Đã 38 năm (1982-2019) trôi qua, kể từ cái ngày “tôi vơ lấy tội” ấy, có những chi tiết giờ mới kể và cũng có tình tiết đọc lại rơi nước mắt và cũng chả hiểu sao ngày ấy và thời gian qua mình lại vượt qua được !
Nhớ chuyện xưa, ngó chuyện nay, khối điều lởn vởn trong tâm tưởng nghĩ nên soạn ra, chép lại để lưu giữ.
1. Vào đời
Theo thỏa thuận giữa 2 Bộ, ngày 10 tháng 6 năm 1974 Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam có Công văn số 140/ĐT đồng ý tiếp nhận học sinh của Bộ Công an vào học trường Đại học Quân y (thuộc Bộ Quốc phòng). Thế là, từ tháng 10/1974, 20 chúng tôi có điểm thì vào Đại học trên 19 điểm (tôi được 23,5) từ Trường CSND, ANND sang học bên ĐHQY.
Kết thúc 6 năm học tập, rèn luyện, chiều ngày 10/3/1981 tại Hội trường B (Quân y viện 103- Đại học Quân y) chúng tôi dự Lễ Tốt nghiệp và được nhận BẰNG TỐT NGHIỆP do Hiệu trưởng Đại tá Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu (1919-1989, nhà tổ chức, chỉ huy Quân y xuất sắc) kí ngày 09/3/1981 theo QUYẾT ĐỊNH công nhận tốt nghiệp số 72/QĐ/QP ngày 06/3/1981[1] của Bộ Quốc phòng.
Sau khi nhận bằng tất cả các Bs của QĐ lên đường nhận nhiệm vụ ở các Bệnh viện, Quân, Binh chủng, Quân khu, Quân đoàn... khắp các miền. Nhưng các Bs do Bộ Công an (khi đó mang tên Bộ Nội vụ) gửi sang vẫn chưa nhận phân công công tác! Thậm chí, trong những ngày vẫn ở lại tại trường chúng tôi nghe tin có bạn cùng khóa đã hi sinh tại C mà mình vẫn “chờ”![2]. Nhưng cũng chưa ai có sáng kiến “tự liên hệ công tác” như những năm 1990s sau này.
Thực hiện Quyết định số 1095/NV-QĐ ngày 20/3/1981 của Vụ trưởng VTCCB , từ ngày 01/4/1981 chúng tôi được điều động về nhận công tác tại Viện Khoa học hình sự (khi đó có tên là D44), xếp mức lương 64 đ (Thiếu úy). Sau đó tôi nhận Quyết định số 1767/NV-QĐ ngày 21/8/1981 của Phó Vụ trưởng VTCCB Lê Tân điều động về nhận công tác tại Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn (thành lập theo Quyết định số 339/NV-QĐ ngày 28/01/1976 của Bộ Nội vụ - tên mới từ 06/6/1975 của Bộ Công an), kể từ ngày 01/9/1981 với trợ cấp chuyển vùng là 150 đ do Viện KHHS cấp[3]. Về đây tôi nhận Quyết định số 69/CA-QĐ ngày 23/11/1981 của Giám đốc phân nhiệm công tác tại Phòng CSĐTXH (PC16-21) kể từ ngày 25/11/1981.
2. Cơ sở cũ
Gặp lại người xưa : Nhận nhiệm vụ và là một trong số ít tốt nghiệp Đại học ngày đó, tôi nhanh chóng làm quen với công tác và khẳng định được mình qua vài vụ việc. Nhưng lại khó quen nếp sống, ăn uống ở tập thể CA tỉnh[4] mà thường ăn với mẹ con anh Vũ Thanh Bình[5].
Một buổi vào Công ty Dược ở đỉnh dốc cây 6 mua cồn, tôi thấy cổng một cơ quan đề UBBVBM-TE, đoán chắc cô bạn quen từ hồi còn “Hà Đông-Tây Mỗ đi về” dưới Hà Nội ở đây. Hỏi ra đúng vậy. Thế là tôi tìm gặp lại HM làm ở phòng Nghiệp vụ[6]. Thế mà đã hơn năm xa nhau. Nhân nhắc lại chuyện hôm tôi vô SG (3/1979) thực tập tại QYV 175, HM không tới và những kỉ niệm cũ tôi đã viết bài thơ sau (27/10/1981):
Em biết lỡ sai rồi, Trách chi hoài nữa mãi.
Lỗi lầm em đâu ngại, Chỉ sợ thiếu chân tình.
Nhắc mãi ngày xa anh: Vì bận, em không đến,
Anh-vì em lỡ hẹn, Viết bài thơ không đề.
Ở nơi xa có nghe, Tiếng nói lòng tức tưởi,
Của em-Khi thầm gọi, Đọc thơ anh gửi về.
Thương nơi tiễn mình đi, Em lại về chốn cũ,
gửi nỗi lòng dang dở: Nơi chốn ấy-phồn hoa.
Cuộc đời quay bánh xe, Anh cũng về nơi ấy,
Gặp nhau lòng khơi dậy, Kỉ niệm những ngày xưa.
Bước ngoặt: Tối thứ Bẩy 21/11 sau khi bỏ dở bộ phim Tấn thảm kịch trong cuộc đi săn ở rạp Yên Ninh ra về, tôi đã viết bài Uống bia :
Che môi tôi rót...li Bia,
Em giơ tay đỡ: ơ kìa li chao.
Kệ anh, em ứ đâu nào,
Bắt đền anh đó, làm sao thì làm.
Ghé tai, tôi mới thì thầm:
Li bia đang uống, vẫn còn nguyên ga !
Quyết định sang trang: Cuối Tháng 12/1981 trời rét. Tôi đi Hà Nội có việc. Đồng thời cũng giải quyết xong chuyện với Hoa Phượng (ở khu Tập thể Trung Tự).Vì có hẹn nên khi HM và Hải từ Yên Bái xuống đã cùng tôi và Đỗ Thế Lộc[7] vào khu chợ Xanh dự cưới Hoàng Thị Thức. Xong việc Hải ngược trước. Hôm trở lại YB (tối 21/12/1981) tôi và HM đã thống nhất được với nhau, đúng như tôi viết trong Định mệnh:
Dẫu đi khắp mọi nẻo đường,
Đoạn dừng bước lại: Vẫn Làng Xóm xưa.
Công Tư đẹp chuyến đò đưa,
Đời sang trang mới-Hẹn chờ Tin vui.
Ngại gì em cứ ngủ đây,
Để anh ru giấc ngủ ngày cho em.
À ơi ngọn lửa thì mềm,
Vòng tay anh đỡ thì êm ngọt ngào.
Bờ tre đôi cánh chim chao,
Thấy em ngon giấc ngó vào cũng ghen.
Mộng chi, em mỉm cười duyên,
Với anh gửi trọn nỗi niềm, ước mơ ?
“Chắt chiu từ những ngày xưa,
Mẹ sinh em để bây giờ cho anh ?”
(Tại khu tập thể CA tỉnh HLS-27/XII/1981)
Tại Khu tập thể UBBVBM-TE tỉnh, ngày 06/I/1982 chúng tôi bàn chuyện Cưới và tôi viết bài Anh sẽ là Hoạ sĩ :
Em bảo rằng em thích bế bồng,
Thích thơm em bé, thích nựng “cưng”.
Sao chẳng thích anh làm Hoạ sĩ,
Để thoả sức em: bế với bồng !
3. Đám cưới chả giống ai
Ăn hỏi và dẫn lễ: Việc xác minh Lí lịch của PTM, đơn vị làm đã xong, Phòng Tổ chức duyệt hôm 22 Tân Dậu (16/01/1982). Riêng chuyện “ra mắt” và báo cáo gia đình thì chưa có điều kiện thực hiện. Chỉ còn ít hôm nữa là Tết 1982 (Nhâm Tuất) nhưng vì công việc không xin nghỉ được. Mãi Thứ Ba 19/01/1982 (25 Tết) cả 2 chúng tôi mới được nghỉ.
Hai đứa không kịp sắm gì (mà cũng chả có tiền), chỉ báo cáo nhanh với cơ quan 2 bên rồi ngược tầu về ngay. Trên tầu gặp Nguyễn Bá Hanh (học cùng tôi năm cấp II, lấy Vân là con gái thầy Nhẫn. Năm 1988 chuyển vào Lâm Đồng) tôi viết thư về nhà nói ý định cưới và “phân công” trách nhiệm cho gia đình và các em. Tôi và HM xuống ga Lu, qua phà đi tiếp lên Gia Phú.
Đến Bến Đền đã 10 giờ đêm ngày 25 Tết. Khi đó gia đình còn ở tạm trong lán nương trong lòng hồ Chính Tiến, lần mò mãi, gần nửa đêm mới tới nhà. Nhạc phụ chắc cũng chả nhận ra con rể vì mới gặp một lần.
Tôi từng được cha dẫn câu: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên”, việc hôn nhân là cội nguồn của mọi hạnh phúc, đó là công việc trọng đại và câu “Lục Lễ bất chi, trinh nữ bất xuất” hơn nữa đã qua ngày “ông Táo lên giời” nên theo truyền lại, chả ai tiến hành “chuyện trăm năm” sau 23 tháng Chạp.
Nhưng vì thời gian, vì hoàn cảnh công tác nên khó có thể lùi và vẽ ra nhiều thứ được. Hơn nữa ngày xưa các cụ đặt ra đủ lệ bộ thiêng liêng, đôi khi phiền toái để nhằm làm cho đôi trẻ thấy có trách nhiệm với nhau, với gia tộc và với phép nước. Chúng tôi đương nhiên nhận thức được nên khỏi phải thử thách và tôi đã thuyết phục được bố mẹ vợ với lý do sang năm tôi “vướng tuổi Kim lâu” !. Thương con, bố mẹ đồng ý cưới vào 28 Tết (mà còn ngày nào nữa ?). Hiểu hoàn cảnh các cụ nên tôi đưa tháng lương Thiếu úy mình vừa ứng ở phòng Hậu cần hôm nọ. Các cụ vui vẻ không đòi hỏi gì, chỉ yêu cầu HM phải tự đi mời bà con bởi chả còn ai và cũng là để chứng minh: con gái ông bà không “ăn cơm trước kẻng” !.
Sáng hôm sau tôi đạp xe trở lại Phố Lu để về Phong Niên. Thấy gia đình đã lo đủ, theo đúng “kế hoạch” của mình. Cũng may mà năm đó mẹ nuôi được một con lợn to (169 Kg). Họ mạc quanh cả, không mời khách xa nên khỏi lo.
Chiều 27 Tết: tôi, bố[8], thím Bính[9], em Vinh[10] sang nhà cô ruột tôi[11] ở Cánh Địa thuộc xã Sơn Hải tập kết để mai sang nhà gái cho gần !. Trước lúc đi, tìm mãi không thấy đuôi lợn đâu, bố chửi um lên (Thức đã lấy chia cho trẻ con !). Bên thím Bính mổ lợn Tết, tôi sang cắt lấy đuôi, không kịp cạo lông, cầm đi luôn. Sáng hôm sau cô Thị nấu xôi rồi sắp lễ. Thấy Thủ thì to (lợn 169 Kg) đuôi thì bé (lợn 80 Kg) khó sắp nên tôi bỏ không dùng đuôi đó nữa. Có lẽ hiếm ai tự đi hỏi vợ và có cách dẫn lễ như tôi.
Xin dâu Sáng Thứ Sáu 22/01/1982 (28 tháng Chạp năm Tân Dậu), từ nhà cô, tôi phải đi trước tiền trạm, tin vào anh Tầu[12] dẫn đường, ai ngờ cả đoàn đón dâu bị lạc quanh đồi Tên lửa (gần Ga Làng Vàng) mãi gần 12 giờ mới tới. Tìm mãi không thấy bát hương, lại có ông rỉ tai nói với bố tôi: nhà này đi Đạo nên bố tôi lo. Tôi động viên, không ngại, vì CA đã xác minh rồi. Khi tôi đi chặt một khúc chuối làm bát hương thì chị vợ cũng vừa đưa bát hương đã phơi khô từ sân vào. Ăn uống sau Lễ Vu quy xong, 1 giờ xin rước dâu. Tôi lai cô dâu trên chiếc xe đạp gắn với tôi cả mấy năm Đại học. Mệt phờ.
Thành hôn : ngày ấy không có ô tô cũng chẳng có xe ôm, chỉ vài xe đạp tàng nên mãi gần 4 giờ chiều mới về đến nhà. Trang trí đơn giản, cỗ bàn tự làm.. Cả 2 đều diện bộ quần áo may từ năm trước !.
Hồi đó, căn nhà làm từ 1974[13] đã bị cháy trong cuộc chiến 02/1979, Vợ chồng Thuộc-Nghị dựng nhà nhỏ trên nền nhà cháy (nơi Thuộc Nghị xây nhà từ 19/09/2013 tức Rằm tháng Tám Quý Tị), bố mẹ và các em dựng lều ở nền cũ (nơi nhà mẫu thân tôi ở bây giờ, dựng lại từ 1983[14]). Bàn thờ vái khấn Gia tiên làm tạm trong lều đó. Tất cả chuẩn bị và tiến hành mọi Lệ Tục chỉ có 5 ngày. Kíp thế mà vẫn vui, không nợ nần gì, vẫn đủ lệ bộ.!.
Đêm Tân hôn chúng tôi ngủ bên nhà Thuộc, mỗi đôi một gian. Chẳng giường, chiếu, quần áo cưới! Khi đó Nghị vừa sinh cháu Thuận được hơn hai chục ngày. Sáng sau, mẹ sang gọi hai đôi mới dậy. Tôi viết bài thơ:
Xuân về thêm đượm Hương say,
Vui lên em hỡi - phút giây tiên bồng.
Khi xưa hôn má em Hồng,
Nâng niu anh để làm chồng hôm nay.
Bóc tờ Lịch mới trao tay:
Đất lề, Quê thói - Đợi ngày Tròn, Vuông.
Bạn bè 2 đứa, vì vội không mời được ai, chỉ có mỗi Lưu Long thay mặt cơ quan CA lên dự và chụp ảnh. Cuộn Phim để trong Vali Long đã làm mất. Thế là chả có cái ảnh nào. May vớt vát được một đoạn film tôi cầm, rửa ra được mấy cái. Ngày đó chả có thợ ảnh và chỉ là film đen trắng tự chụp, tự rửa ảnh.
Vĩ thanh: Sau Tết chúng tôi xuống Yên Bái và bắt đầu cuộc sống mới, đem theo gia tài là một nồi nhôm con đựng mỡ, bộ ấm chén và cái vỏ chăn con công!. “Vận động” mua được mấy gói bánh kẹo, chai vang Thăng Long của Công ty Thực phẩm Bánh kẹo để mời các cô chú, bạn bè cơ quan vợ!
Ngày ấy, tình hình ANTT khá phức tạp nên dù mới cưới tôi vẫn đi công tác liên tiếp ở miền Tây (vùng Nghĩa Lộ) và biên giới phía Bắc (vùng Lào Cai nay), khi về cơ quan (ngày ấy tỉnh lị đóng ở tx Yên Bái) HM lại đi cơ sở. Lúc 2 đứa ở nhà lại không đúng ngày nên mãi 10/9/1982 chúng tôi mới lấy được Giấy công nhận kết hôn (8 tháng sau cưới, lúc đó đã chửa Huyền Thương được hơn 3 tháng !).
Xin được một gian tập thể, giường cá nhân, bàn ghế cơ quan, thiếu thốn đủ thứ, 2 bên không ai chi viện gì. Đến lúc Huyền Thương 3 tháng tuổi mới đóng chiếc giường đôi đầu tiên. Lúc Hải Thương 4 tháng mới đóng thêm một giường và một tủ.
Từ tháng 2/1982 đến khi rời Yên Bái lên Lào Cai (11/1991) chúng tôi chuyển chỗ ở 3 lần. Năm con gái 10 tuổi mới có đất (328 đường Hoàng Liên) và thêm 10 năm nữa mới xây được nhà (2001, đúng năm Huyền Thương tốt nghiệp PTTH, thi vào Đại học). Được cái, các cháu ngoan, học hành giỏi!
Tôi chả hiểu sao ngày nay nhiều người cứ vẽ ra rắc rối lắm thủ tục nhiêu khê cho hai bên, nợ nần cho đôi trẻ, phiền hà cho tân khách! Người ta đua nhau phục hồi rồi cải niên “Lục Lễ”, khịa ra tục “ăn nháp”, “đón dâu 2 lần”, vống lên “lễ đen”,…đôi khi đến kêch cớm! Chắc tưởng rằng như vậy là hay, là hợp thời! Nhưng lứa đôi đâu có bền chặt ! Phải chăng là “tình dục” đã thay “tình yêu”, “phong trào” đã thay “mỹ tục”! Còn đâu những “Tứ đức tam tòng”, “Nam cương Nữ nhu”, “Nhân-Nghĩa – Tình - Nợ”,…
Dù thế nào, chắc chả ai muốn cưới xin kiểu như vợ chồng tôi, oái oăm hơn có nhưng nghi thức mà cố công tìm hiểu tôi cũng chả hiểu nó phát nguồn từ đâu, ý nghĩa nó ra sao?!
Mùa cưới 2019 nhìn lại mới hay, thoáng cái đã ngót 40 năm! Và từ cái “đám cưới khác người ấy”, nay đã có thêm 2 đám cưới nữa (tất nhiên là “hoành tráng” hơn) và đã 4 lần làm lễ “thôi nôi”; theo chữ là đã “đầy sân Quế Hòe”, có Dâu, có Rể, có cháu nội, ngoại đủ gái, đủ trai. Đúng là:
Tân Dậu mới kịp ghép đôi,
Ất Mùi sớm đã thành Mười tròn xinh!
Các con đứa nào cũng tốt nghiệp Đại học cả (có 3 Thạc sĩ), công ăn việc làm ổn định; 4 cháu xinh xắn, ngoan khỏe, học được ! “Trông lên thì chả bằng ai”, nhưng tôi đã bằng lòng với điều đó, Ai tham muốn thê kệ họ. Mà muốn “thêm” thì bao nhiêu cho đủ ? Với tôi :
Sáu Nhăm Xuân, Con Cháu Thảo Hiền VUI VẠN TẾT;
Ba Tám Tết, Vợ Chồng Hạnh Phúc ĐẸP NGÀN XUÂN !
- Mùa Cưới 2019-
[1] Do cuộc chiến 279 nên số thực tập ở biên giới ở thêm 5 tháng nên K69 bọn tôi phải kéo đến 3/1981.
[2] Số là đầu những năm 70 ngành CA muốn xây một bệnh viện “kiểu mẫu” đã cắm đất trên Tam Đảo, chuẩn bị nhân sự. Bộ đã gửi SV sang ĐHQY đào tạo cho kế hoạch này: mỗi năm 20 người, 5 khoá đủ 100.
Nhưng “anh bạn lớn” trở mặt, trung tâm thủ đô không thể vượt phía Bắc sông Hồng được, nên kế hoạch xây BV lớn của CA dừng lại. Số Bác sĩ gửi đào tạo tại ĐHQY đâm ra “ế” !
[3] Lúc này, theo Quyết định số 12/QĐ-BNV ngày 18/6/1981 của Bộ trưởng, KG5 đổi thành C21 và từ đó lực lượng KTHS chuyển từ AN (PK 67, TSKT) sang lực lượng CS.
[4] 6 năm học trong Trường ĐHQY mức ăn và nền nếp cao hơn!
[5] Học D2 ĐHCS, về đơn vị PC16+21 trước tôi. Tháng 4/1984 VTB và tôi được đề bạt Phó trưởng phòng PC 16+21 CA HLS và là lớp lãnh đạo cấp phòng cuối cùng do Chủ tịch UBND tỉnh ký bổ nhiệm.Năm 1987 anh chuyển về là giáo viên khoa KTHS sau chuyển Tư liệu thuộc Học viện An ninh và nghỉ hưu tại đây
[6] PTM ra trường trước đó (tháng 10/1980) về công tác tại Phòng nghiệp vụ, UBBVBMTE tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi đó đóng ở đỉnh đồi KM 6. Sau cơ quan này nhập vào Sở Giáo dục-Đào tạo.
[7] Sau là Thiếu tướng, Ts, TTND, nguyên Giám độc Bệnh viện Đông y Bộ Công an.
[8] Ông đã mất Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí).
[9] Bà đã mất Thứ Tư ngày 15/6 (02-5 Mậu Thân).
[10] Con út chú thím tôi. năm 1983 lấy chồng người Yên Bái. Sau tách tỉnh (11/1991) có lên Lào Cai ở bên Phố Mới. Đến 1998 chuyển về Hà nội (ở Láng Trung, gần Chùa Giếng, Làng Cót, Q. Cầu Giấy).
[11] Chị gái bố tôi Lương Thị Thị 梁氏巿, lên Sơn Hải từ 1962. Bà mất sáng 06-Giêng, Nhâm Thân (Chủ nhật 9/02/1992).
[12] Sau đổi là Nguyễn Văn Thanh, là con của người chồng thứ hai của Cô tôi. Anh sinh 1949, vợ là Nguyễn Thị Đê, gốc Tiên Lãng. Chị đã mất ngày 21/3/2011 tức đêm thứ Hai ngày 17/02 Tân Mão. Anh đã tục huyền và về ở Đa Tốn, Gia Lâm từ 2016. Anh có 5 con (có 1 tử nạn 6/2000) đều làm ruộng ở Cánh Địa thuộc Sơn Hải, Bảo Thắng.
[13] Lúc này tôi đã đi học ở Hà Nội, dịp san nền là khi tôi đang ôn thi Đại học và một mình bố với cái xe cút kít tự đóng đã bạt góc đồi. Hôm cất nhà có con gà mái nhẩy lên đậu vào và làm gẫy chiếc rui cái, ai cũng cho là không may, bố tôi bảo đó là điềm chẳng lành. Không hiểu có đúng vậy không nhưng trong cuộc chiến Tháng 2/1979 cả xóm mỗi nhà tôi bị cháy.
[14] Ngôi nhà này, sau khi thân phụ tôi mất (01/1997) mẹ vẫn ở đó, năm 1999 đổi lợp Proximang. Đến cuối 2016 chúng tôi trùng tu lại: tôn nền, nâng chân tảng, sơn lại cột, bỏ vách gỗ thay bằng tường bao phía sau và 1 hồi, nối gian giữa ra phía sau thành nhà hình chữ Đinh (chuôi vồ) làm gian thờ, thay tấm lợp cũ bằng tôn chống nóng, lát nền và hiên gạch hoa mầu trang nhã, xây kệ thờ đặt tay cỗ Ỷ, sắm bàn thờ và bộ Ngũ sự mới, 1 hoành phi và 2 câu đối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!