[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


15 tháng 11 2020

CÁI SAI CHẾT NGƯỜI CỦA “SỬ GIA”

Không chuyên sử, cũng chẳng học ngữ văn nhưng vốn ham đọc nên tôi hay tìm hiểu những vấn đề liên quan Địa dư chí 地輿誌. Từ khi “gửi ghế, trao ấn” tôi càng ham và có điều kiện về thời gian hơn vì vậy ngộ ra rằng: chẳng rõ từ bao giờ mà ở giai đoạn cận, hiện đại lịch sử ở ta từ cỡ quốc gia đến địa phương thường là lịch sử Đảng cấp đó!.

Một vấn đề nữa là lịch sử địa phương tuy ghi rõ có chủ biên, biên tập, Ban Thường vụ X chịu trách nhiệm…nhưng thường là do những cán bộ “nguyên” nọ nguyên kia ở ngành tuyên giáo chắp bút mà trong đó có người nói ngọng, một nửa chữ Hán Nôm không tường. Chính vì vậy khối cái, nhất là liên quan đến giai đoạn xa xưa đã đưa ra những thông tin thiếu chính xác và rồi vô hình chung thông tin ấy trở thành chính thống!.

Rỗi, xin bàn đến 2 “địa danh” mà nhiều cuốn sử địa phương ở “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt” vướng phải: nào là “Lào Cai thời lập quốc thuộc bộ Tân Hưng”, nào là “xã/huyện X hồi đó thuộc châu Chu Quý”,….Điều đó có thật không? Chưa mấy ai phản đối nhưng nó mặc nhiên cứ lan truyền lại trở thành đúng !

I.              QUAN NIỆM VÀ SỬ LIỆU

Từ quy định tại Điều 1 Công ước Montevideo 1933: “Một quốc gia với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế nên có các tiêu chí sau: a) dân cư thường trú; b) lãnh thổ xác định; c) chính quyền; và d) khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác” ta thấy việc nghiên cứ sự hình thành cũng như cương vực, phân cấp hành chính mỗi quốc gia trong quá khứ phải dựa vào tư liệu lịch sử, Ngọc phả hay Gia phả.

Song Cổ sử chép về quá trình hình thành nhà nước ở Việt Nam và cả Trung Quốc đều rất mơ hồ và thiếu thống nhất. Nhưng, nhìn chung lịch sử một quốc gia là từ chỗ hình thành sơ khai đến quá trình mở rộng bờ cõi, ổn định cương vực là quá trình “Hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp” 合久必分,分久必合.

Trung Hoa lập nước sớm và có truyền thống trọng sử. Từ thế kỷ thứ VIII tCn đời Chu Tuyên Vương (周宣王, 827-782 tCn) đã có tín sử 信史 và từ đó đời nào cũng có những sử quan 史官 chép sử kỹ, công tâm. Cổ xưa và có giá trị là các cuốn như: Sử Ký 史記 của Thái sử lệnh 太史令 Tư Mã Thiên (司馬遷, 145 – 86 tCn), Thượng thư đại truyện 尚書大傳,  Kinh thư 書經 do Khổng tử san định. Mặt khác, trong mỗi dòng họ người Hán cũng soạn Gia phả trước người Việt, điển hình “Khổng tử thế gia phổ孔子世家譜 được công nhận và cuốn Gia phả dài nhất thế giới (đến 2012 là 82 đời) với 30 năm tiến hành Tiểu tu và 60 năm một lần Đại tu.

Nhưng sử Hoa, nếu dòng nào viết về sử Việt lại qua lăng kính “Thiên triều”của tư tưởng “Đại Hán”, một số không ít đã được sáng tác với dụng ý xuyên tạc, bôi bác nguồn gốc dân tộc, hạ thấp giá trị văn hóa nước Nam nên cần cẩn trọng khi sử dụng.

  Việt Nam lập nước muộn, chậm chép sử và cổ sử dựa vào truyền thuyết, gia phả lấy từ truyền ngôn. Hơn nữa, ta lại luôn bị xâm lăng từ phương Bắc. Mỗi lần mất nước, bao thành tựu văn hoá đều bị quan quân Bắc quốc thu, đốt hay mang về để dân ta quân lịch sử, phong hoá đất mình và người đô hộ dễ bề Hán hoá. Do vậy, nếu thực hiện việc về nguồn thường chỉ tìm thấy một số truyền thuyết, tục ngữ ca dao,…còn tác phẩm thành văn đã bị lấy đi, xoá vết. Đặc biệt trong thời Bắc thuộc thứ ba (1407-1427), quân Minh đã lấy về Trung Quốc rất nhiều sách có trước thời Trần, trong đó có những cuốn văn hoá, lịch sử như:  Quốc triều thông lễ 國朝通禮 của  Trần Thái tông, Trung hưng thực lục 中興 của Trần Nhân tông, Trần triều đại điển 陳朝大典 đời Trần Dụ tông, Bảo hòa điện dư bút 殿 của Trần Nghệ tông, Việt Nam thế chí 越南世志, Băng hồ ngọc hác tập  壺玉壑集 của Trần Nguyên Đán 陳元旦, Việt sử cương mục 越史綱目, Đại việt sử ký 大史記 của Lê văn Hưu 黎文休 và nhiều sách khác (theo Lịch triều hiến chương văn tịch chí 歷朝憲章文籍志 của Phan Huy Chú 潘輝注 ).

Do vậy, về lịch sử nước ta hiện chỉ có bốn “cổ thư”, là : Việt sử lược (越史略, khuyết danh, đời Trần),  An Nam chí lược (安南志略, Lê Tắc 黎崱  soạn ở Thế kỷ XIV), Ðại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書, Lê Hy, 1698), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (欽定越史通鑑綱目, Quốc sử quán nhà Nguyễn, 1884) sau này có Việt Nam sử lược (越南史略, Trần Trọng Kim, 1919).

Tuy nhiên, An Nam Chí lược thì soạn bên Tầu còn Ðại Việt Sử Lược đã bị thất truyền, sau được tuần phủ Sơn Đông thu nhặt đem dâng vua, rồi lưu trữ lãng quên trong “Thủ sơn các Tùng thư và Khâm định Tứ khố Toàn thư”; sau này đời Càn Long (乾隆清高宗, 1736 - 1799) tìm thấy và được Tiền Hi Tộ (錢熙祚, ?-1844), người Giang Tô đã san định, hiệu đính đổi thành Việt sử lược 越史略, gọi Đại Việt là An Nam 安南, sách  An Nam chí lược do một phản thần soạn tại nước ngoài nên độ “khách quan” hạn chế, cần cân nhắc khi sử dụng.

II.           SỰ HÌNH THÀNH NƯỚC VĂN LANG

Tạm xét từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên ta có thể hình dung như sau: từ nhân vật huyền thoại Thần Nông(神農, 3220 tCn-3080 tCn) lấy Thính Bạt sinh Lâm Khôi , ông này tự lập làm Viêm Đế 炎帝 (có sách gọi là Đế Đồi 帝魋), sinh ra Đế Thừa帝承, Thừa sinh Đế Minh帝明. Minh sinh Đế Nghi 帝宜 (còn gọi là Đế Trực 帝直), Nghi sinh Đế Lai 帝來. Sau Đế Nghi được Đế Minh giao đứng đầu vùng phía bắc sông Dương Tử.

Từ Đế Minh là liên quan đến sử Việt.

Dựa vào truyền thuyết, dựa trên cuốn Đại Việt sử ký 大越史記  của Lê Văn Hưu (黎文休, 1230-1322) soạn hồi thế kỷ XIII mà nay đã bị thất lạc, nhóm Ngô Sĩ Liên (吳士連, ?-?) soạn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” 大越史記全書 từ giữa thế kỷ XV, khắc in vào năm 1697  đã đưa vào chính sử tại phần ngoại kỷ外紀đại ý rằng:

Đế Minh (帝明, 2950 tCn-?) là cháu ba đời của Viêm Đế 炎帝 họ Thần Nông, đã có con là Đế Nghi帝釐sau đó, khi tuần thú phương nam đến Ngũ Lĩnh 五岭lấy con gái Vụ Tiên 鶩僊女, sinh ra Lộc Tục 祿續 (tức Kinh Dương Vương 涇陽王, 2919 tCn – 2792 tCn). Kinh Dương Vương được Đế Minh giao cai quản phía nam Dương tử giang 長江.

Lộc Tục lấy con gái Vua hồ Động Đình 洞庭湖, sinh ra  Sùng Lãm 崇纜tức Lạc Long Quân (貉龍君, 2825 tCn-?). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai (帝來, một hậu duệ khác của Thần Nông) là Âu Cơ 嫗姬 sinh được 100 người con trai, 50 người theo Lạc Long Quân theo cha về bờ biển Đông, 50 người theo mẹ về núi và suy tôn người con cả lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương  雄王, đặt tên nước là Văn Lang (文郎, 2524 tCn–258 tCn), đóng đô ở Phong Châu 峯州. Giai đoạn này thuộc thời đại Hồng Bàng 鴻龐氏.

Theo nhiều công trình nghiên cứu sau này cho thấy lãnh thổ nước Văn Lang của các Vua Hùng bao gồm khu vực Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chứ chưa bao gồm phần đất vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay.

Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, trong triều đình có các quan giúp việc là Lạc Hầu, quan Lạc Tướng cai quản các bộ địa phương, dưới Lạc Tướng là các quan Bồ Chính cai quản từng khu vực nhỏ (làng).

Lời bàn: Sử cũ chép 一胞百卵 (Nhất bào bách noãn) nên xưa nay đều dịch là “bọc trăm trứng”. Câu chuyện này có giá trị biểu hiện tín ngưỡng thờ Mẫu, tôn sùng “người đàn bà đẹp, quý phái ở đất Âu 甌” và khi giải nghĩa từ “đồng bào” trong tiếng Việt! Nhưng chữ  còn có nghĩa là nhiều và chữ  có nghĩa là nuôi nấng. Còn “五十” (ngũ thập) ngoài nghĩa “50” còn hàm ý chỉ “một nửa”. Do vậy nói 2 người nuôi dạy nhiều người và chia “một nửa theo cha, một nửa theo mẹ” hợp khoa học hơn và thể hiện rõ cư dân sống rải rác, còn trong Chế độ mẫu quyền công xã nguyên thủy chưa thành quốc gia hoàn chỉnh, chưa có kinh đô.

Đồng thời nội dung trên cho thấy người xây dựng nhà nước sơ khai (nặng tính huyền thoại) bên Trung Quốc và Việt Nam là Đế Nghi và Lộc Tục đều là con Đế Minh thuộc dòng dõi Thần Nông. Thực ra có thể nội dung đó được tầng lớp quý tộc Việt Nam (vốn đã Hán hóa từ trước) sáng tạo ra sau khi dựng nước, nhằm tạo ra bản sắc riêng cho họ khi so sánh với di sản văn hóa của Trung Hoa.

Tất nhiên, lịch sử quá trình đó chủ yếu dựa vào sử Hoa và truyền thuyết nên còn khá mù mờ, thiếu thống nhất. Song thời kỳ Hùng Vương đó là có thật và là thời kỳ tập hợp các bộ lạc, hình thành nên nhà nước trung ương, tiền thân của Đại Việt (大越, 938 - 1887) xưa mà nay là Việt Nam. Do vậy từ lâu, người Việt đã coi Hùng Vương là Vị Tổ của nước Việt Nam: 南邦肈祖 (Nam bang Triệu Tổ).

III.        BỘ TÂN HƯNG

Nhà nước Văn Lang gồm 15 bộ (còn gọi là quận , bộ lạc 部落), là: Giao Chỉ  交趾, Chu Diên 朱鳶, Vũ Ninh 武寧, Phúc Lộc 福祿, Việt Thường 越裳, Ninh Hải 寧海, Dương Tuyền 陽泉, Lục Hải 陸海, Vũ Định 武定, Hoài Hoan 懷驩, Cửu Chân 九真, Bình Văn 平文, Tân Hưng 新興, Cửu Đức 九德, Văn Lang 文郎 (có tài liệu kê tên các bộ này khác nhau). Trong đó bộ Văn Lang là nơi vua đóng đô ở Phong Châu 峯州, nằm giữa khoảng từ thành phố Việt Trì tới khu vực Đền Hùng thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nay. Trong 15 bộ đó có bộ Tân Hưng mà nhiều người, nhiều cuốn sử, dư địa chí ở Lào Cai nói bộ đó bao gồm cả đất Lào Cai nay!

Thời dựng nước 鴻龐氏紀, những vùng đất có người ở hình thành nên  những điểm  tụ cư có quy mô khác nhau, tồn  tại dưới dạng các công xã thị tộc hoặc liên minh thị tộc (bộ lạc). Mỗi điểm tụ cư như vậy có thể có một tên gọi riêng gắn liền với đặc điểm tự nhiên nơi cư trú (núi, sông, khe, suối, hang động, ruộng, bãi…) hoặc  nguồn gốc lịch sử dân cư. Tuy nhiên, chưa hẳn đó đã là những địa danh hành chính. Các tài  liệu thư tịch cổ xác nhận, các tụ điểm dân cư thường có tên gọi là “kẻ”, “trang”, “hương” ở đồng bằng; “động”, “sách”, “nguồn”, “trại” ở miền núi; “vạn” ở những vùng ven sông, ven biển. Có thể đó chỉ    những vùng dân cư được hình thành tự nhiên chứ chưa phải là các đơn vị hành chính, chưa có ranh giới rõ ràng. Thực chất, hầu hết tên các bộ của nước Văn Lang là vay mượn các tên vùng đất đời sau chép vào cho đủ 15 bộ như truyền thuyết (chính vì vậy mà tên các bộ có khác nhau ở mỗi tài liệu).

Trong đó “Tân Hưng 新興” là tên gọi thời thuộc Ngô. Khi Tấn Vũ Đế diệt Ngô đổi là quận Tân Xương 新昌. Quận này được xác định ở vùng huyện Mê Linh, phía bắc thị xã Sơn Tây, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Yên Bái nay, tức thuộc vùng Hưng Hóa 興化 và Tuyên Quang 宣光 thời Nguyễn.

IV.      LÀO CAI NAY XƯA CÓ THUỘC BỘ TÂN HƯNG KHÔNG

Thời Hùng Vương, tổ chức hành chính chưa hoàn chỉnh, các vùng dân cư được hình thành tự nhiên chứ chưa phải là các đơn vị hành chính, chưa có ranh giới rõ ràng và cũng không tìm thấy tư liệu nào viết rằng vùng Tây Bắc Việt Nam nay (trong đó có Lào Cai) nằm trong đất Tân Hưng!

Nhớ rằng, theo sử liệu thì mãi sau này trong thời phong hiến Trung Quốc cai trị nước ta (北屬時代, 111 tCn–40, 43-937) thì vùng tây bắc Việt Nam và ngay cả vùng Tây Nam Trung Quốc (Điền Việt 滇國 xưa, Vân Nam nay) vẫn nằm ngoài phạm vi thống trị của nhà Hán (漢朝, 206 tCn–220) cho chí nhà Đường (唐朝, 618 ––705) tới nhà Nam Hán  (南漢朝, 907-939). Đồng thời, khi đó chưa có khái niệm “đường biên giới” mà chỉ có “vùng biên giới” rõ nét tại những nơi có cửa ải, còn lại là “vùng đệm” giữa các tiểu quốc. Những vùng hẻo lánh ở xa trung tâm quốc gia (Việt, Trung), giao thông khó khăn, ngay các tiểu quốc, vương quốc cận kề cũng chưa với tới, các sách, động vùng này chưa trực thuộc chính quyền trung ương mà do các thổ hào, tù trưởng người địa phương cai quản, thu thuế.

Khi đó vùng Lào Cai nay là vùng đệm. Ngay sau này, khi phong kiến phương Bắc tràn chiếm Âu Lạc (甌雒/甌駱/甌貉, 257 tCn-207 tCn) thì vùng Lào Cai chẳng thuộc sự cai quản của quan lại phương Bắc thay nhau cai trị Giao Chỉ, từ Tây Hán (西漢, 111 tCn-24 sCn) chuyển Đông Hán (東漢, 25-220) sang Đông Ngô (, 222-280) tiếp Tấn (,265-420) rồi các triều Tống, Tề, Lương của Nam Bắc triều (南北朝, 420-579) đến nhà Tuỳ (, 580-618), Nhà Đường (唐朝, 618 – 907, bị gián đoạn 690–705 bởi nhà Vũ Chu của Võ Tắc Thiên 武則天) kết thúc bằng nhà Nam Hán  (南漢朝, 907-939). Đồng thời cũng chẳng thuộc các thế lực làm chủ cai quản vùng Vân Nam 云南 nay, như: Ích châu 益州郡, Vĩnh Xương 永昌郡, Bạch Tử 白子國, Kiến Trữ 建寧國, Châu Trữ 寧州, Thị tộc Thoán 爨氏, Nam Ninh 南寧州, châu Diêu 姚州, Lục chiếu (六詔, 649 –794), Đại Trường Hòa (大長和, 902 – 927), Đại Thiên Hưng (大天興, 928 – 929), Đại Nghĩa Trữ (大義寧, 929 – 937), Vương quốc Đại Lý (大理國, 937 1253).

Duy nhất, trong thời Lục chiếu (六诏, 649 –794), gặp lúc nhà Đường suy yếu, một “chiếu” mạnh, thôn tính các “chiếu” khác lập nước Nam Chiếu (南诏, còn gọi là Nam Giao, 738 – 902) thì Vương triều hùng mạnh này kiêm tính cả đất Lào Cai và nhiều lần tấn công xuống tận thành Đại La (Hà Nội nay).

Có tài liệu ghi: Thời đó, vùng phía đông và phía nam Lào Cai thuộc bộ lạc Tây Vu 西邘 của Thục Phán 蜀泮, còn một phần đất phía tây và phía bắc Lào Cai hiện nay thuộc phạm vi của các bộ lạc nhỏ hơn không chịu thuần phục Lạc Việt.

Trong kỉ nhà Triệu (趙氏, 207- 111 tCn) vùng Lào Cai nay thuộc quận Giao Chỉ 交趾郡. Lịch sử từng ghi lại cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân ta chống lại phong kiến phương Bắc là cuộc khởi nghĩa của Tây Vu Vương 西邘王 chống lại sứ giả nhà Triệu (111 tCn) nhằm khôi phục lại chủ quyền cho nước Âu Lạc xẩy ra trên đất bản bộ của Thục Phán xưa. Nhưng rồi Tả tướng cũ của Âu Lạc là Hoàng Đồng đã giết chết Tây Vu Vương, cuộc khởi nghĩa thất bại. Đó cũng là thời điểm mà Phục ba tướng quân 伏波將軍 nhà Tây Hán (西漢, 206 tCn–9 Cn) là Lộ Bác Đức (路博德, ?-?) chiếm được Nam Việt (南越, 207 - 111 tCn) của nhà Triệu 趙氏.

Do đó ta có thể tự hào mà nói rằng vùng đất “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”, trung tâm của vùng thượng nguồn sông Hồng, là nơi phát tích của vị vua dựng nước An Dương Vương Thục Phán và là nơi đầu tiên trong lịch sử dân tộc phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Rất tiếc, đây mới chỉ là những cứ liệu từ truyền thuyết, dã sử...Nếu điều đó là đúng thì cần được tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ về sự thiêng liêng của mảnh đất địa đầu Tổ quốc nơi mình đang sống.

Rõ ràng nói hay viết đất Lào Cai nay thuộc bộ Tân Hưng thời Hùng Vương là không đúng!

V.         VÙNG LÀO CAI NỘI THUỘC ĐẠI VIỆT KHI NÀO

Vùng đất Lào Cai và giáp ranh Lào Cai ngày nay vốn là vùng đất cổ, nơi cư trú của niều bộ tộc khác nhau, ngoài Hán tộc 漢族 và Việt tộc . Những cư dân vùng này sống ven sông Hồng, các con suối từng hộ, nhóm hộ trong các hang, sách, động dưới sự chỉ dẫn của các già bản, thổ hào, tù trưởng mà chưa biết tới chính quyền cao hơn khi nhà nước sơ khai đang hình thành.

Tới khi hình thành các tiểu quốc, vương quốc mà trung tâm quyền lực thuộc về các Thổ tù lớn thì nơi đây vẫn là “trái độn” hay “vùng đệm” giữa các thế lực. Khi đó các thổ hào, tù trưởng thường “nộp thuế” và nghiêng về phía nào nếu bên đó mạnh, “bảo kê” được cho họ! Thừa nhận điều đó không hề làm giảm long tự tôn Đại Việt của con dân vùng biên viễn này!

Phía Bắc, giữa thế kỷ X, thủ lĩnh bộ tộc người Bạch vùng Hồ Nhĩ Hải 洱海là Đoàn Tư Bình 段思平 nắm quyền, lập ra Vương quốc Đại Lý (大理国, 937 – 1253) ở vùng nay là Vân Nam – Trung Quốc có gián đoạn bởi Đại Trung (大中, 1094 - 1095). Đại Lý, kế tục Nam Chiếu đã đặt áp bức lên vùng Lào Cai nay.

Bên nước Việt, thời kỳ này nhà Tiền Lê (前黎氏, 980 - 1009) đã rời vũ đài Đại Cồ Việt (大瞿越, 968-1054), thay bởi nhà Lý (李朝, 1009 - 1225) với Vua khai quốc là Lý Thái Tổ (李太祖, 1010-1028). Năm 1010 nhà Lý dời đô ra Đại La (大羅, Hà Nội nay) và từng bước xây dựng nền quân chủ vững bền. Trong đó có việc mở rộng cương vực, quản lý đất đai, khẳng định chủ quyền tại những vùng đất mà xưa nay các triều trước chưa phân định rõ.

Khi đó, vùng núi Tây Bắc là các huyện thuộc Man Châu 蠻州 vẫn được triều đình các bên cai trị một cách lỏng lẻo. Vào năm Thuận Thiên thứ năm (順天第五年,1014) Man tướng 蠻將 vùng Hạc Thác (貉橐, thuộc nước Đại Lý 大李 khi đó do Đoàn Tố Liêm 段遡廉 trị vì (1010-1022) với niên hiệu Minh Khải 明啟) là Dương Trưởng Huệ 楊長惠 và Đoàn Kính Chí 段敬至 đem 20 vạn quân vào cướp đất của nước ta ở thượng du, đóng đồn ở bến Kim Hoa 金華, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa 五花. Lý Thái Tổ (李太祖, 1010-1028) sai em là Dực Thánh Vương 翊聖王 đi đánh dẹp. Vương thắng trận, giết được hàng vạn quân giặc và bắt được rất nhiều người ngựa, sáp nhập vùng này vào Đại Việt.

Song do điều kiện giao thông khi đó, triều đình Trung ương không đặt các quan Triết trấn 折鎭 hay Trấn thủ 鎮守 ở các miền sơn cước và các miền lân cận thượng du nên chưa thể quản lý chặt chẽ được mà vẫn phải dựa vào các Thổ ty 土司 người bản địa theo chế độ cha truyền con nối 世襲 để thu, tiến cống sản vật về triều. Để nắm chắc và quản lý cả nước bằng một triều đình, nhà Lý dùng chính sách phủ dụ, lấy lòng, phong quan tước, gả Công chúa cho các Châu mục 州牧 gần biên cương. Nhưng do nắm cả việc cai trị và binh bị, có quyền hành quá rộng nên khi lòng tham trỗi dậy, họ dễ sinh phản nghịch. Tại một số châu động, tuy bị buộc ép vào địa đồ Tống triều nhưng nhân dân trong vùng vẫn ý thức mình là người Việt và cùng chiến đấu để trở về với ngôi nhà Đại Việt.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông Nhật Tôn (李聖宗日尊, 1054-1072) thân chinh mang 10 vạn quân vào đánh Chiêm Thành (占城,trước Công nguyên - 1832), bắt được vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Củ (制矩, Rudravarman III, trị vì từ 1061 đến  1074) và nhiều quan quân, dân chúng Chiêm. Chế Củ buộc phải dâng đất của ba châu Bố Chính 布政, Địa Lý 地理 và Ma Linh 痲令 cầu hòa. Vua Lý Thánh Tông đặt tên cho vùng đất mới này là trại Tân Bình, lãnh thổ Đại Việt thêm vùng đất nay là Quảng Bình và bắc Quảng Trị. Những dân Chiêm bị bắt được đưa đi khai khẩn những vùng đất hoang ở xa, trong đó có vùng nay là Lào Cai (Phải chăng đây là tổ tiên  của người dân một số bản ở Chiềng Keeng-Văn Bàn hay Tả Phời-Lào Cai mà có lần đi công tác tôi gặp thấy tiếng nói, phong tục họ khác hẳn dân Tầy, Dao, Mường, Dáy...ở các bản lân cận ? đáng tiếc chưa thấy bài nào đề cập cụ thể vấn đề này !).

Trong 12 lộ , 6 phủ , 25 châu mà Lý Thánh Tông (李聖宗, 1054-1072) định ra khi đổi quốc hiệu là Đại Việt 大越 chép ở Toàn thư 全書 thì  vùng Tây Bắc thuộc đạo Lâm Tây 林西道.

Năm 1159, nhân khi nước Đại Lý (大理, 937-1253) của Đoàn Chính Hưng (段正興, 1147-1171) thời Long Hưng (龍興, 1155-?) suy yếu, vua Lý Anh Tông (李英宗, 1138-1175) cùng Tô Hiến Thành (蘇憲誠, 1102-1179) chinh Tây, thu phục các tù trưởng 牛吼 ở Tây Bắc và nhập vùng đất đó vào lãnh thổ Đại Việt 大羅, thành châu Chân Đăng 真登. Để tăng sự ràng buộc, Lý Thần Tông (李神宗 1116 1138) còn lấy Lý Ngọc Kiều (李玉嬌, con gái lớn của Phụng Càn Vương 奉乾王 李日中 được Vua Bác là Thánh Tông 李聖宗 nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm Công chúa) gả cho châu  mục châu Chân Đăng là người họ Lê vào năm 1058.

Từ đó vùng Lào Cai ngày nay chính thức và vĩnh viễn thuộc về đất Việt.

Nhà Lý có công chỉnh trang Đại Cồ Việt trở thành Đại Việt hùng cường, xác định cương vực và chủ quyền vùng Tây Bắc, tuần tự vững bước đi lên, tạo tiền để các thế hệ sau đánh thắng giặc Minh, Nguyên, Thanh, Pháp, Nhật, Mỹ rồi cả quân bành trướng xâm lược.

Đặc biệt vùng Lào Cai nay, Vương triều Lý có công rất lớn, chiến công ở ải Lê Hoa 梨花關 cuối năm Đinh Mùi 1427 lừng lẫy là thế nhưng đáng tiếc trên vùng đất “ngã ba sông biên giới” này chưa có nơi ghi công Lý triều và tưởng nhớ chiến thắng ải Lê Hoa, chiến công trong Khởi nghĩa Lam Sơn (蓝山起义, 1418-1427) chưa thấy có, ngay cả cái ải oai hùng đó nay ở đâu cũng chưa thấy các Gà sống Thiến sót nhà ta bới tìm ra!!

Phải chăng hậu thế chưa công bằng với lịch sử!

VI.      CÓ HAY KHÔNG ĐỊA DANH CƠ MI

Tổ chức chính quyền thời Hùng Vương có 2 cấp: bộ lạc (mà đến thời thuộc Hán sau này trở thành huyện) và dưới bộ lạc là cộng đồng công xã nông thôn (kẻ, chạ, chiềng, mường), kết hợp quan hệ hàng xóm với quan hệ họ hàng. Một chiềng có thể cai quản nhiều bản.

Nhà Đường (唐朝, 618 – 907, bị gián đoạn 690–705 bởi nhà Vũ Chu của Võ Tắc Thiên 武則天): Nhà Đường lật nhà Tuỳ (, 580-618) và thay Tuỳ cai trị Giao Châu đặt An Nam đô hộ Phủ (安南都護府 , phủ cai quản miền Nam yên bình) bên dưới là các Châu, Huyện, Hương, Xã. Gồm: 1. Giao Châu - có 8 huyện (Hà Nội, Nam Ðịnh...). ; 2. Lục Châu - có 3 huyện (Quảng Yên, Lạng Sơn); 3. Phúc Lộc Châu - có 3 huyện (Sơn Tây); 4. Phong Châu - có 3 huyện (Sơn Tây); 5. Thang Châu -có 3 huyện.   6. Trường Châu - có 4 huyện; 7. Chi Châu -có 7 huyện; 8. Võ Nga Châu -có 7 huyện; 9. Võ An Châu-có 2 huyện; 10. Ái Châu - có 6 huyện (Thanh Hóa); 11. Hoan Châu - có 4 huyện (Nghệ An); 12. Diễn Châu - có 7 huyện (Nghệ An).

Đối với các bộ lạc vùng núi xa xôi phía Tây bắc, bắc Bắc Bộ Việt Nam hiện nay, nhà Đường không đặt châu quận cai quản trực tiếp mà đặt các phủ, châu ki mi 羈縻cho các tù trưởng cũ cai quản bộ lạc của mình.

羈縻” là một hình thức quản lý: “Ràng giữ, buông thả, câu thúc; duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn”. Chế độ gián trị 间治 như vậy với vùng miền núi xa xôi được duy trì và tồn tại mãi tới thời Nguyễn vào năm 1838 mới chuyển sang chế độ trực trị 直治 bằng lưu quan  流官 người Kinh. Chứ “羈縻” không phải là một địa danh!

Vùng Lào Cai nay có các châu: Lâm Tây châu, Quy Hóa châu, Cam Đường châu nhưng có tài liệu, do không hiểu vì sao lại có người viết thủa xưa vùng đất xx thuộc Lào Cai nay có tên là Cơ Mi, Quy Mi hay Chu Quý!

Sau này, trong buổi đầu nền độc lập tự chủ, nhà Đinh (丁氏, 968 - 980), Tiền Lê (前黎氏, 980 - 1009) chia cả nước ra làm 10 Đạo , dưới Đạo là Châu , Động . Nhưng triều đình chỉ có thực quyền ở miền trung du, đồng bằng Bắc bộ, Thanh Nghệ còn vùng miền núi và các châu cơ mi 羈縻 thuộc nhà Đường (唐朝, 618 – 907) cũ, nhất là vùng Tây bắc trước kia (trong đó có vùng Lào Cai) vẫn do các tù trưởng 土司 bản địa trông giữ, cai quản.

Do vậy, trên toàn cõi Văn Lang, Giao Châu, Đại Việt,…không có địa danh cấp nào mà Hán tự viết là “羈縻” và đọc theo âm Hán Việt là “cơ mi, “ki mi”, “chu quý”,…đó chỉ là một hình thức quản lý. Quy cho đó là địa danh để rồi viết hoa (“Cơ Mi, “Ki Mi”, “Chu Quý”) là sai cả về chữ nghĩa, về lịch sử !

Tóm lại: Cổ sử vốn không đầy đủ lại chép rất vắn tắt theo quan điểm của giới thống trị còn truyền thuyết là đặt ra để nâng cao lòng tự tôn giai cấp, dân tộc chứ ít mang tính khoa học lại rất dễ “tam sao thất bản”!. Nhưng từ những chi tiết đó, chắt lọc, kết hợp với thông tin từ chuyên khoa khác, tổng hợp lại có thể khẳng định rằng:

Thời đại Hùng Vương là có thật, là nhà nước sơ khai đầu tiên của Đại Việt và nay là Việt Nam.

Vùng đất “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”, tức Lào Cai nay không nằm trong bộ Tân Hưng thời Hùng Vương.

Thời đó và cả sau này chưa bao giờ vùng Lào Cai có địa danh nào là Cơ Mi, Ky Mi hay Chu Quý, mà “cơ mi” là một hình thức quản lý đối với những vùng xa trung tâm, các nơi là “vùng đệm”!

Các cụ xưa dạy “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” quả không sai! Viết về lịch sử phải có cái tâm, có nhãn quan nhưng không thể lấy “tình cảm”, “chính trị” thay thế hoàn toàn được!

-Lương Đức Mến, dịp “Ngày Hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc 2020”- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!