[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


23 tháng 7 2019

Tìm hiểu về CÔNG TÍCH 2 TƯỚNG CON CỤ TRẠNG LƯỜNG

Những ai từng dịch, tục biên Gia phả hay nghiên cứu về cội nguồn dòng họ đều rất trân trọng và tôn trọng những gì thành văn mà tiền nhân để lại!
Song khi sử dụng cần đối chiếu với các tư liệu chính thống khác không phải vì không tin vào tiền nhân mà là nên biết rằng điều kiện giao lưu, kiểm tra, đối chiếu thông tin và kiến thức địa lý, lịch sử mỗi thời, mỗi người mỗi khác!
Cụ thể, về công tích, nơi gặp nạn của 2 Tướng con Cụ Trạng Lường:
I.                  THÔNG TIN CHÉP TRONG GIA PHẢ
1. Tài liệu của GsTs Lương Phương Hậu: “Về sự tích nơi mai táng của Tướng Lương Trinh Túc (Con trưởng của Trạng nguyên Lương Thế Vinh):
Vấn đề này được ghi trong gia phả đầu tiên của gia đình Trạng nguyên do con trai đời thứ 6 Lương Thế Dụ viêt (không phải do ông Bùi Văn Tam tự đặt ra). Cuốn Họ Lương Việt Nam (trang 309÷311) đã đăng toàn văn gia phả này. Gia phả kể rằng:
…Đến tháng Giêng năm Bính Thân (1536), vua (Lê Thánh Tông, đã đính chính là đời vua Lê Trang Tông) sai Hiến sát Thanh Hoa (Lương Trinh Túc) làm Chinh tây Đô đốc Đại tướng quân, Đô đốc Hoan Châu làm Phó tướng đem quân đi đánh Chiêm Thành. Phải đánh 8, 9 trận mới hạ được nước Chiêm Thành, tiến thẳng vào doanh cung, mở tiệc uý lạo tướng sĩ. Sau mấy ngày quân giặc kéo đến bao vây bốn phía. Chánh tướng mới nói với Phó tướng rằng: quân ta rất ít, việc đánh thành phải trải qua bao nhiêu vất vả, mở tiệc khao quân chẳng được mấy ngày. Nay thế giặc đang mạnh, làm sao mà chống cự lại được. Khanh hãy lập tức lên ngựa trở về cấp báo xin thêm lính để làm quân ứng cứu ở bên ngoài.
Chánh tướng trở về Kinh đô cầm quân đến Chiêm Thành uý lạo tướng sĩ. Sau đó đem quân tiến đến quận Gia Định, sau đến Khánh Hoà. Sau khi các quận đã được yên ổn, thì đến tháng 5 quân Xiêm La sang xâm lược, ông lệnh cho bọn Đinh Đạo đến ứng cứu đánh giặc, mãi chẳng thắng được địch. Chánh tướng đích thân cầm quân ra đánh, thì bại trận ở Nam Điền. Dân xã Cao Hương chiêu hồn Ngài linh hiển về lập đền thờ tại làng để thờ phụng. Hằng năm, lễ kỳ phúc mồng 4 tháng giêng của Ngài đều rước về đình tế lễ. Ngày giỗ chính của Ngài là ngày 19 tháng 5. Nhiều triều vua gia phong cho ngài là thượng đẳng thần.”
2. Tài liệu của ông Hoàng Đình Khảm: Tộc phả họ Lương làng Cao Hương (bản chữ Hán) do cụ Lương Ngọc Châu soạn năm Bảo Đại thứ 17 (1943) đại ý như sau:
Tổ đời thứ tư có hai vị: trưởng là Lương Thế Hạo, thứ là Lương Thế Khôi.
 Cụ Lương Thế Khôi hiệu Chiêu Trưng, là con trai thứ của trạng nguyên Lương Thế Vinh.
 Sinh thời ngài làm đô đốc Châu Hoan , năm Bính Thân (1476 ?), niên hiệu Hồng Đức thứ bảy, triều đình lệnh ngài làm phó tướng, hợp quân cùng anh ruột là hiến sát sứ châu Ái đem quân đến Chiêm Thành (?) , đánh tám chín trận thì hạ đươc Chiêm Thành.
 Ngày sau giặc vây bốn mặt, chánh tướng lệnh ông về triều xin binh cứu viện, nhưng ông về đến châu Hoan ca xướng. Giặc vây hãm hơn một tháng, chánh tướng đại phá được quân giặc, trên đường về triều, đến mé đông thành Hạnh Lâm thì thấy phó tướng đang ca xướng, chánh tướng nói: “Đam mê tửu sắc, quên tình cốt nhục, bỏ việc quốc gia.” Liền khép vào quân lệnh, đuổi giết ném xác xuống sông, trôi đến Triều Khẩu. 
 Người con trai do bà vợ thứ của phó tướng sinh ra, là Lương Thế Khải đi theo thi hài cha, đến Triều Khẩu thì thấy mối đã đùn đất thành ngôi mộ lớn, dân sở tại lập đền phụng tự, quốc triều gia phong Thượng Đẳng Phúc Thần.  Sau Thế Khải nhân đó mà ở lại xứ Hội Triều, khi này Thế Khải đã 17 tuổi tìm được một chi ở Hội Triều, một chi ở Tào Xuyên, một chi ở Vân Nam của Lãng vương. Còn các con bà chính thất (của phó tướng) là Thế Kỳ, Thế Phụ, Thế Dực  thì không biết lưu tán ở nơi nào.”
II. BÀN LUẬN CỦA LƯƠNG ĐỨC MẾN:
Quá trình Nam tiến Bình Chiêm thời Lê-Chúa Nguyễn
Dựa vào tư liệu trong Gia phả đã trích và  Đại Việt Sử ký toàn thư chép: Năm Hồng Thuận năm thứ 7 (Ất Hợi, 1515): “bắt các trấn nộp thuyền gỗ để đi đánh Ai Lao”,  tôi cho rằng:
1.                Thời gian sự việc xẩy ra: xét Phả và chiếu theo chính sử:
- Tuy 1476 và 1536 đều là năm Bính Thân, hợp với Phả chép nhưng:
+ Năm 1476 thì Cụ Trạng mới 36 tuổi, không thể có hai con trai làm tướng và có cháu út 17 tuổi được!
+ Còn năm 1536, hai con Cụ đã già, khó mà “Chinh Tây” và trong lịch sử không thấy chép có trận “dẹp loạn” nào vào năm này!. Với lại 1536 là thời trị vì của vua nhà Lê Trung hưng đầu tiên Lê Trang Tông (黎莊宗, 1514 - 1548) với niên hiệu Nguyên Hòa (元和, 1533–1548) được Nguyễn Kim (阮淦, 1468-1545) đón từ Ai Lao (哀牢, Lào ngày nay) về Thanh Hóa lập làm vua mải lo củng cố thế lực chắc khố có ý định Bình Nam!.
- Việc chinh phục vùng đất phía Bắc Chiêm Thành[1] (Phú Yên ngày nay trở ra) diễn ra từ năm 1471, do vị vua anh minh Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1460 –1497) thân chinh “Bình Nam”, sau này đến Lương Văn Chánh (梁文正, 1540?-1611) lãnh đạo khai khẩn trong ngót 40 năm ở thế kỷ sau. Câu ca ngợi của hậu nhân: “Thánh Tông lưu quốc sử, Lương tướng dội biên thùy” là nói đến Lương Văn Chánh chứ không phải nói về con trai cụ Trạng Lường.
- Phần đất cũ của xứ Kauthara thuộc vương quốc Chăm Pa占婆 mãi đến năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên (Đại Việt quản chiếm từ trước), Chúa Nguyễn Phúc Tần (阮福瀕, 1620 - 1687) sai quan cai cơ Hùng Lộc Hầu (không rõ họ tên) đem quân vượt Đèo Cả, đánh chiếm được vùng đất Phan Rang trở ra đến Phú Yên, lập ra Bình Hòa. Sau này vào năm 1831 khi tiến hành cải cách hành chính, Minh Mạng(明命, ‎1820‎ – ‎1841) mới đổi thành Khánh Hòa.  2 tướng họ Lương không thể sống qua mấy thế kỷ mà chinh chiến tại vùng nam núi Đá Bia 石山碑 được!
- Một chú ý nữa: do có đế quốc Đế quốc Khmer (hay Đế quốc Angkor, 802–1431) sau là Campuchia (1431–1863) ở giữa nên Đại Việt và Xiêm La (, Siam, Thái Lan nay) không mấy xâm lấn, đánh nhau trực tiếp. Lịch sử ghi nhận có 3 cuộc nhân dân Đại Việt chống lại sự can thiệp, xâm lược của Xiêm La (Siam, ) trong thế kỷ XVIII, trước đó không có. Mặt khác quốc danh “Xiêm La” đến năm 1782 mới có bởi Vương triều  Chakri (1782-nay). 3 cuộc chiến Việt chống Xiêm là:
+ Năm 1718 khi quân Ayutthaya (1351–1767) tấn công vùng Hà Tiên nay dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (阮福淍, trị vì 1691 – 1725).
+ Năm 1771-1772 Vương triều Thonburi (1768–1782) đánh sang vùng Hà Tiên nay thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (阮福淳, tại vị 1765 - 1776).
  + Năm 1785 Vương quốc Rattanakosin (1768-1932) đưa quân sang giúp Nguyễn Ánh (阮暎, 1762-1820) và bị đại bại trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút (thuộc tỉnh Tiền Giang nay) bởi Nguyễn Huệ (阮惠, 1753-1792).
- Đồ chừng câu “洪德七年” (Hồng Đức Thất niên, 1476, triều vua Lê Thánh Tông) trong Phả thực ra là “洪順七年” (Hồng Thuận Thất niên, 1515) đã chép nhầm Hồng Thuận ra Hồng Đức !?
Năm 1515 là thời Lê Tương Dực (黎襄翼, 1509 – 1516). Tương Dực được ngôi ấy là có công của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516) , một người bậc cháu của cụ Trạng và sau tháng 12/1509, Đắc Bằng được thăng Lại bộ tả Thị lang (吏部左侍郎, tương đương Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay).
 Như vậy, “sự biến” đối với con trai Cụ Trạng Lương Thế Vinh (梁世榮, 1441 – 1495không phải xẩy ra năm 1476 hay 1536 hoặc sang thế kỷ  XVIII, XIX được, nếu có nó chỉ có thể diễn ra vào năm 1515Cũng không có chuyện đánh “giặc Xiêm”, tiến đến Gia Định, Khánh Hòa !
2. Địa điểm xẩy ra trên cơ sở các thông tin trong Phả và chính sử, thấy:
- Phả chép là chức “Chinh Tây…” (征西…) thì không thể là chức phong cho người đem quân vào Nam được mà chỉ là sang phía Tây!
- Hơn nữa thời đó đi lại khó khăn với nhiều đèo (Ngang, Hải Vân, Cù Mông, Cả, …), lắm sông (từ dãy Trường Sơn đổ ra biển),…khó có thể “vào Nam, ra Bắc” nhanh như đã chép được!
- Mặt khác, trong các năm 1476, 1515, 1536 không thấy tư liệu lịch sử nào chép việc nhà Lê đánh dẹp Chiêm Thành ở phía Nam Đại Việt. Việc này đã “xong” từ 1471[2], từ đó Chiêm Thành phải lui về nam đèo Cù Mông! Đồng thời thành Đồ Bàn (阇槃, Vijaya, nay dấu tích còn ở Quy Nhơn, Bình Định) cũng chấm dứt sự tồn tại sau 5 thế kỷ là quốc đô của Chăm Pa (Vijaya, 占婆).
- Chú ý rằng, trong những năm 1476, 1515, 1536  thì:
+ Năm 1476 là thời do Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1460 –1497) trị vì, đất nước cường thịnh nhưng việc phía Nam đã “ổn định” xong từ 1471! Triều đình để vùng đất phía bắc của Chiêm Thành cũ (Bình Định, Phú Yên nay) ở chế độ “ki mi” (羈縻, ràng giữ nhưng buông thả nhằm duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn), chứ chưa “Nam chinh” xuống nam Phú Yên (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận nay), nơi có kinh đô của phần Chiêm Thành còn lại! Khi đó thành Đồ Bàn đã bị phá tan, đâu còn gì mà giao chiến!
+ Năm 1515 là thời vua Lê Tương Dực (1509 – 1516), từng được gọi là “Vua Lợn” 豬王, chả có tư tưởng “Nam tiến” mở mang bờ cõi, còn việc đánh dẹp, ổn định phía Tây là sát sườn không thể bỏ qua!
+ Năm 1536 là thời Lê Trang Tông (黎莊宗, 1533 - 1548) mới vừa được thiết lập, đang củng cố ngôi vị, mải lo “lấy  lại nước” từ tay nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) ở phía Bắc, chắc chưa muốn và cũng chưa thể vươn về Nam, việc ổn dẹp phía Tây nơi ẩn cư cũ cũng còn khó nữa là!!
- Ta lại biết rằng: Chiếm xong vùng phía nam Đèo Cả (cuối Phú Yên), năm 1653 Chúa Nguyễn đặt dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang (các huyện Tân Định, Quảng Phước) ở phía bắc[3] và phủ Diên Ninh (các huyện Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương) ở phía nam[4]Đến năm 1690 thời vua Lê Hi Tông (黎熙宗, tại vị 1675 1716), chúa Nguyễn Phúc Thái (阮福溙, ở ngôi 1687-1691) đổi phủ Thái Khang thành phủ Bình Khang.
Nước Chiêm Thành chính thức dứt hẳn vào năm 1697 khi Tổng binh 總兵 Nguyễn Hữu Cảnh (阮有鏡, 1650-1700) lĩnh mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu (阮福淍, 1675 –1725) đem quân đi đánh phạt “hậu Chiêm Thành”. Ông đã bắt vua Chiêm là Bà Tranh đem về Phú Xuân (富春, Huế), đổi đất Chiêm Thành làm Thuận phủ 順府, rồi lại đổi làm phủ Bình Thuận 平順, lấy đất Phan Rí, Phan Rang làm huyện Yên Phúc và huyện Hòa Đa.
Năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu Nguyễn Phúc Chu (阮福淍, 1675 –1725) sai Thống suất 統率 Nguyễn Hữu Cảnh (阮有鏡, 1650-1700) làm Khâm sai Kinh lược sứ 欽差經畧使, vào nam lập phủ Gia Định 嘉定 gồm hai huyện: huyện Phước Long (Đồng Nai, có dinh Trấn Biên) và huyện Tân Bình (Sài Gòn, lập dinh Phiên Trấn); lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và tha thuế để khuyến khích khai khẩn ruộng đất.
Sang thế kỷ sau, năm 1742, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (阮福濶, ở ngôi 1738 - 1765) phủ Diên Ninh 延寧 đổi thành phủ Diên Khánh 延慶. Trong vùng có Thành cổ Diên Khánh được chúa Nguyễn xây dựng trong thời kỳ chiến tranh với Tây Sơn từ 1774 thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (阮福淳, ở ngôi 1765 - 1777).
Như vậy nơi xẩy ra sự cố không thể ở xa phía Nam Đại Việt, tức vùng đất Chiêm Thành, càng không thể là vùng đất giữa hay nam Chiêm Thành xưa mà là ở phía Tây cương thổ, tức là vùng biên giới Việt - Lào ngày nay. Hơn nữa đến cuối thế kỷ XVII mới có thành Gia Định 嘉定 và giữa thế kỷ XVIII mới có địa danh Diên Khánh延慶, Diên Điền 延田 và người được giao đánh chiếm, bình định là một người mà lịch sử đã chép rõ ràng!  
3.Tên của Lương tướng quân:
Có sách chép con trai cụ Trạng là Lương Thế Hạo nhưng đó là âm kị húy vị vua đương triều Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1442-1497) tên thật là Lê Tư Thành 黎思誠 còn có tên khác là Lê Hạo 黎灝.
Chữ âm Hán Việt đọc là “Hộc” (nghĩa là chim Hồng Hộc, giống tên của Thám hoa Lương Như Hộc 梁如鵠, 1420 - 1501), nhưng chữ này còn có âm “cốc”. Lại có người nhầm là Thước vì chữ gần giống chữ “thước”  .
Do vậy tên con Cụ Trạng là: trưởng là Lương Thế Cốc 世鵠tự Trinh Túc 貞肃 làm Hiến sát phó sứ ty Hiến sát 憲察使司 châu Ái (愛州, tỉnh Thanh Hoá ngày nay); thứ là Lương Thế Khôi 梁世魁 tự Chiêu Trưng 昭徴 làm Đô đốc 都督 châu Hoan (驩州, tức vùng Nghệ Tĩnh ngày nay).
4. Về việc “anh chém em”:
- Năm 1476 là thời Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1460 –1497) thịnh trị, đã có Luật Hồng Đức[5] 洪德法典nên không có chuyện “rắc rối” trong “điều binh khiển tướng” như vậy.
Hơn nữa vào năm thứ Hồng Đức thứ 10 (洪德十年, Kỷ Hợi, 1479) sau khi ngày 22/7 xuống chiếu đích thân đánh Ai Lao, tới 23/8 lại sai 18 vạn quân chia 5 đường đánh Ai Lao, Bồn Man và Lão Qua. Trong trận này vua còn Sắc dụ cho Chinh Di tướng quân 征夷将軍  là Phò mã đô uý Đông quân đô đốc phủ chưởng phủ sự 駙馬都尉東軍都督府掌府事 Đoan Vũ hầu 端武 Trịnh Công Lộ và các tướng là: “Nay sai bọn các ngươi đem quân hùm gấu, quét bọn chó dê, phải dùng quyền uy sai khiến các tướng. Người mang ấn tướng quân 將軍印 nếu như để lỡ cơ hội, thì cho chạy trạm tâu báo 驛聞 ở hành tại ; hàng tham tướng, phó tướng 參副 mà trái lệnh thì đóng cũi giải về 檻送 ngự doanh 御營; từ hàng vệ, tổng trở xuống thì cứ chém đầu 斬首, không phải ngần ngại gì”.
Như vậy quy chế về định tội, định hình, cách xử lý rất rõ ràng, nghiêm cẩn nên không có lý gì Chánh tướng (Thế Cốc) dám lộng hành, vượt quyền vội chém đầu Phó tướng (Thế Khôi), lại là em ruột mình!
- Đầu thế kỷ XVI là thời nhà Lê Sơ (黎初, 1428-1527) suy tàn, loạn lạc nổi khắp nơi[6]. Nhưng Vua chẳng lo chấn chỉnh, dẹp loạn mà Tương Dực ngày càng hoang dâm, nghe lời siểm nịnh; các đại thần chia bè, đem quân đánh lẫn nhau, ai cũng vỗ ngực phò vua, giúp nước, an dân[7]...
Trong bối cảnh đó, Vũ Xuyên bá 武川伯Mạc Đăng Dung (莫登庸, 1483-1541)[8] vốn được vua tin là người trung trực, gia tăng ân sủng, ngày càng lộng hành, mưu việc lớn. Do vậy Đăng Dung đã dùng kế “Tá đao sát nhân” (借刀杀人, mượn dao giết người) sát hại trung thần, thâu tóm quyền bính, dọn đường để năm Đinh Hợi 1527 bước lên ngai vàng, lập ra nhà Mạc (莫朝, 1527-1592).
Trong đó, đáng kể là việc để Lương Thế Cốc giết Lương Thế Khôi (?), rồi giặc giết Lương Thế Cốc (1515)[9], Trịnh Duy Sản (鄭惟, ? - 1516) giết vua Lê Tương Dực lập vua Lê Chiêu Tông (黎昭宗, 1506 –1527) vào năm 1516, Lê Chiêu Tông giết Đô ngự sử Đỗ Nhân (杜仁, 1474 - 1518) vào năm 1517,...
- Lại biết rằng: nhờ nỗ lực của quan quân Nam Triều (南朝, 15331592) mà năm 1592 nhà Lê Trung hưng (家黎中興, 15331789) đã lấy lại được Đông Kinh 東京, diệt nhà Mạc. Trong hoàn cảnh đó, hoàng đế thứ năm là Lê Kính Tông (黎敬宗, 1599 – 1619)  trong dịp đổi niên hiệu từ Thận Đức (慎德, 1600–1601) sang Hoằng Định (弘定, 1601–1619), đại xá thiên hạ đã minh oan và sắc phong cho Đô đốc Lương Thế Khôi là “Thượng Đẳng Phúc Thần” 上等福神. Việc này chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của nhà chỉ huy quân sự tài ba, người tài đức, anh hùng là chúa Bình An Vương 平安王Trịnh Tùng (鄭松, tại vị 1570 – 1623).
Như thế, Lương tướng quân không phải bị nạn tại Kinh đô Chiêm Thành và không có chuyện em tha hóa, anh vội vàng, dứt tình thân! Có thể Đô đốc Thế Khôi đã lấy được quân từ Kinh đô Đại Việt, đang trên đường tới giải nguy cho anh ở chiến địa. Vừa lúc cho quân nghỉ ngơi gặp Thế Cốc đến đó và vì một “sức ép” hay mưu gian nào đó, Chinh Tây tướng quân đã vội ra tay! Sau này, khi minh quân định việc, mọi chuyện sáng tỏ, Thế Khôi được minh oan và gia phong.
5. Kết luận: (tạm thời)
Vào năm Hồng Thuận thứ bảy (洪順七年, 1515), Vua Lê Tương Dực (黎襄翼, 1509 – 1516) cử Lương Thế Cốc làm Chinh tây Đô đốc Đại tướng quân 征西都督大將軍 cùng em ruột mình Lương Thế Khôi làm Chinh Tây phó tướng quân 征西 將軍 hợp binh “đánh dẹp” các bộ tộc nổi loạn, cát cứ vùng biên giới phía Tây Thanh Nghệ hoặc trên đất Ai Lao (nước Lào ngày nay)!
Cuộc “Chinh Tây” thành công nhưng bị gian thần ở Kinh đô sàm tấu, buộc Chính tướng Trinh Túc giết em ruột mình là Đô đốc Lương Thế Khôi rồi lập mưu để giặc hại chết Trinh Túc Lương Thế Cốc!
Thời gian ấy, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472? – 1516?) đã nhận ra mưu mô xảo quyệt của Mạc Đăng Dung, tuy đang được Vua yêu nhưng không làm khác được chỉ lập mưu, ngầm sai người, tổ chức giữ lại thi xác của người đồng tộc! Do vậy mới có ngôi mộ của Chiêu Trưng Lương Thế Khôi và sau ông được phong Thượng Đẳng Phúc Thần 上等福神 .
Vì yếu tố thời gian (cách nhau hàng thế kỷ), không gian (chả ông Vua nào phong Tướng “Chinh Tây” hay “Bình Tây” đi đánh dẹp ở một nơi quá xa về phương Nam) nên không thể có chuyện các con Cụ Trạng bị nạn ở nơi mà tới tận năm 1653, 1692 mới được Đại Việt tấn công và năm 1774 mới xây thành, đặt tên như Phả chép được[10]!
6. Liên quan đến phái nhà tôi:
6.1. Khi đi tìm cội nguồn dòng họ, người viết khảo luận nay từng:
-Theo truyền ngôn và dựa vào chính sử thì: Vào thế kỷ XVI cũng tránh họa truy diệt thời nội chiến Lê – Mạc (南北朝, 1533-1592), một hậu duệ của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472? - 1522?)[11] là Lương Đắc Cam 梁得甘 từ Hội Triều xứ Thanh ra Bắc và được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491 - 1585) giúp đưa đến sinh cư tại làng Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖,huyện Tân Minh新明 (sau cải Tiên Minh 先明), phủ Nam Sách 南策, trấn Hải Dương 海陽(nay là xã Hùng Thắng huyện Tiên Lãng, tf Hải Phòng). Từ đó lập nên dòng họ Lương Lao Chữ 梁牢渚 mà khởi đầu là cụ Lương Đắc Cam 梁贵公諱甘字三郎. Nhưng mọi tư liệu đều phản ánh rằng: Cụ Bảng nhãn chỉ có 1 con trai là Lương Hữu Khánh (梁有慶,1517 – 1590), 1 cháu là Lương Khiêm Hanh (sinh năm 1563) do vậy mối liên hệ giữa  Lương Đắc Cam  với Lương Đắc Bằng  tôi truy tìm mãi chưa ra.
-Tiếp cận Bản Phú úy 賦諱 họ Lương Hùng Thắng-Vinh Quang. Bản này viết: “始祖高高枝祖考梁贵公字三郎諱 甘忌八月十五日” (Thủy tổ Cao Cao Chi Tổ khảo Lương quý công tự Tam Lang húy Cam) có thể hiểu cụ là con trai thứ ba và tên là Cam.
6.2. Chú ý rằng: Khi Đô đốc Thế Khôi bị nạn thì Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516) vẫn còn. Do mối thân tộc, có thể con cháu Đô đốc đã nương nhờ Bảng nhãn. Để bảo vệ giọt máu của Lương Thế Khôi, Cụ đã nhận con cháu Lương Thế Khôi làm con cháu mình.
Lương Thế Dực là con thứ ba của Lương Thế Khôi với Chính thất, lại trùng tên với vua Lê Tương Dực (黎襄翼, 1510- 1516) nên phải chăng được đổi ra Lương Đắc Cam theo nhằm tránh hoa truy diệt, lại đúng phép Kị huý nhưng vẫn giữ được ý con thứ Ba (字三郎, tự Tam Lang).
6.3. Bàn luận: Từ Lương Thế những người này chuyển qua Lương Đắc mà đời sau không rõ hay cố tình chấp thuận. Do vậy có thể Lương Đắc Cam là hậu duệ của Lương Thế Vinh nhưng con cháu lại ngộ nhận là hậu duệ của Lương Đắc Bằng.
Đây chỉ là suy đoán của người viết, chưa tìm thấy tư liệu thành văn. Lưu lại những suy ngẫm tại đây mong rằng quan viên họ hoặc con cháu sau này sớm tìm ra cứ liệu và có lời giải đáp thỏa đáng!
-         Lương Đức Mến, khảo luận từ nhiều nguồn TK, tháng 7/2019-
MỞ RỘNG THÊM (Để biết)
Chiem Thành khoang Thế kỷ XI
Trước thế kỷ IX, tại vùng nay là duyên hải miền Trung có những nhóm dân cư bản địa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, từ hải đảo mang vào và từ Phù Nam đem lên. Thời đó, ở phía nam đèo Hải Vân trở xuống là các tiểu vương quốc có một lãnh thổ cai trị nhất định, nằm giữa hai đèo ải thiên nhiên, và sinh hoạt tương đối độc lập với nhau. Đó là các tiểu quốc: Amavarati (Quảng Nam nay), Vijaya (Bình Định nay), Aryaru (Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Bình Thuận). Với thời gian, các tiểu vương quốc này bị Lâm Ấp và Phù Nam khuất phục: Panduranga và Kauthara đặt dưới quyền kiểm soát của Phù Nam; Amavarati và Vijaya lệ thuộc Lâm Ấp; lãnh thổ Aryaru được dùng làm khu vực "trái độn".
Ảnh hưởng của Lâm Ấp vào cuối thế kỷ 5 mở rộng về phía Tây đến tận miền Nam Lào (Champassak), nhưng đến đầu thế kỷ 6 thì lọt vào tay người Khmer; lãnh thổ Lâm Ấp chỉ còn trải dài từ sông Lô Dung (Thừa Thiên) đến đèo Cù Mông (Phú Yên). Vào đầu thế kỷ 7, Phù Nam bị người Khmer chiếm đóng và xóa bỏ; Panduranga và Kauthara nhân cơ hội liên kết với Lâm Ấp phía Bắc để thành lập một vương quốc thống nhất mang tên Campapura (hay Champa), mà sử sách Việt Nam gọi là Chiêm Thành, chống lại đế quốc Angkor của người Khmer ở phía Tây Nam và người Việt ở phía Bắc. “Chiêm Thành” đề cập trong bài chính là Vương quốc này!


[1] Cuộc chiến giữa Đại Việt của người Việt ở phía bắc với Chiêm Thành của người Chăm ở phía nam kéo dài tới 7 thế kỷ. Nó được bắt đầu vào năm 982 thời Tiền Lê quá các năm 1044, 1069, 1075 thời nhà Lý; năm  1367-1396 thời Trần; năm 1400-1407 thời nhà Hồ; năm 1446, 1471 thời Lê sơ; các năm 1611, 1653, 1653, 1693, 1693  thời các chúa Nguyễn. Dưới thời chúa Nguyễn có đóng góp của một người họ Lương là Lương Văn Chánh (梁文正, ?-1611,  khi mất được truy phong là Phù Quân công, Thần bảo Hộ dân, Hựu Thuận Phong công, Tỉnh Tiết rồi Dục bảo Trung hưng Thượng đẳng thần).
Kết quả của các cuộc chiến này là sự Nam tiến, mở rộng bờ cõi về phía Nam của Đại Việt, kéo theo đó là sự di dân, nhất là dân vùng “thang mộc” Thanh Nghệ vào làm ăn, khai hoang, giữ vùng đất mới!
Trong đó, ở thế kỷ XV, trận  diễn ra năm 1471 Lê Thánh Tông đã thắng lớn, sáp nhập phần đất phía bắc của Chiêm Thành vào Đại Việt (thừa tuyên Quảng Nam). Phần còn lại của Chiêm Thành bị chia nhỏ, hầu như không còn được nhắc đến trong sử sách.
[2] Sau thắng lợi 1471, Thánh Tông sai Kỳ quận công Lê Niệm (黎念, ? - 1485) đem 3 vạn quân vào đánh, bắt em Trà Toàn (槃羅茶全 / Bàn-la Trà-toàn, ? - 1471, vua cuối cùng của Champa) là Trà Toại giải về kinh. Sau chiến thắng, Thánh Tông thực hiện chính sách mới, bình định và Việt hóa dân chúng người Chiêm Thành và sáp nhập lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành (vùng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nay) vào Đại Việt, lập thành thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Tất nhiên, vì ở xa nên từ 1471-1578 vùng này vẫn là đát “ki mi” 羈縻phụ thuộc lỏng lẻo vào Đại Việt.
Như thế năm 1476 Đại Việt của nhà Lê không còn giao tranh với Chiêm Thành nữa. Khi đó phần đát còn lại của Chiêm Thành đã bị chia làm 3 là Đại Chiêm (Ninh Thuận, Bình Thuận nay), Hoa Anh (Phú Yên, Khánh Hòa nay) và Nam Phan (vùng Tây Nguyên nay).
[3] Nay là các huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh.
[4] Nay là các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang và một phần phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận.
[5] Hay Quốc triều Hình luật國朝刑律, khởi thảo từ thời Lê Thái Tổ (黎太祖, 1428-1433), được bổ sung dưới các triều Lê Thái Tông (黎太宗, 1433-1442), Lê Nhân Tông (黎仁宗, 1442-1459), hoàn chỉnh dưới thời Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1460-1497).
[6] Ví dụ: Thân Duy Nhạc 京時申 và Ngô Văn Tổng 文綜 dấy quân ở Kinh Bắc 京北; Trần Tuân 陳珣 đánh phá Sơn Tây 山西; Phùng Chương 馮章 quấy miền Tam Đảo 三島; Trần Công Ninh 陳公寧 chiếm giữ Phúc Yên 安朗; Lê Hy 黎熙, Trịnh Hưng 鄭興, Lê Văn Triệt 黎明撤 tung hoành ở Thanh Nghệ  清華 乂安; Trần Cảo 陳高 mạo xưng là cháu chắt của Trần Thái Tông cùng con là Thăng , tướng là Phan Ất cùng với đồ đảng dấy quân ở Hải Dương,...
[7] Khi đó, Lương Đắc Bằng đã được Lê Tương Dực triệu về triều phục chức Lại bộ Thượng thư吏部尚書 (như Bộ trưởng Nội vụ nay) kiêm Đại Học sĩ Đông các coi sóc tòa Kinh Diên東閣大學士入侍經筵 (nơi Vua đọc sách). Thấy tình hình đất ước rối ren, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh, chém giết nhau, chốn Kinh sư đẫm máu, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện, ông không nhận chức mà nhân đó soạn dâng kế sách “Trị Bình” 14 chước 治平十四策 lên Lê Tương Dực. Vua xem khen nhưng không dùng.
[8] Ông là người có sức khỏe. Thời trẻ, ông nhà nghèo làm nghề đánh cá. Khi Lê Uy Mục (黎威穆, 1488 –1509) tổ chức thi tuyển dũng sĩ, Mạc Đăng Dung đã trúng Đô lực sĩ xuất thân (còn được gọi là Võ trạng nguyên), được sung vào đội quân Túc vệ cầm dù theo vua. Trong hàng ngũ võ quan Nhà Lê, Mạc Đăng Dung tỏ ra là người thật thà ngay thẳng. Được thăng làm Đô Chỉ huy sứ vệ Thần Vũ, đến thời Lê Tương Dực (黎襄翼, 1509 – 1516) thăng Vũ Xuyên bá.
[9] Mối thâm thù Lương gia của nhà Mạc truyền đến cả đời sau mà Phả có chép (đại ý): Mạc Thái Tông (莫太宗, 1530 –1540, con Mạc Đăng Dung) nghe Lương Hữu Nhược (tức Thế Thuận, con Thế Thái, cháu Thế Thời, chắt Thế Cốc) cực kỳ thông minh đang phò Trang Tông Lê Ninh (黎寧, 1514-1548) ở Ai Lao làm trung lương danh tướng nên đã tróc nã, bắt được Thế Hựu (em Thế Thuận, tức chắt Thế Cốc). Tôn tộc Lương gia ly cư, có những chi nhánh khác chẳng biết ở đâu.
[10] Nên nhớ rằng Phả do cụ Lương Thế Dụ, cháu 5 đời của Lương Tướng quân (Thế Cốc-Thế Thời-Thế Thái-Thế Hòa-Thế Đạt-Thế Dụ) soạn, chép lại  sự kiện sau 2 thế kỷ, dưới dạng “hồi cố” (không phải chính biên), trong bối cảnh tôn tộc lưu tán, biệt xứ  mấy đời sau mới trở về  “quê cũ Cao Hương, phụng thủ từ đường, tu tạo cửa nhà, soạn phả ký để lại cho con cháu” nên độ chính xác khó mà tuyệt đối!
[11] Căn cứ vào quy chế thi cử thời đó: Lương Đắc Bằng thi Hội khoa Kỷ Mùi 1499 thì ông phải dự kỳ thi Hương trước đó 1 năm hoặc trước đó 4 năm chứ không có chuyện 22 tuổi cùng đỗ cả 2 kỳ được! Do đó có thể Lương Đắc Bằng sinh năm 1472, năm 24 tuổi đỗ Giải nguyên, năm 28 tuổi đỗ Bảng nhãn.
Đồng thời: Cụ không thể thọ 59 tuổi được. Bởi nếu vậy thì năm mất của cụ là 1472+59=1531, khi đó đã hết thời Lê Sơ (後黎朝, 1428-1527) sang nhà Mạc (莫朝,1527-1592) rồi. Kết hợp lại có thể nhận xét Cụ thọ hơn 50 tuổi nên mất Bính Tý 1516 hay Bính Tuất 1526 hoặc khoảng giữa 2 mốc đó!!

1 nhận xét:

  1. Lg.Đ.V. Phúc: có 2 đoạn viết về L.Đ. Bằng lệch nhau về thời gian:
    Ở mục 5. Kết luận:
    * Thời gian ấy, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516) đã nhận ra mưu mô xảo quyệt của Mạc Đăng Dung,
    Nhưng ở mục 6. Liên quan đến phái nhà tôi thì:
    *. một hậu duệ của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 - 1522) là Lương Đắc Cam 梁得甘
    vậy - 1516 hay 1522?

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!