Nói đến “chuột” chắc chả ai có cảm tình mà ai cũng ghê tởm và căm ghét! Nhưng trong đời sống, bên cạnh rất nhiều “chuột” có hại, cần ghét và diệt trừ đã có khối “chuột” được yêu thích, có lợi cần nhiều hơn nữa.
1. Chuột đáng yêu và có ích, không thể thiếu
Đó là những “chuột” không phải “chuột”. Ví dụ như:
- Chuột Mickey nhân vật hoạt hình được họa sĩ Ub Iwerks tạo ra vào năm 1928 sau trở thành biểu tượng của hãng phim Walt Disney Animation Studios thuộc Công ty Walt Disney (Hoa Kỳ).
- Chuột Jerry là nhân vật chính trong loạt phim hoạt hình Tom và Jerry của Metro-Goldwyn-Mayer, được sáng tạo bởi William Hanna và Joseph Barbera xuất hiện lần đầu năm 1940 trong phim Puss Gets The Boot của hãng MGM.
- Chuột máy tính Computer mouse là một thiết bị ngoại vi của máy tính (máy điện toán mà thông dụng với mọi người là máy vi tính microcomputer, máy tính cá nhân Personal Computer) dùng để điều khiển và làm việc với máy tính. Người phát minh ra nó là, Douglas Engelbart và ông, sử dụng tên này để gọi vì nó có cái đuôi lòi ra.
Hiện nay, có nhiều loại: chuột bi, chuột quang, chuột tích hợp, chuột không dây và nó có thể được thay thế bằng chuột cảm ứng (touchpad) có chức năng điều khiển con trỏ máy tính trên màn hình.
- Dưa chuột Cucumis sativus được đặt tên bởi có cái cuống nhỏ, dài như đuôi con chuột. Đây là loại rau ăn quả quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm, có thể ăn sống, muối dưa, làm nộm hoặc xào nấu. Ngoài lợi ích dinh dưỡng, dưa chuột còn có khả năng chữa bệnh hay làm đẹp.
2. Năm con Chuột
Người Việt Nam ta, dù trong công tác, làm việc, học hành giao tiếp đã dùng Dương lịch nhưng trong cúng giỗ, lễ hội truyền thống, đời sống tâm linh vẫn dùng âm lịch. Mà trong âm lịch thì xếp lịch bằng Thiên Can Địa Chi天干地支hay Thập Can Thập Nhị Chi十干十二支, gắn với 12 “con vật cầm tinh”. Trong mười hai con giáp đó, Tý ứng với con Chuột, là con vật bé nhất đứng đầu tiên, tới Sửu là con Trâu đứng nhì, rồi tới Dần là Hổ, Mão là Mèo, Thìn là Rồng, Tỵ là Rắn, Ngọ là Ngựa, Mùi là Dê, Thân là Khỉ, Dậu là Gà, Tuất là Chó, Hợi là Lợn. 12 con vật này ngoài việc chỉ ngày, tháng, năm và giờ âm lịch còn dùng như để chỉ phương hướng, bốn mùa,… có liên quan đến cuộc sống, vận mệnh con người.
Trong Thập lục Hoa Giáp六十花甲60 năm thì Giáp Tý甲子là năm đầu tiên và 59 năm sau là năm Quý Hợi癸亥là năm cuối cùng rồi quay lại chu kỳ sau lại là Giáp Tý đến Quý Hợi, cứ thế tiếp diễn.
Năm tới là Canh Tý (庚子,từ thứ Bẩy 25/01/2020 đến thứ Năm 11/02/2021), kết hợp từ thiên can Canh (Kim dương) và địa chi Tý (Chuột) do vậy gọi là Canh Tý Thử niên 庚子鼠年. Do cứ 12 năm vòng Giáp Tý lại quay lại và năm Giáp Tý đầu tiên trong Thiên niên kỷ đầu là năm 004 nên với những năm chia cho 12 còn dư 4 như:…, 2008 (Mậu Tý), 2020 (Canh Tý), 2032 (Nhâm Tý),… hay trong phép chia cho 12 còn dư 9 nếu là năm trước Công nguyên đều là năm Tý, như: …, 9 tCn (Nhâm Tý), 21 tCn (Canh Tý), ...
Năm Canh Tý 2020 này thuộc Thiên niên kỷ thứ 3, là năm đầu tiên của địa chi Canh Tý 2020- Tân Hợi 2031, nó thuộc vận 8 (八運, 2004 Giáp Thân -2023 Quý Mão, 20 năm) của Đại vận thứ 84 大 運 tức năm thứ 27 của Hạ nguyên (下元1984 Giáp Tý -2043 Quý Hợi, 60 năm) thuộc Tam nguyên cửu vận 三元 九 運thứ 28 (1864 Giáp Tý -2043 Quý Hợi, 180 năm), Đại nguyên 大元 thứ 10 (1504 Giáp Tý-2043 Quý Hợi, 540 năm). Vận 8 này do sao Bát Bạch quản.
3. Con chuột và tác hại của nó
Chuột là loại gặm nhấm, có thói quen chạy trên các lối đi cũ, cảnh giác với vật lạ, nếm thức ăn trước, đánh dấu bằng nước tiểu/phân và biết phân ranh giới, xác định lãnh thổ. Loài chuột thích ứng tốt với đời sống của con người và sống gần người. Chuột tinh quái, giỏi rút kinh nghiệm, có thể thay đổi thói quen nhanh hơn con người rất nhiều. Mức độ sinh sản của chuột rất cao: mỗi năm 4 lứa, mỗi lứa 6 con. Đồng thời đây cũng là loại ăn tốn thức ăn cả thịt lẫn thực vật mà cây cỏ nó lại ăn, gặm, cắn cả rễ, thân, lá, quả nên mức phá hoại mùa màng lớn.
Bọn chuột nhỏ nhưng đời chúng có thể trộm cắp lượng thức ăn gấp cả vài trăm lần khối lượng bản thân và sinh sản rất nhanh nên khắp nơi không có con vật nào lại đông, nhiều và bị con người căm ghét, luôn tìm cách diệt trừ như lũ chuột.
Có nhiều loại chuột và một số loài thường gặp là: Chuột cống: (Rattus norvegicus), Chuột lắt: (Rattus exulans), Chuột nhắt: (Mus musculus), Chuột đồng (Rattus rattus), Chuột xạ (Suncus murinus).
Cái lợi của chuột không nhiều, chỉ làm vật thí nghiệm y học, làm nguồn thực phẩm của một số bộ phận dân cư chậm phát triển, còn cái hại do chuột gây nên cho con người thì rất nhiều, đặc biệt là vật chủ gây bệnh dịch hạch.
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tối nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis lây qua người từ động vật, chủ yếu là bộ gặm nhấm (Rodentia), trong đó có chuột bởi bọ chét ký sinh (“ổ bệnh thiên nhiên”) khi đốt người. Vi khuẩn này hình que thuộc họ Enterobacteriaceae được đặt theo tên của nhà nghiên cứu sinh học người Pháp - Thụy Sĩ Alexandre Yersin (1863-1943, khám phá Cao nguyên Lâm Viên, thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương - tiền thân của Đại học Y Hà Nội).
Bệnh cảnh lâm sàng là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng. Tổn thương hạch đặc hiệu, phổi và một số cơ quan khác dẫn đến tử vong.
4. Con chuột trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ
Như một số gia súc, đông vật khác, hình ảnh con chuột cũng được nhân dân ta mượn khác đề ám chỉ, ví von, phê phán tư duy, suy nghĩ, hành vi hoặc sở thích của một người, một số người nào đó. Có thể ví dụ:
Đầu voi đuôi chuột: ví sự việc lúc khởi đầu có vẻ to tát, rầm rộ, nhưng khi kết thúc lại rất nhỏ bé, thậm chí là không có gì.
Chuột cắn dây cột mèo: lên án bọn nối giáo cho giặc hoặc làm ơn, cứu giúp kẻ thường săn đuổi, làm hại mình, giống như “gọi là làm ơn mắc oán”.
Chuột chạy cùng sào: tình thế đến bước đường cùng, không còn lối thoát.
Chuột chê xó bếp chẳng ăn, Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre: hàm ý chế giễu kẻ làm bộ, hợm đời, đỏng đảnh, trưởng giả học làm sang, làm ra bộ khó tính.
Chuột chù đeo đạc: Chê kẻ đua đòi, đài các rởm không tự biết thân phận mình.
Chuột chù lại có xạ hương: Phê phán những kẻ bất tài vô tướng nhưng hay khoe khoang, khoác lác.
Chuột chù nếm giấm: Chế nhạo kẻ ngu dốt mà lại hay tỏ ra thành thạo, lên mặt dạy đời, tỏ ra mình thành thạo.
Chuột chù chê khỉ rằng hôi, Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm: Chê cười những kẻ chẳng hay ho gì lại đi giễu cợt người khác.
Chuột chù rúc, nhà phát tài; Chuột cống rúc, nhà có việc: kinh nghiệm sống.
Chuột đội vỏ trứng: Chê những kẻ muốn che giấu bản chất xấu xa, không tốt của mình bằng vỏ bọc ngoài giả tạo.
Chuột gặm chân mèo: Phê phán những kẻ táo bạo, liều lĩnh, làm những công việc phiêu lưu mạo hiểm
Cháy nhà ra mặt chuột: Chê những kẻ tiểu nhân, sống cố tình che giấu những điều ám muội, đến khi nguy hiểm mới lộ ra bộ mặt hèn hạ của mình.
Chuột sa chĩnh gạo (chuột sa bồ nếp hoặc Chuột sa lọ mỡ): may mắn, được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ.
Chuột sa cũi mèo: Chỉ chuyện rủi ro, có lúc rơi vào hoàn cảnh hết sức nguy hiểm.
Hôi như chuột chù(Thối như chuột chết): chỉ bản chất sự việc xấu.
Len lén như chuột ngày (Lấm lép như chuột ngày): Chỉ hành vi không quang minh chính đại.
Lù rù như chuột chù phải khói : chỉ những hạng người chậm chạp, lù đù, không lanh lợi.
Mèo bé bắt chuột con: Ý khuyên làm việc vừa phải, phù hợp, tương xứng với khả năng, sức lực của mình.
Mèo già khóc chuột: Phê phán thói đạo đức giả.
Mèo mẹ bắt chuột con: Chê người có khả năng lớn mà lại chỉ làm những chuyện nhỏ hoặc chỉ thu được kết quả nhỏ.
Mèo nhỏ bắt chuột to: Phê phán những hạng người không biết tự lượng sức mình mà làm những việc quá khả năng.
Mặt dơi, tai chuột: Chỉ vẻ bề ngoài xấu xí, hình thù quái dị: chỉ kẻ lưu manh, đểu cáng, hung hãn.
Mèo già thua gan chuột nhắt: Chê người có ưu thế lại bất lực, thất bại trước sự mạnh mẽ của kẻ bình thường.
Mặt như chuột kẹp: Chế nhạo mặt mũi nhăn nhó, dúm dó 1 cách khổ sở, đau đớn.
Mèo khen mèo dài đuôi, Chuột khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo: Chế việc tự khen, tự khoe những ưu điểm của mình, không ai chịu thua ai.
Ném chuột sợ vỡ bình hay Ném chuột còn ghè củi bát, Ném chuột có tuột qua chạn bát : Cân nhắc khi muốn xóa bỏ 1 điều gì nguy hại cần tránh làm tổn thương đến những đối tượng liên quan tới điều nguy hại đó.
Nói dơi nói chuột: chỉ hạng người hay nói những chuyện đâu đâu, không ăn nhập vào vấn đề.
Nửa dơi nửa chuột : Chê sự lai căng hoặc mập mờ, không rõ ràng.
Sắc nanh chuột dễ cắn cổ mèo: Ý là dù kẻ thù nguy hiểm thế nào nhưng nếu có mưu hay, vũ khí tốt thì cũng thắng.
Ướt như chuột lột: từ câu “Ướt như chuột lội” mà ra.
Voi lồng, ngựa đú, chuột chạy chạy quanh: Chê kẻ đua đòi, bắt chước ko phải lối, trở nên lố bịch, kệch cỡm.
5. “Chuột” trong khẩu ngữ thời nay
Trong đời thường hay trên các văn bản thành văn còn thấy những từ như “ổ chuột” chỉ những nhà, khu nhà ở tạm bợ, nhếch nhác; “lũ chuột” chỉ bọn cán bộ tham lam, nhũng nhiễu chuyên gặm nhấm, đục khoét ngân sách, tiền của nhân dân hay “chuột rút” chỉ hiện tượng co chặt cơ liên tục, ngoài ý muốn gây đau đớn mà biến tướng của nó là phê phán thói “vét” trước khi về nghỉ!. Còn nhiều lý thú quanh từ “chuột” nhưng tạm gác lại, để sau!
己亥年腊月朔日梁德悗編撰
- Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK, sau Noel 2019-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!