Khai hoang huyện Bảo Thắng đã dự kiến đưa 3 hộ người Hà Nội (các ông Cố, Cả, Cẩn) vào ở. Song thấy xa, vắng họ chuyển lên Km 34. Nơi đây, hiện nay mẹ và mấy em tôi vẫn cư ngụ nhưng mang tên thôn An Hồ!

Ngay đầu lũng là “rừng hủi”[14] dãy đồi phía Đông Nam là đồi cỏ tranh lẫn nhiều cây kè đá, cây gạo, phía Tây Nam là rừng giang[15]. Còn các quả đồi khác là rừng gỗ tạp 20-40 tuổi, không có rừng nguyên sinh. Các quả đồi đều thấp, không có đá vôi, đá xanh. Mỏm đồi cuối lũng có đá thối lẫn một loại đá đa cạnh mà có thể dùng tay bóc ra từng lớp một, khi còn mỏng độ 0,3 Cm trong gần như kính. Một khe suối nhỏ khởi nguồn từ đỉnh đồi ranh giới với xã Xuân Quang chảy dọc lũng đổ ra khe Phong ngoài đường 4 để vào sông Chẩy. Nơi suối bắt đầu vào thung lũng, cạnh một búi mai, người dân bản địa trước đó đã đắp một con đập nhỏ để nước dâng lên dẫn vào tưới cho các thửa ruộng đã được khai phá và đặt cối giã gạo.

Các gia đình được sắp xếp ở các chân đồi xung quanh. Từ đường vào đầu tiên là người dân An Thái (Phạm Văn Ru ở ngoài cùng), Mỹ Đức rồi đến người dân Chiến Thắng (Lương Đức Thân ở phía trong cùng). Đây là những ngôi nhà do tốp thanh niên tiền tiêu dựng lên. Nhà dựng đơn giản cột ngoàm, lợp tranh, vách nứa, có sạp nứa 2 bên suốt gian thay giường, giữa là lối đi. Chưa có bếp, trời còn lạnh nên đun nấu trong nhà. Sợ ngã nước nên ai cũng phải đào giếng, không dám dùng nước suối như dân bản địa. Đa số chưa từng sống ở rừng núi nên mọi thứ đều lạ và sợ, đêm cài chặt cửa không dám ra ngoài. Những đêm đầu nghe tiếng “bắt cô trói cột”, “năm trâu sáu cọc” hay tiếng “tắc kè”, tiếng hoẵng kêu, chim lợn rú rợn cả người. Nỗi nhớ quê hương lại càng thêm da diết.

Ngày đó cuộc sống bao cơ cực: cơm độn sắn, canh sắn, bánh tráng sắn[16]. Thức ăn chủ yếu là măng rừng và rau tầu bay , cây diếp dại nấu với muối cùng một ít cá khô mặn chát được cung cấp. Ban đầu không biết nên lấy cả măng vầu, rất đắng, ăn không quen. Mấy thanh niên Nùng ngoài Cốc Sâm chỉ cho cách vặt quả đài hái về lấy hạt ăn ngậy và bùi, còn củ mài thì không mấy ai đào được, vì rất sâu. Theo kinh nghiệm bản địa, mọi người lấy lá ngành ngạnh thay vối, lấy chè rừng thay chè nhà. Muốn mua thứ gì đều phải xuống Bảo Nhai, cách 8 cây hoặc đi 17 cây ra Phố Lu. Không đài, báo, thư từ với quê hương cũng chưa. Mọi tin tức thông qua 3 cán bộ khi lên xã, ra huyện họp về nói lại.

Từ những ngôi nhà dựng tạm ban đầu, được sự hướng dẫn của đồng bào và sự tích cực của bố con chú tôi là Lương Đức Dật mà nhiều ngôi nhà mới đã mọc lên trên các sườn đồi quanh lũng. Nhà tôi khi đó đã sang “mỏm đá” và mọi người đã biết chọn gỗ Giàng giàng, gỗ Xoan đào, gỗ Soi chanh để làm cột, làm xà không bị mọt thay vì những cây Trẩu, cây Bứa thẳng tắp nhưng mau mọt được sử dụng thủa ban đầu. Nhà dựng theo kiểu xuôi, 3 hoặc 4 hàng chân, sau này nhiều nhà được dựng có cả hiên là 6 hàng chân. Nhà lợp tranh, nhà lợp bã nứa; chân cột được kê trên những hòn đá tìm, chọn ở bờ suối hay lấy trên rừng về, vách nhà đan bằng nứa chục năm sau mới có nhà thưng gỗ. Theo nếp quê, mọi người nặn những ông đầu rau bằng đất, song chất đất khác xuôi nên mau vỡ, sau dùng đá kê 3 hòn để đun nấu mãi sau này mới có kiềng. Sợ ngã nước nên không ai dùng nước suối nấu ăn, nhà nào cũng đào giếng, chứa nước trong các chum, vại sành mang từ quê lên..

Thôn dựng nhà kho gần giữa lũng. Đó vừa là nơi tập trung lúa về để đập rồi chia cho từng hộ, vừa là nơi tụ họp của thiếu nhi, nơi học của lớp Vỡ lòng. Một số vật dụng bằng cói, đay, tre (chiếu, võng, ró, quang, đòn gánh, đòn xóc, đòn càn…) mang từ quê lên hỏng dần hoặc không thích hợp được làm mới bằng nứa, bằng giang, bằng tre. Giang dẻo và bền hơn nứa nhưng nếu cần lạt buộc hay nan đan dài 2 dóng thì việc chẻ qua đầu mặt rất khó vì dầy và các đốt không thẳng nhau như nứa. Chưa xẻ được gỗ đóng hòm gian như ở quê nên thóc phải đựng trong bồ quây bằng cót đặt trên chiếc nong, nia lớn, thóc nương thì học dân bản địa bó thành từng cum gác lên sàn. Phải nói bố tôi là người đan lát giỏi nhất Đội!

Do có chính sách bao cấp nên đồng bào khai hoang được hưởng chế độ cung cấp. Hàng tháng bác Nhỡ và bố tôi thay nhau ra Huyện làm sổ sách (đi bộ 6 Km đường rừng qua Xuân Đâu ra tới đường lớn đi Phố Lu 11 Km nữa) rồi của gia đình nào, người đó gánh về, tất cả trên đôi vai, gồm gạo, muối, cá khô.

Do bệnh tật gia đình bà Nguyên mấy tháng sau chuyển xuôi. Cuối năm 1964, qua khảo sát, Bảo Thắng thấy thung lũng hẹp, ít đất canh tác nên đã cho chuyển các hộ: Ruẩn, Thoả, Ngần, Sê, Khiếm sang Trì Quang, sau đó hộ Bùi Văn Đồng sang Sơn Hải. Năm 1968 hộ các hộ Thông, Ngà, ủng chuyển về quê, còn 12 hộ nên có thời kì được gọi là xóm 12 hộ.

Nhớ lại cảnh này, ngày 22 tháng 02 năm 2009 tôi có viết bài:

Chim trời tìm đậu cành xưa,
Con ong kiếm mật vẫn về tổ quen.
Mưu sinh qua khắp trăm miền,
Sang hèn từng trải, nỗi niềm chẳng nguôi.
Giáp Thìn, Xuân ấy rời nôi ,
Lên xây quê mới giáp nơi biên thuỳ.
*
Bồi hồi nhớ buổi ra đi,
Bốn nhăm năm ấy, bây giờ là đây.
Trào vui nhớ lại những ngày,
Cỏ môi, vắt, muỗi, những cây cùng rừng.
Nhớ, Buồn, Rét, Đói đã từng,
Mồ hôi, Máu đổ nên làng xóm nay.
*
Nào đâu sẵn cỗ mâm bày,
Vi vu phải nhớ tới ngày khai cơ.
Ra khơi vẫn nhớ bến bờ,
Chuyện xưa chép lại, nhắc khi nhãng lòng.
Dâng tiền nhân nén “Tâm nhang”,
Khuyên răn hậu thế chuyện làng khắc ghi.

Ngày ấy, dân cư còn thưa, trên Cốc Tủm cách 3 cây mới có lớp học, lại sợ “Hổ vồ, Mán bắt” nên Mẹ không cho tôi đi học. Việc học của tôi và Thuộc bị ngừng.

Học lại và biết thêm mảnh đất hữu ngạn sông Hồng:

Vào năm học mới (1964-1965), tôi buồn vì không có lớp, lại nhớ lời bà dặn khi còn bé: “dòng họ ta nếu con cái không học hành đỗ đạt thì bố mẹ khó song toàn” nên tôi đòi được đi học tiếp. Thế là từ tháng 9/1964-5/1965: tôi được bố đưa sang Sơn Hải ở nhà Cô Thị để học. Cô là chị ruột bố tôi, lên đây từ 1963, sau con gái, con rể 1 năm. Từ Phong Niên ở sang Sơn Hải phải đi bộ 18 Km đường rừng ra Phố Lu, đi đò qua sông Hồng rồi ngược 4 Km đường mòn nữa.

Sơn Hải là vùng đồi thấp thoải xuống đất bãi bên hữu ngạn sông Hồng, thuôc xã Sơn Hà[17] huyện Bảo Thắng. Nơi đây, phần đông là người Tầy, người Dao Họ. Ngay sau khi có Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh Kiến An-Lào Cai (ngày 12/11/1961) đã có những tốp thanh niên gồm 212 lao động trong Đội tiền tiêu lên vỡ đất, lập làng. Đến năm 1964 thì Sơn Hải là HTX đầu tiên của đồng bào Hải Phòng lên khai hoang tại Lào Cai với quy mô hoàn chỉnh: thành từng Đội, tên Đội là tên huyện của người dân khi ở quê: Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh bảo, Kiến Thuỵ. Nhà làm theo dãy kiểu như Phố (theo mô hình “Công xã” hay “Nông trang” ?).

Cô tôi ở Đội An Lão và hàng xóm cô tôi phần đông là người làng Thượng xã Mĩ Đức, trong đó có cả gia đình chị Phường là con gái cô và bác Nguyễn Văn Đanh là anh chồng cô.

Tôi học lại Lớp 2 từ đầu. Lớp học ngay sân kho cách nhà Cô 100m. Khi tái lập tỉnh Lào Cai (1991), tôi lên thăm lại thấy nơi này đã thành trụ sở UBND xã Sơn Hải, sau thành Nhà Văn hóa An Tiến. Thày Chin (người Tày) dạy 2 lớp ghép (1 và 2), bạn học ngày ấy nay quên gần hết. Tôi học được, luôn dẫn đầu lớp. Anh Tầu tuy học lớp 3 nhưng mải chơi nên đôi lúc bài vở phải nhờ tôi và luôn bị Cô đánh, mắng. Ngay hồi đó tôi đã biết đan dần cho cô. Nhưng khi hăng hái rấm chuối thì tôi và mấy bạn khiêng cả mấy buồng chuối xuống hầm lò đang đốt, khi cô về thì chuối đã thâm hết vỏ !

Khi nhà trường được cử đoàn Thiếu nhi ra huyện đón Quyết định thành lập xã Sơn Hải (tách từ Sơn Hà ra) tôi được cử đi. Nhớ rằng ngày ấy vẫn còn đi đò Tà Hà qua sông Hồng để sang Phố Lu

Trở về Phong Niên:

Từ 1965, một số đồng bào xã Quốc Tuấn (An Lão) lên lập ra xóm 8 hộ ở bên kia rừng hủi; hộ Lương Thị Thị từ Sơn Hải sang (1966-1968) nhưng lại có một số hộ về quê, một vài hộ ra cạnh đường, một số hộ nhập vào xóm 12 hộ, dân số tăng dần, mối quan hệ với bên ngoài cũng có chuyển biến.

Hồi này tôi đã về hẳn nhà và học lớp 3, 4 tại xã (Trường ở Km 33 bây giờ) do thầy Nông Khái Hồ dạy, thầy Nguyễn Văn Phùng là Hiệu trưởng. Tôi luôn đứng đầu lớp. Đó là những lớp 3 rồi lớp 4 đầu tiên ở đây. Hồi đó Phong Niên bao gồm cả xã Phong Hải[18] nay nên nhiều bạn tận km 29 cũng xuống học. Lúc này An Phong (sau năm 1965 có thêm dân xã Bắc Hà, H.An Lão lên nơi 8 hộ ở xóm trong) nhập với Vĩnh Hồ của đồng bào Vĩnh Bảo ngoài đường thành An Hồ, An Phong cũ được gọi là Đội 2, bố vẫn làm Kế toán HTX.

Tuy dân cư có đông hơn, nhưng học lớp 3 vẫn mỗi mình tôi. Khi lên lớp 4 thì số em học lớp 1, 2 đã nhiều lên. Không có đồng hồ nên tỉnh lúc nào là tôi gọi Thuộc lúc đó rồi đi đốc dọc xóm. Mùa hè phỉa khóa áo mưa để cản sương cỏ quệt ướt áo quần; Mùa đông phải đốt đuốc, cầm ống bơ đựng than để sưởi. Ngày ấy rất đói, nhiều nhà Sắn cũng chả có. Nhưng tôi không hề bỏ học. Có thể nói cho đến nay, chưa thời kì nào mà tiếng học của đất An Phong cao như thế, mấy năm đó gần như 2/3 phần thưởng mỗi kì học của Trường PN đều về tay chúng tôi cả !.

Chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mĩ lan đến Lào Cai. Tuy PN không dính trận bom nào nhưng địa phận PH bây giờ thì bị mấy trân, có nhiều người chết nên các lớp học phải sơ tán vào gần làng Cung, học trong nhà dân. Đã xa lại thêm xa. Đây cũng là những năm bên Trung Quốc phái Công nhân quốc phòng sang giúp Việt Nam làm tuyến đường Lào Cai đi Phố Ràng[19], khá vui, nhiều chuyện ngộ. Thường được xem Phim TQ (Kinh kịch: Bạch Mao Nữ 白毛女, Một mình đánh núi Uy Hổ, Tài liệu: về CMVH, Film Nguyễn Văn Trỗi …), nhưng không có thuyết minh. TQ cử người vào biếu dân Muối, dầu hoả, xà phòng và trước tác Mao Trạch Đông 毛澤東[20]. Lần đầu tiên người dân trong vùng được thấy những chiếc xe ủi, máy gạt hoặc những chiếc xe Giải phóng 解放 phải buộc thêm xích vào bánh để chống trơn khi kéo xe ngoạm đất, được sử dụng thuốc ôm đầu khá hiệu nghiệm. Lễ, Tết thiếu nhi chúng tôi còn đến lán trại họ chúc mừng và hát những bài ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa, ca ngợi Mao Chủ tịch bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Hoa[21], nay còn nhớ lõm bõm. Chính QGPNDTQ đã từng giúp dân Phong Niên thu mùa khi cơn lũ ập đến[22] và khi rút đi để lại đây 1 Nghĩa trang bên trái km 35+500 và một số khu lán trại sau trở thành nhà ở của dân, kho, chuồng trại của HTX, có một số được người trong xóm 8 hộ còn lại (Ông Minh, Ông Mỏng, Bà Mẽ) và Ông Biếc từ Vĩnh Hồ chuyển đến ở và cũng là nơi Lương Đức An, Lương Đức Mến mở học BTVH cho những người chưa thoát nạn mù chữ. Con đường PLA Trung Quốc làm giúp ngày đó, từ năm 1967 được mang tên đường Hữu Nghị 7, sau 1979 đổi là đường 7 và nay là Quốc lộ 70[23].

Ngày 12/ 9/1965 mẹ sinh em trai. Lúc đầu đặt tên là Thể. Sau bác Lương Đức Duẩn (Nhớ) nói trùng tên cụ tổ nhà bác (Cố Thể thuộc đời  thứ 3, con Cụ Bầu, bố ông Chức, ông bác Duẩn) nên đổi thành Luân.

Vì không có lớp, đường xa, rừng rậm, thú dữ và nhiều nỗi lo khác nên các gia đình không cho con cái đang học dở ở xuôi đi học tiếp. Các em nhỏ được Lương Đức Thân mở lớp dạy Vỡ lòng tại nhà kho, sau đó Lương Đức An, Phạm Bá Nhật, TB Nguyễn Văn Soát, Phạm Thị Sen, Ngô Thị Lai tiếp tục dạy những lớp sau cho đến khi CCGD bỏ vỡ lòng, theo hệ 12 năm.

Năm 1966 An Phong hợp nhất với HTX Vĩnh Hồ (người Vĩnh Bảo lên Sả Hồ) ở Km 37 ngoài đường thành HTX An Hồ, thôn được gọi là Đội 2 (Đội 1 là Vĩnh Hồ cũ ngoài Km 37, Đội 3 là 8 hộ người An Lão lên 1965 ở xóm trong).

Từ tháng 9/1967-5/1969: sau khi tốt nhiệp lớp 4 loại khá, tôi học tiếp lớp 5, 6 tại Km 30 Phong Hải khi đó đã là xã khác!.

Cả xã PN chỉ có tôi, Hoàn (sau đi CAVT, lập nghiệp ở Lâm Đồng), Hanh (sau đi SP, đã chuyển vào Lâm Đồng), Bắc (khi phục viên về XN Dược, nghỉ Mất sức tại Yên Bái), Thức (sau là Trưởng PC 14 Công an Lào Cai, nghỉ hưu 2007), Đức (hết lớp 7, lấy chồng, làm ruộng ở Km 32), Hiền (chưa kịp lấy chồng thì mất do bệnh tại Km 33) đi học.

Lúc này cuộc Chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mĩ chưa dừng nên trường sơ tán vào một bản người Dao ở Vĩ Kim cách đường (km 30) khoảng 2 Km. Thầy trò tự chặt cây rừng dựng nhà, làm bàn và ghế. Gọi là Trường nhưng thực ra năm đầu chỉ có 1 lớp 5, năm sau 1 lớp 5, 1 lớp 6, Tự nhiên do thày Hiền dạy, Xã hội do thầy Phớn dạy, Chúng tôi phải bổ nứa ghép thành bàn, rất vất vả. Từ nhà tới lớp 8 Km, lại chả có đồng hồ nên nhiều lúc tôi đi từ nửa đêm, lúc chưa ai dậy. Nếu hôm nào lao động chiều tôi ở lại hôm sau học xong mới về (tới nhà nhiều khi đã 3 giờ chiều !). Có hôm, vào năm tôi học lớp 5 tôi đi trước không gặp gì, chú Rật tôi đi sau thấy con lợn nhà bà Mẽ bị hổ vồ bỏ lại ngay ngang đường. Tối về biết chuyện, tôi hoảng hồn nhưng hôm sau vẫn đốt đuốc đi học. Chuyện đó tôi từng chép lại tại đây và còn trở lại khi chép về chú ruột tôi tại đây

Tôi vẫn dẫn đầu lớp và kiêm Liên đội trưởng LĐTN toàn xã. Tuy bận học, sức yếu nhưng hoạt động tốt.

Năm tôi học lớp 5 mẹ sinh em gái, đặt tên là Lý (Đinh Mùi 1967).

Đây là những năm cả nước ra trận, tuy chiến tranh phá oại của Mĩ không lan đến đây nhưng không khí sơ tán cũng rất rõ nét. An (con lớn chú Rật, là ĐV đầu tiên được kết nạp ở La Cà Bốn) nhập ngũ năm 1968 nhập ngũ (cùng dịp với anh Ruân, anh Hỗ) ở Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn. Huấn luyện xong lên đường ngay. Sau này gia đình nhận Giấy báo tử ghi là: hi sinh ở mặt trận phía Nam ngày 02/5/1970 (27-Ba-Canh Tuất). Gia đình chưa tìm thấy mộ phần. Như thế dịp đó ở Lào Cai, họ nhà tôi, có 3 anh em là Hỗ, Ruân và An đi B chỉ có anh Hỗ trở về.

Sau khi CNQP TQ rút đi, một số người dân 8 hộ chuyển ra tiếp quản doanh trại của bạn (khu nhà bà Minh sau này) và lúc này bên TQ, cuộc Đại Cách mạng Văn hóa (無產階級文化大革命, 1966-1976) đang hồi quyết liệt. Nhiều người bên đó di cư sang nhưng tại Phong Niên lại có người Hoa, người Nùng bị kích động vượt biên về “xây dựng Tổ quốc” rồi lại bị đẩy sang mà trong đó có cả những người từng cưu mang giúp đỡ dân An Phong những ngày mới lên 1964. Tình hình rất phức tạp.

Tháng 9/1969-5/1970: Trường Cấp II Phong Hải và Xuân Quang hợp nhất. Phong Niên ở giữa được chọn là nơi đặt trường. Trường đặt tại Km 33+400. Thầy Nguyễn Văn Tiếp, người Nghệ An, Hiệu trưởng Xuân Quang làm Hiệu trưởng. Thầy đã mất năm 2002 tại nhà bà Hai ở Vĩnh Phong (Phong Hải) do bệnh. Thế là tôi lại được đi học gần hơn. Hồi nay đã ra vẻ Trường Cấp II thực thụ vì có đủ 3 lớp. Khoá lớp 7 đầu tiên đó của 3 xã có 22 học sinh, toàn đứa to ngộc, tôi thuộc loại nhỏ con nhất, nhưng vẫn đứng đầu về học tập. Đây là lớp học mà Phùng Thế Hùng (Việt kiều từ Thái Lan về, có anh tên là Dũng công tác tại UBNN huyện) vào cùng học[24]. Đúng vào dịp đầu năm học thì Bác Hồ mất. Cả nước để tang, đâu cũng tổ chức truy điệu, mọi người tự làm lấy băng tang nền đỏ vạch đen đeo trên ngực áo. Một niềm đau đớn tiếc thương thực sự bao trùm từ trẻ nhỏ đến người già. Tết năm đó Trường tổ chức trồng đồi cây ơn Bác, sau này khi đi học ĐH mỗi lần về thăm trường cũ tôi thấy cây lên rất tốt,  tiếc là nay đã phá hết rồi. Khu trường này mấy năm sau rời về Km 34. Các khoá sau phong trào học của PN kém hẳn.

Trong năm này cũng có nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Cuối năm tôi được cử đi thi học sinh giỏi và đạt giải Nhất môn Toán của tỉnh. Chắc chẳng ai ngờ một xã tít tắp, lần đầu có lớp 7, một thí sinh lần đầu lên tỉnh, còn mặc áo vá mà lại đạt giải Nhất. Thực ra sau này nhớ lại, đề không khó lắm, bây giờ thì các cháu đã giải quen. Nhưng ngày đó Sách GK còn không có, nói gì đến sách tham khảo! Dạy toán tôi ngày đó là thầy Hiền. Tôi rất biết ơn thầy. Nhưng sau này thầy quá thiên vị lớp 6, đưa một bạn đi báo cáo điển hình mà kết quả học tập, trình bày sách vở không thể so với tôi được. Lớp tôi “chống” ra mặt. Máu trẻ con nổi lên: chúng tôi đem các bài kiểm tra của lớp mình lên đặt vào khu triển lẫm và kẻ một bảng to: “Hãy nhìn vào sự thật”. Vì chuyện này mà thầy Hiền bực, không cho tôi chuyển Đoàn. Sau đó tôi có dự thi HSG toàn quốc và thi vào lớp Chuyên Toán ĐHTH nhưng không đỗ.Năm 1993 khi trở lại Tx Lào Cai tôi cố công tìm kiếm những gia đình xưa cho tôi trọ để dự thi các kì thi đó nhưng thời gian, chiến tranh đã không cho phép tôi tìm thấy gì cả, chỉ nhớ đó là gia đình viên chức ở gần cổng trường Cấp III[25].

Đúng khi tôi thi TN (Canh Tuất) thì mẹ sinh út Luận. Sau khi thi TN cấp II một số trượt ở nhà XD gia đình (như Doanh, Hồi, Đức, Chiều...) 4 bạn đi Sư phạm (Đạm, Lan, Nhẫn, Bình). Trong đó sau này có Nhẫn là khá nhất (từ 1998 là HP trường Cốc Lếu, Tx; chồng là Trưởng một ban của HĐND tỉnh, các con đều đã TN ĐH, con cả là Chủ tịch tỉnh đương nhiệm), 3 bạn đi CAVT là Thức, Hoàn, Bắc. Một số đi bộ đội đã xuất ngũ về làm tự do tại Tx Lào Cai (từ 2004 lên thành phố) như Vượng, Trư.

Đây là thời gian mà có 4 hộ ở Hải Phòng (Ô Chập, Ô Hội, Ô Hưng, Bà Tương) từ quan hệ họ hàng với gia đình tôi và chú tối lên tự túc cư ngụ tại đây nên sầm uất hơn. Đây cũng là thời kì mà bố tôi một mình một xe cút kít san đất tạo nền nhà mới, có thể coi đó là một kỳ công. Nền này sau trận cháy trong cuộc chiến 2/1979 Thuộc ở rồi khi Thuộc chuyển ra TTCN thì bỏ không.

Vĩ thanh:

Trong số 17 đứa Tốt nghiệp Cấp II Phong Niên năm 1970 ấy chỉ tôi và Hùng theo học tiếp phổ thông cấp III tại Phố Lu và khi đó trường chỉ là vách đất, ở vị trí gần bây giờ. Từ đó tôi bắt đầu cuộc đời xa nhà.

Theo chỉ đạo chung toàn quốc, năm 1971 tiến hành hợp nhất toàn xã thành một HTX lấy tên là HTX Hồng Phong, nơi gia đình tôi ở được gọi là Đội 9, sau đó Hồng Phong tách ra thành HTX Hải Phong (trồng cây công nghiệp) và Hồng Phong (tiếp tục trồng lúa) thì thành Đội 7. Hồi đó bố tôi là Trưởng ban Thống kê xã Phong Niên. Còn tôi, từ 9/1973 đã rời Lào Cai xuống Hà Nội học chuyên nghiệp!

Bản thân tôi, tiếng là dân An Phong gốc nhưng chỉ thực sự ở đây 2/1964-8/1964 và từ tháng 6/1965 đến 8/1970 còn lại ở Sơn Hải, Phố Lu, Hà Nội, Yên bái và từ tháng 11/1991 là thị xã Lào Cai.

Từ lâu tôi đã để tâm ghi lại họ tên, địa chỉ những gia đình từng cưu mang, giúp đỡ mình trong suốt chặng đường gian nan tiếp cận con chữ ngày đó. Nhưng một phần bởi “lực bất tòng tâm”, một phần bởi nhiều nguyên do khác mà có người cố lắm chỉ nhớ ra tên, còn họ thì quên tiệt, nhiều người tôi chưa từng gặp lại và cũng chả báo ân được gì! Thôi, cũng đành nhớ trong lòng vậy!

-Lương Đức Mến, 08/8/2021-


[1] Tháng 11 năm 1946, tỉnh Kiến An hợp nhất với Hải Phòng thành liên tỉnh Hải-Kiến. Tháng 12 năm 1946, tách lại như cũ. Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra quyết định hợp nhất thành phố Hải Phòng cũ và tỉnh Kiến An thành thành phố Hải Phòng. Đại hội Đảng bộ lần thứ Nhất (10/7-14/7/1963) đề ra nhiều quyết sách, trong đó có việc tiếp tục đưa nhân dân Hải Phòng lên khai hoang tại Lào Cai.

[2] Thực hiện Nghị quyết  Số 26-NQ/TW, tháng 7 năm 1961 “Về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, sau nhiều bước chuẩn bị,  ngày 12/11/1961  Hội nghị Đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An (Bí thư Lê Huy là Trưởng đoàn) và  Lào Cai (Bí thư kiêm Chủ tịch Hoàng Trường Minh là trưởng đoàn) đã ra Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh,  trong đó có việc vận động nhân dân Kiến An lên Lào Cai khai hoang nhằm “phối hợp điều hòa nhân lực và phát triển kinh tế giữa hai tỉnh” với 5 năm 1961-1965 vận động 8-9 vạn nhân dân Kiến An lên Lào Cai.

[3] Khi rời quê có cả hộ anh Lương Đức Thiếp nhưng khi tầu đến Phố Lu, gia đình anh bỏ đoàn và vào Xuân Quang. Nay chỉ còn con cháu anh ở đó. Anh chị đã mất.

[4] Chủ nhiệm đầu tiên của HTX, sau khi ổn định mọi mặt cho đồng bào ở đây đã được cấp trên rút lên huyện công tác.Trong thời gian công tác tại huyện, ông vẫn chăm lo đến phong trào, bà con và các cháu ở thôn, Ông mất năm 1981 tại Phố Lu do tai biến mạch máu não. Con ông từng làm Bí thư Đảng ủy xã ở quê, cũng đã mất.

[5] Trong số đó, còn con cháu ở lại đây có: Đặng Văn Nhỡ, Lương Đức Thân, Lương Đức Dật, Bùi Văn Diêm, Phạm Văn Du. Số về quê có: Lương Đức Thông, Đặng Thị Nguyên, Nguyễn Văn Ngà, Bùi Văn Kịch, Phạm Văn Ỏng; số sang Trì Quang: Đặng Văn Thỏa, Bùi Văn Ngần, Phạm Văn Dâng; sang Xuân Quang: Phạm Văn Đế, Phạm Văn Phước; sang Sơn Hải: Bùi Văn Đồng và chỉ con con cháu!

Danh sách này tôi dựa vào bản thống kê khi chuẩn bị Kỷ niệm 50 năm người Hải Phòng lên khai hoang tại An Phong (1964-2014). Chắc chắn chưa đầy đủ, nhưng biết hỏi ai bây giờ?

[6]  Ga cũ,  sau 1995 nơi đây thành bãi kiểm hoá Cửa khẩu. Thực ra từ "Lào Cai" chẳng có ý nghĩa gì, đó chẳng qua là những chữ được dịch qua, dịch lại khi người phương Tây đến cai trị đã latin hóa tên Hán Việt: từ xưa nơi đây đã có chợ, có phố, có đường nên khi người Hán sang gọi là "Phố cũ" (老 街) mà theo âm Hán-Việt là "Lão Nhai". Người Pháp đến, do không phát âm được các thanh có dấu nên ghi  thành Lao Kay, sau này thời dân chủ ghi là Lao Cai và từ 1955 chính thức mang tên Lào Cai.

[7] Cây cầu này đường bộ, đường sắt đi chung, xây từ 28/3/1898, bị phá trong CT 2/1979 đến năm 1993 mới khôi phục  ( dịp khơi thông mở lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngày 18/5/1993). Ngày ấy, phía đầu cầu bên ta có bảng xây (đối diện của Đồn Biên phòng) trên đó có đắp nổi câu Thơ của Hồ Chí Minh viết rất to trên tường: “Mối tình Hữu nghị Việt –Hoa, Vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

[8] Phố Phan Bội Châu nay, nơi có Đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo  nổi tiếng.

[9] Ngày ấy là cầu treo, đến 1966 mới xây cầu vĩnh viễn và bị phá 2/1979. Sau xây lại, khánh thành ngày 01/5/1995.

[10] Đoạn Tx Lào Cai đến km 9 Bản Phiệt bị bỏ từ 2/1979 đến 1993.

[11] Khi đường QL4 được TQ giúp nâng cấp, nắn lại năm 1966 thì đó là Km 36.

[12] Ngày ấy là vượt đỉnh đồi, sau bà con hạ dần và lần thứ tư là con đường rải beton hiện tại.

[13] Cuộc ly hương này giống tiền nhân ở chỗ đều là những người kiên gan, đi tìm đất mới vì sinh kế. Nhưng khác với cuộc đi mở cõi về phía Nam của người dân Trung-Bắc hồi thế kỉ XVI-XVIII và của Tổ Lương tộc đến Cao Mật hồi thế kỉ XVIII là những cuộc di dân phần lớn tự do, dân đến lập ấp, lập làng rồi nhà nước mới quản lý. Còn cuộc khai hoang của người dân An Phong là vì sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa miền núi do Nhà nước chỉ đạo, có kế hoạch và tên làng do lãnh đạo định từ quê gốc, có từ khi họ chưa đặt chân đến vùng đất mới.

[14] Các cụ cao tuổi địa phương kể rằng trước có người bị hủi, gia đình đưa lên khu đồi này chất củi và đốt. Do vậy khu rừng này không ai vào nên rất nhiều cây to. Từ sau 1979 “nỗi sợ” đó không còn nên rừng đã bị phá.

[15] Cây giang thuộc họ tre nhưng không vươn thẳng mà nằm là mặt đất và phát triển rất đặc biệt: măng mọc xa gốc mẹ; khi cây giang già thì từ mấu mọc lên một cành và cành này phát triển thành cây cấp hai, cứ thế tiếp tục tạo nhiều tầng nấc nên việc chui trong rừng giang rất khó khăn.

[16] Hồi ấy trồng lọai sắn 2 năm mới được thu hoạch, nhiều nhà không có lao động sắn chẳng có mà ăn.

[17] ngày 19 tháng 01 năm 1965 Bộ Nội vụ có Nghị quyết Số: 18-NV Chia xã Sơn Hà thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai thành hai xã:

- Xã Sơn Hà gồm các thôn Khe Mụ, Làng Chưng, Tả Hà, thôn Trà, An Hồng, An Thắng, An Trà.

- Xã Sơn Hải gồm các thôn Tân Lập, Cánh Địa, Cố Hải, Soi Chát, Đồng Hầm, An Tiền.
Nơi cô tôi ở hồi đó là Đội An Lão, nay là thôn An Tiến, xã Sơn Hải.

[18] Quyết định số 307/QĐ-NV ngày 20/9/1966 của Bộ Nội vụ chia xã Phong Niên thành 2 xã với ranh giới tại Km 30+600, là đường phân thủy giữa lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Chẩy.

Phong Niên có 7 thôn, gồm: Tân Phong, Tân Thắng, Cốc Tủm, Cán Hồ, Làng Cung, Cốc Sâm và An Hồ.

xã Phong Hải có 8 thôn, gồm: Tiền Phong, Tổng Gia, Ải Dõng, Ải Nam, Cống Hồ, Vĩnh Phong, Vi Quang và Tam Thắng. Sau này, từ ngày 23 tháng 2 năm 1977 lập thành Thị trấn Nông trường Phong Hải. Trớ trêu là từ 2021 lại được công nhận “thuộc vùng 3”!

[19] Do lực lượng của ta phải tập trung xây dựng ATK.

[20] Thực ra Huy hiệu chúng tôi dùng đánh đáo, họa báo tuyên truyền về Cách mạng văn hóa 文化大革命, về Người cầm lái vĩ đại 伟大舵手, về “Chủ nghĩa xét lại hiện đại của LTK”, về người kế tục Lâm Bưu, rồi lại “Phê Lâm, đả Khổng”..dùng bọc sách còn bìa trước tác làm ví!

[21]  Bài Ca ngợi mối tình Việt-Trung của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991): Việt Nam-Trung Hoa: núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông. Bên sông tắm cùng một dòng Tôi nhìn sang đấy anh nhìn sang đây! Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng. A á ! ...Chung một ý, chung một lòng. Đường ta đi hồng mầu cờ thắng lợi. A, á! Nhân dân ta ca muôn năm: Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông...” . Lời Trung là: "Việt Nam Trung Hoa sơn liên sơn, giang liên giang, cộng lâm Đông Hải ngã môn hữu nghị tượng triều dương..." (越南中花山联山,江联江, 共临東海们友誼像朝扬) hay Bài “Ra khơi nhờ tay lái vững” ca ngợi Mao Chủ tịch, tôi nhớ lõm bõm và ghi lại theo cách phát âm, không phải là phiên âm:”Tá hà hang chinh  kháo thô sơ, Vàng chư khuân tràng kháo thải giằng...”. Sau này tôi được biết nguyên văn bài hát người Trung hát  là: “Dà hǎi háng xíng kào duò shǒu, wàn wù shēng cháng kào tai yáng...” mà dịch sang lời Việt sẽ là: “Lướt trùng dương ta vững tay chèo lái, Ngàn cây xanh nhờ ánh mặt trời...” hay bài khác, bọn tôi cứ hát đại theo: “Tung pháng hồng, Thái già sân, Trung Hoa rứ min cứ Mao Trừ Tung.” sau này được hiểu là : “Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Hoa dân ta có Mao Trạch Đông...”

[22] Lứa các em tôi cũng từng được PLA cõng qua suối khi lũ về, trẻ bé không lội qua để đến lớp được.

[23] Đây là một tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia dài gần 190 km chạy bên bờ tả ngạn sông Hồng từ ngã ba thị trấn Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đến ngã ba Bản Phiệt tỉnh Lào Cai, hiện đang đang được cải tạo và nâng cấp lên tiêu chuẩn đường cấp 4.

[24] Sau khi thi trượt ĐH, 1973, Hùng về quê làm công nhân, lấy vợ là Tuyết cùng quê rồi nhập ngũ. Khi xuất ngũ về làm tự do ở Thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Tây. Hiện đã lên chức “ông” và vẫn ở Phú Minh.

[25] Từ năm 2018 chuyển khỏi đường Hoàng Liên ở địa phận phường Cốc Lếu và bắt đầu 2020 một Chung cư mới đã mọc lên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!