[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


30 tháng 7 2021

10 NĂM Ở THỊ XÃ YÊN BÁI TRONG TỈNH HOÀNG LIÊN SƠN

 Kể từ ngày hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, 27/12/1975[1] tới khi tách ra 2 tỉnh, ngày 12/8/1991[2] là 15 năm nhưng đến 1981 tôi mới chuyển lên tỉnh nên chỉ kể chuyện 10 năm (1981-1991).

Có thể tóm tắt chặng đường này là: tìm hiểu, lấy vợ sinh con, ở tập thể; bắt đầu đời công tác, bước vào quan trường, làm nên thương hiệu!

Sau khi nhận BẰNG TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC, ngày 10/3/1981, 20 Bác sĩ chúng tôi rời trường ĐHQY về Viện Khoa học hình sự[3] học bổ túc nghiệp vụ và làm việc. Sau một thời gian tôi xin về Hoàng Liên Sơn, và được chấp nhận[4].

 Ngày 29/9/1981, từ Hà Nội lên, tôi đến Phòng Tổ chức Chính trị CA HLS nộp Quyết định. Đến 21/10 nhận công tác tại Phòng CS Điều tra xét hỏi-Khoa học hình sự và bắt đầu đời công tác[5]. Đúng là:

Yêu vùng quê mới khai hoang,

Rời Viện, trở lại tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Khi đó, tỉnh Hoàng Liên Sơn đã ổn định có tới 17 huyện, thị với tỉnh lị đặt tại Thị xã Yên Bái[6]. Trong LLCA, Bộ Nội vụ[7] có Quyết định số 339/NV-QĐ ngày 28/01/1976 thành lập Ty CA Hoàng Liên Sơn và đó là thời kỳ CA cấp tỉnh có nhiều cấp phó nhất[8]!. Trong quyết định này Ty CA có 20 phòng, ban. Bộ phận Kỹ thuật hình sự thuộc Phòng Trinh sát kĩ thuật và là lực lượng An ninh.

 Khi tôi về nhận công tác, lực lượng CA đang triển khai học tập và thực hiện Chỉ thị số 92/CT ngày 25/6/1980 của Ban Bí thư về “xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”,  Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 21/12/1980 của Bộ Chính trị về Nhiệm vụ bảo vệ An ninh, Trật tự trong tình hình mới và được tổ chức lại theo Nghị định 250/CP  ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ về Nhiệm vụ, quyền hạn,  Tổ chức bộ máy của lực lượng CAND nên từ 25 phòng còn 18 phòng với 2 Ban Chỉ huy (CSND và ANND) [9].

Khi đó, lực lượng KTHS chuyển từ AN (PK 67, TSKT) sang lực lượng CS và nằm trong PC 16+21. Phòng ở dãy nhà lá cạnh đường vào xóm, có 30 người do anh Hoàng Sáng là Q/Trưởng phòng[10]. Trong đó Đội 5 (KHHS) có 8 tôi về là 9.

Do HLS là tỉnh rộng,  sau chiến tranh nên đường xá rất xấu do đó mỗi chuyến đi công tác gần như là một “cực hình”. Sau mấy tháng, qua vài vụ án “xếp” đã biết rõ khả năng nên nhìn chung công tác khá thuận.

-Vụ đầu tiên tham gia là vụ khai quật ở Văn Yên. Kết quả chứng minh nạn nhân có chửa và bị đánh vỡ Lách. Thủ phạm (chính là chồng ) đã nhận tội.

-Vụ leo dốc đầu tiên dài nhất là vụ ở Pá Lau, Văn Chấn (5 giờ đồng hồ).

Đầu những năm 80 là những tháng năm toàn dân ta buộc một lần nữa lại cầm súng để tự vệ, đánh trả thắng lợi sự lấn chiếm, cướp bóc dã man hiểm ác của bọn Pôn Pốt tại Biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng; chống trả và đã đánh thắng cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979. Do vậy cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Trên Bảo Thắng, nhà bị cháy trong cuộc chiến 279 chưa làm lại được.

Nhận công tác rồi, tôi vẫn khó quen nếp sống, ăn uống ở tập thể CA tỉnh, nên thường vào và ăn với mẹ con anh Vũ Thanh Bình. Một buổi vào Công ty Dược mua cồn, tôi thấy cổng đề tên cơ quan UBBVBM-TE, đoán chắc Phạm Thị Mến ở đây[11]. Hỏi ra đúng vậy, tôi tìm gặp lại. HM làm ở phòng Nghiệp vụ. Thế mà đã hơn năm xa nhau.

Cuối tháng 12 năm ấy, trời rét. Tôi đi Hà Nội xin vật tư phương tiện cho đơn vị đồng thời cũng giải quyết xong chuyện với Hoa Phượng. Vì có hẹn nên khi HM, Hải từ Yên Bái xuống đã cùng tôi và Đỗ Thế Lộc[12] vào khu chợ Xanh dự cưới Hoàng Thị Thức. Xong việc Hải ngược trước. Hôm trở lại YB (tối 21/12) tôi và HM đã thống nhất được với nhau chuyện riêng tư.

Trở lại Yên Bái, tại Khu tập thể UBBVBM-TE tỉnh, ngày 06/01/1982 chúng tôi bàn việc Cưới. Chuyện này đã viết và lưu lại rồi chỉ chép lại bài thơ viết hôm Thứ Sáu 22/01/1982 (28 tháng Chạp năm Tân Dậu): 

Xuân về thêm đượm Hương say,

Vui lên em hỡi - phút giây tiên bồng.

Khi xưa hôn má em hồng,

Nâng niu anh để làm chồng hôm nay.

Bóc tờ Lịch Mới trao tay:

Đất lề, Quê thói - Đợi ngày Tròn, Vuông.

Sau Tết Nhâm Tuất chúng tôi xuống Yên Bái và bắt đầu cuộc sống mới. Vì điều kiện công tác (tôi đi Biên giới, lúc về HM lại đi cơ sở, lúc 2 đứa ở nhà lại không đúng ngày) nên mãi 10/9/1982 chúng tôi mới lấy Giấy công nhận kết hôn (8 tháng sau cưới, lúc đó đã chửa Huyền Thương được hơn 3 tháng !).

Xin được một gian tập thể, ghép 2 giường cá nhân,  bàn ghế cơ quan, thiếu thốn đủ thứ, 2 bên không ai chi viện gì[13]. Từ tháng 2/1982 đến khi rời Yên Bái về Lào Cai (tháng 10/1991) chúng tôi chuyển chỗ ở 2 lần. Khi UBBVBMTE nhập vào Sở Giáo dục đào tạo (1986) thì HM chuyển sang đó, ở Phòng Mầm non

Do cuộc sống khó khăn và theo trào lưu lúc đó, tuy bận và làm việc xa nhà chúng tôi vẫn nuôi lợn, trồng rau và coi đó là một thú vui, còn cơ quan lấy đó làm tiêu chí đánh giá cán bộ.

Giữa năm 1982, Đại hội Chi bộ PC 16-21  Được bầu vào cấp uỷ phụ trách Thanh niên và được UBND tỉnh bổ nhiệm là Uỷ viên Thường trực kiêm Thư kí Hội đồng giám định Pháp y tỉnh.

Sau đó, tham gia Chuyên án điều tra vụ hung thủ giết cả gia đình 8 người nhà Đ Q H (xảy ra 13/8/1982 tại Đội 5, Bản sen, Mường khương) là chuyên án (882S) dài và đi lâu nhất. Vụ này cũng đã có bài thuật lại rồi, nay tóm tắt thế này: KNHT (tại nhà có xác em gái và 4 con anh H) ngày 18/8 thấy các nạn nhân đều bị giết bởi hung khí sắc, lực chém mạnh (chính là con dao phát của gia đình còn dựng ở góc nhà, nhưng do nhiều lý do mà không hề lấy để GĐ dấu tay và dấu máu !). Hồi đó mới về thấy có ý kiến cho là “ma chài” rồi lại “chính trị” tôi chưa biết thế nào. Vụ án gần như bế tắc. 2 tháng sau,  khi huy động tổng lực CA, BĐ, DQ, HS... truy tìm đến 08/10 mới tìm thấy xác (các đống xương) vợ chồng và con lớn anh Hào trên rừng khe Lũng Tây, khám tiếp.Tìm thấy dấu vết do bị đạn bắn tầm gần, và rất may là tìm thấy vỏ đạn. Một mình vừa chụp ảnh, vừa làm nhiệm vụ GĐPY (đâu có đông như bây giờ). Từ các vỏ đạn đó đã truy ra 2 khẩu súng AK MA4346 và 1965796 của C18 bắn ra. Từ đó BCA bắt H, P (Dân Đội x) và V, B, K (C1y). Từ lời khai P  truy tìm tang vật thu được Đài, bộ quần áo mà bọn chúng lấy từ nhà anh H. Quá trình ĐT kéo dài, nhiều vật chứng, tài liệu bị thất lạc cộng với nhiều nguyên nhân khác (...) mà  đến 1988 các đối tượng, sau khi chuyển về Cục ĐTHS-BQP vụ án lại phải đình chỉ và các đối tượng được thả ra (!). Phải nói đây là vụ án lớn,  có nhiều bài học bổ ích. Rất tiếc chưa ai chú ý rút kinh nghiệm.

Vì thiếu cán bộ nên phải đảm đương tất cả các lĩnh vực giám định. Chính vụ 882S và sau này là việc qua dấu tay, tìm ra tung tích nạn nhân vụ 7 người bị giết ở bờ sông Xanh (MK) đã giúp tôi khẳng định được chỗ đứng của mình.

Có thể nói từ sau khi tôi và Vũ Bình (ĐHCSND) về (năm 19980) thì Phòng KTHS mới thực sự có làm công tác giám định. Trước đó chỉ là KNHT.

15 giờ ngày 28/02/1983 (tức 16 tháng Giêng Quí Hợi) vợ sinh Huyền Thương tại BV tỉnh HLS. Một mình, chẳng nhờ được ai. Tự xoay cả. Mệt:  căng nhất là khoản nước:  phải xuống chân đồi cách 50m gánh ngược dốc. Điện lại không có .Mọi việc đều tự xoay, mọi thứ đều hiếm !Nhưng vui đáo để: 

Bao ngày khao khát ước mơ,

Đợi giờ làm Mẹ, đợi giờ làm Cha.

Đón con Cha nựng Bông Hoa,

Công Mẹ mang nặng ngót Ba trăm ngày…

Tháng 7 năm 1983 phong hàm Trung uý (trước 1 năm so với 20 bạn cùng học). Tham gia Kế hoạch C98 (từ tháng 11/1982) và cùng với thành tích khác đã đạt Chiến sĩ Thi đua nhưng đi công tác liên miên, có lần gần tháng. 

  Tháng 4 /1984, sau thời gian 2 tháng tham gia “Ban lãnh đạo”[14],  được đề bạt Phó trưởng Phòng PC 16-21 phụ trách mảng KHHS. Vốn tính thẳng lại về công tác khi đã nhập tỉnh xong, không vướng vứu gì chuyện “bè cánh”, cục bộ giữa 3 tỉnh cấu thánh nên không mắc gì vụ “kiểm điểm” hồi 11/1984 và sau đó cả!

Sang năm 1985, khi tách phòng chuyển sang PC21[15] và đã lập thành tích trong điều tra vụ Giết người, cướp của xẩy ra tại Cao Sơn, Mường Khương. Vụ này cũng đã được thuật lại rồi, ở đây tóm tắt thế này:  Chiều 03/02/1985 tại khu vực bờ sông Chẩy thuộc địa bàn xã Cao Sơn, huyện Mường Khương có 2 toán đi ngược chiều nhau và gặp nhau tại đây: Toán 4 người đi từ phía Biên giới xuống, toán 3 người đi từ hướng Cao Ly (huyện Bắc Hà) sang. Đến tối người dân làm nương quanh vùng nghe nhiều tiếng súng nổ ở khu vực này và sáng hôm sau phát hiện một xác chết nằm sát mép nước. Hôm sau đoàn cán bộ CA tỉnh cắt rừng đến KNHT.

Mặc dù vụ án xảy ra đã  5 ngày,  hiện trường  xáo trộn,  trải rộng trên một địa hình phức tạp nhưng do khám nghiệm tỉ mỉ nên các cán bộ KTHS đã thu được nhiều dấu vết có giá trị,  đặc biệt là đã lấy được bộ dấu vân tay của một trong 2 nạn nhân (chứ không phải 1 như tin báo) ở HT, nhiều mảnh thi thể của các tử thi khác còn lại ở HT, di vật của nạn nhân như mũ, tiền, vỏ bao thuốc lá, 8 vỏ đạn cỡ 7 ly 62 và đạn súng K54. Chính Bộ dấu tay này được Vũ Duy Kim chuyển về Phòng. Tôi trực tiếp nghiên cứu. Đã lên PC 13 tra cứu, nhưng không được vì khi đó các cặp Danh, Chỉ bản CMND chưa được phân loại, sắp xếp. Về nhà thấy vợ bảo chồng cô L (Nuôi dạy trẻ ở Ga Yên Bái) tên là L đi buôn hàng “tâm lý” mất tích đã lâu, chột dạ, tôi liền lên tàng thư tìm tất cả những người tên Lưu. Ngay Chỉ bản thứ 5 đã thấy  bộ dấu vân tay thu ở HT chính là của Khuất Đăng L,  vốn là công nhân đoạn đầu máy Hà-Lào bỏ việc nhập hội “chân đất” đi buôn thuốc phiện, “hàng tâm lí”, cùng đi có Lê Văn Đ. Sau khi Đ về tay có bị thương và thường ẩn mặt. Từ đầu mối này,  BCA đã điều tra nhóm buôn lậu có mặt tại HT hôm đó gồm 7 người là:  Khuất Đăng L, 27 tuổi, CN đoạn đầu máy Hà Lào; Trịnh Văn P (SN 1958 ở Hà Nam Ninh); Trịnh Văn Đ (SN1962) là em ruột P; Hoàng Trung L (SN1962); Bùi Văn Kh (SN 1955 ở Hải Phòng); Trần Văn Th (SN 1963,  ở Bảo Thắng);  Lê Văn Đ (SN 1958 ở ). Sau này mới hay:   4 tên bị giết đêm 03/2 thì xác Phúc tìm thấy ở phía hạ lưu,  còn 2 không thấy xác. 7 người này đem 8 Kg thuốc phiện luồn theo đường mòn, xuyên sơn sang Trung Quốc bán.

Do có kinh nghiệm từ vụ 882S nên đã đề xuất bắn súng thu vỏ đạn. Kết quả giám định các vỏ đạn bắn từ 123 khẩu súng quanh vùng đã tìm ra khẩu súng K 43 của Hầu Vần Xoá và khẩu CKC của Vàng A Tráng đều ở Sín Chéng (thuộc Bắc Hà) đã bắn ra 7 vỏ đạn thu ở HT. Theo chỉ đạo của BCA,  các TS lại hành quân lên Cao Sơn,   Xín Chéng. Lúc này  Xoá và Tráng đã bỏ lên rừng. Dựa vào quần chúng, bằng các biện pháp nghiệp vụ ta đã bắt được tên Xoá ở một hang  gần biên giới thu trong tay hắn khẩu súng đạn đã lên nòng. Bọn chúng đã khai nhận hành vi giết người cướp của và đã phải chịu hình phạt tử hình.

Thành tích này góp phần để năm đó PC 21 đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” và tôi, người tham gia, đề xuất, trực tiếp thực hiện các phương án giám định đã đạt CSTĐ, được TW Đoàn tặng Bằng khen.

Sau đó, tháng 7/1985 nâng Thượng uý (86, 000đ)[16] và tháng sau vào Nam lần thứ 2 dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh đạo phòng KHHS tại Trường bồi dưỡng nghiệp vụ II của Bộ (T45) đặt tại 250 Nguyễn Chí Thanh, Tf Hồ Chí Minh. Lúc này đã là cán bộ và mặt bằng kinh tế đất nước có khá hơn nên không khốn khó như đợt vào năm 1979. Cuối khoá học được Nhà trường tặng Bằng khen.

Gần cuối năm, vợ sinh Hải Thương ngày 01/11/1985 (thứ Sáu ngày 19/9/ Sửu) vào 5 giờ sáng tại BV tỉnh HLS, con nặng 3, 2 Kg và là bé trai thứ 7 được sinh đêm đó. Không mẹ hay em nào xuống giúp nên rất vất vả.

Tháng 9 đến tháng 12 học lớp Bồi dưỡng Chính trị, nghiệp vụ, Khoa học lãnh đạo (C5) tại Trường ĐHCSND[17]. Thời đó, trường được cấp mặt bằng tại xã Cổ Nhuế, Từ Liêm. Đây là vùng rau của Hà Nội, rất nhiều ruồi. Vừa xây dựng,  vừa đào tạo. SV vẫn học trên Suối Hai, chỉ có bộ phận xây dựng và lớp lãnh đạo nên buồn so. Kết thúc khoá học, với Tiểu luận:  "Sự thống nhất giữa Chiến thuật và Kĩ thuật trong bước điều tra ban đầu một vụ án ở vùng rừng núi có sử dụng súng quân dụng " mà tư liệu chủ yếu lấy từ vụ 882S, nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp số 435 do Đại tá Phạm Minh kí ngày 20/12/1986. Thời kì này UBBVBM-TE đã nhập vào Sở GĐ-ĐT và PTM về Phòng Mầm non. Bí tiền phải bán cả kỉ vật cơ quan tặng!

Thời gian này, tình hình biên giới khá căng, CA tỉnh thành lập Ban Chỉ huy Tiền phương đặt trụ sở tại Phố Lu, nhiều cán bộ được cử lên biên giới. PC21 cũng có lập danh sách song tổ chức không “nhót” ai.

Sau ĐH V (3/1982) và thực hiện việc “cải cách Giá-lương-tiền” (tháng 8/1985 theo NQ TW 8 Khóa V) nên đời sống có khá hơn. Nhưng nền kinh tế - xã hội nước ta lại đứng trước những khó khăn mới.  Tất cả những điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống gia đình và công tác của chúng tôi.

Khi đó, Huyền Thương gửi Lớp Lớn, Hải Thương gửi lớp Nhỡ Trường Mầm non Liên cơ ở Km 6. Nhiều hôm cả 2 bố mẹ về muộn, các cô phải đưa con về nhà cô. Những năm đó tôi ở tập thể cơ quan vợ trên đỉnh đồi km6, phường Yên Thịnh, tx Yên Bái, đi công tác triền miên nên thấm thía thế nào là cuộc sống khó khăn thời “bao cấp” khi lo gạo, lo củi đun, lo nuôi lợn, trồng rau và cả nước sinh hoạt!.

Bén duyên lấy vợ sinh con,

10 năm 4 bận chuyển dồn chung cư.

Giữa lúc đó, chiều 13/6/1988 tôi nhận được điện nói Thím Lưu Thị Bính  (Sinh năm Mậu Thìn-1928 quê thôn Hạ Lũng, An Hải, Hải Phòng) mệt nặng. Tôi và Vinh (con út thím, lấy Biên ở Yên Bái) lên ngay đêm đó nhưng lúc đó thím cũng không còn nói được gì. Thím bị bệnh  cao HA, lại mê tín, không chịu uống thuốc, nên mệt. Bà vốn  nhanh nhẹ, hoạt bát, hiểu việc đời, phải cái hơi lắm nhời. Khi lên Lào Cai thím từng làm đội trưởng ĐSX, đại biểu HĐND xã. Thím mất lúc 3 giờ sáng Thứ Tư ngày 15/6/1988 (02-5 Mậu Thìn). Mộ phần đặt cạnh mộ chú. Lúc truy điệu tôi có đọc 1 bài tế mọi người bảo được. Rất tiếc, viết tay hóa ngay sau đọc, nay đã quên. Chỉ còn nhớ đôi câu đối viết trên bức trướng: 

Thay chồng:  nuôi dạy con, tròn đạo Hiếu-Rạng danh dâu Thảo;

Thương con:  chăm sóc cháu, vẹn nghĩa Tình-xứng tiếng mẹ Hiền.

Ngày 30/9/1988 (20/tháng Tám Mậu Thìn) gia đình bố mẹ cưới vợ cho Luân. Trong 5 anh em trai, Luân là người duy nhất bỏ học nửa chừng cấp III do hoàn cảnh gia đình. Vợ Luân là Bùi Thị Hợp, con ông Diêm, người cùng Đội[18]. Trước ngày đón dâu mấy ông anh họ nhà ông Diêm định gây rắc rối, bố bực, 12 giờ đêm mình phải sang. Ông Diêm là người biết điều và mọi việc đều suôn sẻ. Mấy tháng sau, ngày 18/12/1988 (Chủ nhật ngày 10 tháng Một Mậu Thìn) Thức tổ chức tại Công ty thực phẩm Hoàng Liên Sơn. Cô Thị thay mặt gia đình xuống dự. Vợ là Phạm Thị Đào[19].

Cũng năm đó, phòng nhận quản lý thêm Đội Sử dụng CNV từ PC 12 về do đ/c Ngân Kim Hoa làm ĐT nhưng lại chuyển bộ phận Tàng thư CCCP sang PV27[20]. Cũng năm đó, chiều thứ Hai ngày 05/01/1987 Chi bộ PC 21 tiến hành Đại hội lần thứ 2, tôi giữ chức Bí thư[21], đ/c Phạm Thế Hùng: Chi uỷ viên.

Tháng 8 nâng Đại uý với mức lương 390, 000đ. Khi triển khai Nghị định 117/HĐBT (1988) về công tác Giám định tư pháp được Viện trưởng Viện KHHS-Bộ nội vụ Tiến sĩ  Châu Diệu Ái kí cấp bằng giám định viên kĩ thuật hình sự (Cao cấp) ngày 30/4/1989 và được UBND tỉnh bổ nhiệm là GĐV trưởng Tổ chức giám định KTHS và PY tỉnh.

Đây là thời kỳ tham gia điều tra vụ án “Tên cướp khoác áo bạt đen”. Trong vụ này, tên Đào Hữu Dũng bắn chết 4 người, bị thương 1 người tại km6 thuộc địa phận phường Yên Thịnh, tx Yên Bái[22]. KTHS tham gia khá đông người với thời gian dài. Nhiều bài học hay về xử lý tin báo; chỉ huy khám nghiệm, phát hiện, thu lượm, xử lý DV, VC; truy theo “dấu vết nóng”; đánh giá chứng cứ; phối hợp lực lượng; làm án truy xét; cùng viết bài cho báo; truy nã, giam giữ đối tượng; tham gia phiên tòa; ...

        Tháng 5/1990 khi anh Sáng nghỉ hưu, được đề bạt Trưởng phòng bằng Quyết định số 04 do Giám đốc Hoàng Tuyển kí ngày 25/4/1990[23]. Đây cũng là dịp mà các phòng thuộc khối Cảnh sát chia tay nhà cấp 4 cạnh rặng mít[24] chuyển lên nhà xây 4 tầng. PC21 ở tầng 2.

Cuối năm có đợt một số LĐ PC 21 được đi bồi dưỡng nghiệp vụ tại Liên Xô. Phần vì vợ đi chuyên tu, phần vì ngại cái mùa đông nước Nga nên tôi để Hưởng là phó đi.

Thời kì 1989-1992 vợ đi  Chuyên tu tại trường Cao đẳng sư phạm Mầm non TW ở Nghĩa đô, Hà Nội là dịp khá vất vả bởi Huyền Thương mới lớp 2, Hải Thương ở Mẫu giáo lớn lại lo “chuyển tỉnh”. Nhưng rồi mọi việc cũng qua.

Sau gần 5 năm thực hiện đường lối đổi mới do ĐH VI (17–25 tháng 11 năm 1986) đề ra, đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Nhưng trong nước khủng khoảng kinh tế, xã hội vẫn chưa chấm dứt trong khi tình hình thế giới có những diến biến hết sức phức tạp: Liên Xô, các nước Đông Âu tiến hành Cải tổ dẫn đến tan vỡ. Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách quan trọng để đối phó với những khó khăn, thử thách mới. Trong đó có những vấn đề về quan hệ với Trung Quốc liên quan mật thiết với gia đình tôi. Chính tư tưởng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai đã trở thành cú hích thúc đẩy công cuộc đổi mới và sự phát triển toàn diện của đất nước, quê hương và trong mỗi gia đình.

Tiếp theo việc thực hiện Thông báo số 118-TB/TW của Ban Bí thư về việc qua lại của nhân dân 2 bên biên giới Việt – Trung[25], tiến tới bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 01/10/1991, thực hiện Quyết định số 70 của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 8 (họp từ 22/7 đến 12/8) tỉnh HLS được tách thành Lào Cai và Yên Bái. Lúc này Lào Cai (thành lập ngày 01/10/1991) có 8 huyện và 01 Thị xã với 180 xã, phường, thị trấn và một tỉnh nghèo, thị xã tỉnh lỵ hầu như chỉ còn là bãi hoang lau sậy và mìn !

Gia đình tôi trở lên Lào Cai, chia tay 10 năm với 4 bận chuyển phòng ở trong 2 dãy nhà tập thể tại thị xã Yên Bái, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới trên thị xã tỉnh lỵ ngay bờ biên và chuyện đó đã chép rồi, nay không viết lại nữa !

Lương Đức Mến, tháng 7 năm 2021-


[1] Thực chất đến 03/01/1976 mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Than Uyên của tỉnh Nghĩa Lộ (riêng 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên trở về tỉnh Sơn La quản lý).

Ban đầu cũng lắm cái tên đề xuất: Hưng Hóa, Hồng Hà, Yên Lào, Cai Bái Lộ! Sau cùng cái tên Hoàng Liên Sơn đã được chọn với tỉnh lỵ đặt tại thị xã Lào Cai. Nhưng đến 1977 tình hình trỏ lên căng thẳng, ngày 13/02/1978 tỉnh ủy HLS có Báo cáo số 05-BC-TU xin chuyển tỉnh lị về thị xã Yên Bái và đến 8/1978 các cơ quan tỉnh đã chuyển xong từ Lào Cai về Yên Bái.

[2] Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn để tái lập tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái (bao gồm cả phần thuộc tỉnh Nghĩa Lộ cũ):

    Tỉnh Lào Cai gồm thị xã Lào Cai và 8 huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Than Uyên, Văn Bàn.

    Tỉnh Yên Bái gồm thị xã Yên Bái và 7 huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình.

[3] Khi đó Viện KHHS, có mật danh D44 thuộc LLCSAN của Bộ Nội vụ và và đóng ở Tam Đảo nhưng thực chất vẫn làm việc tại nhiều cơ sở ở Hà Nội. Tiền thân của Viện KHHS là bộ phận tàng thư tiếp quản của Pháp ngày 19/8/1945. Khi thành lập Nha CATW (1946) là Ban Căn cước thuộc Ty Chính trị. Sau 1954 là P5 thuộc Vụ Trị an hành chính, tiếp theo là Phòng Kĩ thuật hình sự thuộc Cục Kĩ thuật ( P3-C39) rồi P5 KG3. Đến 19/5/1978 bằng Quyết định số 78/NV-QĐ của Bộ, Viện KHHS được thành lập.

[4] Quyết định số 1767/NV-QĐ ngày 21/8/1981 của Phó Vụ trưởng VTCCB Lê Tân điều động về nhận công tác tại Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn, kể từ ngày 01/9/1981 với trợ cấp chuyển vùng là 150 đ do Viện KHHS cấp.

[5] Quyết định số 69/CA-QĐ ngày 23/11/1981 về nhạn công tác tại Phòng CSĐTXH (PC16-21) kể từ ngày 25/11/1981.

[6] Lúc đầu đặt tại Lào Cai, tới tháng 8/1978, do tình hình biên giới căng thẳng, các cơ quan của tỉnh  chuyển về về Thị xã Yên Bái. Một số xã của Thị xã Lào Cai và Cam Đường nhập về huyện Bảo Thắng; các xã,  phường còn lại của 2 Thị xã này nhập thành Tx Lào Cai mới. Khu vực Cam Đường trở thành trung tâm của thị xã còn Thị xã Lào Cai cũ trở thành "vành đai trắng" không có dân cư trú. Ngày ấy có câu "Lào Cai mất đất, Cam Đường mất tên" là vì vậy!

Từ 02/1982 các tiểu khu Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân nhập vào xã Đồng Tuyển. Đây là các phường phía Bắc tf Lào Cai ngày nay.

[7] Giai đoạn 1975-1998 Bộ Công an (thành lập năm 1953) đổi tên thành Bộ Nội vụ (từ ngày 06/6/1975 bởi Quyết định của Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa V), sau đó theo Nghị quyết số 13/1998/NQ-QH10 ngày 07/5/1998 lại trở lại tên Bộ Công an.

[8] Trưởng ty: Hà Thiết Hùng (sau là Bí thư tỉnh HLS); các Phó ty gồm: Phạm Kham (sau lên Giám đốc), Phạm Ngọc Quỳnh, Trần Ngữ, Trần Vỹ, Phạm Kiểm (sau là Trưởng Ban Nội chính HLS), Giàng Sao Dín (sau là Giám đốc Công an Lào Cai), Giàng Sáy Sinh và đc Tống Chư là Chỉ huy trưởng CAVT..

[9] BCHCSND được thành lập theo Nghị định số 250-CP ngày 12/6/1881 của Chính phủ và Quyết định số 110/QĐ-BNV ngày 20/12/1981 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng không có thực quyền. Về sau theo Chỉ thị số 03/CT-BNV ngày 04/5/1992 của Bộ trưởng BCHCSND được bãi bỏ.

[10] Anh Nguyễn Hoa, Trưởng phòng đang đi học nghiệp vụ tại tf Hồ Chí Minh. Ngoài anh Sáng, bên ĐTXH có các anh Bùi Khuể, Phạm Kim Viện và Đặng Xuân Đạnh.

[11] PTM ra trường tháng 10/1980 về công tác tại Phòng nghiệp vụ, UBBVBMTE tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi đó đóng ở đỉnh đồi KM 6.

[12] Trước khi nghỉ hưu là Thiếu tướng, Giám đốc BVYHCT của BCA

[13] Đến lúc Huyền Thương 3 tháng tuổi mới đóng chiếc giường đôi đầu tiên. Lúc Hải Thương 4 tháng mới đóng thêm một giường và một tủ.

[14] Đây chắc là “sáng kiến” của Giám đốc Phạm Kham, một hình thức tập dượt. Người tham gia lãnh đạo được quyền họp BLĐ, được ký Giấy Công lệnh và chỉ thế thôi. Nhiều đc không bao giờ trở thành lãnh đạo thật! Bản thân tôi là Quyết định số 11/CAQĐ ngày 28/01/1984 của Giám đốc CA tỉnh. Sau đó là Quyết định số 335/QĐTC ngày 21/5/1984 của UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn bổ nhiệm là Phó trưởng phòng PC16+21.

[15] Anh Hoàng Sáng TP với 2 phó là tôi và Vũ Thanh Bình. 9 thành viên, gồm: Hồ Sĩ Tam, Nguyễn Huy Triều, Chu Xuân Lượng, Lưu Văn Long (KNHT và Giám định); Nguyễn Tấn Phác, Đào Văn Bình (KT đặc biệt); Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thu Hòa, Dương Thanh Mai (TTCCCP).

Nhiều CBCS PC21 thuở ban đầu và lớp liền kề sau này được giao trọng trách mới. Ngoài những đ/c đương chức tại PC54 Lào Cai, Yên Bái còn có: đ/c Nguyễn Tấn Phác giữ chức Phó Trưởng Công an huyện Văn Yên, rồi Phó Trưởng phòng PC44 Công an tỉnh Yên Bái; đ/c Vũ Duy Kim: Phó Trưởng Công an huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai...nay đều đã hưu. Một số đ/c chuyển vùng, chuyển đơn vị, như: đ/c Vũ Thanh Bình về Đại học An ninh, đ/c Vũ Thị Hoà đi học Ngoại ngữ rồi ở lại trường, đ/c Nguyễn Thị Hạnh theo Tổ Tàng thư sang phòng PC27, đ/c Nguyễn Đăng Khoa chuyển ra làm Phó trưởng CA phường Hồng Hà (Yên Bái), đ/c Phạm Thế Hùng đi học chuyên tu rồi về CSHS Yên Bái, đ/c Dương Thị Mai đi học rồi về Công an thị xã sau được bổ nhiệm Phó Trưởng Công an Phường Yên Thịnh (Yên Bái), đ/c Nguyễn Thanh Sơn về PH12 (Lào Cai)... nay đều đã nghỉ hưu. Có đ/c vì hoàn cảnh gia đình đã xin xuất ngũ, như Hà Công Nông... Nhưng cũng rất đáng buồn là có người chuyển vùng, rồi phải chuyển ngành (Lưu Long) hay lao vào con đường nghiện ngập phải ra quân (Nguyễn Văn Tú), thậm chí từng bị bắt, tạm giữ (Chu Xuân Lượng)…

[16] Trước niên hạn 1 năm vì 2 năm liền đạt danh hiệu « Chiến sĩ Thi đua ».  Như thế so với các BSCA cùng học thì từ đây tôi luôn lên cấp trước 2 năm.

[17] Được thành lập từ một Khoa của Trường CANDTW ngày 15/5/1968 (Quyết định 514/CA/QĐ "Tách phân hiệu Cảnh sát nhân dân ra khỏi trường Công an Trung ương, thành lập trường riêng, có nhiệm vụ đào tạo bậc trung học cho lực lượng Cảnh sát nhân dân") tại làng Phong Vân (Ba Vì, Sơn Tây) trên cơ sở vật chất của Trường Sơ cấp CA. Sau khi đất nước thống nhất Trường CSND được BCA quyết định chuyển thành Trường Sĩ quan Cảnh Sát, đến 27/11/1976 được Chính phủ ra Quyết định số 231-CP công nhận nằm trong hệ thống đại học quốc gia và đến 1981 đổi tên thành Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Sau nhiều năm đề nghị, đến 1985 trường được cấp mặt bằng tại xã Cổ Nhuế, Từ Liêm.Từ 15/11/2001 đổi thành Học viện Cảnh Sát Nhân Dân.

[18] Ông người Lang Thượng, Mĩ Đức cùng lên Lào Cai đợt 2/ 1964. Ông có 01 con trai là lác nhưng bị chết đuối từ nhỏ; còn 5 Gái, Hợp là thứ 3. Các em sinh 2 nữ, 01 nam.

[19] PTĐ là con ông Mông nhà ở Phố Lu, có 2 trai, 7 nữ. Tách tỉnh, 2 em cũng lên Lào Cai và đã sinh 2 cháu trai. Sau lành do “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” 2 đứa đã chia tay nhau.

[20] Ngày 12/02/1987 Bộ trưởng Phạm Hùng ký Quyết định số 24/QĐ-BNV thành lập Cục Hồ sơ NVCS trên cơ sở bộ phận hồ sơ của PV17 và TTCCCP của PC21, TTCMND của PC13.

[21] Hồi đó chưa có quy định “nhất thể hóa”: Cấp trưởng giữ chức Bí thư như sau này.

[22] Ngày ấy, nhà báo Lê Năng đã viết bài “Tên cướp khoác chiếc áo bạt đen” đăng trên báo Hoàng Liên Sơn. Chính bài báo này đã gây một hiện tượng lạ là hàng vạn tờ báo được phát hành, lại phải in nối bản, một kỷ lục chưa từng có của báo địa phương.

Tôi cũng được anh Lê Năng “chia” nhuận bút bởi có cung cấp một số thông tin, ảnh. Tiếc rằng số báo đó sau ngày tái lâp tỉnh Lào Cai đã không tìm lại được trong bộ “sưu tập” của tôi!

[23] Khi tái lập tỉnh Lào Cai, Giám đốc CA tỉnh Hoàng Liên có Quyết định số 38/CAQĐ ngày 21/9/1991 cử giữ chức vụ: Trưởng phòng PC 21 CA tỉnh Lào Cai và giữ cương vị này đến khi nghỉ hưu (4/2013)

[24] Khu đất này sau thanh lý cho CBCS Công an tỉnh Yên Bái, nhà đ/c Nguyễn Đình Hưởng ở chính trên mảnh đất PC21 từng đóng quân.

[25] Trong thời kỳ căng thẳng, ngày 28/8/1980 Bộ Nội vụ có Thông tư số 11/BNV-D45 quy định chặt chẽ việc cấp Giấy phép cho nhân dân đến các xã biên giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!