[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 8 2021

10 NĂM BÊN TẢ SÔNG VĂN

Quá trình hình thành vùng đất quê tôi nằm trong sự hình thành đồng bằng Bắc Bộ từ thời kỳ hậu Canh tân (Pliestocéne 更新世) đồng thời gắn với quá trình lấn biển, bồi lấp các ô trũng, các đầm lầy do phù sa các con sông bồi đắp chưa kín qua nhiều thế kỷ của lớp lớp cư dân khác nhau. Việc hình thành thôn xã quê tôi cũng như việc định danh vùng đất ấy chắc đồng thời với vùng đất phát tích của nhà Mạc (莫朝,  1527- 1592) ở Cổ Trai 古齋 phía hạ lưu Văn Úc 文郁 gần cửa biển!

Tên Nôm nơi sinh tôi, tài liệu cổ nhất tìm thấy là làng Hương 廊香, với chữ “Hương” trong “Hơi thơm”, tên chữ là Hương Lạp 香粒[1].

Đến khoảng 1860-1890 do kị húy chữ “Hương” [2]  là tên bà Học phi 学妃 Nguyễn Thị Hương 阮氏香, người Vĩnh Long, là một trong số các phi tần của Vua Tự Đức (嗣德, 1829 – 1883) và là mẹ nuôi Hoàng tử Ưng Đăng 阮福膺登 (1869 –1884, tức vua Kiến Phúc (建福, 12/1983-7/1984), các địa danh có từ “Hương” phải đổi thành “Phương” theo hướng giữ lại nghĩa. Tuy đều có nghĩa là “thơm” nhưng “Phương” là mùi thơm của “cỏ chi”, chứ không phải mùi thơm của hoa, lúa gạo nói chung như “Hương” . Do vậy làng tôi từ Hương Lạp 香粒 đổi thành Phương Lạp 香粒[3].

Đến 1966 nhập với Mông Tràng Hạ (蒙場下, làng Hạ) thành Phương Hạ nhưng dân chúng vẫn gọi là “làng Hương” và danh xưng “Quán Hương” vẫn tồn tại ngoài văn bản! Con đường đất, ranh giới giữa làng Hương-làng Hạ nay là con đường liên xóm được đổ beton 混凝土 phẳng phiu, sạch sẽ. Chạy dọc phía Tây Bắc làng, tỉnh lộ 354 đổ beton nhựa đã được mở rộng, nâng cấp sau khi cầu Khuể hoàn thành (9/2010).

Đầm lầy phía Đông Bắc (giáp chợ Thái, Văn Khê), phía Tây Bắc (giáp Mông Tràng Thượng) và những ao, vũng sâu phía Đông Nam (giáp cánh đồng kéo tới chân đê Văn Úc) được lấp đầy, thành thổ cư cất nhà, xây cửa hiệu. Nơi Quán Hương xưa đã thành một cái chợ nhỏ với đủ chủng loại hành hóa, dịch vụ.

Dân làng vẫn truyền nhau về công đầu tiên của các bậc tiên liệt họ Nguyễn, họ Mai tiếp theo là người họ Lương, họ Đặng…đã đổ bao mồ hôi khai canh để bây giờ, riêng địa bàn làng Hương cũ có tới trên 10 dòng họ với hơn 60 hộ sinh tụ. Đây là chưa tính đến những người, những hộ từ đây ra đi lập nghiệp trên mọi miền đất nước!

Từ sau khi nhập với làng Hạ (1966), dân 2 làng (vốn nhiều gia đình có quan hệ thân tộc) đã sống xen cư, chả rõ ranh giới nên dân quanh vùng thường gọi là Hương Hạ ngoài danh xưng chính thức. Ngày nay Phương Hạ là một thôn lớn (hơn 30 dòng họ mà đông nhất là các họ Lương, Đặng, Đàm Xuân, Đào Đăng…, 200 hộ dân với ngót 900 nhân khẩu sống trên gần 100 ha đất), nằm sát tỉnh lộ, giữa đường liên thôn vào Cốc Tràng, Tôn Lộc nên khá nhiều lợi thế! 

Đầu thế kỷ XIX, khu vực này thuộc Tổng Cao Mật 高密總, huyện An Lão 安老縣, gồm các xã, tính từ thượng lưu xuống là: Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上, Phương Lạp 方粒, Mông Tràng Hạ 蒙場下[4], Tôn Lộc 尊祿, Cốc Tràng 谷場 và Cao Mật 高密.

Sau Cách mạng tháng Tám, tháng 6/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật cũ được nhập thành 2 xã: Cảnh Hưng (ở bên trái đường Kiến An sang Tiên Lãng, gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc, Cốc Tràng Cao Mật) và Kim Lĩnh Thượng (bên phải đường gồm: Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng).

Trong 9 năm kháng chiến nơi đây bị càn quét nhiều lần, là bàn đạp để Pháp tấn công tái chiếm Kiến An, đánh sang khu du kích Tiên Lãng. Đặc biệt là trận càn 8/1947 hay trong chiến dịch “con quỷ” DIABLE tháng 12/1949. Tại địa bàn có bốt Khuể án ngữ cả đường sông và đường bộ. Tại đây đêm 25 rạng 26/9/1949 đã tổ chức binh biến thành công, nhổ được đồn mà không tốn một viên đạn, giọt máu trong đó có công của bố và chú tôi.

Để ghi nhớ trận này và cũng phù hợp với hoàn cảnh mới, Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng nhập lại mang tên mới: xã Chiến Thắng từ 05/10/1950. Đến 20/7/1954 miền Bắc được giải phóng nhưng vì nằm trong khu tập kết 300 ngày nên quân Pháp vẫn chiếm đóng tại xã. Hồi này có nơi như Kim Côn, Tôn Lộc nhiều gia đình di cư vào Nam. Ngày 10/5/1955 QĐNDVN tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản thành phố Hải Phòng.

Chiến Thắng và là xã xa nhất nằm phía Đông Nam của huyện An Lão: Bắc giáp Tân Viên, Mĩ Đức; Đông giáp An Thọ; Nam, Tây Nam giáp sông Văn Úc 文郁 (bên kia là địa phận các xã Quang Phục, TT Tiên Lãng, Quyết Tiến, Tân Tiến, Tự Dương của huyện Tiên Lãng), Tây Bắc giáp xã Tân Viên. Diện tích 882,86 ha, dân số hơn 6.000 người, chia làm 7 thôn: Cốc Tràng, Tôn Lộc, Phương Hạ, Mông Thượng, Côn Lĩnh, Kim Côn, Tân Thắng và khu dân cư Bến Khuể.

Ranh giới xã được sông văn Úc, sông Đa Độ và kênh mương bao bọc nên không mấy đổi thay nhưng địa chỉ thì có đổi: từ thuộc An Lão, đến thuộc huyện An Thụy (04/6/1969-05/3/1980), có thời kỳ thuộc huyện Kiến An (3/1980-08/8/1988) rồi quay lại thuộc An Lão như cũ (Quyết định số 100-HĐBT ngày 08/8/1988 của Hội đồng Bộ trưởng).

Lịch sử và truyền ngôn ghi nhận: Hồi TK XVII, XVIII dân cư vùng này còn thưa, nhiều bãi bồi trong và ngoài đê chưa được khai phá, chủ yếu là nơi sống của cói, lăn, cỏ lác, cây bần, cây sú. Do chính sách ruộng đất, chế độ hà khắc thời Lê Trịnh và do thiên tai mà nông dân nhiều nơi mất ruộng, phải phiêu dạt đi khắp nơi. Trong số những cư dân từ nơi khác phiêu dạt đến sinh cơ, lập nghiệp thời đó tại Cao Mật có Thượng tổ Lương tộc và Phạm tộc. Lớp người này đã tạo ra con Sông đào, lấp chỗ trũng, thau chua, rửa mặn cải tạo bãi sú, vẹt thành ruộng, thành vườn; bồi đất, trồng tre, làm nhà nên làng, nên xóm. Sau nhiều thế hệ, con cháu họ cùng với những gia đình họ Nguyễn, họ Mai...ở trước ngày một đông hình thành nên một vùng quần cư bên Tả ngạn sông Văn Úc, bên kia là địa phận huyện Tiên Lãng.

Cư dân chủ yếu là dân ngụ cư đến từ nhiều đời trước, thuần nông, trình độ dân trí không cao. Ngay từ 1977 xã đã bí mật thực hiện việc khoán khoai tròn và ruộng lợn vì thế kinh tế có khá hơn nhưng không bền vững. Sau đó, có thời gian (1983-1985) xã là điểm nóng về an ninh, chính trị của thành phố, đặc biệt tại khu phà Bến Khuể khi chưa có quốc lộ 10, thường xuyên xảy ra nạn cướp giật, móc túi, trộm cắp và xã Chiến Thắng trở thành “điểm nóng” về mất trật tự an toàn xã hội. Hệ thống chính trị cơ sở gần như tê liệt. Người dân mất lòng tin với cán bộ, thường kéo lên Trung ương khiếu kiện, khiến tình hình an ninh địa phương rất phức tạp kéo theo các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã luôn yếu kém, “dẫn đầu” từ dưới lên.

Những năm cuối thế kỉ, nhờ chủ trương đúng, nhiều người tuy không li hương nhưng li nông đi làm ăn nơi khác, đem lại những đổi thay cho xóm làng. Xe Công nông mang hiệu “Chiến Thắng” đóng tại Kiến An giúp nhiều vùng quê giải phóng được sức lao động trong những năm đó. Đồng thời, Chiến Thắng đó vươn lên trở thành điểm sáng về phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Hải Phòng với nghề trồng cây cảnh. Trong xã có Chùa Tôn Lộc được công nhận là Di tích bởi Quyết định số 3025 /QĐ - UB ngày 30 / 10 / 2001 của UBND thành phố.

Sông Văn Úc 文郁江 có chiều dài khoảng 57 km, là ranh giới giữa huyện Thanh Hà của Hải Dương với An Lão của Hải Phòng; giữa huyện An Lão và huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng thuộc Hải Phòng. Là một chi lưu của sông Thái Bình nhưng bản thân Văn Úc cũng có nhiều nhánh chia nước với sông Thái Bình và các sông khác để ra biển Đông. Sông này, các cụ cao niên hay gọi là sông Văn, sông Úc, gắn với vùng đất này đi vào câu ca: “Kiến An có núi Ông Voi, Có sông Văn Úc, có Đài Thiên văn”. Đó là là 1 trong 16 con sông ngòi của Hải Phòng, là chi lưu của sông Thái Bình, dài 36 km và là đường thủy quan trọng nối liền Hải Phòng với các tỉnh qua Sông Mía; đồng thời là ranh giới Hải Phòng-Hải Dương và An Lão-Tiên Lãng.

Từ nơi giáp ranh Chiến Thắng với Tân Viên, Văn Úc tách ra một nhánh thành sông Đa Độ, quanh co uốn lượn chảy qua huyện An Lão và huyện Kiến Thụy rồi lại đổ vào sông Văn Úc ở gần cửa Vạn Úc, trước khi ra biển tại vịnh Bắc Bộ tại cửa Văn Úc (giữa cửa Nam Triệu và cửa sông Thái Bình) . Dòng sông chở phù sa ra biển, góp phần tạo ra những bãi sông màu mỡ, những vùng triều mênh mông, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, đa dạng sinh thái cho khu vực hai bên sông và cửa biển. Bãi bơn phía ngòai chân đê có thời trồng cói, các thửa ruộng trong đê có lúc trồng thuốc lào (相思草, tương tư thảo) song chưa bao giờ thành sản vật chính, là mũi nhọn của địa phương. Nằm kẹp giữa chợ Thái trên đường ra Kiến An và chợ Đôi trên đường vào Tiên Lãng nên không có chợ lại thuần nông do vậy là vùng quê nghèo.

Con đường nối Kiến An sang Tiên Lãng cắt ngang xã theo hướng Đông Bắc-Tây Nam hợp với con đê ven sông và đường dọc xã với ngã tư tại Quán Hương tạo hình chữ “Vu,” là huyết mạch chính trong xã. Nhận ra vị trí xung yếu của điểm giao cắt thủy – bộ này mà thời Pháp cho xây lô cốt 2 bên bến khá chắc chắn ngay sát phía trong chân đê.

Trong lịch sử, do sự biến động của thời cuộc (đặc biệt là cuộc di cư sau 1954), do điều động của nhà nước (khai hoang những năm 1962-1971), do tổ chức phân công…nên nhiều người đã rời quê ra đi lập nghiệp ở cả Bắc, Trung, Nam theo từng đợt hay đi lẻ từng hộ. Đồng thời một số người nơi khác đến Bến Khuể lấp lầy, lấn sông, đến Kim Côn khai ruộng bỏ hóa để kiếm kế sinh nhai lập nghiệp. Có thời gian (những năm 1979-1984) Bến Khuể nổi tiếng phức tạp bởi những hảo hán miền quê tranh giành lãnh địa tập kết cát, sỏi, than phục vụ xây dựng hay tranh giành thị phần buôn bán đầu bến phà và do chờ phà lâu nên có thời gọi là “phà khổ”. Sau này đây không thành xóm mà được gọi là “khu dân cư”. Ngày 20/10/2007 khởi công xây cầu ở cách bến hiện tại 72 m về thượng lưu.

Ngày 29/10/2009 thăm quê sau khi đưa con gái về nhà chồng ở Thái Bình, tôi đã viết bài thơ sau và cũng đã đọc trước quan viên họ dịp Giỗ Tổ Rằm tháng Giêng Nhâm Thìn 2012:

Làng Hương là đất sinh tôi,

Chữ tên Phương Lạp, lúa tươi ngát đồng.

Với Mông Tràng Hạ hợp cùng,

Nên thôn Phương Hạ sáng vùng bãi bơn.

*

Thăm quê lòng dạ bồn chồn,

Đâu cây đa cũ, đâu hồn quán Hương?.

Mắt Rồng ngầu đục ao Tròn,

Giếng làng, bậc đá chẳng còn dấu xưa.

Ngôi đình gắn với tuổi thơ,

Giờ đây người nhớ, người lờ mờ quên!

Chùa làng ẩn bóng thâm nghiêm,

Nay trụ sở mọc thênh thang 3 tầng!

Lối xưa phân cách hai làng,

Nay chung nhập một, gốc bàng lãng quên.

Miếu thần, Mả Khách thân quen,

Và hàng Duối yểm có còn nữa đâu !.

Biết rằng bãi bể nương dâu,

Mà sao lòng vẫn lưu sầu vấn vương.

*

Đượm tình máu thịt quê hương,

Đất xưa, Mộ Tổ, Từ đường, người thân.

Về quê vừa thấy thêm gần,

Đi xa lại thấy bần thần nhớ quê.

*

Dẫu rằng địa lợi bốn mùa,

Mà sao tôi thấy vẫn chưa vươn mình.

Vẫn là nếp cũ độc canh,

Nghề phụ không có, thị thành ít ra.

Bung rồi nhưng mới manh nha,

Mong nhiều trái mọng, thơm hoa, đổi đời.

*

Tình quê xin nhắn một lời,

Người người giữ nếp, người người tiến nhanh.

Dẫu đời còn lắm khúc quanh,

Giầu, nghèo vẫn sáng, ấm tình quê hương.

Dấu chân in mọi nẻo đường,

Thân thương vẫn nhớ Hạ Hương quê nhà.

“Bếp” nhà tôi thuộc nhánh Út chi Hai họ Lương Đức xã Chiến Thắng và tính từ cụ Tổ khai sinh ra dòng họ Lương nơi đây thì tôi thuộc Đời thứ Bẩy[5].

Cha tôi, 第六代梁德親 sinh năm Khải định Thứ 8 (Quí Hợi-1923).

Thủa nhỏ theo ông bác là Cụ Hội Khuê 梁德匡 học chữ Nho. Chịu khó học và học khá hơn so với em trai. Năm hơn 10 tuổi, đi ở cho nhà Bạch Thái[6] ngoài Hải Phòng và đây là dịp giúp người có điều kiện đọc nhiều Truyện cổ Trung Quốc, Truyện Kiều...Đất thổ cư ong nội tôi đã gán nợ nên mấy mẹ con chỉ còn khoảng 300m2 phía trước nhà thờ họ, qua một cái ao[7].

Khi CM Tháng Tám thành công, phần vì nhiệt thành, phần chữ đẹp, được xã cử làm Giáo viên bình dân học vụ, trong Ban bầu cử QH khoá I.

Trong kháng chiến là UVUBKC xã. Khi tản cư sang Tiên Lãng, được ông Phạm Văn Quang[8] là anh họ bên vợ giới thiệu đi dự một lớp huấn luyện 15 ngày sau đó đưa về quê hoạt động. Với cương vị Trưởng ban kinh tài có nhiệm vụ thu thuế gửi ra vùng tự do nộp cho cấp trên không thiếu một xu[9].

Mẹ tôi, là thứ 3 và gái lớn trong một gia đình họ Phạm[10] ở Cốc Tràng cùng tổng. Bà sinh năm Khải định thứ 9 (Giáp Tí-1924). Tuy có được học nhưng chậm lại bận bịu suốt ngày nên gần như mù chữ[11]. Bà tính lành, nhường nhịn, có trách nhiệm với chồng con và gia tộc nhà chồng[12]. Chính vì tính ham làm chịu khó nên tuy chống bận công tác suốt, ít tham gia việc đồng áng, con cái đông nhưng kinh tế cũng không đến nỗi. Sau khi chồng mất vẫn ở lại một mình trên nhà cũ, không lên Tx ở với con cái

Ông Bà cưới nhau: khoảng 1948[13]. Sau đó do tình hình căng thẳng gia đình tản cư sang Tứ Kỳ, Thái Bình. Năm sau mới về.

Sau Hoà bình, bố tôi là Trưởng ban Địa chính xã, dạy Bình dân học vụ, tham gia văn nghệ[14]. Chủ yếu diễn Chèo[15]. Tuy công tác tích cực, có uy tín nhưng vì bực với cháu họ[16] mà không làm lí lịch lần nữa. Cho đến khi mất, mặc dù qua nhiều cương vị công tác, rất có tín nhiệm, vẫn là người ngoài Đảng[17].

Trái tim ông ngừng đập lúc 2 giờ 5 phút sáng ngày Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí)[18].

Trước khi sinh tôi, bố mẹ tôi đã sinh 2 anh, nhưng các anh đều chết yểu. Ông bà nuôi tiếp 1 chị con bác họ tôi và 1 em con dì tôi nhưng đều không “đậu”[19].

Khi tôi chuẩn bị chào đời thì miền Bắc đã giải phóng, nhưng quê tôi là vùng “tập kết” nên Đồn Khuể vẫn có lính Tây và ngụy đóng. Chúng vẫn ra khỏi Lô cốt đi càn vào các làng trong vùng để bắt lính, cưỡng ép đồng bào đi Nam.

Tháng 3/1955, trong một lần trốn Tây Đen càn vào làng, mẹ đã đẻ rơi tôi ở “chuồng hôi” (nhà vệ sinh).

Đến ngày 28/4/1955 QĐNDVN vượt Văn Úc tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An và khi đó thôn tôi và toàn xã Chiến Thắng mới được hoàn toàn giải phóng.

Khi làm Giấy Khai sinh (năm 1956) bố tôi nói ngày âm, ông chú họ tôi là Vóc khi đó làm ở Ủy ban hành chính xã lại ghi luôn là 23/02/1955, nên đương nhiên đó là ngày Dương lịch. Nếu 23/2 Ất Mùi thì đổi ra là thứ Tư, ngày 16/3/1955. Nhưng nghĩ rằng mình chả “ông to bà nhớn” gì nên tôi cứ để ngày sinh là 23/2/1955 cho đến tận bây giờ!.

Khi sinh ra đã khó khăn, lớn lên đau ốm hoài, vẫn bú mẹ khi có em bé! Biết nói, nhận được mặt chữ vẫn chả biết đi, chỉ “thếch”! Một lần thím Bính mua thịt về khi đang thái, tối cứ sán đến và xin ăn. Sau này chính tím tôi kể ằng, lúc đó bà (và cả mọi người) đều nghĩ tôi sẽ “theo 2 anh” nên đã lén cả nhà cho tôi ăn miếng thịt sống. Không ngờ sau đó tôi đỡ rồi hết “đi ngoài” và tất nhiên sống đến ngày nay để gõ những dòng này[20]!

Dù “đầu to, bụng ỏng, đít mòn đến xương” nhưng đến tuổi tôi vẫn đi học Tháng 9/1961-5/62 học Vỡ lòng tại Đình làng[21]. Giáo viên là anh Yên con bác Thịnh, là anh họ 4 đời với tôi. Lúc đầu anh Yên không nhận vì yếu, sau thấy học được lại quí. Ngôi đình này ngay đầu làng, nhỏ hơn so với các Đình khác cùng xã, nhưng cũng có đủ cây đa bên trái và giếng nước bên phải. Những năm sau đó, theo trào lưu “chống mê tín dụ đoan”, Đình đã bị dỡ bỏ, làm kho hợp tác. Tiếp theo, vào những năm 60-70 kể cả giếng nước và gốc bàng đầu làng, ngôi chùa rìa làng cũng đã chẳng còn dấu tích mà khu đất đó thành Trụ sở xã.

Tháng 9/1962-5/63: Học Lớp 1 ở Đình Hạ làng bên cùng xã. Sau này Hạ và hương hợp nhất thành Phương Hạ. Học Khá nên không hay bị thầy “thưởng” thước vào mu bàn tay.

Tháng 9/63-2/64 : Học lớp 2 ở Đình làng Hầu (Mông Tràng Thượng) do thầy Dương Tảo dạy, HK I được GK, được Nhà trường cho đi tham quan Tx Kiến An ! Sau đó, thực hiện Nghị quyết ngày 27/10/1962 kì họp thứ 5, Quốc hội khoá II, Hải Phòng và Kiến An đã hợp nhất lấy tên là Tf Hải Phòng nên Tx Kiến An không còn là tỉnh lị nữa mà chỉ là thị xã nằm trong thành phố Hải Phòng[22].

Thời kì này tôi đã có 3 em (Thuộc-1957, Thường-1959 và Thức-1962), nhưng đều do bà bế và việc đi chợ Thái mua Đường (ghi vào sau tờ Giấy Khai sinh) của Thức cũng do bà tôi đảm nhận.

Năm lên 8, 9 tôi đã được giao chăn trâu (của HTX giao cho gia đình, được tính thêm điểm, từ điểm tính ra thóc) và mỗi sáng, mùa cày bừa thường tờ mờ đất đã đánh trâu lên Kim Côn rồi mới về đi học. Có lần, vừa cưỡi trâu vừa ngủ, khi chui qua cây tre rủ ra đường xóm, suýt bị quét rơi xuống đất. Hôm không đi học, trâu nghỉ cầy bừa, theo chúng bạn tôi thả trâu ăn ở ngoài đê Văn Úc, chúng tôi quét vôi ký hiệu riêng để biết trâu nhà. Thủy triều lên, bơn ngoài sông và bãi chân đê ngập nước, chỉ nhận qua hình dáng, ký hiệu mới biết đâu là trâu nhà mình. Có hôm, trâu ra bãi giữa, lẫn vào các cây sú vẹt, không nhận ra, , tưởng mất trâu tôi đã khóc. Khi đưa trâu về nhà, trên đường 354 (nối Kiến An, qua An Lão, phà Khuể sang Tiên Lãng), nếu gặp các thầy, cô giáo là chúng tôi tụt từ lưng trâu xuống đất chào nghiêm chỉnh. Nhưng muốn trèo lên phải dắt tới cột mốc km gần cổng Nghĩa trang hay nhờ người mới leo lên lưng trâu được. Nhiều bạn dám trèo lên từ sừng nhưng tôi nhát, không dám! Chính con trâu đã gắn tuổi lau nhau chúng tôi với con đê bên tả sông Văn Úc với trò “đánh trận giả” trong các Lô cốt ở chân đê, “chọi gà” bằng cỏ ở triền đê,…! Ngày đó, Văn Úc còn rộng, nằm phía ngoài đê, có bãi Cói, bãi Sú Vẹt. Sau này người ta lấp hết, mấy lần về quê, tôi chẳng nhận ra dấu tích xưa.

Cùng tuổi và học cùng có Lan (con chú Vóc, sau hy sinh tại chiến trường B), Hảo (con anh Hiệp, lớn lên hay cờ bạc, có lần từng bị tù tội), Ngoãn (con cô Ngoan, có lên Lào Cai nửa năm thì về quê). Nhưng không ai đi thoát ly cả. Duy có lương Hoàn Trăn, con chú Xà bên Hạ thì sau này khá hơn.

So với hồi mới hoà bình thì đời sống kinh tế, văn hoá có lên những vẫn nghèo vì độc canh, ruột ít, đất chật. Tôi nhớ mãi có lần bà đi chợ mua chuối về, chỉ bóc lớp vở xơ ngoài rồi cắt ra từng khoanh mỏng chia cho anh em tôi và anh em An[23]. Tết đến chỉ có 1 chiếc bánh chưng thắp hương, ngoài ra hình như chẳng có thứ gì khác. Thỉnh thoảng có chiếu Phim ngoài sân đình, tôi nhịn cả cơm đưa các em ra trải chiếu nhận chỗ từ sớm.

Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng được bố dẫn lên Kim Côn (cùng xã) thăm gia đình bác Ký[24], sang làng Thượng (bên Mỹ Đức) thăm cô ruột tôi, lên làng Nguyễn (Tân Viên) thăm cô họ tôi lấy chồng ở đó, sang làng Văn Khê (An Thọ) thăm Dì Miêu. Đặc biệt mỗi lần có giỗ đề được bố, mẹ đưa vào trong Cốc (cách gần 2 km qua làng Hạ và cánh đồng) và nhận ra rằng trong Cốc giầu có hơn ngoài Hương làng tôi. Tôi cũng từng theo bà đi Chùa Hương, chùa Thượng và đã đến nhà thờ Kim Côn, nhà thờ Văn Khê đôi lần.

Thời gian này, để chào mừng phong trào thi đua hoàn thành Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ Nhất (1960-1965), phong trào văn nghệ xã tôi phát triển mạnh. Trong những ngày đó, tôi thường được Bố đưa đi xem các buổi tập và biểu diễn của Văn nghệ mà bố tôi kéo Nhị và trong số diễn viên có cả chị Khiên con cậu Kiển hát; diễn xong, tôi cũng được phần cháo bồi dưỡng. Nhưng chẳng hiểu sao tôi chả có chút “thể hiện” gì trên lĩnh vực này.

Học xong Kỳ I lớp 2, tôi theo gia đình lên Lào Cai khai hoang. Xe ô tô về tận đầu làng đưa gia đình tôi, chú tôi, cô Nguyên, 2 anh em bác Nhỡ, bác Thông, anh Thiếp, anh Ngà ra ga Hải Phòng rồi xếp cùng toa tầu cháy lên Hà Nội. Tại đây toa đó được cắt ghép vào đầu tầu kéo thẳng lên thị xã Lào Cai. Nghỉ ở Phố Tèo[25] 2 hôm, xe ô tô chở tiếp về km36 đường QL 4 (QL 7 hiện nay) vào ở tạm mấy nhà người Nùng ở Cốc Sâm vài ngày. Sau đó vào tuốt thung lũng NaClaoBon đã được mang tên HTX An Phong mà hiện nay mẹ và mấy em tôi vẫn cư ngụ nhưng địa danh mang tên thôn An Hồ!

Từ thung lũng hoang hóa đó, tôi tiếp tục đi học qua các cấp 1, 2 (1964-1970) rồi ra Lu học cấp 3 (1970-1973), về Hà Nội học Đại học, ra công tác (1973-1981) sau đó ngược lên Yên Bái lấy vợ sinh con, bước vào quan trường (1981-1991). Đến 1991 cùng vợ con trở lại thị xã tỉnh lị vùng biên an cư lạc nghiệp đến nay! Cũng thỉnh thoảng về quê, có đưa vợ con về nữa, còn nhớ vài chuyện, mấy điểm nhưng quên cũng lắm!  

Lương Đức Mên, ngày 02 tháng 8 năm 2021



[1] Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿誌 (do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1886 ; Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The...biên tập, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2003) chép lại địa danh làng, xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh của 25 tỉnh từ Cao Bằng đến Bình Thuận cuối thế kỷ XIX. Tập này, trong Quyển Thượng tại trang 144 (chữ Việt), tờ 35a trang 224 (chữ Hán) mục huyện An Lão 安老縣, tỉnh Hải Dương 海陽省 và tờ bản đồ A.537/7,f°38+,47×34cm ở tổng thứ 8 Cao Mật 高密總 có 8 xã, thôn; trong đó có thôn Hương Lạp 香粒村.

Nhớ rằng, theo lệ cũ thôn nào có trên 10 dòng họ sinh sống được gọi là xã và ở thời nhà Đinh: trên xã là giáp ; các thời Lê-Nguyễn trên xã là tổng ; từ sau 8/1945 xã trực thuộc thẳng huyện nên chắc khi đó làng tôi chỉ có dưới 10 họ!

[2] Năm Kiến Phúc thứ Nhất (建福元年, 1833) định lệ kiêng 2 chữ: Đăng là ngự húy tên vua Nguyễn Phúc Ưng Đăng 阮福膺登 và Hương là tên mẹ nuôi vua Nguyễn Thị Hương 阮氏香.

[3] Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (của Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, NXB VHTT, Hà Nội 1999) chép địa danh làng, xã, tổng, huyện, tỉnh ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Sách này ở phần chép về huyện An Lão, tỉnh Kiến An tại trang 453 liệt kê 8 xã, thôn của tổng Cao Mật cơ bản giống như ở Đồng Khánh địa dư chí nhưng thôn thứ 6 là Phương Lạp 芳粒.

Cùng dịp này trong phủ Kiến Thụy các xã có chữ Hương phải đổi là Phương, như Hương Đường 香塘 thành Phương Đường 芳塘, Trà Hương 茶香 thành Trà Phương 茶芳, Hương La 香羅 thành Phương La 芳羅, Hương Lung thành Phương Lung

Đồng thời quê hương Trạng Lường Lương Thế Vinh (梁世榮,1440 - ?), xã Cao Hương tổng Hào Kiệt 豪傑, huyện Vụ Bản 務本, tỉnh Nam Định 南定 đổi thành xã Cao Phương 高芳 (nay là thôn Cao Phương, tục gọi làng Hương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản)....

Nhưng riêng Lai Phương Thượng 來芳上, Lai Phương Hạ 來芳下, Phương Đôi của huyện Tiên Minh 先明 (nay là Tiên Lãng) không thuộc trường hợp này. Thành tố “Phương” trong các địa danh trên nguyên là “Hoa” (), năm 1841 kiêng tên mẹ Vua Thiệu Trị (紹治, trị vì 1841-1847) là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu 佐天仁皇后 Hồ Thị Hoa (胡氏華, 1790-1807, vợ của Hoàng đế Minh Mạng) mà đổi ra “Phương” cùng cảnh với việc đổi tên tỉnh Thanh Hoa = Thanh Hóa, chợ Đông Hoa = chợ Đông Ba, cầu Hoa = cầu Bông

[4] Nơi chim Mòng bay lên (thượng) hay đỗ xuống (hạ).

[5] Bác ruột bố tôi khuyết tự, cô (chị bố) và chú tôi đã lên Lào Cai cả nên tôi không có anh em họ 3 đời và ở quê hiện chỉ còn gần nhất là các cháu mấy anh họ 4 đời!

[6] Bạch Thái Bưởi (1877-1932) là nhà kinh doanh nổi tiếng hồi đầu Thế kỉ. Ông kinh doanh trên các lĩnh vực:làm đường, đóng tầu, khai mỏ, xuất bản báo, có công trong việc phát động chấn hưng kinh tế dân tộc.

[7] Khi lên khai hoang Lào Cai, 2/1964, đã nhượng lại cho Lương Đức Điểm, sau đó Kiện (Trưởng đời thứ 10) mua lại.

[8] Theo họ Phạm Cốc Tràng, tôi gọi bằng Cậu, đã mất năm 2004.

[9] Ngày đó chưa có hệ thông sổ sách như sau này mà người dân nộp rất tự giác, người thu đem nộp cấp trên rất đầy đủ, đúng hẹn. Nhiều lần phải vượt qua bốt Khuể sang bên vùng tự do ở Tiên Lãng nộp tiền, bố tôi vẫn đi không quản ngại.

[10] Cụ ông là Phạm Văn Nhạc (范文樂, 1888-1936) chiếu từ Đệ Nhất đại Tổ xuống là đời thứ 10: 1. Đình Khanh - 2. Đình Uân - 3. Đức Khôi - 4. Đức Hoành - 5. Đức Nghiệp - 6. Đức Toàn - 7. Huy Siêu (thứ hai trong 4 Nam) - 8. Huy Triệu (con cả trong 4 Nam) - 9. Huy Thiều (Nam duy nhất trong 3 người con) - 10. Văn Nhạc (là út trong 3 trai, 2 gái)[32]. Như thế thuộc dòng trưởng ngành 2. Gia đình vào diện khá giả, kị 14/Chạp.

Cụ bà Đào Thị Thẩn (1885-1947), người làng Hạ, Kị 18/Chạp. Mộ cụ ông đặt tại nghĩa trang làng Cốc, còn mộ cụ bà lại đặt ở bên HạCả 2 mộ đã được xây lại, khắc bia vào năm 2006 (Bính Tuất).

Ông bà sinh 2 trai (Kiểm, Kiển) và 3 gái (Uyển, Ương, Tương). Cậu Phạm Văn Kiểm (范文檢, 1908-1991), Kị ngày 16/6;  Phạm Văn Kiển (范文繭, 1916-1997), Kị ngày 22/6. Hai ông nổi tiếng học giỏi nhưng ít hợp với chính quyền mới!

[11] Đến năm 1998 do năng đi Chùa học Kinh nên Mẹ lại biết đánh vần.Tôi cũng không ngờ dịp về quê Khánh thành Từ đường (4/2000) mẹ lại đọc bài thơ Mừng Họ thông thuộc đến thế !

[12] Hồi tháng 8/1997 khi tôi về quê dự tang Cậu Kiển, chính Mẹ là người gợi ý tôi đặt Bia trên mộ gia đình đẫ qui tập từ 1994. Tết Mậu Dần tôi viết và Sáng Mồng Ba tết (30/1/1998) đã đọc bài Thơ mừng thọ Mẹ có thể khái quát phần nào hình ảnh của bà.

[13] Nhiều người cao tuổi kể lại rằng: hôm cưới vì bà tôi thiếu tiền nên các cậu tôi không cho đón dâu (Ông bà ngoại mất sớm, mẹ tôi ở với anh chị). Bố tôi bực định thôi (!), sau bác Thịnh, anh Ngọn khuyên mãi người nguôi và đám cưới diễn ra bình thường. Sau này khi có con rồi bố tôi mới nguôi giận các cậu tôi và đi lại bình thường.

Đúng ra trước đó bố tôi đã có một đời vợ, người bên Tiên Lãng. Một lần đi chợ không thấy bà về, và mất tích từ đó (chưa có con). Nghe nói bà này không hợp vời thím tôi, chị em dâu cãi nhau hoài. Khi tôi lớn thỉnh thoảng có nghe bà, cô và bố tôi kể lại, nhưng cũng không ai biết hồi ấy mẹ cả tôi bỏ đi đâu ?

[14] Chỉ mầy mò, tự học mà bố tôi kéo nhị, thổi sáo hay lại biết dựa vào các làn điệu dân ca soạn lời mới phù hợp với công tác tuyên truyền thời đó.

[15] Trong một dịp diễn, chú Rật tôi từng đóng vai Đổng Trác đã mượn rá độn bụng, rá vỡ, thím tôi phải đền. Khi lớn tôi vẫn được bố đưa đi trong các dịp Đội Văn nghệ tập, diễn. Ngay từ hồi 59-62 chị Khiên (con cậu Kiển) đã nổi tiếng hát hay nhưng sau này số lại long đong.

[16] Anh …, lúc đó vừa rời quân ngũ, được bầu là Tổ trưởng Đảng nhưng hay cờ bạc. Trong một lần đang say gỡ, anh hỏi vay tiền thuế bố tôi giữ, người không giải quyết. Khi xét kết nạp, chính anh đưa ra ý kiến: “Trường hợp ông cháu nên để lại thử thách thêm” . Sau anh này vẫn nghèo, con cái không thành đạt gì mấy.

[17] Khi lên Lào Cai, Chi bộ có đặt vấn đề nhưng ông nói già rồi. Trong dịp Tết 1996 có lần ông nói vui: tôi tuy không thành ĐV nhưng có 5 trai thì 4 đã là ĐV, hơn khối ông tiếng là ĐV đấy nhưng con cái chẳng nên công trạng gì, có khi còn vô tù!. Đến 2008 thì ông đã có 5 con trai, 2 cháu nội đứng trong hàng ngũ Đảng !

[18] Có mấy điểm trùng hợp cần ghi nhận: Trước lúc tắt thở bà con hàng xóm, các cháu túc trực đông đủ. Nhưng chính lúc cụ “đi” thì chỉ có hàng con. Người mất 13 âm lịch và vaò thời điểm đó người có 13 con (7 đẻ, 4 dâu, 2 rể), 13 cháu (9 nội, 4 ngoại), có 13 gia đình họ Lương ở Lào Cai đến chịu tang.

[19] Sau này tôi đoán chắc do nhà nghèo quá, bố tôi lại ham “hoạt động” nên mẹ tôi đã để các anh chị tôi ốm quặt quẽo, rồi suy dinh dưỡng mà “đi”!

[20] Tôi nghĩ chắc cũng lại bị suy dinh dưỡng thôi, bây giờ đầu tôi đầy sẹo là di chứng đó!

[21] Khu đất nhà bác Thông cư ngụ từ sau khi ở Lào Cai về năm 1968 đến nay.

[22] Đến tháng 3 năm 1980, thị xã Kiến An nhập với 16 xã của huyện An Thụy (An Thái, An Thọ, Mỹ Đức, Chiến Thắng, Tân Viên, Tân Dân, Thái Sơn, Trường Sơn, Quốc Tuấn, An Thắng, An Tiến, Trường Thành, Trường Thọ, Bát Trang, Quang Hưng, Quang Trung) thành huyện Kiến An, nội thị của thị xã Kiến An trở thành thị trấn Kiến An, huyện lỵ của huyện cùng tên.

Sau đó 8 năm, vào ngày 6 tháng 6 năm 1988, huyện Kiến An chia lại thành thị xã Kiến An và huyện An Lão. Thị xã được tái lập gồm 6 phường: Cận Sơn, Lê Quốc Uy, Bắc Sơn, Trần Thành Ngọ, Ngọc Sơn, Phù Liễn và 3 xã: Đồng Hòa, Bắc Hà, Nam Hà, với diện tích 2.650,56 ha, dân số 68.061 người. Phía bắc giáp huyện An Hải và quận Lê Chân, phía đông và phía nam giáp huyện Kiến Thụy, phía tây giáp huyện An Lão.

[23] Nền nhà tôi và chú tôi ở theo hình thức thợ, chung một mảnh sân, căn bếp và không có vườn! Khu này trước cửa nhà thờ họ, qua một cái ao

[24] Bác lấy chị cả Bố tôi nhưng cô và chi tôi đã mất từ 1946 và bác đã tục huyền và thân sinh ra các anh chị nay đang làm chủ khu dân cư Bến Khuể và chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thuộc như con cô ruột!

[25] Phố Phan Bội Châu nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!