[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


24 tháng 7 2019

CẤP HÀNH CHÍNH HIẾM và CÔNG TÍCH CỦA MỘT LƯƠNG NHÂN

Ở Việt Nam, trong tiến trình lịch sử, ngoài những cấp hành chính khá phổ biến (như: Lộ , Trấn , Xứ , Tỉnh , Phủ , Châu , Mường 𤞽, Huyện , Tổng , Xã , Trang, Phường,… đến Động , Làng , Thôn , Sách , Bản , Vạn, Xóm 𥯎, Trại ,…) nhiều lần tách nhập, thêm, bớt, thay đổi tên gọi,…còn có một cấp hành chính mà ít ngường biết đến. Đó là “thuộc”, tồn tại một thời gian ngắn tại vùng “đất mới” và đặc biệt nó gắn với công lao của một bậc tiên hiền tài danh mang họ LƯƠNG, người sau này được tôn là THÀNH HOÀNG TỈNH PHÚ YÊN!
1. Trước thế kỷ IX, tại vùng nay là duyên hải miền Trung ở phía nam đèo Hải Vân có những nhóm dân cư bản địa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, từ hải đảo mang vào và từ Phù Nam đem lên. Những nhóm đó tập hợp thành các tiểu quốc có một lãnh thổ nhất định, nằm giữa hai đèo, sinh hoạt tương đối độc lập với nhau. Đó là các tiểu quốc: Amavarati (Quảng Nam), Vijaya (Bình Định), Aryaru (Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Bình Thuận).
Sau đó, theo dòng thời gian, các tiểu quốc này liên kết với nhau thành một vương quốc thống nhất mang tên Campapura (hay Champa), mà sử Việt gọi là Chiêm Thành, chống lại đế quốc Angkor của người Khmer ở phía Tây Nam và người Việt ở phía Bắc.  
2. Năm 1471, trận “Bình Nam” vượt đèo Hải Vân, quan quân Đại Việt大越 đã thắng lớn. Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1460 –1497) sáp nhập phần đất phía bắc của Chiêm Thành (vùng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nay) vào Đại Việt (Thừa tuyên Quảng Nam廣南承宣). Tại vùng đất mới này, Thánh Tông thực hiện chính sách mới, bình định và Việt hóa dân chúng Chiêm Thành nhưng vì ở xa nên từ 1471-1578 triều đình vẫn chưa thực sự quản chặt được vùng này.
Theo một vài tài liệu thì Đức vua Thánh Tôn đã đến Đá Bia (石山碑, cực Nam Phú Yên nay) và cho khắc câu: “Chiêm Thành quá thử binh bại quốc vong; An Nam quá thử tướng tru binh chiết” và coi Phú Yên nay là “trái độn” để thuộc quyền quản lý của Chiêm Thành với tên gọi Ayaru nhưng triều nhà Lê vẫn quản lý dạng “ki mi” (羈縻, ràng giữ nhưng buông thả nhằm duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn). Còn việc xác lập chủ quyền tại Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Bình Thuận) là chuyện của những thế kỷ sau của các Chúa Nguyễn (阮王, 1558–1777).
3. Khi thừa tuyên Quảng Nam yên ắng và thuộc quyền quản lý của Trấn thủ xứ Thuận Quảng 順化- 廣南 là Nguyễn Hoàng (阮潢, trị vì 1558-1613), năm 1575, 1579  Lương Văn Chánh (梁文正, 1540?-1611) [1] được cử  vào phía Nam đèo Cù Mông ổn định tình hình, mộ dân khẩn hoang lập nghiệp trên vùng đất Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn. Vùng này đến năm 1611 chính thức được đặt tên là Phú Yên (富安, an định, phú cường) với cấp hành chính là “phủ” trong tổ chức chính quyền bấy giờ. Như thế, từ cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông (1471) đến khi người Việt chính thức lập làng mạc trên vùng đất Phú Yên theo chủ trương của chính quyền (Đàng Trong) là hơn 100 năm, một thời gian khá dài đủ để cho những lưu dân người Việt trước đó và người Chăm tiếp xúc, giao lưu và hợp tác sinh sống làm ăn.
Tại vùng đất mới, Lương Văn Chánh cho khai khẩn đất hoang, một phàn xung công điền, có phần để “khuyến nông”. Ngót 40 năm công cuộc khai khẩn của người dân gốc Thanh Nghệ, Thuận Quảng, dưới sự lãnh đạo của Lương Văn Chánh tại vùng Phú Yên đã thu được kết quả to lớn.
Ghi nhớ công lao mở cõi của vị vua anh minh Lê Thánh Tông và công lao khai khẩn vùng đất này của viên tướng tài ba, mẫn cán, nhân văn là Lương Văn Chánh, đời sau đã truyền tụng: “Thánh Tông lưu quốc sử; Lương tướng dội biên thùy” và tại Đền thờ Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh[2] ở Phụng Nguyên[3] có đôi câu đối:
Hồng Đức thiên biên tồn sự nghiệp;
Phụng Tường Miếu mạo đối sơn hà.
(Tạm dịch: Hồng Đức bên trời còn sự nghiệp;
Phụng Tường dựng miếu chói non sông.)[4]
4. Sau thời gian cho hưởng quy chế ki mi, Chúa Nguyễn dần xiết chặt kỷ cương, thiết lập các tổ chức hành chính và đến 1629 cho đổi “phủ Phú Yên” thành “dinh Phú Yên”. Dưới “dinh” là “phủ”, “huyện”, “châu”, “xã”.
Điều đặc biệt là ở đây còn có cấp “thuộc”. Cấp này ngang cấp “tổng”, tức bao gồm nhiều làng (lớn có trên 10 dòng họ là “xã”, nhỏ là “thôn”) nhưng chỉ đặt ở những nơi còn thưa dân, chưa phát triển mấy. “Thuộc” có 100 người đặt 1 “tướng thần”, từ 101-499 người đặt “ký thuộc”, trên 500 người đặt “cai thuộc”. Toàn Phú Yên ngày đó có 38 thuộc![5]
Dưới “thuộc” là các “thôn”, “phường” (các làng nghề) , “nậu” (nhóm nhỏ cùng làm một nghề), “man”.
5. Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (阮福澍, trị vì 1725-1738) xóa bỏ các đơn vị hành chính “Thuộc”, “Nậu”,... Nhưng trên phạm vi xứ Đàng Trong, đơn vị hành chính “thuộc” tồn tại đến năm 1815 ở Bình Định hay còn được dùng để gọi tên một “cấp hành chính” của người Minh hương (明香/, người Hoa sống trên đất Việt). Hệ thống gồm có: “trang” (tương đương làng, xã của người Việt) - “thuộc” (tổng) - “bang” (huyện). Hệ thống này (không có địa bàn, chức năng quản lý hành chính nhưng có quyền xác nhận nhân thân, hộ tịch và giúp chính quyền, trực tiếp thu thuế người Minh Hương) đến khỏang năm 1945 - 1950 mới không còn dùng nữa.
Tất nhiên, những nội dung viết ra trên đây chỉ là thu nhận của người khảo cứu qua đọc, tìm hiểu những tài liệu có trong tay! Mức độ xác thực đến đâu, chưa đoán biết được. Tập hợp và lưu tại đây, cũng là một cách tưởng nhớ bậc Tiên hiền trong họ nhân kỷ niệm ngày 27/7.
-Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK, 24/7/2019-


[1] Sau khi Lương Văn Chánh mất, các con của ông được các chúa Nguyễn phong tước hầu, gồm có Vĩnh Lộc hầu chánh Đề đốc Lương Công Vĩnh, Quảng Xuyên hầu phó Đề đốc Lương Công Triều, Thọ Khương hầu Cai phủ Lương Công Qúi.
Nhưng chưa rõ vì sao mà công tích cũng như một số điểm về tiểu sử của ông lại không được ghi chép, lưu giữ cẩn thận để ngày nay để lại nhiều “khoảng trống”, gây tồn nghi cho hậu thế?
[2] Trong Đền thờ có 14 sắc chỉ, sắc phong từ thời vua Lê Thế Tông (1596) đến đời vua Duy Tân (1909). Hàng năm, chính quyền địa phương và tộc họ tổ chức dâng hương nhân ngày giỗ Thành hoàng Lương Văn Chánh vào ngày 19 tháng 9 âm lịch và lễ hội tại đền thờ ngày 6 tháng 2 âm lịch.
Tại đây, tháng 10 năm 2016, Đại hội Đại biểu họ Lương Việt Nam lần thứ II đã được tổ chức một cách long trọng và thành công rực rỡ. Đại hội đã bầu Ban Liên lạc, Ban Thường trực và Hội đồng Trưởng lão Nhiệm kỳ II.
[3] Làng Phụng Tường đổi thành xã Phụng Các vào năm 1832, đến năm 1899 phân chia ra làm 3 làng là Phụng Tường, Long Tường và Phụng Nguyên thuộc tổng Hòa Tường, phủ Tuy Hòa.
 Khu vực này là nơi khai phá và định cư sớm của lưu dân Việt sau đợt di dân lập ấp của Lương Văn Chánh năm 1578. Cùng với các làng xã khác trên các khu vực Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, sự hình thành làng Phụng Các góp phần vào việc ổn định cuộc sống ban đầu của lưu dân Việt trên vùng đất mới trải dài từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia, trên cơ sở đó tạo ra những tiền đề quan trọng góp phần quyết định cho sự ra đời phủ Phú Yên năm 1611.
[4] Theo ĐỊA DANH PHÚ YÊN, Nguyễn Đình Chúc, NXB VHTT, 2014, tr471.
[5] Theo ĐỊA DANH PHÚ YÊN, Nguyễn Đình Chúc, NXB VHTT, 2014, tr 31,32.

1 nhận xét:

  1. “Nậu” nguyên nghĩa là làm cỏ ruộng rồi chỉ làng xóm và sau nữa thành tên một đơn vị hành chính quản lý một nhóm người có cùng một nghề.
    Khi các đơn vị hành chính như “Thuộc” “Nậu” bị xóa bỏ thì “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.
    Nhưng phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi (ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng” “bả”) nên “nậu” thành “nẩu” và người nơi ấy không phân biệt rạch ròi âm dấu hỏi và dấu ngã vì thế từà “Nậu” thành “nẩu” rồi bằng “NẪU”. Ca dao:
    Thương chi cho uổng công tình.
    Nẩu về xứ nẩu bỏ mình bơ vơ.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!