[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


31 tháng 12 2018

Truyền thống CHI HAI HỌ LƯƠNG CHIẾN THẮNG

Gần 300 năm qua[1], Chi Hai họ Lương Chiến Thắng đã phát triển bền vững, toàn diện, gắn với sự phát triển của quê hương, bắt kịp yêu cầu của thời đại, góp phần nhỏ bé xây đắp bản lĩnh dân tộc, truyền thống quê hương, truyền thống dòng họ. Dẫu không thuộc “Cao môn lệnh tộc” 高門令族, không có mấy “bí truyền”, “di ngôn”, “di cảo” nhưng họ ta cũng xứng dòng “Tiêu biểu hương thôn”.
Tìm hiểu kỹ về Tộc sử, ngoài việc biết được Lịch sử và sự phát triển của Chi họ, có thể đúc kết mấy nét về truyền thống dòng họ như sau:
- Truyền thống yêu nước, dũng cảm đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc, hòa bình của quê hương: Trong họ tuy chưa có ai được lưu danh sử sách nhưng cũng có nhiều người yêu nước, có trách nhiệm ra làm việc cho thôn, cho xã; có người đã bỏ mình vì nước, để lại bao mồ hôi, xương máu mở đất, lập làng, giữ yên xóm bản. Ngay từ thuở mới khai cơ, Tổ đã đứng đầu hương binh 鄕兵正營 trong vùng được huy động dân binh cùng quan quân triều đình dẹp loạn, cho “lòng dân thỏa” để lại “thư son khoán sắt”.
Trong những ngày đầu Cách mạng 8/1945 có Lương Đức Hiệp làm Thư ký UBCM lâm thời, Lương Đức Tiêm làm Đội trưởng du kích làng Phương Lạp. Trong 40 năm chiến tranh (1945-1986) nhiều thanh niên trong họ đã tòng chinh giết giặc cứu nước nhiều người đã bị thương, hi sinh được nhà nước ghi nhận. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến 8/2015 trong Chi Hai đã có 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (dâu Đời thứ 6), 8 gia đình được công nhận là Cơ sở Cách mạng nuôi dấu cán bộ (Đời 5, 6, 7), 5 Liệt sĩ chống Pháp (Đời 6, 7), 12 Liệt sĩ CMCN (Đời 7, 8), 1 Liệt sĩ BVTQ (Đời 8), 4 Thương binh và 2 nhiễm chất độc da cam, nhiều Cựu chiến binh trong 3 cuộc kháng chiến. Trong đó có 2 anh em ruột đời thứ 7 liệt sĩ CMCN: Lương Đức Vịnh, Lương Đức Vinh là con Mẹ VNAH Hoàng Thị Đẫn (với ông Lương Đức Uyên, con cụ Tổng Thuyết)[2].
Trong họ không ai nợ máu, phản dân (kể cả trong thời nhiễu nhương), làm tổn thương đến thanh danh dòng tộc, quê hương.
- Truyền thống hiếu học: Phát huy truyền thống của cụ Giáo Chinh, những năm sau 1954, Lương Đức Nhỡ, Lương Đức Thân mở lớp Bình dân học vụ tại làng; rồi những năm Lương Đức Yên, Lương Đức Tĩnh dạy Vỡ lòng ở quê, Lương Đức Thân, Lương Đức An mở lớp dạy con cháu, Lương Đức Mến mới học lớp 6 đã mở lớp dạy Bổ túc cho người không biết chữ trên đất mới.
Các thế hệ sau này đều được ăn học, cố gắng phấn đấu, đạt nhiều Danh hiệu về học hành và tu dưỡng, có cháu vào Đảng ngay trong trường Đại học ở tuổi 20. Nhiều con cháu dòng họ đạt học vị Kĩ sư, Bác sĩ, Thạc sĩ. Nhiều gia đình từng được tổ dân phố, xóm làng suy tôn là “Gia đình Hiếu học”, “Gia đình Văn hóa”. Gia đình ông bà Lương Đức Thân 故梁德親之妻范氏婉 ở thôn An Phong, được UBND huyện cấp XÁC NHẬN KỶ LỤC năm 2009 đạt “Hộ Gia đình có nhiều người trình độ Đại học trở lên Nhất”, trong đó nhà Lương Đức Mến cả 2 vợ chồng, các con trai, gái, dâu, rể đều tốt nghiệp Đại học và có 3 Thạc sĩ:
Cha ông mở đất xây thôn xóm 吒翁開坦立村社;
Cháu con tích học nối nghiệp nhà 宗昆積學綏業茄.
- Truyền thống xây dựng quê hương,  khai phá những miền đất mới: Mang sẵn dòng máu cải cách, mở mang của tiền nhân, Thuỷ Tổ ta đã rời bản quán 本貫 bên Tiên Minh (nay là huyện Tiên Lãng) sang khai cơ đất Cao Mật.
Thời hiện đại, từ vùng đất “lưng tựa núi Voi, mặt nhìn Văn Úc”, con cháu tộc Lương Chiến Thắng tiếp tỏa đi nhiều nơi, cả trong Nam, ngoài Bắc, ra biển, lên rừng lập nên các chi phái ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắk Lắk, Lào Cai,... tạo ra các thế hệ con cháu ngày càng đông đàn, dài lũ. Thành viên trong tộc họ nhanh chóng hoà đồng với dân cũ 舊民 để ghé vai góp sức xây nên quê mới nơi 他鄉異域 tha hương dị vực (đất khách quê người). Việc chuyển cư, hình thành các chi phái mới ở đâu, với dòng họ, gia đình nào cũng rất lý thú và cảm động, đặc biệt trong thời loạn lạc. Nhưng tiếc thay, tư liệu thiếu hoặc tản mát chưa tìm thấy nên quá trình ấy còn nhiều khúc ngắt quãng, nhiều chuyện chưa rõ thực hư, chưa khảo cứu nên không được đưa vào đây. Nhưng dù sao vẫn nhớ:
Phúc xưa dầy: Nơi phát nguồn linh hiển- Đời càng vững Cây, bền Gốc;
Nền nay vững: Chốn li hương cần kiệm- Ngày thêm thắm Lá, tươi Cành.
- Truyền thống sống nhân hậu, thanh liêm, cương trực: Họ ta từ xưa đã biết và thực hiện theo lẽ sống tương thân tương ái: người có điều kiện học hành, công tác thì gắng công trau dồi, mang hiểu biết và trí thức ra giúp quê, giúp đời, vì dân, vì nước. Người kinh doanh làm nghề  có thu nhập nhiều phải nêu cao tính trung thực, hiệu quả. Người làm ruộng, làm vườn chăm chỉ, làm ăn có kế hoạch, biết tính toán. Người giầu sang không lấy thế làm kiêu mạn, người nghèo thấp không lấy đó làm điều mặc cảm hay sinh ra đạo tặc. Ai ai cũng phải nên làm việc nghĩa, việc nhân, ghi nhớ công đức tổ tiên, phấn đấu tô điểm thêm cho truyền thống gia tộc, họ hàng. Tất cả mong cho họ mãi trường tồn, phát triển, càng ngày càng có đóng góp nhiều cho quê hương, đất nước.
Trong hoàn cảnh đó nên tuy chưa có ai đủ mức Dương danh hiển Gia 揚名显家 nhưng nhiều người vì vị trí công tác, ảnh hưởng trong xã hội mà con cháu họ mạc đã được nhờ cậy. Người chăm lo sản xuất, kinh doanh có của ăn, của để biết san sẻ, chu cấp cho bà con nội tộc, trong thôn, ngoài tổng, công đức cho việc họ, việc làng.
-  Truyền thống đoàn kết gắn bó họ hàng: Đa phần, mọi thế hệ đều có những người, tuy khó khăn về nhiều mặt nhưng rất tâm huyết với việc họ. Đặc biệt là trong việc tạo dựng Từ đường, duy trì cúng giỗ, tưởng niệm Tổ tiên, soạn thảo Gia phả, chắp nối nhận họ. Có thể kể đến Lương Đức Ổn, Lương Đức Bình, Lương Đức Chiểu, Lương Đức Thân, Lương Đức Trù, Lương Đức Mến, Lương Đức Hiệp, Lương Đức Hoạt, Lương Đức Thành,…Qua đó, tình cảm thêm gắn bó và việc trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau làm ăn thêm hiệu quả.
- Họ ta, giống như các họ khác ở miền Bắc “Trưởng” là do “cha truyền con nối” (truyền thừa) chứ không phải do “bầu” theo nhiệm kỳ (truyền hiền) như một số họ trong Nam. Đa số người giữ hương khói Đại tôn, Chi, Ngành, Nhánh,...đều là “trưởng thế” do trưởng thực không có con trai hay cháu trai. Dù vậy công việc họ vẫn được duy trì liên tục, tuy thịnh, suy mỗi thời có khác.
 - Xây dựng gia đình hạnh phúc, Ngót 300 năm qua chưa thấy nhà nào có cảnh Ngũ Đại đồng đường 五代同堂 hay Tứ Đại đồng đường 四代同堂 mà chủ yếu là các gia đình hai, ba thế hệ. Các cụ xưa ngoài vợ cả 正室 còn có thêm một hay nhiều vợ thứ 側室 để mong đông con, nhiều cháu, mạnh thế lực. Phần lớn đó là những cụ giầu có, thuộc giới chức dịch làng tổng. Song thực tế cho thấy “Hoa khai bất trạch bần gia địa” (花開不擇貧家地 , hoa nở chẳng lựa đất nhà nghèo) và con cái muốn trưởng thành rất cần cái uy của người cha, đúng như cổ nhân đã nói: “Mẹ đánh ba năm, không bằng cha hăm một tiếng”. Người cha (“嚴父 Nghiêm đường”) cổ vũ, động viên và luôn răn đe, giáo dục vợ, con. Nhưng nếu quá lạm dụng điều đó thì cũng sẽ tạo ra một hệ lụy không hay bởi “Giáo đa thành oán” (教多成怨, Dạy nhiều thành ra thù giận). Mặt khác điều may khó đến thường xuyên (Phúc vô song chí 福無雙至 hay Họa Phúc không cửa 禍福無門). Một số người, cả trai lẫn gái, dâu hay rể trót mắc sai nếu sớm biết lỗi và sám hối thì đều được họ mạc thứ tha và hậu vận cũng được tốt đẹp. Đó chính là “Giáo nhi hậu thiện” (教而後善, Nhờ nghe lời dạy bảo mà sau đó trở nên lành) do đó đã 換惡成仁 Hoán ác thành nhân. Nhưng trong việc này cần nhớ : “Giáo tử anh hài, Giáo phụ sơ lai” (教婦初來,教子嬰孩: Dạy con từ thuở còn thơ, Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về) mới có hiệu quả tốt, bền.
- Trong gia đình Lương tộc, cái “Đức” của người Mẹ rất quan trọng, ứng với câu “Phúc tại Mẫu” 福在母, con nhờ Đức mẹ! Nhiều bà nhanh nhẹn, giỏi thu vén nhưng lại hiếu thắng, khinh miệt chị em, “đâm thùng, tháo đáy” thì chỉ hưng thịnh tạm thời. Ngược lại có những bà thủa trẻ luôn vất vả hết lòng lo toan cho chồng con, gánh việc nhà chồng, không màng danh lợi, chú ý tích thiện, giữ nền nếp gia phong thì con cháu trưởng thành và bản thân cuối đời được nhờ cậy, đáp đền. Đó là bởi họ đã tạo ra được “Gia hòa vạn sự hưng” (家和萬事興Gia đình hòa thuận thì muôn việc đều thịnh) nên có “tử vinh mẫu quý” 子榮母貴, “Phúc chí tâm linh” 福至心靈. Cái Đức , sự nhẫn nhịn của người vợ, người mẹ còn giúp cho gia cảnh ấm êm, anh em hòa thuận, mọi việc hanh thông. Đó thực là những người vợ, người mẹ “Vượng phu, ích tử” 旺夫益子.  Có thể kể đến 2 Bà Mẹ VNAH (dâu Đời thứ 6) là Phạm Thị Điển và Hoàng Thị Đẫn.
- Ngày xưa lấy nhau chủ yếu do mối lái nên thường con dâu gần nhà, có mối quan hệ. Nữ nhân họ ta lấy chồng trong vùng thường làm dâu họ Đặng, Đào, Đàm, Phạm, họ Trần. Ví dụ là dâu họ Phạm Cốc Tràng có: Lương Thị Cát, Lương Thị Lục, Lương Thị Nhường, Lương Thị Tịch, Lương Thị Rỡ, Lương Thị Mừng, Lương Thị Bột, Lương Thị Bớt, Lương Thị Suối, Lương Thị Vách, Lương Thị Hào, Lương Thị Luấn, Lương Thị Đốc[3],…
Không biết tự bao giờ đã thành lệ: cứ 1 gái họ Lương làm dâu các họ đó thì lại có 1 gái họ này sang làm dâu họ Lương[4]. Do đó trong làng nhiều nhà có họ hai mang[5]. Sự “đổi dâu” một phần tăng tình thân nhưng nhiều khi cũng gây phiền phức, có lần 2 họ đã “giàn trận” đánh nhau máu thấm ruộng cày[6] !.
Khi đi làm dâu nhà người, các nữ nhân họ ta đều có trách nhiệm với gia đình, họ hàng, làng xóm, nhiều người xứng danh “Vượng phu ích tử” 旺夫益子, góp phần nhất định vào sự phát triển của các gia đình ấy...
- Lương Đức Mến, trích trong cuốn Gia phả đang soạn-


[1] Tính từ khi gặp năm đói kém 家貧年奇, Tổ được cha mẹ “bên nồi bên con” vượt sông Văn Úc sang lập nghiệp tại Cao Mật, huyện An Lão, khoảng năm 1730-1750.
[2] Dẫn theo Lịch sử Đảng bộ xã Chiến Thắng và cung cấp của các Ngành.
[3] Dẫn theo bản Phú úy họ Phạm Đình thôn Cốc Tràng.
[4] Chính anh bà tôi lại lấy chị gái ông tôi (bà Huân). Sau này ở An Phong, Phong Niên trên Lào Cai có tình trạng 2 chị em lấy 2 anh em như cặp Thuộc-Nghị, Quang-Loan và cặp Hoàn-Thường, Phúc - Toan nhưng không phải là kết quả của sự “trao đổi cô dâu”  mà do các em tự tìm hiểu  trong điều kiện xóm có ít nhà.
[5] Điển hình như bà Lương Thị Tình lấy ông Đặng Văn Ái (bố bác Nhỡ) và bà Lương Thị Huân (cô bố tôi) lấy em ông Ái ở đời 5, sang đời 6 còn mấy cặp. Có khi  thuận vai như cặp bác Đặng Văn Thoả (con ông Ái)- Lương Thị Huấn (con ông Khuê), bằng vai nhưng  khác vế như cặp Lương Đức Thông (con anh ông tôi)- Đặng Thị Quắm. (con em bà tôi). Nhưng cũng có khi khác đời như bố mẹ Ngoãn (Ngoãn bằng tuổi tôi và học cùng tôi từ Vỡ lòng đến lớp 2), tôi gọi mẹ Ngoãn (Đặng Thị Nguyên) là cô nhưng gọi bố Ngoãn (Lương Đức Thê) là anh.
[6] Tôi chợt nhớ câu ca: “Bịt được miệng chĩnh, miệng vò, Nào ai bịt được miệng Cô, miệng Dì”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!