[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


22 tháng 7 2021

MỘT THỜI CỰC KHỔ, bắt đầu xa nhà

Tháng 9/1970-5/1973: tôi học Cấp III tại Phố Lu, huyện Bảo Thắng - cách nhà tôi hơn 10 km đường rừng và đường liên huyện. Đây là Khoá 5 của Trường, còn từ lớp 2 đến lớp 7 tôi toàn học khoá 1 của Trường mình học. Trong số 17 đứa TN Cấp II Phong Niên[1] chỉ tôi và Hùng[2]  theo học tiếp phổ thông. Tôi vào thẳng,  Hùng phải thi đầu vào và khi đó trường chỉ là vách đất, ở vị trí gần bây giờ.

Thầy Phan Mạnh Quân và Bùi Văn Tôn viếng cha tôi, 1997

 Theo sự chỉ đạo của anh Dũng (anh trai Hùng) bọn tôi vào rừng (ngay Km 2) lấy vầu, nứa dựng 2 gian nhà ở, 1 gian bếp trên đất của Ủy ban Nông nghiệp (tương tự Phòng Nông nghiệp huyện sau này) để ở (chỗ Nghĩa trang PL sau này). Chủ nhiệm 3 năm học là thầy Phan Mạnh Quân (GV Lí)[3].

Ngày ấy, Chủ nhật về, bố mẹ tôi chỉ cấp gạo. Còn thức ăn bọn tôi tự lo, từ việc trồng rau, nuôi gà, lợn, lấy củi bán cho bếp tập thể UBND huyện,...

Không có tiền và theo bối cảnh chung lúc đó, chúng tôi ăn uống rất cực. Có lần phải đi “xin” cả muối, mỡ ở bếp tập thể và hái lá sắn, ngọn rau ở vườn mà chẳng “kịp” hỏi ai. Bù lại, ngày đó con người rất tình cảm:  thầy Quân cho tiêu chuẩn Mì chính, bà Mai (mẹ chị Bảo tức mẹ vợ anh Trương Kim Minh mà sau là Giám đốc Sở GD ĐT Lào Cai, nay hưu ở Hà Nội), bà Trình (sau con Trai cả của cụ là bố vợ em út Luận của tôi)...gọi cho rau...

Bọn con trai hay tập trung tại chỗ chúng tôi nô đùa,  nhiều khi quá khuya bị các bác,  các chú UBNN huyện (ở tập thể cơ quan) nhắc nhở. Đầu lớp 8, khi nhập học có 54, đến lớp 10 chỉ còn 19 do một số đúp, số bỏ, số đi bộ đội[4].

Tôi là cán bộ lớp, luôn về muộn,  Hùng lại ham chơi nên có buổi tôi về thấy bếp vẫn nguội, tôi bỏ đi và nhịn luôn. Nhưng 2 đứa không cãi nhau to bao giờ. Năm lớp 10 có Minh[5], em gái Hùng lên cùng học. Đến cuối 1971 anh Dũng đi bộ đội[6] nên sự học của anh em Hùng-Minh có giảm.

Tuy chiến tranh không lan tới đây nhưng 3 năm học cũng sơ tán đến 3 lần, vào Khe Mon (km 2), Khu Lò Gạch (km 1). Nhớ nhất là trận lũ năm 1971 nước sông Hồng ngập cả PL, đến tận Km 2;  sau lũ đường tầu, các ruộng thấp lấp kín phù sa và học sinh chúng tôi cũng được huy động đi “sơ tán” đồ hàng của cửa hàng Bách hóa, cửa hàng lương thực, của nhân dân..

Về học tập, tôi vẫn đứng đầu lớp về các môn và thường thay các thầy cố bộ môn hướng dẫn giải bài tập cho các bạn nhưng mãi năm lớp 9, ngày 20/11/1971 tôi được kết nạp vào Đoàn.

Ỏ An Phong, hồi này hổ lại về, đi lưng đồi dọc xóm[7]. Mỗi tối thứ 7 ở nhà,  bọn tôi phải khua nồi, gõ sắt ầm ĩ, đi làm và mỗi bận đi về vào thứ 7 đều rất lo. Hồi ấy từ nhà ra Phố Lu đi tắt qua một xóm người Dao Tuyển 5 hộ (trong đó có 2 hộ vốn trước ở La Cà Bốn[8]). Mấy hộ này khi Phân trại cải tạo K4 về đóng thì chuyển đi. Người Dao hiếm con, khi các ông này chết, xóm Xuân Đâu (thuộc xã Xuân Quang) coi như xoá. Đây là thời kỳ gia đình tôi chuyển sang khu đất bên kia suối, vị trí mà hiện nay gia đình Thuộc đang ở[9]. Nhà khá to, hôm dựng bị gẫy rui cái. Nhà này đã cháy trong CT 79.

Sang Học kỳ 2 lớp 10,  trường từ nơi sơ tán về vị trí cũ và chuẩn bị làm Hồ sơ đi chuyên nghiệp và ôn thi. Thi TN cấp III tôi được 30 (Toán, Lí, Địa 8, Văn 6) thế mà cao nhất tỉnh ! 6 bạn trượt. Nhưng buổi chia tay cũng được diễn ra vui vẻ,  tôi nhận Bằng tốt nghiệp trường phổ thông số 461 do thầy Trần Long, Q/Trưởng Ty Giáo dục Lào-Cai ký ngày 20/8/1973[10].

Ngày ấy không có việc đăng kí nguyện vọng thi vào ĐH mà do Ban Tuyển sinh huyện tự áp đặt. Vì nhu cầu cán bộ, tôi và Lê Động được xếp thi ĐH Lâm nghiệp (ở Quảng Ninh),  Lê Căn thi Y,  còn lại là Sư phạm. Nhưng từ cuối HK 2 Ty CA Lào Cai đã về chọn và lấy tôi (cùng Hậu, con ông Hành-GĐ nông trường Phú xuân) đi ngành. Hồi đó CA chưa thi riêng và cũng chưa có kiểu phải “luyện thi ĐH” như sau này! Gọi là ôn thi nhưng Hùng ham chơi,  tôi thì thấy kiến thức đã vững,  cũng ít học. Người giúp chúng tôi nhiều dịp này là Thu Hoà[11] .

15/9/1973 từ Phong Niên, tôi lên tập trung tại Ty CA Lào Cai (phố Quy Hoá sau này). Trước đó, tự mình lên xã, ra huyện cắt khẩu, xin xác nhận gia đình thuộc diện thiếu đói, không phải bán lương thực cho Nhà nước. Lên đến nơi mới biết, ngoài tôi,  Hậu ở Bảo Thắng ra còn có Hồng (Sa Pa), Thanh, Khanh, Pìn (Bát Xát), Tạng, Khuề (Tx )[12]. Hai ngày sau chúng tôi xuôi Hà Nội và đây là lần đầu tiên tôi đi xa như vậy, kể từ khi theo gia đình từ Hải Phòng lên khai hoang tại Lào Cai, 2/1964.

Sáng 19 tới Ga Hàng Cỏ (hồi đó chưa có ga Trần Quí Cáp) lếch thếch ra bến xe Kim Mã chen nhau mua vé đi Sơn Tây. Tới ST không chen mua được vé, bọn tôi hành quân bộ cả đêm lên Suối Hai rồi đi tiếp vào Bất Bạt (T18). Hồi đó Sơn Tây nổi tiếng vì “gái Hà Nội, Bộ đội Sơn Tây” nên việc mua vé xe rất khó.

Hồ Suối Hai

Ngày ấy Trường mang tên Trường Cảnh sát nhân dân được thành lập từ một Khoa của Trường CANDTW ngày 15/5/1968 trên làng Phong Vân. Lúc đầu nhà trường chỉ có 5 Khoa, 3 Phòng với 153 cán bộ, trong đó có 43 giáo viên với trình độ trung học, số ít người có trình độ đại học hoặc tương đương, 1.789 học viên từ mọi miền, với nhiều mức trình độ văn hoá về theo học. Đóng quân trên địa bàn rừng núi xa xôi,  cơ sở vật chất rất nghèo nàn với những dẫy nhà tranh, tre, nứa,  lá ít ỏi của Trường Sơ cấp CA cũ.

Sau đó trường được tiếp quản cơ sở vật chất của Trại giam Suối Hai, bắt tay vào xây dựng nền móng ổn định. Nhưng do mức độ ác liệt của chiến tranh,  trường liên tục phải sơ tán ra nhiều nơi ở Tri Phú, Ba Trại... Biết bao khó khăn chồng  chất.

Tuy trụ sở của trường ở Suối Hai. Nhưng cơ sở thì rải khắp. Học không vất lắm, nhưng ăn, ở thì rất cực, thiếu thốn đủ thứ, sinh hoạt thì lộn xộn,  nhốn nháo. Chơi không có chỗ, dân thì nghèo. Bên kia sông là Thanh Thuỷ, cũng nghèo chả kém. Lần đầu tôi được ngủ giường tầng và biết đến cây Sở, đến việc gọi “xôi đao” nghĩa là “sắn nạo nhỏ rồi đồ lên”. Ăn ít đã đành nhưng đầu ra và tắm rửa cũng rất cực. Tất cả đều dùng “chùa” của dân! Ngủ thì giường tâng, mỗi A một gian!

Sau Tết, lớp K17 D chúng tôi từ Bất Bạt chuyển về cơ sở chính (T17 ở bờ Hồ Suối Hai) việc ăn uống, vệ sinh, tắm rửa có khá hơn. Thỉnh thoảng đi chơi chợ Ba Trại,  Chợ Nhông,  huyện lị Quảng Oai. Gần hồ nên mùa rét khá lộng gió. Nhiều người tiếp bị ghẻ, hắc lào hành hạ. Sức trẻ mà ăn uống quá kham nên có người[13]  trong phiên gác đã tổ chức viecj lấy trộm ngô bung chia cho các bạn, bị kỉ luật.

Khi có chủ trương cho ôn thi ĐH (5/1974), tôi ghi danh. Lúc đầu cả khối có 300, sau chọn được 120, rồi còn 60. Vừa học nghiệp vụ, vừa ôn. Tôi và Phạm Lê Văn (người Thái Bình, sau này là Cục phó V28) đăng kí Khoa VTĐ trường ĐHBK.

Hôm thi, tôi ở nhà cậu Đào Văn Siêu (139 Phố Lê Lợi, Tx Sơn Tây). Đây là người cậu bên họ ngoại của mẹ tôi (bố cậu là anh ruột bà ngoại tôi, cụ Đào Thị Thẩn, 1885-1947), gốc Mông Tràng Hạ,  bỏ quê đi Yên Bái rồi về Sơn Tây đã lâu. Cậu làm nghề gò nguội; có 4 gái và 1 trai. Hôm tôi tìm đến,  cậu không nhớ tên mẹ tôi,  nhưng lại biết bố và chú tôi, vì 2 làng ở quê gần nhau[14]. Kết quả 3 môn (Toán, Lí, Hoá) được 23, 5 điểm. Nhưng không đủ SK để đi NN, có Vũ Xuân Hoà đi.

Tháng 8/1974 chúng tôi được chọn đi lao động XD Lăng Bác, vì không có chuyên môn nên chỉ có việc cạo rỉ sắt các cây thép cốt Beton,  nghỉ trưa tại thềm nhà Quốc Hội, tối về ĐHAN ngủ. Gần cuối đợt trong một trận mưa ngập bọn tôi xuýt kẹt dưới tầng ngầm của Lăng. Khi hoàn thành nhìn trên mặt đất Lăng và 2 cánh gà hai bên là 3 khối riêng biệt. Thực ra dưới lòng đất 3 khối đó thông nhau,  có bức tường Beton dầy đến hàng mét. Cuối đợt,  tôi được Ban chỉ huy Công trường 75808 khen thưởng.

Trong những  năm 1973, 1974 có 4 hộ ở Hải Phòng:  ÔB Chập,  ÔB Hội[15],  ÔB Hưng (họ hàng với thím Bính),  Dì Tương (em ruột mẹ tôi) lên tự túc,  5 hộ ở Nam Hà:  ÔB Sơn,  ÔB Thất, Bà Uý[16],  Anh Hằng lên khai hoang ở gần xóm nhà tôi, làm khu này thêm đông đúc hơn. Và từ đây, do bận học, tôi ít về nhà nên những biến đổi ở đây cũng nắm không chắc.

Theo quyết định của Bộ[17],  những người đỗ trên 19 điểm đều vào học tại Đại học Quân y (dù thi khối A hay B). Thế là ngày 18/9/1974 tôi cùng 19 bạn nữa tập trung tại C500. Trường này được thành lập ngày 25/6/1946 với tên gọi: Trường Huấn luyện Công an trung cấp. Trong KC chuyển lên Việt Bắc đến 1953 đổi thành Trường Công an Trung ương. Hoà bình về Hà Đông thành Trường Sĩ quan An ninh (C500) và từ 22/7/1964 trường được công nhận là trường đại học của ngành công an (theo Quyết định số 111/CP). Từ năm 1981 chính thức mang tên Trường Đại học An ninh[18],  có trụ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây chúng tôi được nghe ông Vụ phó Vụ TCCB Quách Quí Hợi phổ biến giao nhiệm vụ.

K69 ĐHQY ngày ấy

20/9/1974 chúng tôi từ ĐHAN hành quân bộ đến Đại học Quân y (3Km mà phải hỏi thăm!), bên bờ Nhuệ Giang vào học Khoá 9 (với mật danh là 69). Trường này từ 1981 là Học viên Quân y và mật danh khóa học cũng đổi nên khóa tôi học là Dài hạn 9 HVQY (thay cho K69 ĐHQY vẫn gọi trước đây).

Một trang đời mới dài hơn 6 năm (từ 20/9/1974 đến 10/3/1981), chi phối cả cuộc đời, sự nghiệp của tôi đến tận bây giờ, bắt đầu!



[1] Tháng 7/1969, trường Cấp II Phong Hải và Xuân Quang hợp nhất. Phong Niên ở giữa được chọn là nơi đặt trường. Nơi đấy là Km 33+400 đường QL4 (sau là Hữu nghị 7 rồi Quốc lộ 7). Thầy Nguyễn Văn Tiếp,  người Nghệ An làm Hiệu trưởng; thầy đã mất năm 2002 do bệnh.

 Tôi lại được đi học gần hơn. Hồi nay đã ra vẻ Trường Cấp II thực thụ vì có đủ 3 lớp. Khoá lớp 7 đầu tiên đó của 3 xã có 22 học sinh, toàn đứa to ngộc, tôi thuộc loại nhỏ con nhất, nhưng vẫn đứng đầu về học tập.

Đúng khi tôi thi TN C2 thì mẹ sinh Lương Đức Luận. Sau khi thi TN cấp II một số trượt ở nhà XD gia đình (như Doanh, Hồi, Đức, Chiều...) 4 bạn đi Sư phạm (Đạm, Lan, Nhẫn, Bình). Trong đó, sau này có Nhẫn là khá nhất (từ 1998 là HP trường Cốc Lếu; chồng là lãnh đạo thị xã rồi cấp phòng HĐND tỉnh, các con đều đã TN ĐH trong đó con cả từ 2020 là Chủ tịch UBND tỉnh), 3 bạn đi CAVT là Thức, Hoàn, Bắc. Một số đi bộ đội  đã xuất ngũ về làm tự do tại Tf Lào Cai như Vượng, Trư.

[2] Phùng Thế Hùng (Việt kiều từ Thái Lan về, có anh tên là Dũng công tác tại UBNN huyện) cùng học với tôi tù lớp 7 ở Phong Niên. Sau khi thi trượt ĐH, 1973, Hùng về quê làm công nhân,  lấy vợ là Tuyết cùng quê  rồi nhập ngũ. Khi xuất ngũ về làm tự do ở Thị trấn Phú Minh,  Phú Xuyên,  Hà Tây. Hiện đã lên chức “ông” và vẫn ở Phú Minh.

[3] Thầy quê Thanh Trì (Hà Nội), người nhỏ nhưng đàn hay, vẽ và đá bóng tốt. Là Hiệu trưởng thứ 2  trường Cấp 3 huyện, sau thầy Nguyễn Kim (GV Toán) rồi chuyển HT trường DTNT cũng của huyện, tiếp về Hà Nội; khi nghỉ hưu thầy vào sống cùng con trai út ở Nha Trang và mất tại đó ngày thứ Bảy 13/4/2019, tức ngày 9/3 năm Kỷ Hợi. Vợ thầy là Lê Thị Nhâm (người Xuân Quang và là chị gái Lê Thị Hồi, bạn học lớp 7 của tôi); Con trai cả thầy là Phạn Vượng, SQAN, nhà ở phố Quang Minh, phía sau nhà tôi thuộc f.Kim Tân, tf Lào Cai.

[4] Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Trọng, Lê Đức Chùng, Đinh Xuân Ngầu. Khi hội trường 2006 chỉ có 3 bạn trở về còn Đinh Xuân Ngầu đã nằm lại dưới chân thành Quảng Trị. Mai Xuân Hải sau trở lại trường học hết Cấp 3 rồi kinh doanh, Lê Đức Trùng học trong Quân đội rồi vào Đại học Bách khoa, Nguyễn Văn Trọng về quê Phú Thọ, đong con.Các bạn đều đã mất trước 2020.

Lê Đức Chùng (sau là PGĐ Sở Điện Lào Cai), mất ngày 20/5/2016 (tức thứ Sáu ngày 14/4 Bính Thân) do trọng bệnh ngày, vợ nay vẫn ở đường Mường Thanh, tf Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

[5] Học xong C3 Minh không đi thoát ly, trở về Phú Minh. Nay đã lên chức “bà” nhưng bệnh nặng, lẫn.

[6] Anh tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp, được điều lên công tác tại Bảo Thắng từ cuối những năm 1960. TRước khi nhập ngũ, anh có yêu chị X, người cùng cơ quan. Sau đó, chị đi lấy chồng và chuyển về Yên Bái năm nhập tỉnh 1976. Chi đã lên chức bà và vẫn ở lại Yên Bái khi tái lập Lào Cai năm 1991.

[7] Nhớ mấy năm trước, hồi còn học Cấp 2 trên Phong Hải, phải đi học sớm, mộtó hôm tôi đi trước không gặp gì, chú Dật tôi đi làm thợ mộc, đi sau thấy con lợn nhà bà Mẽ bị hổ vồ bỏ lại ngay ngang đường. Tối về biết chuyện tôi hoảng hồn nhưng hôm sau vẫn đốt đuốc đi học.

Hồi này, có hôm cả xóm hoảng sợ vì tiếng gầm mang đầy âm khí, sáng ra chúng tôi thấy vết chân Hổ đi từ phía sau hồi nhà bà Hội bây giờ cứ dọc đồi phía trước cửa nhà tôi, qua sau nhà chú Dật, chú Diêm và hồi nhà Nhật đến khu rừng cấm rồi mất dấu. Có lẽ con Hổ đó nhận thức được việc Trại Cải tạo K4 Bộ Công an đóng ở Xuân Đâu (xã Xuân Quang) phát quang rừng, hết chô trú nên đã vượt đường QL 4 sang khu rừng cao Cán Hồ. Đó là dấu tích cuổi cùng của “chúa sơn lâm” tại Phong Niên.

[8] “Na cờ Lao bon”, tức thung lũng nhiều cây bon, địa danh trước 1964 của An Phong.

[9] Nền này sau trận cháy 1979 Thuộc ở rồi khi Thuộc chuyển ra TTCN thì bỏ không, xây nhà khi chuẩn bị hưu, 2018.

[10] Trong số những bạn Tốt nghiệp có Tý, Mưa, Lục đi Sư phạm; Căn, Hòa vào Y; Động đi Lâm nghiệp; Mến, Hậu vào Công an còn lại ở nhà sản xuất.

- Ở các tỉnh: Ngô Thị Vân (tf Hồ Chí Minh), Vưu Thắng Lợi (Quảng Nam), Lê Văn Động (Lâm Đồng, đã mất 2017), Nguyễn Thị Lý (Hà Nội, mất liên lạc), Phùng Thế Hùng (Hà Nội), Nguyễn Thị Tý (Yên Bái).

- Ở thành Phố Lào Cai: Phạm Hồng Thạo, Lương Đức Mến, Lê Trung Căn.

- Ở Bảo Thắng: Trần Thành, Phùng Thanh, Trần Thị Băng, Đỗ Thị Mưa, Ngô Xuân Lục, Phạm Văn Chúc, Lê Đại.

[11] Sau khi TN Trung cấp Y tế, TTH về BV Bảo Thắng, rồi học Chuyên tu, chuyên khoa lại về BV huyện. Khi tái lập Lào Cai  là PGĐ TTKHHGĐ Lào Cai, có chồng là anh Diệm, nhà ở Kim Tân. Mất 28/6/2021 (19/5/Tân Sửu) sau một thời gian đau năng do K buồng trứng!

[12] Sau này:  Khanh là Phó Viện trưởng Viện KHHS,  Hậu ở H 18 nghỉ hư tại Hà Nội, Thanh ở CA Tx Lào Cai nghỉ hưu tại f Kim Tân, tf Lào Cai,  Khuề ở CA tỉnh Yên Bái đã hưu tại Yên Bái,  Hồng ở Miền nam,  Pìn chuyển CA Văn Yên rồi ra khỏi ngành,  Tạng chuyển ngành sang Sở GD và đã chết do TNGT.

[13] Vương Khả Nhâm, quê Nghệ An, sau này là BS của Trại CTTW ở Quảng Nam rồi về quê làn Giám đốc TTYT huyện, TTUT.

[14] Năm 1966 Phương Lạp làng tôi với Mông Tràng Hạ bên cậu nhập thành thôn Phương Hạ. Từ lâu lắm tôi chưa tìm gặp lại gia đình cậu bao giờ.

[15] Ông Lữ Văn Hội sinh năm 1929 tại Bình Trung, Bình Sơn, Nghĩa Bình. Đi bộ đội năm 1949, tập kết Bắc đến  1958 lấy bà Lê Thị Chỉ, là người Hạ Lũng, An Hải, Hải Phòng và xin phục viên sống tại quê vợ. Vợ Thuộc là con gái lớn ông bà. Ông mất 1983 vì bệnh trọng.

Ông Đào Văn Chập là đồng hao với chú ruột tôi, cũng người Hạ Lũng. Lên An Phong ông bà ở khu vực nhà bác Thông đã về quê từ 1969. Ông Chập mất 26/12/2020 (13/Một/Canh Tý).

[16] Lập ra HTX trông cây ăn quả Hải Phong. Các OB đó đều đã mất trước năm 2020.

[17] Hồi đó, ngành CA có kế hoạch xây một BV “kiểu mẫu” trên Tam Đảo . Bọn tôi thuộc diện đào tạo cho kế hoạch này: mỗi khóa 20 người, 5 khoá đủ 100 nên theo quyết định của Bộ, những người đỗ vào Đại học đều vào học tại Đại học Quân y (dù thi khối A, C hay B) để vừa có kiến thức, bằng Bác sĩ lại được rèn luyện trở thành sĩ quan trong LLVT, trở thành Đảng viên của ĐLĐVN (sau là ĐCSVN).

Nhớ rằng: Giai đoạn 1975-1998 Bộ Công an (thành lập năm 1953) đổi tên thành Bộ Nội vụ (từ ngày 06/6/1975 bởi Quyết định của Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa V), sau đó theo Nghị quyết số 13/1998/NQ-QH10 ngày 07/5/1998 lại trở lại tên Bộ Công an cho đến nay.

[18] Từ 2001 là Học viện An ninh nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!